Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Chỉ Ra Hai Thứ Vọng Thấy

23/11/201217:05(Xem: 10189)
02. Chỉ Ra Hai Thứ Vọng Thấy

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 5: Chỉ Ra Cái Vọng Thấy

II. CHỈ RA HAI THỨ VỌNG THẤY

Kinh: “Anan, tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian đều do hai cái Vọng Thấy điên đảo phân biệt. Ngay nơi Tâm Tánh mà phát sanh, ngay theo nghiệp mà xoay vần. Thế nào là hai cái Vọng Thấy? Một là, cái Vọng Thấy Biệt Nghiệp của chúng sanh. Hai là, cái Vọng Thấy Đồng Phận của chúng sanh.

Thông rằng: Sắp nói rõ cái Kiến Tinh (cái Thấy) là hư vọng, nên dùng hai cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp và Đồng Phận mà chỉ bày. Đã rõ Biệt Nghiệp là hư vọng thì cái hư vọng của Đồng Phận có thể suy ra vậy. Đã biết Đồng Phận là hư vọng, thì có thể suy ra cái hư vọng của Kiến Tinh. Biết Kiến Tinh là hư vọng thì rõ ngay Tánh Thấy chẳng hư vọng. Hiểu suốt chỗ này thì Tánh Thấy chẳng phải là cái Thấy, có thể tự suốt nhiên không nghi ngờ gì nữa.

Thấy, Nghe, Hay, Biết cũng cùng là hư vọng điên đảo, vậy sao chỉ biện rõ ở cái Thấy mà thôi? Ở đoạn trước đã nói, “Khiến cho ông bị trôi lăn là lỗi ở tâm và con mắt”. Cho nên trôi nổi bôn ba theo sắc, chỉ có cái Thấy là khó trị nhất.

Ông Anan bị Cô Ma Đăng Già mê hoặc, đó chẳng phải Cô Ma Đăng Già mê hoặc Ông Anan, mà chính là do cái Vọng Thấy của Anan làm nên bệnh. Huống gì cái Vọng Thấy lưu chuyển này lại thuộc về sanh diệt, mà cái Thấy Chân Thật (Chơn Kiến) thì chẳng thể trả về đâu, lặng trong thường trụ. Cho nên lấy cái Thấy của người mù mà thấy sắc, thì sắc chẳng đáng ưa! Lấy cái Thấy của thấy tối mà thấy ánh sáng, tức là cái Thấy vốn chẳng có sáng, có tối. Đạt thẳng đến cái gốc nguồn của mọi cái Thấy, thì rõ suốt cái Tánh Thấy vốn không có cái Thấy nào đến được, thế thì còn đâu cái lầm lỗi trôi lăn?

Xưa, Tổ Quy Sơn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn : “Chúng sanh trong đại địa, cái nghiệp thức mang mang, vốn không có gốc rễ, căn cứ. Ông làm sao biết kia có hay không có?”

Ngưỡng Sơn đáp: “Huệ Tịch này có chỗ nghiệm xét”.

Khi ấy, có một vị tăng đi ngang trước mặt, Ngài Ngưỡng Sơn gọi: “Thầy Xà Lê!”

Vị tăng quay đầu lại.

Ngưỡng Sơn nói: “Thưa Hòa Thượng, cái này chính là nghiệp thức mang mang, không có gốc rễ, căn cứ”.

Tổ Quy Sơn nói: “Đây thật là một giọt sữa sư tử, làm tiêu sáu đấu sữa lừa!”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Một gọi, quày đầu biết ta không?

Lưới trăng thưa thớt lại thành cong (như móc câu)

Con quí ngàn vàng vừa lưu lạc

Mờ mịt đường cùng chắc thấy sầu”.

Một tắc này đây, gọi là Vọng Kiến Biệt Nghiệp thì được đó!

Ông Thượng Thơ Trần Tháo đang cùng những bạn đồng liêu ở trên lầu thì thấy có vài nhà sư đi tới.

Có một vị quan nói: “Những người đi tới đó đều là tăng hành cước”.

Trần Tháo nói: “Chẳng phải đâu”.

Vị quan nói rằng: “Sao biết chẳng phải?”

Tháo nói: “Chờ tới rồi thẩm nghiệm xem”.

Chốc lát, các vị sư đi tới trước lầu. Ông Tháo đột nhiên kêu lớn: “Thượng Tọa!”

Các nhà sư đều ngẩng đầu lên.

Ông liền nói với các vị quan rằng: “Chẳng tin đạo”.

Các quan ngơ ngác.

Ngài Thiên Đồng nêu lên rằng: “Trần Thượng Thơ ngay mặt mà nêu rõ, dối Ngài Trường Lô một điểm chẳng được!”

Tức một tắc này, gọi là Vọng Kiến Đồng Phận thì được lắm ! Nhưng nếu trong các vị sư, có vị khi nghe la mà chẳng quay đầu, ắt khiến Ngài Ngưỡng Sơn phải nhổ lưỡi ra và Ông Trần Tháo phải xin lỗi đấy.

Kinh: “Thế nào là Vọng Kiến Biệt Nghiệp?

“Anan, như người thế gian con mắt bị nhặm đỏ thì ban đêm nhìn ngọn đèn thấy có riêng một bóng tròn năm màu bao phủ. Ý ông thế nào? Cái bóng sáng tròn hiện ra nơi ngọn đèn đó là sắc của ngọn đèn hay sắc của cái Thấy?

“Anan, nếu như đó là cái sắc của ngọn đèn thì sao những người không nhặm mắt lại không có thấy, mà chỉ có người nhặm mắt mới thấy cái bóng tròn? Nếu đó là sắc của cái Thấy thì cái Thấy đã thành sắc rồi, vậy người nhặm mắt thấy bóng tròn kia gọi là cái gì?

“Lại nữa, Anan, nếu cái bóng tròn ấy rời đèn mà riêng có, thì lẽ ra các bức bình phong, màn, bàn, ghế, cũng phải có bóng tròn. Còn nếu rời cái Thấy mà riêng có, thì lẽ ra không thể thấy được, cớ sao người nhặm mắt lại thấy cái bóng tròn ấy?

“Vậy nên biết rằng : Sắc thật ở nơi đèn, cái Thấy bị bệnh làm ra có bóng tròn. Cái bóng tròn và cái thấy có bóng tròn đều là bệnh nhặm. Cái Thấy Được Bệnh Nhặm thì vốn chẳng phải là bệnh.

“Rốt cuộc, không nên nói rằng cái bóng tròn ấy là ngọn đèn hay là cái Thấy, vì ở trong đó, cái bóng tròn không phải từ ngọn đèn, cũng không phải từ cái Thấy. Cũng như mặt trăng thứ hai, chẳng phải mặt trăng thật, cũng chẳng phải là cái bóng của mặt trăng. Tại sao thế? Bởi thấy cái mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà có. Cho nên những người Trí không nên đi tìm cái căn nguyên của mặt trăng do dụi mắt mà thành là hình tướng hay chẳng phải hình tướng, là lìa cái Thấy hay chẳng phải cái Thấy. Bóng tròn cũng như thế : nó do nhặm mắt mà thành. Muốn gọi cái gì là ngọn đèn hay cái gì là cái Thấy cũng còn chẳng được, huống hồ phân biệt cái bóng tròn là không phải ngọn đèn hay không phải là cái Thấy?

Thông rằng : Sắp chỉ rõ rằng Tánh Thấy chẳng phải là cái Thấy, nên lấy mắt nhặm làm ví dụ. Cái thấy-bệnh của mắt nhặm thì vọng thấy có bóng tròn. Người không nhặm làm sao thấy có bóng tròn? Nhặm mắt đó là bệnh, nhưng cái Thấy Được Bệnh Nhặm thì chưa từng bệnh vậy. Đó là để so sánh với cái Thấy (Kiến Tinh) là hư vọng, nên vọng thấy có Tâm Cảnh. Cái Tánh Thấy thì không hư vọng, nên không thấy có Tâm Cảnh. Vậy thì cái Thấy là hư vọng chứ Tánh Thấy chưa từng hư vọng vậy. Nếu ở nơi chỗ vọng thấy có Tâm Cảnh lại sanh khởi thêm cái thấy về Nhân Duyên, Tự Nhiên, Thị Phi thì cũng giống như người nhặm mắt thấy cái bóng tròn rồi truy tìm cái căn nguyên phát sanh của nó!

Cho cái bóng lòa ấy là ngọn đèn, là cái Thấy tức nói cái bóng tròn do ngọn đèn, do cái Thấy mà có: đó là nghĩa Nhân Duyên.

Cho cái bóng lòa ấy chẳng phải ngọn đèn hay cái Thấy, là nói cái bóng tròn lìa ngọn đèn, lìa cái Thấy mà riêng có: đó là nghĩa Tự Nhiên.

Đã chẳng phải là Nhân Duyên, lại chẳng phải là Tự Nhiên, thời chỉ do mắt nhặm mà thành có bóng tròn vậy.

Cái nhặm mắt thấy có bóng tròn, và cái dụi mắt thấy mặt trăng thứ hai, đồng là một cái bệnh-thấy. Nếu suy xét cái chỗ phát sinh của mặt trăng thứ hai này là hình tướng hay là cái Thấy, lìa hình tướng hay lìa cái Thấy thì quả là mê muội thay! Cũng như nói cái bóng tròn là ngọn đèn, là cái Thấy, hay chẳng phải ngọn đèn, chẳng phải cái Thấy, thì gọi là người Trí được sao?

Ở hai trường hợp này, biết rõ là hư vọng, suy cứu cái nghĩa Nhân Duyên, Tự Nhiên còn không thể được huống gì trong cái Bổn Giác Minh Tâm chẳng phải là nhặm mắt hay dụi mắt các thứ, vốn không có tướng tròn hay mặt trăng thứ hai thì ở chỗ nào mà vọng lập ba thứ hý luận Nhân Duyên, Tự Nhiên!

Cho nên, lấy Nhân Duyên, Tự Nhiên, Hòa Hợp mà luận về cái Thấy, cũng còn trong bệnh nhặm mắt vậy thôi, người Trí không thế, vì đó là Biệt Nghiệp Vọng Kiến.

Tổ Quy Sơn thấy lửa đồng [Dã hỏa], hỏi Ngài Đạo Ngô: “Có thấy lửa không?”

Đạo Ngô nói: “Dạ, thấy”.

Tổ Sơn: “Từ đâu khởi ra?”

Đạo Ngô: “Dẹp hết sự đi, đứng, nằm, ngồi xin thầy riêng đưa một câu hỏi xem?”

Tổ Quy làm thinh.

Tổ Phật Giám nêu ra rằng:

Rực rực lửa đồng

Người người đều thấy

Chỉ có Đạo Ngô

Thấy ra khắc hẳn.

Tổ Hương Lâm Viễn đang giãy cỏ, có vị tăng hỏi: “Hãy xem nhà người đời mất lửa”.

Tổ Viễn nói rằng: “Lửa trong chỗ nào?”

Vị tăng nói: “Chẳng có thấy sao?”

Tổ Viễn nói rằng: “Chẳng thấy”.

Vị tăng nói: “Cái lão già mù này”.

Khi ấy, chúng đều nói: “Viễn Thượng Tọa thua rồi!”

Sau Ngài Minh Giáo Khoan nghe chuyện, than rằng: “Phải là huynh Viễn ta mới được”.

Cái Thấy này xa khác lắm thay, chẳng rời Chánh Vị [Tự Tâm thường trụ]. Với cái Kiến Tinh của thế gian giống như bệnh nhặm mắt, làm sao sánh được?

Lại Tổ Quy Sơn, hỏi Ngài Đạo Ngô: “Đi đâu về đó?”

Ngài Đạo Ngô đáp: “Thăm bệnh về”.

Tổ Sơn: “Bao nhiêu người bệnh?”

Đáp: “Có người bệnh, có người không bệnh”.

Tổ Sơn: “Người không bệnh có phải là Trí Đầu Đà?”

Tổ Ngô nói: “Nói được cũng chẳng ăn nhằm gì”.

Tổ Thiên Đồng ở chỗ “Chẳng ăn nhằm [Giao thiệp] gì”, tụng rằng:

“Thuốc diệu nào từng qua miệng

Thần y không thể cầm tay

Nhược Tồn [Nhược Tồn : nếu còn.. ] nó vốn chẳng phải không

Chí Hư [Chí Hư : rỗng không.. ] nó vốn chẳng phải có

Chẳng Diệt mà sanh, chẳng mất mà thọ

Siêu hết trước Phật Oai Âm

Một mình bước sau Không Kiếp

An bình thì trời che đất chở

Vận chuyển thì thỏ chạy quạ bay”.

(Diệu dược hà tằng quá khẩu

Thần y mạc năng trốc thủ

Nhược Tồn dã cừ bổn phi vô

Chí Hư dã cừ bổn phi hữu

Bất Diệt nhi sanh, bất vong nhi thọ

Toàn siêu Oai Âm chi tiền

Độc bộ Kiếp Không chi hậu

Thành bình dã thiên cái địa kình

Vận chuyển dã ô phi thố tẩu)

Tắc này ở trong Chân Kiến mà nhổ sạch gốc bệnh. Bệnh với không bệnh cũng chẳng có liên quan gì, huống là phân biệt nhặm với chẳng nhặm!

Kinh: “Thế nào là Vọng Kiến Đồng Phận?

“Anan, cõi Diêm Phù Đề này, ngoài nước biển cả ra, trong đó đất liền có ba ngàn châu. Châu lớn chính giữa, bao quát từ Đông sang Tây có đến hai ngàn ba trăm nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến hai trăm, ba trăm nước hoặc có mười, hai mươi cho đến ba mươi, bốn mươi, năm mươi nước.

“Anan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ chỉ có hai nước mà riêng người trong một nước đồng cảm ác duyên, thì chúng sanh trong nước đó thấy tất cả những cảnh giới không tốt. Hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng khác như Vựng, Thích, Bội, Quyết, Tuệ, Bột, Phi, Lưu, Phụ Nhĩ, Hồng Nghê. Chỉ nước đó thấy, còn chúng sanh nước bên kia thì không thấy mà cũng không nghe.

Thông rằng: Bộ Hiệp Luận nói “Vựng là khí chung quanh mặt trời. Thích là điều xấu ở mặt trời, mặt trăng. Bội, Quyết: khí xấu gần mặt trời. Tuệ là sao chổi. Bột : một loại sao chổi. Phi là phi tinh, một loại sao từ dưới bay lên. Lưu là lưu tinh, một loại sao từ trên rơi xuống. Phụ là phụ khí, khí giống như cõng mặt trời. Nhĩ là nhĩ khí, khí bên cạnh mặt trời như cái tai. Hồng Nghê là cầu vồng, cái sáng gọi là Hồng, cái tối gọi là Nghê”.

Sách Xuân Thu Truyện chép : năm Thứ Sáu đời vua Ai Công, nước Sở có điềm mây như con quạ đỏ ôm lấy mặt trời mà bay trong ba ngày. Vua sai hỏi Châu Thái Sử, Thái Sử nói: “Ứng vào thân vua”. Ông Đỗ Dự bàn thêm : “Mặt trời là vua của con người, yêu khí ôm lấy thì ứng vào vua. Chỉ có nước Sở thấy, thì vua nước khác không hề gì!”

Đời Lỗ Châu Công, năm Thứ Hai Mươi Sáu, tháng Một [Mười Một]nước Tề có sao chổi. Tề Hầu sai cầu đảo.

Ông Án Tử thưa: “Vô ích, làm vậy là mê tín. Đạo trời chẳng thay đổi, đâu có hai mệnh thì cầu đảo làm gì? Đạo trời có sao chổi là để trừ uế khí. Nếu vua không có uế đức thì cầu đảo làm gì? Còn nếu có uế đức thì cầu đảo sao được?” Ông Đỗ Dự bàn thêm : “Chỉ có nước Tề thấy, nước Lỗ không thấy”.

Hai đoạn trên để nghiệm câu trong kinh: “Có một châu chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng cảm ác duyên thì chúng sanh trong nước đó thấy những cảnh giới không tốt”. Thật rõ ràng vậy.

Cảm ứng ác duyên có định nghiệp và bất định nghiệp. Định nghiệp thì không thể tránh. Bất định nghiệp thì có thể thay đổi.

Ví dụ, như Tổ đời Hai Mươi Ba, là Ngài Hạc Lặc Na [Haklena. Lặc Na: âm tiếng Phạn. Hạc: âm tiếng Hán; tôn giả sau khi sanh ra, có bầy hạc cảm mến bay theo nên gọi vậy] tôn giả, biết trước vị Tổ đời Hai Mươi Bốn là Sư Tử tôn giả sẽ gặp nạn. Một hôm, bỗng nhiên Tổ chỉ về hướng Đông Bắc, hỏi rằng: “Đó là khí tượng gì?”

Tổ Sư Tử thưa: “Tôi thấy khí như cái mống trắng khắp cả trời đất, lại có năm luồng hắc khí chạy ngang trong đó”.

Tổ nói: “Điềm đó thế nào?”

Ngài Sư Tử thưa: “Tôi không biết được”.

Tổ dạy: “Sau khi tôi mất năm mươi năm, nước Bắc Thiên Trúc sẽ có nạn nổi lên, chạm đến thân ông”.

Sau này, Ngài Sư Tử tôn giả quả bị vua nước Kết Tân giết. Cánh tay phải của vua tự nhiên rụng xuống đất, bảy ngày sau thì chết. Thái Tử Quang Thủ than rằng: “Vua cha ta cớ sao tự mình chiêu lấy tai họa”. Bấy giờ có vị Tiên núi Bạch Tượng rõ sâu nhân quả nên rộng nói cho Thái Tử nghe việc đời trước, mở thoát lưới ngờ. Đây là chỗ gọi là định nghiệp không thể tránh được vậy.

Vua Tống Cảnh Công bị sao Hỏa Tinh nên lo sợ, mời Ông Tử Vi vào hỏi.

Ông Tử Vi nói: “Bị sao Hỏa Tinh là điềm trời phạt, họa ứng vào thân bệ hạ, nhưng có thể dời qua quan Tể Tướng”.

Cảnh Công bảo: “Tể tướng để trụ nước, nếu dời qua mà chết thời không nên. Thôi, để quả nhân xin tự gánh chịu vậy”.

Ông Tử Vi nói: “Có thể dời qua nhân dân”.

Vua đáp: “Dân chết rồi thì làm vua với ai. Thôi, để trẫm chết một mình”.

Ông Tử Vi thưa: “Có thể dời vào năm”.

Vua đáp: “Năm đói kém thì dân chết đói. Làm vua mà muốn giết dân để tự mình sống thì còn ai xem ta là vua nữa. Âu cũng là mạng đã hết của quả nhân vậy. Khanh chẳng nên nhiều lời”.

Ông Tử Vi vội vàng quỳ xuống lạy mà tâu rằng: “Hạ thần xin chúc mừng bệ hạ. Trời ở trên cao mà nghe dưới thấp. Vua đã có được ba lần lời nói của người nhân, trời ắt thưởng vua ba lần. Đêm nay chắc sao sẽ dời chỗ, vua sống thêm hai mươi mốt năm”.

Cảnh Công nói: “Khanh làm sao biết?”

Ông Tử Vi thưa: “Vua có ba điều thiện thì được thưởng ba lần, do đó sao dời ba lần. Mỗi lần bảy năm, ba lần là hai mươi mốt năm. Nên tuổi thọ dài thêm hai mươi mốt năm. Nếu sai, hạ thần xin chịu chết”.

Vua ưng chịu.

Đêm đó, sao dời ba lần như Ông Tử Vi đã nói. Đây là chỗ gọi là bất định nghiệp có thể chuyển dời vậy.

Tóm lại, định nghiệp và bất định nghiệp ở nơi Tự Tánh nào có thêm bớt, cũng là Như Huyễn. Chấp Huyễn mà cho là thật, thì chỉ vì vọng thấy vậy thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]