- Đọc tác phẩm: Lời Phật Dạy Về Sự Hòa Hợp Trong Cộng Đồng Và Xã Hội
- Chương 01: Chánh Kiến
- Chương 02: Rèn Luyện Cá Nhân
- Chương 03: Đối Trị Sân Hận (Tỳ Kheo Bodhi, Việt dịch: GS Trần Như Mai)
- Chương 04: Chánh Ngữ
- Chương 05: Tình Bạn Tốt Đẹp
- Chương 06. Lợi Lạc Cho Mình và Lợi Lạc Cho Người Khác
- Chương 07: Cộng Đồng Thành Lập Có Chủ Đích
- Chương 08: Tranh Chấp
- Chương 09: Giải Quyết Tranh Chấp
- Chương 10: Thiết Lập Một Xã Hội Công Bằng (sách: Lời Phật Dạy về Sự Hòa Hợp trong Cộng Đồng và Xã Hội, nguyên tác: Bhikkhu Bodi, Việt dịch: GS Trần Như Mai)
- Sách nói: Lời Phật Dạy về Sự Hòa Hợp trong Cộng Đồng và Xã Hội
LỜI PHẬT DẠY
VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG
CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI
The Buddha’s Teachings on Social
and Communal Harmony
An Anthology of Discourses from the Pāli Canon
by
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications 2016
Việt dịch:
Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN
GIỚI THIỆU
Đức Phật dạy rằng những quan điểm của ta ảnh hưởng đến tất cả mọi phương diện khác của cuộc đời ta. Ảnh hưởng bắt đầu bằng quan điểm của ta có tác dụng đối với động cơ hành động của ta. Trong cấu trúc của Bát Thánh Đạo, tà kiến là điều kiện tạo nên động cơ hành động sai trái, vì các ý định bị điều khiển bởi tham, sân và bạo động, trong lúc chánh kiến là điều kiện tạo nên động cơ hành động đúng đắn, vì các ý định được điều khiển bởi tâm không dính mắc, bao dung và từ bi (1). Đức Phật so sánh tà kiến như một hạt giống đắng, từ đó sẽ không tránh được nẩy sinh ra cây đắng ( Tăng Chi BK , Ch 10:104) : “ Giống như hạt giống cây nimba, dưa đắng hay mướp đắng, được trồng vào đất ẩm và được tưới nước, tất cả sẽ đưa đến những quả với vị đắng, cũng vậy đối với người có tà kiến…bất cứ hành động nào về thân, khẩu và ý mà người ấy thực hiện theo tà kiến, và bất cứ ý muốn, lòng khao khát, khuynh hướng và hoạt động nào của người ấy, tất cả đều đưa đến tổn hại và đau khổ. Vì sao vậy ? Bởi vì quan điểm của người ấy là sai trái ”
Chánh kiến, trái lại, như hạt giống của một cây ngọt: “ Cũng giống như hạt giống cây mía, cây lúa hoặc cây nho, được trồng trong đất ẩm và được tưới nước, tất cả sẽ cho ra những quả có vị ngon ngọt, cũng vậy, đối với người có chánh kiến… bất cứ hành động nào về thân, khẩu và ý mà người ấy thực hiện theo chánh kiến, và bất cứ ý muốn, lòng khao khát, khuynh hướng và hoạt động nào của người ấy, tất cả đều đưa đến an vui hạnh phúc. Vì sao vậy ?Bởi vì quan điểm của người ấy là chơn chánh.”
Như vậy, khi chúng ta có tà kiến, quan điểm ấy hình thành những ý định của ta bằng cách biểu hiện thành những thái độ bất thiện và hành động xấu ác. Đối với Đức Phật, động cơ hành động đạo đức bị phá hoại do có niềm tin rằng không có sự tồn tại của con người sau khi chết, không có giá trị khác nhau giữa hành động thiện và ác, và không có tự do lựa chọn giữa đúng và sai. Trái lại, động cơ hành động đạo đức được tăng cường sức mạnh do có niềm tin rằng cái chết không phải là dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn của một hiện hữu con người, rằng có phân biệt giá trị khác nhau giữa hành động thiện và ác, và số phận của chúng ta không phải nhất thiết do các thế lực bên ngoài quyết định. Nhưng quá trình chuyển hóa cá nhân không phải tự động xảy ra.Để cho chánh kiến tạo được một ảnh hưởng tích cực đòi hỏi nỗ lực cá nhân, một nỗ lực có chủ đích làm cho cách ứng xử của ta được hài hòa với tri kiến và những ý định của ta.
Những kinh văn trong Phần II minh họa tác dụng chuyển hóa của chánh kiến và những ý định chơn chánh đối với cách hành xử của ta. Tôi đã xếp các đoạn kinh theo cách sắp xếp truyền thống về đức hạnh thành ba loại : bố thí, trì giới, và thiền định ( dāna, sila, bhāvanā). Điều này tương hợp với phương pháp giảng dạy giáo lý của Đức Phật, theo đó Ngài thường bắt đầu với tâm hào phóng, tiến đến cách hành xử đúng đắn (trì giới), và rồi khi người nghe đã sẵn sàng, Ngài giảng dạy Tứ Diệu Đế và Bát Thánh Đạo.
Tôi bắt đầu với bài kinh làm nổi bật những phương diện khác nhau của tâm hào phóng hay là bố thí. Tâm hào phóng (cāga) có thể được xem là một biểu lộ của chánh tư duy về việc từ bỏ. Đó là thuốc chữa trị lòng keo kiệt, vốn là một hình thái phát triển của tâm chấp thủ, như trong Kinh Văn II, 1, (1) trình bày, đó là sự do dự không muốn chia sẻ tài sản, bạn bè và ngay cả kiến thức với người khác. Trái ngược với tâm keo kiệt là tâm hào phóng, như đã ghi nhận ở Kinh Văn II,1, (2), bộc lộ qua hành động bố thí ( dāna), theo đó hành giả từ bỏ dính mắc với sở hữu của mình và vui thích chia sẻ chúng với người khác. Như vậy, bố thí tạo nên sự gắn bó đoàn kết với người khác và nuôi dưỡng một cảm giác hỗ trợ lẫn nhau.
Bố thí có thể được thực hiện vì nhiều lý do, nhưng như Kinh Văn II,1, (3) khẳng định, lý do trước tiên của việc bố thí là “ nhắm mục đích trang nghiêm tâm ”. Hành động bố thí có thể được thực hiện bằng nhiều cách, nhưng theo Kinh Văn II, 1 (4), cách thực hiện tốt nhất là đặt trên cơ sở niềm tin, được thực hiện với lòng kính trọng, vào đúng lúc, với một tâm hào phóng, và điều quan trọng là không coi thường người nhận. Đặc biệt bố thí có nghĩa là trao tặng cho những người có nhu cầu những phẩm vật có thể giúp họ giảm bớt khó khăn.Kinh Văn II,1 (5) và II,1 (6) nói rằng thực phẩm là chính yếu trong các quà tặng vật chất (tài thí), nhưng cao thượng nhất trong tất cả các loại quà tặng , như trong PhầnII,1, (7) đã khẳng định là bố thí Pháp (Pháp thí ).
Điểm chính yếu của trì giới ( sila), theo Kinh Văn II, 2 (1), là quan sát nội tâm về mặt đạo đức, nghĩa là tự mình soi chiếu nội tâm để suy xét những hậu quả có thể xảy ra về các hành động có ý thức của bản thân. Ở đây, Đức Phật dạy con trai của Ngài, là chú tiểu La-hầu-la (Rāhula), rằng trước khi hành động, hành giả cần suy xét về tác dụng của hành động ấy như thế nào đối với bản thân và người khác. Quyết định của hành giả để từ bỏ hay theo đuổi hành động ấy cần phải phù hợp với kết quả của sự suy xét, rằng hành động này có đưa đến hại mình và hại người hay không, hoặc có mang lại lợi ích cho mình và cho người khác hay không. Điều này đã đưa chiều hướng xã hội vào những suy xét đạo đức riêng tư của hành giả.Tuy nhiên, yếu tố ‘quan tâm đến người khác’ cần phải được quân bình với yếu tố ‘lợi ích bản thân đã được nhận thức đúng đắn’, dựa trên việc suy xét ảnh hưởng của hành động có ý thức ấy đối với bản thân.Hành giả không làm lợi ích cho kẻ khác theo những phương cách có thiệt hại đến đạo đức liêm chính của bản thân.
Hành xử đạo đức tự thân được nuôi dưỡng bằng cách giữ giới và hành động theo đúng với mười thiện nghiệp (thập thiện). Năm giới ( pañcasīla) do Đức Phật giảng dạy tạo nên một qui luật đạo đức cơ bản: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không sử dụng các chất gây nghiện. Giữ đúng các giới ấy, theo Kinh Văn II, 2, (2) được gọi là đã đạt được cách hành xử đạo đức. Một qui luật đạo đức rộng lớn hơn, bao gồm thái độ hướng nội và chánh kiến, được đặt vào trong mười thiện nghiệp, mở rộng yêu cầu về chánh ngữ và cũng bao gồm định hướng tâm linh.Năm giới và mười thiện nghiệp kiểm soát các hành động về thân và lời nói, bảo đảm rằng chúng ta không gây tổn hại cho người khác.Giới luật cũng giúp hình thành những ý định của chúng ta để chúng ta nhận ra loại hành động nào đưa đến xung đột và phá hòa hợp và thay thế chúng bằng những ý định thiện lành nuôi dưỡng sự hài hòa.Kinh Văn II, 2, (3) trình bày việc giữ giới không những tích lũy lợi ích cho bản thân mà còn trải rộng đến vô số người khác, làm cho “vô số chúng sanh được thoát khỏi sợ hãi, thù hận và khổ đau”. Như vậy, hành động đạo đức sẽ thống nhất cách hành xử lợi mình và lợi người, hòa nhập nhu cầu ‘lợi ích bản thân đã được nhận thức đúng đắn’ với lòng vị tha, vì lợi ích của người khác .
Song hành với việc chấp nhận cách hành xử thiện lành là nỗ lực tu tập tâm linh. Tu tập tâm linh liên quan đến một tiến trình gồm hai mặt nhắm đến việc hướng tâm lánh xa những cảm xúc phiền não cấu uế và làm sinh khởi những phẩm chất tinh thần đưa đến khinh an, thanh tịnh, và an bình nội tâm. Vì có rất nhiều kinh của Đức Phật giảng dạy về hai tiến trình này, tôi phải giới hạn sự tuyển chọn vào những bài kinh thích hợp nhất trong vấn đề cổ xúy cho sự hòa hợp trong xã hội.
Kinh Văn II,3 (1) là một trích đoạn từ bài kinh “Ví Dụ Tấm Vải”, mạnh mẽ khuyên chúng ta loại trừ mười sáu điều cấu uế của tâm thức. Khi quan sát chúng, ta thấy rằng hầu hết các cấu uế ây – là những tâm hành như tham dục, sân hận, si mê hay thù nghịch, đố kỵ hay keo kiệt – đều có những hậu quả phức tạp trên bình diện xã hội rộng lớn. Như vậy, tiến trình rèn luyện tâm thức, trong lúc đem đến thanh tịnh nội tâm, đồng thời cũng đưa đến hòa hợp xã hội.
Trong một bài thuyết pháp tự thuật về bản thân, được trích dẫn một phần trong Kinh Văn III, 3, (2), Đức Phật giải thích, khi Ngài đang nỗ lực tìm cầu giải thoát, Ngài đã chia ý niệm của Ngài thành hai loại - thiện và bất thiện - và rồi Ngài sử dụng sự suy tư thích hợp để loại bỏ những ý niệm bất thiện và phát triển những ý niệm thiện. Sự suy tư của Ngài không những chú trọng đến ảnh hưởng của các ý niệm ấy đối với chính bản thân mà còn là tác dụng của chúng đối với người khác. Những ý niệm bất thiện là những gì đưa đến tổn hại cho người khác, và những ý niệm thiện là những gì vô hại.Kinh Văn II, 3, (3) giải thích tiến trình được gọi là “đoạn trừ phiền não” ( sallekha), nghĩa là loại trừ những tâm hành bất thiện, như là loại trừ bốn mươi bốn phiền não cấu uế, một kế hoạch đầy đủ trọn vẹn bao gồm nhiều nhóm phụ thuộc như là năm chướng ngại, mười ác hạnh, và những cấu uế khác.
Cùng với việc loại trừ những phiền não cấu uế, rèn luyện tâm liên quan đến việc tu tập các đức hạnh. Trong số các đức hạnh quan trọng nhất để thiết lập hòa hợp trong xã hội là những đức hạnh bao gồm trong “tứ vô lượng tâm” (appamaññā) hay “ bốn phạm trú siêu phàm”( brahmavihāra) : Từ, Bi, Hỷ và Xả (2). Kinh Văn II, 4, (1) là công thức tiêu chuẩn của kinh điển về tứ vô lượng tâm. Như đã được định nghĩa trong các bài luận giải tiếng Pāli, Từ là mong muốn cho tất cả chúng sanh được an vui hạnh phúc; Bi là ước mong mọi chúng sanh thoát khỏi đau khổ; Hỷ là niềm hân hoan trước sự thành công và may mắn của người khác; và Xả là giữ tâm luôn bình thản, không thiên lệch trong mọi hoàn cảnh.(3).
Là nền tảng của ba vô lượng tâm kia, tâm Từ nhận được nhiều chú ý nhất trong các bộ kinh Nikayas. Tôi phản ảnh sự nhấn mạnh này bằng cách làm nổi bật tâm Từ trong các Kinh Văn II, 4, (2) - (5).Ở đây, chúng ta thấy Đức Phật ca ngợi việc phát triển tâm Từ như là những hành động đức hạnh quan trọng nhất liên hệ đến vòng luân hồi. Tâm Từ tạo nên tình thương đối với kẻ khác và bảo đảm sự bảo vệ cho chính mình . Tâm Từ đưa đến tái sinh trong các cảnh giới cao hơn và phục vụ như một điều kiện để đoạn trừ phiền não cấu uế. Trong tất cả các đức hạnh, trí tuệ được xem là tối thượng, vì chỉ cần có trí tuệ là có thể nhổ bật vĩnh viễn vô minh và khát ái trói buộc chúng ta vào vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, như Kinh Văn II, 4, (5) chỉ rõ, tâm Từ và Tứ Niệm Xứ ( Bốn Nền Tảng của Chánh Niệm ), là những pháp môn tu tập đưa đến trí tuệ, không phải loại trừ lẫn nhau mà có thể tu tập kết hợp với nhau. Chính là bằng cách tu tập Tứ Niệm Xứ và phát sinh trí tuệ mà hành giả tự bảo vệ mình; chính nhờ tâm Từ mà hành giả bảo vệ kẻ khác. Cuối cùng, Kinh Văn II, 4, (6) trình bày cho chúng ta thấy bằng cách nào thiền quán về tâm Từ (Từ Bi Quán ) có thể sử dụng như một nền tảng để phát triển tuệ giác và đạt được mục tiêu cuối cùng, đó là sự giải thoát bất thối chuyển của tâm, đạt được cùng với sự đoạn tận mọi phiền não cấu uế.
II. RÈN LUYỆN CÁ NHÂN
1. BỐ THÍ
(1) Keo kiệt
“ Này các Tỷ-kheo, có năm loại keo kiệt. Thế nào là năm ?Keo kiệt về chỗ cư trú, keo kiệt về gia đình, keo kiệt về lợi nhuận, keo kiệt về lời khen, và keo kiệt về Pháp.Đó là năm loại keo kiệt.Trong năm loại keo kiệt này, tệ hại nhất là keo kiệt về Pháp.Đời sống phạm hạnh được thực hiện bằng việc từ bỏ và đoạn trừ năm loại keo kiệt này.”
( Tăng Chi BK II, Ch.XXIV: 254-255, tr. 748-749)
(2) Thành tựu bố thí
“ Thế nào là thành tựu bố thí ? Ở đây, vị thánh đệ tử sống trong gia đình với tâm không bị keo kiệt chi phối, bố thí rộng rãi, bàn tay mở rộng để cho , vui thích từ bỏ, hết lòng làm từ thiện, thích thú khi bố thí và chia sẻ. Như vậy gọi là thành tựu bố thí.”
( Tăng Chi BK I, Ch.VII:61(6); tr 678 )
(3) Lý do để bố thí
“Này các Tỷ-kheo, có tám lý do để bố thí. Thế nào là tám? (1) Bố thí vì mong cầu.( 2) Bố thí vì sân hận.(3) Bố thí vì vọng tưởng.(4) Bố thí vì sợ hãi,(5) Người bố thí nghĩ rằng: “Trước kia cha ông ta đã bố thí, ta không nên từ bỏ truyền thống gia đình này”.(6) Người bố thí nghĩ rằng: “Sau khi ta thực hiện bố thí này, khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, ta sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành, vào thiên giới ”.(7) Người bố thí nghĩ rằng: “Khi ta thực hiện bố thí này, tâm của ta được thanh tịnh, và hoan hỷ sẽ khởi sinh”. (8) Người thực hành bố thí nhắm mục đích trang nghiêm tâm, làm tâm cao thượng.” Đây là tám lý do để bố thí.”
( Tăng Chi BK III- Ch IV:33; tr. 608 )
( 4) Bố thí của bậc chân nhân
- Này các Tỷ-kheo, có năm loại bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là năm ?
Vị ấy bố thí vì lòng tin; bố thí với sự kính trọng; bố thí đúng thời; bố thí với tâm hào phóng; bố thí không làm tổn thương mình và người khác.
(1) Do vị ấy bố thí vì lòng tin, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và vị ấy có dung săc đẹp đẽ , thu hút, duyên dáng, được sở hữu làn da tuyệt đẹp.
(2) Do vị ấy bố thí với lòng kính trọng, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và vợ con, nô tỳ, người đưa tin, người làm công , đều vâng lời, lắng nghe và chú tâm để hiểu được chủ mình.
(3) Do vị ấy bố thí đúng thời, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và các lợi lạc đến với vị ấy đúng lúc, và rất phong phú.
(4) Do vị ấy bố thí với tâm hào phóng, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và tâm của vị ấy có khuynh hướng thọ hưởng những điều tốt đẹp nhất của năm dục công đức.
(5) Do vị ấy bố thí không làm tổn thương mình và người khác, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, vị ấy sẽ không bị mất mát tài sản bất cứ lý do gì, dù là do lửa cháy, lụt lội, bị vua tịch thu, trộm cướp hay do những người thừa kế bị ghét bỏ chiếm đoạt.
Này, các Tỷ-kheo, đó là năm loại bố thí của bậc chân nhân.”
( Tăng Chi BK II, Ch XV: 148, tr. 591-592 )
(5) Bố thí thực phẩm (1)
- Này các Tỷ-kheo, nếu chúng sinh biết được kết quả của bố thí và chia sẻ, như ta đã biết, thì họ sẽ không ăn mà không chia sẻ, họ sẽ không để cho sự ô uế của keo kiệt ám ảnh và mọc rễ trong tâm họ. Thậm chí nếu đó là miếng ăn tối hậu, là miếng ăn cuối cùng, họ sẽ không ăn mà không chia sẻ, nếu có người nào đó cần chia sẻ. Nhưng, này các Tỷ-kheo, vì chúng sinh không biết kết quả của bố thí và chia sẻ như ta đã biết, nên họ đã ăn mà không bố thí, và sự ô uế của keo kiệt ám ảnh và mọc rễ trong tâm họ.
( Kinh Itivuttaka 26; 18-19)
(6) Bố thí thực phẩm (2)
“ Một thánh nữ đệ tử khi bố thí thức ăn, là bố thí bốn pháp cho người nhận. Thế nào là bốn ?Người ấy đã bố thí thọ mạng, dung sắc, an lạc và sức mạnh.Bằng cách bố thí thọ mạng, chính người ấy sẽ được thọ mạng, thuộc cõi người hay cõi thiên. Bằng cách bố thí dung sắc, chính người ấy sẽ được dung sắc, thuộc cõi người hay cõi thiên. Bằng cách bố thí an lạc, chính người ấy sẽ được hưởng an lạc, thuộc cõi người hay cõi thiên.Bằng cách bố thí sức mạnh, chính người ấy sẽ được sức mạnh, thuộc cõi người hay cõi thiên.Một thánh nữ đệ tử khi bố thí thức ăn, là bố thí bốn pháp này cho người nhận.”
( Tăng Chi BK I, Ch.VI: 57; tr 670-671)
(7) . Bố thí Pháp
“ Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Thế nào là hai ? Bố thí của cải vật chất (tài thí), và bố thí Pháp ( Pháp thí). Trong hai loại bố thí ấy, Pháp thí là tối thắng.Có hai loại cúng dường này … hai loại bố thí này…hai đối tượng để từ bỏ này. Thế nào là hai ?Từ bỏ của cải vật chất và từ bỏ bằng cách bố thí Pháp.Đó là hai loại bố thí. Trong hai loại bố thí này, bố thí Pháp là tối thắng .”
( Tăng Chi BK I, Ch XIII: 1-10; tr 168)
2. GIỚI HẠNH
(1) Quan sát nội tâm về đạo đức
- “ Này Rahula (La-hầu-la), con nghĩ thế nào ? Mục đích của cái gương là gì ?”
- “ Bạch Thế Tôn, mục đích của cái gương là để soi chiếu. “
- “ Cũng vậy, này Rahula, một hành động về thân được thực hiện sau khi đã soi chiếu nhiều lần; một hành động về lời nói được thực hiện sau khi đã soi chiếu nhiều lần; một hành động về ý được thực hiện sau khi đã soi chiếu nhiều lần .
“ Này Rahula, khi con muốn làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu về hành động ấy như thế này: ‘Hành động về thân mà ta muốn làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hay làm tổn hại người khác, hay làm tổn hại cả hai không ? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả khổ đau, quả báo đau khổ ?’. Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta muốn làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động bất thiện về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ ’, thì con phải nhất định không làm hành động về thân ấy. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng : ‘Hành động về thân mà ta muốn làm sẽ không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại người khác, hoặc không làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui ’, vì vậy con có thể làm hành động về thân ấy.
“ Cũng vậy, này Rahula, khi con đang làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu về hành động ấy như thế này: ‘Hành động về thân mà ta đang làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai không ? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả khổ đau, quả báo đau khổ ?’ Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đang làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động bất thiện về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ ’, thì con phải ngưng ngay hành động về thân ấy. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đang làm không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui ’, như vậy con có thể tiếp tục làm hành động về thân ấy.
“ Cũng vậy, này Rahula,saukhi con đã làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu về hành động ấy như thế này: ‘Hành động về thân mà ta đã làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai không ? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả khổ đau, quả báo đau khổ ?’ Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đã làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động bất thiện về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ ’, như vậy con phải thú nhận hành động ấy, con cần phải tiết lộ, trình bày rõ ràng trước vị Đạo sư của con, hoặc các bạn thiện tri thức đồng phạm hạnh. Sau khi đã thú nhận, đã tiết lộ, đã trình bày rõ ràng, con cần phải biết chế ngự phòng hộ trong tương lai. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đã làm không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại người khác, hoặc không làm tổn hại cả hai ; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui ’, thì con có thể an trú trong niềm hoan hỷ , tiếp tục rèn luyện ngày đêm trong các thiện pháp.”(4)
( Trung Bộ Kinh II, số 61: Kinh Giáo Giới La-hầu-la, tr.174-177 )
(2) Thành tựu giới hạnh
“ Này các Tỷ-kheo, thế nào là thành tựu giới hạnh ? Ở đây, vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, vì đó là nguồn gốc của mọi sự bất cẩn. Như vậy gọi là thành tựu giới hạnh.
( Tăng Chi BK I, Ch VII: 61, tr. 677)
(3) Bảo vệ vô lượng chúng sinh
“ Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ hủy diệt sự sống, từ bỏ sát sanh. Bằng cách từ bỏ sát sanh, vị thánh đệ tử đã ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Bằng cách ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức, chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ nhất, một đại bố thí, bố thí căn bản đầu tiên, theo truyền thống, cổ xưa, không bị ô nhiễm và không bao giờ bị ô nhiễm trước đây, không đang bị ô nhiễm và sẽ không bị ô nhiễm trong tương lai, không bị các Sa-môn và Bà-la-môn có trí bác bỏ.
“ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ lấy của không cho và tránh xa lấy của không cho. Bằng cách từ bỏ lấy của không cho và tránh xa lấy của không cho, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi.…Và chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức . Đây là bố thí thứ hai …
“ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ tà dâm và tránh xa tà hạnh trong các dục. Bằng cách từ bỏ tà dâm và tránh xa tà hạnh trong các dục, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi… Và chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ ba …
“ Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ nói láo và tránh xa việc nói láo. Bằng cách từ bỏ nói láo và tránh xa việc nói láo, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi…. Và chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ tư …
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện, tránh xa việc uống rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, vì chúng là nguồn gốc của sự bất cẩn. Bằng cách từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, vị thánh đệ tử đã ban cho vô lượng chúng sinh được thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Và chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ năm, một đại bố thí, bố thí căn bản đầu tiên, theo truyền thống, cổ xưa, không bị ô nhiễm và không bao giờ bị ô nhiễm trước đây, không đang bị ô nhiễm và sẽ không bị ô nhiễm trong tương lai, không bị các Sa-môn và Bà-la-môn có trí bác bỏ.”
( Tăng Chi BK.III, Ch IV:39, tr.621-622)
(4) Bất thiện và thiện
“ Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng cho các ông biết thế nào là bất thiện và thế nào là thiện. Và thế nào là bất thiện ?Sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận và tà kiến.Như vậy là bất thiện.
“ Và thế nào là thiện ? Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham dục, bao dung và có chánh kiến. Như vậy là thiện.”
( Tăng Chi BK IV, Ch.XVIII : 178. Tr 603)
(5) Cấu uế và thanh tịnh
“ Này Cunda, cấu uế về thân có ba loại . Cấu uế về lời nói có bốn loại.Cấu uế về ý có ba loại.
“ Và thế nào là cấu uế về thân có ba loại ? (1) Ở đây, có người hủy hoại mạng sống. Kẻ ấy giết người, tay dính máu, chuyên đả thương và bạo động, tàn nhẫn đối với chúng sinh.(2) Người ấy lấy của không cho, trộm cắp tài sản của kẻ khác trong làng hay trong rừng. (3) Người ấy phạm tà dâm. Người ấy có quan hệ tình dục với những phụ nữ được mẹ hoặc cha che chở, được cha mẹ, anh, chị, hoặc bà con che chở; những phụ nữ được Giáo pháp bảo vệ; nhửng phụ nữ có chồng được pháp luật bảo vệ nếu ai xâm phạm họ ; hoặc thậm chí với những phụ nữ đã đính hôn. Như vậy là cấu uế về thân có ba loại.
“ Và này Cunda, thế nào là bốn loại cấu uế về lời nói ? (1) Ở đây, có người nói láo; khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp, hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và mặc dù người ấy không biết, vẫn nói là ‘Tôi biết’; mặc dù có biết, người ấy nói :’’Tôi không biết ’; dù không thấy, người ấy nói : ‘Tôi thấy’, hoặc dù có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi không thấy’, người ấy hoàn toàn biết rõ việc nói láo có chủ ý của mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài quyền lợi nhỏ nhen nào đó.
(2) Người ấy nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy ly gián những người đang hòa hợp, là kẻ xúi giục ly gián, vui thú phá hòa hợp, ưa thích phá hòa hợp, khoái trá phá hòa hợp, là kẻ đưa ra những lời nói phá hòa hợp. (3) Người ấy nói lời độc ác; nói lời cộc cằn, nặng nề, làm tổn thương người khác, làm xúc phạm kẻ khác, đưa đến phẫn nộ, không đưa đến định tâm. (4) Và người ấy nói những lời phù phiếm; nói vào thời điểm không thích hợp, nói lời sai sự thật, nói lời vô nghĩa, nói lời trái với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm không thích hợp, người ấy nói những lời vô giá trị, vô lý, thái quá, không lợi ích. Như vậy là bốn loại cấu uế về lời nói.
“ Và, này Cunda, thế nào là ba loại cấu uế về ý ? (1) Ở đây, có người tham lam; người ấy tham muốn tài sản của người khác và nghĩ rằng : ‘ Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ (2) Hoặc người ấy có tâm sân và những ý định hận thù như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này bị giết, bị sát hại, bị cắt đứt, bị tiêu diệt, không còn tồn tại !’ (3) Hoặc người ấy có tà kiến, có tầm nhìn điên đảo như thế này: “ Không có bố thí, không có kết quả bố thí, không có tế lễ , không có kết quả tế lễ; không có kết quả các hành vi thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ , không có cha; không có các loài hóa sanh; không có các sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau được biết’. Đó là ba loại cấu uế về ý.
“ Này Cunda, như vậy là mười loại ác nghiệp…Chính vì chúng sinh dấn thân vào mười loại ác nghiệp này mà sau khi chết , các cảnh giới địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và những cảnh giới bất hạnh khác đang chờ đón họ.”
“ Và này Cunda, có ba loại thanh tịnh về thân. Có bốn loại thanh tịnh về lời.Ba loại thanh tịnh về ý.
“ Và, này Cunda , thế nào là ba loại thanh tịnh về thân ? (1) Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống. Dẹp bỏ roi và vũ khí, có lòng thương xót quan tâm đến kẻ khác, sống với tâm từ đối với tất cả các loài hữu tình.(2) Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho. Người ấy từ bỏ trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. (3) Từ bỏ tà dâm, tránh xa tà hạnh trong các dục. Người ấy không quan hệ tình dục với những phụ nữ được cha, mẹ che chở , được cha mẹ, anh, chị em hay bà con che chở, , được Giáo pháp che chở, những phụ nữ có chồng được pháp luật bảo vệ nếu ai xâm phạm họ; hoặc thậm chí với những phụ nữ đã đính hôn. Như vậy là ba loại thanh tịnh về thân
“ Và, này Cunda, thế nào là bốn loại thanh tịnh về lời ? (1) Ở đây, có người từ bỏ nói láo, không nói lời vọng ngữ. Khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp, hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và vì không biết, người ấy nói là ‘Tôi không biết’; và vì có biết, người ấy nói : ‘ Tôi có biết ’; vì không thấy, người ấy nói : ‘Tôi không thấy’, hoặc vì có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi có thấy’. Như vậy, người ấy không cố ý nói láo vì mục đích riêng mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài quyền lợi nhỏ nhen nào đó.(2) Người ấy từ bỏ nói hai lưỡi; không nói hai lưỡi. Khi nghe điều gì ở chỗ này không đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia không đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia. Như vậy, người ấy hòa hợp những kẻ đang chia rẽ, là người khuyến khích tình thân hữu, là người ưa thích hòa hợp, vui mừng trước sự hòa hợp, sung sướng trước sự hòa hợp, là người nói lên những lời nói cổ động cho sự hòa hợp. (3) Người ấy từ bỏ lời nói độc ác, không nói lời thô bạo. Người ấy nói những lời dịu dàng, êm tai, dễ thương, thấm tận trái tim, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người vui lòng. (4) Người ấy từ bỏ nói lời phù phiếm, không nói những lời phù phiếm. Người ấy nói đúng thời điểm thích hợp, nói đúng sự thật, nói lời lợi ích, nói đúng với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm thích hợp người ấy nói những lời đáng ghi nhớ, hợp lý, dung hòa, và lợi ích. Như vậy là bốn loại thanh tịnh về lời nói.
“ Và, này Cunda, thế nào là ba loại thanh tịnh về ý ? (1) Ở đây, có người không tham lam; người ấy không tham muốn tài sản của người khác và không nghĩ rằng: ‘Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ (2) Người ấy bao dung và không có những ý định hận thù, người ấy nghĩ như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này sống hạnh phúc, không thù hận, khổ đau, và lo âu !’ (3) Người ấy có chánh kiến, có tầm nhìn đúng đắn như thế này: “Có bố thí, có kết quả bố thí, có tế lễ , có kết quả tế lễ; có kết quả các hành vi thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; có các Sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau được biết ’’. Đó là ba loại thanh tịnh về ý .”
“ Này Cunda, như vậy là mười loại thiện nghiệp…Chính vì chúng sinh dấn thân vào mười loại thiện nghiệp này mà sau khi chết, cánh giới chư thiên, thế giới loài người, và những cảnh giới thiện lành khác đang chờ đón họ.”
( Tăng Chi BK IV, Ch XVII : 176, tr 585 – 594 )
3. LOẠI TRỪ NHỮNG CẤU UẾ CỦA TÂM / THANH LỌC TÂM
(1) Mười sáu loại cấu uế của tâm.
“ Này các Tỷ-kheo, thế nào là những cấu uế phiền não của tâm ? Tham dục và tham lam bất chánh là một loại phiền não làm cấu uế tâm. Sân hận …giận dữ…thù nghịch…khinh thường… hỗn láo…đố kỵ…keo kiệt…dối trá… lừa gạt…bướng bỉnh…ganh đua… ngã mạn… kiêu căng…hợm hĩnh…phóng dật…là cấu uế của tâm. Biết rằng tham dục và tham lam bất chánh là cấu uế của tâm, vị tỷ-kheo từ bỏ nó. Biết rằng sân hận… phóng dật là cấu uế của tâm, vị tỷ-kheo từ bỏ nó.”
( Trung BK I, Kinh số 7: Kinh Ví Dụ Tấm Vải; tr 88)
(2) Hai loại ý niệm
“ Này các Tỷ-kheo, trước khi ta giác ngộ, khi ta còn là Bồ-tát chưa chứng đắc Chánh Giác, ta suy nghĩ như sau: ‘ Ta hãy chia những ý niệm của ta thành hai loại.’ Rồi ta xếp các ý niệm về tham dục, sân hận và độc hại (dục tầm, sân tầm và hại tầm) vào loại thứ nhất, và ta xếp các ý niệm về ly dục, bao dung và vô hại ( ly dục tầm, vô sân tầm, vô hại tầm) vào loại thứ hai.
“ Rồi ta sống như vậy, tinh cần, nhiệt tâm, cương quyết. Khi một ý niệm về tham dục, một ý niệm về sân hận, một ý niệm độc hại khởi lên, ta hiểu rằng: ‘Ý niệm bất thiện này đã khởi lên trong ta. Nó sẽ đưa đến tự hại mình, hại người, hại cả hai; nó ngăn cản trí tuệ, gây nhiều khó khăn trở ngại, không đưa đến Niết-bàn.’ Khi ta suy xét: “ Ý niệm này đưa đến tự hại mình’, ý niệm ấy liền tan biến; khi ta suy xét: “ Ý niệm này đưa đến hại người’, ý niệm ấy liền tan biến; khi ta suy xét: “ Ý niệm này đưa đến hại cả hai’, ý niệm ấy liền tan biến. Khi ta suy xét : ‘Ý niệm này ngăn cản trí tuệ, gây nhiều khó khăn trở ngại, không đưa đến Niết-bàn’ ; ý niệm ấy liền tan biến. Khi một ý niệm về tham dục, một ý niệm về sân hận, một ý niệm độc hại khởi lên trong ta, ta từ bỏ nó, ta đoạn trừ nó, ta xả ly nó.
“ Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thưởng xuyên suy tư và nghĩ tưởng về bất cứ điều gì, điều ấy sẽ trở thành một khuynh hướng trong tâm của vị ấy. Nếu vị ấy thường xuyên suy tư và nghĩ tưởng về tham dục, vị ấy đã từ bỏ ý niệm về ly dục để nuôi dưỡng ý niệm về tham dục, như vậy tâm của vị ấy có khuynh hướng về tham dục… Nếu vị ấy thường xuyên suy tư và nghĩ tưởng về sân hận… ý niệm độc hại, vị ấy đã từ bỏ ý niệm về vô hại để nuôi dưỡng ý niệm về độc hại, như vậy tâm của vị ấy có khuynh hướng về độc hại.
“ Cũng giống như vào tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, khi lúa đã trổ hạt, một người mục đồng chăn giữ bò bằng cách dùng roi đánh và thúc đẩy liên tục vào bên này và bên kia đàn bò để kiểm soát và điều khiển chúng. Vì sao vậy?Bởi vì người mục đồng thấy rằng nếu để cho đàn bò đi lạc vào đồng lúa, anh ta sẽ bị đánh đập, tù tội, phạt vạ hay bị chưởi mắng. Cũng vậy, ta đã thấy sự nguy hại, sự thấp kém, sự cấu uế trong các tâm hành bất thiện, và ta đã thấy phước lành của xả ly trong các tâm hành thiện, là một hình thái làm tâm thanh tịnh,
“ Khi ta sống như vậy, tinh cần, nhiệt tâm, cương quyết, một ý niệm về ly dục, bao dung và vô hại khởi lên trong ta. Ta hiểu như như thế này:’ Ý niệm thiện này đã khởi lên trong ta. Ý niệm này không đưa đến hại mình, hại người hoặc hại cả hai; nó giúp tăng trưởng trí tuệ, không gây khó khăn trở ngại, và đưa đến Niết-bàn.Nếu ta suy tư và ngẫm nghĩ về ý niệm này chỉ một đêm, thậm chí một ngày, thậm chí một đêm và một ngày, ta không có gì phải sợ hãi nó. Nhưng nếu ta suy tư và ngẫm nghĩ quá nhiều, ta có thể làm cho thân mệt mỏi, và khi thân ta mệt mỏi, tâm có thể bị xáo trộn, và khi tâm bị xáo trộn thì rất khó định tâm.’ Vì thế ta làm cho nội tâm vững chãi, làm tâm lắng dịu, làm tâm hợp nhất và định tĩnh. Vì sao vậy ?Để cho tâm khỏi bị xáo trộn.
“ Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thường xuyên suy tư và nghĩ tưởng về bất cứ điều gì, điều ấy sẽ trở thành một khuynh hướng trong tâm của vị ấy. Nếu vị ấy thường xuyên suy tư và nghĩ tưởng về xả ly, vị ấy từ bỏ ý niệm về tham dục để phát triển ý niệm về xả ly, và như vậy tâm của vị ấy sẽ có khuynh hướng về xả ly. Nếu vị ấy thường xuyên suy tư và nghĩ tưởng về bao dung..., nghĩ tưởng về vô hại, vị ấy từ bỏ ý niệm độc hại để phát triển ý niệm về vô hại, và như vậy tâm của vị ấy sẽ có khuynh hướng về vô hại.
“Cũng giống như vào tháng cuối cùng của mùa hè, khi tất cả lúa gạo đã được đem cất trong làng, người mục đồng chăn giữ đàn bò trong lúc ngồi dưới gốc cây hay ngồi ngoài trời, vì người ấy chỉ cần chú tâm biết rằng đàn bò đang ở đó; củng vậy, ta cũng chỉ cần chú tâm tỉnh giác biết rằng các tâm hành thiện đang có mặt trong ta.”
( Trung BK, Kinh số 19: Kinh Song Tầm, tr 261-265)
(3) Thực hành “ đoạn trừ phiền não ”
Thế Tôn dạy: “ Này Cunda, ông cần phải thực hành việc đoạn trừ phiền não (5) như thế này:
(1) ‘ Người khác có thể gây tổn hại; ở đây chúng tôi nguyện không gây tổn hại’ : đoạn trừ phiền não cần phải được thực hành như thế.
(2) ‘ Người khác có thể sát sanh; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ sát sanh ’: đoạn trừ phiền não cần phải được thực hành như thế.
(3) ‘ Người khác có thể lấy của không cho; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ lấy của không cho ’: đoạn trừ phiền não cần phải được thực hành như thế.
(4) ‘ Người khác có thể không sống độc thân; ở đây chúng tôi nguyện sẽ sống độc thân ’…
(5) ‘ Người khác có thể nói láo; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ nói láo’....
(6) ‘ Người khác có thể nói hai lưỡi ; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ nói hai lưỡi’…
(7) ‘ Người khác có thể nói lời độc ác ; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ nói lời độc ác’...
(8) ‘ Người khác có thể nói lời phù phiếm ; ở đây chúng tôi nguyện từ bỏ nói lời phù phiếm…
(9) ‘ Người khác có thể tham dục; ở đây chúng tôi nguyện không tham dục’ ...
(10) ‘ Người khác có thể sân hận; ở đây chúng tôi nguyện bao dung’ ...
(11) ‘ Người khác có thể có tà kiến; ở đây chúng tôi nguyện có chánh kiến’ ...
(12) ‘ Người khác có thể có tà tư duy; ở đây chúng tôi nguyện có chánh tư duy’ ...
(13) ‘ Người khác có thể có tà ngữ; ở đây chúng tôi nguyện có chánh ngữ’ ...
(14) ‘ Người khác có thể có tà nghiệp; ở đây chúng tôi nguyện có chánh nghiệp’ ...
(15) ‘ Người khác có thể có tà mạng; ở đây chúng tôi nguyện có chánh mạng’ ...
(16) ‘ Người khác có thể có tà tinh tấn; ở đây chúng tôi nguyện có chánh tinh tấn’ ...
(17) ‘ Người khác có thể có tà niệm; ở đây chúng tôi nguyện có chánh niệm’ ...
(18) ‘ Người khác có thể có tà định; ở đây chúng tôi nguyện có chánh định’ ...
(19) ‘ Người khác có thể có tà trí; ở đây chúng tôi nguyện có chánh trí’ ...
(20) ‘ Người khác có thể có tà giải thoát; ở đây chúng tôi nguyện có chánh giải thoát’ ...
(21) ‘ Người khác có thể bị dật dờ buồn ngủ chi phối; ở đây chúng tôi nguyện thoát khỏi dật dờ buồn ngủ’ ...
(22) ‘ Người khác có thể bị bất an; ở đây chúng tôi nguyện thoát khỏi bất an’…
(23) Người khác có thể nghi ngờ; ở đây chúng tôi nguyện không còn nghi ngờ ’…
(24) Người khác có thể tức giận; ở đây chúng tôi nguyện không tức giận’…
(25) Người khác có thể hung bạo; ở đây chúng tôi nguyện không hung bạo’…
(26) ) Người khác có thể khinh thường; ở đây chúng tôi nguyện không khinh thường’…
(27) ) Người khác có thể hỗn láo; ở đây chúng tôi nguyện không hỗn láo’…
(28) ) Người khác có thể đố kỵ ; ở đây chúng tôi nguyện không đố kỵ ’…
(29) Người khác có thể keo kiệt; ở đây chúng tôi nguyện không keo kiệt ’ …
(30) Người khác có thể lường gạt; ở đây chúng tôi nguyện không lường gạt ’ …
(31) Người khác có thể dối trá ; ở đây chúng tôi nguyện không dối trá ’ …
(32) Người khác có thể bướng bỉnh; ở đây chúng tôi nguyện không bướng bỉnh ’ …
(33) Người khác có thể kiêu ngạo; ở đây chúng tôi nguyện không kiêu ngạo ’ …
(34) Người khác có thể khó khuyên răn dạy bảo; ở đây chúng tôi sẽ dễ khuyên răn dạy bảo ’ …
(35) Người khác có thể có bạn xấu; ở đây chúng tôi có bạn tốt ’ …
(36) Người khác có thể phóng dật; ở đây chúng tôi không phóng dật ’…
(37) Người khác có thể không trung thành; ở đây chúng tôi trung thành ’…
(38) Người khác có thể không biết hổ thẹn; ở đây chúng tôi biết hổ thẹn ’…
(39) Người khác có thể không biết sợ hãi khi làm điều ác; ở đây chúng tôi biết sợ hãi khi làm điều ác ’…
(40) Người khác có thể ít học hỏi; ở đây chúng tôi học hỏi rất nhiều ’…
(41) Người khác có thể lười biếng; ở đây chúng tôi siêng năng ’…
(42) Người khác có thể không có chánh niệm; ở đây chúng tôi có chánh niệm ’…
(43) Người khác có thể ngu si; ở đây chúng tôi có trí tuệ ’…
(44) Người khác có thế dính mắc quan điểm của họ, chấp chặt quan điểm ấy và khó xả bỏ chúng; ở đây chúng tôi không dính mắc quan điểm của mình, không chấp chặt quan điểm ấy và dễ dàng xả bỏ chúng.’: đoạn trừ phiền não cần phải được thực hành như thế.
( Trung BK I, Kinh số 8: Kinh Đoạn Giảm, tr. 100-104)
4. TỪ BI
(1) Tứ Vô Lượng Tâm
[ Thế Tôn nói với thanh niên Bà-la-môn Subha] (6):
“ Ở đây, một Tỷ kheo an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, bằng mọi cách , vị ấy an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không có nghiệp bị giới hạn (thuộc về dục giới) nào còn lại ở đây ( để cản trở ), không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không có nghiệp bị giới hạn nào còn lại ở đây, (7) không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Đây là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.
“ Lại nữa, một Tỷ kheo an trú với tâm bi tràn ngập chan hòa …với tâm hỷ tràn ngập chan hòa …với tâm xả tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, bằng mọi cách, vị ấy an trú với tâm xả tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không có hành động bị giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không có hành động bị giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây....”
( Trung BK II, Kinh số 99: Kinh Subha, tr. 812-814 )
(2) Tâm Từ tỏa sáng như vầng trăng
“ Này các Tỷ-kheo, cho dù dựa trên những lập luận nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và tỏa sáng, chiếu sáng rực rỡ.
“ Giống như ánh sáng của tất cả vì sao không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng vượt qua tất cả và tỏa sáng, chói sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và tỏa sáng, chiếu sáng rực rỡ..
“ Giống như tháng cuối cùng của mùa mưa, vào mùa thu, bầu trời trong sáng và không có mây, mặt trời mọc xóa tan không gian tối tăm và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và tỏa sáng, chiếu sáng rực rỡ..
“ Và giống như vào ban đêm, lúc trời bình minh, sao mai chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và tỏa sáng, chiếu sáng rực rỡ..
( Kinh Itivuttaka 27; 19-21 )
(3) Lợi ich của Tâm Từ
“ Này các Tỷ-kheo, khi sự giải thoát bằng tâm từ đã được theo đuổi, được phát triển, và được tu tập, được tạo thành cỗ xe và nền tảng hành động, được thực hiện, được làm cho vững chắc, và được thực hành đúng đắn, thì hành giả mong đợi có được mười một lợi ích. Thế nào là mười một ? : (1) Hành giả ngủ ngon; (2) thức dậy an vui; (3) không có ác mộng; (4) dễ chịu đối với mọi người; (5) dễ chịu đối với các thần linh; (6) được chư thiên bảo hộ; (7) hành giả không bị lửa, thuốc độc, hay vũ khí làm hại; (8) tâm đạt định nhanh chóng; (9) dung sắc an tịnh; (10) mệnh chung không bị rối loạn; và (11) nếu hành giả chưa đạt thể nhập cao hơn, thì cũng được sanh vào giới Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, khi sự giải thoát bằng tâm từ đã được theo đuổi liên tục, được phát triển, và được tu tập, được tạo thành cỗ xe và nền tảng hành động, được thực hiện, được làm cho vững chắc, và được thực hành đúng đắn, thì hành giả mong đợi có được mười một lợi ích này.”
( Tăng Chi BK IV, Ch XI - (V) :16 ; tr 684-685 )
(4) Còn nhiều lợi ich nữa
“ Này các Tỷ-kheo, nếu có người bố thí một trăm nồi thức ăn vào buổi sáng, buổi trưa và chiều tối, và nếu có người khác phát triển tâm từ trong một thời gian thậm chí bằng thời gian bóp vú sữa con bò, dù là vào buổi sáng, buổi trưa hay chiều tối , việc sau này có kết quả hơn việc trước. Vì vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải tự rèn luyện mình như sau : ‘ Chúng tôi sẽ tu tập tâm giải thoát bằng tâm từ, làm tâm từ thành cỗ xe, và nền tảng hành động, làm tâm từ vững mạnh, tự luyện tập bằng tâm từ, làm cho tâm từ hoàn hảo.’ Các ông cần phải rèn luyện như thế.”
( Tương Ưng BK II, Ch. 20:IV (2), tr 462- 463 )
(5) Tâm Từ và Chánh Niệm
“ Tôi sẽ hộ trì chính mình’: thiết lập chánh niệm cần phải thực hành như thế. ‘Tôi sẽ hộ trì người khác’: thiết lập chánh niệm cần phải thực hành như thế. Hộ trì chính mình, là hành giả hộ trì người khác; hộ trì người khác, là hành giả hộ trì chính mình.
“ Này các Tỷ-kheo, thế nào là bằng cách hộ trì chính mình, hành giả cũng hộ trì người khác ? Do sự thực hành, phát triển, và tu tập [Tứ Niệm Xứ ]. Làm như vậy chính là trong khi hộ trì mình, hành giả cũng hộ trì người khác.
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là bằng cách hộ trì chính mình, hành giả cũng hộ trì người khác ? Do sự tinh tấn,vô hại, tâm từ, và lòng bi mẫn. Làm như vậy chính là trong khi hộ trì mình, hành giả cũng hộ trì người khác.
“ Tôi sẽ hộ trì chính mình’: thiết lập chánh niệm cần phải thực hành như thế. ‘Tôi sẽ hộ trì người khác’: thiết lập chánh niệm cần phải thực hành như thế. Hộ trì chính mình, là hành giả hộ trì người khác; hộ trì người khác, là hành giả hộ trì chính mình.”
( Tương Ưng BK V, Ch.II: 19; tr 265)
(6) Đoạn trừ các lậu hoặc (/ cấu uế)
[ Tôn giả Ananda nói với một gia chủ tên là Dasama :]
“ Ở đây, một Tỷ kheo an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư. Như vậy trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, bằng mọi cách , vị ấy an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Vị ấy suy tư và hiểu rằng:’ Sự giải thoát tâm bằng tâm từ này do ý chí tạo thành. Bất cứ pháp nào do ý chí tạo thành đều vô thường, phải chịu đoạn diệt.’ Nếu vị ấy an trú vững chắc ở đây, vị ấy sẽ chứng đạt được sự đoạn trừ các phiền não cấu uế. Nhưng nếu vị ấy chưa chứng đạt được sự đoạn trừ các phiền não cấu uế vì còn dính mắc với Giáo pháp, vì niềm hoan hỷ trong Giáo pháp, thì với sự đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ được hóa sanh, ( chứng quả Bất lai) và sẽ chứng đắc Niết-bàn ở cõi thiên ấy, không bao giờ còn trở lại thế giới này nữa.”(8)