Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Con đường đưa đến tái sanh tốt đẹp

18/07/201607:21(Xem: 15137)
Chương 5: Con đường đưa đến tái sanh tốt đẹp

 




Bhikkhu Bodhi

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SANH TỐT ĐẸP
 

( The Way to a Fortunate Rebirth )

Tác giả : Bhikkhu Bodhi

 Việt dịch : Trần Như Mai

 

Trong lời tường thuật về “công cuộc Thánh cầu” của mình, Đức Phật nói rằng khi Ngài nhìn ra thế giới ngay sau khi Giác ngộ, Ngài thấy rằng chúng sanh cũng giống như những đóa hoa sen đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau trong hồ nước. Trong lúc một số chúng sanh giống như những đóa sen ở trên hoặc gần kề mặt hồ, chỉ cần được tiếp thu những lời giảng dạy vượt thoát thế gian của Ngài là có thể giác ngộ, phần lớn chúng sanh được gặp Giáo pháp giống như những đóa sen còn đang ở sâu dưới mặt hồ. Những đóa sen ấy được hưởng ánh sáng mặt trời và dùng năng lượng này để duy trì sự sống; tuy nhiên, chúng cần thời gian để vươn tới mặt hồ và phát triển. Cũng vậy, đại đa số chúng sanh nghe được lời Phật dạy và có được lòng tin còn cần phải nuôi dưỡng những phẩm chất thiện lành của họ dưới ánh sáng của Giáo pháp trước khi dòng tâm thức của họ đủ chín muồi để có thể đạt đến chứng ngộ trực tiếp. Tiến trình này thường đòi hỏi nhiều đời, và như vậy những người này cần phải áp dụng phương pháp lâu dài cho việc phát triển tâm linh của họ. Trong lúc thực hành con đường đưa đến giải thoát, họ phải tránh tái sanh vào các cảnh giới bất hạnh và thành tựu những lần tái sanh liên tiếp được nhiều phước đức với vật chất đầy đủ, hạnh phúc và nhiều cơ hội để đạt được những bước tiến tâm linh xa hơn.

Những phúc lợi này, những điều kiện nâng cao để phát triển tâm linh trong Giáo pháp, đến từ chỗ tích lũy được nhiều công đức (puñña), một từ mang ý nghĩa khả năng làm điều thiện để mang lại những kết quả tốt đẹp trong những lần tái sanh. Theo lời dạy của Đức Phật, vũ trụ, với nhiều cảnh giới hiện hữu của các loài hữu tình, được điều hành ở mọi cấp độ bằng những qui luật bất dịch, về phương diện vật lý, sinh học, tâm lý và đạo đức. Tiến trình để cho chúng hữu tình di chuyển từ một trạng thái hiện hữu này sang một trạng thái hiện hữu khác cũng theo qui luật như vậy. Việc này được điều hành theo một qui luật hoạt động theo hai phương cách chính yếu: Trước tiên, nó kết nối hành động của chúng ta với một cảnh giới tái sanh đặc biệt nào đó tương ứng với các hành động ấy; và thứ hai, nó xác định mối tương quan giữa hành động của chúng ta với phẩm chất của kinh nghiệm chúng ta sống trong một cảnh giới đặc biệt nào đó mà chúng ta đã tái sanh.

Yếu tố điều hành trong tiến trình này, yếu tố làm cho toàn bộ tiến trình trở thành qui luật, là một động lực gọi là nghiệp (Kamma). Từ Kamma nghĩa đen là hành động, nhưng theo thuật ngữ nó có nghĩa là hành động do ý chí. Như Đức Phật đã dạy: “Chính là ý chí (cetanā) mà ta gọi là nghiệp; vì có ý chí (cetayitvā), nên con người hành động bằng thân, khẩu và ý.”  Như vậy, nghiệp chỉ những hành động xuất phát từ ý chí. Ý chí đó có thể thuần tinh thần, phát sinh ra nghiệp tinh thần như là suy nghĩ, kế hoạch, và dục vọng; hay nó có thể bộc lộ ra ngoài bằng những hành động biểu hiện qua thân và lời nói.

Có vẻ như là hành động của chúng ta, một khi đã thực hiện, sẽ tan biến mất không còn để lại dấu vết nào ngoài tác động rõ ràng của chúng đối với người khác hay môi trường của chúng ta. Tuy nhiên, theo Đức Phật, tất cả những hành động do ý chí quyết định mang tính chất đạo đức tạo ra một tiềm năng mang lại một kết quả (vipāka) hay quả (phala) tương ứng với phẩm chất đạo đức của những hành động đó. Khả năng này của hành động chúng ta làm phát sinh ra những kết quả thích hợp về mặt đạo đức chính là ý nghĩa của nghiệp. Hành động của chúng ta phát sinh ra nghiệp, một tiềm năng tạo thành những quả tương ứng với khuynh hướng nội tại của chính các hành động ấy. Rồi khi các điều kiện bên trong và bên ngoài thích hợp, nghiệp sẽ chín muồi và sản sinh ra những quả thích hợp. Trong lúc chín muồi, nghiệp sẽ tác động vào chúng ta về những việc thiện hay ác, tùy theo vào phẩm chất đạo đức của hành động chúng ta đã làm. Việc này có thể xảy ra hoặc là vào giai đoạn sau của đời hiện tại trong đó ta đã thực hiện hành động này, trong đời kế tiếp, hay trong một tương lai xa xăm nào đó.  Một điều chắc chắn là bao lâu chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi, bất cứ nghiệp nào mà ý chí chúng ta đã tích lũy sẽ có khả năng chín muồi nếu chúng chưa trổ quả như đã định.

Trên nền tảng của phẩm chất đạo đức này, Đức Phật đã phân biệt nghiệp thành hai phạm trù lớn: Bất thiện nghiệp (akusala) và thiện nghiệp (kusala). Bất thiện nghiệp là một hành động gây tổn hại về mặt tâm linh, đáng chê trách về mặt đạo đức, và có tiềm năng đưa đến một sự tái sanh bất hạnh và kết quả khổ đau. Tiêu chuẩn để đánh giá một hành động bất thiện chính là những động lực đàng sau hành động ấy, đó là nguồn gốc phát sinh ra hành động ấy. Có ba nguồn gốc của bất thiện: tham, sân và si. Từ ba gốc rễ ấy phát sinh nhiều hình thái rộng lớn khác của động lực bất thiện ở cấp độ nhỏ hơn, những trạng thái như là giận dữ, thù nghịch, ganh ghét, ích kỷ, kiêu căng, tự hào, tự phụ, và lười biếng; và từ những bất thiện gốc rễ và bất thiện ở cấp độ nhỏ hơn sẽ phát sinh các hành động bất thiện.

Mặt khác, thiện nghiệp là một hành động mang lại lợi lạc về mặt tâm linh, và đáng khen ngợi về mặt đạo đức, đó là một hành động sẽ trổ quả chín trong hạnh phúc và may mắn. Động lực đằng sau của các hành động ấy là ba nguồn gốc thiện: vô tham, vô sân và vô si, mà chúng ta có thể diễn tả một cách tích cực như là bố thí, từ bi và trí tuệ. Trong lúc những hành động xuất phát từ các nguồn gốc bất thiện chắc chắn sẽ tác động lại trong thế giới của luân hồi sinh tử, thì những hành động xuất phát từ các nguồn gốc thiện lành có thể chia làm hai loại, thế gian và siêu xuất thế gian. Những hành động thiện thuộc thế gian (lokiya) có tiềm năng tạo ra một sự tái sanh may mắn và những quả tốt đẹp trong vòng luân hồi. Những hành động thiện siêu xuất thế gian (lokuttara), như là nghiệp phát sinh nhờ tu tập Bát Thánh đạo và những pháp khác trợ lực cho việc giải thoát, sẽ đưa đến giác ngộ và giải thoát khỏi vòng luân hồi. Đây là nghiệp làm tan rã toàn bộ tiến trình nghiệp quả.

Sự tương quan giữa nghiệpquả được đề cập một cách tổng quát trong Phẩm Nghiệp ( Tăng Chi BK II ). Kinh này nói đến hành động bất thiện như là “nghiệp tối” và hành động thiện thuộc thế gian như là “nghiệp sáng.” Kinh này cũng nói đến một loại nghiệp gồm cả tối lẫn sáng. Nói một cách chặt chẽ, thì nghiệp này không có ý nói về một hành động đơn thuần mà cùng một lúc lại mang những đặc điểm của cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp; về phương diện kỹ thuật thì điều đó không thể có được, vì một hành động phải thuộc về loại này hay loại kia. Nghiệp kết hợp nói đến cách hành xử của một người dấn thân vào cả hai loại hành động thiện và bất thiện xen kẽ nhau. Cuối cùng, kinh nói đến một loại nghiệp thứ tư, đó là nghiệp không tối cũng không sáng. Đây là hành động tu tập phát triển Bát Thánh đạo, là thiện nghiệp siêu xuất thế gian.

Cần phải nhấn mạnh rằng đối với Phật giáo Nguyên Thủy sự hiểu biết và chấp nhận nguyên lý nghiệp quả này là một thành phần chính yếu của chánh kiến. Chánh kiến có hai phương diện, phương diện thế gian thuộc về đời sống trong thế giới này, và phương diện siêu xuất thế gian thuộc về con đường giải thoát. Chánh kiến siêu xuất thế gian bao gồm sự hiểu biết về Tứ diệu đế, Lý Duyên khởi và Tam pháp ấn là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Đối với Phật giáo Nguyên Thủy, chánh kiến siêu xuất thế gian này không thể tách riêng với chánh kiến thuộc thế gian, mà nó đặt tiền đề và lệ thuộc vào sự hỗ trợ đắc lực của chánh kiến thuộc thế gian, nghĩa là một niềm tin vững chắc vào giá trị của qui luật nghiệp quả và diễn biến của nó qua tiến trình tái sanh.

Chấp nhận định luật nghiệp quả đòi hỏi một sự chuyển hóa cấp tiến trong nhận thức của chúng ta về mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới này. Hai giáo lý song đôi nghiệptái sanh cho chúng ta thấy rằng thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là một phản ảnh của thế giới nội tâm, trong một số phương diện quan trọng. Điều này không có nghĩa là thế giới bên ngoài có thể giảm thiểu để thành một phóng ảnh tinh thần theo phương cách mà một vài chủ thuyết triết lý duy tâm đã đề nghị. Tuy nhiên, xem xét cả hai cùng với nhau, hai giáo lý này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng những điều kiện chúng ta sống rất tương ứng với những khuynh hướng về nghiệp trong tâm thức chúng ta. Lý do vì sao một chúng sanh được tái sanh trong một cảnh giới đặc biệt nào đó là vì trong kiếp trước, chúng sanh ấy đã tạo ra một nghiệp, hay một hành động do ý chí, dẫn đến việc tái sanh trong cảnh giới đó. Như vậy, trong phân tích cuối cùng, tất cả cảnh giới hiện hữu đã được tạo thành, định hình và duy trì bởi những hoạt động tinh thần của những chúng sanh ấy. Như Đức Phật đã dạy: “Đối với các chúng sanh bị vô minh che lấp, và tham dục cản trở, nghiệp là đồng ruộng, thức là hạt giống và tham dục là chất ẩm ướt, để cho nghiệp được định hình trong một cảnh giới hiện hữu mới, hoặc thấp kém, trung bình hay cao siêu.” (Tăng Chi BK 3)

Bài  Kinh Saleyyaka ( Trung BK I- Kinh số 41), phác họa một sự phân biệt tinh tế hơn giữa những loại bất thiện nghiệp và thiện nghiệp. Bài kinh kể ra mười trường hợp chính cho mỗi loại. Ở đây, chúng được gọi là “cách hành xử bất chính, không theo đúng Giáo pháp” và “cách hành xử chân chính, theo đúng với Giáo pháp,” nhưng chúng thường được biết như là mười con đường của bất thiện nghiệp và thiện nghiệp.  Mười con đường này được phân cấp theo “ba cánh cửa của hành động” là thân, khẩu và ý. Trước tiên, hãy xét đến bất thiện nghiệp, có ba loại ác hạnh về thân: sát sanh, trộm cắp và tà dâm; bốn loại ác hạnh về lời: nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm; và ba loại ác hạnh về ý: tham lam, sân hận và tà kiến. Mười con đường của thiện nghiệp là những gì hoàn toàn ngược lại: Không làm ba ác hạnh về thân, không làm bốn ác hạnh về lời, không tham lam, có nhiều thiện chí và có chánh kiến. Theo bài kinh, mười loại ác hạnh thuộc về bất thiện nghiệp là nguyên nhân làm cho chúng sanh phải tái sanh ở cảnh giới bất hạnh sau khi chết; mười loại thiện hạnh thuộc về thiện nghiệp là nguyên nhân làm cho chúng sanh được tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp sau khi chết. Như kinh văn đã chứng tỏ, mười loại thiện nghiệp là trợ lực không những cho sự tái sanh vào Thiên giới, mà còn là trợ lực cho “sự đoạn diệt các lậu hoặc,” và đạt đến giải thoát.

Những đoạn văn kết luận của kinh này cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về vũ trụ học Phật giáo. Vũ trụ Phật giáo chia làm ba cảnh giới lớn: Dục giới (kāmadhātu), Sắc giới (rūpadhātu), Vô sắc giới (arūpadhātu), mỗi cảnh giới bao gồm một loạt những cõi phụ thuộc.

Dục giới, là thế giới của chúng ta, được gọi như vậy bởi vì những chúng sanh trong cảnh giới này bị dục vọng lôi cuốn mạnh mẽ. Cảnh giới này được chia làm hai mức độ: những cõi  bất hạnh và những cõi thiện lành. Những cõi bất hạnh hay “những trạng thái khốn khổ (apāya) gồm có ba: địa ngục, là cõi bị hành hạ liên tục không ngừng (xem Trung Bộ Kinh số 129 và 130) ; súc sanh và cõi ngạ quỷ (pettivisaya), là những chúng sanh triền miên đói khát và chịu nhiều đau khổ khác. Đó là cảnh giới trừng phạt những chúng sanh đã phạm mười ác nghiệp.

Cõi thiện lành trong Dục giới là thế giới loài Người và sáu cõi Thiên. Các cõi Thiên là: chư Thiên trong cõi Trời Tứ Thiên Vương, là cõi Trời được bốn vị vua uy quyền cai trị (tên là Tứ Thiên Vương); chư Thiên cõi Trời Đao Lợi Thiên/ Tam Thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa) do Trời Đế-thích (Sakka) cai trị, đó là một đệ tử của Đức Phật, trung thành nhưng có khuynh hướng xao lãng (xem kinh Sakkasaṃyutta, Tương Ưng Bộ Kinh, chương 11); chư Thiên cõi Trời Dạ-ma (Yāma); chư Thiên cõi Trời Đâu-suất (Tusitā), là nơi cư ngụ của Bồ-tát (tiền thân Đức Phật) trước khi ngài nhập mẫu thai làm kiếp người cuối cùng; chư Thiên cõi Trời Hóa Lạc Thiên (Nimmānarati) (là những vị Thiên thích sáng tạo) và chư Thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranimmānarati) (là những vị Thiên điều khiển những sáng tạo của kẻ khác). Nghiệp nhân dẫn đến tái sanh vào các cõi thiện lành của Dục giới là việc thực hành mười con đường thiện nghiệp.

Trong Sắc giới, không có những hình thái vật chất thuộc loại thô kệch. Những cư dân của cõi này, được biết như là các vị Phạm Thiên (Brahmā), vui hưởng hỷ lạc, quyền lực, thân hình tỏa ánh sáng, và sức sống siêu đẳng hơn rất nhiều so với chúng sanh ở cõi Dục giới. Sắc giới gồm có mười sáu tầng trời. Những tầng trời này là đối tượng tương quan với bốn tầng thiền. Chứng đắc được Sơ thiền đưa đến tái sanh vào các tầng trời thuộc Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, hoặc các vị Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā), tùy vào việc chứng đắc phát triển ở mức độ thấp, trung bình hay cao cấp. Nhị thiền, được chứng đắc cũng ở ba mức độ như vậy, đưa đến tái sanh tương ứng với các tầng trời thuộc Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, hay Tịnh Quang Thiên. Tam thiền, được chứng đắc với cùng ba mức độ như vậy, đưa đến tái sanh tướng ứng với các tầng trời thuộc Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên và Biến Tịnh Thiên. Tứ thiền, thông thường đưa đến tái sanh vào chư Thiên thuộc quả vị cao thượng, nhưng nếu việc chứng đắc phát triển với cảm giác nhàm chán “tưởng”, sẽ đưa đến tái sanh vào Vô Tưởng Thiên, là những vị thiên không có “tưởng”. Sắc giới cũng bao gồm năm tầng trời được dành riêng cho các vị đắc quả Bất Lai tái sanh vào đó, được gọi là Tịnh Cư Thiên, Vô Đọa Thiên (Avihā), Thanh Tịnh Thiên (Atappā), Thiện Hiện Thiên (Sudassā), Thiện Kiến Thiên (Sudassi) và Vô Song Thiên (Akanitthā). Trong mỗi tầng trời vi tế ấy, thọ mạng được nói là vô cùng dài lâu và được gia tăng đáng kể theo từng bậc trời cao hơn.

Trong cõi hiện hữu thứ ba, không còn có các hình thái vật chất và chỉ có tâm thức đơn thuần hiện hữu, vì thế được gọi là Vô sắc giới. Cõi này gồm có bốn tầng trời, là đối tượng tương ứng với việc chứng đắc bốn tầng thiền Vô sắc giới, được gọi tên là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thọ mạng ấn định cho những cõi này tương ứng với 20.000; 40.000; 60.000 và 84.000 đại-kiếp (great eons).

Đối với vũ trụ học Phật giáo, sự hiện hữu trong mỗi cảnh giới là sản phẩm của nghiệp với tiềm năng hữu hạn, nên chủ yếu vẫn là vô thường. Chúng sanh được tái sanh vào một cảnh giới thích hợp với nghiệp hay hành động của họ, trải nghiệm những kết quả tốt hay xấu, và rồi khi nghiệp lực đã hết thời hạn của nó, họ lại chết đi và tái sanh vào một nơi nào đó được xác định bởi một nghiệp khác đã có cơ hội chín muồi. Do đó, những tra tấn nhục hình trong địa ngục cũng như những lạc thú của cõi Trời, cho dù chúng kéo dài bao lâu, rồi cũng đến lúc trôi qua. Đức Phật hướng dẫn những người mà năng lực tâm linh vẫn có nguyện vọng tái sanh vào cõi Người hay cõi Trời và dạy cho họ những đường lối hành xử đưa đến hoàn mãn ước vọng của họ. Nhưng Ngài thúc giục những người có năng lực thuần thục nên cương quyết nỗ lực chấm dứt lang thang vô định trong cõi luân hồi và đạt đến Vô sanh, tức Niết-bàn, là trạng thái siêu việt tất cả cảnh giới hữu vi.

Trong lúc hai văn bản kinh đầu tiên trong chương này thiết lập một sự tương quan tổng thể giữa nghiệp và các cõi tái sanh . Kinh Tiểu Nghiệp  Phân Biệt ( Trung BK III , Kinh số 135 ), đặc biệt nêu rõ những nghiệp nhân tiềm ẩn bên dưới đối với những sự khác biệt biểu hiện trong đời sống con người. Bài kinh này dựa vào một lời dạy nổi tiếng của Đức Phật “Chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp; họ xuất phát từ nghiệp, bị nghiệp ràng buộc, nương tựa vào nghiệp. Chính nghiệp đã phân biệt chúng sanh là thấp kém hay cao sang.” Bài kinh đề nghị giải thích câu này liên quan với bảy cặp tính cách đối nghịch nhau được quan sát từ con người. Bản kinh này cũng giới thiệu sự phân biệt hai loại hậu quả mà một nghiệp bất thiện có thể có: nghiệp mạnh hơn là sự tái sanh vào cõi dữ, nghiệp kia là những quả bất hạnh trong cõi người; ví dụ, yểu mạng đối với những người phạm tội sát sanh trong đời trước. Một sự so sánh tương đồng đạt được từ những kết quả mà một thiện nghiệp có thể tạo ra: nghiệp mạnh hơn là được tái sanh vào Thiên giới, nghiệp kia là những quả tốt đẹp trong cõi người.

Phần tiếp theo nói đến những công đức (puñña), là thiện nghiệp có khả năng đem lại những kết quả thuận lợi trong vòng luân hồi. Công đức phát sinh ra những lợi lạc thuộc thế gian, như là một sự tái sanh tốt đẹp, giàu có, xinh đẹp và thành công. Công đức cũng được dùng như một điều kiện được nâng cao để đạt những lợi lạc siêu xuất thế gian, nghĩa là, đạt được những giai đoạn tiến tới con đường giác ngộ. Do vậy, như được thấy trong Kinh Các Việc Làm Công Đức (Kinh Itivuttaka 22), Đức Phật thúc đẩy những đệ tử của Ngài phải trau dồi công đức, đề cập đến việc Ngài đã trau dồi công đức qua nhiều đời trước như một ví dụ.

Các bộ kinh Nikāya sắp xếp rõ ràng công đức thành ba nền tảng của đức hạnh: Bố thí, Trì giới và Thiền định. Kinh Ba  Nền Tảng của Công Đức (Tăng Chi BK IV) kết nối những nền tảng của công đức với các kiểu tái sanh tương ứng. Trong bối cảnh tôn giáo Ấn Độ, việc thực hành công đức xoay quanh đức tin vào một số đối tượng được xem là thiêng liêng và đem lại sức mạnh tâm linh, có khả năng phục vụ như một trợ lực cho việc đạt được công đức. Đối với những tín đồ của đạo Phật, đó là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Kinh Những Tín Tâm Tối Thượng ( Tăng Chi BK IV ) ca ngợi ba ngôi báu này là vô thượng trong lãnh vực của mình: Đức Phật là vô thượng giữa loài Người, Pháp là vô thượng trong mọi giáo pháp, và Tăng là vô thượng trong các hội chúng tôn giáo. Bài kinh đề nghị một sự phân biệt hai chiều thú vị về Pháp bảo: Giữa các pháp hữu vi (dhammā sankhatā), Bát Thánh đạo là vô thượng; giữa các pháp hữu vi hoặc vô vi, Niết-bàn là tối thượng. Chỉ cần có đức tin vào Tam bảo, nghĩa là, hết lòng sùng kính tin tưởng, tự thân đã là một nền tảng của công đức; nhưng như bài kệ đi kèm với bài kinh đã nói rõ, Đức Phật và Tăng đoàn có chức năng phụ thuộc như là những người nhận cúng dường, và trong vai trò này quý ngài giúp cho những người cúng dường đạt được công đức dẫn đến việc hoàn thành những ước nguyện đạo đức của họ. Còn nhiều điểm về phương diện này của công đức sẽ được nói đến ngay sau đây.

Những phần  tiếp theo  phối hợp ba nền tảng của công đức theo từng điểm một, bắt đầu trong phần 3 là nói về bố thí (dāna). Đức Phật thường xem bố thí như là đức hạnh cơ bản nhất của đời sống tâm linh, vì bố thí phục vụ cho việc bẻ gãy cái tâm trạng ích kỷ mà chúng ta thường có thói quen sử dụng khi giao tiếp với kẻ khác. Tuy nhiên, trái ngược với những gì mà một độc giả Tây phương mong đợi, “bố thí” trong Phật giáo Nguyên Thủy không chỉ có nghĩa là hoạt động từ thiện của các nhà hảo tâm hướng đến những người nghèo và những người chịu thiệt thòi trong xã hội. Trong lúc bố thí có bao gồm nghĩa này, việc thực hành bố thí mang một ý nghĩa bối cảnh đặc thù bắt nguồn từ cơ cấu tôn giáo ở Ấn Độ. Ở Ấn Độ, vào thời Đức Phật còn tại thế, những người muốn tìm cầu khám phá những chân lý sâu xa nhất của hiện hữu và đạt được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử thường từ bỏ gia đình, từ bỏ vị trí an toàn của họ trong trật tự xã hội chặt chẽ của Ấn Độ, và chấp nhận một đời sống đầy bất trắc của một kẻ lang thang không gia đình. Với đầu cạo trọc hay búi tóc, đắp y màu vàng nâu hay trắng hay lõa thể, họ đi từ nơi này sang nơi khác không có nơi cư ngụ nhất định, chỉ trừ ba tháng mùa mưa, lúc đó họ sẽ ở trong những cái cốc đơn giản hay hang đá hay những nơi trú ngụ khác. Những người lang thang không nhà ấy, được biết như là “các nhà tu khổ hạnh” (samaṇa) hay những du sĩ, không thực hiện các dịch vụ có trả tiền nhưng sống nhờ vào lòng hảo tâm của những gia chủ. Các cư sĩ cung cấp cho họ những nhu cầu vật chất cần thiết như y áo, chỗ cư ngụ và thuốc men; khi làm như vậy, họ tin rằng những sự phục vụ ấy là nguồn công đức sẽ giúp họ tiến một vài bước xa hơn trên con đường hướng đến giải thoát tối hậu.

Khi Đức Phật xuất hiện trong bối cảnh ấy, Ngài cũng áp dụng lối sống này cho chính mình. Một khi Ngài bắt đầu công việc của mình như một bậc thầy tâm linh, Ngài thiết lập Giáo đoàn theo cùng một nguyên tắc như vậy: Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, cũng sống tùy thuộc vào lòng hảo tâm của người khác để hỗ trợ vật chất cho họ, và họ sẽ đáp lại bằng cách trao tặng cho thí chủ món quà quý giá là bố thí Pháp, lời giảng dạy con đường cao thượng dẫn đến hạnh phúc, bình an và giải thoát tối hậu. Kinh Hỗ Trợ Lẫn Nhau ( Kinh Itivuttaka 107)  chứng minh cho sự hỗ trợ lẫn nhau này. Bằng cách nhận của cúng dường của cư sĩ, các vị xuất gia cho họ cơ hội tạo công đức. Vì số lượng công đức phát sinh từ hành động bố thí được xem là tỷ lệ thuận với công hạnh xứng đáng của người nhận, khi người nhận là Đức Phật và những vị đi theo con đường của Ngài, thì công đức là vô lượng (xem Trung Bộ Kinh số 142). Vì lý do đó, cộng đồng tâm linh của các vị Thánh đệ tử được gọi là “ruộng phước vô thượng của thế gian này.” Cúng dường Tăng đoàn được cho là đưa đến phước đức lớn lao, dẫn đến an vui hạnh phúc lâu dài và có thể đưa đến tái sanh trong các cõi Trời. Nhưng như Kinh Tái sanh Do Bố Thí ( Tăng Chi BK IV ) nhắc nhở rằng, điều này “chỉ đúng đối với những vị tu hành đạo đức thanh tịnh, chứ không phải đối với những người không có đạo đức.”

Điều này dẫn đến nền tảng công đức kế tiếp là “Giới” (sīla), mà theo Phật giáo Nguyên Thủy là đòi hỏi phải giữ gìn Giới luật. Đường lối hướng dẫn đạo đức căn bản nhất trong bộ kinh Nikāya là ngũ giới, đó là những qui luật rèn luyện đòi hỏi: không được sát sanh, không được lấy của không cho, không được tà dâm, không được nói láo và không được uống rượu. Những điều này được đề cập trong Kinh Năm Giới ( Tăng Chi BK IV ), mà theo một xoay chuyển ngoạn mục trong việc sử dụng từ, đã nói về những giới này như là “những món quà bố thí xưa cổ, truyền thống và nguyên sơ,” như vậy ngụ ý đặt Giới (sīla) vào công đức Bố thí (dāna). Lý do về việc giữ giới như một hình thức bố thí là vì người giữ giới sẽ ban bố cho vô lượng chúng sanh “sự tự do thoát khỏi sợ hãi, thù nghịch, và đàn áp,” và như một nghiệp quả, “chính người ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi sợ hãi, thù nghịch và đàn áp.”

Trong lúc Đức Phật mạnh mẽ khuyến cáo việc giữ gìn ngũ giới đối với cư sĩ như một bổn phận toàn thời gian, Ngài đề nghị một kiểu rèn luyện đạo đức chặt chẽ hơn cho ngày Uposatha, là ngày tu Bát Quan Trai Giới; những ngày giữ giới này được ấn định theo âm lịch: là ngày rằm, ngày mồng một và hai ngày trăng bán nguyệt (ngày nay đối với một số quốc gia theo Phật giáo, ngày rằm được chọn ưu tiên). Vào những ngày này, các Phật tử thuần thành phát nguyện giữ tám giới: năm giới như thường lệ, nhưng với giới thứ ba thay đổi để bao gồm hoàn toàn cấm chuyện tình dục, được tăng cường thêm bằng ba giới khác thường dùng để huấn luyện các Sa-di nam hay nữ. Tám giới này, được kể trong Kinh Thọ Bát Quan Trai Giới ( Tăng Chi BK IV ), tăng cường việc rèn luyện Giới như một sự gìn giữ đạo đức bằng cách huấn luyện sự tự chế, sống đơn giản và tâm hài lòng. Về phương diện này, Giới chuẩn bị cho người đệ tử việc huấn luyện tâm thức bằng cách hành thiền, là nền tảng thứ ba của công đức.

Việc hành thiền không những là trọng tâm của con đường giải thoát, mà còn là một nguồn công đức tự thân. Những kiểu hành thiền đúng pháp, ngay cả những kiểu thực hành không trực tiếp đưa đến tuệ giác, cũng giúp thanh lọc những mức độ thô lậu của các cấu uế trong tâm và khai mở chiều sâu của tiềm năng thanh tịnh và trong sáng của tâm. Kinh Phát Triển Tâm Từ ( Kinh Itivuttaka ) tuyên bố rằng kiểu hành thiền có kết quả tốt nhất đem lại những công đức thuộc thế gian là việc phát triển tâm từ (mettābhavanā). Tuy nhiên, việc thực hành tâm từ chỉ là một trong một nhóm bốn kiểu hành thiền được gọi là “Tứ Vô Luợng Tâm” (appamanññā): Đó là phát triển tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, và trải rộng vô biên đến tất cả chúng sanh hữu tình. Nói ngắn gọn, Từ (mettā) là lòng mong ước cho tất cả chúng sanh được an vui hạnh phúc; Bi (karuṇā) là lòng thương xót đối với tất cả chúng sanh đang bị khổ đau dày vò; Hỷ (muditā) là cảm thấy hạnh phúc trước sự thành công và may mắn của kẻ khác; Xả (upekkhā) là một phản ứng bình thản trước mọi vui buồn, giúp bảo vệ con người khỏi bị dao động tình cảm.

Những kiểu hành thiền này được nói là phương tiện để tái sanh vào thế giới Phạm Thiên ( Trung Bộ Kinh II. Kinh số 99: Kinh Subha) Trong lúc người Bà-la-môn xem thế giới Phạm Thiên như là chứng đắc cao nhất, đối với Đức Phật, đó chỉ là một cõi tái sanh cao thượng. Tuy nhiên, trạng thái định xuất phát từ những kiểu hành thiền ấy có thể được dùng làm nền tảng để tu tập tuệ giác, và tuệ giác đạt đến đỉnh cao là giải thoát. Kinh Tuệ Quán Thù Thắng ( Tăng Chi BK IV )  xếp hạng những kiểu công đức khác nhau tùy theo kết quả của chúng: Từ bố thí (với nhiều kiểu bố thí được xếp hạng theo địa vị tâm linh của người nhận) đến quy y và giữ Năm giới, đến hành thiền tâm từ. Rồi, vào đoạn cuối, bài kinh tuyên bố hành động có kết quả tốt nhất trong tất cả là nhận thức về vô thường. Tuy nhiên, nhận thức về vô thường thuộc về một trật tự khác. Nhận thức này có kết quả tốt như vậy không phải vì nó đem lại những kết quả thuộc thế gian trong vòng luân hồi sinh tử, nhưng vì nó dẫn đến tuệ giác làm cắt đứt những chuỗi dây xích ràng buộc của kiếp người và mang lại sự chứng đắc giải thoát rốt ráo là Niết-bàn.

 

V. CON  ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT  ĐẸP

 

          1. ĐỊNH LUẬT NGHIỆP QUẢ

          (1) Bốn Loại Nghiệp

            - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại nghiệp đã được ta thuyết giảng sau khi ta tự mình chứng ngộ với thắng trí. Thế nào là bốn?

             Có nghiệp tối với những quả tối; có nghiệp sáng với những quả sáng; có nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng, có nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng; đưa đến đoạn diệt nghiệp.

             Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp tối với quả tối? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới có nhiều tổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới có nhiều tổn hại, những cảm xúc tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi bị cảm xúc tổn hại chạm đến, ngưới ấy trải nghiệm cảm xúc tổn hại, vô cùng đau đớn, ví dụ như những chúng sanh trong địa ngục. Đây gọi là nghiệp tối với quả tối.

             Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp sáng với những quả sáng? Ở đây, này các tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý không gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới không có tổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới không có tổn hại, những cảm xúc không tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi những cảm xúc không tổn hại chạm đến, ngưới ấy trải nghiệm cảm xúc không tổn hại, vô cùng vui thích, ví dụ như chư thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên. (9). Đây gọi là nghiệp sáng với quả sáng.

             Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng? Ở đây, này các tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý vừa gây tổn hại về thân, khẩu, ý và những hành động cố ý không gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới vừa có tổn hại vừa không có tổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới như thế, vừa có tổn hại vừa không có tổn hại , những cảm xúc vừa có tổn hại vừa không có tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi bị chạm bởi những cảm xúc như vậy, người ấy trải nghiệm cảm xúc vừa tổn hại vừa không tổn hại, một sự pha trộn, xen lẫn lạc và khổ, như  loài người, một số chư thiên và một số chúng sinh ở các đọa xứ. Đây gọi là nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng.

            Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng đưa đến đoạn diệt nghiệp? Đó là người có ý chí đoạn trừ nghiệp tối với quả tối; đoạn trừ nghiệp sáng với những quả sáng; đoạn trừ nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng – đây được gọi là nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng đưa đến đoạn diệt nghiệp.”(10).

             Này các tỷ-kheo, đây là bốn loại nghiệp đã được ta thuyết giảng sau khi ta tự mình chứng ngộ với thắng trí.”

(Tăng Chi BK2 , Ch XXIV. Phẩm Nghiệp, tr 259 -262 )

 

          (2) Chúng sanh đi về đâu sau khi chết

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala với đại chúng tỷ-kheo, và cuối cùng Ngài đi đến một làng của người Bà-la-môn thuộc Kosala tên là Sala.

            2. Các gia chủ Bà-la-môn ở Sala nghe rằng: “Người ta nói Sa-môn Gotama, con trai của bộ tộc Thích ca (Sakya) đã xuất gia, hiện đang du hành trong nước Kosala với một đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Sala. Giờ đây tiếng đồn tốt đẹp về Tôn giả Gotama được truyền đi như sau: ‘Thế Tôn là bậc A-la-hán…(như trong Kinh Văn III, 2)… Ngài truyền dạy pháp hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh’. Lành thay nếu chúng ta yết kiến một bậc A-la-hán như vậy.”

            3. Rồi những gia chủ Bà-la-môn ở làng Sala đi đến Thế Tôn. Một số người đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên; một số trao đổi lời chào hỏi, sau khi chào hỏi và nói lời thân hữu xã giao, họ ngồi xuống một bên; một số cúi chào Ngài rất cung kính và ngồi xuống một bên; một vài người giữ im lặng rồi ngồi xuống một bên.

            4. Sau khi đã ngồi xuống, họ bạch Thế Tôn: “Thưa tôn giả Gotama, do nhân gì và duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sinh vào  cõi khốn khổ,  cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục ? Và do nhân gì duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, thiên giới ?”

            5. -  Này các gia chủ, do nhân hành xử sai trái, không đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục. Và do nhân hành xử chơn chánh, đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, thiên giới .

            6. - Chúng con không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời Tôn giả Gotama thuyết giảng vắn tắt mà không giải thích chi tiết. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng Giáo pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ chi tiết của lời Ngài dạy.

            -  Vậy thì, này các gia chủ, hãy chú tâm lắng nghe kỹ những lời ta giảng.

            - Thưa vâng, Tôn giả.

             Các người Bà-la-môn vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau :

            7. - Này các gia chủ, có ba loại hành xử sai trái về thân, không dúng với Chánh pháp. Có bốn loại hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp. Có ba cách hành xử sai trái về ý, không đúng với Chánh pháp.

            8. -  Và này các gia chủ, thế nào là ba loại loại hành xử sai trái về thân, không đúng với Chánh pháp? Ở đây, có người sát sanh; giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình. Người này lấy của không cho; trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Người ấy phạm tà dâm; giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ, che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng , được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử sai trái thuộc về thân, không theo đúng Chánh pháp.

            9. - Và, này các gia chủ, thế nào là bốn cách hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp ? Ở đây, có người nói láo; khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp,  hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và mặc dù người ấy không biết, vẫn nói là ‘Tôi biết’; mặc dù có biết, người ấy nói :’’Tôi không biết ’; dù không thấy, người ấy nói : ‘Tôi thấy’, hoặc dù có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi không thấy’, người ấy hoàn toàn biết rõ việc nói láo có chủ ý của mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài  quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy ly gián những người đang hòa hợp, là kẻ xúi giục ly gián, vui thú phá hòa hợp, ưa thích phá hòa hợp, khoái trá phá hòa hợp, là kẻ đưa ra những lời nói phá hòa hợp. Người ấy nói lời thô bạo; nói lời cộc cằn, nặng nề, làm tổn thương người khác, làm xúc phạm kẻ khác, đưa đến phẫn nộ, không đưa đến định tâm. Và người ấy nói những lời phù phiếm; nói vào thời điểm không thích hợp,, nói lời sai sự thật, nói lời vô nghĩa,  nói lời trái với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm không thích hợp, người ấy nói những lời vô giá trị, vô lý, thái quá, không lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử sai trái về lời nói, không đúng với Chánh pháp.

            10. - Và, này các gia chủ ,thế nào là ba loại hành xử sai trái về ý , không theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người tham lam; người ấy tham muốn tài sản của người khác và nghĩ rằng : ‘ Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ Hoặc người ấy có tâm sân và những ý định hận thù như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này bị giết, bị sát hại, bị cắt đứt, bị tiêu diệt, không còn tồn tại !’  Hoặc người ấy có tà kiến, có ý tưởng điên đảo như thế này: “ Không có bố thí, không có kết quả bố thí, không có  tế lễ , không có kết quả tế lễ; không có kết quả các hành vi thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ , không có cha; không có các loài hóa sanh; không có các sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. (11) Đó là ba loại hành xử sai trái về ý , không theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử sai trái về ý, không theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục.

            11. - Và, này các gia chủ , có ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp. Có bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp. Có bốn loại hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp.

            12. - Và, này các gia chủ , thế nào là  ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí, có lương tâm, có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh. Từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Từ bỏ tà dâm, tránh xa tà hạnh trong các dục, không giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ, che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng , được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp.

            13. - Và, này các gia chủ, thế nào là bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người từ bỏ  nói láo; không nói lời vọng ngữ;  khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp,  hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và  vì  không biết, người ấy  nói là ‘Tôi không biết’; và vì  có biết, người ấy nói :’’Tôi có  biết ’; vì không thấy, người ấy nói : ‘Tôi không thấy’, hoặc vì có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi có thấy’, người ấy hoàn toàn không biết nói láo vì mục đích riêng mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài  quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy từ bỏ nói hai lưỡi; không nói  hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này không  đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia không đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy hòa hợp  những người đang chia rẽ, là kẻ khuyến khích tình thân hữu, là người  ưa thích hòa hợp, vui mừng trước sự hòa hợp, vung sướng trước sự hòa hợp, là kẻ đưa  ra những lời nói cổ động cho sự  hòa hợp. Người ấy từ bỏ nói  lời thô bạo; không nói lời cộc cằn;  người ấy nói những lời dịu dàng, êm tai, dễ thương, thấm tận trái tim, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người vui lòng. Và người ấy từ bỏ nói lời phù phiếm; nói đúng thời điểm thích hợp, nói lời đúng sự thật, nói lời tốt đẹp,  nói đúng với Giáo pháp và Giới luật; vào thời điểm thích hợp, người ấy nói những lời đáng ghi nhận, hợp lý, dung hòa, và lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử chơn chánh về lời nói, đúng với Chánh pháp.

            14. - Và, này các gia chủ, thế nào là  ba loại hành xử chơn chánh về ý,  theo đúng Chánh pháp? Ở đây, có người không tham lam; người ấy không tham muốn tài sản của người khác và không nghĩ rằng : ‘ Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ Người ấy không có tâm sân và không có những ý định hận thù, người ấy nghĩ như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này sống không thù hận, khổ đau, và lo âu. Cầu mong tất cả được sống hạnh phúc !’ Người ấy có chánh kiến, có ý tưởng đúng đắn  như thế này: “ Có bố thí, có kết quả bố thí, có tế lễ ,  có kết quả  tế lễ; có kết quả  các hành vi thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; có các sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. (11) Đó là ba loại hành xử chơn chánh về ý , theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử chơn chánh  về ý, theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sinh vào cõi tốt đẹp,  thậm chí còn được tái sanh vào thiên giới.

            15. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình giàu có sang trọng!’ Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình  giàu có sang trọng. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            16 - 17. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước  : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú!... vào gia đình các đại phú  gia!’ Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú!... vào gia đình các đại phú  gia!’ . Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            18 - 42 . - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được làm bạn với chư thiên trong cõi Trời Tứ Thiên Vương!... chư thiên trong cõi Trời Đao Lợi,…chư thiên cõi Trời Dạ Ma…, chư thiên cõi Trời Đâu Suất…, chư thiên cõi Hóa Lạc, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại,…chư thiên cõi Phạm Chúng,…, chư thiên cõi Quang Minh Thiên, (12)…chư thiên cõi Thiểu Quang Thiên, …chư thiên cõi Vô Lượng Quang Thiên, …chư thiên cõi Quang Âm Thiên,… chư thiên cõi Tịnh Thiên,…chư thiên cõi Thiểu Tịnh Thiên, …chư thiên cõi Vô Lượng Tịnh Thiên,…chư thiên cõi Biến Tịnh Thiên,…, chư thiên cõi Quảng Quả Thiên,…chư thiên cõi Vô Phiền Thiên,…chư thiên cõi Vô Nhiệt Thiên,…chư thiên cõi Thiện Hiện Thiên, …chư thiên cõi Thiện Kiến Thiên,…chư thiên cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, …chư thiên cõi Không Vô Biên Xứ  Thiên,… Chư thiên cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên, …chư thiên cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên, …chư thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Phi Tưởng Xứ Thiên ! Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sanh và làm bạn với  chư thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            43. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, cầu mong ngay trong đời này, tôi được an trú trong tâm giải thoát,  tuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc!’ Điều có thể xảy ra là, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, ngay trong đời này, người ấy được an trú trong tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc. Vì sao vậy? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.(13)

            44. Khi nghe Thế Tôn nói như vậy, các gia chủ Bà-la-môn bạch Thế Tôn :” Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!  Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Chánh pháp bằng nhiều phương tiện, như thể Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị ngã xuống, phơi bày những gì bị che dấu, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, giơ cao ngọn đèn trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử tại gia, từ nay cho đến mạng chung , chúng con xin trọn đời quy y theo Ngài. ”

                                    ( Trung Bộ Kinh I, Kinh số 41, Kinh Saleyyaka, tr 623-633 )

 

 

 

          (3) Nghiệp và Quả

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ngụ ở thành Xá Vệ ( Savatthi ) tại Rừng Kỳ-Đà (Jeta’s Grove ) trong Vườn Cấp-Cô-Độc ( Anāthapindika ).

            2. Rồi thanh niên Bà-la-môn Subba, con trai của Todeyya, đi đến Thế Tôn và trao đổi lời chào hỏi với Ngài. Sau khi nói những lời xã giao thân hữu đã xong, anh ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn :

            3. - Thưa Tôn giả Gotama, do nhân duyên gì mà chúng ta thấy loài người có kẻ cao sang, người hạ liệt? Chúng ta thấy có những người yểu mạng, có người trường thọ, người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh, người xấu xí, kẻ xinh đẹp, người không có quyền lực, kẻ có nhiều quyền lực, người nghèo khó, kẻ giàu sang, người sinh ra trong gia đình cao quý, kẻ sinh vào nơi hạ tiện, người thông minh, kẻ ngu dốt. Thưa Tôn giả Gotama, do nhân duyên gì mà chúng ta thấy loài người có kẻ cao sang, người hạ liệt ?

            4. -  Này thanh niên, chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là những kẻ thừa kế nghiệp,  xuất phát từ nghiệp, ràng buộc với nghiệp, nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính là nghiệp đã phân biệt chúng sanh thành kẻ cao sang, người hạ liệt.

            - Con không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời Tôn giả Gotama thuyết giảng vắn tắt mà không giải thích chi tiết. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng Giáo pháp cho con để  con có thể hiểu đầy đủ chi tiết của lời Ngài dạy.

            - Vậy thì, này thanh niên, hãy chú tâm lắng nghe kỹ những lời ta giảng.

            -  Dạ vâng, thưa Tôn giả.

             Subha vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau:

            5. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  sát sanh; giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục. Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy không tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục, thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị yểu mạng.(14) Này thanh niên, đây là con đường đưa đến yểu mạng, tức là sát sanh, giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình.

            6. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí; có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới. Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy không tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới, thay vào đó sanh lại vào cõi người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy được trường thọ.(15) Này thanh niên, đây là con đường đưa đến trường thọ, tức là từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí; có lương tâm, có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh.

            7. -  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  đã làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục…Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị bệnh hoạn, tức là người đã làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao.

            8.-  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ luôn được khỏe mạnh, tức là người đã không làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao.

            9. -  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tánh tình khó chịu, hay nóng giận; thậm chí khi bị chỉ trích một chút  đã bất bình, nổi giận, muốn gây hấn, phẫn nộ, và bày tỏ sự tức giận, thù nghịch, cay cú… Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ… Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị xấu xí. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến dung sắc xấu xí, tức là, người tánh tình nóng nảy, dễ nổi giận… và bày tỏ sự tức giân, thù nghịch, cay cú.

            10. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không có tánh tình khó chịu, hay nóng giận; thậm chí khi bị chỉ trích một chút không tỏ ra bất bình, không nổi giận, không gây hấn, hay  phẫn nộ, và  khôngbày tỏ sự tức giận, thù nghịch, cay cú… Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp… Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ được xinh đẹp. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến dung sắc xinh đẹp, tức là, người có tánh tình không nóng nảy, không dễ nổi giận… và không bày tỏ sự tức giân, thù nghịch, cay cú .

            11. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tánh tình đố kỵ, là người thường ganh ghét đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là kẻ không có quyền lực. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến không có quyền lực, tức là, người có tánh tình hay ganh ghét, đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được.

            12.  Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không có tánh ganh ghét đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ có quyền lực. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến  có quyền lực, tức là, người có tánh tình không ganh ghét, đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được.

            13. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không bố thí thực phẩm, nước uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương liệu, sáp thoa da, giường, chỗ ở, đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ nghèo khó. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến nghèo khó, tức là, người không bố thí….và đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn.

            14. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  bố thí thực phẩm, nước uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương liệu, sáp thoa da, giường, chỗ ở, đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ giàu có . Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến giàu có, tức là, người biết bố thí….và đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn.

            15. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng, không đảnh lễ người xứng đáng được đảnh lễ, không đứng dậy trước đáng đứng dậy, không mời ngồi cho người đáng được mời ngồi, không nhường lối đi cho người đáng được nhường lối đi, và không tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trong, cung kính, đảnh lễ. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ sinh vào gia dình hạ liệt. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh vào gia đình hạ liệt, tức là, người có  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng… không tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trọng, đảnh lễ.

            16.- Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà không có tính tình bướng bĩnh, kiêu căng; đảnh lễ người xứng đáng được đảnh lễ,  đứng dậy trước đáng đứng dậy,  mời ngồi cho người đáng được mời ngồi, nhường lối đi cho người đáng được nhường lối đi, và tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trong, cung kính, đảnh lễ. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ sinh vào gia dình cao sang. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh vào gia đình cao sang, tức là, người không có  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng… biết tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trọng, đảnh lễ.

            17. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và hỏi : ‘Thưa tôn giả, thế nào là thiện ? Thế nào là bất thiện ? Thế nào là đáng chê trách ? Thế nào là không đáng chê trách ?  Cái gì cần phải trau dồi ? Cái gì không nên trau dồi ? Hành động nào đưa đến tổn hại và đau khổ lâu dài cho tôi ? Hành động nào đưa đến an vui và hạnh phúc lâu dài cho tôi ?’. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là người ngu dốt. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh thành kẻ ngu dốt, tức là, không đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và đặt nhưng câu hỏi như thế.

            18. “ Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và hỏi :’ Thưa tôn giả, thế nào là thiện ? Thế nào là bất thiện ? Thế nào là đáng chê trách ? Thế nào là không đáng chê trách ?  Cái gì cần phải trau dồi ? Cái gì không nên trau dồi ? Hành động nào đưa đến tổn hại và đau khổ lâu dài cho tôi ? Hành động nào đưa đến an vui và hạnh phúc lâu dài cho tôi ?’. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là người có trí tuệ. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh thành người có trí tuệ, tức là, đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và đặt nhưng câu hỏi như thế.

            19. – Như vậy, này thanh niên, con đường  đưa đến yểu mạng làm cho con người yểu mạng, con đường đưa đến trường thọ làm cho con người trường thọ; con đường đưa đến bệnh hoạn làm cho con người nhiều bệnh, con đường đưa đến sức khỏe làm cho con người khỏe mạnh; con đường đưa đến dung sắc xấu xí làm cho con người có dung sắc xấu xí, con đường đưa đến dung sắc xinh đẹp làm cho con người có dung sắc xinh đẹp; con đường đưa đến không có quyền lực làm cho con người không có quyền lực, con đường đưa đến quyền lực làm cho con người nhiều quyền lực; con đường đưa đến nghèo khó làm cho con người nghèo khó, con đường đưa đến giàu có làm cho con người giàu có; con đường đưa đến tái sinh vào chỗ hạ liệt làm cho con người tái sinh vào gia đình hạ liệt, con đường đưa đến tái sinh cao sang làm cho con người được tái sinh vào chỗ cao sang; con đường đưa đến ngu dốt làm cho con người tái sinh thành kẻ ngu dốt, con đường đưa đến trí tuệ làm cho con người tái sinh thành kẻ có trí tuệ.

            20. - Chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa kế nghiệp; xuất phát từ nghiệp, ràng buộc với nghiệp, nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính là nghiệp đã phân biệt chúng sanh thành kẻ cao sang, người hạ liệt.”

            21.  Khi nghe Thế Tôn nói như vậy, thanh niên Subha, con của Todeyya, bạch Thế Tôn : “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!  Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Chánh pháp bằng nhiều phương tiện, như thể Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị ngã xuống, phơi bày những gì bị che dấu, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, giơ cao ngọn đèn trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử tại gia, từ nay cho đến mạng chung , chúng con xin trọn đời quy y theo Ngài. ”

                        ( Trung Bộ Kinh, Kinh số 135 : KInh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, tr 473- 481 )

 

          2. CÔNG  ĐỨC : CHÌA  KHÓA  MỞ RA VẬN MỆNH TỐT ĐẸP

          (1) Các việc làm công đức

            - Này các Tỷ kheo, đừng sợ những việc làm công đức. Đây là sự biểu lộ hạnh phúc, những gì đáng ao ước, đáng mong cầu, thân thiện và rất dễ chịu, đó là, những việc làm công đức. Này các Tỷ-kheo, ta biết rất rõ rằng trong một thời gian dài, ta đã thọ hưởng những kết quả đáng ao ước, đáng mong cầu, thân thiện và rất dễ chịu do thường thực hành những việc làm công đức

            Sau khi đã tu tập tâm từ trong bảy năm, ta đã không trở lại cõi đời này trong bảy thành kiếp và hoại kiếp. Mỗi khi đến thời kỳ hoại kiếp, ta sanh vao cõi trời Quang Minh Thiên, và mỗi thời kỳ thành kiếp ta ta sanh vào một lâu đài trống không. Ở đó, ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiện, bậc chiến thắng không ai chinh phục được, bậc nhìn thấy tất cả, bậc quyền lực toàn vẹn. Ba mươi sáu lần ta là Trời Đế Thích, người cai trị chư thiên. Và nhiều trăm lần, ta là Chuyển Luân Thánh Vương, chơn chánh, một vị vua chơn chánh, bậc chinh phục bốn cõi địa cầu, duy trì được sự ổn định trong quốc độ, sở hữu bảy báu. Có cần nói gì về vịệc cai trị  của vua ở địa phương chăng ?

            Này các Tỷ-kheo, ta tự hỏi như sau:’ Việc làm nào của ta đã mang lại quả này ? Nghiệp nào của ta đã chin muồi mà nay ta được hưởng những thành tựu và  quyền lực vĩ đại như vậy ? Và rồi ý nghĩ này khởi lên trong ta:’ Đây chính là quả của ba nghiệp ta đã làm, là sự chin muồi của ba nghiệp mà giờ đây ta hưởng được những thành tựu và quyền lực vĩ đại như vậy: đó là bố thí, tự mình nhiếp phục  và chế ngự các căn .’

                                                                                    ( Kinh Itivuttaka 22; 14-15 )

 

          (2) Ba Nền Tảng của Công Đức

            -  Này các Tỷ-kheo, có ba cách tu tập công đức. Thế nào là ba ? Có cách tạo công đức bằng  bố thí, bằng giữ giới, bằng phát triển thiền định.

             Có hạng người tu tập công đức bằng cách bố thí ở mức độ có giới hạn; và, cũng vậy, người ấy tu tập công đức bằng giữ gìn giới luật ở một mức độ giới hạn; nhưng người ây không tu tập công đức bằng thiền định. Vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi người trong hoàn cảnh không thuận lợi.

             Có hạng người khác tu tập công đức bằng cách bố thí cũng như giữ gìn  giới luật ở mức độ cao; nhưng người ây không tu tập công đức bằng thiền định. Vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi người trong hoàn cảnh  thuận lợi.

             Hoặc người ấy sẽ đươc tái sinh và sống chung với chư thiên của cõi Trời Tứ Thiên Vương. Và ở đây, Trời Tứ Thiên Vương là những vị đã tu tập công đức bố thí và trì giới ở mức độ rất cao, vượt qua chư thiên cõi trời ấy trong mười phương diện : tuổi thọ siêu phàm, dung sắc siêu phàm, hạnh phúc siêu phàm, danh tiếng siêu phàm, quyền lực siêu phàm; và có sắc, thanh , hương ,vị, xúc siêu phàm.

             Hoặc người ấy sẽ tái sinh và sống chung với chư thiên của cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Và ở đây, Trời Đế Thích, là vị vua cai trị chư thiên, người đã tu tập công đức bố thí và trì giới ở mức độ rất cao, vượt qua chư thiên cõi trời ấy trong mười phương diện : tuổi thọ siêu phàm, dung sắc siêu phàm, hạnh phúc siêu phàm, danh tiếng siêu phàm, quyền lực siêu phàm; và có sắc, thanh , hương ,vị, xúc siêu phàm.

( Những câu tương tự như thế  cho việc tái sinh làm chư thiên cõi Trời Dạ Ma, chư thiên cõi Trời Đâu Suất Đà, chư thiên cõi Trời Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, và những vị vua trị vì ở các cõi trời ấy ).

             Này các Tỳ-kheo, đấy là ba cách tu tập công đức.”

                                                                        ( Tăng Chi BK 8:36; IV 241-43 )

          (3) Những Loại Tín Tâm Tối Thượng

            -  Này các Tỳ-kheo, có bốn loại tín tâm tối thượng. Thế nào là bốn ?

            Bất cứ các loài hữu tình nào,  dù  không chân hay hai chân, bốn chân, hay nhiều chân, dù có sắc hay không sắc, có tưởng hay không có tưởng, phi tưởng hay phi phi tưởng, thì Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được tuyên bố là tối thượng. Những ai có lòng tin vào Đức Phật là đã có lòng tin vào đấng tối thượng, và những ai có lòng tin  vào đấng tối thượng sẽ đạt được kết quả tối thượng.

             Dù có bất cứ loại  pháp hữu vi nào, thì Bát Thánh Đạo được tuyên bố là tối thượng. Những ai có lòng tin vào Bát Thánh Đạo là đã có lòng tin vào pháp tối thượng, và những ai có lòng tin  vào pháp tối thượng sẽ đạt được kết quả tối thượng.

             Dù có bất cứ loại  pháp hữu vi  hay vô vi nào, ly tham được tuyên bố là pháp tối thượng, nghĩa là, sự diệt trừ  ngã mạn, loại bỏ khát ái, nhổ bật gốc mọi dính mắc, chấm dứt luân hồi,   đoạn trừ ái dục, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Những ai có có lòng tin vào Giáo pháp là có lòng tin vào pháp tối thượng, và những ai có lòng tin vào pháp tối thượng sẽ đạt được kết quả tối thượng.

            Dù có bất cứ tăng chúng hay hội chúng nào, Tăng đoàn đệ tử của Như Lai được tuyên bố là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy, nghĩa là, bốn đôi tám vị - Tăng đoàn đệ tử của Thế Tôn xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được phục vụ, xứng đáng được dâng tặng, xứng đáng được cung kính đảnh lễ, đó là ruộng phước vô thượng ở đời. Những ai có có lòng tin vào Tăng đoàn là có lòng tin vào hội chúng tối thượng, và những ai có lòng tin  vào hội chúng tối thượng sẽ đạt được kết quả tối thượng .”

                           Những ai có lòng tin tối thượng,

                        Những ai hiểu được Pháp tối thượng,

                        Những ai có lòng tin vào Đức Phật,

                        Là bậc vô thượng xứng đáng được cúng dường;

                        Những ai có lòng tin vào Giáo pháp,

                        Ly tham, an lạc tối thượng;

                        Những ai có lòng tin vào Tăng đoàn,

                        Là ruộng phước vô thượng ở đời;

                        Những ai cúng dường cho những bậc vô thượng,

                        Được tăng trưởng công đức tối thượng;

                        Được thọ mạng, dung sắc, tối thượng,

                        Được danh tiếng, hạnh phúc, và sức mạnh tối thượng,

                        Dù người ấy trở thành chư thiên hay loài người,

                        Là bậc trí tuệ đã bố thí tối thượng,

                        Định tâm vào Pháp tối thượng,

                        Hoan hỷ khi đạt được pháp tối thượng.

 

                                                                                    ( Tăng Chi BK 4:34; II 34-35 )

 

                        3. BỐ THÍ 

 

          (1) Nếu Chúng Sinh Biết Được Kết Quả của Bố Thí

                       

            - Này các Tỷ-kheo, nếu chúng sinh biết được kết quả của bố thí và chia sẻ, như ta đã biết, thì họ sẽ không ăn mà không chia sẻ, họ sẽ không để cho sự ô uế của keo kiệt ám ảnh và mọc rễ trong tâm họ. Thậm chí nếu đó là miếng ăn tối hậu, là miếng ăn cuối cùng, họ sẽ không ăn mà không chia sẻ, nếu có người nào đó cần chia sẻ. Nhưng, này các Tỷ-kheo, vì chúng sinh không biết  kết quả của bố thí và chia sẻ như ta đã biết, nên họ đã ăn mà không bố thí, và sự ô uế của keo kiệt ám ảnh và mọc rễ trong tâm họ.

                                   

                                                                                    ( Kinh Itivuttaka 26; 18-19)

          (2) Lý Do Để Bố Thí

            -  Này các Tỷ-kheo, có tám lý do để bố thí. Thế nào là tám ? Chúng sinh có thể bố thí vì tình thương; hay trong lúc tâm sân hận; hay vì ngu ngốc; hay vì sợ hãi; hay với ý nghĩ :’ Trước kia ông cha ta đã bố thí, trước đây các người đã làm; vì thế ta sẽ không xứng đáng nếu ta từ bỏ truyền thống gia đình này ’; hay với ý nghĩ : ‘ Bằng cách bố thí này, ta sẽ được tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới, sau khi chết ’; hay với ý nghĩ : ‘ Khi bố thí như thế này, tâm ta sẽ an vui, hạnh phúc, và hỷ lạc sẽ khởi sinh trong ta ’; hay người ta bố thí vì việc này làm  tâm cao thượng, làm tâm trang nghiêm.’

                                                                                    ( Tăng Chi BK 8:33; IV 236-37 )

          (3) Bố Thí Thực Phẩm

            Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ giữa dân chúng Koligans, tại một thị trấn tên là Sajjanela. Một buổi sáng, Thế Tôn đắp y, cầm y bát, và đi đến chỗ ở của Suppavāsā, một phụ nữ ở   Koli. Sau khi đến, Ngài ngồi xuống một chỗ ngồi đã soạn sẵn. Rồi Suppavāsā, người phụ nữ ở Koli cúng dường Ngài nhiều thức ăn ngon. Khi Thế Tôn đã thọ thực xong và đã rời tay khỏi bình bát,  Suppavāsā, người phụ nữ ở Koli  ngồi xuống một bên, và Thế Tôn nói với nàng như sau:

            -  Này Suppavāsā,  một thánh nữ đệ tử khi bố thí thức ăn, là bố thí bốn pháp cho người nhận. Thế nào là bốn ? Nàng đã bố thí thọ mạng, dung sắc, an lạc và sức mạnh. Bằng cách bố thí thọ mạng, chính nàng sẽ được thọ mạng, thuộc cõi người hay cõi thiên. Bằng cách bố thí dung sắc, chính nàng sẽ được dung sắc, thuộc cõi người hay cõi thiên. Bằng cách bố thí an lạc, chính nàng sẽ được hưởng an lạc, thuộc cõi người hay cõi thiên. Bằng cách bố thí sức mạnh, chính nàng sẽ được sức mạnh, thuộc cõi người hay cõi thiên. Một thánh nữ đệ tử khi bố thí thức ăn, là bố thí bốn pháp này cho người nhận.”

                                                                        ( Tăng Chi BK 4:57; II 62-63 )

 

          ( 4) Bố thí của bậc chân nhân

            - Này các Tỷ-kheo, có năm loại bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là năm ?

             Vị ấy bố thí vì lòng tin; bố thí  với sự kính trọng; bố thí đúng thời; bố thí với tâm hào phóng; bố thí không làm tổn thương mình và  người khác.

             Do vị ấy bố thí vì lòng tin, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và vị ấy có dung săc đẹp đẽ , thu hút, duyên dáng, được sở hữu làn da tuyệt đẹp.

             Do vị ấy bố thí với lòng kính trọng, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và vợ con, nô tỳ, ngườii đưa tin, người làm công , đều vâng lời, lắng nghe và  chú tâm để hiểu được chủ mình.

             Do vị ấy bố thí đúng thời, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và các lợi lạc đến với vị ấy đúng lúc, và rất phong phú.

             Do vị ấy bố thí với tâm hào phóng, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, và tâm của vị ấy có khuynh hướng thọ hưởng những điều tốt đẹp nhất của năm dục công đức.

             Do vị ấy bố thí không làm tổn thương mình và người khác, bất cứ nơi nào quả của việc bố thí ấy chin muồi, vị ấy sẽ được giàu có, sung mãn, đại phú, vị ấy sẽ không bị mất mát tài sản bất cứ lý do gì, dù là do lửa cháy, lụt lội, bị vua tịch thu, trộm cướp hay do những người thừa kế bị ghét bỏ chiếm đoạt.

            Này, các Tỷ-kheo, đó là năm loại bố thí của bậc chân nhân.”

                                                                                    ( Tăng Chi BK 5: 148; III 172-73 )

 

          (5) Hỗ trợ lẫn nhau

            - Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn và gia chủ rất hữu ích cho các thầy. Họ cung cấp cho các thầy những vật dụng cần thiết như  y áo, thực phẩm, chỗ ở và thuốc men lúc đau ốm. Và các thầy cũng rất hữu ích cho các Bà-la-môn và gia chủ, vì các thầy thuyết giảng Giáo pháp cho họ, những Giáo pháp ấy tốt ở chặng đầu, tốt ở chặng giữa và tốt ở chặng cuối, với ý nghĩa và lời văn chơn chánh, và các thầy nói lên cuộc sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh. Như vậy, này các tỷ-kheo, đời sống phạm hạnh này được sống với sự hỗ trợ lẫn nhau nhằm mục đích vượt qua dòng nước lũ và chấm dứt khổ đau.”

                                                                                    ( Kinh Itivuttaka  107; 111)

          (6) Tái Sinh Do Bố Thí

            Này các Tỷ kheo, có tám loại tái sinh do bố thí. Thế nào là tám ?

             Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa môn hay Bà-la-môn, cúng dường thực phẩm, nước uống, y áo; và xe cộ; vòng hoa, hương liệu và dầu thoa; giường ngủ, chỗ ở, đèn đuốc. Khi bố thí như vậy, người ấy mong được hưởng quả. Giờ đây, người ấy để ý đến các người giàu sang, Bà-la-môn hay gia chủ sung túc đang được cung cấp và thọ hưởng những đối tượng của năm dục, người ấy suy nghĩ : ‘Ồ, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi sẽ được tái sinh vào gia đình những người này!’ Người ấy để hết tâm trí vào ý tưởng đó, giữ chặt ý tưởng ấy và nuôi dưỡng ý tưởng ấy. Ý tưởng này của người ấy nhắm đến những gì còn thấp, và nếu không tu tập hướng đến những gì cao thượng hơn, thì chỉ đưa người ấy đến chỗ tái sanh như thế. Sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sinh vào gia đình những người giàu sang, Bà-la-môn hay gia chủ sung túc. Tuy nhiên, ta chỉ tuyên bố điều này đối với người giữ giới thanh tịnh, không phải đối với người theo ác giới; này các Tỷ-kheo, do người ấy giữ giới thanh tịnh, những gì tâm của người ấy ao ước sẽ được toại nguyện ’. ( 16)

            - Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa môn hay Bà-la-môn, cúng dường thực phẩm… đèn đuốc. Giờ đây, người ấy nghe nói đến thọ mạng lâu dài, dung sắc xinh đẹp, và hạnh phúc của chư thiên cõi trời Tứ Thiên Vương… chư thiên cõi Trời Tam Thập Tam Thiên… , chư thiên cõi trời Dạ Ma…, chư thiên cõi Trời Đâu Suất…, chư thiên cõi Trời Hóa Lạc …, chư thiên cõi trời Tha Hóa Tự Tại, và người ấy mong ước được tái sinh vào sống chung với chư thiên ở các cõi ấy. Người ấy để hết  tâm trí vào ý tưởng đó, giữ chặt ý tưởng ấy và nuôi dưỡng ý tưởng ấy. Ý tưởng này của người ấy nhắm đến những gì còn thấp, và nếu không tu tập hướng đến những gì cao thượng hơn, thì chỉ đưa người ấy đến chỗ tái sanh như thế. Sau khi  thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sinh vào chung sống với chư thiên ở cõi trời  Tứ Thiên Vương…. chư thiên cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Tuy nhiên, ta chỉ tuyên bố điều này đối với người giữ giới thanh tịnh, không phải đối với người theo ác giới; này các Tỷ-kheo, do người ấy giữ giới thanh tịnh, những gì tâm của người ấy ao ước sẽ được toại nguyện ’.

            - Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa môn hay Bà-la-môn, cúng dường thực phẩm… đèn đuốc. Giờ đây, người ấy nghe nói đến thọ mạng lâu dài, dung sắc xinh đẹp, và hạnh phúc của chư thiên cõi Phạm Chúng, và người ấy mong ước được tái sinh vào sống chung với chư thiên ở các cõi ấy. Người ấy để hết  tâm trí vào ý tưởng đó, giữ chặt ý tưởng ấy và nuôi dưỡng ý tưởng ấy. Ý tưởng này của người ấy nhắm đến những gì còn thấp, và nếu không tu tập hướng đến những gì cao thượng hơn, thì chỉ đưa người ấy đến chỗ tái sanh như thế. Sau khi  thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sinh vào chung sống với chư thiên ở cõi trời  Phạm Chúng. Tuy nhiên, ta chỉ tuyên bố điều này đối với người giữ giới thanh tịnh, không phải đối với người theo ác giới; đối với những người đã ly dục, chứ không phải những người còn đầy tham dục.(17) Bởi vì người ấy đã ly dục, những gì tâm của người ấy ao ước sẽ được toại nguyện .

             Này các Tỷ-kheo, đó là tám loại tái sinh do bố thí.”

                                                                        ( Tăng Chi BK  8:35; IV 239-41)

 

          4. GIỚI  HẠNH

          (1) Năm Giới

            - Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn công đức, nguồn thiện pháp, dưỡng chất của an lạc, thuộc về thiên giới, kết quả chín muồi trong hạnh phúc, sẽ đưa đến cõi thiên, đưa đến những gì được mong ước, được yêu thích, vừa ý, đưa đến an vui hạnh phúc cho con người. Thế nào là tám ?

              Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử qui y Phật. Đây là nguồn công đức thứ nhất,  nguồn thiện pháp, dưỡng chất của an lạc, thuộc về thiên giới, kết quả chin muồi trong hạnh phúc, sẽ đưa đến cõi thiên, đưa đến những gì được mong ước, được yêu thích, vừa ý, đưa đến an vui hạnh phúc cho con người.

              Lại nữa, vị thánh đệ tử quy y Pháp. Đây là nguồn công đức thứ hai…. đưa đến những gì được mong ước, được yêu thích, vừa ý, đưa đến an vui hạnh phúc cho con người.

            Lại nữa, vị thánh đệ tử quy y Tăng. Đây là nguồn công đức thứ ba…. đưa đến những gì được mong ước, được yêu thích, vừa ý, đưa đến an vui hạnh phúc cho con người.

            -  Này các Tỷ-kheo, lại có năm bố thí này – nguyên sơ, lâu đời, theo truyền thống, cổ xưa,  không bị pha trộn, và chưa bao giờ bị pha trộn trước đây, hiện tại không bị pha trộn, vả tương lai sẽ không bị pha trộn,  không bị Sa môn Bà-la môn  có trí khinh thường. Thế nào là năm ?

             Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử  từ bỏ hủy diệt sự sống, từ bỏ sát sanh. Bằng cách từ bỏ sát sanh, vị thánh đệ tử đã ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Bằng cách ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức, chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ nhất của năm đại bố thí và là nguồn công đức thứ tư.

             Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ lấy của không cho và tránh xa lấy của không cho. Bằng cách từ bỏ lấy của không cho và tránh xa lấy của không cho, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi.…Đây là bố thí thứ hai của năm đại bố thí và là nguồn công đức thứ năm.

             Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ tà dâm và tránh xa tà hạnh trong các dục. Bằng cách từ bỏ tà dâm và tránh xa tà hạnh trong các dục, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi…. Đây là bố thí thứ ba của năm đại bố thí và là nguồn công đức thứ sáu.

                 Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ nói láo và tránh xa việc nói láo. Bằng cách từ bỏ nói láo và tránh xa việc nói láo, vị ấy đã ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi…. Đây là bố thí thứ tư của năm đại bố thí và là nguồn công đức thứ bảy.

             Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện, vì chúng là nguồn gốc của sự bất cẩn, và tránh xa việc uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện. Bằng cách từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện, vì chúng là nguồn gốc của sự bất cẩn, và tránh xa việc uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện, vị thánh đệ tử đã ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Bằng cách ban cho vô lượng chúng sanh sự tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức, chính vị ấy cũng được hưởng vô lượng tự do thoát khỏi mọi sợ hãi, hận thù, áp bức. Đây là bố thí thứ năm của năm đại bố thí và là nguồn công đức thứ tám.

             Này các Tỷ-kheo, đây là tám nguồn công đức, nguồn thiện pháp, dưỡng chất của an lạc, thuộc về thiên giới, kết quả chín muồi trong hạnh phúc, sẽ đưa đến cõi thiên, đưa đến những gì được mong ước, được yêu thích, vừa ý, đưa đến an vui hạnh phúc cho con người.

                                                                                    ( Tăng Chi BK 8: 39; IV 245-47)

 

          (2) Thọ Bát Quan Trai Giới

 

            - Này các Tỷ-kheo, khi ngày thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần, sẽ có kết quả và lợi lạc lớn, tỏa sáng và lan rộng khắp nơi. Và thế nào là ngày thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần ?

            Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau : ‘ Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ sát sanh, tránh xa việc sát sanh;  dẹp bỏ  roi và vũ khí, cẩn trọng và biết xót thương và có lòng từ đối với tất cả chúng sanh. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy. Ta sẽ noi theo các bậc A-la-hán, ta sẽ hoàn thành ngày thọ bát quan trai giới .’ Đây là chi phần thứ nhất được thành tựu.

             Rồi vị ấy suy  nghĩ thêm: “ Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ lấy của không cho và tránh xa lấy của không cho; các ngài chỉ nhận những gì được cho, chỉ mong đợi những gì được cho, và sống với tâm chân thật không có trộm cắp. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’ . Đây là chi phần thứ hai được thành tựu.

            “ Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ quan hệ tình dục và giữ gìn cuộc sống độc thân, sống riêng biệt, tránh xa các hành vi dâm dục thấp kém. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’. Đây là chi phần thứ ba được thành tựu.

            “Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ nói láo và tránh xa việc nói láo; các ngài là những người nói lời chân thật, những người gắn bó với sự thật, xứng đáng đặt lòng tin, đáng tin cậy, không phải là những người dối gạt đời. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’. Đây là chi phần thứ tư được thành tựu.

            “Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ uống rượu men, rượu nấu và các chất gây say nghiện, vì chúng là nguồn gốc của sự bất cẩn, và tránh xa chúng. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’. Đây là chi phần thứ năm được thành tựu.

            “Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và  không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’. Đây là chi phần thứ sáu được thành tựu.

            “Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ nhảy múa, ca hát, nghe nhạc, và xem kịch, từ bỏ trang sức bằng các vòng hoa, thoa dầu thơm và hương liệu. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy…’. Đây là chi phần thứ bảy được thành tựu.

            “Cho đến trọn đời, các bậc A-la-hán từ bỏ sử dụng các giường cao, chỗ ngồi xa hoa, tránh xa không dùng các thứ ấy; các ngài chỉ sử dụng chỗ nghỉ ngơi thấp, hoặc là giường thấp nhỏ  hay tấm nệm cỏ. Hôm nay, đêm cũng như ngày, ta cũng sẽ làm như vậy. Ta sẽ noi theo các bậc A-la-hán, ta sẽ hoàn thành ngày thọ bát quan trai giới .’ Đây là chi phần thứ tám được thành tựu.

            - Này các Tỷ-kheo, khi ngày thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần này, sẽ có kết quả và lợi lạc lớn, tỏa sáng và lan rộng khắp nơi. Những kết quả lớn, lợi lạc lớn, tỏa sáng và lan rộng khắp nơi đến mức độ nào ?

            Này các Tỷ-kheo, giả sử có người áp đặt chủ quyền và thống trị trên mười sáu nước lớn tràn ngập bảy báu, như Anga, Magadha, Kasi, Kosala, Vajjis, Mallas, Cetis, Vamsa, Kurus, Pancalas, Maccha, Surasena, Assaka, Avanti, Gandhara, va Kamboja (20): Chủ quyền này cũng không giá trị bằng một phần mười sáu ngày thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần ấy. Vì sao ? Bởi vì chủ quyền của loài người là rất nhỏ bé so với hạnh phúc của chư thiên.

             Đối với chư thiên trong cõi trời Tứ Thiên Vương, một ngày và đêm  bằng năm chục năm ở cõi người; ba mươi ngày như vậy làm thành một tháng, và mười hai tháng làm thành một năm. Thọ mạng cũa chư thiên trong cõi trời Tứ Thiên Vương là năm trăm năm như thế. Này các Tỷ-kheo, điều này có thể xảy ra, nếu có thiện nam hoặc tín nữ nào ở đây thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần này, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, họ sẽ được tái sinh vào sống chung với chư thiên trong cõi trời Tứ Thiên Vương. Chính vì điểm này mà ta nói rằng chủ quyền của loài người rất nhỏ bé so với hạnh phúc của chư thiên.

             Đối với chư thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba, một ngày một đêm bằng một trăm năm ở cõi người…Thọ mạng của chư thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba là một ngàn năm như thế…Đối với chư thiên ở cõi Trời Dạ Ma, một ngày một đêm bằng hai trăm năm ở cõi người…Thọ mạng của chư thiên ở cõi Trời Dạ Ma là hai ngàn năm như thế. Đối với  chư thiên ở cõi Trời Đâu Suất, một ngày một đêm bằng bốn trăm năm ở cõi người…Thọ mạng của chư thiên ở cõi Trời Đâu Suất là bốn ngàn năm như thế. Đối với chư thiên ở cõi Trời Hóa Lạc, một ngày một đêm bằng tám trăm năm ở cõi người…Thọ mạng của chư thiên ở cõi Trời Hóa Lạc là tám ngàn năm như thế. Đối với chư thiên ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, một ngày môt đêm bằng mười sáu trăm năm ở cõi người; ba mươi ngày như vậy làm thành một tháng, và mười hai tháng làm thành một năm. Thọ mạng của chư thiên ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại là mười sáu ngàn năm như thế. Này các Tỷ-kheo, điều này có thể xảy ra, nếu có thiện nam hoặc tín nữ nào ở đây thọ bát quan trai giới thành tựu tám chi phần này, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, họ sẽ được tái sinh vào sống chung với chư thiên trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Chính vì điểm này mà ta nói rằng chủ quyền của loài người rất nhỏ bé so với hạnh phúc của chư thiên.”

                                                                        ( Tăng Chi BK 8:41; IV 248-51)

 

          5.  THIỀN ĐỊNH

          (1) Phát Triển Tâm Từ

            - Này các Tỷ-kheo, cho dù dựa trên những lập luận  nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát   bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và chiếu sáng,  tỏa sáng và rực sáng.

             Giống như ánh sáng của tất cả vì sao không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng vượt qua tất cả và tỏa sáng, chói sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận  nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm  từ vượt qua tất cả nền tảng ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

             Giống như tháng cuối cùng của mùa mưa, vào mùa thu, bầu trời trong sáng và không có mây, mặt trời mọc xóa tan không gian tối tăm và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất cả công đức ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

             Và giống như vào ban đêm, lúc trời bình minh, sao mai chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng, cũng vậy, cho dù dựa trên những lập luận nào nào để tạo công đức đưa đến tái sanh trong tương lai, tất cả công đức  ấy cũng không bằng một phần mười sáu của sự giải thoát bằng tâm từ. Giải thoát bằng tâm từ vượt qua tất công đức ấy và chiếu sáng, tỏa sáng và rực sáng.

                                                                        ( Kinh Itivuttaka 27; 19-21 )

 

(2)  Tứ Vô Lượng Tâm

            22. Thanh niên Bà-la-môn Subha, con của Todeyya, thưa với Thế Tôn:

            -  Thưa Tôn giả Gotama, con có nghe rằng Tôn giả biết con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            -  Này thanh niên, ngươi nghĩ thế nào ? Làng Nalakāra có gần đây không ?

            -  Thưa Tôn giả, làng Nalakāra ở gần đây, không xa nơi đây.

            - Này thanh niên, ngươi nghĩ thế nào ? Giả sử có một người sinh trưởng ở làng Nalakāra, ngay khi ông ta rời khỏi làng Nalakāra, có người hỏi ông ta về con đường đi đến làng Nalakāra. Người đàn ông ấy sẽ ngập ngừng hay do dự khi trả lời ?

            -  Thưa không, Tôn giả Gotama, Vì sao vậy ? Vì người ấy đã sinh trưởng ở làng Nalakāra, và đã quen thuộc với tất cả con đường đi đến làng đó.”

            -  Tuy vậy, một người sinh trưởng ở làng Nalakāra khi được hỏi về con đường đi đến làng Nalakāra, có thể sẽ còn ngập ngừng hay do dự lúc  trả lời, nhưng với Như Lai, khi được hỏi về thế giới Phạm thiên hay con đường đưa đến thế giới Phạm thiên, Như Lai sẽ không bao giờ ngập ngừng hay do dự lúc trả lời. Ta hiểu rõ Phạm thiên, hiểu rõ thế giới Phạm thiên, và hiểu rõ con đường đưa đến thế giới Phạm thiên, và ta hiểu rõ phải tu tập như thế nào để được tái sanh vào thế giới Phạm thiên.

            -  Thưa Tôn giả Gotama, con nghe nói rằng Sa môn Gotanma giảng dạy con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên. Sẽ tốt lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng cho con về con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            - Vậy thì, này thanh niên, hãy chú ý lắng nghe thật kỹ, ta sẽ nói.

            - Dạ vâng, thưa Tôn giả.

             Subha vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau:

            24. - Này thanh niên, thế nào là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên ? Ở đây, một Tỷ kheo an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, đối với tất cả chúng sanh cũng như với chính mình, vị ấy an trú với tâm từ tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn  lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương  nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm từ được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây.(21) Đây là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

            25-27. - Lại nữa, này thanh niên Bà-la-môn, một Tỷ kheo an trú với tâm bi tràn ngập chan hòa …với tâm hỷ  tràn ngập chan hòa …với tâm xả tràn ngập chan hòa một phương, cũng vậy với phương thứ hai, cũng vậy với phương thứ ba, cũng vậy với phương thứ tư, trên, dưới, chung quanh , khắp nơi, đối với tất cả chúng sanh cũng như với chính mình, vị ấy an trú với tâm xả tràn ngập chan hòa khắp thế giới, sung mãn, hoan hỷ, vô lượng, không hận, không sân. Khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không hành động có  giới hạn nào còn  lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Giống như một người thổi tù và hăng say có thể làm cho mọi người khắp bốn phương  nghe đươc dễ dàng, cũng vậy, khi giải thoát bằng tâm xả được tu tập như vậy, thì không hành động có giới hạn nào còn lại ở đây, không còn giới hạn nào tồn tại nơi đây. Đây là con đường đưa đến sống cùng với Phạm thiên.

                                    ( Trung BK II, Kinh số 99: Kinh Subha, tr. 810-814 )

 

          (3) Tuệ quán thù thắng

            [ Đức Phật nói với ông Cấp-Cô-Độc ]:

            - Này gia chủ, thuở xưa, có một người Bà-la-môn tên là Velāma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: 84,000 chén vàng chứa đầy bạc; 84,000 chén bạc chứa đầy vàng; 84,000 chén đồng chứa đầy thỏi quý  kim; 84,000 voi; cỗ xe, bò sữa, thiếu nữ, giường nằm, nhiều triệu thước vải mịn, và vô số thức ăn, nước uống, dầu thoa và tấm vải trải giường.

            Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, nhưng nếu có người bố thí cho một vị có chánh kiến, thì quả vị bố thí này còn rộng lớn hơn .(22) Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị có chánh kiến,  nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả Nhất Lai, thì quả vị bố thí  này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả Nhất Lai, nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả Bất Lai, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả Bất Lai, nếu người ấy bố thí cho một vị chứng quả A-la-hán, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị chứng quả A-la-hán, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn nếu người ấy bố thí cho một vị Độc Giác Phật. (23) Những gì người Bà-la-môn Velāma bố thí quả thật rộng lớn, và dù có người bố thí cho một trăm vị Độc Giác Phật., nếu người ấy bố thí cho Đức Phật, bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thì quả vị  bố thí này còn rộng lớn hơn. … quả vị  này còn rộng lớn hơn nếu người ấy bố thí cho Tăng Đoàn do Đức Phật lãnh đạo và xây dựng tinh xá cho Tăng Đoàn khắp bốn phương  … quả vị  này còn rộng lớn hơn nếu người ấy có lòng tịnh tín và quy y Tam Bảo - Phật Pháp Tăng, và giữ gìn năm giới: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu và các chất gây nghiện. Tất cả công đức này quả thật rộng lớn, và quả vị còn rộng lớn hơn nếu có người tu tập tâm từ chỉ trong khoảnh khắc bằng thời gian vắt sữa một con bò. Tất cả công đức  này quả  thật rộng lớn, và quả vị còn rộng lớn hơn nếu có người tu tập phát triển nhận thức vô thường chỉ bằng thời gian búng ngón tay.”

                                    ( Tăng Chi BK 9 :20, tóm lược; IV 393-96 )

 

 

 

 

 


 

Bodhi-4
(xem tiểu sử của tác giả Bhikkhu Bodhi)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]