Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Những Người Đánh Trống Pháp 1971-1975

01/06/201200:15(Xem: 9961)
Chương 5: Những Người Đánh Trống Pháp 1971-1975

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)


Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức ấn hành 2012
flowerba

Chương 5:

Những Người Đánh Trống Pháp 1971-1975

Đại Đức R. Somaloka đến Sydney vào ngày 9 tháng 5 năm 1971, phí tổn di chuyển do Tu viện Malaccan Buddhist chi trả. Tiện nghi duy nhất mà Hội Phật Giáo New South Wales có thể tìm được cho ông là một cái nhà thay quần áo được sửa sang ở bên cạnh một hồ bơi nhỏ ở Brighton-Le-Sand, và khi ông vừa mới lên tiếng kêu ca về điều này thì Natasha Jackson làm cho sự việc không dễ chịu hơn nữa. Bà để lộ ra tánh khí chống tu sĩ của mình, và nhất định nói rằng vị Đại Đức đừng có ngồi ở đó không làm gì cả mà hãy giúp việc đánh máy chữ và những việc nhỏ khác. Bà cũng nói rằng nếu Đại Đức có đi chơi quanh Sydney thì hãy đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Đại Đức Somalaka phản đối điều này với lý do là các Tăng sĩ không được cầm tiền (mặc dù đa số Tăng sĩ ở Tích Lan ngày nay được giữ tiền). Natasha Jackson nổi giận; bà nghĩ rằng thái độ của các Tăng sĩ nói chung là “rất không thực tế trong thế giới ngày nay, khi mà ngay cả Nữ Hoàng Elizabeth cũng được xem là nên biện minh cho địa vị đứng đầu quốc gia của mình. Làm sao người ta có thể đòi hỏi một địa vị chỉ có quyền lợi mà không có bổn phận?”, đối với bà thì Tăng sĩ phần nhiều là những người ngồi không và những người “ghét đàn bà”. Tất nhiên một phần nguyên nhân của thái độ này là bà cho rằng mình thuyết pháp giỏi hơn đa số các Tăng sĩ, và vì vậy bà không hoan hỷ khi thấy họ là những người thu hút được nhiều thính giả. Đại Đức Somaloka hai mươi bảy tuổi, và về sau bà viết rằng Đại Đức “không phải là người thuyết pháp đáng hài lòng cho lắm”. Những người khác trong ủy ban xem Đại Đức là người nhờ cơ hội, và như vậy người ta không ngạc nhiên khi thấy liên hệ của Đại Đức Somaloka với Hội Phật Giáo New South Wales chỉ kéo dài được hơn một tháng.

Lúc đó Charles Knight và Natasha Jackson cũng đang bất hòa với nhau một thời gian về chi phí cư trú của họ, và do có thêm sự bất đồng ý kiến giữa hai người về Đại Đức Somaloka, bà bảo ông hãy tránh xa bà ra. Vì không có tài sản và đang nhận hưu bổng nên ông thấy là chỉ còn cách trở về Bundaberg với người con gái của mình. Thế là bất ngờ Hội không có Tăng sĩ mà cũng không có Charles Knight, người đã cống hiến rất nhiều cho Hội trong mười lăm năm. Natasha Jackson và Charles Knight không bao giờ nói chuyện lại với nhau hay viết thư cho nhau nữa. Knight qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 1975, đúng bốn tuần trước khi Natasha Jackson rút ra khỏi Hội với những lời lẽ gay gắt.

Trong lúc đó, Đại Đức Somaloka, ít nhất cũng là theo cái nhìn của Hội đang gây cảm tình với một bà nhà giàu muốn có một vị đạo sư của riêng mình”. Có lẽ đây là trường hợp của một trong những người như Graeme Lyall, Jurges và Elva Miksevicius thì đúng hơn. Họ đã là hội viên từ trước khi có vụ chia rẽ năm 1956, nay lại nổi lên khi họ thấy có một sự thay đổi cho chế độ Jackson và Knight.

Vào ngày 13 tháng 7 năm 1971, Đại Đức Somaloka dọn đến một căn nhà rộng rãi ở Rose Bay, gần chỗ ở của Ni Sư Dhammadinna trước kia. Đại Đức cho thông báo chỗ này là Trung Tâm Phật Giáo Sydney. Vào ngày Phật Đản 1973, Tu Viện Phật Giáo Úc Châu được khánh thành ở Katoomba, phía Tây Sydney. Năm 1988 Đại Đức Somaloka vẫn sống ở đó, nhưng trung tâm này thường được giới Phật Giáo xem là có tính cách độc đoán và không thân thiện. Người ta nói rằng nhiều người Tích Lan ở Sydney rất bất mãn khi thấy một nơi được xem là một ngôi chùa lại có một tấm bảng đề “keep out” ở trước cổng, và họ chỉ được gặp Đại Đức Somaloka để cúng dường vào một số dịp nào đó đã được quy định. Hiện nay Đại Đức có khoảng mười đệ tử, và ông không cho phép họ tiếp xúc với các hội đoàn Phật Giáo khác. Ông không chịu tiết lộ một điều gì về mình, ngay cả với các đệ tử người Tích Lan, và không phải tất cả sự độc đoán của ông đều là một sự dè dặt phát sinh từ khi ông gặp Natasha Jackson. Tu viện của Đại Đức có thể được xem là đầu tiên trong số những tu viện Phật Giáo được thiết lập tại Úc Châu. Nhiều người cho rằng tu viện này đi ngược lại Phật Giáo vốn có truyền thống mở rộng cửa cho mọi người, và như vậy là có khuynh hướng trở thành một loại tín ngưỡng riêng tư.

Với sự ra đi của Charles Knight, Hội Phật Giáo New South Wales không còn khả năng đảm nhiệm việc xuất bản tạp chí Metta, và như vậy tâm điểm của Phật Giáo Úc Châu trong đầu thập niên 1970 đã chuyển đến Melbourne. Elizabeth làm chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Úc Châu thay thế Charles Knight, còn chức vụ chủ bút thì thuộc về Larry Fayers-Jessop và Len Henderson. Không hội nào lấy lại được sức mạnh của thời kỳ 1956, và trong năm 1971, Hiệp Hội không thể trả lệ phí của mình cho Hội Phật Giáo Thế Giới, nhưng từ năm 1968 thì sự việc dần dần trở nên tốt hơn ở Melbourne. Năm 1969 một nhóm tham thiền hằng tuần được tổ chức, và những cuộc hội thảo cuối tuần đầu tiên diễn ra ở những nhà khách vùng ngoại ô. Sáu mươi người tham dự những cuộc họp cuối tuần trong năm 1971, với những bài diễn thuyết của Len Henderson, Len Bullen, Fred Whittle và Elizabeth Bell, tiếp theo là những cuộc thảo luận nhóm. Những dịp lễ hàng tháng được cử hành trở lại, và Hội tìm cách thu hút các hội viên thuộc cộng đồng người Tích Lan ở Melbourne bằng những bữa tiệc và những cuộc giao tế xã hội, với số người tham dự có khi lên đến hơn một trăm. Hội cũng xuất bản cuốn “Giáo Lý Phật Giáo" của riêng mình, và cuốn này được tạp chí “The Middle Way” ở London khen ngợi rất nhiều.

Tuy nhiên, phần lớn năng lực của Hội Phật Giáo ở Melbourne được dành cho việc xuất bản tạp chí “Metta”. Tờ tạp chí đã được giao cho một thế hệ trẻ hơn, và những bài của Len Henderson nói riêng cho thấy một sự thay đổi tươi mới. Số đầu tiên, vào tháng 7 năm 1971, có một bài ca tụng Charles Knight, nhưng chỉ nói qua về Natasha Jackson, dù bà đã cống hiến không kém hơn. Điều này cho thấy rõ tình cảm của họ được dành cho ai, với những lời bình phẩm khá thẳng thừng rằng “vì tranh luận hiếm khi thuyết phục được người nào, chưa nói gì đến giác ngộ người đó, nên người Phật tử tránh tất cả những cuộc tranh luận vô ích, mà chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ người khác theo khả năng của mình”. Những cây bút mới viết những bài sinh động về những đề tài mà phần lớn đã bị tránh né trước kia, đặc biệt là đề tài Thiền, và Len Henderson lại còn dám viết “Dharmapada” (Kinh Pháp Cú) theo tiếng Sanskrit thay vì “Dhammapada” theo tiếng Pali. Theo Natasha Jackson thì lực lượng phi lý hắc ám đã ngóc đầu dậy, và bà thường viết những bức thư có giọng giận dữ cho Melbourne. Vào đầu thập niên 1970, cuộc chiến của bà chống lại những người Đại thừa đang xâm phạm địa vị của mình ở cả Sydney lẫn Melbourne, và những hippy đang đến trước cửa Hội mỗi lúc mỗi đông hơn. Một số hội viên kỳ cựu đã thích ứng được với môi trường mới, thí dụ như Len Henderson, ông cho rằng chính Đức Phật đã “nổi lên và gia nhập hàng ngũ những người vượt ra ngoài khuôn khổ của xã hội". Nhưng đối với đa số thì chỉ có cảm giác hoang mang và tức giận vì thấy tương lai của Phật Giáo Úc Châu lại đi cùng với những người hỗn tạp như vậy.

Từ 1965 đến 1977, số sinh viên đại học Úc hoạt động trong nhà thờ giảm hơn một nửa, từ 59% xuống 27%, nhưng trong cùng thời gian này số người tự nhận là có tôn giáo giảm ít hơn, từ 86% xuống 76%. Những người đại diện cho phái chống văn hóa cho rằng nguyên nhân của sự đa tạp trên “thị trường” tôn giáo là phái Thiên Chúa Giáo Tin Lành (Protestant Christianity) đã “phi thiêng liêng hóa” thế giới tự nhiên. Giáo phái Tin Lành hầu như đã loại bỏ huyền học của mình một cách có hệ thống, để lại sự trống rỗng “lo âu về việc cứu rỗi” (salvation anxiety), theo lời của Max Weber, một sự khiếm khuyết được che đậy bằng việc đề cao đạo đức lao động và phụng sự xã hội. Trong cuốn “Sự Hoang Mang Lớn Của Úc Châu", Ronald Conway viết rằng ý kiến chung về tôn giáo là trong tôn giáo phải có sự tìm kiếm cái tuyệt đối, và “tôn giáo mà không khẳng định tính chất siêu việt, thiêng liêng trong đời sống con người thì đó không phải là tôn giáo". Trong phần kết luận của cuốn sách, ông nhận xét rằng điều mà người Úc cần phải có nhất là “một sự kính trọng lớn hơn đối với vũ trụ ở xung quanh mình” và “một sự cảm nhận mới về ‘Đạo’ ”. Đây cũng là quan điểm của nhiều người trong phong trào chống văn hóa quy ước vào đầu thập niên 1970, họ nhận thấy trong Phật Giáo và các triết lý Đông Phương khác sự hứa hẹn về một sự “tái cảm nhận” thế giới. Hình ảnh người tu sĩ Phật Giáo với lối sống đạm bạc và triết lý thiền dường như muốn cho thấy một lối thoát ra khỏi đời sống cá thể. Trong một số trường hợp, trạng thái này được thực hiện bằng kinh nghiệm do các loại thuốc kích thích gây ra, và sự kiện này cũng cho thấy rằng cách độc nhất để đạt sự mãn nguyện là qua tiến trình làm cho mình trống rỗng, một điều nghe có vẻ mâu thuẫn.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng qua kinh nghiệm với mescalin, psilocybin, LSD và những loại thuốc kích thích, nhiều người cho rằng mình đã thoáng thấy những khả năng tôn giáo mà ngày nay đã không còn được trình bày cho họ trong Thiên Chúa Giáo. Qua những cuốn sách của Alan Watts, Aldous Huxley, Timothy Leary, và những người khác, kinh nghiệm ảo giác được diễn dịch bằng thuật ngữ Đông Phương, vì vậy khi muốn có một “chuyến” tâm linh an toàn hơn, tự nhiên là người ta sẽ tìm đến Phật Giáo và Yoga. Hiện tượng này không phải là mới lạ, vì những cuốn sách của bà Blavatsky được xem là đã được viết với “sự hỗ trợ của thuốc lá hashish”, nhưng trước đây chưa bao giờ việc dùng chất kích thích và ý thức hệ của việc này lại lan rộng và có tính chất cách mạng như vậy. Một số lớn những người dùng LSD, với rất ít người dùng heroin và amphetamine, đã được đưa thẳng đến Phật Giáo. Robert Aitken, sau này là người đầu tiên thực sự thiết lập Thiền Tông ở Úc Châu, trong khi chính ông là người thuộc thế hệ già, nhận xét rằng những người này là phái có khuynh hướng yoga trong phong trào chống văn hóa, và “thực sự chú ý đến tôn giáo có tính cách giác ngộ, có ý thức về toàn thể tính và yếu tính, yêu thiên nhiên, thích sự khổ hạnh và đạm bạc, nhạy cảm với nhau, và muốn thực hành hơn là nói suông”. Về những đệ tử lớn tuổi của ông ở Hawaii thì gần như tất cả đã đến với Thiền qua LSD hay mescalin, còn ở Trung Tâm Thiền Sydney cũng do ông hướng dẫn thì trong hai mươi hai hội viên hoạt động được thăm dò năm 1985, hai mươi mốt người cho biết là họ đã “thí nghiệm với các chất kích thích”.

Những biến động lớn trong thời kỳ này có nguyên nhân là việc dùng ma túy và chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam cũng gây ra ý thức đoàn kết với người Á Châu và những truyền thống văn hóa của họ. Tâm trạng chung là một lần nữa bất ngờ hưởng ứng Đông Phương, nhưng lần này nền móng đã được đặt vững chắc. Gần một thế kỷ với Thông Thiên Học, với những bản dịch tốt của các học giả như F. L. Woodward, triết lý Đông Phương thực hành bởi những người trí thức như David Maurice và Les Oates, sinh thái học từ cảm hứng Phật Giáo của những nhà văn như Marie Byles, sự tàn lụi của thái độ Thiên Chúa Giáo quân phiệt đối với Á Châu, Thiền Beat, thuốc kích thích, và sự nhận biết rằng Úc Châu nằm ở bên cạnh Á Châu - tất cả những điều này dẫn đến sự bừng nở của Phật Giáo ở Úc Châu trong đầu thập niên 1970. Các tông phái được xem là khô khan, và văn hóa Úc có lẽ cũng vẫn nông cạn và duy vật chất như trong đầu thập niên 1890, nhưng lần này Phật Giáo sẵn có hơn nhiều, với những bản dịch kinh sách tốt hơn tràn ngập thị trường, và việc đi đến các nước Á Châu tương đối thuận tiện và không đắt đỏ. Cũng như trong giữa thập niên 1950, những người quan tâm đến Phật Giáo thường thuộc giới có học cao, gần với hàng ngũ tiên phong trong việc phát triển văn hóa mới. Tuy nhiên bây giờ người ta cảm thấy bất mãn hơn nhiều với “xứ trống rỗng”. Phật Giáo được nắm giữ không phải như một chiến thắng của phái duy lý, cũng không phải như một triết lý được dùng để chống lại Thiên Chúa Giáo, mà như một sự phê bình cấp tiến đối với chủ nghĩa duy vật chất của Úc Châu, như một môn huyền học không có sự nghĩ tưởng, và như một môn đạo đức học từ bi có tính cách thực hành - không phải như những giáo điều từ trên ban xuống, mà như một sự trình bày những gì được cảm nhận là tính chất thật của sự sống. Trong sự biến đổi lớn này, các hội đoàn Phật Giáo và các nhóm yoga xuất hiện để góp phần trong phong trào chống văn hóa cũ.

Đa số hội viên của hai Hội Phật Giáo Victoria và New South Wales là những người chỉ chuyên môn một nửa, và chắc chắn thuộc giai cấp trung lưu, và những người hippy thường xem họ chỉ đỡ nhàm chán hơn những người thuộc giáo hội Anh Giáo một chút. Họ không thực sự gây dựng được truyền thống thực hành thiền định, nguyên nhân chính là vì họ không có một vị đạo sư nào và xét theo quan điểm chống văn hóa cũ thì những người như Natasha Jackson cũng thuộc hạng người độc đoán của xã hội quy ước vì bà chủ trương một sự duy lý mà không xét đến chứng nghiệm tôn giáo. Lối tiếp cận mới thì có tính cách hiện sinh và trực giác, cho thấy điểm quan tâm đã được chuyển từ đầu đến tim. Natasha Jackson và những người khác có lẽ không phải là không có lý khi cho rằng tất cả sự việc quá nghiêng về cảm xúc và vớ vẩn. Tất nhiên về một số mặt nào đó bà rất phóng khoáng, thí dụ như bà đã vui vẻ chấp nhận một người bán nam bán nữ hoạt động trong Hội, nhưng khi một hội viên khác bị khám phá là đã dùng marihuana thì người đó bị xem là đã vượt ra ngoài giới hạn. Theo bà thì LSD và mescalin “làm mê muội tâm trí” là cùng một thứ với những hiện tượng thời đại mà bà thấy “khó hiểu và kỳ cục” như “hippy” và “tội phạm thiếu niên”. Các beatnick và hippy “hành động như là đang bị kẹt trong hiện tại, và cùng lúc lại chiến đấu một cách thoái hóa để ngăn cản tương lai".

Đúng với cá tính của mình, Elizabeth Bell có đường lối ôn hòa hơn. Bà nói với những người nghiêng về chủ nghĩa hưởng lạc trong phái chống văn hóa rằng Giáo Pháp là một chiếc bè, “chứ không phải là một chiếc tàu du lịch sang trọng để cho người ta lấy cớ chất đầy lên đó những sự thụ hưởng không có lý do chính đáng, làm cho nó chìm trong biển luân hồi". Harold Stewart, người Bảo Thủ bốc lửa, tất nhiên xem giới trẻ của đầu thập niên 1970 là “thế hệ vô chính phủ”, những người đi trên “con đường hoa cỏ dẫn đến loạn trí”. Bạn của Stewwart, Adrian Snodgrass cũng nói rằng “không có gì ngoài sự khinh bỉ dành cho phong trào hippy”. Ý kiến này có thể làm cho người ta ngạc nhiên vì ông đã chịu nhiều ảnh hưởng của Aldous Huxley và đã là một tu sĩ Ấn Giáo ở Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người khác, Snodgrass, nhìn lại quá khứ với một chút thất vọng: “Chúng ta đã trông đợi tia chớp lớn khi mà người ta bất ngờ trông thấy chân lý vinh quang, và có thể khoe với mọi người: ‘Xem nè, tôi giác ngộ rồi!’. Hiện tại có một số người vẫn đang trông đợi như vậy".

Trong số những nhân vật lãnh đạo của Phật Giáo Úc Châu thời kỳ đầu, có lẽ chỉ có David Maurice và Marie Byles là có một sự thông cảm thực sự nào đó với phái chống văn hóa. Từ khi trở về Úc Châu vào năm 1959, Maurice vẫn tiếp xúc với nhiều người bạn Phật Giáo của ông, như Leo Berkeley và Syd Hill, nhưng ông thường sống một cách lặng lẽ, tự túc và ăn chay, ở những nông trại nhỏ ở miền Bắc Queensland. Từ cuối thập niên 1960 trở đi, ông dành một ngôi nhà nhỏ trên đất của mình cho “một loạt những vị Thầy lưu động liên tiếp nhau” đến ở miễn phí. Ông nhận thấy đa số họ là những người tự xem mình là quan trọng và hiếu động, nhưng cũng giống như họ, ông rất ghét việc thương mại hóa tôn giáo và văn hóa phổ thông, vì vậy nói chung thì họ là “những người dễ ưa, tốt hơn những kẻ chỉ biết mua bán”. Một số bài viết của ông làm cho người ta nghĩ ông là một tín đồ Theravada hoàn toàn chính thống và không khoan nhượng, nhưng thật ra đây thường là lối viết mỉa mai. Sự thật là ông thích cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử và thơ của Lý Bạch, và lại còn rất thích bài thơ “Wichita Vartex Sutra” của Allen Ginsberg.

Robert Gray cho rằng Brett Whiteley, họa sĩ người Úc tương ứng với Allen Ginsberg, thi sĩ người Mỹ, và có lẽ là họa sĩ trình bày giỏi nhất những cảm xúc của cuối thập niên 1970. Thế giới của ông là thế giới của nhạc sĩ người Anh Bob Dylan, của ảo giác thuốc kích thích và của Thiền Beat. Triết lý hội họa của ông chiết trung hơn là của họa sĩ Olsen hay họa sĩ Fairweather, nhưng ông vẫn công nhận là mình chịu ảnh hưởng của Thiền: “Thiền là thần học của hội họa” (Zen is the theology of painting). Ông cũng viết rằng “tranh Đông Phương cao nhất và cũng là những bức tranh cao nhất của thế giới. Các họa sĩ bậc thầy của Tây Phương đã nhận xét như vậy". Sự thật là về mặt tranh vẽ, Brett Whiteley gần với Thiền hơn là Olsen hay Fairweather, đặc biệt là trong những bức tranh vẽ bằng mực đen của ông, thí dụ như bức “Chân Dung Tự Họa Sau Ba Chai Rượu” năm 1971. Tuy nhiên, sự chú ý đến Thiền của ông có nhiều tính cách tạp nhạp, như trong một cuộc triển lãm vào năm 1976, cùng với những bức tranh mực đen của mình, ông đặt một bức tượng Phật lớn với một ánh đèn màu đỏ chiếu ra từ trán bức tượng và tượng một con thú chết nằm ngang bụng của tượng Phật.

Giống như Whiteley, Robert Gray cũng là một sản phẩm của thời hippy. Cùng với Les Murray, có lẽ ông là thi sĩ Úc có nhiều ảnh hưởng nhất và được ca tụng nhiều nhất của thập niên 1980. Ông cũng rất chú ý đến Phật Giáo. Sinh năm 1945, ông trưởng thành ở gần Coffs Harbour ở bờ biển miền Bắc New South Wales, nơi cha của ông làm chủ một đồn điền chuối trong một thời gian. Robert Gray tự mô tả mình là “một đứa trẻ khùng khùng, quá nhạy cảm với đời sống gia đình không hòa thuận”, và vì vậy mà ông luôn luôn chú ý đến một bức tượng Phật mà cha ông giữ ở trong nhà, một bức tượng toát ra một bầu không khí an tĩnh và bình yên. Như vậy ông đã có khuynh hướng Phật Giáo từ lúc còn nhỏ, và điều này làm cho ông ưa thích những người Trung Hoa trong thành phố: “Tôi thấy họ biết tự chế, bình thản, nghiêm trang, và rất khác những người lao động Úc bình thường”, vì gia đình rất nghèo nên ông bỏ học sớm, làm việc cho một tờ báo và sau đó ông đến Sydney làm ký giả, viết quảng cáo và bán sách. Trong mấy năm gần đây ông cũng nhận được nhiều học bổng của Ban Văn Học.

Những người có ảnh hưởng đến thơ của Robert Gray trong thời kỳ đầu là D. H. Lawrence và Willian Carlos Williams thi sĩ người Mỹ, vì vào giữa thập niên 1960, khi mới chú ý đến Thiền qua những cuốn sách của Alan Watts, ông rất thích châm ngôn của Williams về loại thơ ‘hình ảnh’: “Không có ý thơ nào, chỉ có trong sự vật”. Thiền hấp dẫn đối với ông vì “sự tự nhiên và sự tươi mát”, vì trong Thiền có “những hình ảnh sắc nét, linh động”, và vì trong nhiều phương diện, Thiền là “Phật Giáo tiến hóa, lột bỏ tất cả những gì huyền bí, bất thường, và trở thành một kinh nghiệm thuần túy, đầy chất thơ” (Buddhism evolved, it gets rid of all the occultism and spernaturalism and becomes a pure, poetic experience). Như trong bài “Gửi Thiền Sư Dogen” xuất bản năm 1974, một trong những bài thơ hay nhất của ông, Dogen (Đạo Nguyên) từ Trung Hoa trở về Nhật Bản không với một tàu đầy kinh sách và những giáo lý mới, mà với “hai tay không" và một thông điệp độc nhất: “tất cả những gì quan trọng, đó là những vật bình thường”. Gray chỉ quan tâm đến loại Phật Giáo tại thế gian này, không lan man, chính yếu là Thiền Tào Động và phần cốt tủy duy lý của Theravada. Có thể nói rằng mỗi bài thơ của ông kêu gọi sự khiêm cung và sự tự quên mình trước thế giới tự nhiên. Thuyết vô ngã là một vấn đề khó cho nhiều người, nhưng có vẻ không phải là một vấn đề đối với ông, mà là một sự giải thoát đích thực.

Vì có thể thấy “cái ta” của một cá nhân chỉ là một ảo tưởng (mà chúng ta cảm thấy xa cách và không có sự sống), nên bất cứ một triết lý nào, phát xuất từ ảo tưởng đó và củng cố cho ảo tưởng đó, thấy có một tự ngã trong vũ trụ, thí dụ như Thượng Đế hay một đấng Tuyệt Đối nào đó, thì triết lý đó cũng giả tạo như vậy".

Thơ của Robert Gray trình bày một cái nhìn mới về phong cảnh Úc Châu, cảm nhận tính chất thật của nó, trong ''chân như” của nó. Đây là một sự phối hợp có vẻ không cưỡng bách mà lại tự nhiên, và như vậy là kết quả của một truyền thống trong Phật Giáo Úc Châu có từ Marie Byles và Max Dunn đến E. J. Banfield. Thơ của ông dù ngắn hay dài cũng có sự tập trung của thể thơ haiku Nhật Bản, thí dụ như trong bài thơ “Pháp Thừa” (Dharma Vehicle), phong cảnh xen lẫn với triết lý tổng hợp Phật-Lão mà ông xem là tính chất của Thiền:

Những thân cây vươn lên chậm,
Rồi tỏa ra như hương khói.
Tôi đọc sách suốt ngày dưới những gốc cây,
Say mê với các hiền triết Trung Hoa ngày xưa,
Những người tìm lối sống đúng,
Và thấy rằng người ta phải thích ứng với thiên nhiên,
Với cái ở bên ngoài tâm vị kỷ của mình,
Những người yêu thế gian này”.

"The paperbacks climb
slowly
and are spreading out, like incense-smoke.
I read beneath the trees all day,
caught up
with those old Chinese
who sought the right way to live, and found
one must adapt to nature,
to what is
outside our egotism
who loved this earth".

Cảm hứng của Robert Gray về “Vô Niệm” (No Thought), về “đánh thức tâm mà không trụ tâm vào đâu” (awaken the mind without fixing it anywhere), được đặt trọn vẹn bên trong phạm vi phong cảnh Úc Châu. Ông viết rằng nụ cười của Đức Phật “giống như một miếng dưa hấu, xé toạc những vọng niệm của tâm”, và một trong những vọng niệm đó là cho rằng trung tâm của Phật Giáo nằm ở một nơi nào đó ở Á Châu.

Robert Gray chỉ thật sự thực hành thiền định vào cuối thập niên 1970, sau gần năm mươi năm đọc sách và theo cách nói của ông “bị mắc bẫy” của “con người theo chủ nghĩa thuần túy” Krishnamurti với ý tưởng “không có pháp môn đặc biệt nào cả” của ông ta. Vào năm 1980, Gray và vợ của ông, Dee Jones, học ở Trung Tâm Thiền San Francisco – sau đó bà trở lại học thêm mười hai tháng nữa. Gray không trở lại cùng với bà vì vị đạo sư đã khuyên ông là phải thôi viết văn trong khi tu học. Tuy nhiên ông đã thực tập thiền quán Theravada với Joseph Golstein và chú ý nhiều đến liệu pháp Morita có nguồn gốc Thiền. Ngày nay ông có một trong những bộ sưu tập sách Phật Giáo của tư nhân lớn nhất Úc Châu, và ông nói rằng mình quan tâm đến Phật Giáo chỉ vì “Phật Giáo là đúng sự thật, tức là có thể kiểm chứng được về mặt khoa học. Đối với những câu hỏi của chúng ta về sự thật của cuộc đời, Phật Giáo có lời giải đáp tốt hơn bất cứ một hệ thống triết lý nào khác”.

Robert_Gray
Robert Gray

Robert Gray đã được tặng Giải Thưởng Thơ Quốc Gia của Đại Hội Nghệ Thuật Adelaide, Giải Thưởng Premier of New South Wales, và vào năm 1988 “Tuyển Tập Thơ” của ông có lẽ ở trong số ba tác phẩm bán chạy nhất của thi ca Úc Châu đương đại. Năm 1988, cuốn sách được đưa vào chương trình học Anh văn HSC ở New South Wales, và như vậy theo bất cứ tiêu chuẩn nào của ông cũng là một người phát ngôn quan trọng của Phật Giáo ở Úc Châu. Trong tờ “Sydney Morning Herald”, Kevin Hart nhận xét rằng “như một người thuộc phái hình ảnh, ông là người vô song trong thế giới nói tiếng Anh”. Người thi đua chính yếu với ông ở Úc là Les Murray cũng nói rằng “ông có con mắt tinh nhất trong thi ca Úc Châu", còn Patrick White vốn là người thường thảo luận về văn học Thiền với Gray thì viết rằng thơ của ông “mở ra những viễn cảnh siêu thoát có khả năng làm thay đổi cuộc đời của bạn trước khi bạn biết điều gì đang xảy ra”. Robert Gray nhận xét rằng trong khi đọc giả của Les Murray là những người Công Giáo thì đọc giả của ông là những người chủ trương bảo vệ môi trường, và ông nói rằng thi ca có thể là nghệ thuật dành cho những người “ưu tú”, nhưng những thi sĩ người Mỹ có cảm hứng Thiền như Jack Kerouac và Gary Snyder lại gây ảnh hưởng văn hóa lớn đến mức có thể làm thay đổi tính chất của cả một dân tộc. Giống như những người Phật Giáo Mỹ có thể kể ra Kerouac, Snyder, và những người khác như những anh hùng văn hóa của họ, chắc chắn sẽ có lúc người Úc kể về Fairweather và Gray mỗi ngày mỗi nhiều hơn.

Những nhà văn Úc nổi tiếng khác chịu ảnh hưởng của Phật Giáo trong cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 là C. J. Koch, David Easter, Judith Wright, Michael Dransfield, Vicki Viidikas, và Colin Johnson. Dù về sau trở thành người Công Giáo, trong thập niên 1960 Chirstopher Koch đã sử dụng marihuana với Ken Kesey ở Stanford và đã “khởi hành” với văn hóa Ấn Giáo và Phật Giáo ở Ấn Độ và Indonesia: vị thế của Úc ở Á Châu là một đề tài chính yếu trong tác phẩm của ông. Tương tự, David Easter là một phần của cuộc “mở rộng về mặt tâm trí” của thập niên 1960, và với quan điểm của ông cho rằng Úc Châu là “thung lũng buồn ngủ của thế giới Tây Phương", ông đã khai thác những đề tài Phật Giáo. Đặc biệt là trong cuốn tiểu thuyết “Cõi Tịnh Độ” (The Pure Land) xuất bản năm 1973, Judith Wright không nhận là mình ràng buộc với Phật Giáo, nhưng bà cũng nói với một nhà báo rằng triết lý riêng của bà là một loại Phật Giáo tương tự ý niệm “thần thổ địa” (spirit of place) của người bản địa Úc Châu. Tuy nhiên bà nói rằng “ngay cả trong Phật Giáo, con người cũng tự xem mình là hạng sanh linh cao hơn các vị thần ... Đó là điều mà tôi không đồng ý với Phật Giáo". Trong một số bài thơ của Michael Dransfield và trong bốn cuốn sách của Vicky Viidikas viết khi bà đi khắp Ấn Độ trong mười năm có quan điểm chống văn hóa mạnh hơn về Phật Giáo.

Thi sĩ và tiểu thuyết gia Thổ Dân Úc Colin Johnson đã sống ở Ấn Độ trong bảy năm từ 1968 đến 1975, trong đó ba năm như một tu sĩ Phật Giáo. Nếu có thể so sánh Robert Gray với Gary Snyder thì cũng có thể xem Johnson về nhiều mặt là một Jack Kerouac của Úc Châu. Giống như Kerouac ông cũng đã là người Công Giáo, cũng có những lúc sống theo kiểu behomian, và cũng đặc biệt chú ý đến Theravada với ý thức sắc bén về sự khổ của giáo phái này. Sinh năm 1938 ở gần Perth, ông được nuôi trong một viện mồ côi, và sau đó trong một lần bị tù, ông bất ngờ quy y Phật Giáo. Sau khi chỉ nghe nói danh hiệu Đức Phật ông biết rằng trong kiếp trước mình phải là một Phật tử: “Nếu không thì tại sao tôi lại chú tâm đến Phật Giáo như vậy?". Năm 1959 ông dời đến Melbourne với sự giúp đỡ của Hội Thăng Tiến Người Thổ Dân, hòa trộn ngay với những “beatnick” và sống trong một “ngôi nhà thuộc cánh tả” ở Carlton. Ông viết cho Mary Durack rằng mình đã trở thành “một Beatnick làm công việc thiêng liêng tìm lại chính mình. Tôi đã để một hàm râu nhỏ và đi lang thang khắp Melbourne chỉ để tìm và tìm ..” Trong cùng năm 1959 ông gia nhập Hội Phật Giáo Victoria như một trong số rất ít người ái mộ Kerouac thuộc hội đoàn này, và sau đó thỉnh thoảng nói chuyện về những đề tài như “Ý Nghĩa Của Hình Tượng Đức Phật". Năm 1965 ông là người Thổ Dân Úc đầu tiên có một cuốn tiểu thuyết được xuất bản, đó là cuốn “Wild Cat Falling” của nhà xuất bản Penguin, dựa trên kinh nghiệm của ông trong “nền văn hóa phụ của người Thổ Dân” ở Perth.

Colin_Johnson

Colin Johnson

Năm 1968 Colin Johnson hành hương đến Ấn Độ, đặc biệt để xuất gia làm tu sĩ và cố gắng rũ bỏ “nỗi buồn nặng như chì” của mình. Phần lớn thời gian ông trú ngụ ở Calcutta và Darjeeling, làm việc cho Hội Đại Bồ Đề (Maha Bodhi) và học tiếng Pali. Ông thọ giới năm 1971 ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), và cũng học thiền quán Vipassana với Thiền Sư Goenka, và Phật Giáo Tây Tạng với Lạt Ma Kalu Rinpoche. Năm 1975 ông trở về Úc, dành thời giờ cho việc viết sách và cũng học một khóa tiếng Sanskrit ở Đại Học Melbourne. Ông đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết và một cuốn thơ “The Song Circle of Jacky”, được đề cử tranh giải National Book Council Awards năm 1987. Giống như loại Phật Giáo của Robert Gray, Phật Giáo của ông cũng nhuốm màu ý thức xã hội, và cuốn thơ pha trộn Phật Giáo với chính trị có tính cách tranh đấu của người Thổ Dân, một phần được gây cảm hứng bởi triết lý cải tạo của Dr. Ambedkar và việc phục hồi Phật Giáo trong giai cấp thấp nhất ở Ấn Độ của ông này. Năm 1988 Colin Johnson dạy môn văn học Thổ Dân Úc ở Đại Học Queensland, và ông viết rằng “giòng đời chính yếu của tôi chảy xuôi theo Giáo Pháp” (The central flow of my life follows the Dharma).

Trong đầu thập niên 1970, rất ít người Úc đến Á Châu để nghiên cứu Phật Giáo với cùng quá khứ tìm hiểu lâu dài như Colin Johnson. Đối với đại đa số họ thì những trung tâm Phật Giáo ở Thái Lan, Nepal, và Ấn Độ chỉ là những trạm ngừng tâm linh tạm thời trên con đường hippy. Năm 1959 có 10,800 người Úc đi Á Châu, nhưng chỉ đến năm 1969 con số này đã tăng vọt lên 82,000. Nhiều người dùng y phục và lối sống Á Châu để biểu lộ sự chối bỏ xã hội Úc của mình, và như vậy Phật Giáo chỉ là một cảm xúc giai đoạn. David Maurice đã hành hương chiêm bái những Phật tích ở Ấn Độ vào năm 1972, nhiều hippy mà ông đã gặp trong chuyến viếng thăm này thì ông nghĩ rằng khoảng 50% chỉ là những người nghiện cần sa, 20% là gián điệp của một nước nào đó, thường đóng vai dân ghiền, 20% là những người “tầm đạo”, nói cho đúng hơn là những người “lục lọi”, và 10% là những người tìm đạo thực sự, tuy nhiên trong số này chỉ có một phần nhỏ là có trí huệ và can đảm để tìm.

Riêng trong việc du hành cũng có một cảm tưởng không gốc rễ nào đó, và những người đọc sách Phật Giáo như một phần “bổn phận của người du lịch”, hoặc chỉ tình cờ gặp một vị Thầy hay một khóa Thiền, thường thấy mình dễ hấp thụ một cách không ngờ. Thí dụ là vào khoảng năm 1973, người ta được biết là có hai vị Lạt Ma Tây Tạng đang dạy những khoá Thiền dài ba mươi ngày ở tu viện Kopan gần Thung Lũng Katmandu. Trong năm năm sau đó có gần ba trăm người Úc tham dự những kỳ nhập thất hàng năm này, khoảng hơn chục người sẽ ở lại xuất gia làm Tăng Ni đệ tử của hai vị Thầy, đó là Lạt Ma Thubten Yeshe và Lạt Ma Zopa Rinpoche. Nhiều người dân miền Bắc Ấn Độ và Nepal theo Phật Giáo Tây Tạng vốn là một tín ngưỡng có màu sắc huyền ảo giống như một thứ ảo giác psychedelia.

Một nơi rất khác và cũng không kém đông đúc, ít nhất là đối với đàn ông, là những trung tâm tu học trong rừng ở miền Đông Bắc Thái Lan. Theo lời Phra Khantipalo thì ở đây có lẽ đã có đến hai trăm người Úc thọ giới Tỳ Kheo với những thời gian khác nhau. Phra Mahasamai thuộc Chùa Buddharangsee ở Sydney nói rằng khoảng một nửa tổng số Tăng sĩ Tây Phương ở Thái Lan là người Úc.

Phra_Khantipalo
Đại Đức Phra Khantipalo

Robert_Aitken
Thiền Sư Robert Aitken

Nhờ có Phra Khantipalo mà nhiều người nghe nói đến truyền thống tu học trong rừng và đi đến Thái Lan. Cùng với Lạt Ma Yeshe và Robert Aitken, Đại Đức Phra Khantipalo là một trong ba vị Tổ có nhiều ảnh hưởng nhất của Phật Giáo Úc Châu thời kỳ gần đây. Sinh năm 1932 ở gần London với thế danh Lawrence Mills, ông nhớ lại rằng môn học độc nhất hấp dẫn được mình ở trường là lịch sử Á Châu. Sau hai năm học nghề làm vườn, ông làm giảng viên giáo dục trong quân đội Anh ở Ai Cập, vì cả ngày không có nhiều việc để làm nên ông chỉ đọc sách, và khi ngẫu nhiên xem cuốn “Phật Giáo" của Chirstmas Humphreys ông có cảm tưởng là mình đã “trở về nhà”. Năm 1959 ông trở về London làm trong ngành hoa viên, gia nhập Hội Phật Giáo, sau đó xuất gia và thọ giới với Đại Đức Tiến Sĩ H. Saddhatissa, ở Tu Viện Phật Giáo London năm 1959. Năm sau đó ông đi Ấn Độ để học với vị Tỳ khưu người Anh, Sangharakshita, ở Kalimpong. Họ cùng nhau đi nhiều nơi, vì có liên quan đến phong trào của Tiến Sĩ Ambedhar. Phra Khantipalo sống ở Thái Lan từ 1963 đến 1973. Nơi thường trú của ông là chùa Bovoranives ở Bangkok, với những giai đoạn ngắn ở các tu viện trong rừng. Vị tu sĩ Công Giáo nổi tiếng Thomas Merton gặp ông ở Bangkok vào cuối thập niên 1960, và thấy ông “được tiếng là học rộng và nhiệt thành trong những người Thái Lan”. Merton cũng nhận thấy ông “rất ốm, xương lòi ra thấy rõ. Ông có vẻ là người nghiêm khắc về giới luật, nhưng hiểu biết”.

Trong một số phương diện nào đó có lẽ Phra Khantipalo không phải là một vị Thầy thích hợp cho các hippy Nimbin, nhưng đời sống của ông có nhiều điều làm cho họ kính trọng: không gia đình, không tài sản, thiền định và từ bi. Ông đến Sydney ngày 5 tháng 4 năm 1973, mười ngày trước Phra Chao Khun Pariyattikavee, được cử đến bởi Hội Phật Giáo Mahamakut như là kết quả của cuộc thương lượng dài và khó khăn của Charles Knight. Hai vị tu sĩ trú ngụ ở một ngôi nhà ở Eastlake (do Hội Phật Giáo New South Wales mua vào cuối năm 1972) một thời gian ngắn trước khi Sứ quán Thái Lan tìm được những chỗ ở khác. ĐĐ Phra Khantipalo thuyết pháp và dạy những khóa thiền ở Hội trong mấy tháng, nhưng với chế độ Natasha Jackson vẫn còn nguyên vẹn và hai hội viên quan trọng thuộc ủy ban điều hành, Malcolm Pearce và Bill Rait, là tín đồ Đại thừa, người ta có thể biết trước là sự hợp tác này không lâu dài và Phra Khantipalo chuyển sự chú tâm của mình đến nơi khác.

Ông được mời đến Nimbin trước hết vào cuối năm 1973, và sau đó đi dạy Thiền ở khắp nơi trong nước, phối hợp sự quan tâm của mọi người đưa đến việc thành lập những Hội Phật Giáo mới ở Perth, Canberra và Brisbane. Một mùa kiết hạ, ông lưu trú ở Mullumbimby, New South Wales, và một mùa khác với Ilse Ledermann, tức Sư Cô Ayya Khema, ở gần Nambour, Queensland, là người giữ giới luật nghiêm khắc nên đi đến đâu ông cũng được mọi người tin tưởng, và các tín đồ Phật Giáo Úc rất kính trọng ông vì sự uyên bác và kinh nghiệm về Giáo Pháp của ông. Có người cho rằng những bản dịch văn vần của ông có phần cổ điển, nhưng ông hoàn toàn có khả năng viết văn xuôi. Về cách hướng dẫn của ông thì một Tỳ Kheo Ni Thiền Tông trước kia đã học với ông nói rằng mọi người nhận thấy tuy bề ngoài có vẻ nghiêm khắc nhưng thật ra ông là người rất cởi mở.

Người ta không thể tìm được hai vị Thầy Phật Giáo nào khác nhau hơn Phra Khantipalo và Lạt Ma Yeshe. Có thể so sánh hai vị Thầy này với Bồ Đề Đạt Ma và Bố Đại Hòa Thượng – một người có vẻ khắc khổ và nghiêm nghị, người kia thì vui vẻ và rộng mở. Phra Khantipalo nhớ là đã gặp Lạt Ma Yeshe ở Học Viện Chenrezig, gần Nambour, vào khoảng năm 1975, và được mời ăn những miếng thịt bò chiên lớn, theo kiểu Tây Tạng. Ông nhớ lại rằng với tính “nguội” của người Anh, ông không quen cười nhiều như vậy, nhưng “khó tìm được người nào vui vẻ, hân hoan và sinh động như Lạt Ma Yeshe”.

Lat_Ma_Yeshe___Lat_Ma_Zopa
Hai Thầy trò, Lạt Ma Yeshe & Lạt Ma Zopa

Lạt Ma Yeshe sinh năm 1935 ở một ngôi làng nhỏ gần Lhasa, miền trung Tây Tạng, và theo lời hướng dẫn của một vị Lạt Ma phái Kagyu, ông được xem là hóa thân của vị Sư trưởng của một nữ tu viện ở gần đó. Các Tỳ Kheo Ni chiều chuộng ông cho đến khi lên sáu tuổi ông được đưa đến tu viện Sera để bắt đầu tu học. Trong số các vị Thầy của ông là hai giáo sư của Đức Dalai Lạt Ma, và ông đã trải qua chương trình học cam go trong mười hai năm trước khi được cấp bằng “geshe”, nhưng ông được nổi tiếng không phải vì là một học giả lão luyện, vì sau khi trốn khỏi Tây Tạng năm 1959 và tiếp tục việc học ở Tây Bengal ông được tiếng là hay ngủ gục hoặc vắng mặt trong lớp học. Sự thật là ông thường thức suốt đêm để bí mật học tiếng Anh, và khi các bạn đồng tu khám phá ra họ nói đùa rằng chắc chắn ông chỉ nghĩ đến tiền. Có lẽ rất sớm ông đã có ý định đưa Phật Giáo đến với người Tây Phương.

Trong thời gian này ông được giao cho việc trông xem một vị hóa thân trẻ tuổi tên là Thubten Zopa. Lạt Ma Zopa sinh năm 1946 ở Nepal, gần núi Everest và được xem là hóa thân của của vị “Lawudo Lạt Ma”, người đã hành thiền trong ba mươi năm trong một hang núi. Trước năm 1959 Lạt Ma Zopa đã học ở tu viện DungKar ở bên kia biên giới Tây Tạng rồi sau đó học với Geshse Rubten và học một chút tiếng Anh ở Dalhousie trước khi gặp Lạt Ma Yeshe.

Năm 1965 Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa chuyển đến Darjeeling, nơi họ gặp đệ tử người Tây Phương đầu tiên của mình, một công chúa người Nga, xinh đẹp và giàu có tên là Zema Rachevsky. Năm 1969, ba người định cư ở Kopan, gần thủ đô Katmandu của Nepal, và dạy khóa Thiền đầu tiên cho mười hai người Tây Phương vào tháng 11 năm 1971. Năm 1974 số học viên được giới hạn khoảng hai trăm người vì thiếu phương tiện. Mỗi khóa học ba mươi ngày dựa theo pháp “Lam Rim” (tiệm tu), tức là chương trình tu học từng bước một theo thứ tự trước sau từ lúc bắt đầu cho đến khi đạt giác ngộ. Sau khóa học là những kỳ nhập thất có sự giám sát của các vị Thầy. Hai vị Lạt Ma bổ túc cho nhau một cách hoàn hảo: Lạt MaYeshe là người sôi nổi, còn Lạt Ma Zopa thì rất trầm tĩnh và khiêm nhường, với những bài nói chuyện vòng quanh, lặp đi lặp lại, gián đoạn bởi những cơn ho kéo dài, thường nhấn mạnh tính chất đau khổ của cuộc đời và hành giả cần phải sám hối.

Trong số những người Úc đầu tiên ngồi dưới chân hai vị Lạt Ma là bác sĩ Nick Ribush, một chuyên viên về thận ở Melbourne, và bạn gái của ông, Marie Obrot, một người thích trượt tuyết. Hai người rời Úc Châu năm 1972, và sau khi tình cờ tham dự một khóa Thiền của hai vị Thầy Tây Tạng, Ribush rất cảm phục tính chất khoa học của Phật Giáo: “Đây là một hệ thống tư tưởng khoa học vững chắc dựa trên hai ngàn năm trăm năm thiền quán”. Ông nhiệt thành đến mức chẳng bao lâu sau đã đưa cả mẹ và em trai của mình vào Phật Giáo và trả tiền vé máy bay cho các bạn của mình sang tham dự khóa Thiền kế tiếp. Một phần là vì ông mà Phật Giáo Tây Tạng ở Úc Châu phần lớn là một hiện tượng của thành phố Melbourne.

Nick_Ribush
Bác Sĩ Nick Ribush, người Tây Phương đầu tiên tu theo Phật Giáo Tây Tạng

Năm 1974, Marie Obrot, về sau có pháp danh là Yeshe Khadro, và một Tỳ khưu Ni người Canada tên là Ann McNeil, tổ chức chuyến viếng thăm Úc Châu đầu tiên của Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa, về sau trở thành những viếng thăm hàng năm. Đến Úc vào tháng bảy, hai vị ở lại hơn ba tháng, tổ chức một khóa thiền ba mươi ngày cho khoảng hai trăm người ở Diamond Valley, Queensland, và thuyết pháp ở Melbourne và Sydney. Trong cuộc viếng thăm này, Nick Ribush và Marie Obrot cũng hiến 65 hecta đất mà họ đã mua với hai người bạn là Tom và Kathy Vickta trước khi đi ra nước ngoài. Ở đây Học Viện Chenrezig được thiết lập, và là trung tâm đầu tiên của Lạt Ma Yeshe trong số hơn ba mươi trung tâm trên khắp thế giới với mấy ngàn học viên.

Chuyến viếng thăm năm 1974 của hai vị Lạt Ma nhận được sự quan tâm đáng kể của giới truyền thông, với những tờ báo “không theo truyền thống” như tờ “Cosmos” trang trọng tường thuật tất cả những hoạt động của hai vị. Các phóng viên thuộc loại “nghiêm chỉnh” thấy loại tiếng Anh sai văn phạm và giọng nói của Lạt Ma Yeshe là khó hiểu. Có lẽ ông đã học tiếng Anh phần lớn với các hippy. Nếu không kể Phra Khantipalo thì chưa bao giờ trước đó lại có một người nào đưa mấy trăm người Úc đến với việc thực hành Phật Giáo. Ngoài sự kiện ông là một tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng, Lạt Ma Yeshe lại là người có sự nồng ấm và tính khôi hài, vì vậy ông đã gây ấn tượng mạnh cho mọi người . Ông là một người trình diễn hoàn hảo, và ở bất cứ đâu ông cũng chiếm ngự toàn thể cử tọa. Theo lời của chính ông thì ông là một “hippy Tây Tạng”, và không ít người đồng hương Tây Tạng cảm thấy khó chịu với hành vi không chính thống của ông.

Về nhiều mặt Lạt Ma Yeshe là người chính thống, thí dụ như khi trông thấy một tấm hình nữ thần Tara nào ông cũng biểu lộ lòng tôn sùng một cách nhiệt thành, hoặc đạp vào phía sau các đệ tử của mình một cú nếu họ dám bước lên trên một tờ báo, vì tất cả những tờ giấy có chữ viết hay chữ in được người Tây Tạng xem là thiêng liêng, nhưng ông cũng cho rằng “ở Tây Phương, những loại thuốc kích thích tốt cho người sơ cơ, vì dùng những loại thuốc này là một sự thí nghiệm cho thấy khả năng của tâm trí”. Ông nghĩ rằng các đệ tử của mình nên tổ chức những “hộp đêm Giáo Pháp” (Dharma Nighclub) một cách đều đặn, nơi họ “khiêu vũ và uống rượu giống như người Tây Phương". Ông là người nấu ăn giỏi, thích xem truyền hình và lái xe hơi, thích nói đùa bất cứ lúc nào và ôm mọi người, do đó vi phạm một số giới luật nhỏ của các Tỳ kheo. Những hành vi như vậy của ông làm cho giới chính thống lên tiếng phê bình, và thường đưa đến sự lan truyền những tin đồn, thí dụ như các Tỳ kheo ni, đệ tử của ông làm nghề mãi dâm. Chắc chắn một số người Tây Tạng không thích sự nổi tiếng của ông; vì như chúng ta sẽ thấy, ông đã trở thành một hiện tượng truyền thông quốc tế, một hiện tượng mà lúc đã qua đời lại còn lớn hơn là khi còn sống, vì bây giờ người ta đã tìm thấy “hóa thân” người Tây Ban Nha của ông. Ít có ai biết rằng vào năm 1981, Lạt Ma Yeshe đã “cưới” một người vợ Úc để có thể nhập cảnh Tây Tạng bằng hộ chiếu Úc. Việc này cho thấy ông có liên hệ mật thiết với Úc Châu và cũng cho thấy tính chất linh động của các tu sĩ Tây Tạng. Đa số các tu sĩ Theravada sẽ phát sợ nếu họ nghe nói đến chuyện một Tỳ kheo cưới vợ, dù chỉ để lấy một tờ giấy thông hành.

Vào đầu thập niên 1970, với những hoạt động của Phra Khantipalo và Lạt Ma Yeshe, Hội Phật Giáo New South Wales trải qua một cuộc biến động về tính chất. Nhiều hippy đã trở về Úc để “đánh trống Pháp” bằng việc thiết lập những trung tâm, và các nhóm sắc tộc mọc lên ở Sydney, kết quả là hội đoàn nhỏ của Natasha Jackson bắt đầu khô cạn dần. Trung tâm của Phật Giáo không còn ở Á Châu nữa, nhưng cũng không ở trong Hội Phật Giáo này. Để sửa đổi tình trạng, các hội viên trong ban điều hành quyết định thực hiện một sự đa dạng hóa bằng cách cho phép Bill Rait tổ chức những lớp dạy Thiền và Malcolm Pearce tổ chức những khóa thiền tập thể. Bill Rait là người Tô Cách Lan và đã chuyển hướng từ Phật Giáo Theravada đến Thiền Tông sau khi chứng kiến máy bay Nhật tấn công kiểu “kamikaze” các chiến hạm Đồng Minh trong Thế Chiến Thứ Hai. Vào đầu thập niên 1960 ông tham dự những khóa Thiền của Christmas Humphreys ở London, rồi gia nhập Hội Phật Giáo New South Wales sau khi đến Úc Châu năm 1966. Khi Charles Knight “về hưu”, Bill Rait đảm trách nhiều công việc quản trị của Hội, vì ông thân với Natasha Jackson, dù ông có khuynh hướng Thiền Tông và chính trị thuộc cánh hữu. Điều này cho thấy ông là người dễ mến, và không phải là Natasha Jackson đã trở nên dễ tính khi về già. Vào năm 1973 khi Natasha Jackson được 71 tuổi, một ký giả của tờ “Sydney Morning Herald” viết rằng bà vẫn rất “quyến rũ và linh hoạt một cách thực tế ... có tính thẳng thừng và dễ nổi giận”.

Malcolm Pearce đã xa cách Hội dần vào đầu thập niên 1960, và sau một cuộc gặp gỡ ngắn với giáo phái Scientology (Khoa Học), ông đến Nhật Bản năm 1964 để nghiên cứu Rissho Kosei-kai (Phái Lập Chánh Giảo Thành Hội), một chi phái của Nichiren (Nhật Liên Tông). Có lẽ ít gây tranh luận hơn chi phái Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội), Rissho Kosei-kai đòi hỏi các tín đồ mỗi ngày nguyện trung thành với vị chủ tịch của phái là Nikkyo Niwano. Sự phối hợp tín ngưỡng thờ tổ tiên của phái này làm cho người ta nghi ngờ rằng đây không phải là một giáo phái Phật Giáo. Malcolm Pearce không chấp nhận một số phương diện của phái này, nhưng ông rất chú ý đến chủ trương làm công tác xã hội và phương pháp tham vấn nhóm của phái. Trong một chuyến đi Nhật sau đó, ông kết hôn với một nhân viên của Rissho Kosei-kai, và hai người trở về Úc với ý định truyền bá giáo lý của phái này. Lúc đầu họ làm công việc này với một nhóm thí nghiệm ở một thị trấn nơi Pearce làm nghề dạy học. Đến năm 1973, Natasha Jackson, không biết là mình sẽ đi đến đâu, đã cho phép vợ chồng Pearce sống ở ngôi biệt thự mới mua ở Eastlake để làm “quản gia”. Được Natasha Jackson cho phép, Pearce tổ chức “Hội Giáo Pháp” (Dharma Circle) đầu tiên của ông, một “nhóm thanh niên gặp gỡ” vào tháng bảy năm đó, được đặt ra để “không bị cản trở bởi sự có mặt của các tu sĩ hay người già (trừ khi những người này được mời tham dự)”. Một điều làm cho Natasha Jackson không vui lòng là những cuộc họp tối thứ sáu mỗi tuần của Pearce được nhiều người hưởng ứng hơn là những cuộc diễn thuyết tối thứ tư của bà, và chẳng bao lâu, hai bên trở nên đối địch nhau, với Bill Rait ở vào khoảng giữa.

Lúc đó sự căng thẳng đã xuất hiện được một thời gian và có lẽ Natasha Jackson đã từ lâu cảm thấy loại Phật Giáo của mình đang gặp nguy hiểm, nhưng điều này chỉ làm cho bà cương quyết hơn. Khi sự đổ vỡ xảy ra thì đó cũng là một trong những giai đoạn ít được biết rõ nhất trong lịch sử Phật Giáo Úc Châu. Đây là một điểm tranh luận lớn cho đến ngày nay, và cùng với những người theo Theravada, người ta thường cho rằng Natasha Jackson đã bị “trục xuất một cách tàn bạo” trong một cuộc “cách mạng nơi hoàng cung”. Người ta xem đây là một âm mưu của phái Rissho Kosei-kai nham hiểm, với những phương pháp xâm nhập và chiếm cứ các hội đoàn của họ. Tất nhiên Malcolm Pearce muốn dùng Hội Phật Giáo New South Wales làm phương tiện truyền bá Rissho Kosei-kai, nhưng có lẽ không có gì thâm độc trong việc này cả. Sự việc chỉ là dưới sự lãnh đạo của Natasha Jackson, Hội đã không còn sức mạnh, và Malcolm Pearce nghĩ rằng đường lối của mình sẽ lấy lại một chút sinh khí cho Hội.

Có lẽ đã có một bầu không khí đảo chánh trong tháng 11 năm 1975. Malcolm Pearce nhìn nhận rằng ở ban điều hành ông đã “chơi trò chính trị nhiều hơn bất cứ người nào khác”, nhưng ông có dùng kỹ thuật “shakubuku” (nhiếp phục) như Natasha Jackson đã ám chỉ hay không thì đó lại là chuyện khác. Natasha Jackson nói rằng Malcolm Pearce cũng đã nghiên cứu một cuốn sách của J. A. Brown tên là “Kỹ Thuật Thuyết Phục”, và việc ông dùng chiêng và trống Nichiren đã được “tính toán để phá hủy tâm lý đối kháng” theo kiểu “những nhân tố thôi miên”. Bà kể rằng như một phần của việc nhiếp phục, Pearce và vợ của ông cùng với những người hỗ trợ đã “la hét ... và rốt cuộc tôi phải từ chức”. Sổ sách của Hội cho thấy rằng một trong những người bạn của Natasha Jackson là Paul Boston – mà cuối năm đó đi Ấn Độ để thọ giới Tỳ kheo – đã nhận được một “thư khiển trách”, và bị đe dọa sẽ chỉ được làm “hội viên dự bị” vì đã không hỏi ý kiến ban điều hành trước khi diễn thuyết ở Wayside Chapel. Việc này có thể đã được dùng để khiêu khích Natasha Jackson vì từ trước đến giờ bà đã có những hành vi không thân thiện với cả những hội viên “trung lập” trong ban điều hành, và một người trong số đó nhớ lại rằng mình thường “bị đức bà xé ra từng mảnh”.

Mọi việc trở nên công khai vào ngày 6 tháng 12, trong một cuộc họp không có mặt Natasha Jackson khi những người thuộc phái của Malcolm Pearce phê bình rằng bà là người “rất khắc nghiệt, độc đoán và về nhiều mặt không phải là Phật tử", và “nếu ở trong bất cứ một tổ chức nào khác, những hành động của bà sẽ làm cho bà bị trục xuất”. Họ nói rằng bà có tính hung hăng, và nếu bà không tấn công Đại Đức Somakola hay Phra Khantipalo thì bà cũng tấn công chính những hội viên của Hội. Malcolm Pearce cho đăng một bản tường trình trong bản tin của Hội, nói rằng “tranh luận về giáo lý ... nhiều nhất chỉ có giá trị giúp vui giới hạn, còn về lâu dài thì cũng không giải quyết được vấn đề của ai cả, mà còn làm gia tăng vấn đề". Lúc này ông đã có đủ số người trong ban điều hành để đưa cho Natasha Jackson một tối hậu thư yêu cầu bà đừng nói “những lời phỉ báng có tính chất bè phái” nữa, tức là bà hãy ngừng chỉ trích Rissho Kosei-kai. Có lẽ Natasha Jackson cảm thấy mình không còn cách nào khác ngoài việc từ chức, nhưng bà đã từ chức với sự phẫn nộ. Bà cho lưu hành thư từ chức của mình trong khắp giới Phật Giáo, với ý định tố cáo Malcolm Pearce và âm mưu “Kosei-Kai hóa” Hội Phật Giáo New South Wales một cách phản bội. Lực lượng tín ngưỡng phi lý đã chế ngự những người khác nhưng bà sẽ không chịu khuất phục.

Tiếng nói của lý trí trong vụ này có lẽ là Bill Rait, người đã cố gắng vừa ở lại trong Hội vừa giữ được tình bạn với Natasha Jackson. Ông nói rằng mặc dù Malcolm Pearce vẫn luôn luôn muốn Hội “đi theo con đường Rissho Kosei-kai”, nhưng ông ta “không âm mưu làm cho Natasha Jackson phải từ chức, mà bà ta tự rút lui vì đã có thái độ đầy thành kiến và cố chấp”. Đại Đức Dhammika tức Paul Boston dù phê bình Malcolm Pearce nhưng cũng nói rằng Natasha Jackson phê phán việc Pearce đánh trống và những việc khác nhưng bà ta đã không hung hăng về những điều này, và nếu bà mềm dẻo hơn một chút, và Malcolm Pearce bớt lợi dụng cơ hội này một chút thì hai người đã có thể làm việc cùng với nhau. Tất nhiên đây là một vụ đáng buồn, vì một người đàn bà đã cống hiến hơn hai mươi năm trong đời của mình cho Hội lại cảm thấy bị cưỡng bách phải từ chức trong một bầu không khí đầy ác cảm như vậy. Ít nhất là cho đến năm 1971 Hội Phật Giáo New South Wales đã là tâm điểm của Phật Giáo Úc Châu và Natasha Jackson đã là nhân vật chính của Hội. Natasha Jackson đã có những sai lầm rõ rệt, nhưng có lẽ Phật Giáo ở Úc Châu ngày nay có thể dùng nhiều đức tính nghi vấn và sức mạnh duy lý của bà.

Năm 1976, sau một chuyến thăm viếng nước Nga, Natasha Jackson bị đột quỵ, nhưng hồi phục đủ sức khoẻ để hoạt động với các sinh viên Ban Nghiên Cứu Tôn Giáo của Đại Học Sydney trong hai năm. Tháng 10 năm 1988 bà vào một viện điều dưỡng ở Sydney, ở tuổi 86, vì bị bệnh Alzheimer.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]