Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31. Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ

14/04/201412:58(Xem: 9561)
31. Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ
blank


Phố cổ Hội An

và những ngôi trường cũ

blankTôi đến trung học Trần Quý Cáp bắt đầu với hành trình ở chùa Viên Giác. Tôi nhớ rất rõ, ngày cuối mùa hè ở trường Nguyễn Duy Hiệu năm 1968, nơi trường Duy Xuyên mượn chỗ để dạy cho các học sinh Duy Xuyên vừa tản cư ra sau trận Mậu Thân, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai cho chúng tôi biết sang năm trường sẽ dọn xuống Hội An. Vì một số thầy cô như thầy Nguyễn Phúc Mai, thầy Võ Văn Mạo đều là người Hội An nên việc di chuyển xuống Hội An với các thầy không có gì trở ngại. Các học sinh không nhà như tôi là chuyện gian nan. Tôi vừa ở Hội An cách đó vài tháng sau ngày cha tôi mất. Tôi bỏ chùa Viên Giác ra đi. Nhưng có thể tôi lại phải vào chùa xin tá túc một lần nữa, và lần này chắc sẽ ở rất lâu. Thật tâm tôi không muốn trở lại chùa, nhưng nếu không rồi tôi sẽ đi đâu. Đời tôi thường không có nhiều chọn lựa.


Năm học 1969, trường Duy Xuyên dạy ở đình Cẩm Phô cách chùa Viên Giác không xa. Tôi học lớp đệ tứ. Buổi liên hoan chia tay nhau ở trung học Duy Xuyên cuối năm đệ tứ là một ngày đầy cảm động. Trường Duy Xuyên rất tội nghiệp. Không có cơ sở riêng như hầu hết các trường công lập khác, phải dạy nhờ lang thang từ quận này sang quận nọ, từ trường Nguyễn Duy Hiệu ở Vĩnh Điện xuống đình Cẩm Phô ở Hội An. Sang năm sau, chúng tôi chuyển sang trường đệ nhị cấp Trần Quý Cáp.

Chiến tranh và tuổi thơ trôi nổi đã làm chúng tôi trưởng thành rất sớm. Buổi liên hoan chia tay được tổ chức long trọng trong phòng rộng phía bên phải đình Cẩm Phô. Năm đó, tôi 14 tuổi và đứa lớn nhất trong bọn tôi cũng chỉ mới 15 tuổi nhưng tôi nhớ rất rõ ngôn ngữ trong lời phát biểu của đại diện ban tổ chức rất ư là người lớn, tương tự, diễn văn của anh trưởng lớp rất xúc động và hùng hồn. Chúng tôi tự viết lấy, không ai viết giùm. Lá thư gởi thầy cô và bạn bè cùng lớp do tôi viết với những lời đầy hứa hẹn cho mai sau. Giáo sư hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai, giáo sư hướng dẫn Võ Văn Mạo cũng nhắn gởi chúng tôi những lời khuyên nhủ rất chân thành. Thầy Võ Văn Mạo kể chúng tôi nghe câu chuyện một ông thủ tướng Pháp, tôi không còn nhớ tên, sau khi thành danh trở về trường cũ thăm thầy như một cách dặn dò chúng tôi ra đi; nhưng đừng quên nguồn gốc. Chúng tôi trịnh trọng và vui vẻ hứa với thầy sẽ về Hội An thăm các thầy cô dù không phải là thủ tướng. Thầy trò cùng cười. Nhưng lời hứa chưa thành sự thật. Bao nhiêu mùa thu qua nhưng những chiếc lá trong sân đình Cẩm Phô vẫn còn tản mát mỗi người một ngả. Nhiều chiếc lá đã khô và rụng ở một góc trời nào đó. Suốt đời thầy Võ Văn Mạo gần gũi với học trò và chúng tôi cũng rất gần gũi với thầy. Thầy có tật ở chân nhưng nhờ chiếc xe mobylette màu xám quen thuộc đã đưa thầy lên Duy Xuyên và rồi Vĩnh Điện mỗi tuần. Nghe đâu nhà thầy ở gần rạp Phi Anh nhưng tôi chưa bao giờ đến.

Ngoài thầy Võ Văn Mạo, một người thầy tôi quý mến khác và cũng thương tôi nhất trong suốt bốn năm ở trung học Duy Xuyên là thầy Phùng Ngọc Nhựt dạy Việt Văn và Nhạc. Thầy có vóc dáng rất nghệ sĩ, đeo kính đen, tóc bềnh bồng, có vẻ “lập dị” nhưng có một lòng yêu quê hương thấm đậm. Bài hát đầu tiên thầy tập cho chúng tôi hát trong những ngày chưa tản cư ra Vĩnh Điện là bài Những Nẻo Đường Việt Nam. Thầy hát không hay lắm nhưng truyền cảm và chuyên chở tình yêu quê hương bát ngát. Tôi cũng thích hát. Dù học rất thường trong những môn khác, tôi luôn đứng nhất trong môn nhạc. Ngày đó tôi đang mang trên vai nỗi buồn quá nặng so với tuổi tác của mình và thầy cũng mang một tâm sự gì đó vô cùng uẩn khúc; nhưng không thể san sẻ với ai nên những buổi chiều ở Vĩnh Điện, hai thầy trò thường ngồi trên hành lang hát vu vơ “Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, ôi những nẻo đường Việt Nam…” Nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ tiếng hát của thầy vang lên trong căn phòng nhỏ ở thị trấn Vĩnh Điện xa xôi. Mới đây, tôi nghe tin thầy đã qua đời. Dù biết dù còn sống chưa hẳn có thể gặp nhau, nhưng ra đi vĩnh viễn thật là buồn. Tôi không nhớ là thầy theo trường xuống Hội An. Sau những ngày ở Vĩnh Điện thầy trò chúng tôi chưa gặp nhau lần nào nữa.

Từ giã ngôi đình cổ, chúng tôi bước vào một ngôi trường khang trang, quy cũ Trần Quý Cáp. Không giống hai năm trước đây chỉ học cho có, vì cả thầy lẫn trò đều lang thang, năm đệ tam là năm tôi thực sự đi học. Theo một tài liệu được tổng kết một cách khách quan về lịch sử trường từ ngày thành lập 15 tháng 9 năm 1952 đến năm 1975 Trung học Trần Quý Cáp chỉ có bốn thầy hiệu trưởng gồm thầy Tăng Dục, thầy Hoàng Trung, thầy Lưu Chí Kiên và thầy Trần Huỳnh Minh. Những năm tháng đầu trường dạy nhờ tại một ngôi chùa của người Hoa trên đường Cường Để. Địa điểm hiện nay chỉ được xây xong trong niên khóa 1955-1956. Trong thời gian tôi vào, năm lớp ở dãy giữa chưa có các tầng lầu như hiện nay. Năm 1973 này Kỳ Đài Trần Quý Cáp được khởi công xây do hai kiến trúc sư Nguyễn Hy Văn và kiến trúc sư Đô Thị Gia phác họa. Giống như hầu hết các trường trung học, trường Trần Quý Cáp rộng với những hàng phượng trồng dọc theo hành lang. Bên cạnh các cây phượng rất già được trồng sát với dãy lớp giữa là những cây phượng còn non mới lớn ở ngoài sân. Tính từ lối vào, các lớp nhỏ học bên trái và cứ thế lên cao dần cho đến các lớp đệ nhất. Cổng trường ngày đó đơn giản, màu gạch rêu phong với tấm bảng thiếc và hàng chữ Trung Học Công Lập Trần Quý Cáp.

Trong thời gian ở trường Duy Xuyên và sau đó dắt nhau sang trường Trần Quý Cáp tôi chơi thân với bốn người, gồm anh Nguyễn Thái, anh Lương Lực, anh Ngô Đình Tám và anh Đặng Dề. Chúng tôi kết nghĩa làm anh em. Bốn người đều lớn hơn tôi nên tôi làm em út. Anh Thái là anh cả. Sau này chúng tôi nhận thêm chị Nguyễn Thị Xuân, học ở Hòa Vang, vào gia đình. Chị Xuân lớn hơn anh Lực nên được phong lên ngôi vị thứ hai. Anh Lương Lực làm thơ rất nhiều. Anh chép thơ vào trong một cuốn vở và chuyền cho nhau đọc. Anh Lực đạo mạo và là “ông cụ non” nhất trong nhóm. Anh Nguyễn Thái hiền hậu và rất xứng đáng làm anh. Tôi nợ anh Nguyễn Thái rất nhiều, cả tinh thần và công sức. Những ngày khó khăn ở Vĩnh Điện không có tiền đi xe, chiều thứ Sáu nào anh Thái cũng ì ạch chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ của anh từ Vĩnh Điện ra Hòa Khánh. Đoạn đường chừng hơn chục cây số nhưng ngày đó là cả một hành trình. Chúng tôi rời Vĩnh Điện buổi chiều mà tới khuya mới đạp tới nhà. Bây giờ, trong số sáu anh chị em, chỉ có tôi, chị Nguyễn Thị Xuân ở California và anh Ngô Đình Tám ở Florida còn ba anh Thái, Lực, Dề vẫn ở Việt Nam.

Ngoài sáu anh chị em, ở trường Trần Quý Cáp tôi còn chơi thân với Hoàng Ngọc Minh, Nguyễn Xuân Tường, Nguyễn Đình Châu, Phan Xuân Phùng (Phan Dạ Lynh), Tôn Thất Hùng, Dương Châu, Trần Ngọc Anh, Mai Tiến. Trong nhóm bạn, anh Ngô Đình Tám học rất giỏi. Anh sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình gia giáo. Cha anh là thầy Giám thị trường Trung Học Duy Xuyên. Các anh chị Ngô Đình Cát, Ngô Thị Thanh Vân đều học giỏi. Tôi học rất thường.

Nếu không có Huỳnh Ngọc Minh ra tận Ngã Ba Huế chở tôi vào Hội An để học thi Tú Tài hai, có thể tôi đã rớt. Suốt mùa hè 1972 tôi ở trọ nhà Hoàng Ngọc Minh để học thi, chỉ về chùa ngủ vào buổi tối. Minh là con trai của dì Phấn có tiệm bún bò nổi tiếng ở trạm Nam Phước; nên ngày ba bữa chúng tôi được cung cấp thức ăn đầy đủ. Hoàng Ngọc Minh tính tình điềm đạm, nghiêm khắc, có tinh thần xã hội cao và ước muốn dấn thân. Chúng tôi phát hành đặc san Tuổi Mây quay roneo và phổ biến trong giới học sinh, nhưng chỉ được vài số phải đóng cửa vì không có phương tiện. Sau khi rời trường Trần Quý Cáp, Minh ra Huế học Văn Khoa và có thời gian trở lại trường cũ của mình, Trung học Duy Xuyên, làm hiệu trưởng. Bên phái nữ tôi ít thân ai và cũng không yêu thầm nhớ trộm ai. Các chị như chị Nguyễn Thị Lan rất hiền, chị Nguyễn Thị Liên rất đẹp nhưng cả hai đều coi tôi như em. Tôi hay đến nhà hai chị, ngày đó ở trước trại Tây Hồ, thăm chơi nhưng không có ý gì khác. Thời trung học, con gái lớn hơn con trai chỉ cần một tuổi thôi đã coi như là chị hai rồi. Ngoại trừ anh Ngô Ðình Tám, tôi không gặp bạn học nào từ dạo rời trường. Tôi theo dòng sông nghiệp chảy qua bao ghềnh thác của cuộc đời nên rất nhiều khi chỉ biết âm thầm nhớ bạn.

Hiệu trưởng của chúng tôi ở Trung học Trần Quý Cáp trong ba năm tôi học từ cuối năm 1969 đến tháng 6 năm 1972 là thầy Lưu Chí Kiên và Tổng Giám Thị là thầy Tống Khuyến. Vì là trường lớn nhất của tỉnh nên trường Trần Quý Cáp có một ban giáo sư đông đảo và số lượng thầy cô tăng rồi giảm, đến rồi đi, cũng rất nhanh. Tôi chưa đọc một danh sách giáo sư Trung học Trần Quý Cáp nào đầy đủ. Theo một tài liệu được viết khá sư phạm và khách quan, năm tôi vào học, trường Trần Quý Cáp có đến 2.190 học sinh, trong đó có 27 lớp đệ nhất cấp và 17 lớp đệ nhị cấp. Tôi không nhớ hết thầy cô nhưng tên thầy cô mà tôi học trong ba năm vẫn còn nhớ: Thầy Nguyễn Văn Liêu dạy Việt Văn, thầy Phan Khôi dạy Anh Văn, cô Trần Phương Lan dạy Anh Văn, cô Bích Ty dạy Triết, thầy Phạm Phú Lợi dạy Triết, thầy Nguyễn Ngọc Anh dạy Sử Địa, thầy Đặng Văn Bôn dạy Vạn Vật, thầy Phùng Rân dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Văn Thọ dạy Toán, cô Nguyễn thị Nguyệt dạy Việt Văn, thầy Tống Nhạn dạy Pháp Văn, thầy Tăng Kim Lân dạy Sử Địa, thầy Tống Diệu dạy Anh Văn.

Năm đầu ở trường Trần Quý Cáp, thầy Nguyễn Ngọc Anh và thầy Nguyễn Văn Liêu là hai thầy tôi thích nhất, vì tôi thích học văn và sử. Tôi nhớ có lần thầy Liêu ra đề luận “Các em học sinh nghĩ gì về chiến tranh”. Tôi nhập đề chỉ bằng một câu vỏn vẹn “Chiến tranh đã làm xã hội Việt Nam đảo lộn”. Trong lúc đa số học sinh trong lớp nghe tới chiến tranh là tả những cảnh ánh hỏa châu rơi, tiếng súng xa xa vọng về, tôi nghĩ đến con người và những đổ vở trong xã hội Việt Nam. Thầy Liêu rất thích cách viết đó và đọc bài luận cho cả lớp nghe.

Chiến tranh gây ra bao tang tóc, bao tàn phá; nhưng từ lúc học lớp đệ tam cho đến bây giờ tôi vẫn tin cái tàn phá tai hại nhất của chiến tranh không phải là tài sản mà là con người. Bao nhiêu lớp người đã chết, bao nhiêu thế hệ đã ra đi và sẽ không bao giờ trở lại trên đất nước Việt Nam. Những mất mát đó không bù đắp được. Những vết thương trên da thịt có thể sẽ lành đi nhưng vết thương trong tâm hồn khó mà phai nhạt. Người ta thường nghĩ đến việc tái thiết đô thị, xây dựng nhà cửa, cầu cống nhưng cái cần tái thiết và xây dựng là tình người. Còn tình người Việt Nam chúng ta sẽ còn Việt Nam mãi mãi. Mất tình người Việt Nam, dân tộc này sẽ bị diệt vong. Nhiều khi ngồi nhớ lại những bài luận năm xưa và những tiểu luận tôi viết bây giờ, cách viết cũng không nhiều thay đổi. Ước gì thu thập lại được tôi sẽ in thành sách. Thầy Liêu ở Đà Nẵng, chỉ vào trường Trần Quý Cáp dạy một năm đệ tam niên khóa 1970, sau đó hình như thầy không dạy nữa. 

Thầy Nguyễn Ngọc Anh có kiến thức lịch sử rất rộng. Thầy cũng chỉ dạy tôi năm lớp đệ tam 1970. Thầy dạy sử Việt Nam nhưng cũng hay nhắc đến sử Trung Hoa. Thầy thường mặc áo sơ mi trắng, khuôn mặt trẻ trung và hình như thầy người Huế. Thầy giảng rất hay vì nghĩ sao giảng vậy một cách tự nhiên, hùng hồn. Rất ít khi tôi thấy thầy để mắt vào sách giáo khoa. Ngay cả cách hỏi bài cũng vậy, thầy thích hỏi câu gì thì hỏi, nhiều khi không liên hệ gì với bài học trong tuần. Đang học chuyện ai thống nhất Việt Nam lần đầu thầy buột miệng hỏi ai thống nhất Trung Hoa lần đầu. Tôi cũng thích lối dạy đó. Sử học là một khoa học đối chiếu. Nếu chỉ biết sử nước mình mà không biết sử nước khác rất dễ dẫn đến một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi và ngủ vùi trong vinh quang quá khứ.

Thầy Nguyễn Như Thọ dạy tôi môn Toán lớp đệ nhất năm 1972. Thầy hơi ốm, đẹp trai và vui tính. Nhà thầy ở gần đình Cẩm Phô và đến trường bằng chiếc xe Vespa màu xanh nhạt. Thầy dạy trường công và cả trường tư. Ngoài ra, mùa hè thầy còn dạy các lớp luyện thi. Thầy dạy toán nhưng không quá khắt khe. Mỗi khi có đứa nào nói chuyện trong giờ học, thầy gọi tên nhưng khi cậu ấy vừa ngẩng lên, thầy ném cho cậu ta một viên phấn nhanh như ném phi tiêu. Thầy trò nhìn nhau cười huề. Thầy viết trên bảng đen rất đẹp và ngay cả vẽ được một vòng tròn 360 độ chỉ bằng một nét không dừng tay. Có lúc vẽ thành công nhưng giống như cuộc đời cũng nhiều khi vòng tròn không được kín. Khi nghe thầy trải qua nhiều gian truân và đã sang đến Mỹ, tôi thầm mong có một ngày được viếng thăm thầy.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt dạy tôi môn Việt Văn lớp đệ nhất năm 1972. Cô Nguyệt có vóc dáng mảnh mai, mái tóc thề đen lánh bao giờ cũng chải mượt mà. Trong mắt tôi cô Nguyệt đẹp nhất trong số các cô mặc dù cô Phương Lan quý phái và cô Bích Ty hiền hòa. Ngày đó cô Nguyệt vừa tốt nghiệp sư phạm về dạy Việt Văn ở trường Trần Quý Cáp nên tuổi cô cũng chỉ mới ngoài hai mươi. Cô thường mặc áo dài xanh. Tôi hay đứng trên hành lang nhìn cô đi trong sân trường. Một cảm giác thật dịu dàng nhưng không đủ để thành thơ nên tôi không có bài thơ nào viết tặng cô ngày đó. Cách đây hai năm cô sang Mỹ, anh Nguyễn Hồng Hà, một cựu học sinh Trần Quý Cáp của thập niên 1960, giới thiệu và tôi may mắn được đến thăm cô ở Boston. Cô Nguyệt là người duy nhất trong số các thầy cô dạy ở Trung học Trần Quý Cáp tôi được gặp lại. Mấy chục năm qua, đứa học trò ngẫn ngơ năm xưa nay đã già; nhưng cô Nguyệt trong tâm hồn nó vẫn còn rất trẻ.

Tôi cũng nhớ thầy hiệu trưởng Lưu Chí Kiên nghiêm khắc đã quá cố; thầy Tống Diệu trẻ trung, năng nỗ nhất trong các thầy; thầy Phan Khôi với chiếc xe đạp ngang đơn sơ dựng sau văn phòng hiệu đoàn trường, thầy dạy Anh Văn nhưng phát âm bằng giọng Pháp; thầy Tăng Kim Lân dạy Sử Địa, tôi gặp một lần sau 1975 trên bến xe chợ Cồn, mừng mừng tủi tủi; thầy Phạm Phú Lợi trong những giờ Tâm Lý Học tôi yêu thích, luôn cầm cả hộp phấn trong tay, đi lên đi xuống; thầy Đặng Văn Bôn bị mất một tay, luôn làm tôi lo lắng, trong giờ học không dám nhìn thẳng mặt thầy vì rất ít khi tôi thuộc bài Vạn Vật; thầy Phùng Rân đi chiếc Honda màu đen và có ngôi nhà rất nên thơ trong con hẽm nhỏ gần chùa Viên Giác; cô Phương Lan dáng người cao, có nét đẹp tây phương quý phái và luôn đến trường bằng xe xích lô; cô Bích Ty rất hiền và ít nói; thầy Tổng Giám Thị Tống Khuyến vô cùng nghiêm khắc, chưa bao giờ tôi thấy thầy cười, trong trường từ học trò cho đến cả thầy cô đều rất nể nang. Nói chung, các thầy cô của trường Trần Quý Cáp đều là những bậc đáng kính, rất được thương yêu và có tâm hồn mang đậm màu đất Quảng.

Từ cổng vào, lớp học của tôi là lớp thứ hai, dãy bên phải. Nhìn sang phía bên kia là Ty Cảnh Sát Quảng Nam chỉ cách một hàng rào. Tôi không biết phòng sát với lớp học tôi có phải là phòng thẩm vấn hay không nhưng thỉnh thoảng tôi nghe tiếng la hét, khóc than, van xin, hăm dọa. Tôi hay tò mò nhìn sang và thắc mắc chuyện gì đang xảy ra bên đó nhưng tất cả bị che khuất bằng một hàng rào kẽm gai cao. Trong lớp, chỗ tôi ngồi sát cửa sổ. Nhiều khi tôi muốn đóng lại để khỏi nghe tiếng la hét khóc than. Bên kia ô cửa, những con chim sẻ thường bay về cất tiếng líu lo trên những bụi cây. Sau này, mỗi khi đọc lại những câu thơ của anh Trần Hoài Thư “Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ, những cánh chim từ xa vắng lạc bầy” tôi hình dung cảnh cũ và chợt nghe lòng xót xa thương thầy cô, nhớ bạn bè. Trong những ngày ở Mỹ, họa hoằn lắm mới nghe tin một người bạn cũ. Thỉnh thoảng mới biết tin một thầy cô; nhưng phần lớn chỉ để chia buồn như trường hợp cô Phương Lan vừa qua đời năm ngoái. Nhiều lần tôi tự hỏi, sau bao khói lửa chiến tranh, nghèo nàn tù tội, biển cả mênh mông, bạn bè tôi, những con chim sẻ với đôi cánh nhỏ nhoi lớn lên trong một tỉnh lỵ buồn hiu ngày đó bây giờ phiêu bạt về đâu !

Viết về trường Trần Quý Cáp không thể nào quên nhắc đến Hội An. Dù bây giờ là thành phố UNESCO hay gì đi nữa tôi luôn gọi Hội An là thành phố của tôi. Thành phố trầm lặng có những ngôi chùa tên nghe rất lạ, chùa Ngũ Bang, chùa Âm Bổn, chùa Cầu, nhưng nghe riết nên cảm thấy vô cùng thân thiết. Hội An trong tâm hồn tôi chẳng khác gì một căn nhà riêng, nơi đó, từng góc phố, từng con đường, từng mái ngói, từng giọng nói êm đềm của cô bé bưng cà phê, từng giọng rao cao vút của chị bán cao lầu rong đã gắn liền trong một phần đời. Ngày đó Hội An cũng đã có nhiều quán cà phê; nhưng chúng tôi thích uống cà phê ở quán phía trước Tiểu khu Quảng Nam và gần nhà nhất là Cà phê Số Một sát bên con hẽm nhỏ đi vào khu Khổng Miếu.

Hội An những ngày tôi sống buồn và vắng vẻ. Thành phố buồn đến nỗi trong một phóng sự đăng trong trang địa phương của báo Sóng Thần, tôi đã gọi Hội An là ”Thành phố chết”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An. Thật vậy, ngoại trừ trận Mậu Thân và những lần pháo kích, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố của tôi như rơi vào quên lãng. Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà nẵng, cách đó vài chục cây số, không có đơn vị nào lớn đóng ở Hội An. Các đơn vị Đại Hàn thuộc sư đoàn Thanh Long hay Mãnh Hổ gì đó đóng ở Cẩm Hà, Lai Nghi chứ không đóng ở Hội An. Hẳn nhiên lý do chính vì Hội An không còn giữ một ví trí kinh tế chiến lược như 300 năm trước. Dù sao, nhờ những lãng quên đó mà ngày nay những mái ngói cong còn nguyên vẹn, những cột nhà chạm trổ tinh vi đã giúp thu hút du khách để nuôi sống người dân phố Hội sông Hoài.

Những năm chiến tranh, Hội An rất nghèo. Một lần, có người hỏi tôi bây giờ Hội An sống nhờ du khách, ngày xưa sống bằng gì. Tôi trả lời nửa đùa nửa thật, ngày xưa Hội An sống bằng thơ. Ngoài thơ, tôi không nhớ Hội An sống bằng gì khác. Không ruộng đất, không nhà máy. Không du khách. Mặc dù đất Hội An sản xuất ra hàng trăm nhà thơ nhưng nhà thơ nỗi tiếng nhất Hội An không ai tranh cãi, là Bùi Giáng. Nhà thơ quê Duy Xuyên nhưng học trường Minh Viên ở Hội An và cưới vợ, bà Phạm Thị Ninh, cũng người Hội An. Ông đã rời Hội An 30 năm trước, nhưng để lại những câu lục bát nuôi sống tâm hồn người xứ Quảng qua nhiều thế hệ. Tên Bùi Giáng ở xứ Quảng quen thuộc đến nỗi nhiều khi người ta cứ tưởng ông chưa bao giờ rời khỏi xứ. Một bài thơ của Bùi Giáng về Hội An:

Mơ màng phố cũ hoang liêu
Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An
Tờ mây chan chứa mộng vàng
Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa
Mừng vui giọt tuổi chan hòa
Bước đi từ đó gió xa bay về
Ngậm ngùi đàn lệ ai nghe
Cội nguồn bên tháng năm thề xẻ chia
Dấu mờ hoen hận còn kia
Hồn trăng soi bóng sầu khuya một bờ.

Hầu hết các nhà thơ Hội An có ít nhất một bài viết về thành phố cổ này và thường là những bài thơ được yêu thích nhất của tác giả như trường hợp Bữa Say Ghé Chùa Ôngcủa Hoàng Lộc, Nụ Hoa Cho Người Em Hội Ancủa Luân Hoán, Trưa Ở Hội Ancủa Hoàng Quy, Ngọn Quế Viễn Phương của Thái Tú Hạp, Hồi Âmcủa Thành Tôn v.v..

Những người từ Hội An ra đi đều có một nhận xét giống nhau: “Hội An là thành phố để về thăm chứ không phải nơi để ở”.Tuy buồn bã như thế, hàng năm, tôi vẫn về. Ngay cả những năm khó khăn sau 1975, tôi vẫn cố gắng về. Đi xa, nhớ Hội An da diếc; nhưng khi vừa bước chân về lòng lại muốn ra đi. Trong những năm ở Sài Gòn, tôi về Hội An chỉ để đi một vòng phố cổ, đứng trước trường Trần Quý Cáp đảo mắt nhìn các em học sinh để tìm lại chính mình thời học trò, rồi lại ra đi trên những chiếc xe Renault màu xanh đậm và già nua không thua gì thành phố.

Chào cô gái học trò đang tới lớp
Cho tôi làm viên sỏi dưới chân em
Ðể xào xạc hồn tôi khi mới lớn
Chút men tình năm tháng ấy chưa quên.
(Giấc mơ nhỏ của tôi, thơ Trần Trung Đạo)

Hội An của tôi là những buổi chiều ngồi trước cửa nhà thơ Phạm Đình Nguyên ở Ngã Ba Tin Lành ngâm nga “ Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt” và nhìn các em nữ trung học Hội An đi học về trong cơn mưa.

Em về phố Hội chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa đó
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông.
(Em về phố Hội, Trần Trung Đạo)

Tôi viết những dòng thơ đầu tiên khi còn ở trường Duy Xuyên và sáng tác nhiều hơn khi chuyển qua trường Trần Quý Cáp. Nhưng thơ và cả văn cũng chỉ chia sẻ trong nhóm bạn bè gần gũi. Ngoại trừ vài vần thơ tình hiếm hoi như trên, phần lớn tôi viết từ nhiều góc cạnh của số phận con người và đất nước. Đơn giản vì tôi thương đất nước mình. Đời tôi gian truân không khác gì đất nước. Từ thời thơ ấu ở quận Duy Xuyên tơ lụa đến bóng đa chùa Viên Giác Hội An, thơ văn tôi còn lại những dấu chân, những tiếng thì thầm của những người tôi quen và không quen, những hoàn cảnh tôi đã gặp, đã từng là nhân chứng. 

Bạn bè văn nghệ chúng tôi hay gặp nhau trên căn gác của Nguyễn Xuân Tường, gần chùa Viên Giác. Tôi chỉ quen Tường sau khi chuyển sang trường Trần Quý Cáp nhưng thân nhau rất nhanh. Tường học giỏi, đàn hay, sáng tác nhạc, làm thơ, học cả lớp báo chí hàm thụ của tạp chí Phổ Thông. Thơ của Tường đăng nhiều nhất trên tạp chí Thứ Tư, ký bút hiệu Mặc Vũ. Tôi biết nhiều về báo chí cũng nhờ học ké các sách vở trong lớp hàm thụ của Tường và tập đàn từ cây đàn của Tường. Trình độ thưởng thức âm nhạc của Tường cao hơn tôi nhiều. Tường khuyến khích tôi nghe nhạc Vũ Thành, Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn. Và tôi biết hút thuốc cũng do Tường. Mẹ của Tường có tiệm tạp hóa và thuốc lá tôi hút phần lớn do cậu ấy cung cấp. Chúng tôi biết uống cà phê rất sớm. Mỗi tuần một hai đêm chúng tôi lang thang xuống phố uống cà phê. Lúc đầu chỉ hai đứa nhưng khi lên lớp đệ nhất thường rủ thêm anh Anh Việt Thi đi lính truyền tin đóng trước chùa Tỉnh Hội và anh Ngàn Thương gốc Huế đi lính Chiến Tranh Chính Trị đóng ngay phía bên kia cổng trường Trần Quý Cáp. Khi chúng tôi vào đại học, có một lần kéo nhau về Hội An và tổ chức một đêm thơ ở quán cà phê trước Tiểu Khu. Điểm khác tôi duy nhất là Tường ít quan tâm đến chính trị. Tôi nói thì cậu ta kiên nhẫn ngồi nghe; nhưng không say sưa tranh luận như các bạn khác. Khi vào đại học, tôi có nhiều nhóm bạn khác theo nhu cầu tri thức tự nhiên của tuổi hai mươi như Lê Đình Các, Trần Phước Khuông v.v. nhưng vẫn giữ lại một tình bạn chung thủy với Tường. Mỗi cuối tuần chúng tôi dắt nhau xuống quán cà phê của ca sĩ Ngọc Long, anh ruột ca sĩ Anh Ngọc, ở Chí Hòa nghe nhạc như thưở mười lăm ở Hội An. Bài hát ca sĩ Ngọc Long hát hay nhất cũng là bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển. Tường có đức tính rất tốt, tận tụy hy sinh cho bạn bè. Trong những ngày cùng khổ ở Sài Gòn, khi không còn nơi nào khác để trọ, tôi tìm đến Tường. Cậu ấy giới thiệu tôi dạy kèm ở nhà người bà cô ruột của cậu ta. Người đàn bà có tâm hồn bao dung như dòng sông Hằng đó sau thời gian ngắn đã trở thành mẹ nuôi của tôi. Từ đó tôi không còn khó khăn về vật chất và cả tinh thần nữa. Mẹ người Kim Bồng nhưng trong các tác phẩm của mình, tôi thường gọi mẹ là Mẹ Hòa Hưng để phân biệt với Mẹ Duy Xuyên đã mất. Tôi hay chọc mẹ tôi cười nhất là trong những lần đánh bạc ăn gian với đám em trong ba ngày Tết. Mười năm sau khi rời Sài Gòn, tôi viết tặng mẹ bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. Mẹ rất thích bài thơ này. Anh Võ Tá Hân phổ bài thơ thành nhạc, nhiều ca sĩ hát nhưng ước mơ của mẹ là một ngày tôi sẽ về để hát mẹ nghe. Dĩ nhiên là tôi lại hứa như bao lần lỡ hẹn đã qua.

Ngoài Nguyễn Xuân Tường thuộc Thi Văn Đoàn Hải Phố do nhà thơ Huỳnh Kim Sơn sáng lập, nhóm bạn viết văn, làm thơ, viết nhạc trong lớp học sinh trường Trần Quý Cáp những năm đầu thập niên 1970 còn rất đông nhưng không được nhiều người biết đến. Tôi sẽ gọi là “chúng tôi”, đơn giản vì dù có kể hết tên và bút hiệu cả nhóm văn nghệ ra đây chắc cũng không ai biết. Ngày xưa ở Hội An không có ai tên là Trần Trung Đạo vì bút hiệu này của tôi chỉ nghĩ ra sau khi tới trại tỵ nạn Palawan, Philippines.

Chúng tôi tuy không “sinh nhầm thế kỷ” nhưng thành thật mà nói chúng tôi có “sinh nhầm thế hệ”. “Giới sáng tác” văn nghệ mầm non chúng tôi bị che khuất bởi tên tuổi của các đàn anh Trung học Trần Quý Cáp như Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Vũ Đức Sao Biển, Lê Đình Phạm Phú, Hoàng Quy, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Thị Bích Ni, Nguyễn Nho Nhượn, Đynh Trầm Ca. Ngoài những nhà văn nhà thơ học trường Trần Quý Cáp, nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tuy không học trường Trần Quý Cáp nhưng sinh ra ở xứ Quảng nên ảnh hưởng của họ vẫn bao trùm lên thành phố cổ Hội An của chúng tôi ngày đó như Tạ Ký, Tường Linh, Luân Hoán, Hồ Thành Đức, Hạ Quốc Huy, Hà Nguyên Dũng. Ra hải ngoại tôi còn biết thêm một số anh chị văn nghệ sĩ gốc trường Trần Quý Cáp cùng thế hệ với các anh Thái Tú Hạp, Hoàng Lộc như các anh Phạm Phú Minh, Hà Kỳ Lam, Vương Trùng Dương, Dư Mỹ, Hoàng Huy Khánh, Xuân Đổ, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Đông Giang, Lê Du Miên, Phùng Nguyễn, Quang Huỳnh. Có thể ngày xưa các anh chưa viết nhiều, rời Trần Quý Cáp sớm hay dùng một bút hiệu khác nên tôi không biết.

Trong số những văn nghệ sĩ Hội An, người duy nhất thuộc lớp đàn anh nhưng chơi thân với nhóm văn nghệ trường Trần Quý Cáp chúng tôi là nhà thơ Huỳnh Kim Sơn. Thơ anh rất hay và có một số bài đã đăng trên tạp chí Bách Khoa. Khi vào Sài Gòn học năm thứ nhất, cuối năm 1972, ba cựu học sinh Trung học Trần Quý Cáp gồm tôi, Nguyễn Xuân Tường, Đỗ Dưỡng cùng với anh Huỳnh Kim Sơn mỗi người góp mười bài, in chung một tập thơ sinh viên có một cái tên là Theo bước lưu dân. Chúng tôi nghĩ nát óc không ra tựa đề vừa ý cuối cùng chọn Theo bước lưu dândựa theo tựa tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Xuân Khi những lưu dân trở lại. Trong bốn tác giả của tập thơ, tôi thật sự trở thành lưu dân nhưng chưa trở lại. Ngày tôi rời Hội An, anh Huỳnh Kim Sơn tặng tôi hai câu thơ như những lời tiên tri cho hành trình 40 năm sắp tới của đời tôi:

Trong tôi đã hết mùa xuân thắm
Cỏ mọc quanh đời say viễn du

Nhà thơ Huỳnh Kim Sơn đã qua đời trong nghèo khó vài năm sau 1975. Bài thơ tôi thích nhất của anh và đã chọn in trong tập thơ sinh viên Theo bước lưu dânlà bài Tôi cũng nhớvừa đăng trước đó trên tạp chí Bách Khoa. Sau này tôi viết lại để đăng trên xuquang.com nhưng có vài câu không đúng. Tháng trước tình cờ đọc bài thơ trong tuyển tập Thơ Tình Miền Nam 1975trên mạng Gió O, tôi xin chép ra đây như một lời tưởng niệm đến một nhà thơ Hội An vắn số:

“Ta cũng nhớ những giòng sông viễn xứ
Những giòng sông xanh thẳm giữa quê hương
Đêm ta về ngồi yên không dám thở
Đêm ta chờ bước giặc vượt biên cương
Ta cũng nhớ những con đường heo hút
Đường đầy chông bên đồng ruộng ngập mìn
Ngày ta đi chân dò trên cỏ mục
Ngày ta qua quên mất tuổi hoa niên
Ta cũng nhớ em buồn như dáng núi
Tóc mùa thu rối loạn những chiêm bao
Giờ tạm biệt lòng ta lưu luyến quá
Giờ chia ly em khóc lệ như sao
Ta cũng nhớ như loài chim nhớ tổ
Hồn cô đơn tìm quán trọ trong em
Phút gần gũi ta nghe đời hoa nở
Phút nhìn em không rượu cũng say mềm
Khi về núi hóa thân làm tên mọi
Lòng bâng khuâng vọng tưởng giống da vàng
Khi khổ quá ta âm thầm không nói
Nhìn rừng sâu thèm khát thuở bình an
Ta cúi xuống đời không thương ta nữa
Năm ba lần tan vỡ mộng trên tay
Niềm tuyệt vọng ta lao vào khói lửa
Hồn ta say ngày tháng cũ u hoài”
(Ta cũng nhớ, thơ Huỳnh Kim Sơn)

Ngoài giờ học ở trường Trần Quý Cáp và gặp gỡ một số bạn bè giới hạn, tôi chỉ ở chùa đọc sách. Sau ngày xây xong Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, sư phụ tôi có ý định thành lập một thư viện nên thu thập rất nhiều sách. Ý định không thành, thầy đóng sách thành từng thùng và để dành trên lầu. Bên cạnh kinh điển là các tác phẩm văn học, kinh tế và rất nhiều sách chính trị. Tôi còn nhỏ nên công việc tôi làm mỗi ngày rất nhẹ nhàng không phải gánh nước tưới rau như các chú lớn tuổi. Những ngày không đi học, sau khi lau chùi bàn ghế trong giảng đường và quét lá đa một nửa sân chùa xong tôi thường dùng thời gian còn lại để đọc sách. Tôi đọc từng cuốn một và không bỏ sót cuốn nào, từ Phi Lạp Sang Tàu, Thằng Mõ Làng Cổ Nhuế của Hồ Hữu Tường cho đến bộ Lịch Sử Đệ Nhị Thế Chiến của Winston Churchill dày khoảng một ngàn trang do Chánh Án Trần Minh Tiết dịch. Không phải sách nào tôi cũng hiểu nhưng vẫn cố gắng đọc hết và hy vọng một ngày sẽ hiểu ra. Những thùng sách không dùng bị mọt ăn dần, sư phụ tôi phải bỏ đi, thật tiếc.

Năm đệ tam trôi qua. Đầu năm đệ nhị, hội đồng giáo sư trường Trần Quý Cáp đề cử tôi và vài học sinh khác của trường nhận học bổng Hà Thúc Nhơn do nhóm Hà Thúc Nhơn trao tặng. Lý do, tôi nghèo và không học quá tệ. Buổi lễ trao học bổng được tổ chức trong trung tâm sinh hoạt trường. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được quen với Thiếu Tá Bác sĩ Phạm Văn Lương, đại diện báo Sóng Thần và nhóm Hà Thúc Nhơn tại Đà Nẵng. Bác sĩ có khuôn mặt cương quyết, khổ người nhỏ, ít nói nhưng dễ mến. Anh chỉ dặn dò chúng tôi vài chuyện học hành, trao chúng tôi mỗi đứa một bì thơ. Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu tiền trong bì thơ nhưng một điều tôi nhớ, số tiền đã giải quyết rất nhiều nhu cầu của tôi ngày đó. Anh hứa sẽ gởi tiền cho chúng tôi ăn học mỗi tháng. Và cứ thế mỗi tháng tôi nhận một bì thơ kèm theo tiền mặt. Tôi biết chuyện Đại úy Bác sĩ Hà Thúc Nhơn và say mê đọc các câu chuyện về anh trong thời gian chống tham nhũng ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang. Tôi dành nhiều cảm tình cho thế hệ đàn anh trưởng thành sau hiệp định Geneva.

Từ ngày đó, tôi bắt đầu tập viết một số phóng sự địa phương cho báo Sóng Thần qua trung gian văn phòng Đà Nẵng của anh. Tôi viết cho anh Phạm Văn Lương nhiều thư riêng và trình bày các suy nghĩ của mình về mọi vấn đề từ văn hóa xã hội đến chiến tranh chính trị. Anh đọc hết những lá thư tôi viết và tỏ ra rất quan tâm đến suy nghĩ của tôi nhưng anh Lương là mẫu người hoạt động chứ không phải nói hay viết. Tôi còn nhỏ và phong trào Hà Thúc Nhơn cũng không có đề án gì cụ thể để làm nên trong những thư ngắn viết lại, anh cũng chỉ dăm hàng khuyên tôi chăm chỉ học hành. Thỉnh thoảng anh bảo về Đà Nẵng gặp anh. Anh Lương vừa là Giám đốc Khu Ngoại Chẩn Tổng Y Viện Duy Tân vừa có phòng mạch riêng trên đường Thống Nhất, nằm phía dưới Cầu Vồng. Anh quá bận. Nhiều hôm tôi phải chờ rất lâu. Hết giờ khám, hai anh em lên chiếc xe Jeep quân đội có tài xế lái về nhà anh ở cư xá sĩ quan. Anh dặn dò một số việc, khuyên bảo đôi điều và sai người tài xế đưa tôi ra bến xe về lại Hội An. Một số khá nhiều tên tuổi các anh chị sinh hoạt trong nhóm Hà Thúc Nhơn ở Hội An, Đà Nẵng và Quảng Ngãi ngày đó tôi biết cũng qua trung gian anh Phạm Văn Lương. Tôi gặp nhà văn Uyên Thao lúc đó là Tổng Thư Ký báo Sóng Thần và rất nhiều anh chị trong đoàn công tác xã hội của Sóng Thần ở nhà anh Lương nhưng không ai để ý đến tôi làm gì. Anh Phạm Văn Lương và bạn bè anh là những người có lòng yêu nước sâu đậm và mang tinh thần cách mạng xã hội rất cao. Nhưng trái tim yêu nước và nhiệt huyết của thế hệ các anh chưa đủ để vực dậy một dân tộc đang bị cuốn sâu trong cơn lốc chiến tranh và tham vọng chủ nghĩa.

Trường Trần Quý Cáp không có trung tâm thi tú tài. Mùa hè 1972, học sinh các lớp đệ nhất trường Trần Quý Cáp chúng tôi lều chõng đi thi tú tài phần hai ở trung tâm Đà Nẵng. Chủ tịch hội đồng giám khảo là thầy Hoàng Trung, nguyên hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp. Ngày công bố kết quả ở trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, bác tôi từ bên Sơn Chà đạp xe qua để cùng tôi đi xem bảng. Tôi chỉ muốn đi một mình vì không muốn bác đau lòng nếu chẳng may tôi rớt. Bác nhất định cùng đi. Ngày dán kết quả, hẳn nhiên, là ngày vô cùng hồi hộp. Tôi thì chưa sao nhưng các cậu sinh năm 1953, thi rớt có nghĩa là chuẩn bị hành trang vào Thủ Đức. Khóa Tú Tài 1972 của chúng tôi còn được gọi là Tú Tài Mùa Hè Đỏ Lửa. Chúng tôi đậu nhiều hơn những năm trước vì được vớt mười điểm. Một trong những người bạn của tôi thi đậu và được cha mẹ tổ chức tiệc rất linh đình không phải vì cậu đậu tối ưu nhưng chỉ vừa đúng đủ điểm đậu, tính luôn mười điểm vớt.

Sân trường Nữ Trung Học ngày đi coi bảng rộn tiếng cười nhưng cũng đầy nước mắt. Khi đến họ Trần, danh sách thi đậu chỉ có vài tên vần chữ T và chấm dứt. Không có tên tôi. Những tờ kết quả dán bên dưới thuộc về các ban khác. Bác tôi mắt yếu không đọc được nhưng thấy tôi không nói gì, bác biết sự im lặng là một dấu hiệu không vui. Khi quá lo lắng, tôi quên nghĩ đến một điều vô lý, chẳng lẽ các họ bắt đầu với các vần U,V,X,Y …đều rớt hết hay sao, nhất là rất nhiều người họ Võ và Vũ. Thì ra, người dán kết quả thấy phía dưới ban khác chiếm, đã dán phần còn lại ở một bức tường khác khá xa. Tôi tìm ra và thấy tên mình trong đó. Bác tôi mắt yếu nhưng vẫn cố chen lấn vào để chính mắt đọc tên tôi.

Tôi ôm chầm các bạn vần T, V, nhảy nhót vui mừng, nhưng khi chợt nhìn lên, tôi thấy bác khóc. Với tâm hồn mộc mạc, bác không vuốt tóc hay nói một lời khen; nhưng từ dòng nước mắt đang chảy trên đôi má nhăn nheo của cụ già Quảng Nam chất phác, tôi biết bác mừng lắm. Bác tôi ít nói. Khi buồn ông đi uống rượu. Tánh tình ông hiền hậu và rất dễ mềm lòng. Một lần tôi học lớp đệ ngũ ở Vĩnh Điện bác đạp xe từ Sơn Chà vào thăm. Dù trong giờ học nhưng bác nhất định không chờ. Nhân viên văn phòng đành đưa bác đến phòng học để gặp tôi. Bác đứng giữa lớp khóc ngon lành khi thấy tôi đang ngồi trong một góc phòng. Thầy cô và bạn học biết hoàn cảnh tôi nên không ai nói gì. Tôi rời lớp theo bác ra ngồi trên bậc tam cấp. Tôi dặn bác đừng khóc và cũng đừng vào thăm nữa, tôi sẽ bình an. Nói thế cho bác yên tâm, mặc dù tôi không biết đời mình rồi sẽ ra sao. Thằng bé ốm yếu mười ba tuổi ngồi bên ông già Quảng Nam giữa một quê hương đang đong đưa trong cơn bão. Khi bác đạp xe ra về, nhìn theo chiếc lưng còm cõi của bác, lòng tôi se lại, tôi nhớ cha tôi vô cùng. Nhiều khi tôi thấy mình như những cọng lau bên bờ sông Thu, khi cong tưởng chừng sát đất nhưng rồi lại đứng lên và đi giữa cuộc đời.

Coi bảng Tú Tài xong, bác tôi hớn hở tự đạp xe ra phà để về lại Sơn Chà. Sau này nghe bác kể tôi mới hiểu ra, bác khóc không phải chỉ vì mừng cho tôi đậu tú tài thôi nhưng còn nghĩ đến ba tôi, em trai kế của bác, đã qua đời vài năm trước đó. Ước mơ của ba tôi, người thợ dệt vải ở Duy Xuyên mong con mình đậu tú tài đã thành sự thật. Ông nội tôi có tám người con gồm cả trai lẫn gái; nhưng không gia đình nào thành công trên đường học vấn. Các anh họ lớn tuổi của tôi, ra đi dù theo bên này hay bên kia đều không ai trở lại. Anh chết bên này sông Thu, em chết bên kia sông Thu. Tôi giận bác tôi nhiều chuyện trong gia đình nhưng từ hôm đó về sau tôi thương bác vô cùng. Đi bộ trên đường Hùng Vương ra bến xe Chợ Cồn để về Ngã Ba Huế, tôi muốn la lớn lên cho mọi người cùng biết tôi đang có một niềm vui nhưng không còn một người thân nào trong gia đình để san sẻ.

Tôi quyết định đi Sài Gòn dù trước đó có thầy khuyên tôi nên ra Huế học. Tôi phải đi xa. Không gian nhỏ hẹp ở quê hương hay ở Huế dường như không đủ chỗ cho niềm u uất của tôi trang trải. Tôi về lại Duy Xuyên thăm mộ mẹ lần cuối trước ngày đi. Ngày xưa mỗi chiều đi học ở trường Tiểu học Xuyên Châu về tôi thường dừng lại ở đây. Cỏ hoang không mọc kịp để tôi nhổ. Hôm đó tôi về, ngôi mộ mẹ tôi đầy cỏ dại. Từ độ tôi ra Vĩnh Điện, Đà Nẵng rồi xuống Hội An trọ ở chùa Viên Giác, chẳng còn ai chăm sóc phần mộ mẹ. Phần lớn bà con đều đã tản cư ra Đà Nẵng. Trong xóm chỉ còn lại vài gia đình sống ngay giữa hai lằn đạn, bám lấy ruộng vườn vì không biết đi đâu và cũng không biết lấy gì để sống nếu chạy ra ngoài Đà Nẵng. Tôi ngồi thật lâu bên mộ mẹ. Phía bên kia là Cầu Chìm. Mùa hè, dòng nước Thu Bồn như nước mắt tôi sắp cạn. Ngôi nhà nhỏ của cha con tôi bị cháy rụi chỉ còn trơ trụi một nền đất. Tôi hứa với mẹ tôi mùa hè sang năm con sẽ trở về. Tôi tạm biệt ngôi làng nhỏ ra đi, hành trang của tôi không còn gì ngoài tình thương và khát vọng tự do.

Tôi là một trong những học sinh lớp đệ nhất cuối cùng rời Phố Hội thân yêu. Lý do, sau khi thi xong Tú Tài phần hai tôi bị bịnh nằm ở Đà Nẵng suốt mấy tuần. Tôi ở nhà một người cô để được cô chăm sóc. Một cô bé cùng quê có đôi mắt đen tròn mỗi chiều đến thăm tôi. Cô tôi nghi ngờ chúng tôi có tình ý gì. Tôi không có và cô bé cũng không. Chúng tôi lớn lên với nhau từ những ngày còn bé ở trong quê. Giống như bây giờ, hồi đó tôi đã thích lý sự những chuyện “trên trời dưới đất” nhưng cô bé dù không hiểu gì cũng kiên nhẫn ngồi nghe. Âm nhạc cũng thế. Những bài hát tôi hay hát thời đó như Thiên Thai, Thu Hát Cho Người đài phát thanh Đà Nẵng thường không phát nhưng cô bé nghe tôi hát riết cũng quen tai. Một tình cảm nhẹ nhàng bàng bạc như khói sương trong cả nhiều năm sau đó. Những năm học đại học ở Sài Gòn, mùa hè nào tôi cũng về Đà Nẵng. Cô bé rất vui mỗi khi thấy tôi về và tôi cũng nghe như có tiếng chim hót trong lòng mỗi lượt về thăm, cho đến một ngày hè 1981, cánh chim nhỏ bay qua bên kia biển rộng, chưa về.

Khi khỏe ra, tôi vào Hội An dọn dẹp sách vở, đảnh lễ thầy trụ trì và chào các chú trong chùa để ra đi. Thầy trụ trì cho tôi một ít tiền để đi đường nhưng không nói gì thêm nhiều. Cuối tháng Tám và mùa thu sắp sửa trở về. Trong tiếng lá đa xào xạc, tôi tự mở cánh cửa để ra đi âm thầm như khi tôi đến. Không một nụ cười hứa hẹn quay về và cũng không một giọt nước mắt khóc chia tay. Như Nguyễn Bính tả trong Những bóng người trên sân ga, tôi “một mình làm cả cuộc phân ly”. Không ai bà con ruột thịt với tôi. Tôi không phải là một chú tiểu, một tăng sĩ, một đệ tử xuất gia của sư phụ mà chỉ là đứa trẻ mồ côi trọ học. Số phận của tôi không khác gì số phận của hàng triệu đứa trẻ bất hạnh trên đất nước Việt Nam thời đó. Nhưng tôi tin, tôi đã học được rất nhiều và thay đổi rất nhiều sau thời gian ở chùa Viên Giác. Tôi hiểu bao dung tha thứ là điều cần thiết; nhưng quan trọng hơn phải biết bao dung tha thứ cho chính mình trước. Những năm ở chùa Viên Giác đã làm dịu cơn phẫn nộ trong lòng một đứa bé bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt gần như tất cả những gì yêu quý nhất. Lời dạy “Hãy thắp đuốc lên mà đi” của Đức Phật đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan và thế giới quan của tôi. Con người ai cũng có thể dăm đôi lần bị té ngã nhưng phải biết buông xả, đứng dậy và tiếp tục đi. Tôi đã đứng dậy, đã đi, đã sống sót qua nhiều thử thách. Tháng Hai vừa qua, đứng trước tảng đá nơi Đức Phật có thể đã ngồi giảng bài pháp đầu tiên bên Vườn Lộc Uyển, tôi xúc động và cảm thấy mình như chiếc lá từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước vừa rơi về cội. Chiếc lá đa chùa Viên Giác Hội An, chiếc lá bồ đề ở Vườn Lộc Uyển Sarnath hay giọt nước sông Hằng Varanasi chỉ là một, một tâm hồn, còn và mất, ra đi và lại trở về. Khi chuyến xe rời Lộc Uyển ra phi trường Varanasi, tôi ngoái đầu nhìn lại và thầm thưa nhỏ trong lòng “Con cám ơn đức Bổn Sư”.

Cuối tháng Tám 1972, các bạn đi du học đã đi rồi, các bạn đi Sài Gòn học đã đi rồi và cả các bạn đi học ở Huế cũng đã đi rồi. Thành phố vốn đã vắng lại càng vắng hơn. Tôi đi ngang qua trường Trần Quý Cáp. Mùa hè sắp hết. Hoa phượng đỏ đang tàn. Thầy cô chưa trở lại. Từ nay Trung học Trần Quý Cáp không còn là trường học mà là kho tàng của tuổi trẻ chúng tôi. Bàn ghế, hộc tủ, bảng đen, những câu thơ viết vội trên tường mãi mãi sẽ là chứng tích. Tôi ra đi mang theo hình ảnh thầy cô và rất nhiều điều đáng nhớ nhưng không thể nào viết hết ra đây. Những lời dạy dổ của các thầy, các cô là nhựa nguyên, nhựa luyện cho cây đời tôi xanh lá. Những năm sau đó, vào Sài Gòn và rồi ra nước ngoài, dù học thêm ở nhiều trường lớn hơn, dù ngồi trong những giảng đường khang trang hiện đại hơn, dù học với những giáo sư tên tuổi hơn, một điều tôi luôn ghi khắc trong lòng, ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn đại học Mỹ đã được thắp lên từ những cây diêm rất nhỏ ở Trung học Duy Xuyên, Trung học Trần Quý Cáp ngày xưa.

Nếu định nghĩa giáo dục là những gì còn lại sau khi quên hết, những gì còn lại trong tôi không phải là những nguyên tắc máy móc, những công thức khô khan mà là những bài giảng công dân giáo dục nhẹ nhàng; nhưng cần thiết của thầy cô, những khát vọng và ước mơ tuổi trẻ mà tôi nung nấu dưới mái ngói đơn sơ của ngôi trường mẹ, Trung học Trần Quý Cáp Hội An.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]