Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Nguyên Nhân Vọng Thấy Có Thế Giới

23/11/201217:05(Xem: 10862)
03. Nguyên Nhân Vọng Thấy Có Thế Giới

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 8: Chỉ Rõ Căn Nguyên Hư Vọng Và Tánh Giác Toàn Vẹn


III. NGUYÊN NHÂN VỌNG THẤY CÓ THẾ GIỚI

Kinh: “Cái Giác không có gì là Sở Minh, thế mà nhân Minh lập nên cái sở. Cái Sở đã vọng lập nên, thì sanh khởi ra cái Vọng Năng [Cái Năng dối trá] của ông. Trong cái vốn không đồng, không khác bỗng khởi dậy thành có cái khác. Khác với cái khác đã có, nhân cái khác ấy mà lập nên cái đồng. Cái Đồng, cái Khác đã phát minh ra, thì nhân đó mới lập ra lại cái không đồng không khác!

“Như thế mà rối loạn, đối đãi với nhau mà sanh lao nhọc. Lao lự kéo dài sanh ra trần tướng mà làm vẩn đục nhau, do đó mà dẫn khởi ra những trần lao, phiền não. Khởi lên thì có ra thế giới, yên lặng thì thành hư không. Hư không là Đồng, thế giới là Khác. Dầu là không đồng, không khác cũng vẫn là pháp hữu vi.

Thông rằng : Tánh Giác Trạm Minh, bất động toàn khắp, nào có chốn nơi. Đã chẳng sa vào nơi, chốn tức là không Đồng-Khác. Cái không Đồng-Khác này, chính là Pháp Vô Vi Chân Thật vậy.

Đức Mã Minh nói: “Nếu nói Tâm có động, thì chẳng phải là hiểu biết rốt ráo”.

Động còn không có, huống là có cái Sở ư? Vừa một niệm vọng động, liền nhận lấy cái Minh mà lập nên cái Sở. Sở lập thì Chân Giác ẩn mất. Cái Sở vọng lập nên, là do phân biệt mà gọi là Sở. Cái phân biệt đó là Năng. Cái bị phân biệt là Sở, thì cái hay phân biệt là Năng. Năng, Sở đã lập nên, thì cái Đồng, cái Khác bèn hiện hình, vì Năng tức là khác Sở, Sở tức là khác Năng. Vốn là một Chân Giác, vốn không Đồng-Khác, mà hốt nhiên thành Khác. Như thế đó, chỉ vì nhân cái Minh mà lập cái Sở vậy. Mà đâu chỉ có thành ra cái Khác mà thôi đâu! Muốn khác với tướng Khác ấy, lại lập nên cái tên Đồng. Ở trong động, thì có cái Khác, còn tịnh thì chỉ cho là Đồng. Khác ấy, là Khác với cái Giác không đồng, không khác. Đồng ấy, là Đồng với cái Giác không đồng, không khác. Ở trong đó mà phát minh ra, thì cho là Khác mà lại có Đồng, cho là Đồng mà lại có Khác. Bèn nhân đó mà lập thêm cái không Đồng, không Khác. Do cái Chẳng Sanh, Chẳng Diệt hòa hiệp cùng cái Sanh Diệt, mà thành Thức A Lại Da.

Vốn chẳng phải là một, chẳng phải khác. Thế mà cho là Đồng, thì năm Thức liền nắm quyền đối Cảnh, Thức Thứ Sáu hay phân biệt, Thức Thứ Bảy nhiễm ô. Cho là Khác, thì năm Thức bèn là Tướng Phần, Thức Thứ Sáu không có Tướng Phần nên chẳng lập được, Thức Thứ Bảy không có phân biệt nên chẳng có. Cái không Đồng không Khác này cũng toàn là Thức, so với cái không Đồng-Khác trước kia không do lập mà có, đó là Chân Tánh chẳng sanh chẳng diệt. Cái không Đồng, không Khác sau này là do lập ra, bèn là chủng tử sanh diệt. Trong ấy độc chỉ có cái bóng dáng của Năng-Sở, Đồng-Khác, mà thành cái phôi thai của nghiệp quả thế giới và chúng sanh. Thế nên có tướng Đồng, có tướng Khác, có tướng không Đồng, không Khác. Rối loạn lên như vậy, Năng Sở đối nhau, Đồng và Khác cùng thành hình, chẳng được thanh tịnh, mà có ra tướng Lao Nhọc. Tướng lao nhọc là Vô Minh. Lao nhọc kéo dài phát ra Trần Tướng, tự làm vẩn đục nhau.

Trộn lẫn lầm lộn Chân Tánh, gọi là “vẩn”, làm nhiễm cái thể thanh tịnh, gọi là “đục”. Từ đó mà dẫn khởi ra phiền não, trần lao, hai cái Kiến Hoặc và Tư Hoặc.

Do phiền não biến ra hai thứ Y Báo, Chánh Báo. Động là thế giới, tĩnh thành hư không. Hư Không là chỗ ở, trước đã nói “Nhân cái Khác lập nên cái Đồng”, tuy không có Năng và Sở, cũng là ngoan không. Thế giới là chỗ trên nói “Khởi lên mà thành cái Khác”. Động là Thể của “Thế”, Khác là Thể của “Giới”, có Năng có Sở thuần là cảnh động. Cái có Đồng có Khác là chỉ thế giới Y Báo, là dấu vết thô phù hữu vi. Còn chúng sinh Chánh Báo, vì có Tâm Tánh nên chẳng phải như cái “Khác” của thế giới, và vì có Sắc Tướng, nên chẳng phải như cái “Đồng” của hư không. Nhưng cái Sở thì có Sanh Diệt, cái Năng thì không Sanh Diệt. Rốt ráo thì cái Năng cũng là Sanh Diệt. Dù lìa cả Năng và Sở để đến chỗ không Sanh Diệt, không Đồng, không Khác, thì cũng đều là pháp hữu vi.

Cái Thức, vì có phân biệt nên là hữu vi. Cái Trí, không phân biệt nên là vô vi. Hữu vi, nên có các tướng hữu vi là nghiệp quả. Vô vi, tức là không có các tướng hữu vi nên không có nghiệp quả. Núi sông, đất đai vốn chẳng tự sanh, chỉ nhân Minh lập nên Sở, theo Vọng mà thấy có vậy.

Có nhà sư hỏi thiền sư Vân Cư Ứng : “Núi sông đại địa do đâu mà có?”

Tổ Ứng nói : “Do vọng tưởng có”.

Nhà sư nói : “Thầy tưởng ra cho tôi một nén vàng được không?”

Tổ Ứng bèn im lặng bỏ đi. Nhà sư không chịu.

Sau này, Tổ Vân Môn nói rằng: “Đã là dây leo chùm gởi, chẳng có thể chặt đứt nối lại được. Hãy đợi y nói “Tưởng ra một nén vàng được không?”, thì cầm gậy mà đánh!”

Đây là cỡ tác dụng nào?

Nên Tổ Vân Môn lấy cây trụ trượng dạy chúng rằng: “Cây gậy hóa thành con rồng, nuốt hết càn khôn. Núi sông đất đai còn chỗ nào được nữa?”

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

“Cây trụ trượng, nuốt càn khôn

Nói gì chuyện bôn ba ở lãng Đào Hoa [Chỗ cá thi làm rồng]

Thành rồng (đốt đuôi [Cá hóa rồng ắt có sấm sét đốt cái đuôi. Ý nói tuyệt hậu sanh]) đâu phải kéo mây, làm mù!

Thi rớt nào phải vỡ mật kinh hồn

Nêu ra rồi, nghe chẳng nghe!

Ngay đây sừng sững lỗi lạc

Thôi đi trăm mối phân vân

Bảy mươi hai gậy nhẹ tha cho

Trăm năm mươi gậy khó tha ông

Sư vội chụp cây gậy xuống tòa

Đại chúng đồng nhau chạy tứ tán!”.

Ở chỗ này mà thấu triệt thì không chỉ là núi sông vẫn như xưa, mà cái Giác Minh cũng chẳng có chỗ ló đầu ra!

Kinh: “Cái Giác Minh và cái Hư Không vô tri đối đãi nhau thành ra có lay động, cho nên hóa ra phong luân nắm giữ thế giới. Do cái Hư Không mà sanh lay động, phát minh ra tánh cứng thì thành sự ngăn ngại, các thứ Kim quý đều từ Minh Giác lập nên tính cứng, cho nên có Kim luân mang giử cõi nước. Giác Minh thành tính cứng, thì thành có Kim quý, rồi lay động mà thành ra Gió. Gió và Kim cọ xát nhau, nên có Hỏa đại làm tánh biến hoá. Lửa bốc lên, Kim quý sanh ra tánh ướt, mà có Thủy luân trùm khắp mười phương cõi. Lửa bốc lên, Nước sa xuống, giao nhau phát nên tính cứng, chỗ ướt là biển lớn, chỗ khô là gò nổi. Do nghĩa ấy, trong biển lớn kia, hơi nóng thường bốc lên, trong gò nổi kia, sông ngòi thường chảy xuống. Thế Nước kém thế Lửa, thì kết thành núi cao, bởi thế đá núi, đập vào thì xẹt Lửa, nung thì chảy ra Nước. Thế Đất kém thế Nước, nẩy ra làm cỏ cây, cho nên rừng rú đốt thì thành Đất, vắt ra thành Nước.

“Các thứ hư vọng đóù giao nhau mà phát sanh, thay đổi làm chủng tử cho nhau. Do nhân duyên ấy, thế giới tiếp tục lẫn nhau.

Thông rằng: Thanh tịnh bổn nhiên, sao bỗng dưng sanh núi sông đại địa? Trước kia, năm Đại: Đất, Nước, Lửa, Gió và Không đều là Như Lai Tạng, thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, theo nghiệp mà phát hiện, nào có nơi chốn? Sự có ra của chúng là do nghiệp lực của chúng sanh. Nghiệp lực của chúng sanh là do Vô Minh từ lúc ban đầu, mất đi cái Tánh Giác Diệu Trạm Tổng Trì, một niệm bỗng khởi động. Cái Giác đã lìa cái Không mà sanh ra Minh, thì Không cũng lìa Giác mà sanh Muội [Mê mờ]. Cái Giác Minh phát sanh ra Thức. Thức Tinh ở cái chỗ trong lặng chẳng động lay là Nước. Cái Không Muội kết thành Sắc, là Đất vậy. Đối đãi nhau thành ra lay động, thành Gió, thành Nước, do Đất khắc Nước mà sanh ra Mộc. Do Thổ của Không Muội lay động mà sanh ra Mộc, thì cái Giác Minh không lay động bèn thành cứng ngại, tức là Mộc khắc Thổ mà sanh Kim. Kim cùng Mộc hợp sanh Hỏa, nên nói: “Phong và Kim chà xát nhau mà có ra Hỏa”. Hỏa cùng Kim hợp sanh Thủy, nên nói: “Ngọn lửa bốc lên, nên có ra Thủy luân”. Thủy và Hỏa hợp sanh Thổ, Hỏa bốc lên, Thủy chảy xuống mà sanh ra biển cả, đất liền. Thổ cùng Thủy hợp, lại sanh ra Mộc; Thổ yếu Thủy mạnh, nên thảo mộc tươi tốt. Tốn là Gió, là Mộc; Phong là tánh của Mộc. Trước đã nói là đối đãi thành ra lay động nên có Phong Luân, thì mới có tánh của Mộc. Đến khi “nảy ra làm cây cỏ” thì Mộc mới rõ ràng có hình tướng.

Ngũ hành lấy sự sinh khắc làm vợ chồng, lấy tương sanh làm cha con. Con do mẹ sanh, ấy là cha yếu; sau đó âm dương hòa, sinh ra con. Con sanh mà khí của cha mẹ vẫn còn, nên đá núi có thể xẹt ra lửa, có thể chảy ra nước. Ấy là do Thủy khắc Hỏa mà thành. Cây cỏ có thể thành Đất, có thể thành Nước, là do Thổ khắc Thủy mà thành vậy. Suy theo đó thì vạn vật đều là như vậy cả. Tôi thường lấy Kinh Dịch so sánh: như hợp với các chi tiết. Mới tin rằng Thánh đời trước với đời sau, cái Đạo là một thôi vậy.

Cái Giác Minh phát sinh ra cái Thức, là nguồn gốc lặng lẽ tối sơ, đó là nghĩa Trời sanh Thủy trước hết vậy. Thủy sanh ra Mộc của Chấn, Tốn ở phương Đông. Mộc sanh ra Ly Hỏa ở phương Nam. Hỏa sanh Khôn Thổ ở Tây Nam. Thổ sanh Đoài Kim ở phương Tây. Mà Càn Kim ở Tây Bắc lại sanh Khảm Thủy ở phương Bắc. Như chiếc vòng không đầu mối, tiếp nối làm chủng tử cho nhau, nên Kinh Dịch nói: Đế xuất ra ở Chấn, tề ở Tốn. Chấn là Động, Tốn là Gió, chẳng phải là cái ý chỉ đối đãi nhau mà sanh động lay ư? Chấn là Mộc, Đoài là Kim, Đông Tây đối nhau mà làm vợ chồng, Hỏa ở nơi đó mà sanh ra, thế chẳng phải là ý chỉ Phong Kim cọ xát nhau ư Ly là Hỏa, Khảm là Thủy, Nam Bắc đối nhau mà làm vợ chồng, Thổ ở nơi đó sanh ra, chẳng phải là ý chỉ “Lửa nước giao nhau mà thành tính cứng” ư? Khôn là Đất, Cấn là Núi, đều thuộc Thổ, đây là chỗ bắt đầu và chấm dứt của vạn vật vậy. Thế nên, mùa Xuân, mùa Hạ vạn vật phát sanh, ở trên mặt đất, nên dễ thấy. Thu Đông vạn vật thâu góp lại, ở dưới mặt đất, nên không thể thấy.

Bức Hà Đồ, sở dĩ thành biến hóa ngũ hành và quỷ thần, không chỉ hợp với cái dụng lưu hành, mà cũng hợp với nguồn gốc sanh khởi. Chỗ tột đáy của thế giới này, y Phong luân mà trụ, tột đáy của đại địa, thì y Kim luân mà trụ. Thổ và Kim đồng là tính cứng, đều thuộc Địa Đại. Hỏa thì không nói chữ luân vì tánh nó là biến hoá, hay chảy tan và làm chín thành muôn vật.

Câu Xá Luận nói “Cái nghiệp lực của chúng sanh, trước hết ở dưới cùng nơi hư không, mà có Phong luân sanh. Trên Phong luân là Thủy luân. Trên Thủy luân mới có Kim luân”. Đối với đây có khác chút ít. Luận Câu Xá nói về sự an lập, từ dưới lên trên theo thứ tự. Ở đây nói về sự sanh khởi. Chẳng sợ lẫn lộn trở ngại nhau.

Tổ Ngưỡng Sơn Dũng dạy chúng rằng : “Một lời nói trọn hết non sông!”

Có vị tăng hỏi : “Như thế nào là một lời ấy?”

Tổ Sơn lấy đũa gắp lửa cắm vào phía bên lò, rồi để lại chỗ cũ.

Tổ Đầu Tử tụng rằng:

“Một câu nêu ra trùm muôn tượng

Ma Kiệt thành [Ma Kiệt : ở thành này, ngoại đạo hỏi Phật về sự sinh thành vũ trụ, Phật im lặng không nói gì] không, tự đóng cửa

Đương sơ thiền tăng mở hé mắt

Cắm đũa bếp bên lò lửa đỏ”.

Nếu là người đại triệt ngộ, thì xem ba cõi khởi diệt trong biển Đại Giác cũng đồng như bọt sanh diệt trong biển cả vậy. Huống là vốn tự vô sanh, tìm tướng của ba cõi, có chỗ nào được!

Kinh : “Lại nữa, Phú Lâu Na, cái Minh Vọng đó, chẳng phải là cái gì khác, lỗi là cái Giác Minh. Cái Sở Minh hư vọng đã lập, thì phạm vi của cái Năng Minh không vượt qua được. Do nhân duyên đó, mà nghe không ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt ngoài sắc. Sáu cái vọng : Sắc, Hương, Vị, Xúc... thành lập, do đó mà phân ra có Thấy, Nghe, Hay, Biết.

“Đồng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà có hiệp, có lìa, có thành, có hóa. Cái Thấy mà làm năng minh thì Sắc phát ra, rồi cái năng minh cho cái Thấy thì thành ra có Tư Tưởng. Thấy khác thì thành ra ghét, cùng cái Tư Tưởng thì thành thương. Chảy tràn cái thương yêu làm hạt giống, thu vào Tưởng Niệm làm ra thai. Giao cấu phát sanh, hấp dẫn cái cùng một nghiệp, nên có nhân duyên sanh ra Yết La Lam [Cũng gọi là Ca la la. Tiếng Phạn: Kalala. Dịch nghiã là tạp uế (cái nhơ bẩn, trộn lộn). Là một trong năm địa vị (từng giai đoạn của thai theo thai kỳ) của thai, gọi là thai nội ngũ vị], Át Bồ Đàm... Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh hay hóa sinh tùy theo chỗ mà ứng: noãn chỉ do Tưởng Niệm mà sanh, thai thì do Ái Tình mà có, thấp sanh thì do Cảm mà hợp, hóa sanh thì do Phân Lìa mà ứng ra. Tình và Tưởng, Hợp và Lìa thay đổi lẫn nhau, do đó mà chịu lấy Nghiệp, theo đuổi sự nổi chìm. Do nhân duyên ấy, chúng sanh nối tiếp nhau.

Thông rằng: Thế giới lấy cái Hư Không mê muội làm thể, nên có câu “Cái Tưởng lắng xuống thành quốc độ”. Chúng sanh lấy cái Giác Minh làm tánh, nên có câu “Tri giác là chúng sanh”.

Hư Không mê muội nhân Giác Minh mà hiện bày, cho nên thế giới do nghiệp lực của chúng sanh mà thành. Hai cái nối tiếp nhau, đều là lỗi lầm hư vọng nhân Minh mà lập cái Sở vậy. Chẳng phải tứ Đại kia có sanh ra. Chỉ vì nhân nhận cái Giác làm cái Minh, mới có cái Sở Minh. Sở thì thuộc Tướng Phần, Năng thì thuộc Kiến Phần. Tứ đại ở ngoài thế giới là Sơ Tướng Phần, tứ Đại ở thân thể là Thân Tướng Phần. Cái Sở đã vọng lập nên, bèn khiến cho sáu Căn cách ngại, nên trong Kiến Phần, phạm vi của cái Sáng không thể vượt qua khỏi sáu Căn.

Vốn chỉ là cái Giác Vô Thượng, viên dung, nay lại chia thành Thấy, Nghe, Hay, Biết thành ra ba thứ Căn, Trần, Thức dẫn khởi lên cái Nghiệp hư vọng. Từ đó cùng một Nghiệp ràng buộc nhau, có cha, mẹ và mình là ba thứ cùng Nghiệp, mà thành thai, noãn là vật hữu tình. Còn thấp sanh và hóa sanh, không do cha mẹ, chỉ do Nghiệp của mình mà thành vật. Lý do hấp dẫn đồng nghiệp, đều là do Thấy có mình mà ra.

Lấy vọng tâm mà thấy vọng cảnh, thì sắc do cái thấy mà phát sanh, không có cái thấy tức là không có sắc vậy. Lấy cái vọng thấy mà đuổi theo đám vọng sắc, thì cái Tưởng Niệm bèn do cái thấy mà thành, không có cái thấy thì không có Tưởng vậy. Cái thấy kết nhóm thành cái Tưởng, biết có mình thì tự thành Tình. Đó là sự kết hợp của đồng nghiệp, hấp dẫn nhau. Thấy khác thì thành thương, nên mẹ là chỗ mà mình thương. Con gái ở trong thai thì ngược lại. Tưởng chảy tràn thì thành sự thương, thương thì chẳng rời, mầm mống chủng tử sinh ra ở đó vậy. Nên thương yêu là gốc rễ của luân hồi. Mẹ đã thu nạp cái Tưởng, Tưởng kết lại thành khí huyết, thai thành ở đó vậy. Cho nên, cái Tưởng là môi giới của sự nối truyền sinh mạng, từ giao cấu mà phát sanh hình thể. Tinh huyết hòa hợp, một tuần chất lỏng đông lại, hai tuần là cái bọc, ba tuần là thịt mềm, bốn tuần là thịt chắc, năm tuần có hình thể, thai hay trứng đều như thế. Thấp sanh, hóa sanh thì cũng chẳng qua tiến trình đông đặc và bao bọc.

Noãn sanh vì sao để ở trước tiên? Vì Tưởng Niệm khởi động trước, sau mới có Tình Ái. Hơn nữa, noãn lại gồm cả thai, thấp hóa vậy. Loài người cũng có đủ bốn thứ sanh. Như bà Tỳ Xá Khê Nhĩ La có ba mươi hai người con dều là noãn sanh (Luận Câu Xá). Bà Yểm Thước La Bà Lợi Đảnh sanh một vị Chuyển Luân Thánh Vương [Tích xưa, có vua tên Bố Sát Đà Vương, trên đầu bỗng sanh một bọc mụt, trong bọc mụt sanh ra một đứa con. Lớn lên làm Kim Luân Vương, xưng là Đảnh Sanh Vương. Đảnh Sanh Kim Luân Vương chinh phục bốn châu thiên hạ, rồi lên cung trời Đao Lợi muốn hại Đế thích để thay ngôi. Việc chẳng thành, trở về đất lại, bị bệnh chết. Đảnh Sanh Vương ấy nay là Thích Ca Phật đó], gọi là thấp sanh. Đời Đức Phật, trong tứ chúng có một Tỳ kheo ni tên A La Bà, từ trong đất hóa sanh ra. Do đó mà biết rằng Tình biến ra Tưởng, hợp biến ra lìa, vốn chẳng có Nghiệp nhất định. Noãn đổi thành thai, thấp đổi ra hóa, cũng không có định chất. Chỉ theo nghiệp mà lên xuống, tùy theo chỗ mà ứng hiện ra, không có nẻo đường nhất dịnh. Chỉ do Tưởng Ái làm nhân, cha mẹ làm duyên, mà chúng sanh tiếp nối, như vậy đến vô cùng.

Ngài Đại Đồng Tế đến thăm Bàng cư sĩ.

Bàng Cư sĩ nói : “Nhớ lúc trong thai mẹ, có một tắc ngữ, xin đưa ra với thầy, cốt chẳng được làm đạo lý”.

Ngài Tế nói : “Giống như cách đời vậy”.

Cư sĩ nói : “Đã nói chẳng được làm ra đạo lý.

Ngài Tế nói : “Câu nói kinh người, há chẳng sợ sao?”

Cư sĩ nói : “Như kiến giải của thầy, có thể nói là kinh người!”

Ngài Tế nói : “Chẳng làm ra đạo lý, lại làm ra đạo lý!”

Cư sĩ nói : “Không chỉ cách một đời, hai đời!”

Ngài Tế nói : “Ông thầy cơm cháo này, cứ việc tra xét lỗi lầm!”

Cư sĩ búng tay ba tiếng.

Lại có thiền sư Quy Tông Khả Tuyên, nhân ông Quận Thú tức giận chẳng đúng theo lễ cửa quan, bức bách Ngài quá lắm. Ngài bèn viết thơ cho Ông Quách Công Phủ rằng: “Duyên đời của tôi còn sáu năm, nay Ông Quận Thú bức bách phải chết, sắp phó thác cái sanh ra sự bực tức còn dư lại ấy, mà thác sanh nhà ông, xin ông đừng lấy làm ngại.”.

Ông Phủ xem thơ vừa sợ vừa mừng. Nửa đêm, bà vợ nằm mộng thấy sư vào chỗ ngủ, la lên rằng : “Đây chẳng phải là chỗ để Hòa Thượng đến!” Ông Phủ lay bà vợ hỏi, bà liền thuật lại rõ ràng. Gọi lấy đèn đọc thơ, cùng nhau vui mừng không dứt. Bèn mang thai, đến khi sanh ra, đặt tên là Tuyên Lão. Đúng năm như đã báo trước.

Năm ba tuổi, có Ông Bạch Vân Đoan đến nhà, Tuyên Lão mới thấy thì bảo : “Cháu tôi đến vậy”.

Ông Đoan hỏi : “Xa Hòa Thượng mấy năm rồi?”

Tuyên Lão đếm ngón tay nói : “Bốn năm rồi.”

Ông Đoan hỏi : “Xa nhau ở chỗ nào?”

Đáp : “Ở trại Bạch Liên.”

Ông Đoan nói : “Lấy gì để nghiệm.”

Đáp : “Ba má ngày mai mời Hòa Thượng độ trai.”

Bỗng nghe tiếng xe đẩy tới.

Ông Đoan hỏi : “Ngoài cửa đó là tiếng gì?”

Tuyên Lão dùng tay làm bộ đẩy xe. Ông Đoan hỏi: “Về sau như thế nào?”

Đáp: “Bình địa lưỡng đầu câu [Chữ Lục]”.

Quả nhiên, sáu năm sau không bệnh mà mất. Đó là do Tuyên Lão thường ngày chẳng có cốt làm đạo lý, nên tuy cách dời, mà vẫn tỉnh thức như vậy. Nếu còn chút tơ hào tình tưởng Giác Minh treo trong ngực, thì đã bị Ông Bạch Vân Đoan khám phá ra rồi!

Kinh: “Ông Phú Lâu Na, các Tưởng Ái cùng nối kết, lòng thương chẳng thể rời, thì cha mẹ, con cháu trong thế gian sanh nhau không dứt, họ lấy Dục, Tham làm gốc. Tham và Ái cùng nuôi nhau, tham muốn chẳng ngừng thì các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh trong thế gian, tùy theo sức mạnh yếu, lần lượt ăn nuốt lẫn nhau, chúng lấy Sát, Tham làm gốc. Người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loài chúng sanh chết sống, sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, Nghiệp dữ cùng sanh, đến hết đời vị lai, loại này thì lấy đạo Tham làm gốc.

“Người này mắc nợ mạng người kia, người kia trả nợ cũ cho người này, do nhân duyên ấy, trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong sanh tử. Người này yêu cái Tâm của người kia, người kia thích cái Sắc của người này, do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong trói buộc. Chỉ ba thứ Sát, Đạo, Dâm làm gốc rễ, mà do nhân duyên đó, nghiệp quả cứ tiếp tục.

“Phú Lâu Na, ba thứ tiếp nối nhau điên đảo ấy, đều là cái thấy biết của Giác Minh. Nhân biết mà phát ra có hình tướng, từ cái vọng thấy sanh ra có núi sông đất đai, các tướng hữu vi, thứ lớp đổi dời, đều nhân cái hư vọng đó mà hết rồi lại bắt đầu.

Thông rằng: Thế giới thuộc về Y Báo, Y Báo thì vô tình, do đó chẳng kết Nghiệp. Chúng sanh thuộïc Chánh Báo, Chánh Báo thì hữu tình, tức là có Nghiệp. Nghiệp không gì lớn hơn Sát, Đạo, Dâm, mà gốc bắt đầu từ Dâm. Cùng tư tưởng thì thương, thấy khác thì ghét, chỉ là cái thương ghét này, ngay đó là căn nguyên gây Nghiệp. Tưởng, Ái không kết hợp thì còn có thể lìa, chứ cả hai bên đã kết nối, thì đời đời, kiếp kiếp, chẳng thể tự rời nhau. Cha mẹ, con cháu sanh nhau ra chẳng dứt, đều do Dâm làm gốc.

Tham và Ái cùng nuôi dưỡng nhau, nên cảm thấy vui thích mùi vị mà Sát từ đó sanh ra. Tham mùi vị không ngừng, thì cầu cho được, Đạo (trộm cắp) từ đó sanh ra. Kỳ thật, chỉ bắt đầu từ một cái ưa thích: Ái. Yêu thích chẳng được thì ép uổng mà sát hại. Âm thầm lấy là đạo (trộm cắp), đều để thành tựu sự Ái cả. Cớ nên, trong cái Dâm, có đủ Sát, Đạo hai Nghiệp. Ghét mà kết tụ thì đền nợ, đền mạng, thường ở trong sanh tử. Thương mà kết tụ, thì thích tâm, thích sắc, thường ở trong trói buộc. Đó là thương ghét là nguyên nhân của Nghiệp, mà sanh tử trói buộc là quả của Nghiệp. Hết thảy ba loại điên đảo của chúng sanh trong thế giới đều là do trái với Chân mà hợp với Vọng, đều là do Giác Minh sanh ra. Cái Giác Minh hư vọng, vọng lập nên có Năng, có Sở, nên có ra núi sông, đất đai, thế giới tiếp nối, nghiệp quảû chúng sanh, các tướng hữu vi, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, tiếp tục chẳng ngừng. Nếu liền ngộ Vọng vốn không tự tánh, hiện tại tức là Vô Sanh, thì còn cái gì thứ lớp đổi dời, cái gì hết rồi lại bắt đầu sanh? Thế là Căn, Trần, Xứ, Giới rõ ràng là một cái Thanh Tịnh bổn nhiên, Như Lai Tạng Tánh vậy.

Tổ Vĩnh Gia nói : “Ngộ tức nghiệp chướng bổn lai Không. Chưa ngộ đành trả hoàn nợ cũ”. Lời nói có ý vị biết bao!

Ngài Vân Cư Ứng, tham học tại Tổ Động Sơn, khi làm việc vô ý cuốc chết con trùn.

Tổ Động Sơn nói : “Đồ quỷ ấy.”

Ngài Ứng nói : “Nó chẳng chết”.

Tổ Sơn nói : “Nhị Tổ đi qua Nghiệp Đô, lại làm sao?”

Ngài Ứng chẳng trả lời.

Sau có vị tăng hỏi Ngài: “Lúc Hòa Thượng ở Tổ Động Sơn, về nhân duyên giết chết con trùn, phải chăng Hòa Thượng không có lời đáp?”

Ngài Ứng nói: “Lúc ấy có lời chứ, chỉ là không có người để chứùng minh!”

Xem Ngài Vân Cư Ứng, thật là người ở ngoài ba cõi. Nên cái chỗ Tình và Tưởng không tới được, thì nói gì đến tướng nghiệp quả, chúng sanh!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]