Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14: Con đường dài phục hồi

18/04/201301:32(Xem: 7247)
Chương 14: Con đường dài phục hồi

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ
SỰ PHỤC HỒI

Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm


CHƯƠNG 14

CON ĐƯỜNG DÀI PHỤC HỒI

Tôi thường được hỏi nhiều nhất là: “Phải mất bao lâu cô mới được hồi phục?". Và tôi vui vẻ đùa lại: “Hồi phục cái gì?”. Nếu hồi phục là trở lại con người như xưa thì chưa, mà tôi cũng không muốn. Tôi không muốn trở lại như xưa với tánh tình nóng nảy, hay phê bình chỉ trích, thiếu lòng từ ái với mọi người. Đó vốn là sản phẩm của não bộ trái. Từ lúc não bộ trái tê liệt vì trận xuất huyết, tôi được diễm phúc học thêm điều mới từ ý thức của não bộ phải: là không nên nghe nhiều, thấy nhiều những chuyện thị phi, và phải có lòng nhân với mọi tầng lớp người. Thêm vào đó, trong lòng tôi lúc nào cũng yên tĩnh với niềm vui vô hạn.

Phục hồi thể chất, nghĩa là làm cho tay chân cử động, đi đứng được..., chỉ là chuyện nhỏ. Phục hồi tinh thần với nhận thức mới từ ý thức của não bộ phải, mới là việc quan trọng cho đời người, theo ý nghĩ của tôi. Vết mổ trên đầu lành mau chóng vì mẹ tôi săn sóc rất sạch sẽ và kỹ lưỡng, không để bị nhiễm trùng làm độc. Chỉ có vết sẹo là như bị tê suốt 5 năm trời, và 3 lổ khoan cần thiết cho cuộc giải phẫu thì tới năm thứ 6 mới lành hẳn.

Giữa tháng hai, sau ngày bị tai biến, thì tôi đã thử đi một mình ra đường trong một thời gian ngắn. Ngôn ngữ lúc bấy giờ cũng đã tạm đủ cho những chào hỏi bình thường. Tôi thấy tự tin và muốn có thêm thử thách mới. Bây giờ, mẹ mới dạy tôi tập lại lái xe. Điều khiển một cái thùng kim loại lớn và chạy trên bốn bánh với tốc độ khá nhanh với một đám người khác chung quanh cũng làm như vậy, trong khi họ còn ăn, uống, hút thuốc, và... nói chuyện bằng điện thoại di động; làm cho tôi thấy sinh mạng tôi quá mong manh và đời sống là món quà quý giá vô cùng! Lại nữa, tôi nói chuyện với mọi người thì được, nhưng đọc chữ trên đường thì hãy còn khó khăn vì bộ óc chưa giải mã kịp chữ nghĩa trên các bảng đường khi xe chạy với tốc độ nhanh. Thành ra khi tôi hiểu kịp nghĩa chữ thì xe đã chạy qua khỏi chỗ tôi muốn quẹo.

Đến giữa tháng ba, mẹ tôi thấy tôi đủ khả năng để đi lại một mình, dù hãy còn hơi yếu. Nhưng dù sao tôi cũng có bạn bè tới lui gúp đỡ. Bà quyết định rời tôi để về lo cho người anh vốn đã bị chứng tâm thần phân liệt từ nhiều năm qua. Trước khi đi, bà an ủi tôi: “Con hãy an lòng. Khi con cần mẹ, chỉ một cú điện thoại, là mẹ sẽ đến ngay với con bằng chuyến phi cơ đầu tiên!”. Nghe đến đây, một phần trong tôi cảm thấy tự hào vì được thêm tự do; nhưng phần lớn còn lại là tôi... sợ muốn chết!

Mấy tuần kế tiếp, cuộc trắc nghiệm lớn đầu tiên xem tôi đủ khả năng trở lại với đời sống thường nhật chưa, là buổi diễn thuyết ngắn mà tôi được mời từ trước khi bị bệnh. Tôi phải xem đi xem lại các DVD mà chính tôi đã diễn thuyết từ trước, xem tôi đã ăn nói thế nào và điệu bộ ra làm sao. Việc này tập tôi chú tâm nhiều hơn trong buổi trình diễn. Một người bạn đã lái xe đưa tôi đến hội trường diễn thuyết. Mọi sự đã diễn ra trong tốt đẹp. Não bộ trái của tôi như vậy là đã khá phục hồi. Rồi tôi bắt đầu làm việc trên máy vi tính vài giờ một ngày. Rồi trở lại chỗ làm, làm việc tạm thời hai ngày một tuần. Công việc nghiên cứu của tôi không có gì khó. Cái khó là việc lái xe ngày hai buổi đi về, giữa đám đông xe bất cẩn.

Đi bộ hằng ngày để các bắp thịt có cơ hội vận động, là một bắt buộc. Đi bộ làm cho tôi cảm thấy có sức mạnh trở lại. Tôi cố gắng tạo thói quen trong những năm đầu là đi bộ mỗi ngày 5 km, và bảy ngày một tuần. Tôi vừa đi vừa quay vòng tròn hai tay để bắp thịt vai và cánh tay làm việc. Khi mà mắt còn thấy cơ thể là một chất lỏng, thì sự đi bộ hằng ngày giúp cho mắt và não bộ nhận diện lại các vật hiện hữu trong không gian ba chiều.

Đến tháng thứ tám, tôi đã có thể đi làm việc bình thường suốt tuần. Nhưng thật cũng không có nhiều hăm hở và nhiệt tình như ngày xưa. Cái mệt mỏi vẫn còn đeo đuổi bên mình không sao hết được. Sau cơn xuất huyết, tôi cảm thấy tôi không còn nhiều thời gian trên trái đất này. Tôi muốn về làm việc nơi sinh trưởng để gần gũi cha mẹ, nhất là khi hai người đã ly hôn. Thế là vào cuối năm, tôi trở về ở gần đại học tiểu bang nhà, Indiana, nơi tôi đã tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi giúp trường soạn thảo một lịch trình cho những người sống sót sau tai biến biết cách phục hồi năng lực. Dần dần, óc trái tôi đã mở được ngăn tủ kiến thức khổng lồ và cũng đồng thời tiếp nhận được dữ kiện mới với khối lượng lớn cùng lúc. Năm sau, tức năm thứ hai sau ngày sống sót, tôi đã đi dạy các lớp giải phẫu tế bào não bộ cho sinh viên y khoa ở đại học Indiana. Tôi cũng quân bình giấc ngủ và giờ làm việc cho thích hợp. Từ ngủ 11 giờ một đêm, tôi rút xuống còn 9 giờ rưỡi, cộng với vài giờ ngủ trưa. Không ngủ đủ như vậy, não bộ không đủ thời gian để điều dưỡng và hồi phục các mạch tế bào.

Sang năm thứ tư thì tôi mới có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Chẳng hạn, vừa làm bếp vừa trả lời điện thoại về những công việc ở trường. Trước đó, muốn làm gì tôi chỉ có thể chăm chú vào một việc mà thôi. Chỉ có một lĩnh vực mà bộ óc tôi gặp khó khăn khi phục hồi: đó là toán học. Phải tới năm thứ tư, bộ óc mới biết lại được toán cộng. Nửa năm kế mới biết thêm toán trừ và nhân. Và đến năm thứ năm mới biết làm toán chia, dù rằng tất cả làm bằng máy tính!

Tôi tập thói quen không bao giờ than thở về sự mất mát khả năng của mình. Trái lại, mỗi ngày tôi cảm ơn hàng trăm lần về sức phục hồi và sự kỳ diệu của bộ óc. Tôi cũng cảm ơn não bộ phải đã cho tôi ý thức mới về sự an lành và thanh tịnh của tâm hồn sau cơn biến động khủng khiếp vừa qua.

Đến năm thứ tám, tôi đã trở lại bình thường. Nhận thức về không gian ba chiều đã lập lại. Tôi không còn cảm thấy tôi là chất loãng nữa, mà là khối rắn và riêng biệt. Tôi thường chơi trượt nước trên mặt hồ và vượt qua nhiều chướng ngại. Trò thể thao này giúp cho nhãn quan và não bộ phản ứng đồng nhịp với thân thể khi gặp phải khó khăn.

Hiện nay, tôi đã trở lại cuộc sống bình thường, nhưng hoàn hảo hơn trước. Tôi vẫn làm việc cho đại học Harvard và đi diễn thuyết khắp nước, kêu gọi mọi người đóng góp thêm não bộ cho việc nghiên cứu và trị liệu các bệnh tâm thần. Tôi dạy lớp cho sinh viên y khoa ở đại học Indiana. Tôi làm cố vấn về thần kinh não bộ cho Viện Trị Liệu Ung Thư Não. Tôi nói chuyện trên truyền hình, ở các buổi hội thảo khoa học, trả lời các buổi phỏng vấn trên tạp chí về sự kỳ diệu của bộ óc. Và quan trọng nhất là chương trình giúp mọi người tìm lại hạnh phúc và niềm an lạc của đời mình qua sự hiểu biết về não bộ phải, như tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]