Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Giới Thiệu của HT Thích Như Điển

01/06/201200:15(Xem: 10660)
Lời Giới Thiệu của HT Thích Như Điển

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)


Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức ấn hành 2012
flowerba

Lời giới thiệu

của Hòa Thượng Thích Như Ðiển

thichnhudienCuối năm 2011 và đầu năm 2012, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức khóa tu học Phật Pháp kỳ thứ 11 tại Kyneton, thuộc tiểu bang Victoria, nằm cách thành phố Melbourne khoảng 120 cây số. Có trên 30 chư Tôn Đức và 385 học viên từ khắp các tiểu bang trên nước Úc về đây chứng minh tham dự, giảng dạy Phật Pháp và tham gia khóa tu. Đặc biệt lần này có trên 100 em thanh thiếu niên đã cùng với Ba Mẹ về đây tu học. Nhân cơ hội này tôi cũng đã đến đây tham gia với Giáo Hội tại Úc và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng đã nhờ tôi đọc bản dịch cuốn sách “Lịch sử Phật giáo Úc Đại Lợi” do Thượng tọa dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm tiếng Anh của tác giả Paul Croucher, đồng thời viết lời giới thiệu cho dịch phẩm này. Tôi đã nhận lời và đọc ngấu nghiến hơn 120 trang A4 đánh máy trong vòng hai ngày để có thể viết lời giới thiệu gởi đến quý độc giả.

Đọc hết 6 chương của tác giả Paul Croucher viết về Phật giáo nước Úc, tôi có những nhận định sau đây:

- Tuy tác giả không tự giới thiệu quyển sách này như là một luận văn cao học về Tôn giáo, nhưng người đọc cũng có thể tự hiểu ra rằng đây là một nấc thang cần thiết để tác giả chuẩn bị cho luận án Tiến sĩ của mình.

- Tác phẩm này đã giới thiệu một cách cặn kẽ, có tính cách khoa học về Tôn giáo, nhưng chỉ tiếc là tác giả nhìn ở khía cạnh thụ động của Phật giáo vào buổi bình minh, khi Phật giáo được truyền vào đất nước này chỉ mới gần 200 năm lịch sử. Trong khi đó mặt tích cực của Phật giáo Úc đã góp công được gì cho xã hội đa văn hóa này, thì tác giả Paul Croucher dường như đã cố tình làm ngơ. Ở phần cuối quyển sách có một vài đề nghị có thể giúp cho người đọc có một cái nhìn thực tế hơn, nhưng đây cũng chỉ là những dấu hiệu bước đầu thử thách của Phật giáo của người phương Tây tại xứ có đất đai rộng rãi này.

- Tác giả đã nói lên được cái nhìn của người da trắng đa phần theo đạo Phật, là những người bước ra khỏi ngưỡng cửa thần linh của Thiên Chúa Giáo hay Tin Lành Giáo ở phương Tây và không nhập cuộc trực tiếp với giáo lý từ bi, trí tuệ của Phật giáo, mà phải qua Thông Thiên Học của Ấn Độ hoặc triết gia Krishnamurti là những dấu ấn ban đầu của Phật giáo tại xứ Úc này.

- Kế tiếp là những người đến từ Á Châu như: Trung Hoa, Nhật Bản, Tích Lan và sau năm 1975 có các dân tộc khác di dân đến đây như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Tây Tạng v.v… Người Trung Hoa mang vào xứ Úc tôn giáo đa thần, nặng phần cầu nguyện lễ bái, người Nhật từ năm 1828 đã có mặt tại xứ Úc này và họ là giống dân đã tiêu thụ được nguyên chất Thiền của Ấn Độ, Tích Lan; Vipassana trở thành Ch'an của Trung Hoa và đặc biệt là Zen của Nhật Bản. Zen không là một phép lạ, nhưng đây là sự thành công của người Nhật khi tiêu thụ giáo lý của Phật Đà. Trong khi đó người Tích Lan, người Thái, người Lào, người Cam bốt vì giữ truyền thống nguyên thủy của mình và vấn đề giới hạn của ngôn ngữ, khiến cho một đạo Phật thực sự của người Úc chưa được mở cửa để gọi mời. Trong khi đó Việt Nam và Tây Tạng đã xây dựng cho cộng đồng của mình vững mạnh hơn qua những hình ảnh chùa chiền được xây cất, cũng như những vị đại sư nổi tiếng, nhưng người Úc vẫn còn đứng ở ngưỡng cửa bên ngoài của hành trình từ bi và trí tuệ ấy; chứ chưa có người Úc nào thâm tín tuyệt đối để dấn thân vào những truyền thống Phật giáo này.

Những người cư sĩ Phật tử Âu Mỹ như: Đại tá Henry Olcott hay bà Blavatsky là những người Phật tử tiên phong có tâm ý muốn khôi phục và phát huy về Phật giáo cổ truyền này, vốn đã có mặt hơn 2400 năm trên quê hương xứ Ấn Độ và Tích Lan thuở bấy giờ, kế đến là những người Âu Mỹ xuất gia như: Ni sư Dhammadina (người Mỹ), Ngài Nyanatiloka (người Đức), Thầy Dhammika (người Úc), Ni sư Ayya Khema (người Đức gốc Do Thái) và Ni sư Chi Kwang (người Úc tu theo Phật giáo Trung Hoa và Đại Hàn) v.v... họ là những người Âu Mỹ chính gốc, thực sự chối từ niềm tin chính thống Thiên Chúa giáo hay Tin Lành của mình để dấn thân vào con đường từ bi, trí tuệ và cởi bỏ mọi sự ràng buộc của Đạo Phật để tự hướng đời mình về con đường giác ngộ giải thoát ấy.

Đây là niềm tự hào của Phật giáo, vì ở nơi Đạo Phật, họ có một cơ quan truyền giáo chính thức, mà người nào muốn đến với Đạo Phật bất luận là Âu, Mỹ hay Á, Phi,… Tất cả đều do tự nguyện, chứ không do một sự ép buộc nào hay một quyền lợi nào có sẵn được đặt để ở phía trước. Đây là điểm son của Phật giáo nói chung và các truyền thống Phật giáo khác nói riêng hiện có mặt khắp nơi trên thế giới ngày nay. Dĩ nhiên là khi đọc tác phẩm này, chúng ta không mong mỏi gì hơn là tìm hiểu ngọn ngành về lịch sử của Phật Giáo tại xứ Úc này, Nếu ai đó muốn đi tìm một giáo lý căn bản để thực hành Phật Pháp, thì nội dung của sách này không chứa đựng vấn đề ấy. Đa phần những người Âu Mỹ không muốn chấp nhận thần linh, nên mới đi tìm một tôn giáo không tôn sùng cá nhân. Do vậy khi chạm phải với vấn đề truyền thống của một vài nước có nền Phật giáo cổ truyền vốn có mặt ở đó lâu đời như: Tích Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Phật tử người Úc tân thời đã không muốn có sự hiện diện của chư Tăng Ni, nhưng đây có thể là sự hiểu lầm của những người mới làm quen với đạo Phật. Vì để có một tôn giáo với đầy đủ ý nghĩa của nó, phải có ba yếu tố quan trọng. Đó là: Giáo chủ, Giáo lý và Giáo hội. Đã là Giáo hội thì phải có đủ Tăng và tục gách vác bánh xe Giáo Pháp truyền thừa này. Nếu chỉ một thành phần đảm đang, thì không thể nào chuyển di được sự phát triển giáo lý của Đức Phật được sâu rộng vào quần chúng. Nếu bảo rằng: Phật giáo ở giai đoạn ban đầu truyền đến Trung Quốc vào thời Hán Minh Đế (năm 48) do Đạo Lão đã rộng mở con đường để thâu nhập thì Việt Nam ngược lại do Nho Giáo đã tiếp nhận Phật Giáo. Trong khi đó Phật Giáo tại Nhật do Thần Đạo dang rộng vòng tay để đón mời Phật Giáo vào thì tại Úc châu này Thông Thiên Học đã là chiếc cầu nối liền giữa những người Á và Úc châu Phật giáo tại đây. Đây là những dấu mốc quan trọng để Phật Giáo đi vào từng dân tộc trong các quốc gia trên hoàn vũ này.

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne là dịch giả của tác phẩm này từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Thầy ấy đã chuyển dịch suốt 6 chương bằng văn từ lưu loát, khiến cho người đọc dễ tiếp nhận quan điểm của từng người trong tác phẩm này khi họ quan niệm và thực hành về Phật giáo, dầu cho đó là tư tưởng cá nhân riêng lẻ của từng vị một.

Ngày nay những người chưa làm quen được nhiều với ngoại ngữ, thì đã có những bản dịch ra Việt ngữ lưu loát như thế này, quả là điều đáng tán dương cho cả dịch giả lẫn độc giả. Vì lẽ nếu bản dịch có hay cho mấy mà người đọc lạnh lùng không lưu tâm đến thì cũng tội nghiệp cho một tác phẩm mà cả tác giả lẫn dịch giả đều đã cưu mang và muốn đem một cái gì đó gởi gắm vào nơi tâm khảm của người đọc. Riêng tôi, đoán chắc rằng tác phẩm này sẽ làm hài lòng với một số quý độc giả, dầu cho người ấy có khó tính cách mấy đi nữa, khi mà người ấy chỉ muốn đi tìm dấu vết của đàn chim di, khi mang giáo pháp nhiệm mầu của Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni từ Đông sang Tây, từ Á Châu sang xứ Úc này.

Tôi xin trang trọng giới thiệu dịch phẩm giá trị này của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng đến với tất cả quý độc giả khắp nơi và mong rằng sau khi đọc sách xong, gấp sách lại, quý độc giả sẽ nhận chân được giá trị của tác phẩm này.

HT. Thích Như Điển

Phương Trượng chùa Viên Giác Hanover, Đức Quốc viết lời giới thiệu này vào ngày 02 tháng 01 năm 2012 tại Kyneton, tiểu bang Victoria, Úc Châu, nhân khóa tu học Phật Pháp kỳ thứ 11 được tổ chức tại đây (do TT Thích Nguyên Tạng làm Trưởng Ban Tổ Chức)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]