Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 01

18/10/201320:04(Xem: 9531)
Phần 01

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 01:

1/ Người đẹp gieo cầu

2/ Con sư tử trọng pháp

3/ Nên thận trọng lời nói

4/ Bán nghèo

5/ Lỗi không phải tại thầy thuốc 

Người đẹp gieo cầu

Cái tin “Người đẹp gieo cầu” loan đi rất chóng. Thế là hai vị Quốc vương ở nước lân bang chưa lập Hoàng hậu, và tám vị Ðông cung của tám nước chư hầu, thêm vào nhiều vị Hoàng tử đa tình với một số Vương tôn hiếu sắc đều xao xuyến cả lên.

Kinh đô xứ Ma Kiệt Ðà mấy tháng nay vô cùng náo nhiệt. Bộ kiến thiết xuất ra một số ngân quỹ lớn, để dựng lên những ngôi nhà mỹ lệ trang ngiêm chờ tiếp quý khách bốn phương.

Mùa đông, gió mưa đã lặng lẽ rút lui, trăm thứ hoa lan bắt đầu chớm nở để đón mùa Xuân về, kinh thành Ma Kiệt Ðà cũng rộn lên như trăm hoa vậy.

Rồi những đoàn lạc đà lông mướt như cỏ non, oai dũng tiến vào kinh đô, từng đoàn ngựa tốt yên cương toàn bạch ngân rầm rầm tiếp đến, và đây là đoàn bạch mã, hãnh diện trong những bộ yên cương vàng thắm như son. Nhưng người ta chú ý đến đoàn kỵ mã vào sau, có một đặc biệt làm dân chúng chú ý là phải. Một đoàn kỵ mã võ trang oai phong hùng dũng, tiếp đó là một thớt bạch tượng sắc trắng như tuyết, mướt như nhung, cổ bạch tượng đeo chuỗi anh lạc toàn thất bửu, bốn chân đeo nhiều lục lạc vàng mới y. Trên lưng bạch tượng, một thiếu niên anh quân, đây là vua nước Câu Ðà Thi Lợi cũng có một danh từ đặc biệt của dân chúng tặng là: Hoàng Ðế Tam Ða (đa trí, đa tham, và đa tình) từ khi mưu giết được anh, rồi lên ngôi Hoàng đế, ông có tài dụng binh rất giỏi nên các nước đều sợ oai, danh ông lừng lẫy bốn phương. Mặc dù nhà vua là một bậc anh hùng tái thế, nhưng phải cái bệnh cũng đa tình hiếu sắc. Khi nghe đồn con gái nhà vua Ma Kiệt là trang tuyệt sắc thì nhà vua mê mệt, và ước ao cưới được nàng sẽ sắc phong Hoàng hậu. 

Vua cho sứ thần đem nhiều lễ quí qua cầu hôn. Sứ đi vua hồi hộp đợi chờ như trẻ con mong mẹ về chợ vậy. Nhưng anh hùng cái thế cũng phải toát mồ hôi, khi nghe tin công chúa từ hôn, vì cái lịch sử của mình không được đẹp (giết anh đoạt ngôi). Tuy chưa hề gặp mặt, nhưng chữ khuynh thành đã ám ảnh nhà vua, nên ông thề thế nào cũng cưới cho được nàng mới nghe. 

Bỗng nay, cái tin Công chúa sẽ làm lễ gieo cầu, làm ông đặt nhiều hy vọng.

Trước khi lên đường, vua vỗ về bạch tượng: Phiền khanh chuyến này thật không phải vì tham đất nước nữa, chỉ mong khanh làm thế nào giúp trẫm, đoạt được quả cầu của mỹ nhân trẫm sẽ trọng thưởng.

Hôm nay là ngày lễ thần Phạm Thiên, trên lầu hoa cao, trước bàn thờ thần, bộ nghi lễ trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Người ta cắm trăm thứ hoa tươi xông một trăm thứ bông quý, đốt trăm nén hương thơm, thắp trăm đôi bạch lạp. Trăm đồng nữ xiêm y rực rỡ, trăm vị Phạm Chí lễ phục oai nghiêm v.v… Ở đây thứ gì cũng phải đủ số trăm để tượng trưng cầu “Bách niên giai lão”.

Các nhà danh cầm trong nước, đã vỗ nhiều bản nhạc đầy ý nghĩa: “Loan phụng hòa minh” hay “Sắc cầm hòa hiệp” v.v…

Ban nhạc cử lên, trăm em đồng nữ múa xong điệu, rồi rẽ ra hai bên tượng hình Song Hỷ, tiếp đó trăm vị Phạm Chí vào làm lễ cầu nguyện xong. Công chúa Vô Song trong phòng hoa đài các bước ra, kính cẩn quỳ trước tượng thần. Hai trẻ thanh y quỳ hai bên, dâng cao hộp ngọc đựng quả cầu, và bình pha lê đựng nước hoa thơm. Thanh y nghiêng bình pha lê rưới vào đôi bàn tay ngọc, rồi mở tráp dâng quả cầu, Công chúa nâng cao quả cầu lên đảnh (đây là quả bóng tròn, lớn bằng quả cam, ngoài bọc gấm quý, trên thắt trăm vòng dây kim tuyến) quả cầu chỉ có thế, nhưng đã mang lại một sứ mạng trọng yếu, nghĩa là tất cả cuộc đời của Công chúa, hạnh phúc an vui, hay bẽ bàng đau khổ, đều do quả cầu này định đoạt.

Nàng kính cẩn quỳ trước tượng thần rất lâu, khấn vái kỹ càng: ngày sanh, tháng đẻ, họ hàng làng nước v.v… cẩn thận nàng tha thiết cầu thần linh dun dủi, quả cầu gieo trúng người được nàng yêu, sẽ yêu nàng mãi mãi.

Những bản nhạc chúc mừng tiếp tấu du dương vừa dứt, hàng vạn âm hưởng lao xao đều ngừng bặt. Tất cả chú ý nhìn lên lầu hoa, Công chúa mặc lễ phục toàn sắc trắng tinh, đính nhiều hạt trai thêu thành trăm hoa. Trên đầu là một tràng hoa kết bằng kim cương. Toàn thân nàng là cả một tượng nữ thần kỳ công của nhà điêu khắc danh tiếng, hay một bức tranh mỹ nhân do bàn tay họa sĩ tuyệt tài. Thật không biết cái đẹp của hằng nga thế nào, nhưng ta cũng tạm mượn để ví với Công chúa Vô Song khi ở trong lầu hoa lộng lẫy bước ra. Nàng đứng hẵn ngoài bao lơn nhìn khắp một lượt. Thế là hàng trăm quả tim đứng đợi đoạt cầu, tuy không hẹn nhau mà đồng thời hồi hộp. Nhất là Hoàng đế Tam Ða, khi nhìn rõ Công chúa, ông kiêu hãnh và tự nghĩ: tài này sắc ấy thật xứng đôi, nếu ta đoạt được cầu thì ta thề sẽ thờ nàng trọn đời.

Công chúa nhìn khắp một lượt rồi dồi cao quả cầu tung lên giữa hư không…

Ôi! Bóng hạnh phúc, bóng hạnh phúc hiên ngang lơ lững giữa hư không, làm cho Quốc vương, điện hạ, sứ quân… ngớp ngớp chụp bắt. Nhưng làm sao bắt được bóng hạnh phúc??? 

Quả bóng vô tư gặp luồng gió nhẹ, và trên quả cầu có chùm kim tuyến, nên trăm mối chỉ xòe trông rất đẹp, nó cũng không rơi xuống ngay được. Vì thế quả cầu cắc cớ lơ lửng giữa không trung, chợp chờn trớ trêu trong khi trăm lòng mơ ước.

Bỗng người ta nghe có tiếng người la to: Á ông Sa môn, ông Sa môn ơi! Quả cầu vướng vào tích trượng của ông kia kìa.

Thế là trống kèn trổi dậy, để chúc mừng vị tân phò mã. Song vị Sa môn vẫn khoan thai từ bộ, hình như người không biết có việc gì xảy ra.

Ðại phàm cái gì có tương đối mới tương tranh, còn cái không ngờ thì thật lòng cũng không nghĩ đến ganh ghét kịp. Như cuộc gieo cầu này, nếu có một vị trong trăm vị Quốc vương đại thần… mà đoạt được quả cầu, thì chắc chắn có cuộc chiến tranh không khỏi. Nhưng đằng này quả cầu trớ trêu vướng tòn ten trên đầu tích trượng, thành thử trăm lòng như một, họ đều chưng hửng và rồi vì đồng cảnh thất vọng như nhau, nên họ thông cảm nhau rất dễ.

Phải chăng bóng hạnh phúc vô tình vướng vào đầu tích trượng hay tại Thần lãng tai nghe khấn lộn, chớ ai nỡ đem cái ân ái buộc cho người xuất gia ly dục bao giờ?

Không, không phải vậy. Thật ra khi Công chúa đứng trên lầu hoa, nàng đã thấy trăm quả tim rộn lên vì sắc đẹp của mình, nàng nghĩ thầm: Ôi! Chỉ vì một chút nhan sắc của ta, mà làm hao phí biết bao nhiêu của dân của nước… Ừ! Tim kia đã rộn ràng lên vì sắc đẹp thì sẽ có ngày lạnh lùng vì tuổi già. Và nếu một người trong số trăm người này đoạt được quả cầu thì ta e không khỏi xảy ra chuyện chẳng lành cho dân cho nước. Ðương bâng khuâng suy nghĩ, rồi nàng phóng tầm mắt nhìn xa và nàng đã thấy. Nàng thấy một vị Sa môn uy nghi trong bộ áo cà sa tay cầm tích trượng xa xa tiến lại, Sa môn từ bộ thản nhiên giữa đám người đang rộn rịp.

Ôi! Người đâu mà đẹp thế? Oai nghiêm như một vị thần linh ứng, từ bi như một bà mẹ dịu hiền và đĩnh đạt như một vị thầy mô phạm.

Tâm quan thanh tịnh của người ly dục phát ra một sắc đẹp phi thường. Công chúa sững sờ nàng cảm thấy tràn lòng yêu kính. Nàng nói một mình: Chỉ có quả tim này mới không rộn ràng trước sắc đẹp và chỉ có quả tim này, mới không lạnh lùng trước tuổi già. Công chúa nhắm ngay vị Sa môn… tung mạnh quả cầu vào người mặc dù trống dục còi thổi, nhạc trổi, người kêu. Vị Sa môn vẫn bất động, người cứ đi, và quả cầu cứ tòn ten trên đầu tích trượng.

Một toán ngự lâm quân phóng ngựa chạy theo: “Kính tâu tân phò mã. Xin người hãy dừng chân, xin phò mã hãy dừng chân lại…”.

Lạ thay người đi vẫn ung dung, mà ngựa chạy theo không kịp. Vua quan tân khách và dân chúng đều lao xao cả lên. Ðoàn ngự lâm quân phóng ngựa theo Sa môn, không biết đi về phương nào mà trông hoài không thấy.

Trên lầu hoa, cả hoàng gia ngồi chờ tin tức, nhưng mãi đến chiều tối, mới có một người trong đoàn ngự lâm ban sáng, bơ phờ trở về tâu lại mới hay, vị Sa môn ấy là Thái tử Tất Ðạt Ða con vua Tịnh Phạn nước Xá Vệ và Ngài đã xuất gia, thành Phật hiệu “Thích Ca Mâu Ni” Ngài và đồ chúng vừa đến hôm qua, hiện nay đang trú tại rừng Tân Tần Già. Còn đoàn ngự lâm theo Ngài lúc ban sáng nay cũng theo Ngài cạo đầu xuất gia học đạo hết rồi.

Vua ngao ngán nhìn con gái yêu: Không biết con tôi khấn khứa thế nào mà ra nông nỗi này. Con ơi! Sa môn là người ly dục, lòng đã sạch ái ân, quả cầu con rơi lạc hướng rồi con ạ!

Công chúa như người trong mê, nàng còn biết nói sao, khi lòng mình đã vướng một mối tình bâng quơ. Nàng nghe danh Thái tử đã lâu, không ngờ hôm nay nàng được gặp và nàng đã yêu nhưng nay nàng mới biết nàng yêu như thế chỉ tự mình đem muôn mối tơ thương, quấn bậy giữa hư không, hư không đâu có dính mắc?

Song nàng cố trấn tĩnh tâu với Phụ vương: Tâu Phụ vương và Mẫu hậu, con tưởng theo kỷ luật gieo cầu của nước ta từ xưa đến nay, bất luận người sang kẻ hèn, hễ ai trúng cầu thì được vợ, vì đây là lương duyên do thần định đoạt, nay quả cầu con gieo trúng Thái tử rõ ràng, thì con xin tình nguyện theo Ngài để sửa bát nâng y trên đường hóa độ. Vậy xin Phụ hoàng và Mẫu hậu hãy cùng con đi đến chỗ Thái tử xem sao?

- Thì đành vậy, chỉ còn cách đi đến điều đình với Phật chứ biết sao?

Thế là sáng sớm hôm sau cả Hoàng gia đưa con gái đến ra mắt Phật. Tin ấy loan ra, rồi tất cả một trăm phò mã hụt cũng tình nguyện đi theo, mặc du đều là tín đồ của phái Bà La Môn.

Sáng nay Ðức Phật bảo chúng Tăng đình việc đi khất thực lại, và vân tập để nghe Phật thuyết pháp. Phái đoàn Bà La Môn đến vừa lúc Ðức Phật thuyết pháp xong.

Vua và Hoàng hậu đi trước, đến Công chúa kế đó là các vị Quốc vương… xứ lạ, lần lượt tiến vào.

Ðức Phật ngự trên pháp tòa cao, oai nghi đồ sộ như núi Tu di, thân tượng chiếu ra một sắc đẹp lạ lùng. Hai bên hàng ngàn Tăng chúng ngồi im phắc như ngàn pho tượng vậy.

Vẻ oai nghiêm của Phật, sự yên lặng của chúng Tăng, đánh mạnh vào tâm khảm mọi người… Vua không đảnh lễ Phật, vì ông nghĩ dù là Phật song sẽ làm rể mình, không lẽ mình lạy rể? Vua phán:

- Kính Ngài, theo kỷ luật gieo cầu của nước chúng tôi, thì ai trúng cầu là được vợ. Hôm qua con gái tôi gieo cầu trúng Ngài, thế là Thần linh định lương duyên rõ ràng nên con tôi cũng tình nguyện theo Ngài trên đường hóa độ, phòng khi “nâng bát sửa y”.

Ðức Phật nhìn Công chúa, Ngài yên lặng một lúc Thế Tôn mỉm cười… bỗng trong kim khẩu phóng ra một đạo hòa quang xanh chiếu lên đỉnh đầu Công chúa, nàng toát mồ hôi, tụ thấy trên đầu rần rần ngứa, mồ hôi giọt xuống trán, xuống cổ, nàng lấy khăn lau rồi gãi, thì đụng một con gì mà xưa nay nàng chưa thấy cũng chưa biết tên, nàng len lén bỏ xuống đất (con chí đấy).

Phật lại phóng một đạo hào quang vàng vào đôi mắt Công chúa, nàng thấy xốn xang khó chịu, nước mắt tuôn ra, vừa lấy khăn lau, thì khóe mắt đọng hai cục ghèn khá lớn.

Phật phóng một đạo hào quang trắng, chui thẳng vào mũi, nàng hắt hơi năm bảy cái mũi chảy ròng ròng.

Rồi một đạo hào quang lục, tuôn vào trong miệng, Công chúa ngáp luôn một dây, tiếp ho luôn một chuỗi, nàng nghe trong miệng có mùi thối ghê.

Ðức Phật phóng thêm một đạo hào quang đỏ, chiếu vào thân Công chúa, làm nàng ngứa ngáy khắp người, gãi chỗ này chưa kịp đã ngứa chỗ khác, vừa lau ghèn thì mũi chảy, toan lau mũi thì chí cắn, nàng ho nàng ngáp, ụa, hắt hơi túi bụi, Công chúa nhăn nhó khổ sở, bao nhiêu vẻ yêu kiều diễm lệ biến đâu mất hết, nàng hoảng kinh như một người điên. Tất cả pháp hội, nhất là đoàn Bà La Môn đều rùng mình khiếp sợ.

Nhưng may thay, Ðức Phật đã nhiếp thần lực thâu hào quang lại. Công chúa và tất cả pháp hội như vừa thoát cơn mê dữ, nàng lấy lại bình tĩnh, sữa lại áo xiêm rồi quì mộp xuống đất, thôi thì vua quan chi cũng dẹp hết kiêu căng đồng quì xuống một loạt.

Nhân đấy Ðức Phật thuyết pháp: “Tứ Niệm xứ” cho cả đoàn nghe.

- Hỡi các thiện nam thiện nữ nhân: Công chúa Vô Song, xưa nay nổi tiếng kiêu căng vì ỷ mình có nhan sắc, nhưng không biết sắc đẹp chỉ tạm bợ một thời gian, dù có lấy phấn son nhung gấm ngọc ngà, bao bọc ở ngoài cũng không che được mắt người trí tuệ. Vừa rồi Như Lai phóng quang để trong pháp hội nhận rõ, thân người là bất tịnh, dù đương buổi niên hoa, nhưng không tắm thì hôi, đại tiểu vẫn thối, ghèn đờm mũi dãi, mồ hôi huyết khí tim gan phèo phổi v.v… mỗi chổ lại có vô số vi trùng rúc rẩy, phá hoại hoành hành thân thể chúng sanh trong từng sát na, thân thể chỉ là một đống nhơ nhớp đáng ghê tởm đối với người có trí tụê, ta lại quán sát do sáu căn xúc đối với sáu trần, lảnh thọ cảnh đẹp thì sanh tâm ưa, ưa thì muốn tất cả cái ưa về mình; lãnh thọ cảnh xấu lại sanh tâm ghét, ghét thì muốn đùa cái ghét cho người, nhưng mới ưa, thì ưa khó đến, đuổi ghét thì ghét không đi. Chung qui không ngoài khổ vui đối đải.

Như Lai thấy chúng sanh trong tam giới, ngồi bàn chuyện khổ vui, thật không khác hai tù nhân nói chuyện khổ vui trong lao ngục. Chỉ có khi nào ra khỏi lao ngục lấy lại được tự do mới thật vui vậy. Cũng như thế, chúng sanh còn ở trong lao ngục tam giới thì không thể nói chuyện khổ vui được, chỉ khi nào thoát khỏi lao ngục tam giới mới gọi là an vui chân thật.

- Này các thiện nam tử, thiện nữ nhân:

Ta lại quán sát các pháp là vô ngã, phân tể đầu số (chia chẻ quán sát) từ nhân sanh đến vũ trụ, đều do nhân duyên kết hợp mà thành, thật không có cái “ngã” thật thể, không có cái ngã tồn tại, người trí tụê quán vạn pháp đều như huyển nên không đắm trước…

Và ta lại quán tâm thức (vọng, tâm, ý thức) là vô thường, khi thương khi ghét, lúc giận lúc vui đều do ý thức phân duyên rồi phân biệt chấp trước điên đảo, vì vậy mà kiếp luân hồi trong biển sanh tử. 

Như Lai vì quán sát: Thân bất tịnh, tâm vô thường, thọ thị khổ, pháp vô ngã… nên đoạn trừ được ân ái, dứt bỏ hẳn lợi danh, vào núi tuyết tu khổ hạnh và chứng được bốn đức Niết Bàn: “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”

Cảnh yên lặng trong chúng hội, tiếng phát âm của Phật du dương như một bản đàn vô huyền (không dây) thảnh thót như tiếng chim Ca Lăng, tất cả vua quan trong pháp hội mắt thấy tai nghe thân tâm vô cùng thanh thoát.

Công chúa Vô Song nhứt thời viễn trần ly cấu liền chứng quả dự lưu (Tu đà hoàn).

Riêng Hoàng đế Tam Ða, ông suy nghĩ nhiều trong lời Phật dạy: Ôi! Ta với Phật Thích Ca đều con vua cả, nhưng Thái tử Tất Ðạt đáng làm vua mà người chán nhàm ngôi báu, có vợ đẹp mà Ngài xa lánh yêu thương… còn ta chỉ vì đói danh lợi, khát tình yêu nên gây nhiều tội lỗi. Ôi! Ðều từ một con người nhưng Thái tử đã trừ tận cùng thú tánh, để vươn mình lên địa vị Thánh nhân, còn ta! Ta chỉ vì không ngự trị được lòng tham nên tự gieo mình vào địa ngục… Ôi! Dục vọng! Chỉ kết quả trong đau khổ, trong nguy hại…

Trong lúc ông quan sát và thành thật ăn năn tội lỗi của mình, nên tâm khai ý giải rồi ông xin tình nguyện đầu Phật xuất gia.

Phật bằng lòng, vào bảo Tôn giả A Nan trao y bát cho ông, lại cả cây tích trượng hôm qua nữa. Ông kính cẩn quì thẳng nhận lãnh pháp bảo, khi ông thấy quả cầu còn treo lủng lẳng trên đầu tích trượng bất giác ông mỉm cười: Ừ, bóng hạnh phúc! Rồi ông ôm chặt y bát vào lòng. Chỉ có hạnh phúc này, mới là hạnh phúc chơn thường bất biến… Ðưa mình và người đến nơi an lạc vĩnh viễn.

Thể Quán

“Tìm hạnh phúc trong vật dục cũng như người đã khát nước lại còn ăn thêm đồ mặn.” 

Con sư tử trọng pháp

Ðầu đời mạt pháp về thời Ðức Phật Tỳ Bà Thi, tại sứ Ba La Nại có một hòn núi tên là Tiên Thánh Sơn. Trong núi thường có các vị Sa môn Bích Chi Phật tu hành. Thường thường có các loài cầm thú hay đến gần gũi để nghe thuyết pháp. Có một con sư tử tên là Kiên Thệ, lông ánh sắc vàng, sức mạnh địch trên một ngàn con. Một khi rống lên thì chim bay phải rớt xuống, loài thú phải ẩn nấm sợ hãi.

Một hôm sư tử Kiên Thệ gặp một vị Sa môn Bích Chi Phật oai nghi thanh tịnh, tâm sanh hoan hỷ, nên ngày thường đến thân cận nghe tụng kinh và thuyết pháp.

Lúc bấy giờ có một người thợ săn thấy sư tử có lông vàng, nên muốn mưu giết, lột da dâng cho vua để lãnh thưởng. Người thợ săn nghĩ rằng: “Con sư tử này là vua các loài thú, cung tên không thể hại, lưới bãy không thể sập được, chỉ có cách là giả dạng vị Sa môn, chờ con sư tử nghe quen thời lấy tên độc mà bắn. Nói đoạn liền cạo đầu, mạo hình Sa môn, vào núi ngồi dưới một gốc cây”.

Lúc ấy, con sư tử Kiên Thệ thấy vị Sa môn, liền vui mừng đến liếm chân quấn quít một bên để nghe thuyết pháp. Người thợ săn dùng tên độc nhắm bắn. Con sư tử bị trúng tên đau quá rống ngược lên, muốn nhảy tới vồ giết vị Sa môn giả kia, nhưng lại nghĩ rằng: “Người này đã mặc áo cà sa là thứ biểu hiện của các Ðức Phật Hiền Thánh trong ba đời, nay ta sát hại thời không khó gì, nhưng tức là ta sát hại biểu tượng của các Ðức Phật”. Nghĩ vậy bèn nuốt giận chịu đau.

Một lát sau, thuốc độc ngấm dần, đau đớn quá, sư tử lại muốn nhảy tới vồ nát người thợ săn, nhưng lại nghĩ rằng “Nay ta vồ giết thời không khó gì, nhưng ta sẽ bị các Ðức Phật quở trách và làm người đời không thể phân biệt người lành kẻ ác. Người thợ săn độc ác âm mưu hại ta, nếu ta không nhẫn sẽ bị mọi người oán ghét, phiền não sẽ tăng trưởng. Phiền não tăng trưởng thời sanh tử tăng trưởng, sanh tử tăng trưởng thời sẽ sanh vào các chỗ hiễm điạ, sanh vào chỗ hiểm địa thời rời xa bạn lành, xa bạn lành thời không được nghe chánh pháp, không được nghe chánh pháp thời mê mờ nghi loạn, mê mờ nghi loạn thời không được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vậy ta nên quyết không khởi ác tâm. Nghĩ vậy con sư tử liền nói bài kệ rằng:

Nguyện tự chịu bỏ thân mạng,

Trọn đời không khởi ác tâm.

Hại người mặc áo hoại sắc.

Nguyện tự chịu bỏ thân mạng,

Trọn đời không khởi ác tâm.

Ðối với các bậc xuất gia.

Nói bài kệ xong liền ngã xuống chết. Người thợ săn cầm dao lột da sư tử đem về dâng vua. Nhưng khi vua nghe đầu đuôi câu chuyện, thấy rõ ác tâm của người thợ săn và rất cảm động trước lòng trọng Tam Bảo của con sư tử, bèn sai chém người thợ săn và đem xác con sư tử làm lễ Trà Tỳ xem như một vị Sa môn vậy.

Sư tử Kiên Thệ là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca.

Minh Châu

“Không thiên ma ngoại đạo nào có thể phá hoại đạo ta được, duy chỉ người mặc áo của ta, mới phá hoại đạo ta được mà thôi.”

Nên thận trọng lời nói

Thuở xưa tại Kinh đô Ba La Nại có một người hai chân bại xuội, nhưng anh ta có tài búng sạn thật giỏi. Do đó, những trẻ em trong thành thường đẩy xe chở anh ta ra ngoài cửa thành, để anh dưới gốc cây biểu anh lấy sạn búng lá cây thành hình thú này thú nọ chơi, rồi cho anh tiền.

Một hôm, đức Vua ngự chơi vườn thượng uyển đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy chỉ còn anh què ở lại. Ðức Vua trông thấy bừa bãi dưới đất những lá cây lủng lỗ có hình thú rất ngộ nghĩnh mới phán hỏi quan hầu cận. Quan ấy biết rõ, mới tâu qua mọi lẽ.

Ðức Vua đòi anh què đến hầu rồi phán:

- Này gã kia! Trẫm có một vị quân sư, có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi, thì quân sư cướp lời nói hết, Trẫm không nói gì được. Ngươi có phương kế chi làm cho ông không nói nhiều được không? 

- Tâu Hoàng thượng! Nếu có vài cân phân dê, hạ thần có phương kế làm được.

Ðức vua truyền đem anh què về triều, để anh ngồi một bên ngai, sau một tấm màn có khoét một lỗ và để gần anh một cân phân dê khô. Ðoạn, Ngài hội triều thần bàn luận việc nước.

Vị quân sư quen tật cướp cả lời nói của mọi người. Khi ông há miệng thì bị anh què dò theo lỗ rèm búng một viên phân dê khô vào miệng. Nhưng vì ham nói quá, ông nuốt riết viên phân dê để nói nữa.

Ðến chừng Ðức vua trông thấy anh què đã búng hết cân phân, Ngài mới bảo Quân sư:

- Này Quân sư! Vì tật ham nói, nên khanh nuốt hết một cân phân dê khô mà vẫn chưa biết mình. Dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phân ấy, vậy khanh về nên uống thuốc xổ đi! Quân sư cả thẹn ra về. Từ ấy không còn nói nhiều nữa.

Ðức vua mới phán:

- Nhờ người bại này, mà lỗ tai của Trẫm đỡ bực bội.

Sau đó Vua ban cho anh què thâu thuế một làng rộng lớn vài ngàn dân số để sinh sống…

Sau một thời gian, có một người đến học nghề với anh bại nói trên. Sau khi học rành nghề, người ấy muốn thử tài mình, mới suy nghĩ, nếu mình búng sạn mà nhằm búng thử vào bò, heo, dê, ngỗng cùng gà vịt của người thì sợ bị họ đền, và sợ mình bị phạt.

Một hôm gặp Ðức Phật Ðộc Giác, anh chàng bèn nghĩ: “Nếu ta thử tài với người khác, sẽ bị cha mẹ vợ con anh em họ kiện thưa, còn người này cô độc, là kẻ vô thừa nhận dầu ta thử mà có chết cũng không sao!”.

Nghĩ thế, anh mới búng một viên sạn vào lỗ tai Ðức Phật Ðộc Giác, viên sạn đi xuyên qua lỗ tai bên này thấu qua lỗ tai bên kia, theo như người thường phải chết tại chỗ, nhưng Ðức Phật Ðộc Giác dùng thuyền định về đến tư thất mới nhập diệt.

Anh ta tìm đến tư thất của Ngài để xem thử kết quả, thấy tính đồ bận lo hỏa táng và than khóc, anh mới khoe:

- Mấy người biết không? Ngài mà chết đấy là do tài búng sạn của tôi!

Tưởng khoe như vậy người ta khen mình, nào ngờ tính đồ tức mình lôi anh ta ra đánh chết. Vì tội giết chết Ðức Phật, anh ta bị xa vào địa ngục A Tì…

Thông Kha

“Các ngươi thường tự giữ gìn lời nói, đừng nói lời vô nghĩa, nên nói hợp thời hợp pháp, những lời nói ngoài việc lợi ích cho người, dù là nói chơi cũng không nên nói.”

Bán nghèo

Thuở xưa, ở nước Ấn Ðộ, có một trưởng giả giàu nứt đố đổ vách nhưng hết sức keo kiệt, thường cắt cổ, lột da thiên hạ với cách cho vay nặng lời. Tánh ông lại còn hung tợn, tàn ác nữa. Thật đúng với câu: “Vi phú bất nhân” ông không có chút từ tâm. Mỗi khi có những kẻ mang công thiếu nợ không lo trả nổi theo lời hứa hẹn, thì ông sai lũ gia nhân đánh đập một cách tàn nhẫn, thậm chí ông còn đối đãi với kẻ ăn, người ở trong nhà một cách hết sức tệ bạc, xem họ như loài thú vật không hơn không kém.

Trong nhà có một bà lão bộc, làm công việc nhà quần quật suốt ngày không có một lúc hở tay. Nhưng không phải chỉ vậy mà thôi đâu, mỗi khi có sơ sót, hay lỡ tay làm hư hỏng việc gì, thì ông chủ miệng chửi, tay đánh không mảy may thương xót. Áo quần không đủ để che kín tấm thân gầy, cháo cơm không đủ làm no dạ dày lép xẹp. Lại còn tuổi già sức yếu mà phải chịu bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, vì sức chịu đựng của con người có hạn, cho nên bà thường bị đau yếu luôn. Có lẽ vì đau khổ quá, cực nhọc quá, nên nhiều khi bỗng không bà rơi nước mắt, rồi bà khóc thực sự, khóc cho thân thế bị bày vò, khóc cho tình đời đen bạc, trọng phú khinh bần.

Có một hôm nọ, nhân lúc mang bình ra mé sông múc nước, được ít phút rảnh rang khỏi cặp mắt gầm gừ của ông chủ, bà yên tâm tạm ngồi nghỉ chân dưới cội cây bàng. Trong đầu óc bà lúc ấy lại thoáng hiện ra những sự hành hạ, đập đánh, chửi rủa, tàn nhẫn vô lương tâm của ông chủ. Trong một phút suy ngẫm về giá trị đời sống, bà bỗng rùng mình. Tội nghiệp bấy giờ bà chán sự sống lắm, một ý nghĩ đen tối thoáng hiện trong óc bà, bà muốn quyên sinh. Bà nghĩ bà phải chết đi, chết để giải quyết tất cả mọi nỗi đau khổ loài người đen bạc đã cố ý đày đọa bà. Bà nghĩ những nỗi nọ niềm kia, nghĩ đủ thứ, nước mắt hai bên khóe tự nhiên ràn rụa tràn ra, lăn dài xuống hai má hóp. Bà để mặc cho hai dòng lệ tự do tuôn chảy không buồn chậm lau. Bà vẫn cố muốn khóc cho thật nhiều, khóc cho hết nưóc mắt để rồi bà chết, phải rũ hết nợ đời, chớ sống mà thân xác cũng như linh hồn bị dày vò đày ải quá sức, thì thà chết đi còn hơn.

Bà khóc mùi mẫn cho đến đỗi Tôn giả Ca Chiên Diên đi đến tận bên, bà cũng không hay biết gì. Mãi đến lúc Tôn giả cất tiếng hỏi bà mới giật mình.

- Sao thế? Sao bà khóc lóc quá như thế? Ai ăn hiếp bà, ai hành hạ đánh đập bà?

Bà lao vẫn còn nghẹn ngào, không nói được ra lời để đáp lại những câu hỏi của Tôn giả. Bà chỉ giương đôi mắt mờ lệ nhìn Ngài.

- Tội nghiệp quá, xem bà nghèo khổ, gian truân quá, nhưng tình cảnh nhà bà ra sao? tại sao bà lại ngồi đây một mình mà khóc, bà cho tôi biết đi, bà nói hết nỗi khổ của bà cho tôi nghe đi, may ra tôi có phương chước gì để giúp ích phần nào cho bà.

- Bạch Ngài, Ngài xem tôi từng này tuổi mà vẫn phải làm tôi mọi cho người ta, công việc làm việc vất vả suốt ngày thâu đêm, lại còn bị chủ nhà ác nghiệt, bó buộc, đánh đập hành hạ khổ sở. Thân thể già yếu, nay đau mai mạnh, thế hằng ngày cơm chẳng đủ no, áo không đủ ấm, thì làm sao mà sống cho nổi!

Bà vừa nói vừa khóc trông thảm thiết lắm.

- Tội nghiệp bà nghèo từng này tuổi mà còn phải làm tôi tớ cho người để bị nhiều điều cơ cực, đau đớn, sao bà không bán quách cái nghèo đi, để đeo nó theo làm gì cho thêm khổ sở?

- Trời ơi! Sao Ngài bảo lạ thế? Ai thèm mua nghèo mà hòng bán?

- Bà ạ! Tôi nói thật đấy, nghèo có thể bán được như thường tôi thấy bà khổ sở, tôi khuyên bà bán ngay nó đi, tôi thương bà, tôi bảo thật đấy. Tôi nói gạt bà có ích lợi gì cho tôi đâu?

Nghe giọng nói quả quyết và trông gương mặt hiền từ, thành thật của Tôn giả, bà già hết sức ngạc nhiên, nhìn Tôn giả trân trân, hồi lâu mới thốt được lời:

- Nếu Ngài có phương kế gì bán được cái nghèo, mong Ngài thương xót chỉ cho, tôi xin ngậm vành kết cỏ, cảm đội ơn đức suốt đời, không lúc nào quên được.

- Ðược, tôi xin hứa chắc với bà và nếu bà thật tình muốn bán, thì tôi bảo thế này, bà phải làm đúng y như vậy mới có kết quả tốt đẹp được.

Bây giờ bà hãy xuống sông tắm cho thật sạch sẽ, thân thể bẩn thỉu quá có thể sinh ra nhiều bệnh tật, lại ai cũng chán mà chẳng dám đến gần.

Bà già vâng lời tôn giả xuống sông tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, bà liền đến bên bạch rằng:

- Bây giờ Ngài dạy tôi cách nào để bán?

- Bây giờ bà phải bố thí. Vì Phật đã dạy: pháp bố thí là để cho người vượt khỏi lòng tham lam, mà tham lam là cái nhân bần cùng khổ sở. Tôi đã dùng huệ nhãn quán sát thấy bà nhiều kiếp về trước tánh tình tham lam keo kiệt, nên kiếp này bà phải chịu quả báo cơ cực nghèo cùng. Vì vậy muốn hết nghèo cùng bà phải dứt lòng tham lam, còn phải thật hành phương pháp bố thí. Nhân nào thì quả nấy, chắc chắn không sai.

- Ðất ơi! Ngài bảo tôi bố thí, bố thí để giứt lòng tham, nhưng tôi có tham hồi nào đâu? Tại tôi nghèo cùng đến nỗi giơ xương, lòi da như thế này, tôi phải đào đâu ra của để mà bố thí.Thưa Ngài, Ngài bảo cách nào dù thiên lao vạn khổ gì, già này cũng có thể cố gắng làm được, chớ còn điều này thì xin chịu. Tôi không biết làm cách nào để làm cho được vừa lòng Ngài. Đây hiện giờ trong tay chỉ có cái bình này của chủ thôi, tôi mang đi để múc nước về, nếu có thể bố thí được thì tôi xin bố thí ngay, bất quá về nhà chủ đánh chút thôi, không đến nỗi gì, quen rồi chả sợ. Miễn giờ đây có thể làm đủ theo ý muốn của Ngài là tôi vui lắm rồi.

- Ấy chết! Của chủ bà đem cho đi, về nhà mất bình chủ bà đánh chửi chịu sao nổi?

- Không sao, thưa Ngài! Già đã chịu đựng quen rồi, không đến nỗi gì, mà già cũng nghĩ liều mạng bất quá chết là cùng.

- Cũng được, miễn có lòng thành kính là được, không luận ít nhiều. Bà hãy đem bình tìm chỗ nước thật trong và thật sạch múc đầy bình đem về đây cho tôi.

Tôn giả Ca Chiên Diên tiếp nhận bình nước sạch do tự tay bà lão múc đem về dâng. Ngài chú nguyện cho bà, lại dạy bà lão nên ăn chay, niệm Phật, làm các công đức v.v… đoạn Ngài hỏi:

- Bà có chỗ ở nào thật sãch sẽ không?

- Tội nghiệp quá nhưng bà về nên cố gắng giữ lòng, lo trọn bổn phận, không nên hiềm hận điều gì cả. Tối đến, đợi khi trong nhà ngủ hết, bà hãy lén mở cửa lên nhà trên, vào trong ngồi xếp bằng ngay ngắn niệm Phật, tâm đừng nghĩ gì khác chỉ nên nhất tâm tưởng Phật mà thôi. Bà nên nhớ thế.

…Bọn đầy tớ nhà ông Trưởng giả rạng ngày mở cửa, cả sợ, tri hô lên. Ông Trưởng giả hốt hoảng ba chân bốn cẳng vừa chạy vừa quát “Mẹ tớ này sao hôm nay lại trốn lên được đây ngồi chết? Từ trước đến giờ không bao giờ mụ được lên đây cả, thế sao hôm nay… Bây đâu, hãy đến gần rờ xem bà ta chết đã lâu chưa? Nếu thiệt chết, bây cột chân kéo xác bỏ vào rừng cho quạ kên ăn quách đi là xong chuyện. Mau lên! Không tao đập chết cả lũ bay nữa bây giờ. Mau lên, mau lên.

Bọn đầy tớ lúi húi tìm dây cột chân làm theo lời ông chủ, nhưng ra khỏi ngõ chúng lại lôi tấm bố đã giấu được đem ra đắp điệm cho bà, xong rồi chúng ráp nhau khiêng xác đem bỏ trong rừng lạnh.

Có ai ngờ đâu, lúc bấy giờ bà lão tuy tồi tàn thế, nhưng thần thức của bà đã được sanh lên cõi trời Ðao Lợi, do nhờ sự chú nguyện của Tôn giả Ca Chiên Diên và nhờ sự cố gắng niệm Phật của bà.

Bấy giờ ở trên cõi Ðao Lợi có một vị Thiên tử vì hết phước báo nên phải hoàn sanh nhân gian, bà lão nhờ sức trì giới, niệm Phật và công đức bố thí mà được thế vào địa vị ấy. Nhưng vì ham vui chơi theo khoái lạc của thiên báo mà quên nguyên do gì mình được sanh làm Thiên tử. Song vị Thiên tử này (bà lão bộc) trước đã gây phước lành, kết duyên Phật pháp, nên cảm đến lòng từ của Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài bèn đến lân la dọ hỏi để kích thích đạo tâm sẵn có của vị Thiên tử.

- Phàm việc gì có ra đều có nguyên nhân cả, hẳn Ngài đã biết mình từ đâu đến và do nhân duyên gì mà được cảm quả báo làm Thiên tử như hôm nay chứ?

Vị Thiên tử cùng các quyến thuộc còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra làm sao cả, thì Ngài Xá Lợi Phất liền truyền đạo nhãn cho vị Thiên tử xem. Như chiêm bao chợt tỉnh, vị Thiên tử rối rít tỏ lời cảm tạ ơn Ngài Xá Lợi Phất đã khai thị cho, đồng thời họp cả năm trăm quyến thuộc lễ Ngài, rồi cùng nhau mang hương hoa sang ngay hàn lâm, xông hương, rải hoa cúng dường tử thi.

Ánh sáng của Chư Thiên chiếu khắp cả khu rừng có tử thi của bà lão bộc làm cho mọi người hết sức kinh dị, nhà ông Trưởng giả cũng hay, cùng kéo nhau đến xem.

Lấy làm lạ, có người đến gần hỏi: “Ðây là người tớ già của nhà chúng tôi vừa chết, thân thể đã sình trương dơ nhớp, khi bà còn sống người ta còn ghê tởm ít dám đến gần thay, phương chi nay bả đã chết rồi có gì quý lạ mà quý vị đến đây rải hoa cúng dường? Nghe hỏi vị Thiên tử bèn ứng tiếp đáp lời thuật rõ ngọn ngành, vì nhân duyên gì mình được bỏ thân tôi tớ, sanh làm trời hưởng phước báo vô lượng. Ðoạn vị Thiên tử xây mặt về phía tịnh xá tưởng nghĩ đến Tôn giả Ca Chiên Diên, rồi vì Chư Thiên quyến thuộc của mình và một số người trần có mặt hôm đó giảng pháp mầu đã lãnh thọ được cho nghe, nào là: Luận về pháp bố thí, giữ giới, niệm Phật, lìa dục v.v…

Nghe xong, năm trăm vị trời ấy tâm được xa lìa trần cấu, chứng nhãn thanh tịnh, đồng bay về thiên cung.

Bấy giờ những người trần có mặt tại đó thảy đều tỉnh ngộ, ông Trưởng giả bấy giờ mới sáng mắt và mới nhận được cái giá trị của con người không phải ở vật chất mà chính ở tinh thần vậy. Thế là bà lão đã bán được cái nghèo với một giá cao hết sức tưởng tượng: làm thân trời.

T.P

“Người ta ở đời nghèo gì mà đến nỗi không có một chút bún để bố thí cho một con kiến.”

Lỗi không phải tại thầy thuốc

Xưa có một chàng thanh niên đau nặng, đã hết phương cứu chữa mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Các thầy thuốc danh tiếng trong vùng đều bó tay, nên chàng ta thất vọng đau khổ lắm.

Nhưng may thay, một hôm có một vị lương y tìm đến thăm bệnh cho chàng rồi nói: “Bệnh anh trầm trọng lắm rồi, chỉ còn một phương thuốc cứu chữa mà thôi, thuốc ấy tuy khó tìm, nhưng cố gắng sẽ tìm được. Thứ thuốc ấy là thứ thịt chim trĩ, anh phải tìm mua cho được mà ăn, thì bệnh sẽ lành. Anh cứ y theo lời tôi thì một thời gian sẽ thấy hiệu quả ngay. Bây giờ tôi phải đi nơi xa để cứu chữa cho những người khác”.

Chàng ta nghe qua lấy làm mừng rỡ, liền mượn một người hàng xóm đi mua hộ chim trĩ. Người hàng xóm thấy tình cảnh của chàng và lấy làm thương hại nên cố gắng đi tìm mua giùm. Ði tìm mãi mua được một con về cho chàng. Sau khi ăn xong thấy bệnh tình thuyên giảm nhiều, chàng rất sung sướng và tán tụng vị lương không ngớt. Nhưng tiếc thay, anh chỉ ăn một con rồi không ăn nữa, nên bất ngờ bệnh tình trở lại như cũ. Chàng lại than phiền thuốc không hay thầy không giỏi.

Thời gian sau, vị lương y trở lại hỏi:

- Bệnh bớt chưa?

Chàng đáp:

- Dạ thưa không bớt gì cả. Trước kia Ngài bảo tôi mua chim trĩ ăn thì hết bệnh sẽ lành, tôi y theo lời mượn người mua được một con đem về ăn. Khi ăn xong thì bệnh có giảm một đôi phần, nhưng trải qua vài ngày thì bệnh trở lại như cũ.

Vị lương y nói:

- Sở dĩ bệnh của anh không lành là không phải lỗi vì tôi, cũng không phải tại thuốc không hay, mà lỗi tại anh. Vì bệnh của anh là trọng bệnh cần phải ăn nhiều chim trĩ mới có thể lành, chứ mới ăn một con mà mong lành bệnh sao được. Nghe ra chàng ta tự giận và trách mình quá dại khờ nông nỗi…

Câu chuyện này Ðức Phật ví dụ cho chúng sanh bị khổ trầm luân sanh tử nhiều đời nhiều kiếp, Ðức Phật ra đời chỉ cho phương pháp thoát khổ nhưng chúng sanh biếng nhác không chịu y theo giáo pháp tiếp tục tinh tấn tu hành, nên vẫn bị sanh tử luân hồi mãi không giải thoát, trở lại trách Phật không độ, Phật pháp không nhiệm mầu…

Thiên Chơn 

“Ta như thầy thuốc hay biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống không phải tại thầy, ta như vị chỉ đường dạy con đường phải, nghe mà không đi, lỗi không phải tại người chỉ đường.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567