Thay lời ngỏ
Kính lạy vong linh cha,
Khác biệt với muôn ngàn trường hợp khi cầm viết đặt lên giấy.
Con ghi lại vài nét – chỉ vài nét thôi về đời sống của cha – một người cha có lắm điều độc đáo, không những chỉ trong hàng con cháu mà bất cứ ai cũng công nhận là hãn hữu và cần rút tỉa những điểm son để soi sáng vào nếp sống của mình.
Đó là ước nguyện và ý niệm của con – vì thế, con tin rằng dù xác thân trả về tứ đại nhưng anh linh cha vẫn còn hiện diện thường trực bên con, bên cháu để nhắn nhủ “ý thức làm người”,
Nha Trang
Mùa Sen nở 2512 (1968)
Khinh An
(Minh Tâm)
Sơ lược tiểu sử
Viết theo lời cụ Tâm Chánh
Cụ ĐOÀN ĐÌNH LUẬN, pháp danh NGUYÊN NGHỊ, bút hiệu TÙNG LÃNH, sinh năm 1892 tại An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia đình Nho sĩ, thân phụ là cụ cố Đoàn Đình Điểu và cụ bà Trần Thị Mai.
Hồi niên thiếu cụ thu thập một nền văn học uyên thâm trong lớp sinh viên Quốc Tử Giám và lãnh bằng tốt nghiệp ký bổ ở trường.
Bản tính thích nông nghiệp, năm 25 tuổi trở về quê vui cảnh đồng ruộng và mở trường dạy học.
Năm 1920 trúng cử Tỉnh Hạt Hội viên và Tư vấn Hội viên. Sẵn tinh thần yêu nước, cụ lấy quyền lợi đồng bào và chủ quyền quốc gia làm tiêu chuẩn hoạt động, nhưng thời thế lúc đó mọi quyền hạn đều tập trung vào tay thực dân Pháp, cụ bất mãn trở về thu hẹp phạm vi hoạt động, không ra ứng cử các khóa sau. Trong thời gian này cụ thường xuyên tiếp xúc với các nhà cách mạng tiền bối như cụ Phan Bội Châu, cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để để góp phần cứu quốc nhưng mọi tổ chức, chương trình và kế hoạch hoạt động đều bị gọng kềm tình báo của thực dân Pháp phá hoại, nhưng không vì thế mà bó tay thúc thủ. Cụ vẫn liên lạc bí mật nhận thi hành chỉ thị, làm hậu thuẫn cho mọi hoạt động của cụ Phan Bội Châu, nhất là phong trào Đông Du do cụ Phan đề xướng.
Một lớp học Nhật ngữ được tổ chức tại vườn nhà cụ Phan với mục đích đào tạo một lớp thanh niên yêu nước có một căn bản tối thiểu để đưa đi du học ngoại quốc, liên kết với các nhà cách mạng nước ngoài hầu trở về giúp dân cứu nước.
Nhắm vào khả năng, tinh thần và điều kiện vật chất sẵn có, cụ Phan Bội Châu giao phó cụ đứng ra quản cố sự ăn uống cho lớp học sinh này. Cụ nhận trách nhiệm và xuất nhân tài vật lực của một đại điền chủ ra làm việc một cách vui vẻ. Nhờ có sự tán trợ và tiếp tay của cụ cố và hai người em ruột là cụ Đoàn Đình Bàn cùng cụ Đoàn Mễ (tức Thượng tọa THÍCH TIÊU DIÊU, người vị pháp thiêu thân tại chùa Từ Đàm năm 1963).
Trong thời gian này, người Pháp luôn luôn theo dõi, ngấm ngầm hoặc công khai khủng bố nhưng không vì thế mà các cụ nản lòng. Khi cụ Phan Bội Châu từ trần, lớp học bị tan rã. Sẵn tính phong lưu, giàu tiền của, cụ đi chu du khắp nước từ Sài Gòn đến Hà Nội tận hưởng mọi lạc thú ở đời – không một tửu điếm trà lâu nào mà cụ không đến, không một khu phố thanh lịch nào mà cụ không rành, không một thắng cảnh hữu danh nào mà cụ không biết. Ngoài thú tiêu khiển bên chung rượu, bên ả đầu, cụ còn tìm bạn tri âm để xướng thi họa vận. Sở thích của cụ là đánh Tài bàn, Tổ tôm và nhất là đánh trống ca trù theo nhịp bỗng trầm của các cô ca kỹ. Có người thấy thế cho cụ ham mê dục lạc mà bỏ quên khí phách anh hùng. Họ biết đâu “kết nạp nhân tài, tuyên truyền cách mạng, mưu đồ cứu quốc” đó là mục đích chính của cụ.
Cụ chủ trương: không cứu được dân một nước thì cứu dân một tỉnh, không cứu được dân một tỉnh thì cứu dân một huyện, xã, làng, nên cùng nhau trở về mỗi người đảm trách một địa phương nhỏ hẹp, đó là lúc cụ ra làm lý trưởng 7 lần trong năm 1947, vì bất cứ ai lên làm chỉ vào ngày đều bị một trong hai bên quốc, cọng sát hại.
Đây là giai đoạn khá nguy hiểm mà cũng khá lý thú trong đời sống của cụ.
Đến năm 1950 cụ tản cư về Hà Trữ (thuộc huyện Phú Thứ bấy giờ), nơi đây cụ chống đối thuế tô và những hành động tàn ác của ông quận trưởng Trần Văn Xuân cùng đồng bọn nên cụ bị vu khống là Việt gian giữa một tòa án nhân dân bịp bợm và bị đày đi Nam Đông giam giữ.
Bốn tháng sau, nhờ sự vận động của người em (cụ Đoàn Đình Bàn) và áp lực mạnh mẽ của ba người con trai lớn (Liêu, Thuyết, Từ là công chức cao cấp trong chính phủ Bảo Đại) nên cụ được trở về bình yên. Từ đó, cụ chỉ chú trọng về công tác xã hội và từ thiện, dạy dỗ con cháu không màng đến chuyện thế sự nữa.
Khi Hiệp định Gènevè ký kết (1954) cắt chia đất nước, cụ càng buồn rầu hơn nên hướng mọi khả năng vào phong trào chấn hưng và hoằng dương chánh pháp với hy vọng giúp dân thoát khổ bằng con đường Từ bi, trí huệ với ý thức dân tộc tự cường.
Lúc ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh, gởi thư riêng mời cụ tiếp tay giúp nước, cảm nghĩa kim bằng, nể lúc giữ bò treo ấn, cụ hăng hái ra tranh cử chức nghị sĩ với ước muốn vào quốc hội tranh đấu quyền lợi cho dân chúng ngay giữa nghị trường. Éo le thay ! thời thế tạo anh hùng, sư tử về vườn và đười ươi làm chúa, cụ thất cử nhưng uy tín càng tăng vì những thủ đoạn tranh cử bè phái đê hèn của Cao Văn Tường đại diện cho phong trào cách mạng hồi đó: Cẩn Nhu = PTCMQG = Cần Lao – Quốc Hội 1956.
Tuy tuổi đã lớn nhưng tinh thần hoạt động còn hăng, cụ không bao giờ dừng nghỉ trong bất cứ việc gì nếu có lợi ích cho dân chúng. Cụ thường tranh đấu, vận động ráo riết với chính quyền hoặc cổ động các nhà hảo tâm thực hiện khá nhiều công tác xã hội và từ thiện như:
- Mở nhà hộ sinh miễn phí khắp nơi
- Mở trại tế bần
- Xây dựng trường học
- Sửa sang đường sá, cầu cống
- Xây giếng nước
- Đào hói, khai mương dẫn thủy nhập điền
- Bắt đập để ngăn chặn nước mặn tràn vào ruộng
- Sửa sang đình chùa miếu vũ, khai phá đất hoang…
Những công tác trên cụ thực hiện không hề phân biệt địa phương, lương giáo. Những người hợp tác đắc lực nhất với cụ ngoài số thân hữu còn phải kể đến linh mục Trần Dụ, nên cụ được dân chúng khắp nơi quận, tỉnh tri ân và hoan nghênh. Vì thế cụ phải đảm đương nhiều chức vụ trong nhiều năm:
- Chủ tịch liên xã
- Trưởng ban từ thiện liên quận
- Chi hội trưởng phước thiện bảo sanh
- Trưởng ban cứu trợ nhân dân bị thủy hỏa đại nạn
- Hội trưởng Hội phước thiện bảo sanh Việt Nam
- Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo
- Cố vấn tổ chức các lớp bình dân học vụ
- Hội viên Hội đồng tư vấn tỉnh
- Hội viên Hội đồng nhân dân tỉnh
Dưới chế độ độc tài Gia đình trị họ Ngô, nhân dân ta thán, cụ thường cùng các bạn như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cụ Trần Chí Kỉnh, cụ Nguyễn Xuân Tiêu, và nhiều vị khác tìm cách thức tỉnh ông Diệm đừng để cho ông Cẩn ông Thục và vợ chồng ông Nhu khuynh loát chính quyền, nhưng đều bị mật vụ của ông Cẩn, ông Nhu chận trước và hăm dọa, các cụ đinh ninh ông Diệm không biết phục thiện, không còn được khí phách tâm địa ngày xưa nên không để ý đến nữa và cùng nhau thành lập hội HƯƠNG BÌNH THI XÃ vui trăng Vỹ Dạ, ngắm nước Hương Giang, xướng thơ họa vận, nhưng khẩu khí các cụ còn chứa đựng trong lời thơ dù tuổi đã về già (xem phần thơ văn ở sau).
Sáu người con trai cụ cũng chống lại chế độ này nên đều bị tù đày, cách chức hoặc sa thải. Mãi sau biến động 1963 hai ông Diệm Nhu bị giết, cụ hết lời thương hại ông Diệm, riêng các con cụ cũng được trả tự do và phục hồi chức vụ cũ.
Mùa hè 1966. Nối chí ông cha con cháu cụ hăng say tham gia phong trào đấu tranh đòi Quốc hội lập hiến, và bị quân đội của các tướng Thiệu Kỳ Loan đàn áp dã man khắp nơi trên toàn quốc. Con cháu cụ lại một lần nữa bị bắt, bị cách chức tù đày. Cụ buồn việc nhà thì ít, hận việc nước thì nhiều, cụ lại bị cả hai phía khủng bố nên rời quê quán vào nghỉ mát ở Nha Trang, năm này cụ đã 74 tuổi. Hai năm sau 1968, cụ nhuốm bệnh và mãn phần tại Nha Trang lúc 3 giờ sáng ngày 26/12 Đinh Mùi (25/01/1968) hưởng thọ 76 tuổi.
Thơ điếu cụ NGUYÊN NGHỊ
ĐOÀN ĐÌNH LUẬN tiên sinh
bút hiệu TÙNG LÃNH
Tùng Lãnh tiên sinh tạ thế rồi !
Để bao ký ức lại trên đời.
Khối tình mang xuống cô vui vẻ,
Chút nghĩa còn đây dượng ngậm ngùi.
Nhóm họ(1) nhóm làng(2) già kiếm trẻ,
Tu thân(3) tu đạo(4) trẻ nhờ ai?
Nha Trang yên giấc muôn nghìn thuở,
Cõi Phật hồn thiêng an lạc hoài.
Huế, Xuân Mậu Thân 1968
Tương Thủy NGUYỄN XUÂN TIÊU
Kính điếu hương hồn
TÙNG LÃNH tiên sinh.
Thi hữu Bình Hương luống ngậm ngùi,
Nghe tin Tùng Lãnh lánh trần ai.
Hải hồ chén rượu vùi theo đất
Phong nguyệt hồn thơ phó mặc người.
Những ước thần kinh mau trở lại,
Ai ngờ tiên cảnh vội xa chơi.
Chương đài gốc liễu còn trơ đó,
Mà bóng Tùng quân đã khuất rồi.
HƯƠNG BÌNH THI HỮU
Quì Ưu NGUYỄN ĐÔN DƯ Khốc bái.
DI NGÔN
Vạn pháp vô thường, sanh tử là luật chung của vạn vật. Trước khi nhắm mắt, cha nhắc nhủ con, cháu, dâu rể, cháu chắt nội ngoại phải ghi nhớ những điều sau đây:
- Với ông bà Tổ tiên: Cố làm sao cho rạng mặt Đoàn Gia, ghi nhận công ơn Tiên Tổ. Cây có gốc, nước có nguồn. Đừng bao giờ làm mất thanh danh Đoàn tộc.
- Với quốc gia xã hội: Dù phước quả hay nghiệp duyên, sinh ra và sống trong lòng đất Việt, phải chung sự vinh nhục với quốc dân, yêu nước, thương đồng bào. Góp sức kiến quốc thời bình, gắng công cứu quốc thời chiến. Sâu dân mọt nước, giá áo túi cơm là hành động của bọn côn đồ, giòng máu Đoàn Gia không thể có. Gương tổ tiên Đoàn Trung, Đoàn Trực phải được soi chung.
- Với mẹ các con: Dù không nói, bổn phận các con cũng phải cung phụng các bà để đền đáp công ơn sinh dưỡng.
- Với anh chị em: Duyên nghiệp gắn bó làm con một cha, thương yêu, đùm bọc, nâng đỡ nhau mà sống nhất là những lúc hoạn nạn. Gia tài của cha để lại đã có phần mỗi đứa. Đa số trai gái đều lớn khôn, có gia thất sự nghiệp vững vàng. Gái có Hơn và Diệm còn nghèo vật chất các con cần lưu tâm giúp đỡ. Trai chỉ có Điệp cha đã giao hẳn cho Thượng tọa Trí Quang. 4 đứa gái út Diệu Lý, Diệu Uyển, Tường Vy, Minh Châu các con phải lo về tương lai cho chúng. Ngoài ra, cha còn hai đứa con trai năm nay trên 20 tuổi bị kẹt ở Hà Nội con của bà Lý Thị Phương Mai ở Hàng Buồm. Nếu hòa bình vãn hồi các con cố tìm hai đứa ấy.
- Với đạo pháp: Sống ở đời không thể làm một con người vô đạo. Phật giáo là nơi duy nhất các con phải đến, phải học, phải phụng thờ quy ngưỡng. Ngoài Phật giáo ra không được theo một tôn giáo nào khác. Đứa nào cãi lời phải lập hội đồng gia tộc mà khuyên răn.
Sau khi cha mất:
Phải tuyệt đối tuân hành đúng lời di huấn.
Mời Thượng tọa Trí Nghiêm và chư ĐĐ ở PHV/NT hộ niệm.
Đánh điện cho Thượng tọa Trí Thủ hay.
Không được làm đám linh đình, tốn kém vô ích, cấm tuyệt đối việc giết hại sinh vật để cúng bái.
Tụng kinh, ăn chay đúng 49 ngày.
Mọi việc khác giao cho Gia Trưởng Đoàn Đình Liêu định đoạt
Nha Trang, ngày… tháng… năm 1968*
Nguyên Nghị
Đoàn Đình Luận
Cụ Tâm Chánh “Ư-C” đã viết tiểu sử về cha tôi có lắm điều mà khi cụ kể lại hoặc tôi kể cụ cười bảo “tôi để dành phần chi tiết đó cho anh, tôi cũng khuyên anh chép lại và rất nên chép lại, để làm gì, cho ai, thì cái đó còn tùy”.
Xem cụ như cha và cũng được các anh tôi bảo. Tôi vâng lời “RẤT NÊN CHÉP LẠI, ĐỂ LÀM GÌ, CHO AI, THÌ CÁI ĐÓ CÒN TÙY”.
Tùng Sơn
Đoàn Đình Điệp
1.
Cuộc đời chính trị của cha tôi không như bao chính khách khác, không lên voi xuống chó mà cũng chẳng trèo cao té nặng vì không bao giờ “đầu cơ” mà luôn luôn đứng về phía nhân dân sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt hại về vật chất, bị đe dọa về tinh thần và gian lao về thể xác. Nhưng cái may mắn là thiện nghiệp khá dày nên suốt đời cuộc sống vẫn sung túc vui khỏe cho đến lúc lâm chung.
Lúc hoạt động bí mật chống Pháp dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Bội Châu, có lần viên khâm sứ Pháp mời đến tham vấn, khi đã bắt giam cụ Phan. Sau đây là mẫu đối thoại:
Có phải ông là đồ đệ của cụ Phan Bội Châu không?
Đâu có một mình tôi, cả toàn thể dân tộc Việt Nam chớ.
Các ông có biết chống lại chính phủ bảo hộ là hành động dại khờ và nguy hiểm không?
Thưa ông, nếu sợ nguy hiểm chúng tôi đã không làm. Còn thế nào là dại khờ? Chấp nhận nô lệ, cúi đầu chịu mất nước là thái độ khôn ngoan sao?
Ông ngoan cố lắm nhưng liệu các ông có chống nổi chúng tôi không?
Viên khâm sứ cười, hỏi tiếp:
Các ông lấy gì để chống với súng ống tối tân và binh lính thiện chiến của chúng tôi?
Chúng tôi có bàn tay, và khối óc, nhất là tinh thần bất khuất của dân tộc Việt.
Trước mặt tôi, nói thế ông không sợ sao?
Dấu diếm làm chi khi các ông đã biết rõ tất cả, lúc đến đây tôi đã chuẩn bị vào khám rồi mà.
Ông lầm rồi, mời ông tôi không có ý bắt, dù sao thì cũng còn có Nam triều, hơn nữa ông nguyên là Tỉnh hạt hội viên, những người tôi kính nể, tôi chỉ muốn các ông hợp tác, bằng không cũng đừng chống đối lại đường lối của chính phủ tôi.
Chúng tôi sẽ không bao giờ chống lại nếu các ông không xâm phạm quyền lợi và nền độc lập của dân tộc tôi.
Về nhà, các bạn đến thăm, cha tôi cười nói: “Biết chắc là nó không bắt nên nói cứng cho vui vậy thôi chứ trong bụng cũng ngán lắm chớ”.
2.
Nhắc đến năm 1947–1948 ai cũng kinh khiếp chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”, không đêm nào mà không có những vụ chém chặt, cắt đầu, vằm thây hoặc chôn sống, dĩ nhiên đáng tội cũng có mà oan ức không phải là không. Muốn trả lễ, người Pháp cũng chủ trương bắn giết không gớm tay. Chung qui chỉ có dân lành là nạn nhân chính của cả hai bên. Cũng chính vì thế mà cha tôi đã phải ra làm lý trưởng 7 lần trong 1 năm.
3.
Nhận con dấu tại quận đường Phú Vang về chưa quá 24 giờ. Tối hôm đó Việt Minh gõ cửa vào nhà, cha tôi thản nhiên hỏi:
Bắt, giết hay thâu dấu?
Mấy anh chàng Việt Minh bật cười:
Bác mới nhậm chức hồi trưa, chưa làm gì hại dân nên chúng tôi chỉ thâu dấu chứ không giết.
Nếu giết thì tôi mặc áo điều, bắt đi thì mặc áo ấm, còn nếu thâu dấu thì có sẵn đây.
Cha tôi mở tủ trao dấu cho họ rồi “tạm biệt” đóng cửa ngủ, sáng sớm đi trình quận để nhận con dấu khác hoặc bị cách chức. Liên tiếp 2, 3 lần như vậy, viên quận trưởng phàn nàn:
Đã mấy lần bị nó thâu dấu, bác không làm sao giữ được trong vài tháng sao?
Ngay cái mạng đây còn giữ không được, chúng mượn lúc nào cũng được huống chi dấu. Thương dân, không ai làm tôi phải làm chứ có sung sướng gì đâu. Nếu ông tiếc thì thôi vậy.
Sợ cha tôi từ chức, viên quận trưởng xuống giọng và bảo lính đi làm con dấu khác.
4.
Dân trong làng thường sinh kế ban đêm bằng nghề đánh cá và thường bị lính các đồn bắt giữ trong những cuộc hành quân. Mỗi lần có người bị bắt là thân nhân đến nhà nhờ đi lãnh, cha tôi không từ chối với bất cứ ai mà luôn luôn tỏ ra vui vẻ sốt sắng nữa.
Có lúc cấp bách, trời lạnh như băng, dân bị bắt tới réo gọi nửa đêm cha tôi cũng phải ra đi trước mờ sáng cho đến đồn vì người Pháp và lính cò-măng-đô thường hay bắn người trước đồn vào lúc chào cờ buổi sáng để thị oai.
Một hôm, đến đồn Đài (Thuận An) đúng lúc hai người dân sắp bị bắn, cha tôi vào xin bảo lãnh, bảo đảm họ không phải là Việt Minh. Viên đồn trưởng hỏi:
Sao ông biết nó không phải là Việt Minh?
Tôi biết chắc lắm, nó không những là kẻ dân lành mà còn cháu gọi tôi bằng bác nữa.
Ông lý có đoan chắc không?
Chắc 100%.
Nếu tôi trưng bằng chứng nó là Việt Minh ông lý nghĩ thế nào?
Biết tính người Pháp, không do dự, còn tỏ vẻ cương quyết:
Nếu có bằng chứng tôi xin chịu tội.
Người Pháp rất tin tưởng trước thái độ cương quyết, cười bảo:
Thử ông lý đó, tôi định dọa cho nó sợ thôi chứ không có ý bắn thiệt.
Hai người dân được tha, mừng rỡ lạy như tế sao. Cha tôi bảo:
Bây là dân làng, tau có bổn phận đùm bọc che chở, nếu biết ơn bây chỉ cần ăn ở hiền lương, lo làm ăn nuôi con vợ đừng làm những gì bất nhân, bất nghĩa gây tai họa cho bà con xóm làng là được.
Những trường hợp tương tự xảy ra rất thường, các viên đồn trưởng Sư Lỗ, Mai Xuân, đồn Dừa, đồn Đài… gặp nhau thường nói: “cái ông lý An Truyền đúng là Việt Minh chê, chả làm được trò trống gì ngoài việc đi bảo lãnh dân về”, mà quả đúng vậy trong thời gian nếp mè lộn lạo ấy.
5.
Năm 1947–1948, cái năm mà hung thần ác quỷ hoành hành, không có đêm nào là không có người bị chém chặt, chôn sống (do Việt Minh) và cũng chẳng có ngày nào là dân không bị đốt nhà, cướp của, hiếp dâm (do người Pháp) còn chính phủ Việt Nam xem như vô quyền, bất lực. Dù được người Pháp nể và Việt Minh chê, hằng ngày thấy sự chết chóc nhiều quá và cũng dễ dàng quá nên ngán. Mỗi đêm trước khi đi ngủ đều có phòng thủ – lối phòng thủ ngộ nghĩnh nhất của cha tôi là tập trung chiêng, trống, phèng la treo khắp nhà lầu để làm khí giới và dùng chúng tôi làm lính cận vệ, lúc ấy chúng tôi mới 10, 12 tuổi. Mỗi lần có Việt Minh đến hỏi thăm, gọi cửa nhà dưới là tầng trên cha tôi biết, ông đánh thức chúng tôi dậy, mỗi đứa hai tay chụp ngay 2 cái dùi, gặp trống đánh trống, đụng chuông đánh chuông, mò nhằm phèng la đánh phèng. Với gần 5 cái phèng, 4 cái trống và 6 cái chiêng – thôi thì tha hồ cho chúng tôi đánh, lủng hay bể đách cần biết. Mãi đến bây giờ tôi cũng không rõ mục đích đánh để làm gì, nhưng lúc đó thì sau một trận làm rung làng chuyển quận bằng trống, chiêng, phèng la, Việt Minh bỏ đi mất không thèm gọi cửa nữa và dân lành hay lính trong đồn cũng không ai tới cả.
Vì thấy lối phòng thủ và chống giặc một cách khoa học của cha tôi nên thỉnh thoảng lính trong đồn giả Việt Minh gọi cửa, hay Việt Minh thật đến thăm chơi để được nghe một trận trống phèng inh tai, cười cho thoải mái.
Riêng chúng tôi cũng thấy thích vô cùng, vì được đánh phèng, đánh trống tha hồ, sướng tay, vui tai. Có lúc 5, 7 đêm chưa được đánh một lần là trong bụng cầu mong Việt Minh đến gõ cửa để được đánh trống chiêng cho đã.
6.
Bà nội kể lại cho chúng tôi nghe vài mẫu chuyện về cha lúc còn thanh niên, 12 tuổi còn đến chợ tìm bà lôi vú ra bú trước khi đi học. Sẵn sàng nhận một con cá đối đổi mất mấy sào ruộng hoặc bán vài mẫu ruộng để được nghe cô ca kỷ thỏ thẻ một đêm. Lúc thấy các quan phủ, quận ngồi xe có phu kéo về nhà cũng sắm xe nuôi phu kéo đi chơi cho bằng được.
Với bản tính gàn bướng, có một lần quận đường đòi đến xử một vụ gì đó, lúc đến, cha tôi chểm chệ ngồi trên chiếc xe kéo, phục sức như một ông hoàng: khăn đóng, áo gấm thêu, chân đi giày hạ, bảo phu kéo thẳng vào sân quận đường như xe bao nhiêu công chức và dĩ nhiên xe cha tôi bị chận lại, nổi giận, ông đại náo quận đường một trận rồi bỏ về và kết quả bị “phạt vi cảnh” 10 mẫu thượng đẳng điền.
Ai cũng ngán cái thời phong kiến ấy, nhưng cha tôi thì không. Bà nội tôi có hỏi, cha tôi cười trả lời “thấy nó bất công, quan liêu mà ghét nên chửi một trận cho khoái khẩu và cảnh cáo chơi, đáng chi 10 mẫu ruộng mà mạ lo”.
7.
Đại khái đời sống cha tôi gàn bướng và phung phí chứa đựng tâm hồn nghệ sĩ, phóng khoáng như vậy và cũng chính vì thế mà trong lúc VM mở mặt trận kháng chiến chống Pháp, cha tôi bị liệt vào thành phần phú nông, tư bản dù đã có thành tích cách mạng.
Năm 1949–1951 gia đình tôi tản cư về Hà Trữ, nơi đây cha tôi bị kết án Việt gian, cường hào ác bá rồi bắt đi giam ở Nam Đông, nơi rừng thiêng nước độc. Lúc ấy độ khoảng 6 giờ chiều, cả gia đình do mẹ tôi dẫn về thăm nhà. Ở lại Hà Trữ chỉ có cha, tôi và anh Tư. Mấy cha con đang ngồi ăn cháo tấm nếp – thứ cháo mà cha tôi thích nhất. Ngoài đường có tiếng kêu gọi đồng bào về sân vận động Thanh Lam Bồ để xét xử mấy tên Việt gian, cha tôi bảo: “Ăn mau mà đi coi, nếu có kẻ làm tay sai cho Pháp, tau ghét quá, mạ bây đi lâu quá tau hơi nóng ruột…”. Nói chưa hết câu thì mấy tên công an bước vào mời cha tôi lên Ủy ban có việc, sau một chút ngạc nhiên, cha tôi lặng lẽ lấy áo mặc vào rồi theo họ, trước khi ra khỏi nhà cha tôi dặn lại: “Tin cho mẹ và các anh chị con biết, cha đi chưa biết bao giờ về”.
Một chốc mấy người công an trở lại bảo anh em tôi: “Cha mày là Việt gian, tối nay sẽ bị tòa án nhân dân xét xử, chúng mày cũng có máu Việt gian, tau cấm ra khỏi nhà nghe chưa, xớ rớ tau bắn vỡ óc”.
Chúng tôi không sợ nhưng lo cho cha tôi nhiều. Tôi thầm nhủ Việt gian là cái quái gì, cha tau mà là Việt gian! ông vừa bảo ai làm tay sai cho Pháp ông ghét lắm kia mà. Tôi liên tưởng đền hình ảnh của một ông Út bị bắn vỡ đầu vì làm hương kiểm: Việt gian! Một ông Địch bị vằm nát thây vì thâu tiền chợ: Việt gian! Một thằng Phùng vì đi chiếc xe đạp có cột mấy sợi chỉ xanh đỏ: Việt gian! Nên nó bị chôn sống. Ai Việt gian, phải chết! Đúng rồi. Nhưng Việt gian đâu mà nhiều quá vậy, ngay cả chúng tôi mới hơn 10 tuổi cũng Việt gian nốt!
Lo sợ quá tôi đâm liều, trời vừa tối, chuồn ra khỏi nhà theo đường hầm để núp máy bay oanh tạc không ai hay biết. Không dám đi đường thẳng, tôi theo bờ ruộng đến sân vận động Thanh Lam Bồ. Đến nơi, người đã đông, đứng trên một cái bàn cao, viên quận trưởng Nguyễn Văn Xuân đang thao thao kể tội trạng của từng người. Đồng bào im lặng đứng quanh không ai dám lên tiếng. Mấy nạn nhân trong đó có cha tôi, một người đàn bà tên Xuyến (bà ta thường đến nhà tôi chơi) và 2 nạn nhân bị trói cứng vào hai cái cọc – một người lạ và một người bạn thân với cha tôi là chú Súy.
Đại khái tội trạng của 4 tên Việt gian là:
Liên lạc với Pháp.
Ra dấu hiệu bằng cách phơi đồ đồng đồ nhôm phản chiếu ánh sáng mặt trời cho máy bay Pháp oanh tạc.
Ruộng nhiều mà không chia bớt cho bần cố nông, nạp thuế tô không đủ, bóc lột nhân dân.
Không kêu gọi con cháu trở về với kháng chiến và còn vô số lý do cà mèn khác nữa.
Cuối cùng, xử tử 2 tên bị trói ở cột, còn 2 tên Đoàn Đình Luận, Nguyễn Thị Xuyến đày đi Nam Đông cải huấn.
Sau 3 phát súng lệnh – một tràng súng trường nổ dòn như tiếng thét của tử thần, những vòi máu bắn tung tóe ra trên mặt cát, hai cái đầu nghẻo xuống để nhận hai viên kẹo đồng “ân huệ”, còn hai người được công an dẫn đi trước sự kinh khiếp của mọi người và sự hoan hỷ của mấy con quỷ sứ… Tôi về nhà, mệt mỏi, bàng hoàng và thiếp đi trong cơn ác mộng.
8.
Sau khi cha tôi bị đi đày lên Nam Đông, dù là nhi nữ, chị tôi (Đoàn Thị Kim Trang) cũng phải đảm trách công việc bới xách hàng tháng, cứ mỗi lần đi về thời gian mất ít nhất 15 ngày đêm, chưa kể sự tốn kém và nguy hiểm lặn suối trèo đèo, vạn tử nhất sanh khi băng qua quốc lộ hay bị máy bay Pháp oanh tạc. 4 tháng sau, cha tôi được phóng thích. Rất có thể phước báo người còn dày, cũng có thể nhờ sự vận động của mẹ tôi và bà con thân thích, nhưng lý do chính có lẽ nhờ sự “can thiệp ẩu” của các anh tôi bằng cách tha nhiều cán bộ cao cấp của VM để mạng đổi mạng, và chính trong thời gian này cha tôi sáng tác nhiều văn thơ giá trị (xem phần văn thơ).
9.
Là những công chức cao cấp, có quyền hành trong chính phủ Bảo Đại. Khi cha tôi bị bắt, dù báo tin ngay ít nhất cũng một tháng sau các anh tôi mới biết tin. Tôi không muốn nói sự buồn lo mà cần nhắc sự tức giận và phương sách can thiệp “ẩu” này: chọn 3 người cán bộ của VM trong nhà lao dẫn lên văn phòng dẫn dụ. Đại khái anh tôi nói: “Các anh đừng độc quyền hay nói đúng hơn là lạm quyền yêu nước, đừng tưởng ai phục vụ trong chính phủ Bảo Đại là phản quốc. Chưa hẳn. Cha tôi là một người có thành tích cách mạng, có tinh thần yêu nước và trung thành với chủ thuyết quốc gia cực đoan, các anh đã vu khống, đã u mê khi muốn tiêu diệt thành phần quốc gia đối lập, bắt đày cha tôi và những người đồng chí của ông là một lầm lẫn lớn. Nhưng thôi, cuộc đời này dù trong lãnh vực nào cũng có đổi chác. Mạng đổi mạng, tôi tha các anh để đổi mạng sống của cha tôi. Sau một tháng nếu cha tôi không về đến nhà chúng tôi xem như ông đã bị các anh giết chết và lúc đó hậu quả mà các anh phải chịu, ngoài những sự việc khác, đồng chí của các anh sẽ bị hành quyết trước cột cờ một người vào mỗi buổi sáng và đếm đúng một tháng mới thôi. Tuy có ác độc, bất nhân thật đấy nhưng so với các anh với chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót” thì nó nhân đạo hơn nhiều. Các anh nghĩ sao? Đừng hiểu rằng chúng tôi hành động như thế với tính cách lợi dụng quyền hành và hoàn toàn tư thù, cũng có chút ít thôi, đời là thế, thù nhà lẫn nợ nước. Chúng ta xem đây là một cuộc trao đổi tù binh mà các anh có lợi hơn nhiều. Anh em chúng tôi chưa bao giờ giết người, các anh đừng bắt chúng tôi phải nhúng tay vào máu. Không cần những thủ tục rườm rà, các anh được tự do từ giờ phút này, nhân viên của tôi sẽ đưa các anh ra khỏi thành phố. Chúng tôi hy vọng và trông chờ thiện chí các anh. Chúc bình an”.
Sau gần một tháng thì cha tôi được về. Chúng tôi hay tin và đi đón người ở bến đò. Cha tôi vẫn mập mạnh tuy có hơi xanh vì thiếu ánh nắng. Một điều lạ là bất cứ ai đi Nam Đông về, ngay cả những thanh niên mạnh như voi cũng bị sốt rét rừng, uống phải nước độc nhuốm bệnh mà chết. Thế mà cha tôi không bị gì cả, dù đã già, cho đến ngày lâm chung cũng không một lần nào bị chứng sốt rét hay ngã nước.
10.
Năm 1954 Tổng thống Ngô Đình Diệm mời ra tham chính, cha tôi từ chối vì thấy chính sách ông Diệm chưa được rõ ràng, chỉ nhận làm Chủ tịch liên xã. Buổi giao thời trong phạm vi và chức vụ nhỏ hẹp, cha tôi chú trong nhiều đến công tác xã hội và từ thiện. Sau đó, cũng nể tình cố cựu, tin tưởng vào hành động treo ấn từ quan của ông Diệm nên bằng lòng ra tranh cử quốc hội. Có ngờ đâu mỗi miền mỗi lãnh chúa, ông Diệm đâu có quyền bằng ông Cẩn, ông Thục ở miền Trung đó là chưa nói đến đảng Cần lao và phong trào Cách mạng quốc gia của ông Nhu và cũng chính vì thế dù thất cử thua phiếu ông Cao Văn Tường do PTCMQG đề cử nhưng thanh danh càng được rạng ngời và cảm tình với nhân dân càng thêm sâu đậm.
11.
Chủ động trong việc mua phiếu, gian phiếu khủng bố cử tri để dồn phiếu cho Cao Văn Tường là ông quận trưởng Phú Vang Hồ Văn Tiên điều khiển luôn cả guồng máy gian lận ở các quận Hương Thủy và Nam Hòa. Trong một bữa ra mắt đồng bào, cha tôi đã tuyên bố: “Con người ra làm việc không phải là một con thú đi tìm mồi, nếu mang ý đồ này mà ra tranh cử, xin đồng bào xem đó là một con gà không hơn không kém. Riêng trong kỳ tuyển cử này, những người có trách nhiệm mà vận động bất công, gian lận sẽ nhận chịu sự bất công trừng phạt, dù rằng chủ nào chó ấy…”. Đồng bào vỗ tay mà chủ tọa đoàn thì ngồi sượng mặt. Có điều ngộ nghĩnh là sau đó ông quận trưởng Hồ Văn Tiên bị đày chuyển đi miền sơn cước chỉ vì một bãi phân trâu trên đường Thuận An đã làm cho cụ cố Ngô Đình Cẩn nhớp áo.
12.
Khẩu khí của cha tôi lắm lúc như cuồng sĩ, một lần khác, ngay giữa hội trường trong kỳ Đại hội quân, dân cáng chính có cả phái đoàn Tỉnh chủ tọa. Với tư cách Hội đồng tư vấn tỉnh Thừa Thiên, khi đề cập đến vấn đề tham nhũng, ông đã thẳng thắn phát biểu: “Đất nước thì điêu linh, dân chúng thì nghèo đói, giặc giã thì hoành hành mà chính quyền thì tham nhũng, quan liêu, hối lộ, thối nát, thằng trên ăn theo trên, thằng dưới ăn theo dưới, hút hết xương tủy của dân, phân của dân để bón ruộng cũng không chừa, chính những thằng tai to mặt lớn trong tỉnh trong quận trong xã ăn cướp của dân chứ không ai khác. Xin hội nghị lôi cổ ra đè xuống đánh vài chục hèo cho nó chừa cái thói ăn của dân đi. Riêng chúng tôi, Hội đồng tư vấn tỉnh đang phối kiểm hồ sơ và sẽ trưng bằng chứng để toàn dân biết một ngày gần đây”. Cả hội trường nhốn nháo vì cái lối phát biểu ruột ngựa của cha tôi. Dù sao cái bọn sâu dân mọt nước cũng ngán “ông già chịu chơi Đoàn Đình Luận”.
13.
Có thể nói cuộc đời cha tôi là cả một bầu trời nghệ sĩ, bất cứ tại đâu và bất cứ lúc nào, cha tôi cũng là một nghệ sĩ chính danh với đầy đủ ý nghĩa, lối tranh cử cũng thế, nó không thông thường như các ứng cử viên khác, nói trên trời dưới đất, hứa hẹn cho nhiều, phỉnh gạt đủ cách, mục đích để chiếm phiếu. Cha tôi thì khác. Tiểu sử chỉ ghi vài ba hàng đại cương, bích chương thì in một bài thơ bát cú (xem phần văn thơ), lúc tiếp xúc với đồng bào, thưa gửi vài câu thực tế, thế mà chiếm cảm tình khá nhiều, nên trúng cử Hội đồng tỉnh 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
14.
Cái thú của đời nghệ sĩ là lồng vào tác phẩm của mình những gì mình muốn, nắn lên những nhân vật mình ưa, tạo một xã hội nho nhỏ cho riêng mình hay châm biếm đời một cách sâu sắc, tế nhị mà người nghe, người đọc phải nhận thức tế nhị nữa mới thâm cảm được ý tác giả.
Cha tôi sáng tác vở bi hùng kịch thơ NHẤT GIA TAM TRUNG dài 3 màn 6 cảnh (vở kịch này bị người Pháp thủ tiêu) cơ quan tuyên truyền của Việt Minh đem diễn khắp nơi. Nội dung của vở kịch ghi nhận lòng yêu nước của 1 nhà 3 người chống Pháp và hy sinh đến cả thân mạng nhưng trong đó lại ẩn ý lên án chính sách “vắt chanh bỏ vỏ” một cách khéo léo và rất ít người nhận thức ra và cũng là một lý do để cha tôi phải bị trả bằng 4 tháng ở Nam Đông.
Trong thời ông Diệm cũng thế, cha tôi sáng tác văn thơ để đăng các báo, gởi đài phát thanh phổ biến cũng với tinh thần trên mà chính quyền đương thời cũng không biết như bài CHỢ ĐỜI sáng tác lúc bầu cử Quốc hội khóa II (1963), bài MỘNG TRUNG CẢM TÁC sáng tác lúc tranh đấu của Phật giáo 1963. Riêng ông Quản đốc đài phát thanh Huế lúc bấy giờ là Đại úy Vũ Quang Ninh về nhà xin chép rất nhiều thể thơ: Ca trù, Nam ai, Nam bằng, hò mái nhì…, lên đài phát thanh để phổ biến, đa số các bài trên đều lấy bút hiệu Tùng Lãnh, Nguyên Nghị hoặc Hoài An…
Thú nhất là những lúc bình thi với các thi hữu trong nhóm HƯƠNG BÌNH THI XÃ.
15.
Nhiều lúc cha tôi ở nhà hay mùa đông giá buốt chúng tôi quây quần bên lò sưởi kể chuyện cổ tích, nói chuyện Tây Du, cha tôi cũng ngồi bên cạnh giảng giải những nhân vật Tam Quốc cho chúng tôi nghe, nhân vật mà cha tôi khoái nhất ngoài Khổng Minh ra là Lưu Bị, kế đến là Tào Tháo, tôi thì khoái Quan Vân Trường, anh tôi bênh Phụng Sồ, em tôi mê Châu Du… thế là mấy cha con nêu lập luận, bàn cãi sôi nổi. Bàn cãi chán rồi xoay ra làm thơ, ra đối, cha xướng con họa, chúng tôi ra đề cha tôi đối lại, không khí thật êm ấm. Có một lần, khi mới ngồi vào bàn ăn, chúng tôi sắp cầm đũa, cha tôi nhìn lên cây chim chim trước mặt nhà, lúc hoàng hôn xuống, lũ chim bay về ngủ rộn rịp trên cành, cha tôi nói: “Khoan ăn đã, tau ra câu đối này đứa mô đối trước được thì ăn, không đối được thì ngồi mãi đó: CHIM ĐẬU CHIM CHIM KÊU RỐI RÍT”. Chúng tôi ngơ ngác, phần đi học về đói bụng, phần thì không chuẩn bị tinh thần nên nhìn nhau bối rối, rồi xin làm chung, cha tôi bằng lòng, thế là mỗi đứa tìm mỗi chữ ghép lại. Sau 5 phút chúng tôi đối lại như thế này: “BÁC TRỒNG BÁC BÁC ĐỂ ĂN CHƠI”. Cha tôi cười bảo: “Tàm tạm thôi, chưa chỉnh lắm, chữ rối rít mà đối chữ ăn chơi nghe sao được, tuy nhiên hợp cảnh hợp tình cũng tạm gọi là được vì trước ngỏ nhà cũng có cây Bác bác”.
Một lần khác nhân ngồi trên xe đò có một nàng thiếu nữ tân thời, hút thuốc cotab, cha tôi lại ra câu đối CÔ HÚT THUỐC CÔ TÁP, chúng tôi đối ngay BÀ MẶC ÁO BÀ BA dù không được hay cha tôi cũng khen và lúc về nhà chúng tôi được thưởng một chầu bắp rang khoái khẩu. Cha tôi thường kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện thích thú trong lúc chơi đối ngày xưa lúc Pháp mới đô hộ có làm một cái câu ở hướng đông nam trong thành nội Huế, có cụ đồ nho ra câu đối TÂY BẮC CẦU ĐÔNG NAM, không có ai đối chỉnh được, mãi mấy năm sau, lúc Nhật qua tước quyền người Pháp ở Đông Dương mới có người đối lại NHẬT HOA CỜ PHÁP VIỆT.
16.
Cha tôi rất vui tính, có hôm vào khoảng 2 giờ sáng tự nhiên ông nổi lên rên như bọng, mẹ và chúng tôi thức dậy thắp đèn lên thấy ông run bần bật, miệng sùi bọt mép như người bị kinh phong. Kêu gọi hoài ông không tỉnh được phải chạy đi mời thầy lễ y tá tiêm thuốc và lấy dầu thoa bóp khắp người, ông vẫn rên ầm ầm. Mãi đến lúc sau khi y tá đến sắp sửa tiêm thuốc thì cha tôi ngồi bật dậy cười ha hả, trong nhà hết sức ngạc nhiên, ông nói “Tau có đau ốm gì đâu, thỉnh thoảng chơi như vậy cho nó vui cửa vui nhà, và xem bây có đứa mô thương tau nhiều, biết liền”. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, bụng bảo dạ “Mình có người cha ngộ quá” (Lão ngoan đồng của Kim Dung sống lại vẫn còn thua đấy). Riêng mẹ chúng tôi trách móc “Chơi chi mà ác thiệt làm người ta hoảng hốt, thần hồn nát thần tính đó”. Cha tôi cười bảo “Nhưng chừ thì vui lắm phải không mình?”.
17.
Mùa đông ở Huế đôi lúc lạnh dưới 5 độ, chúng tôi không dám ló đầu ra khỏi chăn dù thường lệ phải thức dậy học bài lúc 4 giờ sáng. Có lần vì quá lạnh mà gặp phải mùa thi, những lúc này là một cực hình cho học sinh xứ Huế, chúng tôi cố gắng lắm là nằm trên giường mà học bài. Thấy thế, cha tôi lẳng lặng ra sân rồi hối hả gọi chúng tôi ra xem cái này ngộ lắm. Động tính hiếu kỳ chúng tôi mở cửa ra xem, gió bấc thổi vào mặt buốt giá – cha tôi đang ở trần trùng trục, trên tay cầm gáo múc nước xối ào ào vào mình. Chúng tôi rút cổ, nhìn trân trối. Một lúc ông vào, lau khô rồi bảo chúng tôi tập trung hết chăn chiếu trong nhà đắp cho ông, cao như một hòn núi giả, rồi ông nằm ngâm thơ sang sảng, lúc sau ông chìm trong một giấc ngủ ngon lành. Sau hôm đó, chúng tôi không còn dám sợ lạnh nữa và mỗi sáng đúng giờ phải thức dậy học bài.
18.
Cái thú nhất trong đời cha tôi là ngủ. Bất cứ tại đâu và lúc nào ông cũng ngủ được, có thể nói là lối ngủ của cha tôi chiếm giải vô địch thế giới.
Đi xem hát bộ, với 5 cái trống chầu cách nhau khoảng không quá 5 tấc, mỗi lần có một câu hát hay là 5 cái trống cùng lượt đánh lên như sấm động. Cha tôi thủ cái trống giữa, lúc đầu còn xem hát, còn chầu một lúc, chốc sau, gục đầu vào trống ngủ một giấc, mặc cho 4 cái trống 2 bên ầm ầm réo gọi, tiếng ông lại còn ngáy vang, cả rạp hát không ai còn màng xem hát, đào kép cùng khán giả chung xem cha tôi biểu diễn một giấc ngủ thiên thần.
Đang cởi xe đạp đi giữa phố, cha tôi cũng ngủ, có lần tông phải một cái quán bánh bèo bên đường, giữa lúc bà bán quán la hoảng, bát đĩa đổ vỡ lung tung. Cha tôi bừng tỉnh và cười ha hả, đứng lên vào quán kéo ghế ngồi tuyên bố “đã đói bụng lại muốn ngủ, tông nhằm quán bánh bèo là hợp thời, cái gì đổ vỡ thì bỏ đi, cái gì còn lại dọn ra đây xơi một bụng rồi hạ hồi phân giải”. Lúc đầu mọi người đang ngơ ngác nhưng sau vui vẻ làm theo. Cha tôi móc bóp trả tiền ăn và rồi xách xe trở về nhà.
Một lần khác, đi qua đập đá, vì ngủ, cả xe lẫn người phóng thẳng xuống sông Hương. Rủi một chiếc xe đò Thuận An chạy qua, cảnh sát thổi còi giữ lại vì ngỡ tài xế tông người. Từ dưới sông cha tôi lội lên, ướt như chuột, vừa cười vừa nói “Ê, mấy cậu cả, để cho họ đi, vì ngủ gật nên không thấy đường, xe lao xuống sông chứ họ đâu có tông mà giữ họ lại”. Mọi người vui cười trước một tai nạn hy hữu.
Những trường hợp tương tự rất nhiều, một lần hướng dẫn phái đoàn nhân dân tỉnh Thừa Thiên tiếp xúc với quốc trưởng Dương Văn Minh sau cách mạng 1963. Ông Minh hỏi “Cụ đã trên 70 tuổi trông còn mạnh khỏe như thanh niên”, cha tôi vui vẻ trả lời “Còn mạnh hơn thanh niên nữa, chỉ nhờ đi đâu ngủ đó mà thôi”.
Điều thích thú khác trong lối ngủ của cha tôi là ngồi trên Ciclo chạy dọc theo hai bờ hồ sông hóng gió dưỡng thần hay xuống đò chèo ra giữa giòng Hương giang để ngắm trăng và nghe giọng oanh của các ả đầu thỏ thẻ, khoan nhặt theo nhịp chèo vọc nước.
Kết
Con người sinh ra và chết đi. Một thời gian hiện diện giữa cõi đời, một chứng nhân thực tế của giai đoạn. Ăn, ngủ, làm việc là những nét chính mà mỗi người là một họa sĩ tự sáng tác lấy tác phẩm của mình. Đẹp hay xấu tùy sự pha màu và hoàn cảnh là những chất liệu mà tài nghệ của họa sĩ quyết định cho bức tranh hay hoặc dở, có giá trị hay không.
Cha tôi đã tự sáng tác lấy bức tranh của người với đầy đủ màu sắc và ý nghĩa. Khi nhìn vào, dù không nhận chân trọn vẹn. Là con cháu, tôi chỉ làm cái việc lồng kính trang trọng treo lên ở từ đường của Đoàn Gia để cháu chắt giữ làm gia bảo.
Viết xong tại Cam Ranh
ngày 01/11/1968 – PL.2512
Minh Tâm
Đoàn Đình Điệp
Những bài thơ trong đây do bút tích của cha tôi để lại, cũng có vài bài do các thân hữu hay con cháu chuyển về. Đa số là Đường luật, tôi cũng ngờ ngợ có những lời thơ hay ý thơ mượn các điển tích để điểm tô cho nhận thức và ý tưởng của tác giả. Để tránh những hiểu lầm không nên có, xin quý vị niệm tình chỉ giáo.
Thân kính
BI THU
CHÂN THÀNH CẢM TẠ
v Tại Huế
Đại lão Hòa Thượng Chùa Tây Thiên
Thượng Tọa Thích Đôn Hậu Chùa Linh Mụ
Thượng Tọa Thích Mật Nguyện Chùa Linh Quang
Thượng Tọa Thích Mật Hiển Chùa Trúc Lâm
Thượng Tọa Thích Thiện Siêu Chùa Từ Đàm
Đại Đức Thích Thanh Trí và Tăng chúng
Chùa Báo Quốc
Đại Đức Thích Chánh Trực và Tăng chúng
Chùa Kim Tiên
Đại Đức Thích Chơn Thức Chùa Tường Vân
Quý Đại Đức học Tăng khóa Liễu Quán
Chùa Linh Quang
Sư Bà Thích Nữ Thể Quán và Ni chúng
Chùa Hồng Ân
Sư Bà Thích Nữ Thể Yến và Ni chúng
Chùa Diệu Đức
Sư Bà Thích Nữ Diệu Trí Chùa Từ Nghiêm
Sư Cô Thích Nữ Cát Tường
Quản đốc Cô Nhi Viện PG Tây Lộc
Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên
Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên
Hội Hương Bình Thi Xã Huế
Ban Đại diện Ban Hướng dẫn GĐPT/TT
tại Phú Vang
Ban Đại diện Ban Hướng dẫn GĐPT/TT
tại Phú Thứ
Các Ban Đại diện khuôn Giáo hội Phật giáo
trong quận Phú Vang
Các Ban Huynh Trưởng các GĐPT
trong quận Phú Vang
Tổng Hội Phước Thiện Bảo Sanh Việt Nam
Chi Hội Phước Thiện Bảo Sanh An Truyền Nam
Chi Hội Phước Thiện Bảo Sanh Tây Thượng
Ông Chủ nhiệm và Ban Biên tập
tuần báo Thanh Quang
Hội Khổng học Việt Nam – Chi hội Phú Vang
Bà con nội ngoại, làng họ ở An Truyền.
v Tại Nha Trang
Thượng Tọa Thích Trí Nghiêm
Chánh Đại diện GHPG Khánh Hòa
Quý Thượng Tọa, Đại Đức
và Ban Đại diện GHPG Khánh Hòa
Quý Thượng Tọa, Đại Đức Phật Học Viện Nha Trang
Ban Đại diện và Hội viên khuôn Giáo hội Kỳ Viên
Quý vị Sĩ quan, Hạ Sĩ quan
Trung tâm Huấn luyện Đồng Đế
Quý chức QUÂN – DÂN – CHÍNH
các Ty Sở tỉnh Khánh Hòa
Quý Ông Bà, Cô Bác, Anh Chị Em Bạn hữu
và thân bằng quyến thuộc xa gần ở tại Nha Trang
v Tại Sài Gòn
Thượng Tọa Thích Trí Thủ và Tăng chúng
Chùa Già Lam
Ông Đô Trưởng và nhân viên Tòa Đô Chánh Sài Gòn
Ông Giám đốc và Quý nhân viên
thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn
Ông Bà Tôn Thất Dương Kỵ
v Tại Đà Nẵng
Đại Đức Tọa chủ và Tăng chúng
Chùa Phật giáo Đà Nẵng
Ông Tỉnh đoàn trưởng và anh em
thuộc Thị đoàn CBXD/NT Đà Nẵng
Đã phúng điếu, chia buồn, đánh điện phân ưu – Tổ chức cầu siêu, thiết bàn linh tụng kinh cầu nguyện hoặc đến đưa linh cửu Chồng, Cha, Nội, Ngoại, Tổ chúng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng là:
Cụ ĐOÀN ĐÌNH LUẬN
Pháp danh NGUYÊN NGHỊ
Bút hiệu TÙNG LÃNH
Từ trần lúc 3 giờ sáng ngày 26 tháng 12 Đinh Mùi (2511) tức là ngày 25 tháng 01 năm 1968 tại Nha Trang. Hưởng thọ 76 tuổi.
Kế thất: Bà quả phụ
NGUYỄN THỊ DUNG
Thứ thất: Bà quả phụ TRƯƠNG THỊ
THÍ HƯƠNG
Bà quả phụ LÊ BÍCH LIỄU
và:
v Con trai Con dâu
Đoàn Đình Liêu Trần Thị Huyền Yến
Đoàn Đình Thuyết Nguyễn Thị Thư
Đoàn Đình Từ Trần Thị Thảo
Thái Thị Thuận
Đoàn Đình Mãng Lê Thị Cúc
Đoàn Đình Phúng Quách Nguyệt Ánh
Đoàn Đình Điệp
Đoàn Đình Long Huỳnh Thị Mỹ Tín
v Con gái Con rể
Đoàn Thị Hơn Viễn Tồn
Đoàn Thị Kiều Oanh Nguyễn Vĩnh Thanh
Đoàn Thị Túy Oanh Hà Thúc Miển
Đoàn Thị Tuyết Hồng Tôn Thất Quỳnh Nam
Đoàn Thị Kim Trang Ngô Đình Pháp
Đoàn Thị Ngọc Điểm Đào Duy Đức
Đoàn Thị Từ Diệm Hồ Văn Khảm
Đoàn Thị Diệu Lý
Đoàn Thị Diệu Uyển Lê Văn Khôi
Đoàn Thị Tường Vy
Đoàn Thị Minh Châu Đặng Ngọc Mười
v Gia đình Đoàn Đình Liêu
Trần Thị Huyền Yến
Con Dâu rể
Đoàn Đình Thuyên Lê Thị Minh Ngọc
Đoàn Đình Đông Hải Nguyễn Thị Nga
Đoàn Đình Thuận An Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Đoàn Thị Hoàng Hoa Phạm Công Định
Đoàn Thị Bích Hà Trần Đức Võ
Đoàn Thị Thiên Hương Đặng Bình Minh
Cháu
Đoàn Thị Như Hảo
Đoàn Thị Ngọc Lan
Phạm Thị Mộng Ước
Phạm Công Luật
Trần Thị Bích Tiên
Trần Thị Minh Châu
Trần Đức Quang
Trần Đức Phước
Đặng Thị Thu Thủy
Chắt
Nguyễn Đoàn Xuân Huy
Nguyễn Đoàn Xuân Quyền
Nguyễn Đoàn Xuân Quang
v Gia đình Đoàn Đình Thuyết
Nguyễn Thị Anh Thư
Con Dâu rể
Đoàn Đình Lệ Hà Thị Phùng
Đoàn Đình Thủy Hoàng Thị Thu Yến
Tôn Nữ Quỳnh Loan
Đoàn Đình Định Bùi Thị Cúc
Đoàn Đình Yên Nguyễn Thị Minh Giang
Đoàn Đình Yến Lê Thị Tuyết Mai
Đoàn Thị Thanh Nhàn Lê Văn Anh
Cháu
Đoàn Thị Hà Vi
Đoàn Đình Nam
Đoàn Huyền Trân
Đoàn Thị Thùy Dương
Đoàn Đình Thái Nguyễn Thị Mai Loan
Đoàn Tiểu Mi Nguyễn Đình Khôi
Đoàn Đình Anh Khang
Đoàn Thị Nam Anh
Đoàn Đỗ Quỳnh Anh
Đoàn Đình Tuấn Bùi Thị Chải
Đoàn Thị Phương Uyên
Đoàn Đình Nguyên Lưu
Đoàn Đình Nguyên Minh
Đoàn Trần Tiểu Lâm
Đoàn Hoàng Viễn Du
Chắt
Đoàn Đình Tú
Đoàn Đình Cẩm Tú
Đoàn Anh Khoa
v Gia đình Đoàn Đình Từ
Trần Thị Thảo
Thái Thị Thuận
Con Dâu rể
Đoàn Đình Thiện Sandra Kay Scarlett
Đoàn Đình Trần Huỳnh Kim Phượng
Đoàn Đình Phong Nguyễn Thị Kiều Duyên
Đoàn Đình Thái Trần Thị Lệ
Đoàn Đình Tuấn Nguyễn Thị Tuyết
Đoàn Đình Thắng Nguyễn Thị Dung
Đoàn Đình Mạnh Tiến La Kim Hường
Đoàn Đình Kiên Trung Nguyễn Thị Xuyến
Đoàn Thị Diệu Tâm Phan Thanh Tâm
Đoàn Thị Minh Trang Alan
Đoàn Thị Ánh Tuyết Nguyễn Văn Báu
Đoàn Thị Tuyết Nga Robe
Cháu
Đoàn Trần Duyên Anh
Đoàn Trần Đình Anh
Đoàn Đình Phương Uyên
Đoàn Đình Huy
Đoàn Đình Mạnh Toàn
Đoàn Anh Thư
Đoàn Đình Thanh
Đoàn Đình Thi
Đoàn Thị Trâm
Đoàn Đình Tín
Đoàn Đình Khánh
Đoàn Đình Tú
Phan Đoàn Thanh Mai
Nguyễn Nhật Tú
Nguyễn Việt Tú
v Gia đình Đoàn Đình Phúng
Quách Nguyệt Ánh
Con Dâu rể
Đoàn Đình Minh Trí Võ Thị Hạnh
Đoàn Đình Anh Dũng Nguyễn Thị Kép
Đoàn Đình Đức Tâm Võ Thị Mỹ Hòa
Đoàn Đình Minh Triết
Đoàn Đình Duy Linh Mai Thị Diễm Phúc
Đoàn Đình Chí Thiện Nguyễn Hoàng Mai
Đoàn Thị Nguyệt Trinh Ngô Văn Trung
Đoàn Thị Phương Trinh Nguyễn Viết Vui
Đoàn Thị Diễm Trinh Trần Văn Trung
Cháu
Đoàn Ngọc Hoàng My
Đoàn Ngọc Hà My
Đoàn Ngọc Hằng My
Đoàn Đình Minh Mẫn
Đoàn Đình Nhật Quang
Đoàn Đình Nhật Minh
Đoàn Hồng Nhung
Ngô Chí Thành
Ngô Thị Mộng Tuyên
Nguyễn Đoàn Phương Thảo
Nguyễn Viết Tường Duy
Đoàn Nữ Phương Trâm
Đoàn Đình Chí Bảo
Trần Trung Tín
Trần Trung Tiến
Đoàn Mai Thảo Ghi
Đoàn Mai Uyên Nhã
Đoàn Đình Đức Anh
Đoàn Nguyễn Mai Anh
v Gia đình Đoàn Đình Long
Huỳnh Thị Mỹ Tín
Con Dâu rể
Đoàn Đình Luyện Nguyễn Quỳnh Như
Đoàn Đình Lũy Huỳnh Thị Tố Loan
Nguyễn Thị Minh Thu
Đoàn Đình Tiên Sa Nguyễn Thị Phương
Đoàn Đình Lập Trần Thị Trúc
Đoàn Thị Kim Chung
Đoàn Nữ Khiêm Chung Bùi Thành Danh
Đoàn Thị Lệ Viên
Đoàn Nữ Khánh Chung Huỳnh Anh Tuấn
Đoàn Dương Ngọc Huyền
Cháu
Đoàn Đình Lê Đức
Đoàn Nữ Cát Tường
Đoàn Huỳnh Hải Liên
Đoàn Đình Lĩnh
Đoàn Đình Lãm
Đoàn Nữ Khánh An
Đoàn Kim Thanh
Phan Duy Thao
Phan Duy Thanh
v Gia đình Đoàn Đình Mãn
Lê Thị Cúc
v Gia đình Đoàn Thị Hơn
Viễn Tồn
Con Dâu rể
Ái Hy
Ái Huy
Ái Thước
Ái Hòa
Ái Mừng
Công Tằng Tôn Nữ Hạnh
Công Tằng Tôn Nữ Thuận
Công Tằng Tôn Nữ Vui
v Gia đình Đoàn Thị Kiều Oanh
Nguyễn Vĩnh Thanh
Con Dâu rể
Nguyễn Vĩnh Thăng
Nguyễn Vĩnh Cường
Nguyễn Thành Vinh
Nguyễn Viết Hùng
Nguyễn Thanh Huyền
Nguyễn Thiên Uy
Nguyễn Thị Tú Hằng
Nguyễn Thị Thanh Tâm
Nguyễn Thị Kiều Nga
Nguyễn Thị Tú Anh
v Gia đình Đoàn Thị Túy Oanh
Hà Thúc Miễn
Con Dâu rể
Hà Thúc Việt
Hà Thúc Lâm
Hà Thúc Long
Hà Thị Liên Hoa
Hà Thị Liên Hương
Hà Thị Liên Hoàng
v Gia đình Đoàn Thị Tuyết Hồng
Tôn Thất Quỳnh Nam
Con Dâu rể
Cẩm Hoàng
Cẩm Hy
Cẩm Hưng
Cẩm Hân
Tôn Nữ Cẩm Hà
v Gia đình Đoàn Thị Kim Trang
Ngô Pháp
Con Dâu rể
Ngô Đình Cát
Ngô Đình Phương
Ngô Đình Mỹ
Ngô Đình (trái cây)
Ngô Thị Thu Thủy Thành
Ngô Thị Ngọc Lan Tích
Ngô Thị Minh Huệ
Ngô Thị Hồng Bích Sơn
Ngô Thị Hà
v Gia đình Đoàn Thị Ngọc Điểm
Nguyễn Duy Ngạc
Đào Huy Đức
Con Dâu rể
Nguyễn Duy Sinh
Nguyễn Duy Trung
Nguyễn Thị Hường Nguyễn Bá Dư
Nguyễn Thị Kim Anh
Đào Quốc Việt
Đào Quốc Nam
Đào Quốc Hưng
Trần Thị Hoàng Oanh (Kim)
v Gia đình Đoàn Thị Từ Diệm
Hồ Văn Khảm
Con Dâu rể
Hồ Văn Tín (Thích Trung Đạo)
Hồ Văn Thảo Thúy
Hồ Văn Hiền Yến
Hồ Thị Mộng Hảo Nguyễn Văn Cư
Hồ Thị Đóa Nguyễn Văn Hậu
Hồ Thị Sen (Thích Nữ Huệ Viên)
v Gia đình Đoàn Thị Diệu Uyển
Lê Văn Khôi
Con Dâu rể
Lê Văn Hóa
Lê Thị Phượng
Lê Thị Phương
v Gia đình Đoàn Thị Tường Vi
Nguyễn Thanh Long
Con Dâu rể
Nguyễn Thanh
v Gia đình Đoàn Thị Minh Châu
Đặng Ngọc Mười
Con Dâu rể
Đặng Ngọc Đoàn Lâm Trần Thị Minh Tâm
Đặng Ngọc Đoàn Lân Ngô Thị Thúy Hoa
Cháu
Đặng Ngọc Đức Trí
Đặng Ngọc Đức Thịnh
Đặng Ngọc Thúy Linh
Lời cuối sách
Sách này viết năm 1968, vấn đề liên lạc tìm tư liệu rất khó khăn. Chắc chắn không tránh khỏi nhiều sai sót.
Lúc này, con cháu tứ tán, tên tuổi khó chính xác, lại có người mới sanh chưa liên lạc được. Hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ chưa tự do lưu trú vì bị cả hai phía quốc cọng nghi ngờ tìm cơ hội bắt bớ hoặc thủ tiêu, nên mọi sinh hoạt bị hạn chế.
Với hoàn cảnh như vậy chắc quý vị và con cháu thông cảm.
Mấy năm gần đây, con cháu qui tụ về giỗ Cha tôi tại nhà anh Đoàn Đình Thuyết và lập nên “Ban tìm về nguồn cội Đoàn Đình”, liên lạc và điều hành chăm lo giỗ chạp, từ đường, mồ mả ở quê hương cùng qui kết linh cốt gia tộc về chùa Phật Ân ký tự, nên tiểu phẩm này mới có dịp ra đời.
Tôi chỉ thị cho thế hệ kế tục làm gia phả, liên hệ chặt chẽ với hai dòng em: Đoàn Đình Bàn và Đoàn Đình Mể (HT Tiêu Diện, tự thiêu ở chùa Từ Đàm Huế, 1963), để thực hiện tâm nguyện của 3 ôn. Đồng thời tìm tư liệu bổ túc cho tiểu phẩm này được hoàn hảo.
Khả năng tôi chỉ hạn chế ngay đây, phần còn lại giao cho hậu bối. Riêng bà con nội ngoại thân hữu, tôi chỉ xin hai chữ cảm thông.
Phật Ân tự, mùa Phật Đản 2554
Xin liên hệ:
Thích KHINH AN (Minh tâm)
Chùa PHẬT ÂN
Long Thành – Đồng Nai
ĐT: 0613.844.618 – 0612.643.400 – 0933.451.848
***
Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)