Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Ma Không Đầu

01/11/201204:11(Xem: 8149)
11. Ma Không Đầu
NGƯỜI TRỒNG HOA VÀ CHÀNG TU SĨ
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Ma Không Đầu




Ở tại Phong Trần huyện, Nam Bình thôn, có anh học trò nghèo họ Trương tên Tam, học giỏi mà lận đận lao đao về đường khoa cử.

Trương sinh có người bạn đồng khoa thương yêu nhau như ruột thịt. Người ấy họ Lý tên Tứ, học không giỏi nhưng gặp thời. Niên hiệu Minh Mạng thứ ba, nhờ tài chạy chọt khôn khéo nên Lý đã được thăng tri phủ trấn nhậm Nghệ An, còn Trương thì vẫn cái điều ta đây là:

“Tay trắng vẫn cứ nòi quân tử

Khăn điều nào đáng mặt phong lưu!

Mọi người khuyên Trương nên bỏ kinh sử để theo đường doanh nghiệp thì Trương cười to mà đáp rằng:

- Cổ nhân có biết bao kẻ vác lều vác chõng mấy chục năm ròng rã mà chưa qua khỏi cái tam trường? Có biết bao nhiêu kẻ “thập niên đăng hỏa” mà biết chắc là sẽ đắc chí công hầu khanh tướng? Do lai, tất cả đều không vì chữ thời và chữ mệnh đó ru? Trương mỗ này, xuân thu mới bốn chục, còn hơn cái lão Bạch Lý Hề kia, thì lo gì bước hoạn đồ không ngựa xe áo mão, đem sức tài mà thi thố Hàn, Lương? (Hàn Tín, Trương Lương)

Thấy Trương tuy ngông nghênh nhưng văn hay chữ tốt, lại có chí lớn nên mọi người không lấy đó làm chuyện tiếu đàm.

Cha mẹ Trương mất sớm, anh em không có, chàng lại không nghĩ đến chuyện thê tử nên đời sống cũng tương đối thảnh thơi. Ngoài những khi phải hái rau kiếm củi độ nhật, chàng thường được tự do mai Tần, tối Sở; cũng biết hát khúc Nghê, thả cần câu sông Vị (Khương Tử Nha câu cá ở sông Vị để đợi thời), thỉnh thoảng cũng biết ôm trăng mà ca bài “Tương tiếu tửu” với họ Lý, ngâm vịnh với chàng Tô, thả neo Tây Hồ với họ Phạm... Nói vậy chứ trừ những khi có sự trợ cấp tiền bạc của họ Lý kia, đa phần họ Trương phải tự lực hoăc dựa lưng nằm dài nơi “Cô hồn am” để nhờ miếng cơm manh áo của ông thủ từ già họ Phùng tốt bụng.

Tuy thế, Trương sinh cũng biết dành dụm, nhất là trước ngày lều chõng. Cánh hạc kia tuy sông hồ quanh năm suốt tháng, vong cội quên nguồn, nhưng nó cũng biết lúc nào nên đậu lại! Mà nơi đậu lại chính là ở “Cô hồn am” - một cái am lạnh lẽo điêu tàn về phía tây Nam Bình thôn, một nơi nổi tiếng là “ma gào quỷ thét”, nổi tiếng là có những “oan hồn uổng tử” thường lãng vãng, ẩn ẩn, hiện hiện, kêu khóc nỉ non. Ai hỏi Trương tại sao lại không sợ, Trương đáp:

- Ma quỷ cũng là người nhưng họ sống ở thế giới khác đó thôi. Phùng ở được sao Trương mỗ lại không ở được? Phùng hương khói hoa quả sớm hôm là lo phần “xác” cho họ. Còn Trương mỗ đọc kinh, đọc sử, dẫn những bài học của cổ nhân, những lời dạy của thánh hiền là lo phần “hồn” cho họ. Ma quỷ chắc phải cám ơn không hết, có đâu lại làm cho Trương mỗ sợ hãi phải bỏ đi!

Nhiều người mỉm cười khi nghe Trương nói thế, tưởng là lý luận của anh đồ gàn, nhưng sự thật hầu như chứng minh điều đó. Những người đi làm gỗ, làm mây, làm củi từ phía tây thôn, khuya sớm có dịp băng qua nghĩa địa đến Cô hồn am, thì chỉ thấy đèn chong rạng và giọng ngâm thơ bình phú hoặc đọc kinh đọc sử sang sảng của họ Trương, chẳng thấy ma quỷ kêu gào ở đâu hết.

Từ đó, Cô hồn am không còn là nơi đáng sợ cho dân Nam Bình thôn nữa.

Niên hiệu Minh Mạng thứ năm, từ miệt Thanh Hóa trở vô cho đến Thừa Thiên, hạn hán, mất mùa, đói kém, cướp làng, cướp chợ, cướp đường nổi lên khắp nơi. Tri phủ họ Lý bị giặc chặt đầu phanh thây, nghe nói là vì cai trị hà khắc và bòn rút của dân. Phong Trần huyện lại bị thêm cái lụt vào cuối mùa thu nên tình cảnh màn trời chiếu đất, tang tóc thê lương kể sao cho xiết? Ở Nam Bình thôn, người ta tranh giành cướp giật nhau cả từng nắm cỏ xanh. Ông thủ từ già họ Phùng không chịu nổi cơ hàn đã run lẩy bẩy, sùi bọt mép từ giã cõi đời vào một đêm mưa gió. Trương sinh bây giờ chỉ còn cô quạnh một mình nơi Cô hồn am với cái xác xanh xao, chống gậy lom khom vào ra, lê tấm thân tàn đợi tử thần đến gõ cửa. Manh chiếu cũ còn lại, Trương sinh bó xác người thủ từ già không đủ kín, vẫn còn thừa hai cái chân trắng bệch thò ra bên ngoài. “Bát cơm phiếu mẫu”(Tích Hàn Tín nhớ ơn người cho bát cơm lúc hàn vi.), “tình nghĩa Lưu Dương”(Tích Lưu Bình, Dương Lễ.), Trương sinh cũng biết lắm, nhưng vốn nhấc chân lên đã run rẩy thì làm sao đào được một cái lỗ để vùi lấp đi bộ xương còm?

Đã một ngày và một đêm rồi mà Trương sinh còn nằm đó. Mấy củ chuối cuối cùng sau góc am cũng đã chia hết cho nhau từ tuần nay. Trương sinh nhớ là mình đã không có gì ăn từ lâu lắm. Khi đưa tay sờ lưng thì đụng bụng, khi đưa tay sờ bụng thì đụng lưng! Râu, tóc, lông tay, lông chân rã ra từng đám, từng nắm! Trời trở lạnh đến đóng băng, mưa gió lại lợi dụng cái cảnh thê lương này để gào thét ghê rợn. Trương sinh nằm mơ mơ màng màng mà không biết mình đang ở cõi nào, sống hay chết; nhịp đập của tim và hơi thở bấy giờ hầu như là của ai khác, Trương nghe mong manh và xa lạ quá đỗi.

- Ào...ào... ào... rắc... răn... rắc...

Cô hồn am như muốn bị cơn gió trốc đi, ngửa nghiêng như chiếc tiểu thuyền giữa cơn đại lãng. Mưa ào ào như trút, mấy tấm tranh ở nóc bị bắn thốc đi, nước tràn vào lai láng.

Khoảng canh hai, trời lạnh. Trương sinh tự dưng chống tay lồm cồm bò dậy, người ướt như chuột lột. Ngọn đèn dầu lạc nơi góc am, được đậy bằng vỏ chai vỡ không biết phép lực kỳ dị nào mà không chịu tắt, lập lòe ánh sáng xanh lè. Đôi chân của tử thi thò ra khỏi chiếc chiếu hình như dài hơn và xanh hơn, dường như có gợn lân tinh và nhúc nhích nữa! Trương sinh nổi da gà toàn thân và một luồng khí lạnh từ đâu chạy dọc suốt xương sống.

- Sống khôn thác thiêng, xin vong hồn tiên sinh chứng giám cho. Trương sinh lâm râm khấn thầm trong miệng - Trương mỗ vì đói quá nên chưa lo được nhang khói mộ phần cho tiên sinh đó thôi, chứ không phải Trương mỗ là kẻ bạc tình bạc nghĩa đâu. Đừng nhát sợ Trương mỗ nữa.

Đôi chân của Phùng lão hình như đã nằm yên lặng như cũ. Trương sinh yên trí lò dò dựa vào mép bàn lần tay bưng ngọn đèn dầu lạc khơi tim lên. Khi quay lại thì trước mặt mình có một người cụt đầu đứng đó tự bao giờ!

- Đừng sợ. Đừng sợ. Trương huynh đừng sợ. Mạng Trương huynh lớn lắm, “vía” này không làm gì được Trương huynh đâu. Đệ là Lý tri phủ đây! Âm dương dẫu cách nhưng tình chiếu văn, nghĩa kim bằng không vì vậy mà xa nhau.

Trương sinh gượng đứng dậy, mắt thì chăm chăm nhìn người cụt đầu, chân thì lần lần xê vào xó vách. Chẳng biết giọng nói phát xuất từ đâu nhưng vang vang lạnh lẽo như tự dưới mồ sâu.

- Hà, hà! Nhớ ngày nào ta bình văn luận phú, tri âm tuy không dám ví với Tử, Bá (Bá Nha, Tử Ky) nhưng biết nhau nào há thẹn với Di, Tề (Bá Di, Thúc Tề.)? Lần đệ đi trấn nhậm Nghệ An, Trương huynh trở về Nam Bình thôn, đệ cũng đã cả gan xuống ngựa, uống một chén rượu mà ngâm bài “Tống biệt” của họ Vương:

“Hạ mã ẩm quân tửu

Vấn quân hà sở chi

Quân ngôn bất đắc ý

Quy ngọa Nam sơn thùy

Đản khứ, mạc phục vấn

Bạch vân vô tận thì...”

Trương huynh ơi, Trương huynh! Tuy Trương huynh không “bất đắc ý” nhưng cũng “quy ngọa Nam Bình thùy” và “tình ta như mây trắng, còn mãi đến muôn đời”. Trương huynh ơi! Trương huynh còn nhớ không chứ?

Nghe nhắc đến chuyện cũ, Trương sinh mới biết chắc đây là Lý tri phủ, người bạn cố tri đã giúp đỡ chàng qua rất nhiều cơn túng bấn, và cũng nhờ y mà Trương có được những ngày tháng phong lưu để chèo thuyền thăm Tây Tử, lên núi viếng Vu Nghi. Cảm động quá, Trương chạy đến, nhưng bỗng sựng lại sững sờ vì kia là cái xác không đầu, một cái bụng to lớn phình ra phía trước, tay chân gầy ốm tong teo như bốn que tăm găm vào một củ khoai lang!

Lâu lắm, khi đã định thần, Trương lắp bắp hỏi:

- Lý... Lý tri phủ đó ư?

Chợt có tiếng cười vô cùng lạnh lẽo rồi đáp:

- Lý tri phủ hay Lý âm phủ cũng một Lý đó thôi! Lý âm Lý dương hình thù dẫu khác nhưng cũng cùng chung một mệnh phận đoạn trường bi ai thống khổ như nhau. Trương huynh ơi! Đệ đau khổ lắm, Trương huynh ơi!

Tiếng nói chợt như bị cái gì chặn lại, rồi như nức nở. Và cái xác không đầu trước mặt Trương sinh chợt run lên bần bật; cái bụng thóp vô thóp ra liên hồi, hai tay không ngớt thọc vào bụng, vào lưng, vào ngực...

- Lý... Lý đệ làm gì thế? Lý tri phủ sao lại tự hành hạ mình như thế?

Ma không đầu sau một hồi lăn xuống đất ôm bụng rên la, đã đứng lên, kéo ghế chững chạc ngồi. Trương sinh cũng đã hết sợ, mạnh dạn ngồi vào ghế bên kia.

-“Vay trả, trả vay, nhân quả báo ứng”, ấy là luật trời chứ ai nào hại được ai? “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt). Quả vậy, không thể nào lọt được! Quay đầu là thấy bến. Thế mà... thế mà..

Trương sinh lắp bắp:

- Lý tri phủ không có... không có... cái đầu thì làm sao... quay? Quay làm sao?

Tiếng cười lại âm u lạnh lẽo:

- Trương huynh giờ mà còn khôi hài với đệ đấy ư? Rồi Trương huynh cũng thế, cả cái trần gian này nữa, coi chừng đều bị làm ma không đầu hết cả đấy; rồi chẳng còn cái đầu nào mà quay về nữa đâu!

Trương sinh cho đến bây giờ cũng còn chưa để ý đến nội dung ý tứ câu chuyện, mà cứ tò mò quan sát không biết cái mũi ở đâu, cái miệng ở đâu? Khi ma nói, Trương thấy cái bụng có nhúc nhích, khi mà cười thì cái bụng có giật giật. Quả là quái dị! Biết bao câu hỏi cử lẩn quẩn trong đầu Trương.

Bây giờ thì Trương đã hết đói, hết lạnh và hết sợ.

- Cái mũi, cái miệng của Lý tri phủ ở đâu?

- Ở trong này - Ma vỗ bụng đáp - cả cái đầu nữa, cũng ở trong này tuốt. Nhân gieo thì quả trổ. Quả thành thì nhân hoại. Đấy là thường lý mà Trương huynh không biết ư?

Trương sinh ngẩn ngơ đáp:

- Chứ không phải Lý tri phủ bị...?

- Bọn cướp chặt đầu? Phải mà không! Không mà phải! Ma lắc đầu - chặt đầu là một chuyện, mất đầu hay không đầu lại là chuyện khác. Chặt đầu thì có hạn, nhưng ma không đầu thì... hà... hà có hằng muôn ức triệu trên thế gian. Trương huynh coi đây...

Chợt nhiên ma đứng dậy cất tiếng hú rợn người, tiếng hú quả là quỷ khốc thần sầu. Chưa đầy nháy mắt, bên ngoài như có hằng thiên binh vạn mã chạy rầm rập, tiếng tru tréo đến dựng tóc gáy. Rồi thì ma không đầu đứng dày đặc cả một nghĩa địa, lố nhố đến tận chân trời.

Trương sinh mắt mở trừng, cơ thể như một tảng đá lạnh. Ma không đầu lại mất tăm sau một cái nháy mắt.

- Đệ là chủ súy của bọn chúng. Vì tuy cũng là ma không đầu nhưng đệ còn có một chút lương tri, biết phân biệt điều phải và điều không phải. Còn bọn kia thì hoàn toàn mất hẳn lương tri, suốt đời, chúng chỉ sống bằng bụng thôi!

Trương sinh có vẻ chưa hiểu nên ma giải thích tiếp:

- Làm vua cũng lo cho cái bụng, làm quan cũng lo cho cái bụng, làm lính cũng lo cho cái bụng, làm dân cũng lo cho cái bụng; đọc kinh, đọc truyện, đọc sử, thập niên đăng hỏa cũng lo cho cái bụng; bóp óc nặn trán, lên non xuống núi rồi cũng lo cho cái bụng... Cái bụng! Cái bụng! Cái bụng trở thành mục đích cho kẻ tang bồng hồ thỉ; mục đích cho bọn hồng quần khăn lược; mục đích cho sa-môn, đạo sĩ; mục đích cho ý chí, ước mơ và tham vọng... Thế đó, Trương huynh ơi! Thế thì làm sao cái đầu nó không tiêu hoại cho được khi mọi cứu cánh của con người đều đổ xô về cái bụng? Cái đầu nghiên cứu, học hành, nghĩ suy, mưu kế, mưu lược... là “nhân”, cái bụng thành là “quả”. Quả thành thì nhân hoại. Mầm thành cây thì hạt không còn. Cho nên, làm ma không đầu là một kết quả tất nhiên vậy.

Bất giác, Trương đưa tay sờ lên đầu mình. May mắn sao, đầu của Trương sinh vẫn còn! Chàng sợ mình mất đầu là phải, vì mấy chục năm nay, dẫu chàng có bảo mình quân tử, phong lưu, học hạnh thánh hiền chăng nữa, thì chàng cũng chưa nhìn xa hơn cái bụng, nếu như không muốn nói, hầu như mọi nỗ lực của chàng đều đổ xô về đó: cái bụng!

Trương đưa tay xoa bụng thì chàng cảm thấy an tâm. Sờ bụng thì chàng đụng lưng! Ở nơi cái bụng của chàng chưa có cái gì cả nên cái đầu chưa thể tiêu hoại được. Trương nghe mình thở phào khoan khoái.

Bỗng nhiên trời lại nổi gió. Gió rít lên từng hồi ghê rợn ngoài rừng thông, rừng liễu, ào ào chạy qua nghĩa địa, va đập vào liếp cửa những tiếng động kinh hồn. Ma không đầu chợt ôm bụng lăn xuống đất, quằn quại rên la, giọng nói của y lại dồn dập, áo não:

- Mau đi! Hãy bỏ tất cả đi. Cả thế gian này. Đừng dùng cái đầu mà lo cho cái bụng nữa. Trương huynh ơi! Hãy bỏ đi, bỏ gấp đi! Khổ lắm, khổ không chịu nổi đâu!

Trương nắm chặt mép bàn cố giữ cho người khỏi ngã, trong lúc Lý có vẻ thống khổ lắm, y lồ cồm bò dậy rồi chuệnh choạng chạy ra ngoài khung cửa.

- Vĩnh biệt Trương huynh! Chớ quên. Chớ quên. Chỉ có ai giữ cho “cái đầu bằng cái bụng, cái bụng bằng cái đầu” thì Diêm Vương mới phê cho ba chữ “khả vi nhân” (Có thể làm người.). Bụng bằng đầu, đầu bằng bụng là “khả vi nhân”. Nhớ lấy. Nhớ lấy. Khổ lắm. Khổ không chịu nổi đâu...!

Tiếng nói càng lúc càng não nùng thê lương, càng lúc càng chân tình, chí thiết. Và khi ấy, hình bóng ma không đầu cũng xa dần... mờ dần trong bóng đêm của nghĩa địa.

Bên ngoài mưa gió vẫn cứ rít gào như cả hàng trăm ngàn ma không đầu vẫn cứ rít gào muôn đời giữa cõi hư vô lồng lộng.

Từ đấy, nơi Cô hồn am, Nam Bình thôn, người ta không còn thấy bóng dáng chàng thư sinh họ Trương nữa. Chàng đi đâu không hề ai hay biết.

Mùa xuân niên hiệu Minh Mạng thứ sáu, một nhà sư du phương đi qua Cô hồn am chợt phát giác một tử thi đã mục rữa và tập ký tự Trương Tam, ghi lại chuyện trên và phía dưới đề bốn chữ: “Lưu hậu ích thế”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]