Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Tưởng nhớ sư phụ, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí

14/04/201412:42(Xem: 10696)
28. Tưởng nhớ sư phụ, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí
blank



Tưởng nhớ sư phụ,

cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí

blankTừ khi mới bắt đầu tập viết văn, tôi vẫn muốn viết cuốn sách hay ít nhất một bài đầy đủ về sư phụ chúng tôi: Hòa Thượng Thích Long Trí, người mà tôi sẽ gọi trong bài viết này là sư phụ hay thầy, và là người đã nuôi dưỡng tôi năm năm dài trong khoảng thời gian vô cùng khó khăn của đời tôi.

Hành trạng của sư phụ đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn đặc biệt. Rất tiếc, đường đời giong ruổi, tôi mãi đi xa và sư phụ tôi thì hai vai gánh nặng chuyện đời chuyện đạo. Những ngày sư phụ còn trên thế gian này, mỗi khi hai thầy trò viết thư qua lại thì chỉ quan tâm đến chuyện giáo hội, chuyện đất nước nhiều hơn chuyện đời sống riêng tư.


Mười hai năm sau khi rời Viên Giác, một buổi chiều năm 1993, nhớ ngôi chùa xưa, tôi ngồi xuống bàn viết bài thơ về hai cây đa già trước sân chùa Viên Giác. Trong những buổi phỏng vấn khi được yêu cầu để chọn bài thơ nào tôi thích nhất trong thơ tôi, tôi thường trả lời đó là bài Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác. Đơn giản bởi vì dưới cội đa già đó là kho tàng kỷ niệm của tôi, là dòng sông êm đềm, là bóng mát, là tất cả những gì tôi có của một thời thơ ấu rất đơn côi.

Tôi nhớ, lần cuối tôi trở lại Hội An năm 1981, hai cây đa vẫn còn, vẫn xào xạc chào đón bước chân tôi về thăm. Cây đa không bị đói như con người mà tôi có cảm tưởng cũng ốm hơn những năm trước. Đa không tuổi mà sao tôi thấy già hơn những năm trước rất nhiều. Tôi thầm nói với đa, đừng ngã xuống nghe đa, phải sống như tôi đã phải sống, phải vươn lên như tôi đã phải vươn lên, phải xào xạc một cách hồn nhiên như tôi đã từng đọc những bài thơ đầu tiên trong những đêm hoa niên không ngủ.

Tôi đăng bài thơ Nhớ Cây Ða Chùa Viên Giáclần đầu trên báo Làng Văn ở Canada. Khi nhận được báo biếu, tôi cắt nguyên trang báo để gởi về sư phụ. Sư phụ tôi thích lắm. Thầy viết cho tôi một lá thư dài để khen. Thầy biết tôi thích viết văn làm thơ; nhưng ngày xưa chẳng bao giờ thầy trò có dịp trao đổi chuyện văn chương. Mỗi khi có các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đến thỉnh an, thầy thường đem bài thơ ra đọc cho các anh chị nghe. Dưới đây là nguyên văn bài thơ:

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo giạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi
Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù
Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân
Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly
Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều
Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người
Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây
Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.

Mùa xuân 1981 tôi từ Sài Gòn về hầu thăm sư phụ trước khi trở vào miền nam tìm đường vượt biển. Chân bước một mình trên đường Phạm Phú Quốc mà nghe lòng xao xuyến với bao nhiêu kỷ niệm đang nao nức trở về. Đường phố buồn như có một đám ma vừa mới đi qua. Chùa Viên Giác với hai cây đa già, chiếc cổng Tam Quan màu nâu đậm, văn phòng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam với hàng chữ nổi chạy dài trên tường. Tất cả vẫn còn đó. Tôi đứng lặng yên nhìn cảnh cũ như tìm lại chính mình trong một quá khứ nhiều trắc trở. Văn phòng Ban Hướng Dẫn trống hoang, không một huynh trưởng nào làm việc. Chiếc máy in Roneo thân yêu của tôi ngày nào nằm trơ trọi trong một góc phòng. Thằng bé chùa Viên Giác như bà con hàng xóm thường gọi tôi ngày xưa để phân biệt với các chú tiểu chùa Viên Giác, đã về đây.

Tôi trở về nơi tôi đã dành khoảng thời gian trong trắng nhất để học, để xây dựng cho mình một nhân sinh quan, để tập một cách sống và chọn một hướng đi. Tôi muốn cúi nhặt một chiếc lá, vuốt nhẹ đầu con lân bằng sứ trước cổng chùa, dựa lưng một chút vào hai chiếc cửa sắt đã hoen màu. Với tôi, mỗi viên sỏi, mỗi chỗ ngồi và mỗi chiếc lá trong sân chùa là một kỷ niệm, một phần của đời sống tôi, một phần của tâm hồn tôi.

Sư phụ tôi, Hòa Thượng Thích Long Trí, ngạc nhiên khi tôi trở lại. Thầy mừng rỡ, đưa tay choàng lấy vai tôi thân thiết như ngày nào. Thầy nói như than thở: "Trong lúc mọi người đều bỏ đi thì con lại trở về". Tôi ngước nhìn lên như muốn bạch với thầy: "Nhưng rồi con cũng sẽ ra đi, đi xa lắm",tuy nghĩ thế nhưng tôi không dám đáp lại, chỉ sợ thầy buồn.

Thầy trò chúng tôi ngồi trong giảng đường và nói về những đổi thay trong giáo hội. Thầy nói rất nhiều về đất nước, về đạo pháp, thầy nói nhiều hơn về Gia Đình Phật Tử, tổ chức mà tôi đã phát nguyện đi theo từ năm bảy tuổi và cũng là tổ chức mà thầy chúng tôi dành cả cuộc đời để gieo trồng, vun xới và vất vả trông nom. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, đừng nói gì đến chuyện phát triển, chỉ tồn tại được đã là một điều khó khăn lắm rồi. "Phải tồn tại",thầy nhấn mạnh từng chữ. Thầy nói với tôi nhưng thật ra đang dặn dò chính mình.

Thầy hãnh diện về quê hương xứ Quảng Địa Linh Nhân Kiệt của thầy. Ngày xưa thầy thường dạy chúng tôi:"Huế là chiếc nôi của Gia Đình Phật Tử; nhưng Quảng Nam lại là nơi chôn nhau cắt rốn của người đã góp phần lớn nhất để tạo dựng nên tổ chức này".Ý thầy muốn nhắc đến Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người sáng lập nên Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Quê hương của thầy cũng là nơi dừng chân cuối cùng trên đường hành đạo của Thiền Tổ Minh Hải, tổ sáng lập nên dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ thế kỷ 17. Năm 1917 tại tổ đình Phước Lâm, Hội An, uy nghiêm cổ kính, hai tăng sĩ trẻ từ Huế vào thọ Tỳ Kheo trong Đại Giới Đàn Vĩnh Gia. Hơn nửa thế kỷ sau, hai vị tăng sĩ trẻ đó đã trở thành Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên của GHPGVNTN. Cách chùa Viên Giác không xa là nhà thờ thân tộc của văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, người đã để lại cho muôn đời sau câu nói bất hủ "Đời tôi để lịch sử xử"trong cuộc đấu tranh của Phật Giáo 1963. Quảng Nam cũng là quê hương của Phật Tử Phan Châu Trinh, nhà cách mạng lãnh đạo phong trào Duy Tân và cũng là người một lần đã viết: "Thời đại nào Phật Giáo suy yếu là thời đại đó Dân Tộc suy yếu". Quê hương xứ Quảng của thầy cũng là quê hương của nhiều Phật Tử khác đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Năm 1981, tôi không còn là thằng bé đấm lưng cho thầy mỗi tối hay đứng quạt cho thầy trong những giờ thầy thuyết pháp; nhưng đã là một thanh niên. Lần trở về năm đó, thầy có nhiều thời gian dành cho tôi hơn. Thầy nói rất nhiều về chế độ mới với bao nhiêu khó khăn mà thầy đang phải đương đầu. Tôi cũng không đứng cúi đầu lắng nghe thôi nhưng cũng thảo luận với thầy rất nhiều điểm về đất nước cũng như về giáo hội. Thầy trông cậy rất nhiều vào thế hệ chúng tôi; nhưng thầy đâu biết tôi cũng đang chất chứa trong lòng nhiều lo lắng mà không biết trông cậy vào ai.

Chiều xuống, tôi phải ra đi. Thầy cùng đi với tôi ra cửa chùa. Tôi cố nén lòng để thưa thật với thầy: "Lần này con vô Sài Gòn để tìm đường vượt biển. Nếu đi được, không biết ngày nào con mới về thăm thầy". Thầy nhìn tôi và nói một cách tự tin: "Các con như những chiếc lá trong sân chùa, dù có bay đi xa bao nhiêu rồi cũng rơi về cội". Tôi khẻ đáp:"Con cũng tin như thế". Tôi chắp tay vái thầy để ra đi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại người đã góp phần dạy dỗ, đã truyền cho tôi niềm tin vào Chánh Pháp và niềm tự hào về Dân Tộc Việt Nam. Thầy chúng tôi viên tịch tháng 9 năm 1998. Thầy ra đi để lại ngôi chùa không còn ai coi sóc, để lại những đoàn viên Gia Đình Phật Tử không ai che chở, để lại chúng tôi như chiếc lá vẫn còn bay chưa hẹn buổi quay về.

Trước khi viên tịch, thầy để lại một cuốn hồi ký trong đó ghi lại hành trạng của thầy từ những ngày thơ ấu cho đến khi sắp viên tịch. Trong suốt bảy mươi năm của đời mình, thầy chúng tôi đã gắn liền với hầu hết các biến cố quan trọng của đất nước và của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Sư phụ chúng tôi sinh năm 1928 tại Hội An, Quảng Nam. Gia đình của sư phụ gốc người Minh Hương. Cả gia đình là đệ tử tại gia của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Tuy gia đình rất nghèo nhưng thầy và các anh chị của thầy đều được đi học. Vì gia cảnh khó khăn nên học xong bậc tiểu học thầy phải ở nhà. Năm 19 tuổi Ngài cầu đạo với Đại Sư Tịch Chiếu tại tổ đình Phước Lâm với pháp hiệu Pháp Bảo, trùng với pháp hiệu của tổ khai sơn dòng Lâm Tế. Năm 1951, Ngài Phổ Thoại trụ trì chùa Long Tuyền Hội An ban cho thầy pháp hiệu Long Trí và Ngài dùng pháp hiệu này cho đến khi viên tịch.

Năm 1952, sư phụ được cử ra Huế tham dự đại hội thống nhất đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Việt Nam. Sau khi trở về thầy đã góp phần vận động thành lập giáo hội tăng già Quảng Nam Đà Nẵng. Trong biến cố 1963, vị Đại Đức trẻ tuổi của chùa Viên Giác tham gia rất tích cực trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo. Thầy thay mặt Phật giáo Quảng Nam tham dự phiên họp khẩn cấp tại Huế sau vụ triệt hạ cờ Phật Giáo và giữ nhiệm vụ Tổng Thư Ký kiêm đặc trách thanh niên của ủy ban tranh đấu tỉnh Quảng Nam. Với trọng trách lãnh đạo tinh thần cuộc đấu tranh và điều hành hàng ngàn huynh trưởng và đoàn viên các cấp của Gia Đình Phật Tử, thầy đã đứng đầu sóng ngọn gió của cuộc đấu tranh 1963, và kết quả chịu đựng đánh đập đến mức phải vào bịnh viện Hội An, Đà Nẵng nhiều lần.

Một trong những Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử trung thành và gần gũi với thầy là huynh trưởng Lê Thanh Hải. Trong giờ phút vô cùng quyết liệt của tháng 8 năm 1963, sư phụ chúng tôi đã làm lễ xuống tóc cho anh huynh trưởng mà thầy rất quý mến và đặt cho anh pháp hiệu là Tâm Thanh để nếu ngày mai “có chết thì cả thầy trò cùng chết” như thầy viết trong hồi ký. Anh huynh trưởng vừa trở thành tăng sĩ đó về sau là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Giảng Sư Viện Hóa Đạo, Viện Chủ Tu Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng, Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam và một trong những bậc tăng tài đức độ, uy tín, được kính mộ tại Việt Nam. Đêm 20 tháng 8 năm 1963, tất cả lãnh đạo Phật Giáo khắp miền Nam, trong đó có thầy, đều bị bắt và giam kín cho đến ngày 01 tháng 11 năm 1963, chấm dứt đệ nhất Cộng Hòa.

Sau đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại chùa Xá Lợi năm 1964, thầy được công cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Giáo Hội Tỉnh Quảng Nam kiêm Đặc Uỷ Thanh Niên. Thượng Tọa Thích Trí Giác đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại Diện chỉ vì ngài là bậc tôn túc vai vế cao trong tông phái nhưng thực chất trọng trách điều hành giáo hội tại một tỉnh lớn như Quảng Nam đã đặt lên vai sư phụ chúng tôi. Chùa Viên Giác là văn phòng hoạt động của giáo hội Phật Giáo Quảng Nam. Thầy sắp xếp lại các cơ cấu giáo hội, ổn định và phát triển hệ thống Gia Đình Phật Tử Quảng Nam với nhiều trăm gia đình ở khắp các quận. Mỗi chùa đều có Gia Đình Phật Tử với đầy đủ các ngành. Các trại huấn luyên chuyên môn được tổ chức hàng năm. Đây là thời gian cực thịnh của phong trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam, nhiều thanh thiếu niên, trong đó có tôi, đã chọn Gia Đình Phật Tử như là môi trường để tập sống trong tinh thần Bi-Trí-Dũng. Ngoài Gia Đình Phật Tử, các ngành Thanh Niên Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Phật Tử Thiện Chí v.v. thuộc Tổng Vụ Thanh Niên, cũng phát triển rất mạnh.

Nhưng GHPGVNTN chỉ ổn định và phát triển chưa được hai năm, đã phải lao vào hàng loạt những đấu tranh mới trong các năm 1965, 1966 và 1967. Trong lúc cuộc tranh đấu bất bạo động vì bình đẳng tôn giáo năm 1963 dẫn đến sự hình thành của GHPGVNTN, các cuộc đấu tranh ít nhiều bạo động của các năm 1965, 1966 đã dẫn đến sự chia rẽ và phân hóa trầm trọng từ các vị lãnh đạo Phật Giáo trung ương cho đến các cấp giáo hội địa phương. Trong hồi ký, thầy nhấn mạnh đến việc không đồng tình ngay từ đầu với quan điểm của các vị lãnh đạo giáo hội trung ương về cuộc tranh đấu mà thầy nghĩ chắc chắn sẽ thất bại, nhưng đồng thời, với lòng trung thành trước sau như một với GHPGVNTN, thầy cũng không đi ngược lại các chỉ thị của giáo hội. Với bản tính cương quyết của thầy, khi bắt tay vào cuộc đấu tranh thì thầy đem hết nhiệt tình và khả năng ra làm việc.

Trong cuộc tranh đấu năm 1965, 1966 thầy là lãnh đạo tinh thần quan trọng nhất của Phật Tử Quảng Nam. Tuy không phải là người chủ trương cuộc tranh đấu, thầy là người cuối cùng ở lại với các anh quân nhân Phật Tử, là người tham dự phiên họp chót với lực lượng quân nhân tranh đấu, là người đứng ra chịu trách nhiệm với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa về cuộc tranh đấu. Sau cuộc tranh đấu, thầy là người duy nhất trong tất cả các vị lãnh đạo cuộc tranh đấu, bị bắt giải vào Sài Gòn và giam giữ nửa năm tại Cục An Ninh Quân Đội. Tướng Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan đích thân thẩm vấn thầy. Những lời cáo buộc của chính quyền đều được thầy giải thích thỏa đáng. Quan điểm của thầy đối với chính quyền cũng như đối với Cộng Sản rất rõ ràng. Những gì thầy không đồng ý thầy nói thẳng và những gì thầy ủng hộ thầy cũng nói rất thẳng. Trái với nhiều tin do báo chí đối lập loan trong thời kỳ đó, thầy xác nhận trong hồi ký, suốt thời gian bị giam giữ, thầy không hề bị đánh đập tra tấn hay bị bạc đãi điều gì. Sau hai ngày thẩm vấn, tướng Loan tuyên bố trao trả tự do cho thầy nhưng không được phép về lại Hội An vì lý do an ninh trong tình hình chính trị khá phức tạp tại miền Trung.

Sau mãn hạn tù thầy trở lại Hội An chỉ để chứng kiến cảnh suy vi trầm trọng trong hàng ngũ tăng ni cũng như các hệ thống thanh niên và gia đình Phật tử. Phần lớn các cư sĩ và huynh trưởng Gia Đình Phật Tử có liên hệ đến cuộc đấu tranh của Phật Giáo miền Trung đều hoặc bị đổi đi xa hoặc thoát ly vào rừng theo Cộng Sản. Những đổ nát sau cuộc đấu tranh 1966 còn trầm trọng hơn cả năm 1963. Từ trên đám tro tàn của suy vi phân hóa đó, thầy lại lần nữa cố hàn gắn tình huynh đệ giữa các bậc tôn đức, phát triển các cơ sở Phật giáo, củng cố hệ thống Gia Đình Phật Tử các cấp, sửa sang lại các chùa, xây dựng trường Trung Học Bồ Đề, cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Thầy cho họa di ảnh các cựu quân nhân, các cựu huynh trưởng vì đạo pháp hy sinh để thờ trong giảng đường. Thầy đi khắp nơi thuyết pháp để kích thích lòng yêu nước, yêu đạo, tinh thần vô uý bất khuất của người Phật tử. Dưới sự lãnh đạo khôn khéo của thầy, Phật giáo Quảng Nam lại phục hồi và vững mạnh như trước.

Sau cuộc chiến mùa hè đỏ lửa 1972, thầy dành công sức vào các công tác xã hội, chia xẻ đau thương với đồng bào nạn nhân chiến tranh.

Tháng 4 năm 1975, thầy lại một lần nữa đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng. Đúng với pháp hiệu Long Trí, tuy đứng trước hoàn cảnh chính trị mới hết sức tế nhị và đầy thử thách, ngay từ ngày đầu tiên thầy đã khôn ngoan đối phó để vừa chứng tỏ tư cách lãnh đạo tinh thần của đồng bào Phật Tử Quảng Nam và cũng vừa mềm dẻo đủ để không trở thành đối tượng mà chế độ mới cần phải triệt tiêu ngay.

Bản tính độc lập nhưng cứng rắn của thầy đối với chế độ mới thể hiện rất rõ nét. Thầy chẳng những không đi đón tiếp phái đoàn quân đội Cộng Sản đang tiến vào lãnh thổ Quảng Nam-Đà Nẵng như một số tăng ni ở Đà Nẵng đã làm mà còn lớn tiếng trách các vị đó rằng hành động của họ sẽ mang tiếng với lịch sử sau này.

Thầy nhận xét, nếu càng a dua, ca ngợi chế độ thì càng bị chế độ khinh thường. Do đó, không giống như một số lãnh đạo Phật Giáo khác nhiệt tình chào đón những người lãnh đạo mới, thầy dành hết thời gian để đi thăm viếng và trấn an các đơn vị giáo hội địa phương trong tỉnh.

Sau khi chiếm Quảng Nam-Đà Nẵng một tuần, ông Hồ Nghinh, ủy viên trung ương Đảng kiêm bí thư Quảng Nam-Đà Nẵng cho xe đón thầy ra để gặp, trong buổi gặp gỡ này thầy đã nói với ông Hồ Nghinh: “Nhưng điều mâu thuẫn có thể xảy ra đó là phạm trù giữa chủ thuyết duy vật và duy tâm, giữa chính trị và tôn giáo. Nếu chúng ta biết hài hòa thì tất nhiên nó tốt đẹp nhưng nếu cực đoan bảo thủ thì nó sẽ bị dị biệt, sẽ trở thành cách biệt nhau mà thôi. Giả sử vì một lý do gì đó mà các anh tiêu diệt tôn giáo thì dù cho tập thể giáo hội không có chống đối đi chăng nữa, riêng bản thân tôi vẫn chống đối vì lý tưởng cương quyết bảo tồn. Ở đời không làm thế nào cho vuông tròn toàn vẹn. Do đó mất lòng trước mà được lòng sau hơn là vâng lời để rồi trái lại”.

Tháng 10 năm 1975, trong hội nghị tổng kết khu Trung Bộ dưới sự chủ tọa của ông Trường Chinh, với tư cách đại diện cho Phật Giáo, trong bài tham luận thầy đã hỏi thẳng ông Trường Chinh: “Ông Tổng Bí Thư Lê Duẩn tuyên bố: việc chống Mỹ cứu nước theo dự liệu của Bộ Chính Trị đúng ra phải còn kéo dài nhiều hơn nữa, nhưng lòng dũng cảm yêu nước của nhân dân miền Nam vùng lên trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân lịch sử đã đưa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đến kết thúc sớm hơn. Lịch sử 30 năm đã chứng minh lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và vị lãnh đạo đảng đã khẳng định như vậy thì tại sao chính quyền các cấp lại xem dân miền Nam là Ngụy?

Tất cả các thầy và các lãnh đạo tinh thần các tôn giáo bạn đều lo sợ ra mặt khi nghe thầy phát biểu mạnh dạn như vậy.

Trong hoàn cảnh chính trị giai đoạn chuyên chính sắc máu thời Lê Duẩn, Trường Chinh ngày đó, chẳng mấy ai dám phát biểu trái ý giới lãnh đạo đảng, đừng nói chi lớn tiếng đặt vấn đề với họ tại sao dám nhục mạ nhân dân miền Nam là “ngụy”. Chẳng những thế, trong bài tham luận đọc trong hội nghị, thầy còn cảnh cáo đảng: “Vấn đề phân biệt đối xử phải chăng là hố sâu làm mất tinh thần đoàn kết mà yếu tố này quyết định vận mệnh đất nước.” Đừng quên, thời điểm thầy lên tiếng là chỉ mới tháng 10 năm 1975, đạo quân chiến thắng vẫn còn sôi sục căm thù, đạn vẫn còn nóng trong nòng, các biện pháp thời chiến tranh vẫn còn hiệu lực; nhưng thầy đã phát biểu những lời vô cùng uy dũng và những lời phát biểu của thầy chính là lời tiên tri cho đất nước.

Nhà nước rất nể sợ tài năng và mưu trí của thầy mặc dù thầy không có một tấc sắt trong tay. Thầy luôn lợi dụng các cơ hội chính đáng để biểu dương sức mạnh tiềm tàng của Phật Giáo. Ngày tôi về thăm, thầy kể lại chi tiết đám tang mẹ của thầy. Trong thâm tâm thầy, đám tang của mẹ chỉ là vấn đề gia đình không có gì cần phải làm lớn trong lúc cả nước hàng triệu người chết đói không có hòm để chôn. Tuy nhiên thầy muốn lợi dụng cơ hội tang lễ để “thị uy” với Cộng Sản. Thầy chỉ thị ngầm cho tất cả các đơn vị Phật Giáo của mấy chục quận, huyện, thành phố trong tỉnh, cho tất cả các Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử cử phái đoàn về tham dự tang lễ. Dĩ nhiên đám tang mẹ của vị lãnh đạo Phật Giáo hàng đầu của tỉnh thì chính quyền không thể vịn vào lý do nào để ngăn cản. Đám tang của cụ bà đã trở thành một buổi tuần hành của đồng bào Phật Tử lớn nhất sau 1975 tại Quảng Nam. Hàng ngàn đạo hữu và đoàn viên Gia Đình Phật Tử các cấp đi bộ một đoạn đường trên mấy cây số từ nhà quàn đến nghĩa trang.

Trong suốt 17 năm, thầy và nhà nước đã giữ một biên giới cách ngăn nhất định. Nhà nước không dám làm gì vì họ không tiên đoán được thầy sẽ phản ứng bằng cách nào và sợ trách nhiệm với trung ương đảng. Về phía thầy với sức yếu thế cô, dĩ nhiên thầy cũng không làm gì quá đáng để chúng có cớ triệt hạ tất cả các cơ sở Phật Giáo. Nhà nước ngại thầy đến nỗi mỗi khi có xung đột họ đều phái cán bộ trung ương đến để thảo luận với thầy vì thầy không quan tâm tranh luận với các cấp chính quyền địa phương. Thầy kể lại chuyện cuộc tranh luận giữa thầy và ông Vũ Quang, trưởng ban tôn giáo chính phủ, căng thẳng đến mức khi tiễn ông Vũ Quang ra cửa, ông ta còn quay lại hỏi: “Nghe nói thầy giỏi võ lắm hả?” Biết ý ông ta muốn đánh giá sức mạnh của Phật Giáo nên thầy đáp nửa đùa nửa thật “Cũng chỉ đủ sức tự vệ thôi thưa ông trưởng ban”.

Đối với GHPGVNTN, thầy kể lại trong hồi ký, trong khoảng 1975 đến ngày đại hội kỳ 7 của GHPGVNTN năm 1979, lãnh đạo trung ương của giáo hội chia thành ba cánh, dựa theo ba quan điểm khác nhau. Quan điểm cứng rắn quyết liệt nhất định không lệ thuộc vào sự lãnh đạo của nhà nước do các thầy Huyền Quang, Quảng Độ lãnh đạo. Quan điểm thứ hai chủ trương phải tùy duyên để bảo vệ các cơ sở, để chư tăng ni được có cơ hội tiếp tục tu học và điều hành Phật sự. Trong thành phần nầy là chư Thượng tọa Minh Châu, Trí Tịnh, Từ Hạnh v.v.. Thành phần thứ ba chủ trương trung lập, không theo khuynh hướng nào. Đứng đầu cánh ôn hòa, trung lập là Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Trí Thủ.

Đại hội kỳ 7 của GHPGVNTN được khai mạc đầu năm 1979. Tuy thực hiện gấp rút nhưng là đại hội cực kỳ quan trọng, đánh dấu một bước ngoặc của lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Chủ trương cứng rắn với nhà nước chế ngự toàn bộ các nghị trình của đại hội. Trong lời phát biểu trước đại hội kỳ 7, sư phụ đã cảnh giác giáo hội đang đối đầu với “một chế độ chính trị không mấy có thiện cảm với tôn giáo. Do đó, làm thế nào để tồn tại và duy trì như thế nào cho hợp lý. Đó là vấn đề nóng bỏng mà đại hội cần phải quan tâm.”

Sau đại hội kỳ 7, các lãnh đạo trung ương của GHPGVNTN mỗi vị đi theo con đường riêng của mình. Hàng loạt các tôn đức lãnh đạo thuộc thành phần “độc lập với nhà nước” như thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Thuyền Ấn, Liễu Minh v.v. đã bị bắt, bị tù đày, biệt giam, lưu đày, trong lúc các thầy thuộc thành phần “tùy duyên” đã đứng vào phía nhà nước để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Sau đại hội kỳ 7, quan điểm của sư phụ chúng tôi về hình thức nghiêng về phía “tùy duyên” nhưng về căn bản vẫn được thầy duy trì như trước 1975. Năm 1981, thầy cũng chia xẻ với tôi: “Dù muốn gì đi nữa, trước hết phải tồn tại, không tồn tại được thì chẳng còn gì để nói nữa.”

Để bảo vệ các cơ sở giáo hội và tổ chức Gia Đình Phật Tử, sư phụ tham gia vào giáo hội mới do các thầy Trí Tịnh, Minh Châu lãnh đạo và lần nữa cũng đóng vai trò lãnh đạo đồng bào Phật Tử tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, một tỉnh lớn nhất nước thời đó, trong việc điều hành giáo hội mới. Dù tham gia với Giáo Hội mới, thầy chưa bao giờ chính thức từ nhiệm chức vụ với GHPGVNTN, một giáo hội mà thầy góp máu xương để sáng lập và thầy cũng giữ nguyên các cơ cấu Gia Đình Phật Tử sinh hoạt giống hệt như trước 1975.

Chẳng những thế, thầy còn trách Hòa Thượng Minh Châu qua văn thư, đã yêu cầu các giáo hội địa phương giao nạp hệ thống Trung Học Bồ Đề cho nhà nước.

Nhà nước biết rõ thái độ của thầy nhưng không có bằng chứng gì để triệt hạ thầy. Tóm lại việc “thuận duyên” của thầy chỉ có tính cách đối ngoại với nhà cầm quyền nhưng thực chất lãnh đạo chẳng những không thay đổi mà còn được củng cố chặt chẽ hơn. Thầy vẫn thừa nhận các Hòa Thượng Huyền Quang, Quảng Độ là những vị đang tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTN dù lúc đó giáo hội nhà nước đã ra đời. Do đó, như thầy ghi lại trong hồi ký, khi nhà nước phát động chiến dịch bôi nhọ nhị vị Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ, thầy chẳng những không tham gia vào chiến dịch đó, chẳng những từ chối lời thỉnh cầu của nhà nước để kết án chư Hòa Thượng Huyền Quang, Quảng Độ mà còn ngăn chặn những ai a dua theo nhà nước để nhục mạ huynh đệ của mình.

Trong phiên họp “đấu tố” hai thầy Huyền Quang, Quảng Độ với sự tham dự của 150 tăng ni tại Đà Nẵng, trước chư tôn và lãnh đạo đảng, khi được nhà nước yêu cầu thầy phát biểu để phân tách “những sai lầm” của hai vị lãnh đạo cánh “độc lập với nhà nước” Huyền Quang, Quảng Độ, thầy Thích Long Trí phát biểu: ”Đức Phật dạy chúng tôi: bao giờ tai nghe mắt thấy thì mới có một sự suy diễn đích thực, mà sự kiện xảy ra cách chúng tôi hàng nghìn cây số tất nhiên tai chúng tôi không thể nghe, mắt chúng tôi không thể thấy thì làm sao trí óc chúng tôi có thể làm việc để trả lời yêu cầu của quý vị đây?”

Cũng trong hội nghị “đấu tố” này, thầy đã công khai binh vực cho hai Hòa Thượng Huyền Quang, Quảng Độ: “Phương chi, nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật Giáo đã khẳng định: Cái phải của hôm nay không phải là cái phải của ngày mai. Cái được của hôm nay không phải là cái được của ngày mai. Đôi khi trong cùng một lúc lại ẩn hiện cái mất trong cái được và cái được ẩn tàng trong cái mất.”

Một tu sĩ lớn lên từ cánh đồng Quảng Nam nứt nẻ, học chỉ xong bậc tiểu học nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá của tinh thần vô úy, tình huynh đệ thủy chung giữa các thầy, lời dạy vô cùng sâu sắc, quý hơn vàng ngọc cho các thế hệ mai sau như thế.

Năm 1976, một thiếu niên từ Duy Sơn xuống xin quy y với thầy, thầy từ chối vì biết không đủ khả năng che chở cho chú. Thầy dắt chú ra Huế để xin quy y với bổn sư của thầy là Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Chú điệu nhỏ sau đó đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi quyền phục hoạt GHPGVNTN và không ai khác hơn chính là Thượng Tọa Thích Hải Tạng.

Với sự lãnh đạo khôn khéo của thầy trong suốt 15 năm sau 1975, mặc dù trong hoàn cảnh bị trấn áp liên tục, Phật Giáo tỉnh Quảng Nam đã tồn tại và phát triển tương đối tích cực. Cũng nhờ sự lãnh đạo khôn khéo đó mà khi phát động cuộc đấu tranh phục họat GHPGVNTN, Quảng Nam đã có sẵn một lực lượng huynh trưởng đông đảo sát cánh bên thầy mà không một địa phương nào có được.

Từ sau 1990, sinh hoạt của Phật Giáo cũng nương theo điều kiện chính trị thời kỳ “đổi mới” mà dễ thở hơn những năm bao cấp. Năm 1992, sư phụ nhận thấy phương pháp xử sự mềm dẻo trong thời kỳ “tùy duyên” đã chấm dứt và thầy chuẩn bị tinh thần để bước qua giai đoạn đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền, đòi nhà nước phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân và tự do tôn giáo.

Đám tang của Hòa Thượng Đôn Hậu có thể được xem như là điểm mốc quan trọng cho cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Ngay sau khi được Thượng Tọa Hải Tạng gọi báo tin Hòa Thượng Đôn Hậu viên tịch, thầy đã có mặt tại Huế để thọ tang Hòa Thượng Đôn Hậu, bổn sư đã quy y cho gia đình thầy. Trong thời gian tang lễ, thầy và Hòa Thượng Huyền Quang đã gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Vì Quảng Ngãi và Quảng Nam ở sát nhau, sự liên lạc giữa hai ngài đã tiếp tục nhiều lần sau tang lễ Ôn Linh Mụ.

Đáp ứng lời yêu cầu của Hòa Thượng Huyền Quang, lúc đó còn đang bị giam giữ tại Quảng Ngãi, sư phụ chấp nhận dấn thân vào con đường đấu tranh mới đầy chông gai thử thách: phục hồi sinh hoạt của GHPGVNTN.

Trong văn thư chính thức gởi đến các cấp giáo hội trong và ngoài nước, thầy được Hòa Thượng Huyền Quang công cử vào chức vụ Phụ Tá Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chánh Thư Ký văn phòng Viện Hóa Đạo Lưu Vong tại Quảng Ngãi. Trong tư cách là một trong số rất ít lãnh đạo GHPGVNTN còn có thể đi lại công khai được, trách nhiệm chính của sư phụ là xây dựng lại các cơ sở giáo hội địa phương, củng cố nhân sự, phát triển hệ thống Gia Đình Phật Tử để tạo lực lượng nòng cốt nhằm thực thi các quyết định của Hội Đồng Lưỡng Viện. Trong lá thư gởi tôi vào ngày 8 tháng 12 năm 1992, sư phụ than thở, trọng trách của thầy quá lớn và công việc quá nặng nề, đầy nguy hiểm nhưng chỉ có một số rất ít các chư tăng ni tích cực tham gia: “Giáo hội tuy vừa hình thành lại, tuy gọi là Viện nhưng thật sự chỉ có ngài Huyền Quang và tôi, còn ngài Quảng Độ thì bị cô lập tại Sài Gòn. Mỗi người mỗi ngã do đó mọi quan hệ rất là khó khăn”.

Thật vậy, chung quanh sư phụ chỉ có các đệ tử của thầy, ngay cả các tăng ni lãnh đạo Phật Giáo trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cũng tỏ ra lạnh nhạt. Đa số đều chỉ muốn an phận. Thầy viết cho tôi cũng trong tháng 12 năm 1992: “Kể từ 5 tháng nay, Hòa Thượng Huyền Quang phát động gởi nhà nước “Đơn Cứu Xét Nhiều Việc” và sau đó nhiều văn kiện mang nội dung phơi bày sự thật đã được các chi bộ Phật Giáo hải ngoại tích cực vận động đã ảnh hưởng quốc tế và cũng nhờ vậy mà trong nước cũng tùy theo đó mà nới tay. Bên ngoài ảnh hưởng to lớn như vậy nhưng bên trong các vị giáo phẩm của Ấn Quang trước đây vì bị thế lỡ tham gia vào giáo hội nhà nước do đó đành xoay lưng sắp mặt, vì vậy phong trào không khởi xướng được. Đa số quý thầy vì sợ mất địa vị, khó khăn nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, từ đó quần chúng cũng không làm sao góp phần hữu hiệu”.

Dù bao nhiêu khó khăn thầy vẫn không nản chí. Kể từ tháng 6 năm 1992, thầy phải phân chia thời gian của thầy giữa chùa Viên Giác, chùa Tỉnh Hội ở Hội An và chùa Hội Phước Quảng Ngãi, nơi Hòa Thượng Huyền Quang đang bị giam giữ. Sức khỏe của sư phụ chúng tôi bắt đầu giảm sút nhiều nhưng Phật sự lại nặng nề hơn thời kỳ 1963 và cả thời gian 1965, 1966.

Trong thư gởi cho tôi cuối năm 1992, thầy chia xẻ dự tính đi từ Nam ra Bắc để vận động tổ chức đại hội kỳ 8 của Giáo Hội tại Huế nhân dịp lễ Tiểu Tường cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Với sự đồng ý của Hòa Thượng Huyền Quang qua thông tư số 18 ký ngày 20 tháng 10 năm 1992 nhằm củng cố thành phần Hội Đồng Viện, thầy vào Nam, xuống tận các tỉnh miền Tây, lên Lâm Đồng, Ban Mê Thuộc để thuyết phục và cung thỉnh chư tôn đức tham gia đại hội. Theo thầy, không có cơ hội nào thích hợp hơn là Lễ Tiểu Tường của Hòa Thượng Đôn Hậu và cũng không có địa điểm nào thích hợp hơn là Huế.

Nhà nước Cộng Sản cũng tiên đoán được ý định của sư phụ nên trước lễ Tiểu Tường, ông Vũ Quang, Trưởng Ban Tôn Giáo Trung Ương từ Hà Nội vào yêu cầu thầy không nên đi Huế. Thầy từ chối lời yêu cầu. Ngày hôm sau, thầy lãnh đạo một phái đoàn đông đảo gồm 200 tăng ni và Phật Tử ra Huế. Ngoài ra, thầy cử một phái đoàn gồm 60 huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trung kiên đi Quảng Ngãi để cung thỉnh Hòa Thượng Huyền Quang ra Huế. Khi đoàn xe đến đèo Hải Vân, đoàn xe bị chận lại. Thầy và 50 huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã ngồi xuống giữa đèo, phát nguyện nếu không được đi Huế, sẽ không rời chỗ ngồi. Vì xe cộ từ hai miền đều phải qua đèo Hải Vân và con số xe bị kẹt hai bên đèo mỗi lúc một dài thêm. Cuối cùng khi biết người đang lãnh đạo cuộc tranh đấu là Thượng Tọa Thích Long Trí, nhà nước đã đành phải chỉ thị cho công an để đoàn xe của thầy qua. Tất cả các hãng tin quốc tế lớn và các đài BBC, VOA đều có tường thuật rất chi tiết sự kiện này. Tuy nhiên thầy rất buồn khi biết phái đoàn của thầy cũng là phái đoàn duy nhất đến được Huế, các phái đoàn Phật Giáo tỉnh khác, kể cả đoàn xe mà thầy phái đi đón Hòa Thượng Huyền Quang đều bị cản trở không ra Huế được.

Chương trình lễ Tiểu Tường do thầy chuẩn bị sẽ có lễ tấn phong đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu lên ngôi vị Đệ Tam Tăng Thống và cũng cố thành phần Hội Đồng Lưỡng Viện.

Giống hệt như trong thời kỳ 1963, 1966, khi vừa đến Huế, thầy lại lãnh đạo mấy trăm huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trung kiên lo việc canh gác chung quanh chùa Linh Mụ để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Sư phụ đã chuẩn bị một bản báo cáo “Phật Giáo dưới chế độ Cộng Sản” để đọc trong ngày đại hội. Rất tiếc trong những ngày sau đó ngoài các đệ tử của Ôn Linh Mụ và phái đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, không một bậc tôn đức, kể cả Hòa Thượng Huyền Quang hay đại diện tỉnh nào đến Huế được. Trong một lá thư gởi cho tôi, sư phụ chúng tôi than vãn, không phải tất cả đều bị Công An ngăn chận, nhiều vị trước đó đã đồng ý với sư phụ sẽ tham gia đại hội; nhưng vào giờ chót lại đổi ý. Giả thiết, nếu tỉnh nào cũng được một số nhân lực bằng một phần nhỏ của phái đoàn tỉnh Quảng Nam thôi, cuộc vận động tự do tôn giáo của GHPGVNTN chắc đã đạt được nhiều thành quả khích lệ hơn nhiều.

blankSau khi ở Huế về, thầy nhận được tin Huynh Trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình tự thiêu ở Connecticut, Hoa Kỳ, để phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản đàn áp Phật Giáo và cũng nhận tin huynh trưởng Nguyễn Khắc Từ, một trong những cấp trưởng đầu tiên từ thời sáng lập ra Gia Đình Phật Tử Việt Nam, vừa quá cố, thầy xin phép Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Huyền Quang chính thức tổ chức đại lễ cầu siêu cho hai huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Thật là một hành động chưa từng có trong xã hội Cộng Sản.

Để tránh việc nhà nước ngăn cản đồng bào Phật Tử tham dự, thầy đã tổ chức lễ tưởng niệm dưới danh nghĩa “Ba mươi năm Pháp Nạn”. Nhà nước Cộng Sản biết thầy khéo léo trong dùng chữ nên yêu cầu thầy thay câu “30 năm Pháp Nạn” thành “30 năm Ngày Pháp Nạn 1963” nhưng thầy nhất định không chịu vì thầy muốn nhấn mạnh đến giai đoạn 1975 đến 1993 nhiều hơn là Pháp Nạn 1963. Không thuyết phục được thầy thay đổi chủ trương, nhà nước làm hết sức để cản chư tôn đức và đồng bào Phật Tử không về tham dự lễ tưởng niệm. Tuy nhiên, mười bậc tôn đức tăng ni và 300 đồng bào Phật Tử các nơi cũng đã vân tập về tham dự lễ tưởng niệm một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tự thiệu tại Mỹ để phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản, được tổ chức một cách công khai ngay tại Việt Nam.

Nhận thư của thầy báo tin dự tính tổ chức lễ tưởng niệm Huynh Trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình, tôi vô cùng cảm động trước tinh thần vô uý và tình thương của thầy đối với Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Nếu ai khác nói với tôi họ sẽ như một việc tương tự, tôi không dám tin, nhưng thầy tôi nói tôi tin ngay. Bản tính của thầy chúng tôi, một khi Ngài nói sẽ đi đâu hay sẽ làm gì, dù ai có đem ngọn núi chắn trước mặt, Ngài vẫn đi ngay, vẫn sẽ làm ngay.

Đọc thư thầy, tôi thích quá, ngay đêm đó ngồi viết bài thơ Hoa Đạođể gởi về gọi là yểm trợ tinh thần cho thầy. Tôi tin nếu nhận được, chắc chắn thầy sẽ cho đọc trong lễ tưởng niệm. Vì lý do bưu điện từ Boston về Hội An quá chậm trễ, bài thơ đã không đến được vào ngày lễ nên không được đọc lên để tưởng nhớ đến một huynh trưởng đáng kính của chúng tôi vừa tự thiêu vì Đạo Pháp và Dân Tộc.

Bài thơ Hoa Đạo, được viết để Tưởng niệm Huynh Trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình - tự thiêu lúc 7:30 giờ sáng ngày 6 tháng 4 năm 1993 tại Connecticut, Hoa Kỳ, hưởng dương 43 tuổi. Anh Viên Lạc Phạm Gia Bình được Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN tấn phong Bồ Tát Tại Gia và Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN truy tặng Cấp Tín Danh Dự của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Xây dựng các thế hệ trẻ kế thừa bao giờ cũng là ưu tư hàng đầu của thầy chúng tôi. Năm 1995, mặc dù trong hoàn cảnh bị đàn áp, thầy đã chỉ thị Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam tổ chức trại huấn luyện A Dục, Lộc Uyển với 500 huynh trưởng trẻ từ khắp các quận và các tỉnh bất chấp đe dọa, đã về tham dự. Nhà nước cố ngăn chận và các thầy trong giáo hội nhà nước không cho phép dùng chùa của họ để tổ chức, cuối cùng thầy phải tổ chức tại chùa Viên Giác chật hẹp hơn nhiều. Thầy cảm thấy cay đắng cho thời thế nhưng không hề oán trách. Các huynh trưởng tham dự trại về lại nguyên quán đều bị bắt và bị kiểm điểm nhiều tuần.

Tôi nhận được cuốn phim lưu hành nội bộ Gia Đình Phật Tử, trong đó ghi lại đạo từ của thầy với những lời nhắn nhủ chân thành để lại cho các thế hệ Gia Đình Phật Tử trẻ. Xem cuốn phim và lắng nghe giọng nói thân thương đã ấp ủ tôi trong nhiều năm tháng, tôi cố ngăn dòng nước mắt. Thầy chúng tôi to lớn quá, uy dũng quá. Trước ngày khai mạc trại, thầy ra giáo lệnh cho ban tổ chức chỉ có cử hành Đạo Ca Phật Giáo Việt Nam, đoàn ca của Gia Đình Phật Tử và nhạc phẩm Trầm Hương Đốt truyền thống của Phật Giáo Việt Nam mà thôi, không một viên chức nhà nước nào được mời và cũng không có một nghi thức chào cờ Cộng Sản được dùng trong buổi lễ.

Sau khi trại bế mạc, thầy lâm bịnh. Bác sĩ chẩn bịnh cho thầy biết thầy bị ung thư tá tràng.

Tuy biết thời gian trụ thế của mình không còn bao nhiêu, thầy vẫn hết sức tích cực chu toàn các công tác của giáo hội trung ương giao phó. Khi vào Sài Gòn chữa bịnh cuối năm 1994, thầy có dịp làm việc trực tiếp với Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Quảng Độ. Khi cơn lụt miền Tây chưa rút, thầy yêu cầu Hòa Thượng Viện Trưởng nhân danh giáo hội khẩn cấp thực hiện công cuộc cứu trợ đồng bào đang lâm cảnh màn trời chiếu đất khắp miền Tây. Chủ ý của thầy ngoài việc cứu trợ còn là cơ hội giới thiệu GHPGVNTN với đồng bào Phật Tử miền Tây đã khá lâu xa cách với sinh hoạt của giáo hội. Hòa Thượng Viện Trưởng đồng ý và yêu cầu thầy đảm nhiệm chức vụ Trưởng Đoàn Công Tác Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Miền Tây của giáo hội. Mang trọng bịnh ung thư trong người và tuổi tác đã cao (thầy cùng tuổi với Hòa Thượng Quảng Độ) nhưng thầy cũng nhận lãnh công tác xuống miền Tây để cùng dầm mưa dãi nắng với đồng bào. Công việc đang tiến hành thì thầy bị bắt và bị giải giao về lại Quảng Nam. Thầy bị giam lỏng ở Hội An cho đến ngày viên tịch năm 1998.

Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Viện Tăng Thống, vô cùng xúc động khi nghe tin Hòa Thượng Thích Long Trí viên tịch. Trong thông tư chính thức gởi toàn thể Phật Giáo Việt Nam ngay sau khi nghe tin Hòa Thượng Thích Long Trí xã báo thân, đã nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, chỉ thị cho tất cả các cấp giáo hội trong và ngoài nước, các chùa, tự viện, các cấp, các ngành trong Gia Đình Phật Tử tổ chức cầu nguyện giác linh Hòa Thương Thượng Long Hạ Trí, Nguyên Phụ Tá Đặc Biệt Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN Cao Đăng Phật Quốc và cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với một bậc tăng tài Việt Nam đã cống hiến cả cuộc đời cho Quê Hương và Đạo Pháp. Thời gian thầy đảm trách chức vụ tại trung ương không lâu nhưng là thời gian vô cùng thử thách của GHPGVNTN.

Mỗi chúng ta có mặt trong thế gian này như cây trái từ nghiệp báo của chính mình đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước. Mỗi bước chúng ta đi hôm nay và ngày mai là tiếp nối một cuộc hành trình. Sư phụ chúng tôi cũng thế. Không phải tất cả các chọn lựa của thầy về giáo hội hay về đời sống riêng tư đều đúng, đều phải nhưng thầy bao giờ cũng hành xử với một tâm trong sáng. Hơn nửa thế kỷ phục vụ đạo pháp và dân tộc, thầy chúng tôi suy nghĩ quá nhiều, hành động quá nhiều, nhiều đến nỗi thầy không kịp giải thích với ai, và đôi khi cũng chẳng có ai chung quanh để mà giải thích. Nhưng, từ mùa pháp nạn 1963, những ngày khó khăn sau 1975 cho đến giờ phút cuối cùng xả báo thân thầy chúng tôi đã sống với một lòng yêu nước và yêu đạo thủy chung.

Thầy viết trong hồi ký, vì trọng trách của thầy quá nặng nề nên không có thời gian để trực tiếp dạy dỗ chúng tôi. Nhưng dù thầy có dạy thì chúng tôi cũng không học được. Làm sao chúng tôi có thể học được đức tính thương yêu của thầy đối với đồng bào Phật Tử, đi gánh lúa để nuôi sư phụ, đi làm ruộng để giúp đỡ đồng bào nghèo, đạp xe đi thăm nuôi từng anh huynh trưởng bị công an giam giữ. Làm sao chúng tôi có thể học được sự khôn khéo của thầy vừa bảo vệ được đạo pháp và vừa không để nhà nước có lý do triệt tiêu hay trấn áp. Làm sao chúng tôi có thể học được tinh thần vô uý sáng ngời của thầy khi cơn bão lửa kinh hoàng của thời đại Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ đã không làm thầy cong người xuống. Thầy chúng tôi ra đi trong lúc đạo pháp và dân tộc đang cần một lãnh đạo có trí tuệ thời đại và tinh thần vô úy Phú-Lâu-Na, các thế hệ Gia Đình Phật Tử quá cần một bậc tôn sư mang hạnh nguyện Tâm Minh Lê Đình Thám. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, như Thiền Sư Mãn Giác đã viết: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, tối qua sân trước một cành mai.” Phật Giáo Việt Nam trong 32 năm qua đã nở ra những cành mai đạo tuyệt vời, và một trong những cành mai đẹp đó mang pháp hiệu Thích Long Trí. Rồi mai đây, mùa đông sẽ qua đi và mùa xuân lại đến, những cành mai từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, vô uý khác sẽ nở rộ lên để điểm tô cho vườn hoa dân tộc và đạo Phật Việt Nam đời đời thơm ngát.

Ý kiến bạn đọc
01/02/201703:33
Khách
A Di Đà Phật! Ngưỡng vọng bách bái giác linh Đại lão Hòa Thượng thượng Long hạ Trí! Bậc comThạch Trụ Tùng Lâm của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Quảng Nam nói riêng!
Thành kính tri ân những chia sẻ của Hòa Thượng Như Điển!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]