Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Đức hạnh cao quý

12/02/201216:01(Xem: 7065)
01. Đức hạnh cao quý
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ

Đức hạnh cao quí
Tổ tiên Tây Tạng
Từ Liên Hoa Sinh đến Tông Khách Ba
Nóc nhà thế giới
Đền Jokhang

ĐỨC HẠNH CAO QUÍ

"Kongpo là một tỉnh ở miền Nam Tây Tạng mà dân vùng đó có tiếng là chỉ có tín tâm, không mấy người có trình độ hiểu biết.Trong số các tu viện Tây Tạng thì "Jokhang" tại Lhasa là thiêng thiêng hơn cả. Trong đền có một tượng Phật rất xưa, trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu và được mang tên là Jowo [1]Rinpoche (Đức hạnh cao quí). Tượng Phật này được mang từ Trung quốc qua Tây Tạng cả ngàn năm trước và là phẩm vật của một công chúa lấy một nhà vua Tây Tạng thời đó.

Ben, một thanh niên vùng quê Kongpo, suốt đời mơ ước được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đền Jokhang và của tượng Phật thiêng thiêng nhất Tây Tạng. Một ngày kia, Ben đượÏc lên đường đi Lhasa để tận mắt được chiêm bái thánh địa này.

Sau một chuyến đi khổ nhọc, cuối cùng Ben đến kinh đô Lhasa, đi như người bị hớp hồn trong các con đường của "thành phố chư thiên" này... Nhìn thấy điện Potala, Ben thật xúc động, đó là nơi mà đức Quán Thế Âm đang hiện tiền dưới dạng của vị Đạt-lai lạt-ma. Đáng xem thay, dòng người vô tận đang đi vòng xung quanh điện Potala! Thật là tuyệt vời, vẻ đẹp của điện Norbu Lingka, cung điện mùa hè của vị nguyên thủ quốc gia, với bao nhiêu chạm trổ và các bảo tháp đầy tính nghệ thuật. Cũng không được bỏ qua các tu viện đáng quí trọng nhất như Sera và Drepung, nơi đào tạo tăng sĩ.

Ben nhủ thầm: "May mắn thay cho ta, đời ta còn có thể thấy được những nơi này". Sau đó Ben vào đền Jokhang và kìa, tượng Jowo Rinpoche trong thế ngồi liên hoa, to như người thật và toát ra một cảm giác tôn quí thầm lặng mà vĩ đại. Ben quì lạy trước bức tượng ba lần, nhưng lần nào cũng hầu như mắc kẹt với đôi ủng cũ kỹ và chiếc mũ đầy bụi của Ben cứ rơi xuống đất.

Ben cởi ủng, cầm mũ, đặt lên lòng bức tương đang mỉm cười yên lặng và nói: "Hỡi Jowo Rinpoche, hãy coi chừng dùm các thứ này để cho con yên tâm tiếp tục chiêm bái". Ben đi chân không vòng quanh bức tượng vàng, vui thích ngắm hàng chục ánh đèn dầu trên bục tượng và đủ các loại bánh trái để bên cạnh. Ben cám ơn đức Phật toàn trí và dưới lòng từ bi tỏa sáng của Jowo Rinpoche, Ben mạnh dạn lấy bánh, nhúng vào dầu thắp đèn và ăn ngon lành. Đáp lại lòng từ bi của Phật, Ben hứa thành tiếng sẽ đón Phật bất cứ lúc nào tại Kongpo. Vì làm nghề mổ heo, Ben hứa sẽ mổ con heo mập mạp nhất, cho đủ thứ gia vị để chiêu đãi Phật. Ben đâu biết rằng đạo Phật chủ trương không giết hại loài vật và hoàn toàn tin rằng lời mời của mình sẽ được Phật nhận lời.

Ngay lúc đó thì cửa mở toang, vị sư già giữ đền bước vào. Vị sư đứng sững người nhìn đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ rách nát trên lòng đức Phật và nhìn thấy bột bánh đang dính vào râu của Ben.Vị sư giận giữ chụp đôi ủng và chiếc mũ trên lòng tượng Phật, bỗng một tiếng nói huyền bí cất lên: "Dừng tay, các thứ này của đứa học trò yêu quí của ta xứ Kongpo!". Vị sư run bắn người, đi lui mười bước. Ông nằm dài xuống đất và xin tượng tha thứ sơ suất của mình. Sau đó ông rút lui, để Ben ở lại một mình trong phòng, để cho chàng thanh niên này tiếp tục nói chuyện theo cách riêng của anh ta với vị "Đức hạnh cao quí".

Sau đó Ben về lại với gia đình tại Kongpo, nhưng tin đồn bức tượng nói chuyện với chàng đã về đến trước. Khi có ai hỏi gì về tin đồn đó, Ben chỉ nói lơ: "Ôi, thời buổi này chẳng biết tin nào đúng tin nào sai". Người ta kể thêm rằng, bức tượng quả nhiên đã nhận lời mời của chàng Ben thật thà và hiện ra trước mắt chàng trong một dòng suối gần nhà. Ben thò tay vào nước vớt tượng lên và mang bức tượng đi được một vài bước, nhưng cuối cùng vì tượng nặng quá nên Ben để Phật rơi xuống đất. Tượng chìm xuống đất cả thước và mọi người đều có thể chiêm ngưỡng bức tượng đó. Đến ngày hôm nay, dân làng Kongpo vẫn còn đi vòng quanh hố đất với dấu tích của Jowo đang mỉm cười và lạy tượng bằng cách cúi đầu sát đất. Đền Jokhang ở kinh đô Lhasa có thể rất xa nhưng người biết chuyện tin rằng vị "Đức hạnh cao quí" thì ở rất gần họ" [2].

Khi dịch câu chuyện này, lòng tôi xúc động vì một lẽ: ai cũng có thể đến với đức Phật cả, đạo Phật không có lệ tuyển sinh. Chàng Ben có thể nhờ Phật coi chừng đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ đầy bụi của mình, chàng vô tư mời Phật về nhà để chiêu đãi con heo mập mạp nhất. Phật nhận lời và nghiêm túc giữ đồ cho chàng, vui vẻ nhận lời mời về thăm chàng, trong lúc Ben không biết tí gì về đạo Phật, cả chủ trương cấm sát sinh cũng không. Phật ra đời vì "nhân duyên lớn", để đến với thế gian, đến với những người cần đến mình, không hề phân biệt ai hơn ai kém.

Ngài đến cuộc đời không chỉ vì Xá-lợi-phất đại trí mà vì tất cả mọi ai còn bị vô minh vây phủ. Không có sự chọn lọc ai mới được là đệ tử của Ngài, ai cũng có quyền xem Ngài là thầy cả, ai cũng có quyền mời Ngài về nhà. Còn sự bình đẳng nào lớn hơn? Giáo pháp thâm sâu của Phật thì không mấy ai hiểu ngộ, chỉ dành cho các vị đại thượng trí, còn lòng từ bi của Ngài thì lan tỏa vô phân biệt như ánh mặt trời, đó là cảm nhận của tôi.

Tôi tìm hiểu thêm về nội dung câu chuyện hóm hỉnh này và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Nhà vua Tây Tạng lấy công chúa Trung Quốc được kể trong truyện là một vị vua tên là Tùng-tán Cương-bố [3] , ông trị vì khoảng từ 617 đến 649 sau công nguyên. Ông lên ngôi năm 13 tuổi và chính là người kiến tạo kinh đô Lhasa. Các đời vua trước ông đóng đô ở lũng Yarlung, trên bờ sông Tsangpo, cách Lhasa khoảng 90km về hướng đông nam. Tùng-tán Cương-bố đã thiết lập nên một nước Tây Tạng hùng mạnh, trải dài từ nam Mông Cổ đến chân Hy-mã lạp-sơn. Nhiều nhà Phật học [4] so sánh Tùng-tán Cương-bố với A-dục-vương của Ấn Độ sống mười thế kỷ trước đó.

Đầu tiên nhà vua Tùng-tán Cương-bố cầu hôn công chúa Nepal, con vua Amsuvarman thời đó và được nhận lời. Nàng Bhrkuti lên đường đi Tây Tạng, mang theo tượng Bất Động Như lai [5], đến xứ đầy tuyết lạnh vắng người, trong đó chưa mấy ai biết đến đạo Phật. Bhrkuti được dân Tây Tạng yêu mến, được gọi là Belsa hay Trisung, có nghĩa "bà hoàng Nepal". Sau Bhrkuti, Tùng-tán Cương-bố lại cầu hôn một công chúa khác, đó là nàng con gái Văn Thành của nhà vua Đường Thái Tông của Trung Quốc.

Đường Thái Tông vốn là nhà vua mộ đạo lý, là kẻ đã tha tội vượt biên của Huyền Trang và hỗ trợ cho ông hoàn thành công trình dịch kinh. Thái Tông gọi người Tây Tạng là "Thổ Phiên", chê "man di", không chịu gả con, lấy cớ đã hứa gả công chúa cho nhà vua nước Thổ Cốc Hồn [6]. Tùng-tán Cương-bố liền đánh đuổi Thổ Cốc Hồn, đem quân đến tận Tùng Châu đe dọa Thái Tông. Ông cho người gửi đến cho Thái Tông một phẩm vật đặc biệt, đó là một thứ vũ khí được dát bằng vàng, yêu cầu nhà vua Trung Quốc "suy nghĩ lại".

Cuối cùng Thái Tông đồng ý, cho Văn Thành lên đường đi Tây Tạng, đó là năm 640. Vì việc này mà Trung Quốc rất ức Tây Tạng, gọi biến cố đó là "Thổ Phiên nhập khấu" (Thổ Phiên vào cướp). Văn Thành mang theo về nhà chồng một bức tượng "trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu", đó là một bức tượng của thái tử Tất-đạt-đa. Văn Thành cũng được dân Tây Tạng yêu mến, được gọi là "bà hoàng Trung Quốc".

Tùng-tán Cương-bố và hai nàng công chúa không phải người thường. Nhà vua được xem là hiện thân của Quán Thế Âm, đến Tây Tạng để tạo cơ duyên cho giáo pháp. Trong thế kỷ thứ bảy, lúc tại Trung Quốc, Phật giáo ở trong thời đại hoàng kim vào đời nhà Đường thì triều đại của Tùng-tán Cương-bố là kỷ nguyên mở đường cho giáo pháp vào Tây Tạng. Hai "Bà hoàng" đều là hiện thân của nữ thần Tara, vị bồ-tát được dân Tây Tạng tin tưởng. Tara được xem được sinh ra từ "nước mắt" của Quán Thế Âm, nàng công chúa Nepal là nữ thần Tara sắc lục, Văn Thành của Trung Quốc là vị Tara sắc trắng. Nhờ các tượng Phật của hai nàng công chúa mang đến mà các ngôi đền được xây dựng, đó là cơ sở vững chắc đầu tiên của đạo Phật.

muihuongtram-04-01%2845%29

H 45: Tranh diễn tả Tùng-tán Cương-bố và hai nàng công chúa: Nhà vua ngồi trong thế bán già (Ardhaparyanka), tay mặt ngửa ra ngoài bắt ấn cứu độ, trên đầu mang hình A-di-đà, vị Phật liên hệ mật thiết với Quán Thế Âm. Vì thế nhà vua được xem là "ý niệm" của A-di-đà và là hiện thân của Quán Thế Âm. Bên mặt phía dưới là công chúa Nepal, quấn áo sari. Bên trái là công chúa Trung Quốc, mặc áo lụa ngắn. Cả hai cầm bình bát đựng xá-lợi Phật[7]

Dù Văn Thành là người thường hay hiện thân của bồ tát, nàng đã mang lại cho Tây Tạng một báu vật còn được gìn giữ đến ngày nay, đó là bức tượng Tất-đạt-đa. Bức tượng này chính là Jowo Rinpoche (Đức hạnh cao quí), được thờ trong một ngôi đền tại Lhasa. Đền này mới đầu được gọi là Trülnang, về sau mang tên Jokhang. Đó là ngôi đền và bức tượng được kể trong đầu chương này.

Đền Jokhang ngày nay vẫn còn và ai cũng được chiêm bái vị "Đức hạnh cao quí", người không phân biệt ai là vị đại trí Xá-lợi-phất, ai là chàng Ben thật thà miền quê Kongpo, là người nhận lời mời thọ thực của một ông đồ tể. Đức hạnh cao quí đã thể hiện thành tâm vô phân biệt. Đó là lý do chính thôi thúc tôi tìm đường đến Lhasa Tây Tạng để đảnh lễ Tất-đạt-đa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567