Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười sáu

14/10/201311:29(Xem: 11353)
Chương mười sáu
coitroi2



Chương mười sáu

Ngày tôi xách giỏ rời phòng tập thể đi biệt giam là ngày thứ s áu, 27 tháng 6 năm 1986. Tức là chỉ còn 3 ngày nữa là đến kỳ thăm nuôi cuối tháng. Tôi nhớ được chi tiết ngày tháng này là vì lúc đó tôi nghĩ rằng có lẽ người ta cố ý biệt giam tôi trước ngày thăm nuôi để tôi không có cơ hội nhận quà, cũng chẳng có cơ hội liên lạc với gia đình của tôi hay gia đình của các anh Tàu trong phòng giam, khỏi thông báo tin tức gì với “gián điệp Trung quốc.”

Khu biệt giam này chẳng biết là khu biệt giam tử hình hay là khu biệt giam kỷ luật. Có lẽ hai khu ấy cũng chẳng khác biệt gì cho lắm. Chỗ tôi đến có hai căn nhà, một căn lợp ngói có anh cán bộ ngồi hút thuốc nơi chiếc bàn giấy có độc nhất một cuốn sổ; một căn khác là căn nhà đúc vuông vức, quét vôi trằng, bằng phẳng ở phía trên, mỗi cạnh khoảng năm thước.

Khoa giao tôi một viên cán bộ trực khu biệt giam đang ngồi nơi chiếc bàn ở một dãy nhà nho nhỏ gần khu biệt giam. Hai người nói nhỏ với nhau gì đó. Anh cán bộ trực ở khu biệt giam nhìn tôi từ đầu đến chân một lúc rồi bảo tôi đưa giỏ đồ cho anh khám xét. Anh bới tung hết giỏ thức ăn và mùng màn của tôi lên bàn, xăm xoi xét nét từng món, rồi anh thồn hết các thứ vào lại trong giỏ, lộn xộn không cần ngăn nắp. Xong đâu đó, anh ngoắc tôi đến gần bàn, bảo gác một chân lên cái băng ghế, rồi anh lấy một vật bằng sắt có hình chữ U, hai đầu chữ U có khoen tròn, móc vật ấy vào cổ chân tôi; tay kia anh cầm một thanh sắt dài chừng nửa thước, đường kính chừng hai phân, khá nặng, xỏ luồn qua hai khoen tròn ở hai đầu chữ U. Ở đầu thanh sắt nặng vừa xỏ qua, có một cái lỗ, anh móc vào đó một khoen sắt tròn nhỏ há miệng sẵn thay vì móc vào một ổ khoá, rồi anh lấy cái kềm lớn bóp hai đầu khoen sắt nhỏ ấy lại cho sát. Xong việc này, anh cầm xâu chìa khóa, bảo tôi bước theo đến căn nhà đúc vuông.

Tôi phải khó nhọc lắm mới xách cái giỏ bước đi mà không vấp té vì thanh sắt dài nặng nề phía chân phải kia cứ vấp vướng vào chân trái. Có khi chân trái dậm phải đầu thanh sắt khiến cổ chân phải bị trì xuống, đau buốt.

Căn nhà đúc vuông vức này đứng ngoài thì trông như một cái nhà vệ sinh công cộng, mà bước vào trong thì càng giống nhà vệ sinh công cộng hơn, hôi thối nồng nặc. Anh cán bộ phải lấy tay bịt mũi, tay kia cầm xâu chìa khoá với cái chìa lớn đã lựa sẵn lúc ở bên ngoài, nhón chân bước trên những viên gạch đúc đặt dưới nền hành lang lầy lội nước tiểu hay thứ nước gì đó vàng quện, cô sắc lại, ruồi nhặng bay vù vù. Hành lang có chiều ngang chừng một thước rưỡi, chiều dài thì chạy dọc từ đầu dãy đến cuối dãy, tức cũng đâu chừng năm thước. Hành lang ở giữa, chia khu biệt giam thành hai dãy, một dãy gồm 4 phòng, đối diện nhau. Như vậy, mỗi phòng biệt giam có chiều ngang khoảng hơn một thước và chiều sâu chưa đến hai thước. Mỗi phòng biệt giam có một cửa sắt và ổ khoá riêng; mỗi cửa sắt có một lỗ thông gió có then cài bên ngoài.

Anh cán bộ mở cửa xong ra dấu tôi bước vào. Tôi khó nhọc kéo lê thanh sắt nặng dưới đất, chuệnh choạng mò mẫm bước lên những viên gạch lót dưới nền ngập nước. Mùi nước tiểu hăng nồng bốc lên mạnh đến độ khi vừa bước vào tôi đã giật nẩy người lên, sau đó hình như khứu giác của tôi liền biến mất đi, và tôi tưởng chừng tôi đã bị tịt mũi hoặc không còn cái mũi trên mặt mình nữa.

“Nhanh lên, chậm thế!” viên cán bộ thúc hối.

Tôi bước vào phòng giam mở cửa sẵn, chưa kịp bỏ giỏ đồ xuống đã nghe cửa sắt đánh ầm một tiếng rồi có tiếng khóa lách cách thật nhanh bên ngoài. Bên trong tối đen như mực. Tôi chẳng thấy được gì ngay cả bốn vách tường mà từ bên ngoài, tôi biết là được quét vôi trắng. Định thần một lúc cho thị giác điều chỉnh thích hợp với bóng tối, tôi biết tôi đang đứng ở nền thấp; cao hơn chỗ hai chân tôi là một cái bệ, cao chừng hai tấc, bề dài khoảng một thước bảy, bề ngang chừng hơn một chiếu đơn (tám tấc). Tôi đặt giỏ xuống cái bệ đó rồi cúi nhìn xem trên bệ có được sạch không. “Hẳn là không sạch rồi,” tôi thầm nhủ, “nhưng ít ra cũng khô ráo chứ không nhớp nháp lĩnh xĩnh như phía dưới nền. Tôi bỏ giép bước lên bệ nhưng quên mất cái thanh sắt cùm ở cổ chân nên vấp một cái, loạng choạng té chồm tới trước, hai tay chống vội vào vách, gượng đứng lại, nhưng không tránh khỏi cổ chân bị cái cùm sắt nghiến vào da, tựa như bị xẻo thịt.

Ngồi xuống bệ, tôi vừa lấy tay sờ soạng vừa nhướng mắt nhìn xem còn có nhân vật nào ngồi sẵn trong phòng không. Không, không có ai cả. Một mình tôi một phòng giam. Như vậy cũng khỏe. Tôi thích được một mình. Ở phòng tập thể hơn một năm kể cũng vui, nhưng tôi cũng thực sự cần được sống một mình một cõi như trong phòng biệt giam này. Biết không có ai trong phòng, tự dưng tôi thấy lạc quan, vui vẻ. Và tôi sắp xếp chỗ nằm của mình. Trải chiếc chiếu đơn của mình xuống, vừa vặn với cái bệ, chẳng dư chẳng thiếu. Thức ăn lấy ra khỏi giỏ, đặt dọc theo đầu nằm. Cái giỏ đệm với chăn mùng và áo quần bên trong đặt nơi đầu nằm làm gối, đầu hướng vào vách trong, chân đưa ra ngoài cửa. Sắp xếp xong, tôi ngồi một lúc thì bỗng cười lên một tiếng. Họ tưởng giam tôi như vầy thì tôi sẽ khổ sở hơn, không dè tôi càng thích thú, sung sướng hơn nữa là đàng khác. Chỉ có cái là hơi ngộp thôi. Ủa, mà phòng giam không có nhà cầu thì làm sao… hèn gì nãy giờ thấy như thiếu thiếu cái gì. Phòng biệt giam ở T20 (số 4 Phan Đăng Lưu, Bà Chiểu, Sài Gòn) rộng rãi, sạch sẽ vì có riêng nhà cầu và vòi nước chảy mỗi đêm. Ở đây hoàn toàn không có những thứ xa xỉ ấy. Hừm, tiết kiệm gì mà tiết kiệm dữ vậy kia! Tôi lại mò mẫm trong bóng tối, tìm thử xem đâu đó ở bên dưới nền có một cái lỗ gì không. Không, hoàn toàn không. Chỉ có một cái lon để trong góc. Đây là loại lon mà người ta dùng đựng nước sơn, đường kính chừng một gang tay, bề cao một gang rưỡi, có quai xách bằng gọng thép. Vậy là nhà cầu xa xỉ của xã hội tư bản đã được cải biến, thu gọn lại thành cái lon sơn xã hội chủ nghĩa. Cứ lum khum ngồi trên cái lon kiểu đó một cách cẩn trọng, khéo léo, chính xác và đầy chú tâm thì sẽ thấy ngay các đức tính “cần kiệm,” “liêm chính,” “chí công” và “vô tư” hiện ra đầy đủ trên nét mặt.

Mỗi ngày hai bữa cơm, có anh nuôi đưa đến tận nơi. Anh nuôi cũng đảm trách việc đem đổ cái “động sản” cầu tiêu của các phòng biệt giam vào mỗi chiều rồi đưa trả lại cho mỗi phòng một cái lon đã được dội nước. Có người phục vụ như vậy thì còn đòi hỏi gì nữa! Có điều, mỗi lần đưa cái lon cho anh nuôi đem đi đổ, tự dưng thấy ngượng. Rõ ràng quá mà, tác giả là đây, chối chạy đàng nào!

Các phòng biệt giam ở đây đêm như ngày như nhau, tối thui vì không có bắt bóng điện. Ở hành lang thì có hai bóng, một cái đầu này, một cái đầu kia, chỉ được bật lên vào 6 giờ chiều. Ánh sáng hành lang ban ngày thì do nắng, ban đêm thì do bóng điện, không lọt vào nổi cánh cửa sắt kín mít. Chỉ khi nào cửa gió được anh cán bộ trực tử tế nào đó mở cho thì mới có chút ánh sáng lọt vào, vàng vọt, đủ để thấy cái miệng lon sơn tròn méo ra sao. Tôi không lấy điều này làm chuyện phiền hà. Đôi lúc trong cuộc đời, bóng tối và sự cách ly với xã hội thật cần thiết. Nó cho phép mình quay trở về, nhìn vào cái mịt mùng vô tận của tự tâm. Mình đối diện mình, nói chuyện với mình, tiếp xử với mình, suy nghĩ với mình. Không lúc nào mình được tự do đến như vậy.

***

Một luồng gió lạnh từ đâu cuồn cuộn cuốn vào dãy hành lang nghe như tiếng hú rùng rợn của một hung thần hay ác quỷ nào đó. Khu biệt giam cửa nẻo kín mít, gió chỉ có thể len vào, luồn vào, chứ làm gì có đường mà xoáy thốc vào một cách kinh tợn vậy! Gã mặt sẹo vừa suy nghĩ vừa chớm đứng dậy đã nghe tiếng gió lắng xuống từ từ rồi im bặt, rồi đâu đó ở đầu dãy hay cuối dãy hành lang bên ngoài, có tiếng một sợi xích sắt hay cái cùm sắt dài hình như là từ đôi chân của ai đó, kéo lê trên nền đất nghe lạnh sương sống. Chắc phải là một khối sắt nặng mới khiến cho bước chân của người kia có vẻ khó khăn, đầy cố gắng. Khung cửa gió nhỏ hẹp duy nhất của phòng biệt giam đón nhận ánh sáng lờ mờ của hành lang nay bỗng tối mịt vì hình như đèn ngoài hành lang phụt tắt từ lúc có gió hú. Tiếng sắt tiếp tục kéo lệch xệch, rổn rảng trên nền. Bỗng đâu đó ở một phòng biệt giam có tiếng thét lên hãi hùng. Rồi tiếng chân và tiếng sắt lại lê đi, từng bước chập choạng rồi ngừng lại, lại có tiếng thét lên kinh hãi… Có vẻ như là kẻ mang xích sắt kia đi dọc theo hành lang, bước đến mỗi phòng biệt giam thì dừng chân nhìn vào cửa gió, và người ở bên trong cửa gió thét lên. Tiếng bước chân và xích sắt lại tiếp tục lê tới, và bây giờ thì ngay trước cửa gió. Gã mặt sẹo ló mặt ra, nhìn. Một gã tù nhân to lớn dềnh dàng, đầu hớt xưng xửng chỗ dày chỗ thưa, mặt mày xanh lét, mắt lộ trắng nhỡn, mũi khoằm, hai môi dày, hai khoé miệng kéo xuống mà môi dưới lại đưa ra để lộ hàm răng đen xỉn và ở góc trái ánh lên một cái răng vàng. Hắn mặc chiếc áo bà ba màu trắng ngà, có dính nhiều vệt máu; quần vải thô màu nâu xùng xình, rách nát. Tay vác một cái túi nhỏ, vắt lên vai—có lẽ chỉ là một túi đồ đạc lĩnh kĩnh của tù nhân. Chân hắn chẳng mang giày giép gì và trên cổ chân phải, một cái cùm với cây sắt xỏ ngang dài cỡ một thước! Thảo nào hắn đi chậm chạp mà nặng nề đến thế.

Thấy gã thanh niên mặt sẹo quan sát mình từ đầu đến chân với một thái độ bình tĩnh, hắn ngạc nhiên nhìn trân trân. Hắn không ngờ lại có một kẻ cả gan không tỏ lòng sợ hãi trước sự hiện diện của hắn. Hai gã đưa mắt ngó nhau một lúc.

“Ngươi là ai?”

“Ngươi là ai?”

“Ngươi có quyền hỏi lại ta như thế à?”

“Sao lại không. Ngươi là tù, ta cũng là tù, ai có quyền hạn hơn ai đâu kìa!”

“Hừ, thằng nhóc, giỏng tai mà nghe ta nói này: ta là chúa ngục ở đây!”

“Chúa ngục? Ồ, chúa ngục thì sao chứ? Cũng là một tù nhân như ta thôi.”

“A cái thằng nhãi con này, mày thật là chẳng biết trời cao đất rộng! Mày không biết rằng ta đây bước ngang chỗ nào thì đám tù nhân phải rạp mình xuống mà run lên bần bật, chẳng đứa nào dám hé mắt nhìn lên sao chứ!”

“Sao vậy?”

“Sao à? Thì… tại ta là chúa ngục.”

“Ngươi làm gì mà đám tù kia phải sợ chứ?”

“Ha ha, ta có cần phải làm gì đâu, nhưng bọn chúng chỉ cần nghe đến tiếng ta, chỉ cần thấy được hình dong ta, thì tự khắc phải rạp người xuống, ngưỡng vọng, sợ hãi! Bởi vì ta là chúa ngục, ta là thằng tù lâu nhất của trại giam! Ngươi biết không, ta đã ở đây hơn một trăm hai mươi năm rồi đó thằng nhóc con! Ta là thằng tù bất tử của trại giam, sống ở đây từ thời trại giam này chỉ là một cái đồn của tụi thực dân, ngươi đã nghe rõ chưa!”

“Ô, té ra là vậy. Nhưng ở tù lâu thì ăn nhằm gì đến ai mà phải sợ chứ. Còn bất tử ư? Hứ, trăm năm hay hai trăm năm thì có gì lâu mà gọi là bất tử. Huống chi, ta đây chưa hề nghe nói đến cái bất tử của một sinh vật hữu sinh bao giờ cả. Hễ có sinh ắt phải có tử, làm gì có chuyện bất tử chứ!”

“Nhưng ta bất tử.”

“Xì, chỉ tưởng tượng thôi. Cái gì chứng minh nhà ngươi bất tử, nói ta nghe nào?”

“Thì ta còn sờ sờ ra đây này. Hơn một trăm hai mươi năm, lúc ấy ta là một thanh niên theo Quản Sư kháng Pháp trong phong trào Dân chúng Tự vệ ở Biên Hoà. Ta được cắt công tác đi liên lạc với lực lượng của ông Thủ Khoa Huân nhưng bị bại lộ, bọn lính Pháp cùm chân ta, tra khảo, bỏ đói cho đến chết…”

“Ô, té ra ngươi là một anh hùng kháng Pháp, cái này thì thằng anh em song sanh của ta nó thích nghe, thích tìm hiểu, chứ ta thì mù tịt, ta không thích chính trị. Hờ, tội nghiệp cho người, nhưng vậy là ngươi đã chết, có bất tử gì đâu kìa!”

“Bất tử là vì tuy ta chết từ năm 1863 nhưng đến nay là 1986 ta hãy còn đứng đây nói chuyện với nhà ngươi, ngươi chẳng thấy lạ đó sao? Vị chi đến hôm nay ta đã sống được 138 tuổi. Có thằng già nào trên đời này thọ cỡ đó không, hả thằng nhóc?”

“Hậy, cái chuyện sống lâu thực ra chẳng có gì mà phải hãnh diện! Quan trọng là nhà ngươi đã sống như thế nào mà thôi.”

“Ha, sống như thế nào! Ta đây tuổi trẻ xung phong theo quân kháng chiến đánh đuổi quân thù, bị giam rồi bỏ đói đến chết cũng không chịu khai ra những căn cứ bí mật của phe mình. Ngần ấy đủ ngẩng mặt nhìn đời chưa hả thằng nhóc? Còn tụi bây hả, chỉ là đầu trộm đuôi cướp, ẩu đả, chém lộn, say sưa… mà vào đây thôi. Cho nên, đã hơn trăm năm rồi, một phần cũng vì cái chết chính nghĩa của ta mà chưa thằng nào dám tranh cái ngôi chúa ngục của ta cả.”

Tên mặt sẹo cười ngất. Chúa ngục đưa nắm đấm lên nhứ trước mặt tên mặt sẹo.

“Sao nhà ngươi cười? Muốn ăn cái đấm này không hả?”

“Ta cười vì nhà ngươi có khí khái anh hùng, biết sống và chết cho lý tưởng của nhà ngươi, nhưng lại không biết buông bỏ cái hão vị hư danh chẳng có chút thực tế nào cả—nhất là cái ngôi vị chúa ngục, thực ra là cái quái gì đâu! Giả như chúa ngục mà có thể trọn quyền sinh sát, bắt giam, trả tự do, chia cơm ăn, áo mặc cho cả cai ngục lẫn tù nhân thì cũng tạm cho là có chút quyền uy đi; đàng này, chúa ngục như ngươi vẫn chỉ là một tên tù đói rách, khổ sở, suốt đời kéo lê cái cùm sắt trên nền đất để hù dọa mấy tên tù yếu bóng vía rồi thích thú hài lòng với sự sợ hãi của chúng. Hừ, thật là uổng cho ngươi. Ta đây chẳng bao giờ thích đấu tranh, chẳng bao giờ thích chính trị, kháng chiến, khởi nghĩa, cướp quyền, cầm quyền… nhưng giả dụ ta có hứng thú để kháng chiến đấu tranh gì gì đó rồi bị bắt giết, ha, ta sẽ chết lập tức mà chọn một kiếp sống mới để tiếp tục hưởng thụ những khoái lạc khác của cuộc đời, không có chàng ràng bám víu chi cái hồn ma bóng vía vô dụng đâu. Còn chuyện chính nghĩa đó hả, đừng tưởng ở đây chỉ có nhà ngươi thôi nghe. Chán khối gì thằng tù ở các trại giam bị bắt nhốt vì chống lại bọn cường quyền hà bá ba trợn ba trạo mị dân lừa lọc dốt nát! Ngươi nhìn vào trong kia kìa, thấy không, thấy một gã sư trẻ không?”

“Sư à? Đâu, sao ta không thấy. A, thảo nào ta nghe bọn cán bộ bàn với nhau là sẽ hun khói cho nhà sư chết ngộp. Tưởng ai té ra là tên này, cái tên đang ngồi trong góc đó à? Tóc tai hắn như vậy mà sư với chùa gì chứ!”

“Ậy, đừng có nhìn bề ngoài. Bộ phải cạo đầu thì mới là sư sao! Hắn đó, thằng anh em song sinh của ta đó, hắn là nhà sư. À này, nhà ngươi nói gì mà hun khói vậy?”

“Thì tại cán bộ sẽ lùa hết đám tù biệt giam ở đây ra ngoài, chuyển qua dãy biệt giam bên kia, xong rồi hun khói… cho nhà sư trong này chết ngộp. Nhưng mà tên này là sư đó à, sư mà ở tù, lại biệt giam. Chuyện cũng lạ đó chớ. Nhưng kệ mồ hắn, mắc mớ gì ta.”

“Ấy, ta muốn chỉ cho ngươi thấy, nếu ngươi đến hỏi chuyện từng tên tù ắt ngươi sẽ thấy không phải cả đám toàn là đầu trộm đuôi cướp. Có những tên tù như thằng anh em song sanh của ta đây, hắn là nhà sư, đâu có cướp của giết người, chỉ tại bất bình chống lại cái lũ hạm ăn hạm của làm khổ người khác mà hay nói đạo đức nên hắn mới đi tù đó thôi. Bây giờ hắn đang ngồi thiền đó, thấy chưa, chân cũng bị cùm mà hắn có khổ sở như ngươi đâu. Đấy, nhìn hắn để mà sáng mắt ra… Hắn với ngươi dù sao cũng đồng cảnh ngộ là bị bắt giam vì dám chống lại bọn xâm lăng cướp nước hay lũ cường quyền tàn ác. Có điều, hắn không khổ đau tàn tạ như nhà ngươi đâu. Ta nghĩ ngươi có thể học được đôi điều từ hắn.”

“Hừ, ta chẳng muốn học gõ mõ tụng kinh, hay ngồi thiền, niệm Phật đâu nghe.”

“Bộ học sư là chỉ học những thứ ấy thôi sao! Cứ đến làm quen, bắt chuyện với hắn, hỏi hắn về cái gì khiến nhà ngươi đau khổ để đến nỗi cứ lảng vảng quanh cái khu trại giam này mà chẳng hóa kiếp nổi.”

“Hừ, ta đâu có đau khổ hay muốn hóa kiếp gì đâu chứ!”

“Đừng có vờ vĩnh. Ngươi chỉ tự an ủi ngươi thôi. Ngươi chỉ sống với vầng hào quang tưởng tượng của ngươi mà thôi. Ta đây vốn là thằng thực dụng, nghĩ sao làm vậy, sống một đời để thèm muốn và hưởng thụ sắc đẹp, danh thơm, tiền bạc, thức ăn ngon và ngủ nghỉ êm ấm… cho nên ta hiểu hết trong ruột nhà ngươi muốn thứ gì, đau khổ thứ gì. Ngươi nói chuyện với hắn đi.”

“Ơ… thực ra thì ta thích nói chuyện với nhà ngươi hơn. Nhà ngươi hiểu ta khá nhiều đấy chứ. Nói chuyện với ngươi ta thấy thoải mái hơn là phải bắt chuyện với một nhà sư ngồi trầm tư kiểu kia.”

“Nhưng nói chuyện với ta, ngươi chỉ có thể trao đổi cho vui, cho đỡ thèm cơn đói khát dục vọng thôi. Còn như muốn hóa kiếp đó hả, ngươi phải nói chuyện với gã sư nhút nhát mà nghiêm túc kia.”

Chúa ngục cười:

“Hình như ngươi không thích ông ta, phải vậy không? Cho nên mới nói cái giọng mai mỉa. Ông ta nhút nhát thì sao lại vào đây, mà nghiêm túc thì có nên làm chính trị không?”

“Hắn… ôi, nói về hắn, ta thêm bực bội trong lòng. Sở dĩ ta vào đây cũng chỉ vì hắn mà thôi. Ngươi nghĩ coi, một con người nhút nhát và nghiêm túc thì có nên làm chính trị không?”

“Cũng tùy theo chuyện thôi. Ta chưa hiểu ngươi muốn nói nhút nhát và nghiêm túc thế nào.”

“Trong tất cả vấn đề hắn đều nhút nhát, nhút nhát chỉ vì hắn được dạy cho rằng phải nghiêm túc, phải giữ gìn tư cách này nọ… Đó, tất cả khổ lụy mà hắn và ta phải gánh chịu hôm nay đều do từ chỗ đó.”

“Ừm… cho một ví dụ đi,” chúa ngục ngẫm nghĩ một lúc, có vẻ chưa hiểu hết ý gã mặt sẹo, bèn yêu cầu.

“Ví dụ à? Chán khối gì trường hợp để ví dụ. Hắn bỏ qua bao nhiêu là cơ hội, khiến ta đây mất đi cả một nửa đời người. Ngươi nghĩ coi, nếu một thiếu nữ yêu ngươi sẵn sàng đến thăm và muốn ở lại đêm với ngươi… ngươi sẽ làm gì?”

“Hề hề, thì cũng tuỳ theo hoàn cảnh thôi.”

“Hoàn cảnh gì nữa chứ! Hoàn cảnh là như thế đó, ngươi có phòng riêng và thiếu nữ đó đến, muốn ở lại đêm. Ngươi xử sự thế nào?”

“Tùy theo mức độ quen biết, thời gian lâu hay mau… và vai trò của ta, của cô ấy nữa. Chẳng hạn, vai trò của ta là nhà sư ở chùa… thì chuyện phải khác đi chứ!”

“Ối trời! Té ra nhà ngươi cũng một tâm ý như gã thầy chùa anh em của ta! Vậy thì nói chuyện với ngươi cũng chán bỏ mẹ đi! Thôi, ngươi vào nói chuyện với hắn, khỏi nấn ná ở đây với ta làm gì.”

“Ừ thì vào, nhưng trước khi vào ta cũng muốn hỏi thêm cho rõ tận nguồn cơ câu chuyện giữa ngươi và nhà sư kia thế nào. Có phải vì cái chuyện cô thiếu nữ đó mà hai anh em ngươi vào tù không?”

“Xì, làm gì có chuyện đó. Phải như vì chuyện đó mà ta vào đây thì ta cũng chẳng ân hận gì. Đàng này không phải. Ta vào đây vì hắn từ chối tất cả những cơ hội cho ta hưởng thụ khoái lạc, lúc nào cũng viện dẫn hay nêu ra một thứ lý tưởng cao xa này nọ, cộng thêm ba cái luật tắc oai nghi gì gì đó của nhà chùa… Vậy là, cả nước lẫn cái, chẳng được thứ chi cả. Nói cho cùng, bọn ta vào đây là vì hắn vừa né tránh công an, vừa né tránh nữ sắc, vừa cải trang làm người thế tục vừa sống nghiêm túc như một nhà sư chính hiệu. Thế thì chết toi rồi! Nếu hắn biết dứt khoát chấp nhận đời sống thế tục thì đâu đến nỗi bị gạt rồi sa vào tù. Ngươi biết không, sau thiếu nữ kia, bọn ta còn gặp một thiếu nữ khác nữa, mà đến cái chuyện thiếu nữ này, ta mới thực sự giận hắn cành hông. Nói nhỏ ngươi nghe điều này: thực ra từ khi bị công an nhà nước truy nã lùng bắt, hắn đã xả giới rồi, không còn giữ giới luật của nhà sư nữa đâu. Vậy thì ta và hắn có quyền yêu và sống như một người thế tục chứ, phải không? Thế mà hắn… ôi, tức quá đi thôi, hắn từ chối lần nữa! Hắn đã không chịu yêu, không chịu làm một thằng đàn ông thực thụ…”

“Thì tại ông ta quen như vậy rồi, cho dù có xả giới đi nữa cũng cần một thời gian để thích nghi chứ. Đâu phải vừa xả giới là tự động trở thành người thế tục ngay.”

“Ngươi… ngươi bênh vực hắn quá! Ngươi vào nói chuyện với hắn đi, chắc là tâm đầu ý hợp đó.”

Chúa ngục dợm chân bước ngang chỗ tên mặt sẹo đứng.

“Ông ta đang ngồi thiền, ta làm sao nói chuyện được?”

“Thiền ư? Hắn cũng có thực tập thiền đấy, định lực hắn cũng khá, có thể nói là hắn thành công ở mặt này; nhưng về các pháp quán tưởng thì hắn dở tệ vì đầu óc hắn là đầu óc của một tên nghệ sĩ đầy chất tưởng tượng, càng quán tưởng càng loạn tưởng, càng loạn tưởng càng hoang tưởng. Hắn sẽ lang bang nhảy sang một trạng thái suy tư, phóng tâm tưởng tượng lung tung, chẳng định tâm gì lắm đâu. Cứ xấn vào bắt chuyện thì hắn tiếp chuyện ngay.”

Chúa ngục lưỡng lự đưa đôi mắt sâu hoắm nhìn chòng chọc vào nhà sư một lúc rồi từ từ kéo lê thanh sắt bước vào phòng biệt giam tối tăm.

“Thầy à, nay mai bọn cán bộ sẽ hun khói khu biệt giam này cho thầy chết ngộp đó.”

“Có chuyện đó sao?”

“Thầy không sợ à?”

“Có gì mà phải sợ chứ. Tôi cũng là khói thì sợ gì khói.”

“Thầy nói sao tôi chẳng hiểu.”

“Đại khái là khi bỏ tôi vào hầm lửa, tôi sẽ quán tưởng tôi là lửa, bỏ tôi vào nước, tôi quán tưởng tôi là nước… bịt miệng bịt mũi không cho tôi thở thì tôi quán tưởng tôi là gió, và tôi cũng có thể thở bằng lỗ chân lông mà sống.”

“Thầy thần thông quảng đại đến vậy sao?”

“Chẳng phải là thần thông quảng đại. Kẻ đã chứng đắc thần thông thì thi triển thần thông trong những trường hợp đó, còn tôi, chỉ bắt chước theo phương pháp của họ mà thực tập thôi. Nhưng thực tập cho khá thì may ra cũng có thể vượt qua được khổ nạn. Cám ơn ông báo trước cho biết, tôi không sao đâu. Ông đến đây có việc gì?”

“Bẩm thầy, từ trăm năm nay rồi, tôi chẳng hiểu sao tôi lại không hề có ý tìm kiếm một vị sư để bộc bạch nỗi khổ đau của tôi. Lúc nãy gặp người anh em song sinh của thầy giới thiệu, tôi mới có quyết định ấy. Vâng, thực ra, tôi cần nói chuyện với một người biết lắng nghe như thầy lắm. Hờ, bẩm với thầy rằng, tôi đây người ta gọi là chúa ngục, mà kỳ thực tôi chẳng có chút hạnh phúc nào cả. Có trải thân làm chúa ngục nơi đây trăm năm chẳng qua là vì không thoát khỏi cái cùm sắt nặng nề dưới chân mà thôi. Vâng, tôi khổ lắm. Đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến ngủ nghỉ, cũng cứ bị ám ảnh bởi cái cùm sắt dưới chân. Đôi khi ngủ mê, thấy mình trở lại tuổi thơ, tung tăng chạy chơi thả diều ngoài đồng cỏ, chân tôi cất cao lên, bị cùm sắt níu lại, nghiến vào ống chân đau sốt cả người; giật mình thức dậy thấy cùm sắt còn dưới chân và ý thức mình đang còn ở tù, còn bị biệt giam, tôi khóc rấm rức lặng lẽ trong đêm. Tôi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh chị em, nhớ bạn bè, nhớ người yêu… nhưng chẳng làm sao xoay chuyển được thân phận tù tội của mình. Người yêu của tôi, cô Lan hàng xóm. Chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ. Kịp khi đến tuổi dậy thì, hai đứa bắt đầu yêu nhau, biết mắc cỡ với người hàng xóm… thì Tây đến càn quét, bắt đi một số thanh niên trai tráng mạnh khoẻ để làm phu dịch, và hãm hiếp phụ nữ trong làng, trong đó có cả Lan, cô bạn gái của tôi. Lúc ấy, tôi và Lan chỉ mới là thiếu nam thiếu nữ mười lăm tuổi. Tôi không bị bắt đi làm lao công vì bộ vó và mặt mày lúc đó còn non choẹt, nhưng Lan thì bị một thằng sĩ quan Tây bắt đi theo… có lẽ là phục dịch cho riêng nó. Chúng tôi chia tay nhau từ đó. Năm sau, tôi theo Quản Sư kháng Pháp. Trong khi làm công tác giao liên, tôi bị Tây bắt, cùm chân rồi giam mãi vì đã không chịu khai báo về tổ chức. Trở lại chuyện cái cùm sắt khốn nạn này: một đêm, tôi mơ thấy Lan đang vói tay hái trứng cá ở ven đồng cỏ—cái đồng cỏ mênh mông của làng tôi, nơi mà bọn trẻ chúng tôi thường ra đó bày đủ trò chơi. Tôi mừng quá bụm tay gọi tên nàng thật lớn. Nàng quay lại, thấy tôi, nhoẻn miệng cười rất tươi, rất hồn nhiên… và chúng tôi vui mừng cùng chạy đến với nhau. Ô hô, khi tung chân chạy thật nhanh đến nàng, tôi vướng cái cùm sắt này, đau buốt tận xương tủy, ngồi chồm dậy giữa đêm khuya trong bóng tối phòng giam, tôi ôm đầu khóc nấc một lúc, rồi điên tiết, tôi hét lên một tiếng, đúng ra là một tiếng thật lớn, thật dài, làm vang dội khắp đồn—hồi đó ở đây là cái đồn của Tây chứ chẳng phải trại giam đâu thầy ạ. Sau tiếng hét đó, tôi thấy mình bị chia làm hai, một phần là xác, một phần là hồn. Cái xác của tôi thì bị một thằng Tây lấy ba-ton gõ gõ lên đầu gối, đưa tay rờ ngang cần cổ thăm dò, rồi sai mấy thằng lính khiêng ra ngoài đem chôn. Còn phần hồn đó hả, chính là tôi bây giờ đây. Tôi lẩn quẩn trong trại giam này từ thuở ấy, chẳng đi đâu xa được chỉ vì cái cùm sắt níu kéo mãi nơi chân. Cái cùm này, chẳng biết làm sao mà tháo gỡ. Thằng sĩ quan trưởng đồn này, một năm sau đã bị Dân vệ của ông Thái Văn Nhíp phục kích giết chết. Tôi biết vậy, nhưng cũng chẳng làm sao mà lấy được cái chìa khoá mà thằng Tây đó đeo. Vậy là cứ mang xiềng hết năm này đến năm nọ, vị chi đã 123 năm rồi đó thầy ơi. Thầy có cách nào làm ơn tháo cùm giùm tôi đi. Tôi thấy thầy cũng bị cùm chân nhưng khuôn mặt thầy tỉnh táo, an lạc lắm, chắc là thầy biết cách, phải không thầy? Nói tôi nghe đi, làm sao tháo cùm đây, xin tháo giùm cho tôi, thầy ơi!”

“Có khi nào ông cúi người xuống tìm cách tháo gỡ cái cùm không?”

“Vô ích thôi thầy ạ, tôi đã biết trước là không có chìa khoá. Vả lại, đã có lúc tôi cố gắng lấy cái đục và cái búa to trong kho hậu cần mà không lấy được. Hình như tôi không thể nhấc các vật ấy lên được. Từ đó, tôi không cố gắng dùng kềm búa để phá cùm nữa.”

“Nhưng đã có khi nào ông cúi người xuống để tìm cách tháo gỡ cái cùm không?”

“Không, không bao giờ. Tôi thực sự không muốn nhìn cái cùm, huống gì cúi xuống mà mọ mậy tìm cách tháo.”

“Vậy bây giờ ông cúi xuống, đưa tay sờ vào cái cùm đi.”

“Để chi vậy thầy?”

“Ông cứ làm theo lời tôi, sờ vào cái cùm.”

“Tôi không muốn, thầy ơi, tôi không muốn làm chuyện đó. Tôi chán ngán nó lắm, tôi sợ phải nhìn, phải thấy, phải đụng chạm vào nó lắm rồi! Đừng bắt tôi phải sờ nó!”

“Nghe tôi đi, mở mắt thật lớn, cúi đầu xuống, nhìn vào nó, và hãy sờ vào nó.”

Chúa ngục do dự một lúc, rồi đưa bàn tay xương xẩu xuống chân, sờ vào cùm sắt.

“Ủa, nó đâu rồi, cái cùm đâu rồi?”

“Không có nó, phải không?”

“Phải, nó không có, nó biến rồi, thầy ơi, tôi mừng quá, nó biến rồi! Ô, nó biến mất rồi, từ nay tôi tự do, từ nay tôi tự do!”

“Nó không biến đâu mà chỉ vì tâm thức ông biến ra nó, tưởng tượng rằng nó có ở đó. Bám chặt vào niềm tin nơi sự hiện hữu của cái cùm, ông đau khổ với sự trói buộc của nó. Nay biết nó không có thực, tự khắc ông không còn bị cột trói nữa.”

“Phải, phải, thầy nói đúng, tôi chỉ tưởng tượng ra nó mà tôi. Từ nay, tôi không còn bị giam nhốt ở đồn bót này nữa. Ôi, lạy thầy, đội ơn thầy biết bao, xin nhận nơi đây ba lạy của tôi…”

“Không cần đâu, ông có muốn nghe tôi đọc một đoạn kinh không?”

“Dạ phải, dạ phải, xin thầy đọc cho tôi một đoạn kinh để tôi đi.”

“Đây là một bài kệ thơ bằng chữ Hán mà trong chùa thường tụng đọc cho các vong linh, nay tôi thay mặt nhà chùa đọc cho ông nghe bằng nghĩa tiếng Việt. Lắng lòng mà nghe cho kỹ.”

Chúa ngục chắp tay, nghiêm trang hướng về nhà sư, chờ đợi. Nhà sư chậm rãi đọc:

“Có sanh, có tử, có luân hồi

Không sanh, không tử, không đến – đi

Sanh-tử, đến-đi đều là mộng

Mau bỏ trần thế ngồi sen hồng.”

Nghe xong, chúa ngục nở một nụ cười, cúi chào nhà sư, biến mất.

Bên ngoài, gió lặng. Chỉ còn tiếng dế than gáy từng hồi trong sương lạnh.

***

Bị biệt giam hơn nửa tháng trời, tôi mới được thả ra. Khoa đưa tôi trở về phòng giam tập thể số 7. Tôi hơi giật mình vì thấy phòng giam bây giờ có vẻ trống trải, ít người. Nhiều trưởng phòng giải thích:

“Từ lúc thầy Khang vào biệt giam, ngoài này đã có hai đợt đưa đi cải tạo lao động. Tù chính trị và vượt biên đi gần hết, còn lại có mấy mống. À, thằng Quái và Dưỡng đều bị đổi qua phòng khác, chẳng phải đi lao động đâu. Hình như người ta muốn cô lập thầy Khang đó. Sợ mấy anh Tàu ở gần thầy Khang bị ảnh hưởng tư tưởng phản động!”

Tôi phì cười, không nói. Chỉ thấy buồn là đã mất đi khá nhiều bạn bè, không kịp nói lời từ giã chia tay. Chợt nhớ những cái vẫy tay của bạn tù cùng phòng vào ngày xách giỏ đi biệt giam. Xã hội bấp bênh chuyển biến từng ngày thì tình bạn trong tù cũng là một thứ tình bạn bấp bênh, bất định, chẳng biết chia xa hay tao ngộ lúc nào. Nửa tháng biệt giam, giờ ngồi đây thấy đa phần là những khuôn mặt mới, chỉ còn vài người cũ.

“Thầy Khang thấy trong người ra sao, khỏe không?”

“Không sao. Được thấy lại nắng, gặp lại anh em là mừng rồi.”

“Tưởng đâu thầy đi luôn nơi biệt giam rồi chứ.”

“Sao vậy?”

“Hôm đó ông Khoa có nói với tôi là thầy Khang sức yếu với bị bệnh gì đó, chắc không chịu nổi biệt giam…”

“Tôi có bệnh gì đâu. Chỉ vì trong đó hơi bị ngộp khói thôi.”

“Ngộp khói à? Khói ở đâu mà ngộp?”

“Ai đó hun khói bên ngoài, xông vào ngập phòng giam. Nửa tiếng đồng hồ thì chết chắc rồi.”

“Vậy chứ… thầy Khang làm sao? Cán bộ vào cứu à?”

“Cứu? Ừ thì cũng tựa như là cứu, tôi nghe ông Khoa nói vậy, nói rằng cán bộ trực đã kịp thời cứu sống tôi.”

“Nhưng theo cách thầy nói thì tôi nghĩ là … người ta định thủ tiêu thầy Khang bằng cách hun khói đó, thầy Khang à.”

“Cũng có thể có người tình cờ đốt rác bên ngoài, gặp gió thổi ngay hướng biệt giam nên khói xông vào, cứ nghĩ vậy đi cho khoẻ, khỏi mất công nghi ngờ ai hay ôm lòng oán ai.”

“Tôi lại nghe ông Khoa nói là ban quản trại có đề nghị đưa thầy Khang qua trại khác, không muốn giữ thầy Khang ở đây.”

“Sao vậy?”

“Ai mà hiểu mấy ổng muốn gì. Chắc là sợ ở đây rảnh rỗi thầy Khang có cơ hội thuyết phục người khác làm chuyện này chuyện nọ… không tốt cho trại giam.”

“Té ra trong mắt họ, tôi là thứ phản động ghê gớm lắm hả?”

“Có thể là vậy. Họ đâu có đoán nổi thầy Khang muốn gì, làm gì… chỉ thấy thầy có mặt ở đây, ảnh hưởng đến anh em chung quanh nhiều lắm. Họ không thích có bất kỳ một thứ đối tượng nào trong xã hội này được mọi người cung kính, mến mộ ngoại trừ Bác Hồ vĩ đại của họ. Có thể họ định thủ tiêu thầy Khang bằng cách hun khói… chuyện không thành nên họ muốn đẩy thầy đi xa. Họ sẽ đưa thầy đi trại khác trong một ngày nào đó. Theo cách ông Khoa nói chuyện, tôi đoán vậy. Thầy nhớ lời tôi nghe, bằng mọi cách cũng ráng giữ lấy thân để sau này còn giúp nước. Người như thầy mà bị họ thủ tiêu, tôi tiếc lắm thầy Khang ạ.”

Tuần lễ sau, sáng sớm thứ năm ngày 24 tháng 7 năm 1986, tôi và Nhiều vừa dùng xong bữa điểm tâm với bột ngũ cốc thì cán bộ vào gọi tên năm tù nhân chính trị, trong đó có tôi, mang hết hành lý ra ngoài. Chúng tôi được lệnh mặc áo quần vào để tập trung trước sân trại. Tôi biết đã đến lúc tôi thật sự đi xa, rời khỏi trại tạm giam B5 này.

Các bạn tù lại thêm một lần xúm xít ở hai cửa sổ và chỗ lồng khung, đưa tay vẫy chào tôi. Trong một thoáng quay nhìn, tôi thấy Nhiều đứng ở chỗ lồng khung, hai tay đưa ra khỏi song sắt, chắp vào nhau như muốn chào tôi bằng cách chào của người phật-tử với nhau mà anh chưa hề làm đối với tôi, mắt rưng rưng. Tôi đưa tay vẫy lại, ngậm ngùi theo viên cán bộ rời khu sân trại.

Những người cùng theo tôi tập trung ở khoảnh sân rộng gần dãy căng–tin đều là tù chính trị. Tôi thấp thoáng thấy vài khuôn mặt quen thuộc nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Không có anh Hiền anh tôi. Có lẽ anh đã bị chuyển trại đi trước trong khoảng thời gian tôi ở biệt giam rồi.

Cán bộ điểm danh một lần nữa rồi lùa chúng tôi, khoảng 30 người, lên một xe cam nhông bít bùng, có lính bảo vệ cầm súng đi theo. Một xe jeep khác chở một toán công an võ trang chạy bọc hậu.

Xe rời trại vào khoảng 9 giờ sáng, chạy về hướng ra Trung. Đám tù từ nhiều phòng giam khác nhau nay có dịp làm quen, nói chuyện tự do với nhau trên suốt đoạn đường di chuyển.

Theo hướng xe chạy, đám tù đoán là sẽ đến trại cải tạo lao động K4, ở huyện Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh cũ, nay sáp nhập vào Đồng Nai). Người ta nói đây là một thứ “địa ngục trần gian” khét tiếng về chính sách lao động khổ nhọc, áo cơm thiếu thốn… Tôi không thấy khiếp sợ những lời chuyền miệng đó mà ngược lại, có một niềm hy vọng nào đó đang loé sáng trong tôi. Tôi biết, một khi được đưa đi lao động, coi như tôi đã mặc nhiên được lãnh một bản án. Người ta không dám đưa tôi ra tòa công khai xử trước công chúng nên âm thầm thủ tiêu tôi, thủ tiêu không thành thì ngầm kết án tôi bằng cách đưa đi cải tạo. Tù lao động có hai loại án: một là án 3 năm, hai là án vô thời hạn. Tội trạng của tôi, tôi thừa biết là không thể nào có cái án 3 năm lao động quá nhẹ nhàng; cho nên, ắt là tôi đang lãnh cái án mà tên tù nào cũng hãi sợ ấy: cải tạo lao động vô thời hạn. Cái án này có sự hăm hở tính toán từng ngày của đương sự đối với những tờ lịch nhưng đồng thời cũng cho hắn một tia hi vọng rằng, có thể trong trường hợp đặc biệt nào đó, ban quản trại sẽ dễ dàng giải quyết mức án của hắn dễ dàng hơn; bởi vì, vô thời hạn tức là không hạn định thời gian, như vậy vừa có nghĩa là suốt đời, cũng vừa có nghĩa là một vài tháng, nếu có người đút lót hối lộ hoặc có một cơ sự gì đó bất ngờ xảy đến khiến ban quản trại trả tự do cho hắn.

Trong niềm hy vọng mông lung không lý do rõ rệt, tôi thấy lạc quan chấp nhận việc chuyển trại này. Cho nên, dù cái “địa ngục” K4 này có khủng khiếp tới đâu, tôi cũng bước vào với một tâm tư tự tin, chờ đợi một cái gì xảy ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]