Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Truyện đức Vê-xanh-ta

24/10/201202:50(Xem: 8811)
06. Truyện đức Vê-xanh-ta

THANH GƯƠM BA-LA-MẬT
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Truyện đức Vê-xanh-ta






Đức Vê-xanh-ta do sự thỉnh mời của trời Đế Thích nên từ cung trời Tu-si-ta giáng sanh vào kinh đô Kế-tư-đà làm con của đức vua Thệ Sanh và hoàng hậu Trầm Hương. Sở dĩ gọi là Trầm Hương vì lý do nhân duyên quá khứ, bà bố thí trầm hương đến Đức Phật Tỳ-bà-thi nên trầm hương bao giờ cũng tỏa ngát nơi bà qua các cõi trời và người.

Từ khi thọ thai đức Vê-xanh-ta, mỗi ngày bà bố thí sáu mươi ngàn đồng tiền vàng, sống đời đức tin thanh khiết với thiện pháp.

Đức Vê-xanh-ta giáng thế thì đồng thời, sáu muôn chư thiên cũng giáng sanh xuống rải rác trong quốc độ để sau này làm kẻ tùy tùng hầu hạ. Vì là dòng dõi của chư Phật nên đức Vê-xanh-ta có dung nghi và tư cách khác thường.

Vua Thệ Sanh coi vị hoàng nam này như ngọc báu của quốc độ. Ngài cho xây bốn tòa cung điện. Mười thầy Bà-la-môn uyên bác đảm trách về giáo dục. Hai mươi thị nữ săn sóc và hầu hạ. Mười vị lương y trứ danh túc trực sẵn sàng để coi về sức khỏe cho hoàng tử. Ngoài ra, võng lọng, kiệu xe, ngựa voi, thú vui, vật lạ - chẳng có gì là không đầy đủ.

Lên tám tuổi, đức Vê-xanh-ta xin vương phụ cho được tự do bố thí. Mỗi ngày, ngài bố thí mười ngàn đồng tiền vàng với lời đại nguyện:

- Xin nguyện bố thí bất nghịch ý đến tất cả chúng sanh, không những bạc tiền và sở hữu có được - mà còn bố thí tứ chi, mắt tim, thân thể và luôn cả tính mạng!

Lời nguyện vô thượng làm cho địa cầu rung chuyển, lan xa đến mấy cõi trời. Chư thiên hữu tình rải hoa ca ngợi. Vô lượng chúng sanh cảm thấy trong tâm phát sanh hỷ lạc. Trong khi ấy có con vương tượng từ núi Tu Di đi qua hư không hạ xuống kinh thành, biếu tặng đức Vê-xanh-ta một con voi báu bốn ngà vàng cao quý. Biết đây là thần linh ban cho nên đức Vê-xanh-ta đặt tên là Voi Thần. Khi ngài ngự trên voi báu, vẻ uy nghi và sáng rỡ của cả hai khiến người người chiêm ngưỡng trầm trồ khen ngợi cho sự tương hợp kỳ lạ giữa chúa loài người và chúa loài voi. Đôi khi thích chí, Voi Thần bỏ mặt đất, bước qua cổng thành, chở đức Vê-xanh-ta dạo chơi giữa hư không. Mười ngàn thớt tượng của đức vua mỗi khi thấy Voi Thần đi ngang qua thì run rẩy, hai chân trước khuỵu xuống, phủ phục không dám ngẩng đầu lên.

Từ khi đức Vê-xanh-ta được Voi Thần cũng là lúc vua Thệ Sanh được làm chúa chư hầu. Các nước lân bang từ lâu có ý xâm lăng, dòm ngó - nay đều chịu thần phục và xin triều cống. Mỗi năm, của cải từ bốn phương đem về kinh đô Kế-tư-đà còn hơn trăm con sông đổ nước về biển. Vua Thệ Sanh cho xây mười ngàn cung khố, tuyển thêm mười muôn binh để lo việc chuyên chở, săn sóc và bảo quản. Sáu ngàn cung phi mỹ nữ sủng ái, mười ngàn quan đại thần đều được hưởng lộc vạn thặng.

Cung điện của đức vua Thệ Sanh từ đây biến thành cảnh thiên đường hạ giới, lúc nào cũng cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm!

Đức Vê-xanh-ta lúc ấy đã được phong làm Thái tử. Vợ là công chúa Ma-đà-ly. Ít lâu sau, hai bé Ra-ly và Kanh-ha ra đời. Dường như tâm từ bi và lòng quảng đại của ngài lớn dần theo với tuổi tác. Trong khi triều đình càng lúc càng chìm sâu vào cảnh hưởng thụ, vinh hoa và biếng nhác thì đức Vê-xanh-ta đã cho xây thêm trạm phước xá thứ sáu. Và, mỗi ngày thay vì bố thí mười ngàn đồng tiền vàng, bây giờ đã lên đến một trăm ngàn. Đã thế, ngài cho rằng chưa đủ. Mấy ngàn tay chân thân tín đi khắp tất cả các thôn làng hẻo lánh, núi non xa thẳm để rao truyền tin lành về nước Phật phước thiện và từ bi - rồi tìm đủ mọi cách giúp cho kẻ nghèo đói, khốn khổ được về kinh thành chiêm ngưỡng đức Vê-xanh-ta cùng tấm lòng nhân hậu hiếm có của ngài.

Cổ đức có dạy: “Ma quỷ thường sợ ánh sáng”. Các quan đại thần triều đình vua Thệ Sanh, hôm kia họp nhau vào quỳ dưới chân đức vua.

- Tâu đại vương! Tài sản nước nhà thì có hạn - mà sự bố thí hàng ngày của Thái tử là vô hạn. Xin nghiêm thượng xét lại, quốc độ sẽ có lúc nguy vong.

Một vị khác tâu:

- Không những thế, hằng muôn người lại bỏ bê, lười biếng trong công việc, ăn không ngồi rồi, chỉ chầu chực miếng cơm, manh áo của Thái tử. Sự hưng thịnh của triều đại, tài sản sẵn có không quyết định - mà chính do của cải tăng vượng mỗi ngày, sự bắt tay góp sức của mọi tầng lớp lao động quyết định. Đây là mối nguy cơ nghiêm trọng cho xã tắc - bọn bầy tôi ngu dốt cảm thấy sợ hãi vô cùng!

Trăm người như một, thít tha phụ họa - Vua Thệ Sanh rất lấy làm bối rối.

Các đấng tiên hiền có nói: “Ma quỷ thường núp sau những lý luận bằng vàng ròng”. Vua Thệ Sanh dẫu có đem tâm thiên vị Thái tử, rốt lại cũng phải xuôi theo cái nguyện vọng của phần đông. Thái tử được gọi đến.

Đức Vê-xanh-ta lẳng lặng nghe vương phụ và triều thần trình bày xong, ngài nhăn mày, tự nghĩ:

- Các quan đại thần này vốn không phải là người xấu, nhưng quyền lợi vật chất và đời sống vinh hoa làm cho họ tối ám lương tri. Chúng đã tìm ra kẻ hở của công việc ta làm. Nhưng trí tuệ Ba-la-mật vốn là Kim Cương bất hoại, xin nguyện sẽ đập vỡ những lý luận cứng rắn nhất.

Ngài nói:

- Cả hai điều mà các quan đại thần đưa ra đều hợp lý. Thế nhưng, mười ngàn cung khố của quốc độ, con đâu có đụng chạm đến? Thưa vương phụ! Tiền bạc và của cải bấy nay con chi dùng vào việc lợi tha, vốn là tài sản mà vương phụ và mẫu hậu đã cho con. Như vậy thì, con đâu có lấy của công mà làm việc tư riêng, dẫu là việc tư riêng có ý nghĩa phước thiện?

Đức Vê-xanh-ta lại tiếp:

- Còn việc ăn không, ở rỗi của lê dân. Điều này thật là tai hại. Nhưng sự ăn không ở rỗi của đám ngu dân nghèo đói bất hạnh kia - có nguy vong hơn sự ăn không ở rỗi của những kẻ có bạc tiền, thế lực và quyền uy? Sự xa xỉ, vinh hoa của chúng ta, của cung điện, của mấy chục ngàn gia đình quan đại thần, cung phi, thị nữ, tỳ thiếp mấy muôn người... xem chừng tài sản quốc độ còn mau khánh kiệt hơn nhiều. Đừng vì quyền lợi của mình mà bảo vệ lẽ phải một chiều trong cái hàng rào kiên cố bằng vàng, có ẩn dấu móng vuốt của quỷ ma!

Các quan đại thần hổ thẹn cúi gầm mặt xuống.

Đức Vê-xanh-ta lại quay qua đức vua:

- Thưa Phụ vương! Để giúp cho việc phước thiện được hoàn hảo. Các thầy Bà-la-môn hảo tâm, một ngàn thiện-bằng-hữu đã tiếp tay với con - bằng cách kiếm công ăn việc làm cho những người ở rỗi. Mỗi ngày, một trăm cơ quan hoạt động khắp nước, tạo nghề nghiệp cho mấy muôn người.

Trong nay mai, con lại mời thêm một trăm thầy Bà-la-môn và chuyên gia lỗi lạc khắp trong các tiểu quốc, mở trường dạy học về chữ nghĩa, đạo đức cùng các công nghệ chánh mạng và thực dụng. Thưa vương phụ! Như vậy, xa rộng con đều đã nhìn thấy, trước và sau con đều có nghĩ suy. Nhân, duyên và quả đều nằm trước tầm mắt, thì làm sao con lại có thể tác ý hoặc hành động lầm lỗi?

Lý luận đanh thép chặt chẽ và câu hỏi của đức Vê-xanh-ta như chiếc búa nặng ngàn cân, không ai đỡ nổi.

Vua Thệ Sanh nhìn đám quan đại thần như đàn khỉ cáo run sợ trước uy dũng của thái thử, con ngài, đức vua sung sướng đến phát khóc. Lát sau, để trấn tĩnh cái hoan hỷ đang xôn xao, bừng bừng kia lắng dịu - đức vua sai cấp thêm cho Thái tử mười kho vàng và bạc để cho ngài được trọn quyền sử dụng vào các việc công ích.

Từ đây, mỗi ngày, con sông Hằng đổ về biển đông bao nhiêu lượng nước - thì đức Vê-xanh-ta đổ tâm từ ái và cơm áo ấm no từng ấy đến cho đám tiện dân đói khổ.

Tin đức Vê-xanh-ta bố thí bất nghịch ý đến tất cả mọi người, loan truyền đi chấn động cả mấy trăm tiểu quốc.

Kẻ nghèo đói - và dĩ nhiên có kẻ giả bộ nghèo đói - từ khắp nơi lũ lượt tìm đến kinh đô Kế-tư-đà đông như trẩy hội. Thái tử thỏa mãn tất cả mọi người. Và thế là các kho vàng và bạc cứ vơi dần.

Hôm kia, sáu người Bà-la-môn y áo phủ đầy bụi đường, mặt mày hốc hác và đôi chân tươm máu xuất hiện trước vương cung. Họ lắc đầu trước những của bố thí và chỉ xin được gặp Thái tử.

Đức Vê-xanh-ta tiếp đón họ rất niềm nở và lịch sự, truyền cho nội thị dẫn họ đến nơi tắm rửa, thay áo rồi dọn cơm nước đãi đằng.

Sáu người Bà-la-môn đồng thanh đáp:

- Chúng tôi lên thác xuống ghềnh, gian khổ nửa năm trường mới đến được nơi đây, chẳng phải là để xin một chiếc áo hoặc một bữa cơm cao sang của bậc vương giả!

- Vậy thì các thầy có ước nguyện gì, cứ nói - Thái tử mỉm cười hoan hỷ cho họ an lòng và vững tâm - Chưa có ai gặp ta mà phải thất vọng!

Sáu người Bà-la-môn ngập ngừng nhìn nhau, chưa ai dám mở miệng. Sau rốt, có người đứng lên:

- Tấm lòng của Thái tử rộng lớn như trời biển! Chúng tôi bạo gan xin đức Đông Cung bố thí cho thớt Voi Thần!

Thái tử gật đầu nhận lời. Sáu người Bà-la-môn không ngờ chuyện trọng đại lại chợt trở nên dễ dàng đến thế. Đức Vê-xanh-ta không những sẵn sàng bố thí Voi Thần mà còn bố thí luôn nài, yên cương khảm ngọc, dát vàng; những chuỗi bảo châu làm vật trang điểm, những hạt cườm bằng hổ phách lóng la lóng lánh quý giá vô ngàn. Tất cả đó trị giá là hai triệu tám muôn lượng vàng. Ngài cho đi với cả tấm lòng hoan hỷ và mát rượi tỏa ra trên khuôn mặt. Sáu người Bà-la-môn được Thái tử đổ nước lên tay rồi trao cho Voi Thần, là con voi từ lâu đã làm đức Hộ Pháp cũng như là linh hồn của quốc độ.

Với tất cả sức lực của mình, sáu người Bà-la-môn kéo cương, nài la hét, nhưng Voi Thần đứng yên không lay động, đưa đôi mắt đỏ lệ nhìn Thái tử. Hiểu ý thần vật, đức Vê-xanh-ta đến bên voi, khẽ vỗ vào tai và nói những lời dịu dàng:

- Con mến! Nếu con thương yêu ta thì hãy đi theo người. Con là một giống vật linh hiển thì ở gần ta hay ở xa ta nào có nghĩa gì. Lấy đức mà cảm hóa mọi người, dùng thần oai mà nhiếp phục kẻ nào tự cường tranh thắng muốn gây nạn binh đao máu lửa. Sứ mạng con ở đâu cũng giống nhau. Xa con ta cũng buồn lắm nhưng lời đại nguyện để thành tự quả Vô thượng bồ-đề lại tối thắng hơn. Bao giờ đạt được Đạo Giác Ngộ, ta sẽ cứu độ cho con.

Lạ lùng thay, Voi Thần nghe xong, phủ phục xuống chân Thái tử, rồi chợt đứng lên cất một tiếng rống như sấm động, mặt đất rung rinh, hư không vang động không ngớt. Sáu người Bà-la-môn sắc mặt như chàm đổ, run run đứng không vững. Đức Vê-xanh-ta trấn an, phủ dụ họ rồi lại trao voi. Voi Thần ngoan ngoãn theo chân sáu người Bà-la-môn bước ra cổng thành, phút chốc, cuốn đi như giông như gió.

Tin Thái tử bố thí Voi Thần lan đi rất nhanh. Kinh thành xáo động, phố xá đóng cửa, chợ không đông, nơi nơi tập họp nhau lại xì xầm bàn tán, người ca ngợi Thái tử, kẻ tiếc rẻ Voi Thần. Có kẻ dám đánh cá với nhau: mất Voi Thần là mất quốc độ! Tuy thế, phần đông người ta sống bằng trái tim chứ không phải sống bằng đầu óc. Quần chúng ủng hộ đức Vê-xanh-ta. Có người dám đặt cá lại: Voi Thần, các voi chính thống, không bao giờ phản chủ cũ.

Phía dân chúng thì như thế, ở triều đình thì vô cùng hỗn loạn. Cái thế an toàn, vững chãi, bức tường thành che chở cho họ trong một đời sống vinh hoa xa xỉ - do Voi Thần đem lại - giờ không còn nữa! Voi Thần mất là mất tất cả.

Mấy chục ngàn quan đại thần đến chật cả cung điện. Mười quan Thượng Thư đến quỳ dưới chân vua Thệ Sanh khóc rống lên:

- Sáu người Bà-la-môn là sứ thần bí mật của nước Linh Ga, âm mưu xin Voi Thần để đánh cướp quốc độ. Đức hoàng thượng ôi! Đại họa đến rồi!

Vua Thệ Sanh bàng hoàng cả người, ngồi chết sững trên ngai vàng.

Triều đình ồn ào như vỡ chợ, sự phẫn nộ của họ cuồn cuộn như sóng tràn. Những tiếng la, tiếng hét nổi lên. Tiếng khóc tiếng than xoáy vào tai vua Thệ Sanh như những mũi dùi băng lạnh.

Họ không dừng lại ở đó.

- Hãy trảm đầu tên bán nước.

- Pháp bất vị thân, xin hoàng thượng thẳng tay nghiêm trị.

- Hãy treo cổ Thái tử ngay!

- Hãy lưu đày biệt xứ...!

Đức vua ra lệnh đòi Thái tử vào. Nhìn Thái tử với đôi mắt buồn bã, vua nói:

- Việc gì thì hoàng nhi đã hiểu rồi. Hoàng nhi đã không tiên lường hậu quả. Hãy nhìn vào sự phẫn nộ của mọi người. Hãy nhìn vào gương mặt bất mãn của triều thần. Ta biết là ta không thể bênh vực cho hoàng nhi được nữa. Hoàng nhi có tự biện hộ cho mình được không?

Đức Vê-xanh-ta không hề bối rối:

- Thưa Phụ vương! Nếu quả thật hoàng nhi có tội thì hoàng nhi sẽ tự biện hộ. Nhưng ở đây hoàng nhi không có tội nên chỉ xin trình bày đúng pháp và luật - nghĩa là đúng theo lẽ phải ở đời!

Lời mở đầu của đức Vê-xanh-ta làm cho mọi người không tin ở tai mình. Họ lại xôn xao.

- Voi Thần là do Vương Tượng từ hư không mang xuống biếu tặng cho hoàng nhi! Thưa vương phụ, vậy thì bố thí một vật sở hữu của mình, lẽ phải xưa nay có ai bắt tội? Pháp và luật của quốc độ có điều khoản nào quy định tội trạng những người cho đi vật sở hữu?

Đức vua và triều đình kinh dị. Không ai có thể ngờ chỉ với một câu hỏi, Thái tử trắng án ngay tức khắc. Một cái tội to lớn dường ấy mà Thái tử đã làm cho mình trở thành vô tội!

- Có thể có điều này - đức Vê-xanh-ta tiếp - Voi Thần tuy là sở hữu cá nhân, nhưng nó đã trở thành quyền lợi của cả nước! Thưa Phụ vương! Nếu bắt tội hoàng nhi đã không nghĩ đến quyền lợi chung thì quả là hoàng nhi có tội!

Nhưng than ôi, cái gọi là quyền lợi chung ấy nó mới hàm hồ và vô nghĩa làm sao! Không có quyền lợi chung cho lê dân và bá tánh mà chỉ có quyền lợi của giới chức trị vì, của trăm quan sống đời vinh hoa và hưởng thụ. Từ muôn đời, đám đông bá tánh vẫn bị hy sinh bởi nhân danh và nhãn hiệu!

Đức Vê-xanh-ta lại buộc tội trở lại đức vua và quần thần bằng sự thực không ai chối cãi. Minh thư có dạy: “Ma quỷ không dám nhìn cái bóng của chính mình”. Cũng vậy, sự thật quá trần truồng và gớm ghiếc có ai dám nhìn thẳng bao giờ? Sự thật có thể làm đau xót những trái tim chân thực, nhưng lại là sự phẫn nộ của quỷ ma. Hơn ai hết, đức Vê-xanh-ta biết rõ điều ấy, nên ngài cất giọng dịu dàng:

- Nhưng mà thôi! Chân lý người ta thường hiểu là tùy thuộc đám đông! Thưa vương phụ! Ở đây hoàng nhi chỉ có một mình! Để vừa lòng triều thần, xin vương phụ hãy nghiêm trị hoàng nhi!

Vua Thệ Sanh bối rối vô cùng.

Một vị Thượng Thư dõng dạc nói:

- Tâu bệ hạ! Những lời của Thái tử quả là quá nặng nề. Nhưng dám thưa Thái tử một điều: nếu Voi Thần trở lại xâm lăng quốc độ thì Thái tử nghĩ thế nào?

Đức Vê-xanh-ta mỉm cười:

- Nếu vậy thì ta đúng là một tên bán nước! Nhưng xin lão thần hãy an tâm. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Voi Thần và ta là đôi bạn thân thiết. Không bao giờ Voi Thần làm cho ta phải bị sự phỉ nhổ của trăm họ!

Cuối cùng, vua Thệ Sanh phán:

- Căn cứ của hoàng nhi không có vững vàng, không được xây dựng trên thực tế. Thực tế là Voi Thần đã rơi vào tay xứ Linh Ca, một lân bang cừu địch. Ta ngồi giữa quần thần và trên đầu trăm họ, vậy thì ta phán truyền cho hoàng nhi án lưu đày biệt xứ mười hai năm, tại dãy núi Gri-văng-ka thuộc Hy Mã Lạp Sơn.

- Con sẽ phục mạng - Đức Vê-xanh-ta nói - nhưng xin vương phụ cho hoãn thêm mấy ngày để con bố thí những gì còn lại.

Vua Thệ Sanh y lời.

Đức Vê-xanh-ta vào nội cung gặp nàng Ma-đà-ly:

- Nàng hỡi! Thái tử nói - Ta mang tội với quốc độ là đã cho Voi Thần đến một lân bang cừu địch. Triều đình phẫn nộ. Cuối cùng, vương phụ đày ta lên núi Gri-văng-ka mười hai năm biệt xứ.

Em yêu quý! Vậy thì châu báu hồi môn và của cải mà phụ hoàng, mẫu hậu cùng ta đã biếu tặng, nàng hãy chi dùng vào việc lợi tha. Hãy bố thí cúng dường đến các bậc tu hành đạo sĩ. Hãy nhường cơm xẻ áo đến đám bần dân. Hãy sống đời trong sạch thiêng liêng với thiện pháp.

Nàng Ma-đà-ly gục khóc trên vai chồng.

Đức Vê-xanh-ta không dấu được xúc động, nhưng trấn tĩnh tiếp rằng:

- Sinh ly, tử biệt người đời chẳng ai tránh được. Đừng đau thương thái quá mà hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến hai con. Ta không bắt nàng phải giữ tiết nghĩa, hy sinh cuộc đời son trẻ cho sự đợi chờ vô vọng. Nếu có vị vua nào vừa ý, nàng có quyền được tái giá để sống đời hạnh phúc lứa đôi. Vương phụ, mẫu hậu, nàng khỏi lo đến việc phụng dưỡng. Hai con là cành vàng lá ngọc, nàng lại chẳng cần lo nghĩ đến chuyện cơm áo và tương lai. Còn ta thì có cả đại nguyện trong lòng thì sá gì cam go trở ngại. Thôi! Mấy lời tâm huyết đã bộc bạch cùng nàng, nguồn cơn đã tỏ, sau trước đã tường, ta xin vĩnh biệt!

Nàng Ma-đà-ly chợt ngồi thẳng dậy dùng khăn lau ráo lệ, giọng nói trấn tỉnh phi thường:

- Thiếp nghe rằng: Gái thì phải có tam tòng và trai thì phải có tứ đức! Từ khi thiếp về gá nghĩa se duyên cùng chàng; chẳng hay thiếp đã có lỗi lầm nào đến nỗi chàng phải đem tâm khi rẻ?

Đức Vê-xanh-ta ngạc nhiên, cầm tay nàng, hối hả nói:

- Ta đâu dám thế! Nàng quả không có lỗi lầm.

Nàng Ma-đà-ly cất giọng giận dỗi:

- Thiếp không lỗi lầm! Thế sao Thái tử lại dám coi thường tiết hạnh trung trinh của người đàn bà mà khuyên thiếp nên tái giá với một bậc vương tôn công hầu nào khác? Lại nữa, nếu thiếp không lỗi lầm thì sao Thái tử đành đoạn cắt đứt tình nghĩa mà nói nên lời vĩnh biệt nọ kia? Thiếp có thể nằm trên loan sàng gấm nệm, vào ra gác ngọc lầu vàng; trong lúc Thái tử dãi nắng dầm sương, đi chân đất, mặc áo vải, lót dạ qua ngày trái chua, củ đắng giữa chốn rừng thiêng nước độc ư?

Nói xong, nàng Ma-đà-ly quay lưng lại, khóc tấm tức.

- Xin lỗi nàng - đức Vê-xanh-ta xuýt xoa nói - Ta đâu dám coi thường nàng. Quả thật ta sợ nàng chân yếu tay mềm, không kham nổi cuộc đời khổ ải.

Nàng Ma-đà-ly ngước đôi mắt còn mọng nước:

- Nếu thiếp không ngại?

- Thì hãy đi - Đức Vê-xanh-ta mạnh mẽ nói - cùng ta chia ngọt xẻ bùi hoặc uống cạn chén đời tân khổ. Nhưng nàng hỡi! Ta còn một điều ngần ngại!

Khuôn mặt ngọc đã lóe niềm vui:

- Thái tử cứ nói!

Trầm ngâm giây lát, đức Vê-xanh-ta nhìn lên ngọn núi Hy Mã ẩn hiện sau làn mây trắng tận cuối trời:

- Ở hay đi, trước sau đại nguyện của ta vẫn kiên định, vững vàng như đỉnh núi kia. Ta sẽ cho đi tất cả, dẫu cả cuộc đời. Nếu muốn đi theo, nàng hãy hứa với ta một điều.

- Thái tử cứ nói!

- Xin nàng đừng ngăn trở bất cứ sở nguyện nào của ta!

Nàng Ma-đà-ly cất giọng ôn nhu mà rằng:

- Dĩ nhiên! Có bao giờ mà thiếp không theo lệnh chàng? Ngay cả cuộc đời, tánh mạng của thiếp, chàng hãy tùy nghi sử dụng, thiếp quyết không cau mày!

Đức Vê-xanh-ta được lời như mở tấm lòng.

Sau đó, ngài bố cáo khắp nơi về ba ngày chẩn bần cuối cùng. Hai trẻ Ra-ly và Kanh-ha cũng đem của cải tư trang ra hùn góp. Nàng Ma-đà-ly xin vua cha thêm hay ngày nữa về phần của cải của nàng. Tất cả năm ngày chẩn bần này trị giá có đến tám muôn triệu đồng tiền vàng, còn to hơn ngân khố của một tiểu quốc.

Đức Vê-xanh-ta, vợ và hai con thảy đều hoan hỷ khi thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của đám người bất hạnh. Thời gian bố thí đã qua. Đến ngày lên đường, vua Thệ Sanh ban cho Thái tử sáu muôn thuộc hạ, hai mươi xe lương thực cùng của cải, tư trang và tư dụng. Chiếc long xa bốn ngựa đưa gia đình Thái tử ra khỏi cổng thành. Đức vua Thệ Sanh và hoàng hậu Trầm Hương đỏ lệ trông theo nghẹn ngào. Hai vạn cung nga thể nữ lấy khăn vẫy, ôm nhau khóc như ri. Các quan đại thần, muôn dân bá tánh đưa đi chật đường, kéo dài đến hai do tuần. Chư thiên từ hư không nhìn xuống, rải hoa đưa tiễn bùi ngùi.

Ngày thứ hai, đức Vê-xanh-ta cho sáu muôn tùy tùng trở về. Ngày thứ ba, người ta lại xin của bố thí. Đức Vê-xanh-ta cho tư dụng và lương thực, sau đó ngài lại cho luôn bốn ngựa. Bây giờ hai trẻ ngồi trên xe, đức Vê-xanh-ta kéo thay ngựa, nàng Ma-đà-ly đẩy, cùng nhau vượt núi băng đèo. Người ta lại đến xin, ngài cho xe. Thế là chồng bồng trai, vợ ẵm gái tiếp tục con đường vạn dặm...

Hôm kia, họ dừng lại giữa một khu rừng già hoang vu, hổ gầm, vượn hú nghe thật ghê rợn. Nhìn lên thì núi cao chớn chở, nhìn xuống thì vực thẳm mịt mùng. Đêm xuống lạnh, lương thực mang theo đã bố thí hết. Nàng Ma-đà-ly nhìn hai con, tuy không dám thở than nhưng ruột đau đòi đoạn. Đức Vê-xanh-ta đi kiếm trái cây trở về cùng ăn lót dạ qua đêm. Lần đầu tiên ăn trái lạ, vì đói, vì rét, hai trẻ ngộ độc, nôn mửa và lên cơn sốt. Nàng Ma-đà-ly chỉ biết vỗ về, hà hởi. Nhìn sự quằn quại của hai con, đức Vê-xanh-ta chắp tay lại, nhìn giữa thinh không, thốt rằng:

- Hỡi chư thiên hộ trì thiện pháp của châu Diêm Phù Đề! Nếu đây là sự thử thách của pháp, của các ngài; thì dẫu hàng trăm ngàn vợ con thân quyến có bị sinh ly hay tử biệt; dẫu cho hàng ngàn hố lửa lớn, rắn rít và độc xà làm hại - Vê-xanh-ta này cũng không thể thoái lui con đường, dù chỉ là nửa bước!

Lời nguyền vô thượng, một lần nữa, lại làm cho địa cầu chấn động. Chúa trời Đế Thích cảm thấy nóng nảy trên thiên ngai. Các vị thần lập tức hiện xuống tìm cách làm cho hai đứa trẻ dứt bệnh và lành mạnh trở lại.

Họ tiếp tục lên đường vào sáng hôm sau. Đến một thị trấn gần biên giới, người ta nghe tin, lại đến xin ngài bố thí.

Nàng Ma-đà-ly nói:

- Chúng tôi không còn gì!

Đức Vê-xanh-ta khẽ vỗ vai nàng nói:

- Chúng ta còn rất nhiều, em ạ. Có lẽ em quên đấy thôi.

Nói xong, đức Vê-xanh-ta cởi bọc áo quần của mình trao cho người nghèo khổ. Người ta lại đến xin nữa. Nàng Ma-đà-ly noi gương chồng, tặng bọc áo quần.

Người ta lại đến xin nữa. Hai trẻ bắt chước cha mẹ chúng, lấy áo quần của mình cho hết.

Đến tháng thứ nhất, sau khi rời thành, mỗi người chỉ còn một bộ áo quần trên người, ngoài ra không còn gì nữa. Dãi nắng dầm sương, trải qua ba mươi lăm do tuần, hôm kia, họ đến biên địa một nước lân bang. Đức vua chư hầu nghe tin, tức tốc cùng đoàn tùy tùng năm trăm người bươn bả tới nơi. Dân chúng ở đây vật vã khóc than khi thấy tình cảnh thê thảm của gia đình Thái tử. Gặp đức Vê-xanh-ta, vua chư hầu xuống ngựa, dập đầu xin Thái tử về thành nghỉ ngơi, luôn thể xin nhường lại ngôi báu cho bậc đại hiền. Đức Vê-xanh-ta khiêm cung từ chối. Chẳng biết sao hơn, đức vua biếu tặng tư dụng, y phục và lương thực. Đức Vê-xanh-ta cùng vợ con, dùng vật thực đủ no lòng rồi lại lên đường. Vua chư hầu thở than không ngớt, sau đó đích thân xuống ngựa, tiễn gia đình Thái tử đến chân Hy Mã Lạp Sơn.

Dãy núi đầu tiên của Hy Mã Lạp là dãy núi Càng-đà-ma-đằng. Đến đây, đức vua ân cần gởi gắm gia đình Thái tử cho một người thợ săn uy tín - là thủ lãnh mấy trăm thợ săn chốn non thiêng - rồi ngậm ngùi từ giã. Xế trưa, Thái tử dừng nghỉ dưới gốc đa to, tàn phủ mấy chục trượng, có những trái chín và ngọt như mật ong. Độ những trái cây ngon ngọt hy hữu, từ giã Càng-đà-ma-đằng đi đến chóp núi Na-lợi-ka; đức Vê-xanh-ta và gia đình dừng nghỉ nơi một chiếc hồ con xinh đẹp phô thắm tía hồng rực rỡ. Mùi hương sen thoang thoảng dịu dàng. Một đạo sĩ chống gậy sau khóm cây rừng bước ra, không chào hỏi, nhìn Thái tử một hồi lâu.

- Bậc hoàng gia quý tộc lại muốn vào non xanh này làm đạo sĩ sao? Đạo sĩ hỏi.

Đức Vê-xanh-ta đứng dậy thành kính đáp lễ rồi nói:

- Thật chưa dám như thế, thưa tiên nhơn, dẫu là lòng mong muốn lắm. Tôi chỉ là kẻ có tội với quốc độ nên đến Gri-văng-ka sống kiếp lưu đày!

Đạo sĩ “a” lên một tiếng, rồi quẳng gậy chạy lại:

- Vậy ngài chính là đức Vê-xanh-ta, Thái tử con vua Thệ Sanh nước Kế-tư-đà?

- Cái danh của thế tục kia làm dơ tai bậc ẩn sĩ thanh tịnh - Thái tử nói - Còn chẳng hay đạo sĩ pháp hiệu là gì, cho kẻ áo trắng chúng tôi được bái phỏng?

- Là Ngu ẩn sĩ - Đạo sĩ đáp một cách mau mắn. Có kẻ lại gọi là Chơn Nhơn đạo sĩ Na-lợi-ka. Ôi! Nhưng mà tên gọi mà làm gì, hư danh mà làm gì! Chính tấm lòng của Thái tử mới làm cho Ngu sơn nhân này bái phục!

Họ hàn huyên giây lát. Đạo sĩ Na-lợi-ka lấy cây trái đãi đằng rồi sau đó ân cần chỉ lối cho Thái tử đi đến khu rừng thiêng Gri-văng-ka, chúc ngài một đời sống tịnh tu an lạc.

Sau khi đạp qua những cánh rừng hẻo lánh, thâm u, đến chiều tối, họ mới đến được nơi chỉ định. Đây là khu rừng già hiu quạnh, nằm giữa lưng chừng mây. Chim kêu, vượn hú tịch mịch lạ. Ánh nắng mặt trời nhợt nhạt xuyên qua một khoảng đất trống; Thái tử ngạc nhiên xiết bao, ở đây có một hồ sen thiên nhiên kỳ diệu, nước trong xanh biêng biếc, năm sáu màu sen phô sắc và phơi hương. Và ô kìa! Có hai chiếc tịnh thất không xa nhau lắm, dựa lưng một gốc cây cổ thụ với tán lá xanh rì trông thật duyên dáng và ngoạn mục.

Đức Vê-xanh-ta, vợ và hai con lần đến nơi. Một tấm biển có đề chữ đập vào mắt mọi người: “Nơi tịnh tu, xin dâng cúng đến hàng xuất gia đạo sĩ tùy nghi sử dụng”. Biết có thần nhân giúp đỡ, Thái tử phát sanh hỷ lạc, gọi vợ và con đến dạy rằng:

- Đây là chốn thiêng liêng. Ngoài các vị thiên thần lại có cả các loài phi nhân lẫn ác thú ngụ cư. Từ rày ta phải tu hành cho tinh tấn, ghép mình vào phạm hạnh, trú trong vô lượng tâm. Nếu bê trễ, dễ duôi, thiên thần sẽ không hộ trì ta nữa mà còn bị ác thú, độc trùng, phi nhơn làm hại. Phu nhơn và hai con hãy khá ghi lòng.

Đức Vê-xanh-ta lại tiếp:

- Phàm phép tu tịnh hạnh thì trước tiên là phải sống đời tịnh hạnh. Ta với nàng ân nghĩa mặn nồng, lại thêm hai con là sợi dây ràng buộc luyến ái - nhưng nay thì ta hẳn tránh xa. Nàng và các con ở một tịnh thất. Ta ở riêng một tịnh thất. Và chắc chắn thiên thần cũng muốn như vậy mới tạo hai tịnh thất ở hai nơi. Đời sống gần gũi thì tránh sao khỏi những giây phút yếu lòng, chỉ làm cho thiên thần khinh khi ghét bỏ. Vậy thì, nàng đừng bao giờ gặp ta trong lúc ban đêm. Nếu là ban ngày thì cũng phải có hai trẻ. Đã sống đời xuất gia đạo sĩ thì ta phải sống xứng đáng là đạo sĩ xuất gia. Điều này, phu nhân hãy khá ghi lòng.

Nàng Ma-đà-ly hoan hỷ thọ trì lời giáo huấn của đức Vê-xanh-ta, sau đó lại bạch rằng:

- Thái tử chỉ cho thiếp xin một đặc ân, là Thái tử khỏi nhọc công vào non hái trái. Thái tử cho phép thiếp chu toàn mọi bổn phận về cái ăn cái uống cho Thái tử và hai con. Đấy là niềm vui của người đàn bà. Ngoài ra, cây trái, nếu có dư thừa, Thái tử tùy nghi bố thí. Được hầu hạ Thái tử là một hạnh phúc lớn cho thiếp vậy.

Với cảm giác khinh khoái nhẹ nhàng, tinh thần phơi phới, đức Vê-xanh-ta và nàng Ma-đà-ly cùng cắt tóc sống đời đạo sĩ. Từ đây, mỗi buổi sáng, nữ đạo sĩ Ma-đà-ly thức dậy sớm, mặc y, quét dọn sạch sẽ trong ngoài tịnh thất; sắp đặt đâu đó thứ tự rồi xuống hồ sen múc nước đổ đầy các chỗ chứa. Nàng chỉ qua tịnh thất của đức Vê-xanh-ta khi thấy cửa đã mở. Nàng múc nước cho ngài rửa mặt, tay và chân. Quét dọn tịnh thất kỹ càng trong ngoài, sau trước; dạy hai con luẩn quẩn chơi ở gần đức Vê-xanh-ta để chàng tùy nghi dạy bảo.

Trời vừa hừng đông là nữ đạo sĩ đã xách giỏ vào rừng kiếm trái cây ngon ngọt dùng được. Bao giờ nàng cũng cố gắng về sớm để kịp giờ độ ngọ. Nếu về sớm hơn lệ thường, nàng dẫn hai con xuống tắm ở hồ sen. Đến trưa, nàng soạn phần trái cây ngon và đẹp nhất cho đức Vê-xanh-ta, còn nàng và hai con dùng phần còn lại. Độ ngọ xong, nàng dâng tăm xỉa răng và nước; thu dọn tươm tất mọi nơi mọi chỗ, nói lời phúc chúc đến đạo sĩ rồi nàng dẫn hai con về tịnh thất của mình.

Cuộc sống đều đặn trôi qua như thế. Được sự hộ độ chu đáo của nữ đạo sĩ, đức Vê-xanh-ta tu hành tinh tấn. Chỉ một thời gian ngắn là ngài đã có thể trú định một cách vững vàng; tứ vô lượng tâm được làm cho hưng thịnh, viên mãn. Các loài thú dữ trong khuôn vi ba do tuần nhờ tâm từ bi mát mẻ của ngài mà trở nên hiền lành. Rắn rít, độc trùng cùng phi nhơn cũng tránh xa.

Nam và nữ đạo sĩ sống đời an tịnh tự tại như vậy trong một thời gian dài không có cáu bợn phiền não nào khởi lên. Trong khi đó, hai trẻ Ra-ly và Kanh-ha đã chập chững đi chơi với nai, khỉ và vượn. Có một chú sư tử con lẫn lộn giữa đám thú vật hiền lành này. Lại có một chú ngựa rừng nhỏ bé nhưng mạnh khỏe hay cõng hai trẻ rong chơi ven suối, bờ hồ. Các chú chim dễ thương, nhảy nhót ca vui đậu trên vai hai trẻ. Mấy chú thỏ, sóc thường rình trong những bụi sim chơi trò cút bắn. Khi trẻ hoặc vật bị xây xát chút đỉnh vì nô giỡn, cả bọn xúm lại hò hét chí chóe rồi tìm cách hái lá đắp vết thương cho nhau!

Nữ đạo sĩ mỉm cười, thấy cõi lòng vui lên rộn rã.

Xứ kia có người Bà-la-môn già, sống đời ăn xin rày đây mai đó. Suốt bao nhiêu năm trường, lão dành dụm được một trăm đồng tiền vàng. Sợ để trong mình tiêu mất, lão tìm bạn tin cậy gởi số tiền này rồi đi xin ăn phương xa. Hai vợ chồng người bạn thấy lão vắng bóng lâu ngày tưởng là chết mất rồi, liền lấy tiền kia ra tiêu. Khi lão Bà-la-môn trở về thì tiền đã hết sạch. Chẳng biết làm sao, họ xin gả người con gái tên là A Mị cho lão.

Về làm vợ người, A Mị vẫn tỏ ra hết lòng siêng năng tháo vác trong mọi công việc; không cảm thấy xấu hổ về việc lấy chồng già mà chỉ thầm thương mình số kiếp không may. Một số thanh niên thấy A Mị có nhan sắc nên đã nhiều khi trêu ghẹo, nhưng nàng thường lãnh đạm hoặc cúi đầu trước lời ong bướm nọ kia. Thời gian lâu, những khi đi xách nước, kiếm củi là mối bận tâm cho nàng vì những chàng trai kia đã hát hò đối đáp những câu sàm sỡ.

“- Cô kia mà lấy chồng già

Đêm hôm ấm lạnh xương da có gì?”

Cậu kia đáp lại:

“- Thưa rằng, dẫu có được gì,

Xương da ấm lạnh lắm khi cũng buồn!”

Cho đến hôm kia thì A Mị không còn chịu được nữa. Đợi khi lão Bà-la-môn về, nàng khóc tức tưởi:

- Mấy năm nay tôi bị chúng nó chọc ghẹo, bây giờ thì đến lúc quá rồi, thiếu đường cắt mặt mà thôi. Ông phải kiếm người đỡ đần thay tôi xách nước kiếm củi, nếu không tôi không thể ở với ông được nữa.

Lão Bà-la-môn khuyên lơn, an ủi rồi hứa sẽ kiếm trẻ giúp việc cho nàng.

Lão tính thầm trong bụng:

“- Mình nghèo mạt rệp, sống đời tơi bị thì lấy tiền đâu mà thuê trẻ, thuê người giúp việc. Và nếu có làm được việc ấy thì thiên hạ cũng cười cho thúi ruột, sẽ nói nghèo mà học làm sang. Sự bố thí bất nghịch ý của đức Vê-xanh-ta con vua Thệ Sanh kia còn ai là không biết. Nghe đâu, sau khi cho voi báu, ngài bị đức vua cùng triều đình đày lên núi Gri-văng-ca cùng vợ và hai con. Ta sẽ lặn lội đến nơi xin hai trẻ kẻo người khác xin mất cũng uổng.”

Lão lại gật gù:

“- Tuy ta xin hai đấng hoàng tôn về làm tôi đòi, nhưng lại giúp cho đức Vê-xanh-ta quý mến mau đạt sở nguyện. Như vậy, kể ra ta vẫn làm người thi ân, là kẻ có lòng nhân hậu!”

Lão Bà-la-môn lẩm nhẩm đầy đạo lý như vậy xong, nhờ nàng A Mị kiếm cho một đùm bánh nguội; sau đó, nhắm hướng Hy Mã Lạp Sơn, núi Gri-văng-ca trực chỉ. Ngày đi đêm nghỉ, lặn suối trèo non ròng rã mấy tháng dài, lão Bà-la-môn đến chân núi Càng-đà-ma-đằng. Một cây đa to với những chùm trái chín ngọt như mật ong, lão Bà-la-môn ăn uống, nghỉ ngơi ở đó cho lại sức. Kế khu rừng, cạnh hồ sen nhỏ là chòi lá của người thủ lãnh thợ săn, kẻ được đức vua chư hầu ân sủng gởi gắm Thái tử. Lão Bà-la-môn lần bước tới định hỏi đường.

Gã thủ lãnh thợ săn thân to như hộ pháp, thấy lão Bà-la-môn với tơi bị rách rưới, y đanh mặt lại:

- Lão già kia! Tới chốn rừng xanh này mà làm gì? Ngươi ỷ cái thân còm hổ báo chê thịt rồi muốn đi đâu thì đi sao? Cút ngay!

- Cho tôi hỏi chỗ ở của đức Vê-xanh-ta...

Lão Bà-la-môn chưa nói dứt câu, gã thợ săn bước tới, túm cổ lão và quăng ra ngoài gốc cây như bó giẻ. Chưa thôi, đợi cho lão Bà-la-môn lồm cồm ngồi dậy; gã thủ lãnh thợ săn đá văng tuốt xuống hồ. Đợi cho lão Bà-la-môn uống đầy một bụng nước; gã thợ săn sải xuống như con nhái, kéo lên túm chân xách ngược cho nước trào ra rồi lấy dây thừng cột chặt lão vào gốc cây. Y bẻ một khúc củi to làm gậy.

Lão Bà-la-môn vừa lai tỉnh mở mắt ra, gã thợ săn đã chỉ vào mặt, quát như sấm nổ:

- Chính thị bọn bây! Bọn Bà-la-môn ăn xin độc ác dơ dáy! Chính tại bọn bây, bọn Bà-la-môn tơi bị khốn nạn – mà đức Vê-xanh-ta phải bị đày lên núi cao rừng thẳm. Lòng rắn rít và tâm tham lam vô tận, vô độ của chúng bay chưa đủ hay sao mà còn lê lết đến chốn này tìm đức Vê-xanh-ta? Ngài còn gì nữa mà bố thí? Hả?

Gã thợ săn nói xong là đánh. Tay đánh miệng chửi om sòm lên. Lão Bà-la-môn đau đớn quằn quại rên la, không mở miệng phân trần được. Tội nghiệp cho lão bị một trận đòn thừa sống thiếu chết!

Đợi cho đến khi lão Bà-la-môn ngất xỉu, bất tỉnh, gã thợ săn mới quẳng gậy, nghiến răng lẩm bẩm:

- Cho đáng đời cái bọn ăn hại! Cái bọn bay lợi dụng lòng tốt của người mà thỏa mãn cái hố tham không đáy. Ông sẽ bảo vệ đức Vê-xanh-ta, thằng ăn xin nào vác mạng đến đây, ông “đần” cho nhừ xương, ông đập cho toác sọ dừa ra!

Hồi sau, lão Bà-la-môn chống tay dậy.

- Tôi... tôi là người của đức vua Thệ Sanh – lão Bà-la-môn phều phào nói – đức vua hối hận nên phái tôi đến đây thỉnh đức Vê-xanh-ta về kế vị ngôi vương...! Ông đánh nhầm người rồi!

Dẫu tiếng được tiếng mất nhưng gã thợ săn đã nghe rõ ý. Y cả kinh, vọt nhanh lại như con chồn, hối hả cởi trói cho người Bà-la-môn, miệng xin lỗi rối rít.

Lát sau, các vết thâm tím đã được gã thợ săn hái thuốc đắp vào. Niềm nỡ dọn một bữa cơm với mật ong và thịt rừng, gã thợ săn tỏ vẻ ăn năn đến thương hại:

- Tội tôi đáng chết! Tội tôi đáng chết! Xin lão trượng nhân hậu tha thứ cho!

Lão Bà-la-môn gượng cười nói:

- Ông làm như vậy là đúng, chẳng thể trách được. Cái bọn ăn xin Bà-la-môn ấy là nguyên nhân cho Thái tử nhân đức của chúng ta phải bị lưu đày cùng với thê tử. Chỉ đáng tiếc một điều là ông đã quên, đã quên không hỏi rõ nguồn cơn.

- Dạ, phải rồi! Tội tôi đáng chết – Gã thợ săn lại xuýt xoa – Xin lão trượng bỏ qua cho.

Đêm ấy, lão Bà-la-môn được ngủ trên chiếc giường độc nhất của gã thợ săn với những tấm mền bông và da thú ấm áp. Gã thợ săn treo võng nằm trên cây canh chừng thú dữ. Sáng ngày, gã thợ săn đãi lão Bà-la-môn một bụng no nê với thịt nai nướng, gói thêm một đùm nữa, rồi ân cần chỉ lối cho lão Bà-la-môn lên đường. Qua những cánh rừng, bờ vực cheo leo, hiểm trở; vượt lên một đỉnh núi khác, ở đây lại gặp đạo sĩ Na-lợi-ka. Kinh nghiệm trận đòn hôm qua, lão Bà-la-môn khôn khéo giới thiệu mình là người của vua Thệ Sanh, lên thỉnh đức Vê-xanh-ta hồi trào. Chẳng ngờ, khi nghe xong, đạo sĩ Na-lợi-ka cau mày:

- Hồi trào mà làm gì? Đừng có phá rối đời sống tịnh tu phạm hạnh của nam nữ đạo sĩ.

Lão Bà-la-môn thót mình, ngạc nhiên hỏi:

- Thỉnh ngài hồi trào để kế vị ngôi vương, làm bậc chí tôn cao cả, điện ngọc lầu vàng, sung sướng và oai sang hết mực, thưa ngài?

Đạo sĩ Na-lợi-ka “hừ” một tiếng:

- Đó là cái đống bùn! Lão ngốc kia! Có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc trầm tư thiền định? Lão biết gì mà xuôi ngược với ta? Cút đi! Để cho đức Vê-xanh-ta thành tựu viên mãn thiền Sắc giới. Hãy đem cái ô trược ở nơi ngươi xuống dưới cuộc đời hôi hám kia thôi!

Nói xong đạo sĩ Na-lợi-ka nhắm mắt lại. Lão Bà-la-môn chẳng biết tính sao, đưa mắt nhìn khu rừng thâm u trước mặt, vượn hú, cọp gầm; xa xa khí đá bốc lên như những đám sương mờ, lúc dày, lúc loãng – thật chẳng biết lối nào mà đến núi Càng-đà-ma-đằng!

Lão chợt nghĩ ra một mẹo:

- Đạo sĩ quý trọng ơi! Nếu tôi gặp đức Vê-xanh-ta để hỏi đạo thì được chứ?

- Dối trá – Đạo sĩ Na-lợi-ka gắt – Ta biết rõ tâm địa của ngươi như trong tay đang nắm một quả xoài. Kìa! Có tâm niệm nào ở nơi ngươi mà ta không biết, lại hòng lấy vải thưa che mắt thánh? Cút đi!

Lão Bà-la-môn sợ hãi. Lão thở dài.

Trong lúc bất ngờ và thất vọng nhất, đạo sĩ Na-lợi-ka lại nói:

- Thôi được rồi, ta sẽ chỉ cho ngươi! Ôi! Ý người là khác mà nhân-duyên-quả thì lại khác. Cái thành tựu sau này của đức Vê-xanh-ta còn to lớn hơn, tối thắng hơn cả những thiền định mà ta nghĩ. Nhưng này lão Bà-la-môn, ta còn biết rõ cái chuyện hồi trào cũng là dối trá đấy nhé!

Lão Bà-la-môn xấu hổ cúi mặt. Đạo sĩ Na-lợi-ka cho lão ăn uống và dọn chỗ ngủ tươm tất. Khi tiễn lão Bà-la-môn lên đường, sáng hôm sau, đạo sĩ Na-lợi-ka lại kể cho lão nghe tình trạng sống hiện giờ của hai nam nữ đạo sĩ và con. Lại còn nói:

- Ngươi đến đây để xin hai trẻ, chuyện đó ta không cản làm gì. Nhưng tâm địa ngươi không tốt thì đời này ngươi sẽ gặt quả không tốt. Ta nói trước cho mà biết.

Lão Bà-la-môn cần biết gì chuyện đó, thấy được chỉ đường chu đáo, lão đã hối hả từ giã cảm ơn rối rít rồi đi ngay.

Lại thêm trọn ngày đường nữa lên thác xuống ghềnh, lão Bà-la-môn đến được núi Gri-văng-ca là đã đuối sức. Tuy thế, khi nhìn được hai chiếc tịnh thất xinh xắn nằm gần hồ sen tươi mát lão thở phào nhẹ nhõm.

Lão ẩn mình trong một góc kín đáo, tự nghĩ:

“- Giờ đây thì nàng Ma-đà-ly về rồi. Lệ thường nữ nhân khó dứt bỏ con cái như là núm ruột của họ. Có mặt nàng là trở ngại lớn cho ta. Hãy ráng đợi đến sáng mai, nàng vào non hái trái, chỉ còn đức Vê-xanh-ta và hai trẻ, ta sẽ đến.”

Cũng trong đêm ấy, nàng Ma-đà-ly không ngủ được. Điều này chưa từng xảy ra. Nàng chợt bâng khuâng và lo lắng không biết tự đâu. Linh tính báo cho nàng hay một việc chẳng lành đến cho chồng và con. Đêm về khuya quá mệt mỏi, nàng thiếp đi, lại rơi vào giấc mộng kinh hoàng. Nàng bị một người hình kỳ dị dạng, với lưỡi đao bén nhọn đến cắt lấy trái tim nàng và mang đi. Tỉnh dậy, mồ hôi dầm dề, tim nhảy thình thịch, cơ thể dường như không còn chút hơi sức. Xiết bao kinh hãi, nàng tự nghĩ:

“- Chẳng biết điềm lành dữ thế nào. Ở đây, chẳng còn ai khác! Hay là ta đến nhờ Thái tử đoán mộng xem sao?”

Tứ bề quạnh quẽ, nàng mạnh dạn đến gõ cửa.

- Ai đấy? Thái tử hỏi.

- Thiếp đây! Nàng đáp.

Giọng đức Vê-xanh-ta vọng ra:

- Giờ là lúc không phải thời. Nàng hãy về đi!

Nàng Ma-đà-ly khẩn khoản:

- Đúng vậy! Bây giờ là không phải thời, thiếp biết rõ chứ. Nhưng mà Thái tử ôi! Thiếp vừa trải qua một cơn mộng kinh hoàng, nên lo sợ quá.

Giọng đức Vê-xanh-ta:

- Vậy thì nàng đừng vào, đứng đấy rồi kể đầu đuôi tự sự cho ta nghe.

Nàng Ma-đà-ly kể lại.

Thái tử chợt biết rằng: ngày mai sẽ có người đến xin hai trẻ, và điều này sẽ là niềm đau đớn cho nàng xiết bao!

Đức Vê-xanh-ta kiếm lời an ủi:

- Đã mộng mị thì hơi đâu mà nàng tin vào những điều mộng mị? Trước đây, phu nhơn vốn quen đời cao lương mỹ vị, nhung lụa ấm êm; nay vì theo ta mà cam chịu dầm mưa dãi nắng, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Sự thể như thế nên sinh ra tứ đại bất hòa, thân chẳng an thì tâm lay động, phát sanh mộng mị hão huyền. Có gì đáng để lo sợ hở phu nhơn? Hãy về mà an giấc đi thôi.

Nàng Ma-đà-ly yên trí trở về tịnh thất. Tuy thế, trong giấc ngủ chập chờn, nàng vẫn phập phồng lo lắng không khuây. Trời rạng sáng, khi muôn chim đang líu lo trên cành; nàng đã xong mọi công việc thường lệ, rửa mặt cho hai con, nàng âu yếm dạy rằng:

- Các con đừng đi chơi đâu xa nhé! Đừng hoang nghịch chạy nhảy mà vấp bụi té bờ. Hãy ngoan ngoãn nghe lời mẹ.

Nói xong, một tay ẵm Kanh-ha, một tay dắt Ra-ly, nàng đến am thất của Thái tử, nói những lời gởi gắm xót xa:

- Khi thiếp đi rồi, xin chàng ghé mắt để ý đến hai con. Chúng nó còn nhỏ dại, đâu có để ý đến cái gai dưới chân, cành cây gãy trên đầu? Lại nữa, hai trẻ hay đi chơi với muông thú; mà muông thú thì biết lúc nào nó trở tính bất ngờ? Thái tử ơi! Chúng nó là người bạn yêu mến, là nguồn an ủi ấm lạnh ngọt bùi hiện nay của thiếp. Xin Thái tử hãy từ bi thương xót chúng, chớ quên!

Đi được một lúc, nàng Ma-đà-ly quày quả trở về, ôm hai trẻ, bồng bế hôn hít như chẳng thể rời chân, như linh tính phút giờ cách trở sinh ly.

- Ôi! Con ôi! Ước gì thân mẹ xẻ làm hai được? Một nửa lên non hái trái, một nửa ở lại với hai con! Ôi! Thương hại hai con tôi! Dẫu không cút côi mà cũng vắng cha thiếu mẹ. Thân danh là hoàng tộc, là lá ngọc cành vàng mà phải chịu đọa đày giữa núi sâu rừng thẳm? Ai kia lên ngựa xuống xe mà con tôi thì phải ăn chay nằm đất; bệnh không thuốc thang, ăn không đầy dạ, lạnh lùng tuyết giá chẳng áo kép, chăn đơn? Ôi! Tội nghiệp hai con tôi.

Đức Vê-xanh-ta thấy và nghe mọi chuyện, tự nghĩ: Ôi! Tình thương của nàng thật bao la như biển lớn, còn ta chỉ là con suối nhỏ. Nhưng ở đâu có tình thương buộc ràng, ở đó có hệ lụy và đau khổ. Tình thương buộc ràng, bi lụy kia như trận mưa lớn, có thể làm tiêu hoại những pháp cao thượng, làm cho hư hủy những hạt giống thiện pháp đang sinh mầm! Vì tình thương bi lụy kia mà nữ đạo sĩ Ma-đà-ly kia dường như thối thất với con đường, với lời nguyện ban đầu.

Tâm của đức Vê-xanh-ta thoáng rung động, nhưng nhờ định căn vững vàng, như gió thoảng qua, lại trở nên yên tĩnh.

Nàng Ma-đà-ly rời tịnh thất chưa bao lâu thì lão Bà-la-môn tìm đến.

Từ xa, thấy lão, Thái tử đã biết rõ, ngài thốt lên trong tâm:

- Ehi va tabbo! Này người Bà-la-môn! Chính ngươi là pháp phương tiện đưa ta đến Niết-bàn. Chính ngươi giúp ta thành tựu bố thí Ba-la-mật.

Đức Vê-xanh-ta dạy Ra-ly tiếp đón, rồi nói với con rằng:

- Này Ra-ly! Con có thích người Bà-la-môn này chăng?

Ra-ly vốn là trẻ thông minh hết mực, biết ý cha nên vội vã đến bên lão Bà-la-môn tỏ lời thân thiện:

- Cụ đã già mà mang xách gì nặng quá, để cháu tiếp hộ cho.

Lão Bà-la-môn tự nghĩ:

- Như loài công vừa sinh ra đã có màu sắc lóng lánh, như gai kia không mài dũa mà vẫn nhọn tự nhiên, trẻ này vốn là giống dòng quý tộc, nếu ta có xin về cũng rắn mắc khó dạy. Phải dằn mặt trước mới được.

Rồi ra vẻ giận dữ:

- Mày là con ai mà vô lễ đến thế? Sao dám lân la đến bậc trưởng thượng?

Bé Ra-ly nhìn bộ tướng hung tợn của lão Bà-la-môn, sợ hãi thụt lùi núp sau lưng cha. Lão Bà-la-môn đến quỳ lạy đức Vê-xanh-ta tỏ vẻ thân thiện:

- Muôn tâu bậc đạo sĩ đức hạnh! Lê dân trăm họ suốt cả các nước chư hầu không ai là không cảm phục ngài dám bỏ điện ngọc ngai vàng, vào rừng sâu sống đời khổ cư tịch mịch. Lão là kẻ ngu hèn, cũng đêm đêm nguyện cầu cho ngài được sức khỏe kiện toàn, an vui đời sống ẩn sĩ thanh tịnh.

Lại mỉm cười hiền lành tiếp:

- Chẳng hay Thái tử ở đây vật thực có đủ no lòng? Các loài ác thú phi nhơn ngỗ nghịch có dám đến quấy rầy bậc tu hành nhân đức không?

Đức Vê-xanh-ta gật đầu, tuy hiểu rõ những lời hoa ngôn xảo ngữ kia, vẫn đáp:

- Cảm ơn sự hảo tâm cùng những lời chúc tốt đẹp của người phương xa. Ta muốn ở chốn rừng sâu hẻo lánh, đã sống hạnh khước từ và yểm ly đô thị, chẳng biết có thể giúp cho người được gì không?

Lão Bà-la-môn cố dệt thêm lời mở đầu cho trau chuốt:

- Nước của năm con sông to, nhất là sông Hằng chảy ra đại hải, mà biển kia cũng không bao giờ tràn ngập thế nào; thì ơn đức của Thái tử đối với chúng sanh này cũng như vậy. Lão là kẻ ăn xin đói khổ thường hay tâm niệm được gặp Thái tử, quỳ lạy và chiêm ngưỡng dung nhan, hầu cho kiếp bần hàn cơ khổ được tăng thêm phước thọ.

Lại tiếp:

- Sau nữa, lão cũng muốn xin một chút lộc mọn cho tuổi già bất hạnh. Nhưng than ôi! Trải bao dặm trường gian lao, chân run gối mỏi, bò núi lội sông, đến được kinh đô Kế-tư-đà thì Thái tử đã vào rừng sâu mất rồi. Nhưng quả là trời cao không phụ tấm lòng của người chí thiết, nắng mưa bươn bả, lão cũng tìm đến được nơi đây. Ôi! Thật đã không uổng một kiếp nhân sinh hèn mọn.

Đức Vê-xanh-ta thấy lão lắm lời, khẽ nhắc lại:

- Thôi được rồi! Lão cứ nói những điều sở nguyện?

- Muôn tâu – Lão Bà-la-môn lại lạy – Thái tử đã mở lời thì lão cũng xin dám thưa: Thái tử bố thí cho lão hai trẻ, để tuổi già được nghe giọng oanh tiếng sáo cho bớt phần quạnh hiu!

Đức Vê-xanh-ta nói:

- Trong kiếp này, chưa ai xin gì nơi ta mà phải bị thất vọng. Được rồi, nhưng lão đi đường xa nhọc mệt, hãy tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi, rồi đợi đến chiều, được chăng?

Lão Bà-la-môn ngần ngại:

- Không được, lão muốn đi ngay...

Đức Vê-xanh-ta đưa mắt nhìn con đường mòn nhỏ xuyên vào núi sâu, nơi mà nàng Ma-đà-ly thường đi vào mỗi bữa sáng, nói rằng:

- Nữ đạo sĩ Ma-đà-ly vừa có công sanh vừa có công dưỡng. Đi theo ta, sống với ta, nàng cũng sẵn có tâm bố thí. Ta muốn lão nán lại để có sự chứng kiến của nàng.

- Không được đâu – Lão Bà-la-môn lắc đầu – Thái tử vì lòng rộng rãi nên đã đánh giá người nữ quá cao. Chẳng có bà mẹ nào dám dứt bỏ con mình – là núm ruột không lìa – để cho kẻ khác, dẫu là với đại nguyện cao cả thế nào. Đợi lệnh bà về, nếu vì quyến luyến thương tiếc thì trở ngại cho sự bố thí của Thái tử xiết bao? Một ngàn lần chiến thắng được mình, nhưng sẽ một lần thất bại trước giọt nước mắt của người đàn bà. Hãy cho gấp hai trẻ đến lão, rồi lão sẽ đi ngay.

Chẳng biết sao hơn, đức Vê-xanh-ta nói:

- Ta sẽ y lời. Nhưng này lão Bà-la-môn! Sau khi được hai trẻ rồi, lão nên dẫn chúng đến vương phụ ta. Ngươi sẽ được ban thưởng nào là ngựa, bò, trâu, vàng bạc, tôi trai lẫn tớ gái... để lão sống một đời ngũ dục dư dã, hạnh phúc.

Lão Bà-la-môn lắc đầu:

- Không thể được, thưa Thái tử! Lão là dân đầu đường xó chợ, quần túm áo ôm; khi dẫn hai trẻ đến cung vàng hoa lệ thì ai cũng cho rằng lão là tên cướp đường, cướp rừng, cướp biển. Người thành phố cao sang thường truyền tụng câu ngạn ngữ: Người lương thiện không ai mặc áo rách! Chắc Thái tử cũng đã có nghe? Và nếu vậy, khi đức vua ghép lão vào tội ăn cắp hai trẻ, bắt tra khảo đánh đập, xử giảo, lăng trì hay treo đầu, chém cổ thì lấy đâu mà khiếu nại? Giả dụ Thái tử có biết thì cũng đã muộn rồi. Chẳng thể đâu, Thái tử!

Khi đức Vê-xanh-ta và lão Bà-la-môn nói chuyện với nhau, Ra-ly và Kanh-ha đều nghe rõ hết. Biết số phận của mình, hai trẻ run sợ tái xanh mặt. Như chú nai trông thấy móng vuốt của cọp beo, như hai linh hồn yếu đuối bị lưỡi hái của tử thần rượt đuổi sau lưng – hai trẻ tìm đường trốn thoát. Chúng ẩn trong hốc cây, sau đó, chúng lao xuống ao sen, trầm mình dưới nước, rồi lấy lá sen phủ đầu. Bốn con mắt tho lỏ như bốn con mắt nai nhìn về phía tịnh thất, lo lắng, sợ hãi.

Lão Bà-la-môn nhìn quanh không thấy chúng, cảm thấy bất bình, lớn tiếng nói rằng:

- Tôi đến đây áo quần lấm bụi, chưa tỏ hết lời mà Thái tử đã vui lòng bố thí cho hai trẻ. Ôi! Quả như lời đồn: đức Vê-xanh-ta, Thái tử con vua Thệ Sanh và hoàng hậu Trầm Hương, nguyện bố thí bất-nghịch-ý gia tài, vợ con và cả tính mạng đến tất cả chúng sanh. Ôi! Thật là cao cả thay! Thật là lớn lao thay tấm lòng trời bể.

Lão lại quỳ xuống đảnh lễ rồi nói:

- Muôn tâu bậc ẩn sĩ thanh tịnh! Như thế thì lão chẳng hiểu, tại sao ngài lại phải chần chờ, đợi nữ đạo sĩ Ma-đà-ly về? Thái tử cho nhưng lệnh bà cản, thì phải chăng lời đại nguyện kia vẫn cứ thành tựu? Phải thế không? Lại nữa, hai trẻ trốn mất đi, nếu không có ám hiệu của cha chúng thì chúng chẳng dám nào. Lời của Thái tử vốn quý báu như ngọc vàng, như đao phá thạch, lẽ nào hôm nay trước sau chẳng như một?

Bị lão Bà-la-môn sỉ nhục thậm tệ, đức Vê-xanh-ta vẫn ôn tồn nói:

- Hãy bình tĩnh lại, đừng hiểu lầm! Lời ta nói ra chẳng dám coi như kim khẩu, nhưng cũng coi nặng bằng non. Để ta đi tìm hai trẻ.

Nói xong đức Vê-xanh-ta nhìn quanh một hồi rồi bước đến ao sen. Hai trẻ không dấu đâu được trước sự thông minh của ngài. Hướng về hai con, đức Vê-xanh-ta nói rằng:

- Này Ra-ly! Con yêu quý của cha! Con sinh ra trong dòng giống quý tộc, là cháu của đức vua Thệ Sanh oai danh lừng lẫy, là con hiếu thảo của ta! Lẽ đâu con không hiểu điều ấy để người Bà-la-môn này tìm lý do để trách cứ ta? Ra-ly quý mến! Dòng dõi của chúng ta chưa hề bị ai sỉ nhục mà hôm nay đã bị người sỉ nhục!

Con ôi! Ta rất thương hai con, nhưng ta lại thương yêu hơn nữa là con đường cứu khổ chúng sanh. Ta thương yêu sự giác ngộ cao cả vậy.

Con hỡi! Giữa biển lớn, dẫu những kẻ thương buôn cố tìm các loại cây danh mộc để tạo những chiếc thuyền chắc chắn, kiên cố; nhưng chỉ cần bất ngờ một cơn sóng to, một cơn bão rớt – thuyền kia sẽ bị sóng đánh tan hoặc chìm sâu xuống bể cả. Những chiếc thuyền đời chẳng có gì là bền vững vậy.

Con yêu quý! Hãy nhìn thấy xa! Hãy nhìn thấy rộng! Ta với đại nguyện trong lòng làm người thuyền trưởng ra giữa biển sinh tử để độ thoát cho chúng sanh, thì hai con sẽ là chiếc thuyền pháp kiên cố vững bền nhất. Hai con không giúp ta, thì làm sao ta thành tựu được sở nguyện cuối cùng?

Trẻ Ra-ly nghe lời đức Vê-xanh-ta nói, cảm thấy xốn xang khó chịu trong lòng, tự nghĩ:

- Ta đây là dòng dõi cao quý, tại sao lại hèn nhát trốn núp ở đây để cho cha ta bị người mạ lị? Dẫu lão Bà-la-môn tàn ác kia có đánh đập giết hại ta – thì ta cũng đừng vì vậy mà làm tổn thương danh dự cùng tư cách kẻ giống dòng.

Nghĩ thế xong, trẻ Ra-ly mạnh dạn vẹt lá sen lội lên, hôn bàn chân phải của đức Vê-xanh-ta, đứng bên rồi khóc ròng. Noi gương anh, bé Kanh-ha cũng lên khỏi ao, hôn bàn chân trái của cha rồi lấm lét đưa mắt nhìn lão Bà-la-môn.

Trước cảnh ấy, đức Vê-xanh-ta xúc động đến chín lịm người đi. Tuy thế, sau một hồi trấn tỉnh phi thường, ngài cầm tay hai trẻ âu yếm nói:

- Ra-ly và Kanh-ha con ta! – Ngài đưa tay chỉ ra phía hồ – Những cây sen kia mọc từ dưới đáy bùn, chúng vươn lên ngang mặt nước, vượt lên khỏi mặt nước để trổ lá đơm hoa thơm ngát. Cũng vậy, chúng ta cũng từ những ao hồ, những đáy bùn ô trược của cuộc đời, hãy vươn lên mãi, chế ngự những bản chất và cá tính tầm thường để sau này nở thành những đóa sen cao quý, tinh khiết.

Các con hỡi! Hãy ngước mắt lên nhìn ta, và hãy tươi tỉnh và can đảm nở nụ cười, để xứng đáng là con dòng cháu giống. Các con là cái gì trân quý nhất của ta, trân quý hơn trân bảo đến muôn vạn lần. Các con nhé! Hãy vui vẻ mà đi theo người Bà-la-môn. Nếu sau này Thái Thượng Phụ có chuộc hai con, thì Ra-ly phải là một ngàn lượng vàng ròng, Kanh-ha thì phải hơn thế nữa, không những là một ngàn lượng vàng ròng mà còn bò sữa, bò đực, ngựa, tôi trai tớ gái mỗi thứ mỗi trăm mới tạm thời xứng giá. Và khi được trở về với Thái Thượng Phụ rồi, các con sẽ tha hồ mà vui chơi nhảy nhót. Còn bây giờ thì hãy nghe lời ta, hỡi các con hiếu thuận!

Đức Vê-xanh-ta dẫn hai con về phía tịnh thất, lấy nước trong rưới lên bàn tay lão Bà-la-môn, chú tâm rải lòng từ bi, phát sanh tình cảm thanh khiết, vắng lặng rồi nói:

- Hai trẻ là quả tim, là đôi mắt của ta. Này lão Bà-la-môn! Vì thương yêu sự Giác ngộ, yêu thương hết thảy chúng sanh trăm phần hơn nên ta bố thí hai trẻ đến cho người. Nguyện cầu quả bố thí là nhân duyên cho đạo quả Vô Thượng Bồ-đề!

Khi đức Vê-xanh-ta trao trẻ cho lão Bà-la-môn, quả địa cầu dày hai trăm bốn chục ngàn do tuần chấn động mãnh liệt. Sóng ở biển đột ngột dâng cao, vỗ giữa hư không ì ầm không ngớt. Chư thiên nhìn nhau kinh sợ. Trời Đế Thích nóng nảy ngồi đứng không yên.

Lão Bà-la-môn vừa được hai trẻ, đã nói:

- Lão già cả sức yếu, nếu hai trẻ bỏ chạy thì lão làm sao đuổi kịp? Xin Thái tử vì lòng từ tâm, vì lời nguyện vô thượng, trói hai trẻ giùm lão!

Đức Vê-xanh-ta với lòng nhẫn nhục cao độ, trói hai trẻ giao cho lão Bà-la-môn. Được chúng rồi, lão nắm mạnh đầu dây lôi đi. Được vài bước, hai trẻ trì lại, lão quay ngược gậy đánh cho mấy hèo. Hai trẻ khóc, lão lại thẳng tay đánh nữa; vừa đánh vừa chửi, không chút vị nể:

- Trước đây, lũ chúng bay là giống dòng quý tộc cao sang, nhưng giờ đây là tôi tớ lão, ỷ thế gì mà cứng đầu, ngoan cố hả? Lão sẽ đánh cho bò lê bò càng ra, đồ khốn kiếp!

Thảm thương cho hai trẻ, nước mắt tuôn rơi như mưa, đưa đôi mắt khẩn cầu nhìn cha chúng. Đức Vê-xanh-ta quay lưng giấu nỗi xúc động. Lòng như từng đợt sóng trào lên rồi chìm xuống, ngài cứ để tâm trú vào bản chất rỗng không của Pháp, hồi lâu ngài tìm được sự yên tĩnh của mặt hồ. Trong khi ấy có một vị Dạ-xoa định thò tay bóp cổ lão Bà-la-môn, nhưng một vị trời đã ngăn lại, nói rằng:

- Đế Thích thiên vương còn tức giận lão kia hơn nữa kìa, nhưng hãy để yên, đừng tham dự vào sở nguyện Ba-la-mật của đức Vê-xanh-ta!

Trẻ Ra-ly đưa mắt nhìn vào tịnh thất:

- Cha ơi! Sao cha nỡ lòng nào để lão Bà-la-môn đánh đập chúng con? Cha ơi! Sao cha đành bỏ chúng con để cho lão già khốn kiếp, hèn hạ này lôi kéo chúng con đến trầy da tươm máu? Buổi sớm vào non hái trái, mẹ con đã phó thác hai con cho cha như thế nào, cha quên rồi ư? Hãy vì chút tình phụ tử mà cứu chúng con, cha ôi!

Hai trẻ càng khóc la bao nhiêu, lão Bà-la-môn càng đánh đập bấy nhiêu. Đã gãy một cái gậy, lão tìm cái gậy khác. Hai trẻ đau quá, bò dưới đất, năn nỉ xin tha mà lão Bà-la-môn tấm lòng sắt đá dường như chẳng biết xót thương là gì!

Lão Bà-la-môn nghiến răng, đanh mặt lại:

- Tụi bay đừng tưởng con vua cháu chúa mà xấc xược khinh người. Tao sẽ đánh tụi bay như đánh những con chó hoang.

Rồi lão lại giáng gậy như mưa bấc, chẳng khác gì một trận đòn thù. Ra-ly trườn mình tới, đỡ đòn cho em. Một sức mạnh từ đâu không biết, nó đứng bật dậy:

- Này lão già khốn nạn! Nếu lão còn là giống người, đủ can đảm thì hãy đánh ông đây! Sao lão cứ đánh mãi em ta? Nó là gái yếu đuối, đâu chịu nổi cánh tay thú vật của ông? Thật là hèn hạ bỉ ổi!

Lão Bà-la-môn không giận mà lại cất tiếng cười quái gở. Những trận mưa đòn gậy lại ập xuống trên lưng, trên đầu, trên cổ Kanh-ha.

Lại kể lể:

- Bọn bây ngon lắm! Lá ngọc cành vàng ghê gớm lắm! Sung sướng quen rồi. Lão đây thiếu cơm thiếu áo, canh cặn cơm thừa, bị khổ sở suốt cả một cuộc đời khốn nạn. Bọn bây mới bị đánh đập một chút ít thì cũng chưa sao!

Ra-ly ôm Kanh-ha đã ngất lịm đi vì đau đớn. Nó cắn răng chịu đòn thay em. Thương thay, thân thể rướm máu, môi bật máu mà linh hồn chúng dường như cũng rỉ máu:

- Em ơi! Cha chúng ta đã thật sự bỏ chúng ta rồi. Điều này mới chính thật là đau đớn hơn. Mẹ ơi! Mẹ ở đâu? Hãy cứu chúng con, mẹ ơi! Ôi! Đau quá! Vĩnh biệt cha! Vĩnh biệt mẹ!

Đức Vê-xanh-ta ở trong tịnh thất. Mặt hồ đang yên lặng, sóng lại cuộn trào lên. Lần này thì trào lên dữ dội hơn bao giờ. Cứ mỗi tiếng roi vọt, mỗi tiếng kêu la, mỗi lời than thở của trẻ là ngài lại thốn đau, tim thắt lại, ruột gan như bị lửa nung đốt. Thế là một ác niệm khởi lên. Ác niệm kia lớn dần, mạnh dần dường như không kìm hãm nổi. Tuy nhiên, đức Vê-xanh-ta lại chiến thắng, nhờ ngài nghĩ đến chư Phật trong quá khứ đã từng móc gan, móc ruột, cắt tim, khoét mắt mình để cứu chúng sanh. Ngài lại còn nghĩ đến con đường Giác Ngộ Vô Thượng, đến sự luyến ai buộc ràng là nhân của trầm luân sinh tử. Hồi lâu, tâm đức Vê-xanh-ta lại trở nên yên lặng, yên lặng rất sâu. Sắc mặt ngài đã trở nên khoan hòa, mát mẻ.

Lão Bà-la-môn đã dẫn hai trẻ đi xa được một đoạn đường. Cứ mỗi lần hai trẻ đi chậm hoặc chính lão bị vấp té là lão quay lui đánh chưởi vô hồi kỳ trận.

Ra-ly ngước mắt lên trời than:

- Cao xanh hỡi cao xanh!

Kiếp trước nhân chi, nghiệp phải đành

Xót dạ, con đi, sầu chín khúc

Đau lòng, mẹ ở, lệ năm canh

Thương em gầy yếu đời gai góc

Nhớ mẹ đơn côi, kiếp lạnh lùng

Tổ ấm hàn ôn, giờ vĩnh biệt

Phương người, chôn kín bóng song thân!

Chư thiên khắp núi rừng Gri-văng-ca thảy đều ngậm ngùi sa lệ...

Trong lúc ấy, tại rừng sâu, nàng Ma-đà-ly trong lòng quặn thắt, đi tới đi lui, xốn xang, bứt rứt không yên. Nàng chẳng hái được bao nhiêu trái cây trong suốt buổi sáng. Nàng không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, chỉ biết ruột xé tợ dao bào. Mới chia tay hai con mà tưởng chừng như đã lâu lắm, nàng chợt sợ hãi đến lạnh người khi nghĩ rằng: sẽ không còn nhìn mặt hai con được nữa!

Ôi! Sợi dây mẫu tử thiêng liêng tưởng như vô hình nhưng mà nó hiện hữu mãnh liệt xiết bao! Ngay chính khi Ra-ly gào kêu, cầu cứu mẹ đến khản giọng – thì nàng nóng nảy, bươn bả bỏ rừng tìm về. Chư thiên thấy và biết mọi sự, sợ nàng không chịu nổi tình trạng thê thảm của hai con, có thể kinh động, gây trở ngại cho tâm nguyện của Thái tử - nên theo lời dạy của trời Đế Thích – họ hiện ra sư tử, cọp, beo nằm chặn tất cả các con đường.

Nàng Ma-đà-ly trở về ngã nào cũng gặp ác thú, chẳng biết sao hơn, đành chấp tay khấn vái vô cùng tha thiết. Chư thiên tuy cảm động lắm, nhưng chỉ đợi lúc hai trẻ đã đi xa, họ mới không ngăn nàng nữa. Về đến tịnh thất vắng hoe, nàng kêu hai con đến rát cổ mà chẳng nghe lời đáp lại. Tóc tai rối bù, y áo nhàu nát nàng chạy từ hốc cây này qua kẹt đá khác, sục sạo tìm kiếm.

- Ra-ly! Kanh-ha! Hai con yêu quý của mẹ! Hai con ở đâu?

Tiếng vọng dồn dâp, nghẹn ngào của nàng chỉ có núi rừng vọng lại.

Đức Vê-xanh-ta nghĩ:

- Nàng đã về. Không có hai con, nàng có thể sinh ra điên cuồng, quẩn trí. Hãy để cho tâm nàng lắng lại, ta sẽ nói.

Ngoài kia, tiếng gọi của nàng Ma-đà-ly càng lúc càng thê thảm:

- Ra-ly hỡi! Kanh-ha hỡi! Hai con ở đâu? Ôi! Có tai nạn ác nghiệt nào xảy đến cho hai con tôi rồi. Trời xanh ơi! Cao xanh ơi! Sao tôi khổ thế này?

Tiếng gọi tuyệt vọng của nàng vang vang từ cánh rừng này qua cánh rừng khác, hồi lâu lại trở về bên cửa tịnh thất của đức Vê-xanh-ta. Người nàng bây giờ đã kiệt lả ra, như cái xác vô hồn.

- Hai con tôi đâu? Xin Thái tử cho biết là hai con tôi đâu? Hai trái tim và mạng sống của tôi giờ ở đâu?

Hỏi đến lần thứ ba, đức Vê-xanh-ta vẫn im lặng. Nàng lại khóc, kể lể:

- Chàng ôi! Mỗi lần thấy tôi về từ đằng xa thì chúng đã ríu rít, líu lo như sáo cưỡng. Trẻ Ra-ly hôn bên bàn chân phải, trẻ Kanh-ha hôn bên bàn chân trái. Tôi ẵm chúng trong tay. Tôi cười, chúng cười. Đứa chạy trước, đứa chạy sau lúp xúp mới dễ thương làm sao! Ôi! Tôi nhớ Ra-ly có một vết thương nhỏ xíu trên má trái vì cỡi chú ngựa rừng tí hon bị té. Trẻ Kanh-ha có bắp chân tròn mũm mĩm với rất nhiều nốt ruồi son. Tưởng nó là tướng đại phú quý! Chúng vây quanh giỏ trái cây, bảo trái này là của cha, trái này là của mẹ. Chúng đội hoa trên đầu, quàng hoa trên cổ, tung tăng trên lối cỏ xanh ra bờ suối, đến ao sen. Ôi, biết bao tháng ngày quạt nồng ấp lạnh. Chúng đau là tôi đau. Chúng vui là tôi vui. Vắng bóng chúng là tôi vắng mặt trời, là tâm hồn tôi tối tăm lạnh lẽo! Ôi! Chàng ôi! Giờ chúng ở đâu? Sao chàng không nói một lời?

Đức Vê-xanh-ta nghĩ: niềm đau khổ của nàng đã bắt đầu giảm bớt. Ta hẳn đợi một lúc nữa, khi tâm hồn nàng đã hoàn toàn lắng dịu, ta sẽ nói!

Nàng Ma-đà-ly đã hơi tỉnh táo:

- Phu quân kính mến! Dẫu hai trẻ có bị ác thú trở chứng làm hại, dẫu hai trẻ có bị tai họa nguy hiểm chừng nào, thì phu quân cũng cứ cho thiếp biết. Sự im lặng của phu quân làm cho thiếp đau khổ hơn là mất hai con nữa. Phu quân ơi! Hãy nói với thiếp một lời!

Đức Vê-xanh-ta bây giờ mới mở mắt ra.

- Ma-đà-ly yêu quý! Bây giờ nàng đã bình tĩnh và sáng suốt rồi. Ta báo cho nàng hay là hai con ta không bị ác thú làm hại, không có bị tai nạn chết người đâu. Nàng hãy an tâm.

Nàng Ma-đà-ly ngồi bình tĩnh, chờ đợi lắng nghe.

Đức Vê-xanh-ta tiếp:

- Thấy nàng đau khổ thái quá khi vắng bóng hai con nên ta chưa thốt ra lời đó thôi. Nàng hỡi! Ta biết tình mẹ thương con như thế nào, và tình ta đối với hai con cũng sâu đậm lắm, nhưng tuyệt đối không thể so sánh được với nàng. Hai trẻ, vì đại nguyện bố thí bất - nghịch - ý, ta đã cho đến người rồi. Hãy bình tĩnh. Hãy bình tĩnh!

Nàng Ma-đà-ly lặng người đi rất lâu, nước mắt đã khô chảy.

Đức Vê-xanh-ta lại nói:

- Ta yêu quý nàng. Ta yêu quý hai con. Nhưng đối với chúng sanh trầm luân đau khổ ta lại rất tha thiết đi tìm phương thuốc cứu độ. Chư Phật quá khứ thường như thế. Mất nàng, mất hai con, ta có thể chết được, nhưng dẫu sao, cũng chỉ chết một đời. Nhưng mất cơ duyên đại giác, đời chúng ta sẽ chìm đắm trong bóng tối mãi mãi. Nàng hỡi! Hãy giúp ta! Hãy tiếp sức với ta trong tình thương thanh khiết này. Ấy là tình thương của bờ kia, tình thương không hệ lụy, buộc ràng; tình thương không phân ly và nước mắt. Nàng đã phát nguyện tùy thuận với ta, đi theo một con đường, thì nàng hãy cho ta đạt thành sở nguyện chứ? Có bao giờ ta dám dối nàng hoặc hết yêu thương nàng và con để trở thành gỗ đá vô tri? Chính đạo quả Vô Thượng Bồ Đề mới nói lên ý nghĩa tình thương chơn chánh ấy. Ma-đà-ly nàng hỡi! Nàng nghe rõ những điều ta vừa nói đó chứ?

Nàng Ma-đà-ly ngước đầu lên, đôi mắt còn đỏ hoe:

- Nghe rõ! Nghe rõ từ trong chỗ sâu xa nhất của trí não, thưa phu quân! Từ lâu, thiếp chỉ nghe bằng trái tim nên thiếp đã sai lầm. Thiếp đã có hứa cùng chàng thì đâu có thể thay đổi được. Tuy thế, nghiệp chướng của nữ nhân vốn nặng nề về luyến ái, dẫu đồng ý với chàng nhưng vẫn còn đau đớn lắm. Xin phu quân xá tội cho.

Đức Vê-xanh-ta gật đầu:

- Ta đâu dám trách nàng điều chi? Nàng cũng không có tội gì. Tình mẫu tử thiêng liêng là một tình cảm đáng trân trọng. Tuy thế, nàng cũng phải hiểu rằng, đấy là nhân của tử sinh và đau khổ. Bây giờ, nàng đã chiến thắng, nàng đã bước ra khỏi cái thế tình. Nàng đã không phụ lòng ta, nàng đã không thẹn với chư Phật. Bánh xe xuất thế, nhờ nàng đã bắt đầu chuyển nhịp. Quả đất đang rung động đó, nàng có biết không? Chư thiên đang tán thán, ca ngợi nàng làm rung rinh mấy tầng không gian lớn rộng, nàng nghe rõ không?

Những lời đúng đắn, phải lẽ kia như viên thuốc hồi sinh; tình cảm, lý trí và sự sống nơi nàng Ma-đà-ly đã bắt đầu máy động. Khuôn mặt ngọc giờ đã ráo lệ, nàng Ma-đà-ly bất chợt nở nụ cười. Nàng đang cố gắng tìm sự bình an trong trạng thái tình cảm trong sáng và vắng lặng...

Ngay khi ấy, một đạo sĩ nghiêm trang, dung sắc tốt đẹp vô cùng, xuất hiện trước tầm mắt hai người. Đạo sĩ choàng áo da thú, to lớn, chững chạc, trầm tĩnh như chúa sơn lâm vừa bước ra khỏi động báu. Môi mỉm nụ cười hoa sen, đạo sĩ nói:

- Tốt đẹp thay là vị ẩn sĩ thanh tịnh! Tốt đẹp thay là kẻ viễn ly đô thị, sống đời phạm hạnh bằng trí tuệ chiếu sáng như trăng sao! Tốt đẹp thay là người có giới đức như viên ngọc Ma-ni không tỳ vết! Hỡi bậc đại ẩn sĩ! Tôi kỉnh mộ và tịnh tín ngài! Tôi chúc mừng ngài với tất cả những gì thiện hảo nhất!

Đức Vê-xanh-ta và nàng Ma-đà-ly ngạc nhiên đến sửng sốt. Sự xuất hiện đột ngột, ngôn ngữ lưu loát, dung nghi và cốt cách long phụng của đạo sĩ tỏa ra ánh sáng khác phàm. Đức Vê-xanh-ta nghiêng mình đáp lễ rồi nói rằng:

- Hỡi người tu hành khả kính! Mà, mặc y phục bằng da thú là nhân sanh thiện giới của nhiều kiếp vị lai! Cảm ân sự mến mộ của người. Chẳng hay người từ phương nào lại, muốn chỉ giáo tôi điều gì? Hoặc tôi có thể giúp đỡ gì được cho người? Nhưng trước tiên, xin người hãy tắm rửa, rồi tạm dùng các vật thực cây trái có sẵn. Tất cả đều đầy đủ, thơm ngon và tinh khiết. Người hãy tùy nghi sử dụng. Tất cả là của người.

Vị đạo sĩ nghiêng thân nói:

- Hỡi bậc đại ẩn sĩ quý trọng! Trước sự chân tình và lòng hảo tâm của người, ta đã lĩnh ý. Và coi như ta đã thọ dụng rồi vậy!

Đức Vê-xanh-ta tự nghĩ: người này, kẻ này – dung nghi sáng rỡ như một đóa hoa ở cõi trời – chắc chắn không phải là hạng đạo sĩ tầm thường! Y đến đây để dạy bảo ta? Thử thách ta? Hay là sẽ xin ta cái gì trân quý nhất? Bèn gợi ý:

- Ngàn dặm đường xa tới chốn thâm sơn cùng cốc này, chắc chẳng phải ngài chỉ có bấy nhiêu lời thiện cảm và đầy khách sáo? Phải có lý do chính đáng mới làm cho ngài mất công phu và thì giờ? Hỡi đạo sĩ với phẩm cách cao thượng và thoát tục, ngài hãy nói đi và ta xin nghe!

Đạo sĩ mỉm cười khó hiểu:

- Ta đâu dám đến đây để dạy bảo ngài điều gì! Ta cũng chẳng có gì thắc mắc để làm bận tâm bậc tu hành khả kính! Mục đích của ta là đến xin một vật trân quý nhất của ngài thôi!

Đức Vê-xanh-ta thật lòng nói:

- Tiếc thay, ngài đến muộn mất rồi! Trước đây hằng muôn xe vàng bạc và của cải, ta đều cho đi hết sạch. Những thứ trân quý như bảo châu, anh lạc, hổ phách, mã não, xa cừ... ta cũng đã bố thí hết cho lê dân...

- Những thứ ấy chẳng phải là trân quý!

Đức Vê-xanh-ta lại một lần nữa ngạc nhiên:

- Cho chí ngôi vương ta cũng không còn bịn rịn. Hai đứa con ta, hai hoàng tôn vô giá, ta cũng đã bố thí đến cho người!

Đạo sĩ mỉm cười:

- Ta chỉ muốn một thứ quý hơn, cao sang hơn tất cả những thứ mà ngài vừa kể.

Đức Vê-xanh-ta lạ lùng nhìn đạo sĩ, một lát, ngài cũng mỉm cười:

- Vậy thì ta chỉ còn cái cốc tranh, nước lã, cây trái cùng tệ phụ nhân!

Đạo sĩ nói:

- Cốc tranh, nước lã, cây trái... thì ở đâu mà chẳng có!

Đức Vê-xanh-ta chợt hiểu:

- A! vậy thì phu nhơn của ta, chẳng hay người muốn ta bố thí chăng?

- Phải rồi! Chỉ có nàng mới đáng gọi là trân quý đối với ta!

- Nhưng ngài là kẻ tu hành – đức Vê-xanh-ta nói – là sống đời phạm hạnh, có lẽ nào...?

- Còn Ngài thì sao? – Đạo sĩ mỉm cười hỏi – Ngài không là kẻ tu hành phạm hạnh sao? Rồi giọng đạo sĩ chợt trang nghiêm – Ta cần một người đàn bà thủy chung và đức hạnh, mà hương thơm tỏa ra còn tối thượng hơn cả già-la-hương, chiên-đàn-hương! Ngài có giúp cho ta được như nguyện chăng? Bậc đại ẩn sĩ có dám cho ta viên bảo châu vô giá đó?

Biết đạo sĩ nói thật, đức Vê-xanh-ta không còn hoài nghi nữa; khẽ cầm tay nàng Ma-đà-ly – lúc ấy, sắc mặt nàng không có ý phản đối – lấy nước rưới lên tay đạo sĩ, rồi trao nàng tận tay ông ta:

- Viên trân châu bảo ngọc này còn là trái tim, hơi thở và mạng sống của ta, bây giờ là của ngài.

Lại ân cần nói với nàng:

- Đối với ta như thế nào thì với đạo sĩ, nàng cũng phải như vậy.

Nàng Ma-đà-ly kính cẩn nói:

- Thiếp bây giờ do tâm ý chàng mà sanh ra, do tâm ý chàng mà tác thành và hiện hữu! Là hình ảnh, là con thuyền vững bền của chàng để đi đến nơi bến giác xa xăm!

Cả ba người lúc ấy thảy đều mát mẻ.

Quả địa cầu rung động. Thiên âm giữa hư không, hốt nhiên đọc bài kệ tán thán hy hữu:

“- Của cải tuy quý,

Nhưng thoắt đến thoắt đi

Vàng bạc, ngọc ngà tuy quý

Nhưng chỉ như màu sắc của mây;

Sự lộng lẫy của bong bóng nước!

Con cái tuy quý,

Nhưng đứa khác sẽ sinh ra!

Còn người vợ mỹ miều và đức hạnh thì,

Thắp đuốc đi tìm trên thế gian

Nào có dễ đâu!

Thế mà đức Vê-xanh-ta

Có thể dứt bỏ luyến ái dễ dàng

Như cắt núm ruột mình

Ném cho loài phi điểu

Ôi! Hy hữu thay là hạnh khó làm!”

Vị đạo sĩ nhận nàng Ma-đà-ly, khoan thai bước đi. Được bảy bước, đạo sĩ trở lại, trao nàng tận tay đức Vê-xanh-ta.

Đức Vê-xanh-ta ngạc nhiên hỏi:

- Nàng Ma-đà-ly, viên trân châu vô giá của ta, không vừa ý, đẹp lòng ngài sao? Chẳng hay nàng có khiếm khuyết gì về sắc đẹp và đức hạnh?

Đạo sĩ mỉm cười lắc đầu:

- Không! Toàn hảo! Nàng là người đàn bà toàn hảo trên thế gian mà ta tìm thấy. Dẫu trong quá khứ, hiện tại hay vị lai cũng chưa có ai bằng nàng, huống nữa là hơn nàng!

Nói thế xong, hốt nhiên đạo sĩ bay lên giữa hư không, hiện thành vị trời với đai áo mũ miện cẩn ngọc dát vàng, lộng lẫy chiếu sáng cả khoảng không gian lớn rộng. Đức Vê-xanh-ta và nàng Ma-đà-ly chưa kịp ngạc nhiên, thì đạo sĩ đã nói:

- Hỡi này bậc ẩn sĩ khả kính! Sự bố thí Ba-la-mật của ngài đã thành tựu. Ta chính là Đế Thích thiên vương, xuống đây cốt để thử lòng ngài, có đang tâm bố thí vật khó bố thí, xả ly vật khó xả ly, dứt ái luyến buộc ràng với người vợ hiền đoan trang, đức hạnh. Ôi! Cao cả thay! Đức Vê-xanh-ta đã làm được! Ôi! Tối thượng thay là kỳ tích hy hữu!

Đức Vê-xanh-ta cùng nàng Ma-đà-ly như rơi vào giấc mộng.

Trời Sakka lại nói:

- Với oai lực của chúa Chư thiên cõi trời Ba mươi ba, ta hằng giúp mong muốn, sở nguyện đến cho những ai kiên trì và dõng mãnh đi theo thiện pháp. Vậy này hỡi Thái tử con vua Thiện Sanh và bà hoàng hậu Trầm Hương, cũng vậy, người hãy nói lên bốn điều sở nguyện, ta sẽ thành tựu cho.

Biết đây là vị trời có rất nhiều oai lực, ngài đã nói được, tất làm được. Ngẫm nghĩ giây lâu, đức Vê-xanh-ta nói:

- Chúng sanh ở cõi Ta-bà này hằng sống trong cảnh lo sợ hãi hùng vì chiến tranh, chém giết, hận thù, oan trái... Lại bị nạn nước, nạn lửa, cảnh sinh ly, từ biệt... Rồi cái bệnh, cái chết, cái nghèo đói lúc nào cũng như chiếc lưỡi hái của tử thần chực sẵn trên đầu. Vậy thì xin đức Đế Thích, vị trời chúa của những vị trời, mà oai lực bao trùm cả bốn châu thiên hạ, hãy cho tôi thành tự sở nguyện đầu tiên: Làm sao cho chúng sanh hằng thoát khổ được vui, hạnh phúc và an lạc đời đời kiếp kiếp!

Trời Sakka thốt lên:

- Ôi to lớn thay là ước nguyện của bậc đại chúng sánh! Vĩ đại thay là lòng từ của bậc chí nhân, chí thiện. Nhưng điều này ở ngoài uy lực của ta mất rồi. Ta chịu thôi. Hãy nói lên lời ước nguyện khác.

Đức Vê-xanh-ta thở dài, trầm ngâm chốc lát, lại tiếp:

- Biết bao cảnh con giết cha, vợ giết chồng! Cương thường đạo lý ở thế gian càng lúc càng thoái hóa. Lại nữa, chúng sanh hiện đang hăng say vào những việc làm tội lỗi như cướp của, giết người, tham dâm, ác độc, dối trá... Lời dạy của đấng đại hiền, của thánh triết, minh thư, chúng coi như đống giấy vụn, chúng bảo là vì cái đó không đem lại áo cơm, chẳng có lợi ích gì thực tế! Than ôi! Thần đã khóc, quỷ đã khiếp vì sự bạo tàn và hủy diệt lương tri của sinh chúng thời nay. Vậy thì xin đức Thiên Vương cao cả, với uy lực của ngài: làm sao cho chúng sanh thấy rõ nhân quả, tội phước – để chúng tự ngăn mình, hoặc làm nên các thiện sự hữu ích cho chúng lâu dài về sau.

Trời Sakka lại thốt lên:

- Ôi! Kỳ diệu thay là ước nguyện của một chúng sanh hữu tình ưu việt và tối thắng! Ôi! Sáng suốt thay là ước nguyện của vị Phật thời hậu lai! Nhưng thưa Thái tử! Ta là gì mà dám có oai lực vượt ra ngoài oai lực của ta? Tầm vóc của ước nguyện kia còn lớn hơn mười muôn triệu núi Tu Di kết hợp lại. Ta cũng nhờ chút phước lành trong quá khứ, do làm các thiện sự không biết mệt mỏi, nên được ngồi trên đầu một ngọn sóng, giữa vô lượng đợt sóng nhấp nhô chìm nổi của đại hải nhân quả nghiệp báo đó thôi! Ôi! Đức Vê-xanh-ta hỡi! Hãy nói lên lời ước nguyện khác!

Đức Vê-xanh-ta thấy cả hai ước nguyện tha thiết và chân thành nhất của mình mà vị trời nhiều oai lực kia cũng không thành tựu được; chẳng biết sao hơn, tự nghĩ: Hay là ta xin những ước nguyện, mà từ đó, ta có thể dùng làm phương tiện tốt đẹp lâu dài cho Đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, bèn nói:

- Vậy thì điều thứ nhất: cho ta được trùng phùng phụ tử, thân tộc; kế vị ngôi vương để có cơ hội trị vì quốc độ theo chánh pháp.

Trời Sakka hoan hỷ đáp:

- Điều đó được. Rồi ngài sẽ được như nguyện.

- Điều thứ hai: Khi ta làm vua thì của cải, bạc tiền, châu báu hằng có đủ, để ta giúp ích sự ấm no đến cho tất cả mọi người!

Trời Sakka lại gật đầu:

- Ta sẽ cho ngài dư thừa về tài sản. Ta sẽ trút xuống một trận mưa bảy báu tràn ngập cung điện của ngài.

Đức Vê-xanh-ta lại nói:

- Điều thứ ba: Từ Thái Thượng Hoàng, các quan đại thần, bá tánh, ai ai cũng hoan hỷ thọ trì giới luật, đừng ngỗ nghịch chống đối hay phỉ báng các thiện sự!

- Ta sẽ lệnh cho chư thiên ở quốc độ ngài, hộ trì cho ngài, muôn dân cùng bá tánh; trừng trị kẻ ác đức, nâng đỡ người hiền lương – tạo cho chúng thuận thảo với bạch pháp!

- Điều thứ tư: Trí tuệ và từ bi trong ta hằng có đủ, không bao giờ bị che lấp, không mệt mỏi với lợi ích chung, tinh tấn mãi mãi trên con đường Vô Thượng Bồ Đề!

- Rất tốt – trời Sakka nói – Ta sẽ tìm cách khuyến khích và nhắc nhở ngài. Tất cả bốn điều ước nguyện của Ngài sẽ được viên mãn như ý!

Sau khi hứa khả thi những sở nguyện của đức Vê-xanh-ta, trời Đế Thích biến mất giữa hư không trong nháy mắt, trở về Đao Lợi Thiên Cung.

Suốt gần một ngày lão Bà-la-môn chưa đi ra khỏi dãy núi Gri-văng-ca hùng vĩ. Lại thêm hơn hai ngày đêm nữa lão mới tới được chân núi Càng-đà-ma-đằng, vì lão cố ý tìm đường lẩn tránh tên chúa thợ săn hung ác! Hai trẻ thân thể đã rách như xơ mướp, lếch thếch khóc la thảm thiết mà lão Bà-la-môn vẫn cứ lối kéo bừa đi còn tệ hơn con vật. Lão đã nổi thú tính mất rồi!

Đêm xuống, giữa chốn rừng già thâm u ghê rợn, khi muông thú xuất hiện đó đây, lão Bà-la-môn sợ hãi đến dựng tóc gáy. Lão lấy dây cột hai trẻ ở gốc cây rồi leo lên một nhánh cao to ẩn trú qua đêm, tự nghĩ: “Ác thú mà có tới đây, hai miếng mồi kia sẽ đủ no thịt, chúng sẽ bỏ đi. Ôi! Ta là vị Phạm Thiên an toàn và khôn ngoan hết mực!”

Hai vị trời trú ngụ ở nơi này, bực mình lão Bà-la-môn ác độc, lại cảm thương tình cảnh hai trẻ, đợi khi lão đã ngủ, bắt lão trói lại bỏ dưới gốc cây, ẵm hai đứa trẻ lên cây, cho nằm trong chiếc võng của cung trời. Suốt đêm, cả hai vị trời này thay phiên nhau ru ngủ, vỗ về an ủi chúng, cho uống thuốc, xức các vết thương, cho ăn những thực phẩm bằng các tinh hoa ngon bổ. Sáng ngày, thay đổi vị trí xong, họ biến mất.

Hai trẻ thức dậy, thấy các vết thương trên người đã lành lặn hẳn, cơ thể khỏe khoắn lạ thường. Lại nhớ mường tượng như chúng được ngủ ấm cúng trong vòng tay của hai bà tiên đẹp đẽ và hiền lành. Chúng ngẩn ngơ luyến tiếc. Lão Bà-la-môn trái lại, tự nghĩ: Sao ta ngủ trên cây mà người lại nhuốm đầy bụi bẩn? Lại nữa, dường như có kẻ trói ta lại, vùng vậy chẳng được làm cho cơ thể đau đớn và mệt mỏi lạ thường?

Thoáng nhìn hai trẻ, lão ngạc nhiên hết sức. Qua một đêm sao chúng hồng hào tươi nhuận đến thế? Còn các vết thương sưng tím, dấu máu lở loét nơi chúng, biến đâu mất rồi?

Vừa bực mình, vừa ganh tỵ, lão thô bạo kéo bừa hai đứa trẻ đi, lại đánh, lại chửi. Lạ lùng sao, bây giờ chúng không còn thấy đau đớn nữa. Trong giấc ngủ, hai bà tiên đã cho chúng uống thuốc gì mà kỳ diệu đến thế? Đánh đập hoài cũng mỏi tay, hơn nữa, dường như lão không còn hơi sức. Giờ đây, lão lầm lũi lên đường. Ròng rã ngày đi, đêm nghỉ, màn trời, chiếu đất, lão Bà-la-môn đã về được quê nhà. Suốt khoảng thời gian này, mặc dầu hai trẻ bị trói, nằm bờ, bỏ bụi – nhưng thường được các vị trời hảo tâm chiếu cố, săn sóc cho ăn uống, chỗ ngủ, thuốc men, nên hai trẻ chẳng biết mệt mỏi là gì; dường như chúng lại mạnh khỏe tươi đẹp thêm là khác. Lão Bà-la-môn kinh ngạc, mắng thầm: cái giống dòng gì mà kỳ lạ! Bỏ đói, bỏ khát, ngủ hố, nằm đất mà vẫn đẹp đẽ như con trời!

Đến nhà, nàng A Mị tò mò nhìn hai trẻ cốt cách quý phái, siêu phàm, hỏi chồng:

- Hai quý tử này ở đâu?

- Là dòng Hoàng tộc – Lão Bà-la-môn kiêu hãnh đáp – Là con đức Vê-xanh-ta thành Kế-tư-đà!

Nàng A Mị giẫy nẫy lên:

- Trời ơi! Con đức Vê-xanh-ta? Kẻ có lòng từ bi cao cả, bố thí hết của cải bạc vàng, cả voi báu, rồi vua cha đày vào rừng Gri-văng-ka?

- Chính thị! Lão Bà-la-môn gật đầu.

Nàng A Mị giận dữ, xỉa xói vào mặt chồng:

- Vậy thì hãy tức tốc đem trả lại. Tôi cấm ông đụng đến cái sợi lông chân của chúng. Trời ơi! Người ta chỉ còn hai trẻ, là bạn cơ hàn, là quả tim, là chỗ an ủi náu nương, mà ông nỡ lòng nào cắt lìa đành đoạn? Thật ông không phải là giống người, còn tệ hơn sài lang, hổ báo. Sao ông không ngoảnh lại nhìn ông xem? Chúng ta là gì mà đem hai đức hoàng tôn cao quý kia về làm tôi tớ hầu hạ? Rồi ông sẽ bị quả báo bể bụng, vỡ đầu ra mà chết, tôi nói cho ông hay!

Nàng A Mị dẫn hai trẻ đi tắm rửa, thay y phục, cho ăn uống, ngủ nghỉ vài hôm rồi bảo lão Bà-la-môn đem trả về kinh đô Kế-tư-đà. (Kinh sách ghi là: Vì lời nguyện trùng phùng phụ tử, thân tộc của đức Vê-xanh-ta – mà trời Đế Thích xúi nàng A Mị trở mối thiện tâm).

Lão Bà-la-môn thờ A Mị như thờ vị trời ở trong nhà nên sợ hãi mang hai trẻ đi ngay. Lần này, lão săn sóc cho hai trẻ từ cái ăn, cái uống, chỗ ngủ, chỗ nghỉ suốt dọc đường thật chu đáo. Và luôn miệng xin lỗi hai trẻ bỏ qua cho!...

Hôm kia, vua Thệ Sanh nằm mộng, thấy một lão mặt đen ốm nhom, cầm hai hoa sen mới nở vào bệ rồng, cung kính dâng đức vua. Vui mừng, đức vua đeo lên hai tai. Hoa sen rơi xuống tỏa mùi thơm ngào ngạt. Vua giật mình tỉnh giấc.

Điềm triệu được kể lại, một thầy Bà-la-môn đến sụp lạy, tâu rằng:

- Mừng bệ hạ sẽ được trùng phùng với các hoàng tôn xa cách lâu ngày.

Từ khi vua Thệ Sanh đày Thái tử vào rừng sâu, ngài nhớ nhung héo mòn tất dạ, ngủ không yên, ăn không ngon. Những khi đông hàn tuyết rơi, trong cung ấm, nằm ngủ đệm dày chăn bông mà đức vua còn cảm thấy không chịu nổi. Xót thương cho Thái tử, vợ cùng hai hoàng tôn màn trời chiếu đất nơi núi thẳm, rừng sâu. Lại nữa, ở cung đình thì sống đời vương giả, ngày đêm tiếng ca lời nhạc, thức ngon vật lạ thừa thãi – còn ở chốn nước độc, non thiêng, kẻ lưu đày nào có thứ chi? Càng nghĩ, đức vua lệ càng rơi tầm tã, ăn năn, hối hận vô cùng.

Về phần hoàng hậu Trầm Hương thì dường như trầm trọng hơn; Thái tử và các cháu đi bà không còn thiết tha gì nữa cả. Chỉ một thời gian ngắn là bà lâm bệnh võ vàng, thuốc thang không chữa được tâm bệnh.

Thầy Bà-la-môn đoán mộng, chẳng khác chi cho đức vua và hoàng hậu một liều thần dược, cả hai tươi tỉnh lại. Đức vua cho thắng ngựa đi dạo chơi ở ngoại thành. Hôm ấy, lão Bà-la-môn cũng vừa dẫn hai trẻ tới nơi.

Nhìn hai đứa bé đi với lão Bà-la-môn, đức vua kêu quan hầu lại:

- Này khanh! Khanh nhìn thấy chúng chứ? Ôi! Cả hai trẻ đều sáng rỡ, khôi ngô, xinh đẹp. Trai thì giống Ra-ly, gái thì đúng là Kanh-ha rồi! Tướng mạo ấy thì rõ là dòng quý tộc cao sang. Nhìn kia! Cả hai đều đi đứng nghiêm trang, cốt cách như hai sư tử con. Nhìn kìa! Diện mạo hai trẻ như vàng ròng óng ánh, mà, chúa thiên nga cũng không thùy mị, rực rỡ đến như vậy!

Đức vua biết đúng là hai trẻ, bèn trở lại cung điện, cho gọi lão Bà-la-môn cùng hai trẻ vào chầu. Vua hỏi:

- Này lão Bà-la-môn! Hai trẻ này từ đâu mà lão dẫn đến đây? Hãy nói thật, trẫm sẽ ban thưởng trọng hậu.

Lão Bà-la-môn dập đầu lạy:

- Muôn tâu bệ hạ! Là con của đức Vê-xanh-ta, là hai đấng hoàng tôn cao quý của bệ hạ. Đức Vê-xanh-ta vì đại nguyện bố thí bất - nghịch - ý nên đã cho hai trẻ đến hạ thần.

Vua Thệ Sanh biết là đúng như vậy, nhưng cũng giả vờ giận dữ, vỗ long ngai:

- Hay cho ngươi đã xảo ngôn, lộng ngữ! Hai trẻ quý phái cao sang như rồng như phượng kia, ai lại đem cho đi? Hãy khai thật! Nếu trẫm xét thấy có điều dối trá, sẽ xét theo luật hình sửa trị!

Lão Bà-la-môn mặt cắt không còn hạt máu:

- Muôn tâu! Hạ thần đâu dám vọng ngôn với đức hoàng thượng! Đức Vê-xanh-ta với lời phát nguyện cao thượng chẳng ai là không biết. Ngài còn giữ gìn gì cho mình, dẫu là con mắt hay trái tim? Ngài là đám ruộng vàng cho người nghèo đói, là tiên dược cho kẻ ốm đau, là dòng suối ngọt muôn phương cho người, vật và cỏ cây đang khô khát. Hạ thần già cả, ốm đau, cô độc – nên đã đến xin hai trẻ để đỡ đần chân tay lúc tối lửa tắt đèn.

- Im ngay! Vua quát to – sao nhà ngươi lắm lời đến vậy?

Vua Thệ Sanh biết lão Bà-la-môn nói đúng, nhưng cũng tức giận đến run lẩy bẩy. Tức giận cái lão già khốn kiếp, dám xin cháu vua về làm tôi đòi.

Các quan đại thần nghe chuyện thì coi như được chứng kiến một sự kiện hy hữu, bèn mở lời châm chọc, chế nhạo:

- Kỳ lạ đến thế là cùng! Của cải cho được, có lý. Voi báu của quốc độ cho đi, không thể tha thứ. Nhưng con cái là máu mủ, là một phần của sinh mạng mình mà cũng đành đoạn cho đi, thì không phải là giống người nữa...

- Không còn nhân tính – vị quan khác phụ họa – sài lang, hổ báo, kể cả rắn rít có tiếng là tàn độc, hung dữ nhất, chúng cũng biết thương con. Chỉ có đức Vê-xanh-ta của chúng ta là nhân vật mà cổ kim chỉ có một, nên ghi vào sử vàng để lại cho muôn đời sau!

Như lửa cháy đổ thêm dầu, vua Thệ Sanh tím mặt rồng, giận cá chém thớt:

- Hay cho lão Bà-la-môn dám khinh khi dòng dõi Sát-đế-lỵ! Quân bay đâu! Hãy đánh cho nó ba mươi trượng thị oai!

Quân hộ vệ dạ rân, hầm hổ tới trói gô lão Bà-la-môn lại, căng ra, trượng to định giáng xuống...

- Hãy khoan!

Một trẻ chạy ra can, đó là Ra-ly.

Nguyên Ra-ly nghe các quan dám vô lễ chê Thái tử, dám ví cha nó còn tệ hơn sài lang, trẻ đã không chịu được. Bây giờ, thượng hoàng lại ra lệnh đánh lão Bà-la-môn. Tuy mới mười hai tuổi đầu, nhưng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, trẻ đã sớm biết đâu phải, đâu không phải, nên đã mạnh dạn bước ra ngăn lại.

Đức vua Thệ Sanh thấy cháu mình khuôn mặt không giận mà oai, đang đưa mắt nhìn mọi người ra vẻ chê trách thì cơn giận đã nguôi hơn nửa phần, bèn ôn tồn nói:

- Ta nể cha cháu nên đã không chém đầu lão kia, sao cháu lại can gián? Lão dám xin cháu về làm kẻ tôi đòi, thì đúng ra cháu phải hả dạ khi thấy người ta đánh lão chứ?

Trẻ Ra-ly lắc đầu:

- Không phải thế, tâu Thái Thượng Phụ! Các quan đại thần đã sai lầm mà cho chí Thái Thượng Hoàng cũng sai lầm! Than ôi! Từ khi cha cháu đi khỏi thì triều đình này dường như không còn có ai nữa!

Mọi người nghe như có một làn gió lạnh tựa băng tuyết, quất vào mặt, im thin thít.

Trẻ Ra-ly cất giọng thanh tao, rõ mồn một:

- Chính vì những người Bà-la-môn nghèo đói này mà cha cháu đã phát tâm từ bi bố thí của cải. Chính vì những người Bà-la-môn ác độc kia mà cha cháu cho voi thần đến nỗi mang tội với quốc độ. Cũng chính vì sự đau khổ chung của sanh loại mà cha cháu cam chịu đời cơ cực ở non sâu tuyết lãnh, nằm giường cây, uống nước lã, mặc áo da thú, ăn củ đắng và trái cây chua! Cha cháu dung thứ được cho mọi người. Không những dung thứ mà còn yêu thương. Vì yêu thương nên mải miết đi tìm phương cứu độ. Thế mà Thái Thượng Phụ lẫn cả triều đình chẳng dung thứ nổi một con người ăn xin ngu si đói khổ!

Đức vua và cả triều thần ngồi trân, ruột đau như cắt.

Chưa thôi, như vị quan tòa, Ra-ly quay mặt nghiêm khắc nhìn bá quan:

- Còn các người là gì mà dám to gan lớn mật chê trách cha ta? Một lũ xu phụ bám vào bả vinh quang mà no thân ấm cật! Quốc độ này không có Thái Thượng Hoàng ta tu nhơn tích đức từ nhiều đời kiếp, lấy vương pháp cai trị muôn dân, thì các ngươi có được bình yên mà ngồi hưởng phú quý? Quốc độ này nếu không có cha ta, với đức lớn làm cho Vương Tượng từ núi Tu Di đi qua hư không biếu tặng cho voi thần, thì kinh đô Kế Tư Đà là gì mà làm chủ chư hầu? Khi cha ta cho voi thần, các ngươi đã nhân danh quyền lợi muôn dân rồi xúi Thái Thượng Hoàng lưu đày cha ta! Xin thưa với các ngươi rằng, các ngươi chưa biết xót thương một người, thì có lý nào biết lo đến quyền lợi con dân trong cả nước?

Các quan đại thần tức giận quá đến xanh mặt lại. (Tương truyền rằng, trời Sakka vì muốn sau này hộ trì cho quốc độ, nên xui trẻ dạy cho đức vua và bá quan một bài học về thiện pháp, để chuẩn bị cho sự tốt đẹp của triều đại mới, khi Thái tử trở về lên ngôi vương như bốn điều sở ước). Vì vậy, trẻ Ra-ly không dừng lại ở đó mà còn tiếp tục với giọng lời chững chạc:

- Muôn tâu Thái Thượng Phụ! Hành động bố thí của cải, bạc vàng, voi báu và cả hai con, người trong thế gian không ai làm được. Cha cháu yêu thương hai cháu như sự sống của chính mình thì lẽ đâu không tình thương xót máu mủ, mà bá quan dám ví tệ hơn sài lang, hổ báo?

Những đôi mắt phàm phu, hạ liệt làm sao thấy được việc làm của người cao thượng? Muôn triệu chiếc xe được kéo bởi tuấn mã, phi long, ngựa Sindhu thuần chủng cũng không đuổi kịp chiếc bóng đi trước của một nhân cách siêu việt. Người ta thường không dám cho đi một đồng trinh, một miếng cơm, một manh áo mà bao giờ cũng rêu rao vì quyền lợi kẻ khác! Cha cháu sống một đời dường như hoàn toàn quên mình vì mọi người, mà bá quan dám chê bai – thì coi chừng chư thiên sẽ giận dữ, quỷ dạ xoa sẽ đâp đầu họ vỡ thành ba mảnh, và luật nhân quả báo ứng sẽ quẳng họ vào địa ngục đời đời!

Trẻ Ra-ly nói xong đã lâu mà đức vua và triều thần như còn đang ngồi trong lò lửa. Từ trạng thái tức giận lần lần đến hổ thẹn. Từ hổ thẹn, bây giờ họ đâm ra sợ hãi. Không có ai dám nhìn thẳng vào mặt Ra-ly. Chỉ có đức vua là cất giọng đầu tiên:

-Thôi cháu! Ra-ly! Thái Thượng Phụ sai lầm mà bá quan cũng sai lầm trong hành động vừa qua. Cháu theo cha cháu mấy năm mà đã trở thành người khôn lớn, đã dạy cho ta và bá quan một bài học thấm thía vô cùng. Ôi! Thiệt là hổ phụ sinh hổ tử! Chính ta bị bụi dính đầy mắt thì còn nhìn thấy gì nữa đâu. Cháu đã mở mắt cho mọi người rồi đấy. Ai cũng thấy rõ cả rồi. Cháu bỏ qua nhé? Chúng ta sẽ sửa sai những điều quấy quá. Chúng ta sẽ thỉnh cha cháu về, vì chỉ có cha cháu mới xứng đáng là kẻ hiền đức vô song ở quốc độ này. Thôi nhé, lại đây! Lại đây cả hai cháu. Muôn việc xí xóa hết cả rồi. Ngày mai mặt trời lại mọc. Mùa xuân sẽ về. Lại đây hai cháu. Lại ngồi như xưa trên vế của tổ phụ! Ôi! Tổ phụ nhớ thương hai cháu xiết bao!

Hai trẻ khóc òa. Kanh-ha định chạy tới nhưng Ra-ly nắm tay lôi lại. Đôi mắt đỏ hoe, Ra-ly cố gắng nuốt hơi rồi lắc đầu nói:

- Không thể được, thưa Thái Thượng Phụ, hồi xưa khác, nay khác. Hồi xưa hai cháu là hai hoàng tôn lá ngọc cành vàng, là dòng giống quý tộc vương giả, nhưng bây giờ hai cháu làm thân tôi tớ người – thì đâu dám đến gần Thái Thượng Phụ để Thái Thượng Phụ phải bị ô uế? Thái Thượng Phụ không sợ mình bị giảm giá trị? Không hổ mặt với triều đình bá quan hay sao?

Vua Thệ Sanh nước mắt tuôn dầm dề:

- Thôi cháu ơi! Nói chi lời gai đâm, muối xát làm lòng ta đau đớn, Thái Thượng Phụ sẽ tẩy xóa thân phận tôi đòi, để hai cháu trở lại giống dòng cao quý, sẽ là hai hạt ngọc ma-ni của quốc độ.

Ra-ly nói:

- Cha cháu đã đem hai cháu cho ngươi, tất nhiên là hai cháu đã thuộc về người. Dẫu lão Bà-la-môn kia hèn hạ, ác độc, nhưng hai cháu nào dám không tuân? Vậy thì Thái Thượng Phụ phải bỏ tiền ra chuộc cho đúng với lẽ phải ở đời!

- Phải rồi, cháu nói đúng! Vậy thì chuộc bao nhiêu? Cha cháu ấn định giá cả? Hay cháu? Hay lão Bà-la-môn kia?

Ra-ly nói:

- Lão Bà-la-môn làm sao đủ tư cách để đánh giá hai cháu? Còn hai cháu thì làm sao lại có thể tự đánh giá mình! Cha cháu đã dạy sao thì cháu nói làm vậy. Thưa Thái Thượng Phụ! Trai thì một ngàn lượng vàng ròng không thừa, không thiếu. Gái, không những một ngàn lượng mà còn bò đực, bò sữa, trâu, ngựa, voi, tôi trai, tớ gái – mỗi thứ một trăm mới đủ tiền chuộc được!

Đức vua ngạc nhiên hỏi:

- Chỉ có bấy nhiêu thì đã lấy làm gì đắt đối với hai trái tim yêu dấu của ta. Nhưng mà này cháu Ra-ly! Bình thường trai quý hơn gái, mà sao ở đây, gái lại giá cả vượt mức trai đến như vậy? Cháu có lầm lẫn chăng? Gái quý hơn trai chăng?

Ra-ly rắn mắt nói:

- Muôn tâu! Trai quý hơn gái là đối với ai kia, nhưng đối với Thái Thượng Phụ, phải là gái quý hơn trai!

- Sao vậy? Vua cau mày.

- Muôn tâu! Thái Thượng Phụ chỉ có một trai thông minh, tài trí, hiền đức; thế mà cam tâm đày vào núi sâu, rừng thẳm. Còn ở đây, cung phi mỹ nữ mười sáu ngàn người đều được Tổ phụ sủng ái. Cho đến kẻ nữ nhân tệ nhất ở cung điện này còn sung sướng hơn vạn lần đứa con trai yêu quý của Thái Thượng Phụ! Vậy không phải là nữ quý hơn nam sao?

Đức vua Thệ Sanh cười giả lả nhưng lòng hổ thẹn vô cùng với đứa cháu rắn mắt. Vua sai quan trả giá cả như Ra-ly đã nói. Khi ấy hai trẻ mới nhảy vào lòng đức vua khóc thút thít. Đức vua lòng hoan hỷ không kể xiết, tức tốc cho mời hoàng hậu vào. Cả mấy người mừng mừng tủi tủi. Lát sau, cung phi mỹ nữ tràn vào chật cung điện, xin được thăm hai đức hoàng tôn yêu quý cách biệt lâu ngày. Ai cũng lạ lùng khi nghe được câu chuyện vừa rồi, vừa tò mò, vừa kính nể, vừa yêu thương hai trẻ khôn xiết.

Vua truyền cho triều đình và kinh đô ăn tiệc bảy ngày. Lại sai ban thêm cho lão Bà-la-môn một tòa lâu đài bảy tầng với đầy đủ vật dụng cần thiết để đáp đền công lao mang hai cháu về, lại bố cáo giảm thuế má cho quốc dân, thả tội tù, xuất của kho bố thí khắp mọi nơi mọi chỗ ròng rã mấy tháng trường. Đâu đâu cũng nghe tiếng cười vui an lạc.

Riêng hai trẻ thì khỏi cần phải nói là chúng sống như thế nào. Thật là khồng kể xiết sự cưng chiều của mọi người. Lão Bà-la-môn vì thiếu phước nên không hưởng được đời sống phú quý. Hôm kia, ăn một bữa quá no, trúng thực vỡ bụng, ói mật mà chết. Vua truyền cho họ hàng thân nhân đến lãnh gia tài, nhưng chẳng có ai. A Mị biến đi đâu mất. Rốt cùng, tiền bạc, gia sản lại sung vào quốc khố.

Trong khi hàn huyên với hai cháu, đức vua Thệ Sanh gạn hỏi về đời sống của cha mẹ chúng như thế nào ở rừng sâu. Ra-ly và Kanh-ha cứ thực tình kể lại không giấu giếm điều gì. Đức vua vô cùng cảm động, truyền cho bá quan chuẩn bị ngựa xe để vua đích thân lên rừng đón Thái tử về kế vị ngôi vương. Tin được loan ra làm bừng bừng trái tim mọi người. Ai cũng nôn nả ngóng chờ hình bóng của người nhân đức.

Đúng ngày, một đoàn binh mã rầm rộ xuất cửa thành tây. Đức vua, hoàng hậu, cung nga thể nữ, bá quan mấy ngàn xa mã, theo sau là dân chúng tưng bừng nối đuôi hơn mấy do tuần...

Quan binh tốp trước tốp sau; toán trắng, xanh, đỏ, vàng sặc sỡ, oai vệ như thiên binh cõi trời Ba Mươi Ba. Ngựa phi như giăng mắc, hướng chân núi Hy Mã thẳng tiến. Đoàn người đi trọn bốn mươi lăm ngày, xa một trăm do tuần mới đến chân núi Càng-đà-ma-đằng. Đến cây đa to có trái chín ngọt như mật ong, Ra-ly chỉ cho đức vua xem chỗ trú chân đầu tiên. Đi một ngày đường nữa, họ đến chóp núi Na-lợi-ka. Cả hai nơi đều được gã thợ săn và đạo sĩ Na-lợi-ka ra chào đón, nơi nào cũng được Ra-ly trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc. Đức vua thấy núi rừng quạnh hiu rùng rợn, giữa thiên binh vạn mã mà cũng cảm thấy lạnh lùng – mới thầm phục, thầm thương đức Vê-xanh-ta vô cùng. Càng đi, đức vua càng cám cảnh đời sống cơ cực của gia đình Thái tử mà ngậm ngùi sa lệ. Một ngày đường nữa, họ đến chỗ trú ngụ lưu đày!

Gặp nhau, không ai nói với ai được tiếng nào. Đức vua và hoàng hậu nắm tay con mừng mừng tủi tủi. Thái tử và nàng Ma-đà-ly cùng quỳ mọp dưới đất, không ai giấu được nước mắt...

Nàng Ma-đà-ly chợt thấy Ra-Ly và Kanh-ha, chạy đến ôm chầm hai con rồi ngất xỉu. Bá quan, cung nga thể nữ cảm động rưng rưng lệ.

Lát sau, đức vua và bá quan thỉnh đức Vê-xanh-ta hồi trào lên ngôi thiên tử, nhưng Thái tử từ chối:

- Con đã cho voi thần, đụng chạm đến quyền lợi của triều đình, phải bị đuổi vào rừng sâu. Nay trở về thì danh không chính, ngôn không thuận, xin vương phụ xét cho!

Đức vua nói:

- Voi Thần không chịu bước qua quốc độ biên giới! Các quan thần giữ biên phòng tin về kinh đô cho biết như vậy. Thế là hôm nay con không bị ràng buộc bởi các tội lỗi ngày trước!

Đức Vê-xanh-ta cứng cỏi đáp:

- Con chưa bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ có tội. Con chưa bao giờ làm việc gì do ác niệm dẫn dắt thì thưa vương phụ, tội lỗi kia do từ đâu sanh? Hay là tội lỗi và không tội lỗi do triều đình bá quan xét định? Thảng hoặc, căn cứ trên cái gọi là được quyền lợi và mất quyền lợi của những nhân danh và nhãn hiệu?

Lời và nghĩa của đức Vê-xanh-ta sắc bén quá. Các quan đồng quỳ tâu:

- Cái đức lớn của Thái tử có thể linh thông được với voi thần, nhưng vì chúng tôi phàm phu mắt thịt, đã không thấy, không biết, lại còn ngu si a dua kết tội oan. Nay cái hiểm họa mất nước không còn nữa, trái lại, các nước lâng bang đã nhờ đức của Thái tử mà tỏ lòng thuần phục. Chúng tôi nghe rằng: dùng đức mà cảm hóa thì an ổn lâu dài, dùng sức mạnh chinh phục chỉ là ngòi thuốc nổ chậm. Nay cái đức của Thái tử đã cảm hóa mấy trăm tiểu quốc, thì cái thế hòa bình thiên hạ không còn là vấn đề nữa. Thái tử còn chờ đợi gì mà không hồi trào lên ngôi Thiên tử, để trị vì trăm họ theo chánh pháp. Chúng tôi từ khi được đức hoàng tôn làm cho sáng mắt, đã trông chờ Thái tử như hạn hán trông mưa!

Lượng rồng cao cả lẽ nào không xá tội được cho chúng tôi, khi chúng tôi biết rằng mình là kẻ có tội? Chúng tôi còn có nghe rằng: Bậc trí không ăn năn bằng lời nói, mà phải ăn năn bằng chính hành động phục thiện của mình. Vậy thì, tất lòng gan ruột chúng tôi đã bộc bạch, thiên hạ đang trông chờ triều đại hoàng kim của một đấng Minh quân. Xin khải tấu Thái tử rõ!

Lời của bá quan thật cảm động và đáng kính phục. Lòng Thái tử hồ hởi, đẹp dạ vô cùng. Sau ba lần thỉnh mời, Thái tử không còn lý do để từ chối nữa, quỳ lạy đức vua và xin phụng mạng.

Thái tử cởi áo da thú, thay chiếc vương bào, lòng bùi ngùi. Ngài đi quanh tịnh thất ba vòng, rồi đứng lặng hồi lâu nhìn chiếc am tranh thân yêu quen thuộc. Thái tử nói:

- Này hỡi chiếc mái cỏ nghèo nàn! Mấy năm trời nay ngươi đã đỡ nắng, che mưa cho ta; đã cùng ta trải qua những ngày tháng an lạc, vô vi, thanh tĩnh. Ta từ giã ngươi, trở về kinh đô hoa lệ, bỏ ngươi một mình giữa chốn núi rừng quạnh hiu... Nhưng mà rồi ngươi sẽ được hân hạnh đón chờ bước chân của những vị ẩn sĩ khác.

Rồi Thái tử lại nói giữa thinh không:

- Tri ân và cảm tạ núi rừng, các vị chư thiên, thọ thần hảo tâm, đã hộ trì, nâng đỡ ta suốt mấy năm lạc trú. Ta sẽ mang theo mình mối tri cảm này. Và nguyện rằng, công đức, phước huệ mà ta có được do sự phục vụ và tu trì, sẽ là của chung, sẽ là pháp nâng đỡ chúng ta cho đến ngày tìm ra đạo cả!

Ngay khi ấy, Thái tử nhờ thiên nhĩ thuần tịnh, nghe được chư thiên núi rừng Gri-văng-ka tán thán bằng bài kệ:

“- Của chung này là thiện sự!

Của chung này là phước huệ!

Này hỡi đức Vê-xanh-ta, con của Thệ Sanh và hoàng hậu Trầm Hương!

Ngài là chúng hữu tình duy nhất mà chúng tôi sẽ được nhờ nương!

Ngài là chúng hữu tình duy nhất mà chúng tôi sẽ được ở trong hào quang xán lạn!

Quốc độ của Ngài sẽ là mái nhà an ổn cho chúng tôi nhiều đời nhiều kiếp!

Sung sướng thay là được hộ trì!

Hạnh phúc thay là được góp phần công đức!”

Khi Thái tử trở ra thì đức vua và quan quân đã chuẩn bị sẵn sàng cuộc lễ Đăng Cực (lên ngôi vua) ngay tại chỗ. Thái tử được người ta tắm bằng nước thơm, đội vương miện và mặc long bào. Gần mười muôn người tung hô làm chấn động núi rừng Gri-văng-ka. Lễ tôn vương xong, Thái tử leo lên kiệu rồng, tiền hô hậu ủng xuống núi. Hai ngày sau thì đến vùng đất bằng, đổi long xa, nhắm hướng kinh đô tấn phát.

Một quang cảnh diễn ra cực kỳ tưng bừng và náo nhiệt khi tân vương, Thái Thượng hoàng và đoàn ngự giá đến biên địa Kế-tư-đà. Trầm hương đâu mà nghi ngút, ngào ngạt cả không gian! Bông hoa đâu mà chưng bày đầy cả đường sá. Người người đâu mà hàng hàng lớp lớp dài mấy do tuần. Rồi nào là ngựa xe, cờ xí, đèn sao, cổng hoa rộn rã từ làng này sang làng khác. Tân vương đứng trước long xa cho mọi người chiêm ngưỡng. Nhìn dân chúng mừng vui ngài nở nụ cười sung sướng.

Về thành, ngoài mấy muôn ngự vệ túc trực sẵn, Tân vương còn thấy những đoàn sứ giả từ các tiểu quốc đồng đến lạy mừng. Ngoài ra, một đoàn bạch tượng to lớn, bệ vệ, dẫn đầu là voi thần đến phủ phục bên chân ngài. Tân vương đang ngạc nhiên thì sáu người Bà-la-môn độ nọ xuất hiện.

- Khải tấu Tân quốc vương! Họ quỳ tâu - Xứ Linh Ca chúng tôi từ khi được Voi Thần, lòng nóng nảy như ngồi trên lò lửa. Chúng tôi thiếu phước nên Voi Thần không phụng mạng mỗi lần động binh. Từ khi Thái tử bị lưu đày vào rừng sâu, tệ quốc, trăm người như một đều nghiêm khắc lên án bản triều. Nay Voi Thần xin hoàn về cố chủ. Và xin tạ lỗi bằng một trăm con bạch tượng oai hùng. Xin Tân vương hoan hỷ xá tội và dụng nạp lễ vật!

Đức Vê-xanh-ta gật đầu hài lòng. Ngài đến bên Voi Thần như đến với người bạn cố tri, đưa tay vuốt ve, vỗ về thân ái. Voi Thần chợt đưa vòi quấn Ngài bỏ lên lưng, rồi đột nhiên rống lên một tiếng, nhấc mình vọt cao, bay quanh thành ba vòng giữa tiếng hoan hô như sấm động của muôn triệu người ngưỡng mộ.

Trời Sakka lúc ấy ngự giữa đám mây ngũ sắc – Ngài cho một trận mưa bảy báu xuống đầy tràn cung điện – làm cho bá quan, bá tánh lạ lùng chắp tay giữa hư không xá lạy không ngớt. Thế là Đế Thích thiên vương đã thành tựa lời hứa khả của ngài. Lại ra lệnh cho chư thiên trong quốc độ từ nay phải tích cực hộ trì đức vua, để ngài thực hành chánh pháp cho có hiệu quả.

Đức Vê-xanh-ta sống đến một trăm hai mươi tuổi thì thăng hà. Ngài sinh lên cung trời Tusita (Đâu-suất), có tên là Dusita-devaputta.

Những người thực hành theo giáo huấn của ngài đều được sinh lên Đao Lợi thiên cung.

Đức Vê-xanh-ta là tiền thân đức Thích Ca vậy.

Phụ Lục
- Lão Bà-la-môn : Tiền thân Đề-bà-đạt-đa
- A Mị : Nàng Chinh-cha
- Thợ săn : Xa-nặc
- Đạo sĩ Na-lợi-ka : Đức Xá-lợi-phất
- Trời Đế Thích : Đức A-nậu-đà-la
- Trời tạo tịnh thất : Đức Mục-kiền-liên
- Ma-đà-ly : Nàng Da-du-đà-la
- Vua Thệ Sanh : Vua Tịnh Phạn
- Hoàng hậu Trầm Hương : Lệnh bà Mà-yà
- Ra-ly : La-Hầu-La

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]