Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Đôi Bạn

20/07/201209:34(Xem: 8925)
02. Đôi Bạn
BỨC TRANH THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Đôi Bạn

Viên toàn quyền người nước Anh cho thủy thủ neo thuyền nơi một bãi vắng; y leo lên một ngọn đồi nhỏ, đưa ống dòmxem khắp một vùng: Nơi này dân cư thật thưa thớt, vài xóm nhà nằm cheo leo bên sườn đồi, lan xuống thung lũng, chạy ra bãi cát. Và cây cối. Và biển xanh. Dãy núi hình rắn lượn trấn phía Bắc hòn đảo tạo thành một vùng thung lũng, nổi lên bên sau là mấy chóp núi đá trắng nhọn mênh mang sương khói... Hồi lâu, viên toàn quyền bước xuống đồi, nói với viên thông ngôn:

- Chẳng có một ngôi chùa nào? Thế sao nơi thư ghi rõ là đảo Hoàng Yến? Đây có phải là đảo Hoàng Yến?

- Đây đúng là đảo Hoàng Yến, thưa ông!

Viên toàn quyền gật đầu.

Đấy là mùa xuân, tiết thượng nguyên năm 1868, viên toàn quyền người nước Anh đi tìm bạn. Một người bạn rất thân thuở còn đại học. Dẫu rất thân, nhưng hai người có hai chí hướng khác nhau. Lớn lên, y lao thân vào con đường chính trị, quân sự. Đối với y, chính trị, quân sự là một. Nhà chính trị tài ba cũng đồng thời là nhà quân sự tài ba. César và Napoléon là hai hình ảnh mà y tôn làm thần tượng. Còn bạn y, một nhà ngôn ngữ học thì suốt đời say mê nghiên cứu các loại cổ ngữ Châu Á và phát hiện nền văn minh cổ xưa của các xứ sở này. Sau đó, vì tò mò, ngạc nhiên mà đưa đến đam mê; y dường như dành hết tuổi thanh xuân để tìm cho ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt của nền văn hóa, văn minh nhân loại. Trước đây, đã có cuộc tranh luận giữa hai người - những cuộc tranh luận sôi nổi nhưng không ai chịu nhường ai. Viên toàn quyền còn nhớ câu kết luận của bạn y cách đây chừng mười năm về trước:

- Thôi! Bạn đi đường bạn, tôi đi đường tôi. Bạn đi tóm thâu, tôi đi mở rộng. Bạn đi viễn chinh, thâu phục đất đai và biểu tỏ quyền lực; còn tôi - phụng sự văn minh, văn hóa; nối lại tình người, tạo sự hiểu biết chung; chống quyền lực, chống mọi ý đồ và mọi tham vọng xuẩn ngốc của con người.

Vào những năm sau khi Pháp đổ bộ Đông Dương, bạn y được cử làm trưởng phái đoàn đi nghiên cứu thêm các nền văn hóa giáp ranh Ấn Độ. Trên đường về, tàu gặp nạn, chỉ còn hai người sống sót nhờ ôm được bè gỗ lênh đênh trên biển cả; sau được một chiếc tàu của hoàng gia Anh cứu vớt. Về xứ, y đâm đơn từ chức, viện cớ tuổi già sức yếu; sau đó đem vợ con về quê, lập một ngôi vườn sống đời ẩn dật. Thỉnh thoảng y nhận được giấy mời của một vài trường đại học, nên có đi thuyết giảng đó đây. Y thuyết về nền văn hóa Ấn Độ với một cái nhìn vô cùng sâu thẳm và mới lạ, đảo lộn những cái nhìn thành kiến của mọi người về một xứ sở man di, lạc hậu. Vắng đi mấy năm không thấy mặt, y trở lại London trong hình tướng một tu sĩ áo vàng, đạo mạo, trang nghiêm, hiền hòa và trầm lặng; y đã lôi cuốn rất nhiều người trong giới trí thức. Hội Phật giáo nơi này được hình thành, chia làm hai ban: Nghiên cứu và thuyết giảng. Ban nghiên cứu phiên dịch các kinh sách cổ sưu tầm được từ các xứ thuộc địa; ban thuyết giảng đi vào các đại học đường cùng các tổ chức văn hóa để nói chuyện về các giá trị tâm linh đã bị loài người bỏ quên! Viên toàn quyền theo dõi đời sống của bạn, và chợt nghĩ rằng, hai con đường, ai cũng thành công cả! Những kinh sách xuất bản, phát hành được trong hội này, bao giờ y cũng có một cuốn trang trọng đề tặng. Y đều có đọc qua, nhưng tự trong thâm tâm, thấy đây là những vấn đề không thực tế, không đem lại áo cơm và hạnh phúc vật chất, không thỏa mãn được khát vọng của con người! Mà có thể là ngược lại, nó là con đường đưa đến chấm dứt khát vọng, sống đời buồn phiền, tiêu cực của một kẻ chán nản trần gian, đã hết nhựa sống! Và đấy cũng là dấu hiệu suy thoái, đưa đến chỗ đói rách, nghèo nàn và lạc hậu! Kính trọng việc làm của bạn, nhưng rốt cùng, y vẫn bất đồng lý tưởng, không thể chấp nhận được những quan điểm lạ đời ấy.

Sau hai năm hoạt động, hội vững mạnh, y trao hội cho một vị giáo sư, từ giã đất Anh lên đường một lần nữa. Lần này y đi biệt, có người cho biết là y đến ẩn tu đâu đó tại các hòn đảo phương Nam Ấn Độ.

Một lần nọ, vài bộ lạc miền núi nổi loạn, nhà cầm quyền thuộc địa đem quân đánh dẹp; viên toàn quyền đáp trực thăng xuống tận nơi, sau khi bắt được vài tên chủ não, y ra lệnh càn quét và bắn giết tất cả thổ dân. Mũi súng lệnh từ tay viên toàn quyền vừa đưa lên cao thì nơi gò đất phía đầu làng xuất hiện một tu sĩ, áo màu sẫm vàng nổi bật giữa nền cây xanh; cánh tay người tu sĩ đưa lên cao:

- Fanny! Fanny!Bạn hãy bắn giết tôi trước khi đụng đến đám dân vô tội này, Fanny! Fanny!

Viên toàn quyền chùn tay lại, buông thõng xuống. Fannylà tên thánh của chàng. Vị tu sĩ kia chẳng ai xa lạ mà chính là bạn y, người bạn thân lưu lạc xứ này mà đã biết bao năm y hoài công tìm kiếm.

Quá đổi vui mừng, viên toàn quyền định chạy về phía bạn, nhưng chợt y sững lại; đám thổ dân nổi loạn kia có thể phục kích và giết chàng ở đó.

- Fanny! Fanny!Nếu còn nhớ đến tình bạn của chúng ta thì bạn hãy ra lệnh cho quân triệt thoái. Để bạn khỏi mang tiếng phản bội với tổ quốc, tôi xin hứa cam đoan với bạn là thổ dân sẽ không nổi loạn nữa. Nhưng với điều kiện...

- William!Hãy nói đi!

- Fanny!Bạn ở trên cao bạn không biết gì hết, không thấy gì hết! Tôi không tin là bạn lại có một chính sách bóc lột dân đen một cách tán tận lương tâm đến thế! Có lẽ đám quan thuộc hạ đã che mờ mắt bạn mất rồi!

Fannynhíu mày:

- Hãy nói rõ đi, William!

-Thực phẩm của thổ dân ở đây còn tệ hơn đám gia súc của chúng ta. Tôi không dám đòi hỏi cái gì quá đáng cho thổ dân cả - mà chỉ xin bạn ra lệnh cho giảm thuế. Cho người dân ở nơi này được hưởng năm phần mười lợi tức trên đất đai canh tác; năm phần mười lợi tức lâm sản; tám phần mười lợi tức tiểu công nghiệp, và bỏ hẳn thuế đinh...

Viên toàn quyền cau mặt lại:

- William!Thế từ lâu họ ra sao?

- Thuế điền canh, chính quyền bảo hộ của bạn đã “bóc lột”hết tám phần mười, lâm sản cũng “róc”hết tám phần mười như thế; tiểu công nghiệp thì nhân hậu một chút, là năm phần mười; riêng thuế đinh thì chỉ mới mười, mười hai tuổi - đang còn ở truồng và đóng khố - đã phải đóng tiền cho các quan văn minh của các bạn ăn chơi xa xỉ!

Viên toàn quyền im lặng giây lâu, nghe tim mình nhói đau, bàng hoàng suy nghĩ: Nếu đấy là sự thật thì đau xót biết bao nhiêu? Chúng ta đi khai hóa hay đi bóc lột, róc xương róc tủy người ta? Thuế má mà nặng nề và phi lý như thế thì thổ dân làm sao sống được? Họ nổi loạn không phải là không có lý do; ngược lại, còn chính đáng nữa! Y không ngờ các quan thuộc địa đã tăng thuế lên một cách kinh khủng như vậy. Trong buổi họp về kinh tế được tổ chức tại dinh toàn quyền, chính y đã phúc trình về bổn quốc đầy đủ các loại thuế. Chàng nhớ không lầm thì dân vùng này đóng thuế điền canh chỉ có hai phần mười lợi tức, lâm sản bốn phần mười lợi tức, tiểu công nghiệp một phần mười lợi tức; và từ mười tám tuổi trở lên bốn mươi lăm tuổi mới đóng thuế đinh - chỉ có tính cách tượng trưng để dễ quản lý! Vậy thì sự đòi hỏi của bạn y quá hợp lý, vì thật ra thuế ấn định của nhà nước bảo hộ còn nhẹ hơn thế nhiều.

Viên toàn quyền mở lời phân trần với bạn một hồi, y hứa sẽ điều tra tức khắc, trả lại cho thổ dân số quyền lợi mà đáng ra họ được hưởng. Chia tay bạn, viên toàn quyền tức tốc ghé các huyện và tỉnh đường điều tra sự vụ. Y cách chức các quan sở tại, đồng thời ấn định lại số thuế cả toàn vùng; cử phái đoàn thanh tra đi các nơi để giám sát một cách nghiêm ngặt. Thế là thổ dân những vùng này không nổi loạn nữa.

Bạn y lại mất tích.

Một buổi sáng, y nhận được một báo cáo mật, là công an biên phòng vừa bắt được mười tên chính trị phạm, vượt biên giới với đầy đủ tài liệu phản động đang tạm giam và chờ ra tòa đại hình. Tin này làm cho y phấn khởi. Vì đây là lần đầu tiên đối thủ của y đã xuất đầu lộ diện. Hơn ai hết, y hiểu rõ rằng, nhóm chính trị chống đối đang tàng ẩn ở đâu đó, đang mưu toan những thế cờ để lật đổ nền móng cai trị của y. Đối thủ càng cao tay thì sự đương đầu càng thú vị. Bước vào trại giam, y ngạc nhiên xiết bao khi gặp lại William.Cuộc nói chuyện giữa hai người mất khá nhiều thì giờ. Williamkhông liên hệ đến chính trị, y cùng hai người đồng hành đều là tu sĩ đang vượt núi ra nước ngoài với một số kinh sách; chẳng may đi chung với nhóm bảy người kia, và họ đều là thành phần trí thức ái quốc. Tu sĩ Williamqua vài lần mạn đàm trao đổi đã thông cảm hoàn cảnh của họ, ngấm ngầm tình nguyện đồng phạm để có cơ hội gặp Fanny may ra cứu gỡ họ được một phần nào. Bạn y lại một lần nữa thành công. Fannyđã nhượng bộ khi thấy rõ hoàn cảnh chủ quan của mình cũng như hoàn cảnh chủ quan của các chính trị phạm. Đặt vào hoàn cảnh y, hoàn cảnh một công dân yêu nước, bị lệ thuộc, cũng làm thế chứ không khác hơn. Sau đó, y không chọn lựa biện pháp quá khích, mà đề nghị một chương trình hợp tác giữa hai dân tộc. Lời của Williamcứ còn văng vẳng bên tai chàng:

- Tổ quốc bạn là nước Anh, tổ quốc của những bậc thức giả này là Ấn Độ, tổ quốc của tôi là conngười! Fanny!Bạn là người trí thức, hiểu biết, chắc bạn cũng cảm thông được việc làm của mỗi chúng ta!

Bẵng đi một thời gian lâu, không gặp lại William,tình cờ một hôm nhận được thư của William,không ghi địa chỉ, bảo bây giờ y đã định cư trên một hòn đảo phương Nam, có tên là đảo Hoàng Yến. Phần nhớ bạn, phần đã hoài nghi con đường chân chính mà mình đang đi, phần là y đã tích cực nhúng tay can thiệp chận đứng những tham quan ô lại, những cuộc áp bức bất công mà người cai trị đã đổ lên đầu dân thuộc địa - đã đến tai giới chức lãnh đạo ở London. Fannyrời Tân-đề-ly, xuôi Nam, cho du thuyền đi tìm kiếm khắp vùng. Y nóng lòng tìm bạn để nói chuyện, để tâm sự cho khuây khỏa. Y biết cuộc đi nầy nó quyết định một phần nào đời sống tinh thần của mình.

Dân địa phương chỉ cho y đến một thung lũng nằm khuất sau một ngọn đồi. Ngôi chùa nhỏ nằm giữa rừng cây xanh, suối, chim và ngan ngát mùi hoa đồng cỏ nội. Nơi đây thật u tịch, tâm hồn Fanny lắng lại. Y dừng lại bên chân cầu, dưới tàn cây một lúc lâu, nỗi niềm tâm tưởng xô nhau chảy về không ngớt. Chợt có một người sau khóm cây bước ra:

- Fanny!

- William!

Đôi bạn siết tay nhau rồi ôm nhau mừng rỡ.

Vào chùa, Fannynhìn cách sống đạm bạc và giản dị của bạn, y nghe lòng quặn thắt, xót xa. Williamgiờ nom có vẻ già lắm nhưng vừng trán hầu như cao hơn, đôi mắt hầu như sáng hơn; tất cả nơi William đều biểu hiện một đời sống tinh thần an bình và vững mạnh. Họ dùng cơm trưa với nhau. Thức ăn không có gì ngoài số rau đậu và cây trái trồng được. Món ăn chính là khoai tây và bột mì.

Fannyvừa có vẻ trịnh trọngvừa có vẻ châm biếmnói:

- Cứu cánh của một lý tưởng là một góc núi, rau trái, khoai mì và một mái nhà tranh!

William im lặng,Fanny cười cười tiếp:

- Nhưng là một góc núi không tham vọng, không chiến tranh, không hận thù; và rau trái, khoai mì là do bàn tay và mồ hôi đánh đổi một cách chính đáng, lương thiện...

Fannycười xòa và William cũng cười theo.

Khi hai người dùng chè xanh, Fanny nắm chặt tay bạn, đôi mắt nhìn lên, sáng quắc:

- William!Tôi suy nghĩ lâu lắm rồi trước khi đi tìm bạn: Bạn có lý!

Williamxúc động:

- Fanny!Bạn nói thật đấy chứ?

Fanny lặng lẽ gật đầu.

Buổi chiều, hai người dẫn nhau đi tản bộ loanh quanh rồi sau đó ra chơi trên bãi cát. Fannyhỏi bạn cho rõ ràng hơn về đời sống, phương tiện và cứu cánh của một người tu Phật. Williamvỗ vai bạn một cách thân thiết, không nói, cười dịu dàng - đưa mắt nhìn mặt biển mênh mông, xanh, phẳng lặng; những cánh hải âu trắng, điệp màu trời mất hút ở phương xa; sóng vỗ rì rào, gió hiu hiu thổi.

- Fanny! Williamchợt nói, đôi mắt vẫn không rời mặt biển - Những vị sa-môn, thầy của tôi, bạn của tôi, có dạy cho tôi một điều thật lạ lùng: Không có mục đích, không có lý tưởng, không có cứu cánh, Fanny!

Fanny quay lại:

- No purpose? No ideal? No end?

William lắc đầu rất mạnh:

- Không phải không có - theo hai mặt đối lập nhị nguyên, lý tính, logic - như trong khái niệm ngôn ngữ của chúng ta,Fanny!

Fannykhông hiểu. William tiếp:

- Bạn không thể hiểu được. Rồi từ từ tôi sẽ nói cho bạn nghe về tinh yếu giáo pháp của đức Phật Cù-đàm.

Khi mặt trăng lên đã cao câu chuyện mới chấm dứt. Fanny bồi hồi trong dạ. Có cái gì đó chợt như bừng sáng trong sự nhận thức của y. William nằm dài trên bãi cát, nói câu kết luận:

- Nếu có một mục đích, một cứu cánh ở phía trước mặt, thì đấy rõ ràng là vọng tư, vọng tưởng, bất an, xung đột và khát dục. Nó là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh quân sự, chính trị; xung đột quyền lực, xung đột các ý thức hệ, xung đột tôn giáo... Chúng ta hãy suy tư về điều ấy!

Biển đêm, trăng sáng và gió lạnh.

Fannyrùng mình.

- Không cần phải suy tư. Có lẽ tôi đã hiểu...

- Fanny!

Fannylại quay lại.

Williamim lặng nhìn sao trời một lúc.

- Có bao giờ tâm bạn trong sáng, vô nhiễm và mênh mông như bầu trời? Một bầu trời mùa hạ, cao, xanh và vô tận?

- Bạn muốn nói sự an bình ư?

- Không! Tôi không nói an lạc, an bình, hạnh phúc. Đấy là những mỹ từ dễ bị đánh tráo và hiểu lầm; tôi chỉ muốn nói: Cao, xanh thẳm, mênh mông, trong sáng, bao la, vô tận!

- Có! William!Có! Một vài phút giây nào đó trong đời lúc tôi bỏ quên chuyện quốc gia, thế sự, danh vọng và quyền lực để lên sân thượng một mình. Nhưng mà hiếm lắm, ít lắm, Williamạ!

Tu sĩ William gật đầu:

- Phải rồi! Ở giữa đời, rất hiếm. Nhưng không phải là không có.

- William!Nhưng bạn muốn nói gì với tôi?

Giọng William như hơi gió thoảng:

- Ở nơi đó! Ở nơi cái mênh mông, cao xanh và vô nhiễm ấy, không có khát dục, cạnh tranh, mưu đồ, hận thù và đau khổ!

Fannyrất chăm chú lắng nghe. Williamtiếp:

- Fanny!Đấy chính là phương tiện lẫn cứu cánh của chúng tôi, nói chung, của những tu sĩ phương Đông. Cứu cánh và phương tiện là một. Không có phương tiện hy sinh cho cứu cánh. Không có cứu cánh biện minh cho phương tiện. Phương tiện và cứu cánh đều trong sáng, cao xanh và vô nhiễm!Bạn vẫn còn nghe tôi nói đấy chứ, Fanny!

- Tôi nghe rõ lắm.

Williamtrầm giọng:

- Điểm thứ hai, những tu sĩ phương Đông chúng tôi, là những con người ở yên, ở ngoan trong lòng nhiên giới; chứ không phải xâm lăng, chinh phục hay tướt đoạt nhiên giới. Nhiên giới là mẹ. Chúng tôi là con, con ở trong lòng mẹ cùng với đất trời, trăng sao, núi non, sông suối, biển xanh và thảo nguyên thanh bình. Chúng tôi tìm về mẹ, nghĩa là tìm về cái cao, xanh, hòa bình và vô nhiễm ấy, Fannyạ!

Trời đã khuya. Cả hai đứng dậy.

- Vậy thì thuyết cứu độ, William!Chẳng phải bạn đã giương cao tinh thần cứu độ của đạo Phật nên bạn đã đứng về phía thổ dân để đấu tranh, để yêu sách chính quyền bảo hộ phải nhượng bộ?

- Có, Fanny!Đạo Phật có dạy cho chúng tôi con đường cứu độ, tâm từ bi - rộng hơn nghĩa bác ái - và từ thiện xã hội. Nhưng anh có đồng ý với tôi rằng, việc đó không chỉ có tu sĩ học Phật như chúng tôi mới làm được?

- Phải. Một tu sĩ Hindu, một tu sĩ Thiên chúa giáo, một tu sĩ Hồi giáo, một chiến sĩ ái quốc... cũng có thể có những lý thuyết rất hay về điều ấy; và họ đã làm rất tốt!

- Đúng vậy!

- Còn nữa, Fanny! Williamnói tiếp - Có bao giờ bạn nghĩ rằng, người cứu độ kiểu này thì có người cứu độ kiểu khác; và ai trong họ cũng đúng theo quan niệm của mình, chẳng ai là sai cả!

- Quả vậy! Fanny gật đầu.

- Và bi kịch chính là ở chỗ ấy, Fanny - khi các lý thuyết cứu độ ấy xung đột nhau!

- Tại sao? Fanny nhăn mày hỏi.

- Vì thường thì các thuyết cứu độ ấy không trung chính, không trong sáng - chúng thường ẩn bên sau nhiều bóng tối lắm!

- Bạn muốn nói đến những quyền lực và những tham vọng?

Họ vừa đi vừa nói chuyện trên đường về. Fanny còn thắc mắc ở trong lòng nhưng William thì không chịu nói rõ ràng hơn.

Lùm cây xanh và mái chùa tranh đã hiện ra. Ngọn đèn dầu trong chánh điện soi lù mù hắt qua song cửa một khoảng sáng nhỏ. Họ ngồi nơi chõng tre ngoài hiên.

- Fanny! Williamchợt sôi nổi và tha thiết nói - Không những là thuyết cứu độ, không những là những việc làm có công ích cho loài người như áo cơm, các văn minh khoa học, kỹ nghệ, vật chất; những triết lý, tư tưởng và những tôn giáo có mặt trên cuộc đời - mà cho chính sự tìm kiếm của bạn, của tôi về một giá trị trường cửu, một nơi an trú hòa bình; hoặc cái mà tôi gọi là cao, xanh, vô nhiễm... Tất cả cái đó - này Fanny!Tôi gọi chúng là những điều kiện tương tác, những duyên khởi và những duyên khởi! Ồ! Tôi dùng cách diễn đạt này có lẽ chính xác hơn: Rằng là, tất cả chúng - nhân và duyên chúng có mặt, hiện tồn và phát triển - đều do một nội tâm chưa được yên lặng, do trí tuệ chưa được thấu suốt, hoặc do dục vọng thế nào đó... Bạn có đồng ý vậy không?

Fanny suy nghĩ lâu lắm.

- Phải rồi William!Không sai đâu. Chắc hẳn là như vậy rồi!

Williamthì thầm:

- Cảm ơn, cảm ơn Fanny!

Lại yên lặng.

- Tu sĩ đạo Phật chúng tôi còn học được rằng: Cuộc đời này cứ để nguyên đâu vào đấy, đừng tham muốn thêmmà cũng đừng bất bình muốn bớt.Cuộc đời này - các xứ sở có nền văn hoá khác nhau, cách sống khác nhau, quan niệm vui khổ khác nhau - cứ để nguyên, để yên như vậy; mọi sự là để mà giác ngộ, giác ngộ để mà thoát khổ, để mà hiểu biết và yêu thương lẫn nhau,chứ không phải để bắt tay, thay đổi hay cải tạo theo bất kỳ một chủ trương, một chủ thuyết nào!

- Thế còn triết lý hành động?

- Không có, không có triết lý hành động trong Phật giáo.Vì triết lý và hành động đều là con đẻ của lý trí suy luận ảo tưởng và cầu toàn. Không những nó chia manh xẻ mún thực tại mà còn đem lại sự xung đột, đấu tranh; là phải là, là không phải là: Cái nhị nguyên bi thảm và ngốc nghếch ấy!

Fanny nhăn mặt lại:

- Vậy thì nhận thức và hành động là Một?

- Tạm gọi là Một, nhưngkhông có cái Một đó, Fanny!Nhận thức chính là hành động rồi. Tri chính là hành rồi! Nói cách khác, chỉ có Một cáitâm hành động toàn mãn- đó là cái tâm đã vắng lặng, sáng suốt và an bình!

Hôm sau, khi bắt tay từ giã, Fannynói:

- Bây giờ tôi mới thấy rõ việc làm của tôi bấy lâu, việc làm của bạn bấy lâu...

- Nó ra sao?

Fanny cười, không nói. Hồi lâu, y thốt:

- Là cái triết lý Màyà của Ấn Độ giáo mà bạn đã giải thích theo quan điểm Phật giáo ở trong một quyển sách...

Williamhỏi gặn:

- Vậy thì tôi đã giải thích nó ra sao?

Fannysựng người lại, suy nghĩ rất nhiều, sau rốt y đưa tay vỗ vỗ lên trán:

- Thôi hẹn bạn mấy năm sau nữa nhé!

Ba năm sau, khi Fanny hiểu, y viết một quyển sách, tựa đề là “William và con đường cứu độ”.Sách vừa in xong, Fannyvượt biển tìm William,nhưng vị tu sĩ kia đã không còn ở đấy nữa.

Đó là mùa hạ năm Tân Mùi, 1871...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]