Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11: Xuất gia học đạo

24/03/201420:12(Xem: 9779)
Phần 11: Xuất gia học đạo
blank
Phần 11: Xuất gia học đạo

HT Thích Như Điển

Lẽ ra tôi phải xin phép Sư Phụ của mình trước khi đi đến chùa Viên Giác ở Hội An; nhưng tôi đã không làm điều đó. Cứ nghĩ rằng đi đến chùa rồi, xin phép Thầy sau. Cái khó khăn mấu chốt là gia đình. Nếu rời bỏ gia đình được, trước sau Thầy cũng cho mình thế phát. Cái suy nghĩ của trẻ thơ thật đơn giản. Điều nầy thể hiện ý chí của mình một cách mạnh mẽ như vậy.

Tôi đạp xe từ nhà ngang qua ngã chùa Hà Linh rồi Quốc Lộ số 1. Khi qua khỏi cầu Câu Lâu có 2 cách rẽ. Một đi thẳng ra Vĩnh Điện rồi quẹo phải theo đường nhựa đi xuống Hội An. Cách thứ hai là rẽ liền tay mặt khi đi khỏi cầu Câu Lâu, theo con đường đất mòn, không được tráng nhựa phẳng phiu như đường kia. Đi một đoạn khá dài rẽ trái và nhập vào đường lớn tại làng Thanh Chiêm, xã Cẩm Hà. Tôi đã chọn con đường thứ hai nầy đầy bóng mát của những lũy tre làng. Chung quanh mình lúc ấy chẳng có gì làm cho tôi phải bận tâm nữa; chỉ mong một mực đến chùa, để trình lên Thầy nguyện vọng của mình.

Thầy nhìn tôi từ đầu đến chân, đoạn hỏi:

- Con từ đâu đến ?

- Dạ! Con từ Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ đến.

- Con muốn đi tu đã được cha mẹ đồng ý không?


- Bạch Thầy, con đã xin phép và cha mẹ con đã đồng ý.

Thầy nhìn tôi một hồi lâu như thế rồi nói tiếp:

- Trong thời gian ở tù, Thầy bị tra tấn nhiều lần, bây giờ phải đi Sàigòn để chữa bịnh, Thầy không trực tiếp lo cho con được, để Thầy viết cho con một lá thư và mang thư nầy ra chùa Phước Lâm, nơi ấy Thầy Như Vạn đang trụ trì. Con ở đó có chúng lý đông, cùng tu học với họ có lẽ tiện hơn và khi nào Thầy từ Sàigòn về, sẽ báo tin cho con hay để về đây làm lễ xuống tóc.

- Bạch Thầy con xin vâng.

Thầy vào trong phòng mình lấy ra một bộ đồ vạt hò màu trắng đã phai màu và trao cho tôi, bảo rằng: Hãy mặc bộ đồ nầy khi ra chùa Phước Lâm.

Thầy không biết rằng tôi đã chuẩn bị nhiều bộ đồ mới hơn thế nữa đang có trong valise của mình; nhưng tôi rất trân quý bộ đồ vạt hò nầy. Cách đây mấy năm khi tưởng niệm về Thầy, tôi đã viết một bài về “chiếc áo ngày xưa ấy”.

Chùa Viên Giác vào năm 1964 còn thô sơ lắm. Chánh điện chùa được sửa đổi lại từ một ngôi đình thờ Thần; nên mái chùa không cao. Gian giữa thờ Đức Bổn Sư. Hai bên tả hữu thờ Quan Âm, Địa Tạng bằng hình vẽ; lúc bấy giờ chưa có tượng. Phía sau tối mù mịt, cũng là nơi thờ Tổ và Thập Điện Minh Vương cũng như một vài khung hình thờ người quá cố.

Bên tay trái của chánh điện, từ ngoài nhìn vào là những lớp học; cạnh đó có nhà bếp; nơi bà Chín đang ở làm công quả cũng như lo việc bếp núc cho chùa. Phía sau nhà bếp là nơi để cối đá xay đậu nành, làm đậu hủ. Phía sau cùng là nhà vệ sinh, phòng tắm và chen vào khoảng giữa là một lô đất còn bỏ trống.

Bên tay phải từ ngoài nhìn vào có một dãy nhà vốn là những lớp học cũ dùng để dạy học. Tiếp sau là nhà ông Thầy Chất và sau cùng là nhà của bà Ba.
blank

Chùa Viên Giác Hội An năm 2012

Trước sân chùa Viên Giác có hai cây đa thật cao lớn, cành lá sum suê. Đa màu xanh khi Xuân đến Hạ về. Đa rụng lá khi Thu sang Đông lại. Những chú điệu ở chùa nầy không ai là không quét lá đa, cũng như quét thời gian trôi qua trong quãng đời niên thiếu của mình như chú Tùng, chú Đồng, chú Thứ, tôi, Hùng, Ngô v.v… Nay thì một số người đã hoàn tục, Thứ làm Giáo sư Đại Học ở Sàigòn; chỉ còn một vài người vẫn còn mặc áo nâu sòng; trong đó có tôi.

Trần Trung Đạo hiện ở Mỹ làm những bài thơ nổi tiếng về cây đa nầy và năm 2012 có viết chung với tôi tác phẩm “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”, thuở ấy Đạo là một học sinh đến từ vùng bị chiến nạn Mã Châu, xin Thầy tôi tá túc để ăn học từ Tết Mậu Thân năm 1968. Tuy vậy những kỷ niệm đầu đời ở đây làm cho Trần Trung Đạo không bao giờ quên, dầu cho ngày nay đã có con, có cháu; nhất là bóng cây đa già đã che chở cho những tâm hồn trẻ thơ khi sinh sống dưới mái chủa nầy.
blank
Cổng Tam Quan chùa Viên Giác

Hội An năm 2012


Trước chùa là cổng Tam Quan xây theo lối xưa có cổng chính và hai cổng phụ. Mới trông nó gồ ghề và ít thẩm mỹ; nhưng nghe đâu chùa Viên Giác tại Hội An cũng đã được nhà nước liệt vào những “di tích văn hóa” của phố cổ Hội An. Trước cổng Tam Quan có một con đường đất dẫn chạy vào, nối liền với đường cái lớn chắn ngang phía trước. Hai bên đường dẫn vào chùa thuở tôi mới đến vào năm 1964 là những hố rác và sau nầy Thầy tôi cho dọn sạch, cho nước vào và trồng hai ao rau muống ở đó. Đến năm 1968, 1969 người nhập cư vào phố Hội khá đông, Thầy tôi cho những người nầy làm tạm những ngôi nhà tranh, sau khi đã đổ đất lấp đầy hai hồ rau muống ấy, để họ làm nhà che mưa che nắng. Thế rồi ngày lại tháng qua nơi nầy đã trở thành cái chợ, buôn bán sầm uất; khiến cho bộ mặt của ngôi chùa không còn quang đãng như ngày xưa nữa.

Sau khi dùng cơm trưa tại chùa Viên Giác, tôi hỏi thăm đường đi để chạy xe đạp ra chùa Phước Lâm. Hành trang của tôi thuở ấy chỉ có tấm lòng cầu đạo là chính, quên đi tất cả mọi sự nhọc nhằn; chỉ mong một điều là được xuất gia học đạo. Đường đi từ chùa Viên Giác đến chùa Phước Lâm phải băng qua nhà thờ Thiên Chúa giáo, miễu ông Cọp, chùa Chúc Thánh, Mã Thanh Minh của Ngũ Bang và cuối cùng mới đến chùa.

Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa nầy. Nhìn xem phong cảnh, thấy rất đẹp mắt, nhất là qua cái nắng chói chang rọi chiếu vào mặt người nơi cồn cát dài đã được vượt qua; giờ nầy đối diện với màu xanh dịu mát của cây cảnh vườn chùa, khiến cho khách vãng lai dễ sanh tâm mến mộ. Đầu tiên là cổng Tam Quan xây theo kiểu cổ; nhưng khách bộ hành phải dùng lối mòn bên cạnh; chứ không đi vào cổng chính. Ở giữa sân chùa là một vườn hoa đủ loại. Kế tiếp là một bình phong và hai bên tả hữu có Đông Đường lẫn Tây Đường. Đó là nơi để Thầy trụ trì và Tăng chúng ở. Tiếp theo Đông Đường là nhà Trù và sau Tây Đường là liêu Đông và liêu Tây.
blank

Cổng Tam Quan chùa Phước Lâm năm 2012

Chánh điện chùa Phước Lâm vào tháng 5 năm 1964 là chánh điện cũ; đến tháng 10 năm ấy Thầy trụ trì Thích Như Vạn mới cho dỡ ngói, đập tường; đúc bê-tông và dựng nên ngôi chùa mới còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Phía sau chánh điện là nhà Tổ; nơi thờ Long Vị của các bậc Tổ Sư, từ Ngài Thiệt Dinh đến Ngài Vĩnh Gia và các vị trụ trì truyền thừa qua các thời đại. Phía sau cùng là giếng nước và nhà xe nhang tạo kinh tế cho chùa cũng như nhà kho chứa đồ thực dụng.
blank

Chánh điện chùa Phước Lâm năm 2012

Vườn chùa Phước Lâm rất rộng. Tuy là đất cát; nhưng những cây Bàng, cây Nhãn Lồng, dừa và xoài vẫn xanh tươi và cho hoa quả rất nhiều. Điệu chúng, chúng tôi ngày hai buổi phải luân phiên tưới nước những cây cảnh được trồng nơi vườn chùa nầy. Thỉnh thoảng có những luống rau lang và cải bẹ xanh được những người có kinh nghiệm trồng, cốt để phụ lực cho chùa trong những bữa ăn thanh đạm. Ngoài kia là những lu tương to tướng mà sau nầy tôi mới có dịp tìm hiểu đến cách làm tương như thế nào.

Tổ Sư Minh Hải người Trung Quốc đến Hội An vào cuối thế kỷ 17 khai sơn chùa Chúc Thánh. Trong khi Ngài ở Hội An đã biệt xuất ra một dòng kệ truyền thừa cho cả Pháp Danh và Pháp Tự của người xuất gia. Trong đó có Ngài Thiệt Dinh, vốn là vị Tổ khai sơn của chùa Phước Lâm nầy. Ngài thuộc đời thứ hai của việc truyền thừa trong Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh. Rồi các Ngài với Pháp Danh bắt đầu như Pháp… Toàn… Chương… Ấn… v.v… Tất cả đều mang đến những thành quả đạo đức sáng ngời cho quê hương xứ Quảng. Mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, cố Đại Lão Hòa Thượng Vĩnh Gia đã là một bậc long tượng vang bóng một thời của quê hương địa linh nhân kiệt nầy.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 tại chùa Phước Lâm có tổ chức một Đại Giới Đàn để truyền giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và cho các Phật tử Cư sĩ. Lúc nầy cố Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, cố Hòa Thượng Thích Giác Nhiên từ Huế cũng vào đây để xin thọ giới Tỳ Kheo tại giới đàn ấy, mà sau nầy các Ngài đã trở thành Đệ nhất Đức Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ năm 1964 đến 1973 và Ngài Giác Nhiên kế tục làm Đệ nhị Tăng Thống từ năm 1973 đến sau năm 1975. Như vậy đây là một ngôi Tổ Đình rất đặc biệt mà tôi có cái may mắn đặt chân đến để xuất gia cũng như tu tập tại chốn Tổ nầy.

Tôi mang lá thư giới thiệu của Thầy tôi để trình cho Thầy Như Vạn. Sau khi đọc xong, Thầy cho Thị giả đi gọi chú Hạnh Thu đến và giao tôi cho chú Hạnh Thu. Chú nầy lúc ấy là Chúng Trưởng của chùa, đang đi học lớp Đệ ngũ trường Diên Hồng về thế học cùng với chú Hạnh Đức và Hạnh Chơn. Chú Hạnh Thu người mảnh khảnh, chân đi guốc, mình mặc chiếc áo vạt hò màu nâu dài tha thướt. Chú chỉ cho tôi nơi ăn, chốn ở và những công việc làm hằng ngày như: học kinh, làm việc chúng, dọn dẹp v.v… lúc ấy tôi quá mừng vui nên cái gì cũng dạ hết. Nghĩa là không có việc nào tôi từ chối. Vì nghĩ rằng mình sẽ làm được.

Trong chùa có hai chú xuất gia lúc lớn tuổi là chú Hiền và chú Thông. Họ chỉ cho tôi cách hô chuông u minh trước giờ công phu khuya và Tịnh Độ vào buổi tối. Chú Hiền thì chỉ cho tôi cách xe nhang như thế nào. May mà lúc ấy có bà Năm đang làm công quả tại chùa; nên không ai chỉ cho tôi cách nấu ăn như thế nào; nếu lúc ấy không có người làm bếp, thì ngày nay tôi đã rành cách nấu nướng cho một bữa ăn như thế nào.

blank

Dãy nhà Tây (mới) nơi chúng tôi cư trú

Chú Hạnh Thu dẫn tôi đến một tấm bảng lớn treo trên tường, có ghi đầy đủ pháp danh và chức vụ của từng chú một và giải thích rất tỉ mỉ, cứ theo đó mà liên hệ. Ví dụ như vị Chúng Trưởng lo tổng quát cho toàn chúng. Chúng Phó lo phụ trách và thay thế cho Chúng trưởng khi vắng mặt. Rồi quản chúng, tri viên, tri khách, tri tạng, tri khố, thị giả v.v… Một lô danh từ mới tôi phải học thuộc lòng. Mới vào chùa quả thật cái gì cũng mới mẻ; mới từ cách đi đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, tiếp khách, nói chuyện, tu niệm v.v… tất cả tôi đều phải học và phải tập. Học là một chuyện mà tập là chuyện khác quan trọng hơn nhiều. Đây là công hạnh của người xuất gia thuở ban đầu cần phải tự rèn luyện cho tự thân của mỗi người.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là học kinh và người dò bài cho tôi là đích thân chú Chúng trưởng Thích Hạnh Thu. Kinh đầu tiên tôi phải học, đó là kinh Lăng Nghiêm. Người đời thường bảo: “Đi lính sợ ải, làm sãi sợ Lăng Nghiêm”. Thế mà giai đoạn đầu tiên tôi đã phải dấn thân vào. Tôi không hỏi chú cách học như thế nào, mà đem kinh lên chánh điện, nhờ chú Hiền chỉ dùm; nhưng ngược lại chú nhờ tôi chỉ cho chú học. Vì chú không biết mặt chữ quốc ngữ. Vả lại lớn tuổi rồi mới vào chùa tu, có nhiều điều bất tiện lắm. Nhờ đọc cho chú học thuộc lòng mà tôi cũng phải nhớ theo. Cách học của tôi là cứ nhẫm một câu cho thuộc, sau đó nối với câu hai; câu hai thuộc lòng, nối với câu thứ 3 và cứ thế cho hết trang nầy sang trang khác, đệ nầy qua đệ khác. Muốn chắc ăn phải học thuộc thật kỹ từng hàng, từng trang và sau đó lắp lại với nhau thì không thế nào quên được. Có lẽ nhờ cách học nầy mà sau nầy đi học trường đời hay trường đạo, bất cứ trường gì và học môn gì, tôi cũng có thể đứng ở hạng khá hoặc giỏi, chứ không còn lẹt đẹt như khi còn học ở Tiểu Học nữa; nhưng ngoại trừ môn âm nhạc là tôi chào thua. Cho đến giờ nầy tôi cũng không biết nốt nào là đồ; nốt nào là rê; nốt nào là sol cả. Vả lại người xưa cũng thường nói: “Lăng Nghiêm thì bà già, Di Đà lại Xá Lợi”. Trong kinh Lăng Nghiêm những từ “bà già bà đế” cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, nếu không để ý sẽ lộn hàng nầy qua hàng khác, đệ nầy qua đệ khác và kinh Di Đà cũng vậy. Từ “Xá Lợi Phất” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Nếu không để tâm sẽ dễ bị lộn phần Xá Lợi Phất nầy qua phần Xá Lợi Phất khác là vậy.

Trong vòng hơn một tháng tôi đã học thuộc lòng xong 3 đệ Lăng Nghiêm và nhận được tin vui từ chùa Viên Giác nhắn sang là ngày 19 tháng 6 âm lịch về Viên Giác để Thầy Bổn Sư làm lễ thế phát xuất gia chính thức. Nghe tin ấy trong lòng thật mừng rỡ. Vì nguyện vọng của mình đã đạt thành. Thế là tôi xin phép Thầy trụ trì và cả Chúng Phước Lâm được rời Chúng trong một ngày một đêm và ngày mai sẽ trở lại chùa, để cùng Chúng tu học.

Buổi lễ chỉ đơn giản thôi. Thầy khấn nguyện trước Tam Bảo rồi xuống tóc cho tôi. Hôm ấy là ngày vía Đức Quan Thế Âm; nhưng tại sao chùa vắng khách thập phương như vậy ? Có lẽ Thầy từ Sàigòn đi chữa bịnh mới về, ít có người biết. Vả lại lễ xuất gia của tôi, một chú Tiểu bình thường, đâu có gì để phải bận tâm ai; ngay cả gia đình của tôi cũng không biết được việc nầy nữa huống là. Sau khi cạo tóc xong, Thầy gọi đến phòng khách để dặn dò mấy việc, trong đó có việc quan trọng là:

- Sắp đến ngày khai giảng rồi, chú nên lo sách vở để đi học.

- Thưa Thầy đi học gì ?

- Học văn hóa, chứ học gì nữa !

- Bạch Thầy! Đi tu rồi, còn phải đi học để làm gì ?

Thầy nhìn tôi có vẻ không bằng lòng lắm, rồi người quay sang nơi khác.

Cái suy nghĩ đơn thuần của tuổi thơ là vậy. Theo tôi nghĩ – tu rồi còn phải đi học để làm gì ? Thế nhưng suy nghĩ nầy đã sai từ thuở ấy. Bây giờ ngay cả tuổi “gần đất xa trời” rồi, tôi vẫn thấy còn cần phải học nữa và theo tôi: khi nào nắp quan tài đậy lại thì người ta mới không học nữa và nếu còn hơi thở thì còn phải học hỏi như thường.

Thuở ấy tại Hội An có trường công lập Trung Học Trần Quý Cáp và trường Trung học Tư thục Diên Hồng do ông Ngô Đình Thống làm Hiệu Trưởng. Trường Bồ Đề Hội An đang bắt đầu xây dựng và qua niên khóa sau (1965-1966) trường tạm dạy tại chùa Tỉnh Hội và giữa niên khóa nầy các lớp học được dời tạm qua học nơi trường vừa mới hoàn thành; trong khi đó trường vẫn còn tiếp tục kiến thiết.
blank

Trường Bồ Đề ngày xưa, nay trở thành trường Nguyễn Duy Hiệu (2012)

Bây giờ nhìn lại học bạ của trường Trung Học Diên Hồng cấp, tôi thấy mình vẫn còn nằm ở dạng trung bình; chưa thuộc thành phần học sinh giỏi. Tôi để ý trong lớp có một chú tên là Phạm Phú Chín pháp danh Như Phẩm là Tăng chúng của chùa Long Tuyền học rất giỏi, tháng nào cũng đứng nhất hay nhì lớp. Từ đó tôi quan sát cách học của chú như sau: Trước khi đến lớp, chú ôn bài cũ rất kỹ và đồng thời chuẩn bị cho bài mới cũng chu đáo. Do vậy khi Thầy hỏi đến đâu chú đều trả lời thông suốt. Thế là được 9 điểm trên 10. Đây là số điểm cao lúc bấy giờ. Ngày xưa lối học của ta là lối học từ chương, học thuộc lòng. Ngay cả bài tiếng Pháp như:

Le corp d’humain.

Le corp d’humain comprend trois parties

(Thân thể người ta – Thân thể người ta chia làm 3 phần…) cứ thế và cứ thế, trả bài đầy đủ sẽ được điểm cao. Nhiều lúc tôi bị ông Thầy Nguyễn Đình Hiến dạy Pháp văn mắng cho là: Các chú Tiểu chỉ trả bài như con vẹt. Chẳng khác tụng kinh chút nào hết! Tôi không giận ông ta về câu mỉa mai ấy. Nhờ vậy mà sau nầy mình cố gắng nghiên cứu kinh điển nhiều hơn nữa. Ông Thầy nầy lớn con, to tướng và với học trò chúng tôi, xem ông như ông Thiện lẫn ông Ác của chùa Phước Lâm không khác nhau là bao. Trong lớp Đệ Thất niên khóa 1964-1965 ấy có thêm chú Quý (Giải Trọng), chú Tuất, chú Sanh (Như Hoàn) và một vài cô thuộc chùa Bảo Thắng Sư Nữ nữa.

Trường Diên Hồng nằm ngay chợ Hội An, là một nơi rất thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy nhiên trường xây theo kiểu Pháp, mà bên trong lại trang trí theo Trung Hoa. Ở giữa có một sân chơi rất nhỏ; không đủ chỗ cho học trò các lớp nô đùa. Đây là trường tư thục; nhưng chúng tôi được miễn đóng học phí, vì là các chú Tiểu thuộc các chùa tại Hội An. Ở Việt Nam chúng ta ngày xưa được cái nầy cũng đáng tán dương và không nên quên ơn nghĩa ấy. Mặc dầu cho trường ấy các ông bà Hiệu Trưởng theo Thiên Chúa giáo hay các Đảng Phái khác và là những trường tư thục có thâu học phí những học sinh khác bình thường; nhưng với các Tăng Sĩ thì hầu như được hoàn toàn miễn phí, giống như các trường công lập hoặc hệ thống trường Bồ Đề. Trong những trường nầy như: Tại Hội An có trường Trung Học Diên Hồng của ông Ngô Đình Thống. Tại Sàigòn có trường Trung Học Cộng Hòa của ông Phạm Văn Vận và trường Trung Học Văn Học của ông bà Trần Bích Lan. Điều nầy trực tiếp hay gián tiếp nhằm cổ vũ cho những người xuất gia có cơ hội học tập để sau nầy ra giúp đời và phụng sự đạo.

Từ chùa Phước Lâm muốn đến được trường Diên Hồng hay trường Bồ Đề Hội An, chúng tôi phải đạp xe đạp qua nhiều bãi cát dài độ chừng 2 cây số như thế giữa trưa hè nắng chói ánh thái dương; mồ hôi mồ kê thấm đầy cả áo vạt hò và áo nhựt bình. Thế mà chúng tôi chẳng thấy mệt là gì. Nhiều khi đi ngang qua miễu ông Cọp cũng ngoái đầu nhìn vào quan sát xem thử có ông Cọp thật nào xuất hiện không, ngoài ông Cọp được đắp bằng xi-măng, trông cũng giống ông Cọp thật lắm.

Mùa Thu năm 1966, Thầy Như Vạn cho dỡ mái ngói chùa, bắt đầu việc đại trùng tu ngôi chánh điện và nhà Tổ. Vì lâu ngày đã bị dột nát, không cách nào có thể để tiếp tục tình trạng như xưa nữa. Thuở ấy có một số thanh niên từ Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn chạy loạn về chùa xin làm công quả. Cũng chính nhờ lực lượng nầy mà Thầy trụ trì đỡ phải lo một phần tài chánh trả công cho họ, chỉ lo cơm nước đầy đủ cho họ mà thôi. Trong số nầy có chú Thị Việt, sau nầy xuất gia với Hòa Thượng Như Vạn với Pháp tự là Hạnh Thiền và Thầy ấy đã trụ trì Tổ Đình Vạn Đức cho đến ngày viên tịch cách đây mấy năm với cương vị là một Hòa Thượng. Một chú nữa tên là Huân, Pháp danh Thị Tập; nay là Hòa Thượng, đương kim trụ trì chùa Ân Triêm ở chợ chùa thuộc Thị trấn Nam Phước. Cả hai vị nầy đều xuất gia sau tôi và họ đã đóng góp tích cực cho các Tổ Đình lúc ấy; nhờ vậy mà họ đã có nhân duyên với Đạo cho đến ngày nay.

Thuở ấy nào là chú Vinh, chú Phong, chú Bạn, chú Hạnh Chơn, chú Như Lệ, chú Hạnh Thu, chú Hạnh Đức v.v… gần 20 chú như vậy. Chúng tôi sống rất vui và hòa hợp theo tinh thần lục hòa đã được viết và dán sẵn trên tường. Bây giờ có chú đã lên Hòa Thượng như chú Hạnh Đức, có người trở thành trụ trì Tổ Đình Phước Lâm như Thầy Thị Vinh với Pháp tự là Hạnh Hoa. Ngày tôi xuống tóc, đã có chú tại Tổ Đình Phước Lâm rồi. Thầy ấy lanh lẹ và xốc vác; nên được quý Thầy thương. Còn chú Như Lệ, chú Hạnh Thu đã ra người thiên cổ. Ngày nay tôi có thờ hai vị nầy nơi bàn thờ những vị xuất gia, đã quá vãng tại chùa Viên Giác Hannover để tri ân họ. Dẫu sao đi nữa, những bước chân chập chững đi vào Đạo của tôi đã có sự hướng dẫn nhiệt tình của họ từ thuở ban đầu ấy. Đúng là: “thương hải biến vi tang điền”. Nghĩa là: “bãi biển biến thành ruộng dâu” là thế. Ở đời đâu ai biết được chữ ngờ. Có những người và những việc đã chắc thật như nắm trong tay; nhưng vẫn nằm ngoài tầm tay với như thường. Đó là trường hợp của chú Hạnh Đức thi Trung Học Đệ Nhất cấp năm 1965-1966. Trong khi chú ấy học thật giỏi; nhưng thi lại trượt. Còn chú Hạnh Thu chỉ học chăm chỉ thôi, lại đậu. Người đồng niên với tôi là chú Như Phẩm. Chú nầy học chung với tôi từ Đệ Nhất đến Đệ Tứ trường Bồ Đề.
blank

Cổng Tam Quan Chùa Phước Lâm

Đến năm Đệ Tứ niên khóa 1967-1968 những người đậu từ thứ nhất cho đến hạng năm được qua trường công lập Trần Quý Cáp để học. Thế là tôi và chú, Dương Hứa Nguyên, Phùng Rân và Huỳnh Thị Xuân Hương rời trường Trung Học Bồ Đề, qua học Đệ Tam tại Trần Quý Cáp; chỉ có Dương Hứa Nguyên và tôi cùng Phùng Rân là học chung lớp Đệ Tam Ban A niên khóa 1968-1969 ấy; còn hai người kia học khác lớp; nhưng cùng trường.
blank

Cuối niên học nầy tôi đi Sàigòn; còn chú Như Phẩm vẫn ở lại quê hương Hội An. Học giỏi như vậy mà thi Tú Tài II vẫn trượt như thường. Từ đó chú trở thành người thất chí, không thể học cao hơn được nữa. Đâu có ai ngờ như thế, ngay cả tôi lúc bấy giờ ở Sàigòn sau khi đậu Tú Tài II lo chuẩn bị đi du học Nhật Bản, nghe tin nầy cũng chẳng thể tin vào tai mình được nữa, lúc Dương Hứa Nguyên báo tin như vậy. Bây giờ Dương Hứa Nguyên đã trở thành Bác sĩ sau năm 1975; còn Huỳnh Thị Xuân Hương trở thành một Dược sĩ nổi tiếng tại Sàigòn. Thuở thiếu thời có những chuyện vui vui cũng xin kể lại để gửi cho đời cũng như cho người quen lẫn kẻ chưa quen. Đó là việc kỳ thị giữa nam nữ học chung trong một lớp. Tôi và chú Như Phẩm thường hay đứng nhất hay đứng nhì trong lớp tại trường Bồ Đề và quyết không bao giờ cho Huỳnh Thị Xuân Hương giựt hai vị trí nầy cả. Thế là tôi và chú Chín chia phần với nhau là: nếu tháng nầy chú đứng nhất, thì tôi đứng nhì. Tháng sau chú ít giơ tay một hai lần thì tôi sẽ được vị trí nhất; còn chú giữ vị trí thứ hai; quyết không cho con gái đứng lên trên mình nghe. Thế là từ Đệ Lục cho tới Đệ Tứ trong 3 năm liền như vậy; không có một nữ sinh nào lọt vào vị trí nhất nhì cả, mà cuối năm Đệ Tứ niên khóa 1967-1968 ấy tôi đứng nhất toàn trường, đứng nhất toàn lớp và lãnh phần thưởng hạnh kiểm toàn trường. Đó là 3 phần thưởng rất xứng đáng qua sự học tập chuyên cần của mình trong thời gian ấy.
blank

Vào khoảng tháng 10 âm lịch năm 1964 nhằm năm Giáp Thìn, một cơn lụt rất lớn xảy ra cho cả miền Trung. Riêng Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai tỉnh lãnh hậu quả nặng nề nhất. Người và gia súc chết vô số kể. Nhà cửa hư hoại, làng mạc bị cuốn trôi theo dòng. Đây là thời điểm tang thương nhất của Quảng Nam vào năm 1964 sau cuộc tranh đấu năm 1963 chưa đầy một năm. Những ngày tháng ấy tôi nghỉ học và ở tại chùa Phước Lâm. Đêm về nằm nghe gió thổi, mưa tuông. Thỉnh thoảng các chú lớn đi vào chùa Tỉnh Hội để thăm và về lại chùa Phước Lâm cho biết tình hình mực nước đã đến đâu rồi. Một số chú tiếc của, đem gạo bị ngấm nước về chùa Phước Lâm để đổ bánh xèo; nhưng mùi hôi của gạo bị ngấm nước, chẳng ai màn nhìn đến.
blank

Chùa Tỉnh Hội Quảng Nam ngày ấy, nay là chùa Pháp Bảo - Hội An.

Học sinh các trường Trung Học thuở ấy cũng tập trung tại các trường Trần Quý Cáp và những nơi không bị ngập nước để làm từ thiện như giúp đỡ người già cả, bịnh hoạn; hoặc giả cứu thương, chăm sóc cho trẻ con bị lạc cha mẹ v.v… Thuở ấy tôi chưa tham gia vào đội hình nầy; nhưng một hôm trong lòng thấy chẳng yên sau cơn Đại Hồng Thủy ấy; nên xin phép Hòa Thượng Như Vạn và Đại Chúng về lại quê xưa để thăm cha mẹ và gia đình. Dĩ nhiên là Thầy đã không chống đối, mà còn khuyến khích nữa.

Dọc đường đi từ Hội An về Vĩnh Điện rồi cầu Câu Lâu, đâu đâu cũng thấy rác rến và xác trâu bò chết trương sình lên gấp đôi gấp ba bình thường và mùi hôi thối bắt đầu xông ra chung quanh, ai đi qua đó cũng lợm giọng. Dắt chiếc xe đạp men theo đường mòn và đường đất lở. Chỗ nào còn tốt thì nhảy lên xe đi, chỗ nào lồi lõm lại xuống xe và tiếp tục con đường trở về quê cũ. Khi về đến nhà, gặp cha mẹ tôi vẫn bình yên và hỏi thăm các anh chị và các cháu, không ai bị tổn thương gì cả. Đó là một niềm vui. Chỉ bị thiệt hại một ít tài sản như heo, bò, gà, vịt mà thôi.

Cha tôi kể lại cho nghe những ngày ngồi trên gác nhà để canh mấy lu lúa và con trâu; còn mẹ tôi thì nhắc lại làm sao để có trầu cau ăn cho đỡ lạnh. Bà bảo rằng: mỗi lần hút thuốc xong, cha tôi không vứt những tàn thuốc ấy, mà ông ta dán lên những gốc cột trong nhà. Thấy tuy không thẩm mỹ lắm; nhưng trong những cơn giông bão, lụt lội, chợ búa không đông, thì đây là giải pháp tuyệt vời để giải quyết cái thèm khát của người ăn trầu hay hút thuốc. Ông tìm cách thu hết các tàn thuốc lại, vấn thành nhiều điếu lớn để hút. Còn bà thì lấy những tàn thuốc ấy xắt nhỏ lại để nhét vào môi, thay thế cho trầu cau lúc không có. Rõ ràng là: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là vậy. Con người là một động vật thông minh nhất trong tất cả các động vật. Dầu cho ở trong hoàn cảnh nào, nhiệt độ nào… họ vẫn có thể sống để vượt qua tất cả. Lúc giàu có cũng như khi nghèo nàn; lúc sống ở Phi Châu, Âu Châu hay miền Cực Bắc xa xôi của quả địa cầu; nơi nào họ cũng có thể thích nghi được cả.

Một kỷ niệm xảy ra trong thời gian thăm nhà lần đầu sau trận lụt ấy tôi không bao giờ quên, đó là câu chuyện về những trái Ô Ma hay trái hột gà. Đây là một loại cây giống như cây ổi nhưng lá dài, thân cây không cao lắm, gồm nhiều cành. Đến mùa ra hoa, kết trái, cây cho hương thơm về đêm tỏa khắp vườn nhà. Ngoài hương hoa bưởi, hương hoa lài ra, hương hoa Ô Ma cũng không phải là không gây chú ý. Trái Ô Ma giống như trái xoài; nhưng ruột thì bở và màu giống như lòng đỏ trứng gà; nên có nơi gọi là “trái hột gà”. Mẹ kể rằng tôi về đây thăm, chẳng có gì gởi theo, Bà cho vào xách tôi mấy quả Ô Ma và bảo rằng: hãy đem theo mà dùng. Tôi không biết tài sản của mẹ lúc ấy còn gì nữa; chứ những quả hột gà nầy bà sẽ đem ra chợ để đổi lấy trầu cau đem về nhà cho hai ông bà dùng. Quả thật tình mẹ thương con không bờ, không bến là vậy. Hai tay tôi đón nhận những quả Ô Ma mà giờ đây sau gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ lại hình ảnh ấy rất rõ ràng.

Năm học Đệ Thất trôi qua tương đối dễ dàng và năm học Đệ Lục (1965-1966) chúng tôi dời về dưới mái hiên chùa Tỉnh Hội. Thuở đó có Thầy Nguyễn Xuân Thanh, Thầy Trợ dạy tiếng Pháp, Thầy Kế dạy Toán, Thầy Tuyến dạy Vật Lý, Cô Yến, cô Lan dạy Vạn Vật, Thầy Thông dạy Vẽ, Thầy Mạo dạy Công dân Giáo dục, Thầy Liên dạy Sử Địa v.v… Tất cả những học bạ của tôi thuở bấy giờ, cho đến nay tôi vẫn còn mang theo bên mình. Vì tôi đã ra đi vào thời điểm trước năm 1975; nên những kỷ niệm xưa, cho đến nay vẫn còn giữ lại đầy đủ. Thầy nào phê ra sao, Cô nào ghi như thế nào… trong những học bạ ấy vẫn còn nơi thư phòng tại chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc.

Ngày ấy chúng tôi phải đọc sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Hoàng Đạo v.v… và sau khi đọc những cuốn như: Hồn Bướm Mơ Tiên, Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân, Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa v.v… chúng tôi lại phải lên thuyết trình. Nhờ vậy mà thú ham đọc sách đã bắt đầu; chứ ngày xưa tôi ngại nhìn vào sách lắm: Bây giờ thấy có nhiều người không thích đọc sách cũng dễ cảm thông thôi. Nếu hiểu rằng: “trong sách có ngọc” thì ai cũng sẽ tìm ngọc ấy để mà tiêu xài. Câu nói trên có cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Ai muốn hiểu sao cũng được cả.

Ban ngày chúng tôi đi học ở trường, trưa về chùa ăn cơm đạm bạc, sau đó phụ dọn dẹp trong chùa, rồi đi công phu chiều; đến tối thỉnh chuông. Có nhiều đêm có trăng các chú trong chùa bị điều đi đẩy xe bò trên Thanh Hà cùng với các anh chị đang làm công quả tại chùa để chở gạch. Nhiều câu chuyện thi ca, nhiều câu hò, điệu hát và nhiều mối tình cũng chớm nở giữa những người đi làm công quả với nhau ở thời gian tuổi độ xuân thì nầy. Họ chẳng có tội lỗi gì cả. Đó là chuyện tự nhiên của con người. Vì họ không phải là những người xuất gia, mà chỉ là những người đến chùa làm công quả. Nếu thuận duyên thì tiến đến con đường giải thoát; nếu nghịch cảnh thì trở lại đường trần để nối lại chuyện sanh tử ngày xưa. Đây là những việc xưa như trái đất, khi mà con người hiện hữu trên quả địa cầu nầy luôn tái diễn những việc như thế.

Quà thưởng cho chúng tôi sau những lần đẩy xe gạch cực nhọc từ lò gạch Thanh Hà về chùa là những tô cháo ngọt hay những chén cốm ngào đường ăn phải xúc bằng lá mít. Đồ ăn chỉ đơn giản thế, mà sức ăn của tuổi trẻ lại vô cùng; nên chỉ quá một đêm thôi, là chúng tôi lấy lại sức để thức dậy sớm đi thời công phu khuya và tiếp theo là lau quét phòng Thầy. Dùng sáng rồi đạp xe đạp đi đến trường để tiếp tục việc học.

Khi mùa mưa bão lụt lội của năm Giáp Thìn đã đi qua, trong quần chúng hầu như chẳng ai còn cây chuối nào để lấy lá đem ra chợ bán và dùng để gói đồ. Thế là lá Bàng được thay vào đó để đáp ứng nhu cầu nầy. Nguyên là trước nhà Đông chùa Phước Lâm có một cây bàng rất lớn, đến mùa lá rụng, những chú Tiểu như chúng tôi quét lá cũng ngẩn ngơ thôi. Vì lá to và nhiều vô số; nhưng nay được chú Hiền đi chợ về bảo rằng: các chú nên hái lá bàng để đổi những nhu yếu phẩm khác cho chùa. Thế là chúng tôi có cơ hội để trèo cây mà chẳng ai nỡ trách móc hay la rầy. Cây bàng là loại cây đa, hình thù sần sùi, chẳng thấy ra quả, mà chỉ toàn là lá một màu xanh biếc. Hái mấy ngày rồi cây bàng cũng trụi lá; nhưng đây cũng là một kỷ niệm khó quên của đời mình, khi còn làm Điệu tại chùa Phước Lâm vào năm 1964 kia.

Sau khi tôi đi xuất gia được một năm tại Tổ Đình Phước Lâm Hội An thì một hôm nhận được một lá thư của Hòa Thượng Bảo Lạc từ Sàigòn gởi về. Nội dung thư được Thầy cho biết là không đồng ý cho sự đi xuất gia của tôi. Lý do Thầy đưa ra là trong nhà có một người đi tu đã đủ rồi. Vả lại đời sống của một Tăng nhơn phải chịu nhiều sự khổ nhọc, không nên tiếp tục con đường ấy nữa. Sau khi đọc xong lá thư nầy, tôi suy nghĩ rất nhiều; nhưng nghĩ lại cho cùng, mình đâu có lỗi lầm gì. Khi đi xuất gia đã được cha mẹ đồng ý và Thầy Bổn Sư cũng mới vừa làm lễ thế phát cho năm rồi. Đây là hai động cơ chính, mà tôi vẫn tiếp tục con đường tu và cũng đã không gởi thư trả lời lại cho Thầy. Lúc ấy dẫu có biện minh thế nào đi chăng nữa thì Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cũng khó chấp nhận; nên tôi đành chọn giải pháp làm thinh là hay nhất.

Ngày xưa tất cả mọi sự việc xảy ra, kết quả thường đến chậm. Ví dụ như muốn viết một lá thư cũng phải suy nghĩ vài ngày và đôi điều muốn trình bày. Trước đó phải viết nháp rồi đọc đi đọc lại nhiều lần để sửa những lỗi sai. Sau đó mới chép lại tử tế, bỏ vào bì thư niêm phong lại, đoạn đem ra bưu điện dán tem gởi đi. Thư đến tay người nhận cũng mất chừng ba đến bảy ngày. Còn ngày nay nhấc điện thoại lên là có thể tha hồ kể lể, tâm sự hay nói chuyện gì mà mình muốn nói, sẽ đến tai người nghe liền. Chẳng bù với bây giờ chỉ cần mở máy lên, nghĩ sao viết vậy, không cần đọc lại; nhấn nút gởi là vài phút sau người nhận được thư, dầu cho ở bất cứ nơi chân trời góc biển nào, cũng có thể nhận được liền. Quả là khoa học tiến bộ, đã mang lại mọi tiện nghi cho con người như thế. Tuy nhiên cái hại cũng sẽ luôn đi kèm với cái tiện lợi kia. Vì lẽ đã nhanh lại càng muốn nhanh hơn; cho nên lỗi nầy chồng lên lỗi khác là vậy. Lỗi không xem lại kỹ càng, lỗi không viết hoa, lỗi không bỏ dấu; nên đọc lên thấy ý và lời sai, người đối diện liền bị chạm tự ái, thế là lời qua tiếng lại chẳng hay ho gì.

Kể từ ngày có Internet đến nay, trên dưới 10 năm, con người ra chiều thoải mái lắm. Vì rất tiện lợi. Ngồi ở nhà có thể làm việc của hãng xưởng được. Thầy giáo nhiều khi không cần đến trường, họp hành không cần phải có mặt, mà ngồi ở nhà bật máy lên cũng có thể hội thảo với nhân viên của mình được. Rồi giảng pháp, rồi nghe kinh cầu an, cầu siêu v.v… tất cả đều có sẵn trên màn ảnh từ thượng vàng đến hạ cám chẳng thiếu món nào. Có nhiều Thầy tiên liệu rồi đây Phật Tử cũng không cần phải đi chùa. Vì khi mở máy lên, muốn đi chùa nào mà chẳng có. Cũng sẽ có màn trình diễn quy y với Internet cũng không chừng. Những người bảo thủ thì không rớ đến máy nầy, mà người đã quen dùng rồi thì khó bỏ được. Thật sự ra chiếc máy nó chẳng có tội tình gì; chẳng qua chỉ là phương tiện trong cuộc sống. Điều quan trọng là mình có thể làm chủ nó hay để nó làm chủ mình mà thôi.

Sau năm 1975 muốn gởi thư từ hay điện thoại về Việt Nam, quả là điều “trần ai mai khổ”. Bên đầu dây nầy la muốn bể ống nghe luôn; nhưng đầu kia cứ hỉ, hả, không nghe được gì cả. Thế mà đã hẹn trước với bưu điện rồi đó. Thư từ bị kiểm duyệt, tiền bạc khó gởi vào Việt Nam. Quả thật thông tin thời bấy giờ đúng với chính sách “bế quan tỏa cảng”. Còn ngày nay thế giới đã tiến bộ vượt bực về ngành điện tử, Việt Nam chúng ta không thể dừng chân tại chỗ, mà phải vươn lên để theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại; nếu không, chúng ta chạy sao theo kịp nổi với Thái Lan, Đại Hàn và Đài Loan, đừng nói gì các nước Âu, Mỹ khác.

Tôi vẫn theo mới; nhưng vẫn giữ gìn cái xưa. Vì lẽ không phải cái xưa nào cũng xấu, cũng quê mùa, mà ngược lại cũng có những mỹ tục, những phong tục, những tập tục cần phải giữ gìn. Còn những gì thuộc về hủ tục thì nên bỏ. Ví dụ như bản thân tôi, cho đến năm nay (2012) vừa viết vừa dịch tổng cộng 61 tác phẩm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt; nhưng tôi vẫn chọn lối viết tay, chứ không dùng Computer để đánh máy trực tiếp. Vì tôi quan niệm rằng: đây là cơ hội để giữ lại thủ bút của mình cho ngày sau; còn đánh máy nhanh đấy; nhưng nhiều khi lỡ quên giữ lại trong bộ nhớ, nếu chẳng may nhấn lộn một nút nào đó, tất cả những công trình biên chép, dịch thuật trong mấy tiếng đồng hồ trước đây đã không có cánh mà bay, làm sao có thể tìm lại được bài vở cũ. Còn viết tay, dẫu sao đi nữa, chữ nghĩa vẫn còn đó, có thể sửa tới sửa lui, mà không sợ mất một chữ. Có lẽ đây là cái chấp của tôi và quan niệm riêng của mình, nếu độc giả thấy không tiến bộ thì cũng không nên bắt chước làm theo.

Những năm 1958, 1959 khi Hòa Thượng Bảo Lạc còn tu ở chùa Linh Ứng tại núi Ngũ Hành Sơn thì gia đình hay đi thăm Thầy. Nhân cơ hội ấy tôi cũng lẻo đẻo theo sau cha mẹ để đi chùa và để được ăn cơm chay. Cơm chay ngày ấy chẳng có gì ngoại trừ chén cơm nóng ăn với rau chấm tương. Thế mà ngon đáo để. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được những chén cơm đầy đạo vị của chùa Linh Ứng thuở nào, nhất là sau khi đã leo lên hàng trăm bực thang cấp mới đến Vọng Hải Đài và Huyền Không Động cũng như chùa Linh Ứng, rồi trở lại nhà Trù với chén cơm tương là một thang thuốc vi diệu không lời. Thuở ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết quan sát chứ chưa nhận định gì cả. Ví dụ như thấy các chú Tiểu học chữ Hán phải dùng lá chuối để viết. Tôi không thể hình dung được là chùa núi lúc ấy rất nghèo, không có tiền để các chú mua sách vở và bút mực để học viết và tập viết; mà thấy để chỉ thấy mà thôi. Dẫu sao đi nữa cái học ngày ấy cũng đã giúp cho quý Thầy ngày nay thành người hữu dụng cho Đạo và cho Đời.

Đến năm 1965 hai thời công phu sáng chiều tôi đã thuộc nằm lòng và chú Hạnh Thu đề nghị với Thầy Như Vạn cho tôi làm Thị Giả thay cho chú Phong. Thế là tôi có cơ hội gần gũi hầu Thầy. Việc làm Thị Giả căn cứ trên bốn bộ luật Tiểu. Đó là Tỳ Ni, Oai Nghi, Sa Di và Cảnh Sách. Nội dung của luật Tỳ Ni là những cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi của một người xuất gia phải học và hành trì. Ví dụ như trước khi bước xuống giường phải đọc Chú gì, khi ăn cơm, uống nước, xỉa răng, đi đại tiện và tiểu tiện, rửa tay, khi hô chuông, khi ngồi Thiền v.v… tất tất đều phải nhớ ghi nằm lòng, không được quên hoặc thực hành thiếu sót bừa bãi.

Người tu có 24 oai nghi cần phải giữ gìn như: trước khi vào phòng Thầy phải làm sao, ra đi với Thầy phải làm sao, đứng hầu Thầy, người Thị Giả phải như thế nào, nhất nhất đều phải để ý Thầy cần gì nơi mình. Còn nhỏ chỉ học chừng ấy thôi; đến khi lớn lên rồi mỗi Thầy Tỳ Kheo phải cần đến 3.000 oai nghi tế hạnh. Đó là bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi nhân cho 250 giới thành 1.000 oai nghi. Một ngàn oai nghi nầy phải giữ gìn trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Tổng cộng thành 3.000 là vậy. Vả lại chữ Thịlà gần; Giảlà kẻ, người học trò, đệ tử. Nghĩa là người luôn gần gũi lo lắng, chăm sóc cho Thầy mình. Cho nên buổi tối phải hầu Thầy, đôi khi buổi sáng cũng phải hầu Thầy nữa. Sau đó là quét nhà, nấu nước pha trà, rửa ly tách v.v… chỉ chừng ấy công việc thôi, cũng mất khá nhiều thì giờ rồi. Ngày xưa các chùa hay dùng nước giếng để nấu ăn, giặt giũ, đâu có nước máy như bây giờ. Muốn có phải đun sôi bằng củi bổi hay lá tre. Vì chùa không dùng điện nên tất cả đều dùng đèn cầy và than, củi để đun sôi cơm nước; cho nên tốn rất nhiều thì giờ.

Giới Sa Di tôi chưa thọ; nên chưa được học. Còn Cảnh Sách thì mỗi tuần học một hay hai trang, lúc bằng chữ Nho, lúc bằng chữ hoặc âm Hán Việt. Văn Cảnh Sách rất hay, do Ngài Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư biên soạn. Mãi cho đến bây giờ mỗi khi đọc lại hoặc dạy chúng, tôi thấy những lời giáo huấn của Ngài rất hay, có thể ứng dụng cho mọi thời đại, dầu cho khoa học có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, thì những căn bản đạo đức làm người của Phật Giáo vẫn trụ vững với thời gian năm tháng như thường.

Thời gian từ 1964 đến 1966 là thời gian Hòa Thượng Thích Chơn Phát làm Giám Đốc trường Trung Học Bồ Đề Hội An, Hòa Thượng Thích Như Huệ đi Tuyên Úy Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Như Vạn lo trùng tu Tổ Đình Phước Lâm và xây dựng trường Bồ Đề Hội An. Trong khi đó Sư Phụ của tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí lo vấn đề hành chánh và xã hội cho Giáo Hội Tỉnh nhà. Đây là tứ trụ Thiền Gia của Hội An thuở ấy. Bốn cây thạch trụ nầy đã chống đỡ cho giang sơn đạo pháp của xứ Quảng Nam trong 50 năm qua. Nếu không có họ, chúng tôi đã không có những điểm tựa cho lúc ban đầu và ngay cả bây giờ cũng vậy. Mỗi vị Thầy có một số quý Thầy, quý Chú đệ tử quy y và xuất gia; nên Hội An thuở ấy lực lượng Tăng Ni rất hùng hậu; không có chùa nào nuôi dưới 10 Điệu ăn học; có chùa như chùa Long Tuyền hay Phước Lâm có cả hằng 20 Chú đều cắp sách đến trường Đời (trường Phổ Thông) 9 tháng. Ba tháng còn lại đi học trường Đạo, trong các Tổ Đình hay các Phật Học Viện nơi có tổ chức an cư kiết hạ. Một năm 12 tháng chúng tôi chẳng có ngày nào rảnh. Thế mà vui, học và tu là những mục đích chính của chúng tôi lúc bấy giờ nên ai cũng rất hoan hỷ.

Bạn ngoài đời, tôi đã kể sơ qua một vài người còn và một vài người đã mất. Bạn Đạo cũng có một vài người, tuy không thân lắm; nhưng cũng là chỗ thâm tình ở chốn thiền môn. Chúng tôi quen nhau qua việc học tán, tụng; quen nhau qua sự lui tới của quý Thầy của chúng tôi, trong đó có Thị Duyên, Thị Kỉnh và Thị Hạnh. Cả 3 đều ở chùa Tỉnh Hội, đều là đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Như Huệ. Thuở ấy chú nào cũng để chóp và rất xinh. Mỗi chú theo làm Thị Giả hầu Thầy mình một cách khác nhau, không ai giống ai cả.
blank
Chùa Long Tuyền tại Hội An, nơi Hòa Thượng Thích Chơn Phát trụ trì

Sau khi tôi từ giã Hội An năm 1969 để vào Sàigòn tiếp tục việc học, cũng là khoảng thời gian không liên lạc với quý chú nầy. Mãi cho đến năm 1975 tôi vẫn không được tin tức của họ. Thế rồi một ngày nọ cách đây chừng 15 năm, tôi đã được một lá thư của Thị Duyên viết thật dài, gởi qua Đức và mong tôi tế độ để được trở lại làm người xuất gia khi trải qua một cuộc đời khá trái ngang từ sau năm 1975 cho đến thời điểm ấy. Sau nầy tôi đưa Thị Duyên qua Ấn Độ xuất gia và năm 2005 đưa qua Đức thọ giới Tỳ Kheo để kế tục con đường xuất gia đã dang dở một thời gian dài.

Hạnh Giải Thị Duyên vốn là một ông Thầy Giáo dạy văn chương; nên chữ nghĩa rất bay bướm, viết trông rất đẹp mắt; nhìn dáng đi, nụ cười của Hạnh Giải nhiều người dễ cảm tình ngay. Do vậy mà Thầy ấy đã một lần bị lưới tình của học trò vây bủa, rồi hoàn tục, rồi sinh con, đẻ cái, rồi ly dị và đây cũng chính là cơ hội để Hạnh Giải tái lập chí nguyện xuất trần thượng sĩ của mình. Bây giờ thì Hạnh Giải đang ẩn tu và chỉ thích tu thiền. Âu đó cũng là nhân duyên đã định trước vậy.

Thị Hạnh và Thị Kỉnh cũng đã bỏ tu sau năm 1975 và ngày nay cũng đã tu trở lại, sau khi đã hướng dẫn gia đình con cái đi vào nẻo Đạo. Ở đời thật chẳng ai ngờ là vậy. Nhưng cũng nhờ vào các dư báo của đời trước; nên họ vẫn còn là những người hộ đạo cho đến giờ nầy. Vì vậy Đức Phật đã dạy rằng: Tất cả các pháp đều bất định. Không có một pháp nào trên thế gian nầy mà không thay đổi. Nếu các pháp không thay đổi, sẽ không phù hợp với nhân duyên sanh, mà không nhân duyên sanh thì không phải là Phật Giáo.

Thời gian vẫn trôi nhanh không dừng lại bất cứ một giây phút nào, tôi vẫn lớn khôn qua sự giáo dưỡng của Thầy Tổ và Đại Chúng. Sống dưới sự che chở của Đức Phật, lòng từ bi của mọi người chung quanh, tôi cảm thấy ấm lòng, không có gì phải phân vân và cũng chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi cho mình là: Ngày mai mình sẽ ra sao đây ?

Đã không có câu hỏi được nêu ra thì dĩ nhiên đã không có câu trả lời đi kèm. Đời tôi cứ thế mà bồng bềnh trôi. Cái gì đến tôi để cho tự nhiên đến; cái gì muốn ra đi, tôi để cho đi. Không thương tiếc, không sầu muộn, không vấn vương, dẫu cho đó là một cái gì quan trọng đối với đời mình đi chăng nữa; có lẽ đây là cách sống của tôi trong quá khứ và trong hiện tại; nên chung quanh mình lúc nào cũng có những giá trị thực tiễn của nó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com