Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Ngày mất mẹ

13/04/201422:03(Xem: 8262)
06. Ngày mất mẹ
blank


VI Ngày mất mẹ

Tôi nghe như bị tiếng sét đánh bên tai. Chẳng biết làm gì hơn lúc này là gầm mặt xuống để nuốt những giọt nước mắt tự động chảy dài lăn qua hai gò má và nhớ về mẹ thật nhiều. Khi tôi đạp xe đến cổng làng, mọi người báo tin một lần nữa. Tôi được biết cha tôi, anh Cộng, con của Bác tôi và anh Lưu đang khiêng xác của mẹ và Bác xuống trường học nơi cây Duối để tẩm liệm. Đây là nơi đầu đời tôi đã học đánh vần ABC với Thầy giáo Trịnh Đức Hoàng trong những năm 1956-1957. Lúc bấy giờ cây Duối cũng chẳng còn mà trường học bị bom đạn cày xới chỉ còn trơ trọi lại sân trường và mấy cây bông gòn còn sót lại, làm chứng nhân cho lịch sử. Tôi trong chiếc áo nhật bình của một chú Tiểu, khóc nức nở khi thấy mẹ và Bác chẳng toàn thây. Giờ đây, các chị gái và các chị dâu cũng đã tụ tập lại đông đủ.

Các anh tôi đi mua hòm và liệm mẹ cùng Bác một cách đơn giản, đưa đi mỗi người một ngõ. Lúc ấy, tôi biết rằng chẳng có một người hàng xóm nào còn ở lại. Vì tối hôm qua cả xóm bị cà-nông của phía quốc gia bắn vào. Vì có tin báo quân du kích đã về và tổ chức hội họp tại nhà gần đó. Thế là mọi người dân bị lãnh đủ những tang thương đổ nát của cuộc đời, của chiến tranh loạn lạc. Ai đúng ai sai chẳng ai biết. Chỉ có người dân thiệt thòi ở mọi phương diện mà thôi. Tôi theo sau chiếc quan tài của mẹ, áo quần xốc xếch và nước mũi, nước dãi,


bù lu, bù loa với những nỗi khổ tâm của một người mất mẹ. Mới đi được giữa đường, máy bay dội bom quanh đó. Thế là cả đám tang bỏ quan tài của mẹ chạy tán loạn. Chúng tôi cũng bỏ chạy đi nơi khác để lánh đạn. Khi máy bay không còn rà trên đầu nữa, đám tang mới đưa quan tài của mẹ đi tiếp về hướng huyệt mộ đã đào sẵn trong miếng đất hương hỏa của gia đình tôi gần đó. Tôi nhủ thầm cho thân phận của con người, cho số phận của người dân thấp cổ bé họng, biết nói cùng ai và ai là người sẽ hiểu cho cảnh khổ nầy. Mọi người nỗ lực lấp đất sau khi đã đặt chiếc quan tài vào lòng đất. Tôi chờ cho lấp đất xong thì quỳ xuống bên mộ mẹ và nhớ lại một bài thơ của Vũ Đình Liên nói về tình mẹ mà nghe xót xa vô cùng trong lúc nầy:

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

Thật thế bầu trời hôm ấy dường như nhỏ lại, bao bọc lấy thân tôi, để chứng kiến rằng tôi đã mất mẹ. Chỉ tiếc là chuông chùa gần đó chẳng có ai gióng lên tiếng nào; nhưng hoàng hôn đã phủ lên mộ mẹ, cho nên tôi cùng các anh và cha đi về hướng phía nhà của chị Ba để nghỉ chân và tìm cái gì đó để lót lòng. Chứ thật ra từ sáng đến giờ chúng tôi chưa có dùng trưa và cũng chẳng ai nghĩ đến là phải nên ăn cái gì đó để lót bụng. Bây giờ thì nước mắt của tôi không còn chảy nữa, mà miệng đắng vô vàn và tâm tư như trống rỗng. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi khóc nhiều nhất ở lứa tuổi mười bảy, sau khi xuất gia được hai năm.

Tôi biết rằng mình thật sự mất mẹ. Sau nầy tôi mất cha năm 1986 sau 20 năm mất mẹ, tôi không có cái diễm phúc đi theo sau quan tài của thân phụ mình nữa. Lúc ấy tôi đang ở nước Đức xa xôi. Riêng Thầy Bảo Lạc, cả hai lần quan trọng ấy, Thầy không về kịp để chia xẻ những mất mát của gia đình. Lần mất mẹ vào năm 1966 Thầy ở tận Sài Gòn và lần mất cha Thầy đang ở Úc. Mặc dầu chúng tôi xuất gia nhiều năm rồi; nhưng tình thiêng liêng cốt nhục ấy nó vẫn còn đọng lại trong tứ đại và tâm thức của mình. Ngày xưa Phật cũng vậy, lúc Phụ Vương Ngài băng hà, Ngài cũng về lại quê xưa để nghiêng vai gánh quan tài của phụ thân cùng những người khác trong dòng họ. Ngài và Mẫu Hậu Maya cũng nguyện đời đời làm mẹ con với nhau, cho đến khi Ngài thành Phật. Chỉ tiếc rằng khi Mẫu Hậu Maya sau 7 ngày sinh Ngài lại không được thấy sự trưởng thành của Ngài về sau, chính Ngài có lẽ lúc ấy cũng chưa nhận rõ được nét mặt của Từ Mẫu.

Sau đám tang của mẹ, tôi lưu lại nhà phụ cho cha trong mùa gặt năm ấy và dành nhiều thời giờ, để tụng Kinh cho mẹ và anh trong những tuần thất cho đến 49 ngày. Sau tang lễ, tôi về lại chùa Phước Lâm thưa Thầy Như Vạn cho phép về lại chùa Viên Giác hầu Thầy Bổn Sư. Như thế, tôi đã ở tại chùa Phước Lâm tròn hai năm. Hai năm của tuổi thơ thật trong trắng hồn nhiên, trong hai năm ấy, tôi cũng chia xẻ, giúp đỡ và tham gia vào việc xây dựng ngôi chánh điện chùa Phước Lâm, bề thế, trang nghiêm và chắc chắn.

Hai cây Đa to lớn, cành lá sum sê của chùa Viên Giác lại đón tôi trở về. Thật sự, tôi không biết tuổi thọ cây Đa là bao nhiêu năm; nhưng tôi đoán chắc cũng hiện hữu với ngôi Đình Cẩm Phô nầy phải vài trăm năm. Gốc nó to lắm và có thể hai chục người ôm chắc cũng chưa giáp vòng. Mùa lá rụng thôi khỏi chê, chúng điệu chúng tôi ra sức mà quét dọn suốt buổi sáng đến ướt đẫm mồ hôi. Sau nầy mỗi lần đọc bài thơ “Cây Đa chùa Viên Giác“ của Trần Trung Đạo tôi lại nhớ đến những kỷ niệm êm đềm với hai cây Đa nầy. Thầy tôi viên tịch vào năm 1998, nghe nói một cây cũng chết theo. Đúng như hai câu thơ trong chuyện Kiều mà cụ Nguyễn Du đã diễn tả rằng:

“Cảnh nào cảnh chẳng eo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“

Hay tin Thầy viên tịch, tại chùa Viên Giác ở tại Đức, tôi cũng tổ chức lễ thọ tang và cầu nguyện. Thầy Quảng Hòa, hiện là Tri sự chùa Giác Uyển tại Sài Gòn, lúc ấy có mặt tại Viên Giác Hannover đã đi hai câu thơ nội dung cũng thật là thấm đượm tình người:

”Hội An phố giăng tang trời ảm đạm
Viên Giác buồn tiễn biệt bóng Thầy đi“

Người đi vào cõi thiên thu. Còn bao nhiêu người khác ở lại tan nát cõi lòng. Ngay cả cây Đa mà cũng thuận thế theo người, thử hỏi ai không thương không nhớ được!

Năm 1966 tôi vẫn đi học tại trường Trung Học Bồ Đề Hội An. Thời đó, sau 1963 các cuộc tranh đấu của Giáo Hội cứ liên tục xảy ra, hết biểu tình đến tuyệt thực, hết tuyệt thực lại cầu nguyện v.v... Sư Phụ tôi dấn thân hết mình vào công việc như thế. Vả lại, thân phụ của Sư Phụ là Lý Trưởng của làng Minh Hương, một làng gồm cả Phố Cổ Hội An, đa phần là người Hoa và anh ruột của Thầy, ông Dân Biểu Lý Trường Trân, khối đối lập tại Hạ Nghị Viện thời đệ nhị Cộng Hòa lúc bấy giờ. Sau nầy tôi đi du học, qua Thầy giới thiệu, tôi được ông đứng ra với tư cách là Dân biểu bảo lãnh ở phía Việt Nam về tài chánh cho tôi được chính thức ra đi. Còn phía Nhật, có ông Akiyama, thuở ấy là nhà báo, sau nầy là Giáo Sư Đại Học tại Nhật.

Lúc nào ở chùa Viên Giác cũng có người ra kẻ vào, nhộn nhịp suốt ngày. Chú Thứ làm Thị Giả lo nước non cho khách khứa và hầu Thầy. Lúc nhỏ Thứ có tật là đứng đâu cũng cho tay vào miệng, trong khi hai con mắt thì mở rộng để quan sát sự việc. Thầy tôi chọn Thứ. Vì lẽ đơn giản là Thứ lanh lẹ hơn tôi và còn biết lái xe Jeep, đưa Thầy đi đây đi đó nữa. Sau nầy Thứ không tiếp tục tu, trở thành Giáo Sư Đại Học tại Sài Gòn. Sau gần 40 năm xa cách, chúng tôi gặp nhau tại Anh và tại Đức, kể lại những chuyện xưa để mỉm cười. Vì chúng tôi bây giờ đang ở cái tuổi trên dưới 60 mươi, nghe lại chuyện cũ chỉ để chép miệng và thấm thía hơn; chứ không còn những cái bồng bột như tuổi thơ kia.


blankTôi thấy nào tướng tá của quân lực Việt Nam Cộng Hòa hay tới chùa Viên Giác tấp nập cùng với những Phật Tử khắp tỉnh kéo về từ những quận huyện xa xôi. Tất cả chuyện ăn uống, ngủ nghỉ Thầy tôi đều cưu mang, không thấy Thầy than van, cũng chẳng cậy nhờ ai về chuyện tiền bạc. Lúc ấy tôi ở chùa chỉ lo tu, học, tụng Kinh và làm những việc cần làm, rất thơ ngây, chẳng biết lo gì cả. Đúng hơn chỉ biết lo học. Học thật nhiều, học thật giỏi. Đó là chí nguyện của tôi. Có lần Thầy thấy tôi học nhiều quá mới bảo rằng: “Ông có học đến được mấy cái bằng cử nhân, tiến sĩ cũng không bằng một bài Kinh Bát Nhã đâu“.



Hình 15 : Thầy Bổn Sư và Thầy Thích Tâm Thanh (người đứng) năm 1964.

Lúc ấy, nghe vậy tôi rất khó chịu thưa Thầy: Bạch Thầy tại sao thế?

Thầy bảo rằng: “Dẫu cho ông đậu mấy cái bằng đi nữa, khi đi đến nhà Phật Tử nếu đưa cái bằng ra, đâu có ai dọn cho ông một bữa cơm nào. Ông chỉ cần thuộc bài Kinh Bát Nhã và tụng ở nhà Phật Tử, họ sẽ dọn và mời ông dùng một bữa cơm đầy đủ ý nghĩa“.

Lúc ấy tôi không chịu; nhưng bây giờ sau mấy mươi năm học hành, tu niệm, ra làm Phật sự, tôi thấy câu nói của Sư Phụ không sai. Dĩ nhiên, không hoàn toàn đúng hẳn; nhưng đó là sự thật trong bao nhiêu sự thật khác của cuộc đời.

Thầy Tâm Thanh, đại sư huynh của chúng tôi, xuất gia với Thầy tôi vào tháng 9 năm 1963, sau nầy trở thành vị Giảng Sư nổi tiếng của Giáo Hội. Sau 1975, Thầy lên Đại Ninh ẩn tu nhập thất và độ đệ tử. Thầy ấy xây dựng Vĩnh Minh Tự Viện thật khang trang. Trước khi viên tịch vào năm 2004, Thầy là một hành giả Tịnh Độ Tông, có những bằng cớ chứng minh Thầy ấy vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ngày 22 tháng 2 năm 1972 tôi rời Việt Nam đi Nhật đã mang theo một tờ giấy bạc Việt Nam trị giá 20 đồng, trên đó có chữ ký của Thầy ấy và hiện nay tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm.

Khoảng năm 1970, trường Trung Học Bồ Đề Hạnh Đức được thành lập gần chùa Phổ Hiền, nơi Thầy Tâm Thanh trụ trì tại ngã tư Bảy Hiền; nơi đa số người dân làm nghề dệt vải từ Quảng Nam vào sanh sống tại đây. Đến đó phải nói tiếng Quảng Nam chứ ngôn ngữ miền Nam hầu như không nghe nói trong khu vực nầy. Tinh thần con dân xứ Quảng cũng rất cực đoan dưới mọi thể chế, dưới mọi triều đại và dưới mọi hình thức tôn giáo khác nhau. Thầy làm Giám Đốc trường Bồ Đề nên có đồng ra đồng vào. Thầy tôi dự tính mang tiền vào Sài Gòn cho tôi và tiễn tôi du học, nhưng cuối cùng không vào được, nhắn với Thầy Tâm Thanh ứng trước; nhưng trước ngày đi hỏi lại Thầy Tâm Thanh chẳng có đồng nào. Tôi lên đường với tấm giấy máy bay của Thầy Bảo Lạc cho. Ngoài ra còn độ mấy trăm Đô La do các Phật Tử và một vài người thân giúp. Chỉ sau nầy tuy ở Nhật, không còn cách xoay sở nào khác nên mới viết thư về cầu cứu Thầy và Thầy mách cho một việc, cô Yến con gái bác Tô Văn Tám hiện lúc ấy đang du học tại Nhật, sắp về nước, còn dư một số tiền, tôi đến đó để nhận và Thầy bảo rằng sẽ hoàn trả lại cho bác Tô Văn Tám tại Việt Nam. Tôi chẳng biết là Thầy có hoàn trả không. Sau này những năm 1985-1986, gặp bác Tô Văn Tám tại chùa Đức Viên ở San Jose, Hoa Kỳ, tôi cảm ơn Bác và chị Yến về sự giúp đỡ trong lúc tôi ngặt nghèo khi ở Nhật và hỏi việc của Thầy tôi. Bác chỉ cười nói rằng: “Thôi! Hãy quên quá khứ đi!“. Ngoài ra, Giáo Hội Tỉnh Quảng Nam cũng giúp mỗi tháng học bổng 30 đô la, nhưng phải tiêu mỗi tháng 150 đô la. Do đó các sinh viên tăng sĩ du học tại Nhật rất khốn khổ.

Tôi nhận ơn rất nhiều người ở mọi nơi và mọi thời điểm. Ở Hội An, ngoài Thầy tôi ra, tôi được sự hỗ trợ của gia đình bác Huỳnh, chị Mai, gia đình của Kiệm. Vào Sài Gòn học vào năm 1969, được ủng hộ của gia đình ba má anh Phạm Nam Sơn và Hải rất tận tình; Ở chùa Hưng Long, đường Minh Mạng Chợ Lớn, được sự giúp đỡ của gia đình của Thạch Quân Cương, tôi theo học lớp đệ nhị trường Cộng Hoà ngày hai buổi và đệ nhất tại trường Văn Học. Hòa Thượng Pháp Ý Trụ Trì chùa Hưng Long cảm tình với tôi vì nhận thấy tôi biết nghe lời và siêng tụng kinh.

Mùa hè năm 1966, tại chùa Viên Giác Hội An có chú Đồng, bác Thị Tâm, chú Tùng, chú Biên và tôi, chú Thứ, chú Ngô là những người xuất gia. Ở dưới bếp thì có bà Bốn và chung quanh có nhiều học sinh đến ở từ 1966 đến 1969, cho đến khi tôi rời Viên Giác vào Sài Gòn gồm có: Lê Hùng Anh sau nầy đi xuất gia bên Khất Sĩ, hiệu là Giác Ánh; là một pháp sư rất nổi tiếng hiện ở tại Vĩnh Long. Trần Văn Nhơn tức Trần Trung Đạo bây giờ đó. Nhơn thuở ấy rất rụt rè. Môi lúc nào cũng tươi. Nhơn nhỏ hơn tôi chừng ba tuổi, chơi rất tâm đắc với chú Thứ. Có điều là Nhơn học rất giỏi. Ở trong chùa ngoài việc đi học ở trường Trung Học Trần Quý Cáp ra, Nhơn còn giúp cho Thầy tôi về giấy tờ và hình như Nhơn hay giữ nhiệm vụ rửa chén với chú Ngô. Còn tôi tướng vốn lớn con nên hay xay đậu nành để làm đậu hủ. Đây là một nghề gia truyền của bà Chín để lại. Nhờ thế mà chùa có đậu hủ ăn và có đồng ra đồng vào đi chợ. Còn bã đậu hủ dùng nấu thức ăn cho heo. Cũng hên, không phải ngày nào cũng làm đậu hủ mà mỗi tháng chỉ làm hai lần. Đó là ngày 14 và ngày 30 âm lịch. Nếu tháng thiếu thì làm vào ngày 29, cho nên tôi không phải vất vả lắm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]