PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI
NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
LỜI GIỚI THIỆU
“Hãy mang các nữ tu đến Trinity[1]…”
Đèn bật sáng, và Adele Broitman là diễn giả đầu tiên. Melissa Kerin vừa hoàn tất một màn trình chiếu hình ảnh các nữ tu ở ni viện Keydon Thuk-Che-Cho Ling ở Kathmandu. Các vị nữ tu sĩ này đã được rèn luyện phương pháp hành thiền bằng cách tạo ra các mandala cát. Giáo thọ của họ là một vị sư đến từ một tu viện ở miền Nam Ấn Độ. Họ bắt đầu được huấn luyện từ năm 1993. Những người phụ nữ này là các vị nữ tu Phật giáo Tây Tạng đầu tiên được học cách thực hành này. Và Melissa đã có mặt ở Kathmandu khi theo học ở Trinity, và sau này trong chương trình Watson Fellow, đã là chứng nhân và là người điều phối tiến trình này. Bài diễn văn của cô trích từ một tham luận trong Hội nghị 1996 về ‘việc tôn vinh sự hy sinh của người phụ nữ”, và suy nghĩ của Adele làm rung động hằng trăm thính giả đến nỗi ban tổ chức hội nghị phải phản ứng. Judy Dworin và tôi đã phải đứng lên từ hàng ghế của các diễn giả để giải thích chi tiết về những khó khăn và tốn kém liên quan nếu đề nghị này được chấp nhận, chúng tôi kết luận là ý tưởng đó hoàn toàn bất khả thi.
Tuy nhiên, hai tuần sau đó, chúng tôi đã họp mỗi ngày để bàn xem chương trình đó bất khả thi đến độ nào. Hai dự án mandalatrước đó ở Trinity, năm 1994 và 1996, có phạm vi nhỏ hơn nhiều, và nay với sự có mặt của đoàn nữ tu suốt khóa học thì chúng tôi sẽ phải tận dụng hết mọi nguồn dự trữ của trường, cũng như kêu gọi thêm sự giúp đỡ của nhiều người khắp New England, cũng như Ấn Độ và Nepal. Tuy nhiên, lời cam kết mới đây của Trinity đối với các chương trình quốc tế, về nghệ thuật, và sự cố gắng của nhà trường để đa dạng hóa các nhóm sinh viên trong trường, và chương trình giáo dục mở rộng, có nghĩa là cuối cùng rồi, dự án đó cũng sẽ khả thi.
Các vị nữ tu đến Connecticut vào tháng Giêng, năm 1998. Trong nhiều tháng, năm người tạo mandala, một họa sĩ thangka, và một thông dịch viên tiếng Anh sống ở trường. Họ hòa nhập với sinh viên, giáo sư và hằng trăm khách vãng lai có mặt hằng ngày để theo dõi tiến độ của mandala Avalokitesvara(Quán Thế Âm) và một bức họa thangka Green Tara(Quán Thế Âm Xanh). Hành lang tối của trung tâm nghệ thuật là nơi diễn ra các buổi tọa thiền và cầu nguyện hằng ngày, các buổi học này mở ra cho mọi người trong tiếng chà sát của chakpus(các ống đồng dùng trong việc đổ cát xuống một cách nhịp nhàng), những màn trình diễn về sự đo lường và sử dụng màu chính xác trong cách làm thangkatruyền thống, những buổi nói chuyện bên lề và phim về nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, và vai trò hiện đại của các nữ tu trong một nền văn hóa đa dạng. Nhóm thiền Chenrezig từ Middletown, được thành hình từ lúc khởi đầu của dự án mandala Trinity đầu tiên năm 1994, cũng góp tay ủng hộ. Các em học sinh địa phương, một số đã có tham gia vào dự án mandala Trinity thứ hai ở trường Tiểu học Sanchez năm 1996, tham gia vào các bài học mới và đem các bài học này vào buổi biểu diễn của màn múa mandala ngoài trời đầy ấn tượng diễn ra sau này vào mùa xuân ở công viên Elizabeth của thành phố Hartford.
Tất cả những người đã đến quán sát các nữ tu và công trình của họ, dần dần thành lập nên một cộng đồng thân thiết, có ý thức về tính chất lịch sử của những gì đang diễn ra. Các nữ tu Keydong, là những vị nữ tu đầu tiên được học nghệ thuật làm mandala cát và họa các bức thangka, và họ cũng là những người phụ nữ đầu tiên mang sự thực hành của nghệ thuật thiền đến Tây phương. Khi làm điều này, họ không có ý thách thức triết lý Phật giáo về vấn đề giới tính, đặc biệt là bất kỳ sự phân biệt giới tính nào có mặt trong quá trình hoàn thiện Phật giáo. Đúng hơn là họ đang thách thức những cản trở cổ hũ trong bao năm qua đã chặn đường của người phụ nữ nào muốn với tới mọi phương cách tu tập của những bạn đồng tu nam. Chúng tôi, những người chứng kiến quá trình này đều hoàn toàn ý thức rằng họ đang làm nên lịch sử và chẳng bao lâu nữa các kỹ thuật này cũng sẽ được truyền dạy đến các nữ tu ở Ấn Độ và Nepal như là ở ni viện Dolma Ling ở Ấn Độ và Kopan (ni viện Jangchup Omeng Gakey Cho Ling) ở Nepal. Hơn nữa, dầu chúng tôi, những kẻ quán sát biết được tính cách quan trọng của sự kiện lịch sử này, chính các nữ tu lại chỉ chú tâm vào yếu tố rằng với tư cách là những người tu - chứ không nhất thiết là người nữ - giờ họ có đủ may mắn để có thể sử dụng các kỹ thuật này cho lợi ích tâm linh của họ và của người.
Ngoài việc tạo ra các mandalavà thangka, dự án năm 1998 tại Trinity còn giúp tổ chức một hội thảo và một buổi biểu diễn cuối tuần, coi như là các hoạt động để khép lại dự án. Màn biểu diễn Wheel (Bánh Xe) do Đoàn Biểu Diễn Nghệ thuật Judy Dworin đã tập hợp được nhiều nhóm từ Da Đỏ Mỹ, Đông Châu Âu, Tây Tạng và các vị hát nhạc thánh ca Thiên Chúa giáo, cùng với các vị nữ tu, đã tạo nên một màn trình diễn thực sự mang tính quốc tế. Màn nghệ thuật này nhấn mạnh đến việc những người phụ nữ từ các truyền thống khác nhau có thể thử nghiệm các hình thức diễn tả tâm linh mới trong một nghệ thuật trình diễn mà tự bản chất của nó, đã phản ảnh lời dạy của đức Phật rằng vạn pháp đều vô thường. Hội thảo với chủ đề “Nữ Giới và Những Biến Đổi Trong Phật giáo”, đã hội tụ được nhiều học giả chuyên nghiên cứu về những phương cách mà nữ giới từ nhiều truyền thống Phật giáo có thể tiếp cận các hình thức tu tập và các viện Phật học mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Các nghiên cứu của những vị học giả này tập trung vào các phương cách qua đó, nữ giới, trong hoàn cảnh hiện tại, đang biến đổi chính các hình thức tu tập, các viện Phật học để không chỉ phù hợp với nhu cầu và sự quan tâm của riêng họ, mà còn đáp ứng được những đòi hỏi cá biệt của cuộc sống trong nền văn hóa vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này. Các bài diễn văn đọc tại hội thảo này đã trở thành nồng cốt cho quyển sách này.
Vị Thế Của Nữ Giới Trong Phật giáo Trước Đây
Dưới khía cạnh lịch sử, có ít nhất bốn phạm trù trong đó người phụ nữ theo Phật giáo bị trở ngại trong cuộc sống tâm linh của họ. Phạm trù đầu tiên là các nghi thức tôn giáo, như là các phong tục trong cuộc sống, các cơ hội được học hỏi, các hình thức thiền tập và cơ chế trong các tu viện, thông thường những điều này chỉ dành cho nam cư sĩ và tăng sĩ, chứ ít khi hay không bao giờ dành cho nữ cư sĩ và tu sĩ. Dầu trong một số bản văn của kinh tạng có vẻ như coi thường nữ giới, nhưng chính văn vẫn khẳng định rõ ràng rằng người nữ cũng có thể đạt được Giác Ngộ như là người nam. Tuy nhiên, các phương tiện qua đó nữ giới có thể tiến tới kinh nghiệm này thường bị ngăn trở. Sự chuyển hóa Giác Ngộ viên mãn và bất thối trong Phật giáo chỉ có thể đạt được chánh yếu bằng cách vượt qua các giới luật phức tạp và khắt khe, dầu chúng có thay đổi tùy theo truyền thống, nhưng tựu trung chúng nhằm đưa người hành giả đến chỗ buông xả và tạo các hành động từ bi trong cuộc sống. Với sự tiếp cận có giới hạn đến các giới luật truyền thống, người nữ dễ bị cản trở trong nỗ lực để chứng ngộ viên mãn đời sống tâm linh của họ.
Thứ đến, các giới luật nhằm thủ thúc cuộc sống nơi tu viện của các nữ tu đã đặt họ ở vai trò thứ yếu so với các vị tăng. Thí dụ rõ nhất, dĩ nhiên, là tám giới luật (bát kỉnh pháp) được đức Phật Gotama đặt ra vào thời điểm Ngài chấp nhận nhóm phụ nữ đầu tiên vào cuộc sống của những kẻ “không nhà”. Giới luật này vẫn còn được áp dụng trong thế giới Phật giáo ngày nay. Tám giới luật này, đòi hỏi rằng tất cả các ni đều phải đảnh lễ các tăng, không kể rằng vị ni đó cao niên hay nhiều hơn vị tăng kia bao nhiêu hạ; chư ni có thể được chư tăng giáo huấn về pháp hay giới luật truyền thống, nhưng không được phép làm ngược lại; kiềm chế không chỉ trích hay trách móc tăng, dầu ngược lại thì có thể; có thể được chư tăng truyền giới, nhưng ngược lại thì không thể. Sự lỏng lẻo trong việc quản lý các tự viện đã đặt cuộc sống hàng ngày của các ni dưới sự trông coi của các tăng, nghĩa là gạt qua một bên bất cứ cơ hội nào để chư ni có thể hoàn toàn tự quản như các vị huynh đệ của họ.
Thứ ba, dầu trên lý thuyết, nữ giới cũng có đầy đủ khả năng để chứng ngộ, tuy nhiên ở nhiều thời điểm trong lịch sử Phật giáo, việc xác nhận sự chứng ngộ cao tột đó của họ, về danh hiệu và vị thế, đã bị từ chối. Thí dụ, từ Pali arahant, dầu được dùng để chỉ một số phụ nữ trong các truyền thống gần đây, đã không được dùng cho nữ giới trong các bản cổ văn - dầu rằng sự chuyển biến và tường thuật về sự chứng ngộ của một số cá nhân nữ tu chứng tỏ rõ ràng rằng họ, cũng giống như các vị tăng, xứng đáng được danh hiệu này. Sự mất cân bằng trong việc áp dụng danh hiệu để phản ảnh sự thành tựu tâm linh và vị thế của ni giới cũng đúng trong các truyền thống Đại thừa sau này - thí dụ, việc sử dụng hay không sử dụng danh hiệu bồ-tát (bodhisattva)khi gọi các vị ni có hạnh nguyện phục vụ vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Cuối cùng là các nữ tu đã nhiều lần trong lịch sử Phật giáo không có được sự ủng hộ vật chất mà các vị tăng có thể được nhận. Dầu với tư cách cá nhân hay một thành viên trong ni đoàn, chư ni luôn nhận được sự hỗ trợ vật chất ít hơn nhiều so với các vị tăng. Trong kinh tạng Pali cũng nói rằng các nữ tu rất khó nhận được sự cúng dường (kicchalabha, dullabha).Trong các cổ văn có nhiều chứng cứ rằng có nhiều vị nữ thí chủ nhưng rất ít các nữ tu được cúng dường. Việc các ni chúng ở Ấn Độ bị tan rã do thiếu sự hỗ trợ vật chất là một chứng minh hùng hồn cho thấy sự hỗ trợ cúng dường dành cho chư tăng tốt hơn nhiều so với chư ni.
Trong lịch sử Phật giáo, sự kỳ thị đối với người nữ ngay trong chính hệ thống mà sự sống còn của họ lệ thuộc vào đó là một điều bất thành văn. Tuy nhiên, chúng ta có thể ước đoán dựa trên hoàn cảnh xã hội và văn hóa mà người nữ tu đang sinh sống, tu tập trong đó. Điều rõ ràng là dù trên lý thuyết Phật giáo có thể là một tôn giáo cởi mở, công bình, không phân biệt giới tính, nhưng trong thực tế, các giá trị của những tổ chức xã hội, tôn giáo hiện hành mà người nữ tu chung sống đã hình thành các thái độ cư xử của cộng đồng Phật giáo địa phương, cũng như của các vị thí chủ cúng dường cho họ. Và thường là các thái độ này có ảnh hưởng tiêu cực đối với nữ giới. Hơn thế nữa, cũng có thể rằng, qua thời gian, các đặc tính ưu việt, nổi trội của Phật giáo không chỉ chịu ảnh hưởng, dầu ít hay nhiều, bởi các cộng đồng Phật giáo, mà còn được tích lũy từ truyền thống qua các giáo lý và giới luật truyền thừa, mà ngày nay chúng được coi là di sản vững bền của Phật giáo để truyền dạy lại cho nữ giới. Và vì các quan điểm xã hội bất công này đã hình thành một phần hành trang văn hóa của truyền thống thế kỷ thứ 20, chúng đang được coi là khó thể tách biệt khỏi các triết thuyết Phật giáo cởi mở hơn vì cá́c nữ tu sĩ, những người hy vọng rằng họ có thể sửa đổi các hình thức, chứ không phải nội dung, của việc theo đuổi con đường tâm linh của họ trong hoàn cảnh hiện đại.
Nữ Cư sĩ/ Tu sĩ Phật giáo đi về đâu
Năm 1985, Yvonne Yazbeck Haddad và tôi phát hành một số bài viết dưới chủ đề, “Nữ giới, Tôn giáo và sự chuyển hóa xã hội”.
Quyển sách này cũng tương tự. Mỗi cộng tác viên được yêu cầu sử dụng các công trình nghiên cứu và ấn phẩm hiện hành để thử nghiệm một giả thuyết. Giả thuyết này như sau, trong thời đại ngày nay, ni giới đang giữ các vai trò quan trọng, có thể quyết định về cách mà các nghi thức, các pháp hành được thể hiện và các tu viện Phật giáo đang chuyển đổi để đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của cuộc sống trong nền văn hóa ở cuối thể kỷ thứ 20 và đầu thể kỷ 21 này. Tuy nhiên, các đòi hỏi và nhu cầu này, có thể không nhất thiết chỉ là của nữ giới, mà là của tất cả những ai không thường tuân phục theo các tổ chức truyền thống quyền lực - kể cả những kẻ bị tước quyền hạn do giai cấp, nòi giống, học lực, các biến động xã hội như là chiến tranh, và bất cứ những hoàn cảnh đổi đời nào. Phần lớn các nhân vật trong các bài viết là phụ nữ, nhưng rồi bạn sẽ thấy, nhiều sự thay đổi đã trở thành hiện thực hay sẽ trở thành hiện thực cũng liên quan đến nam giới, trong vai trò là những người hướng dẫn tâm linh, là người cố vấn, là những người tạo cơ hội. Các vị này bao gồm những người như ngài Ananda, vị thị giả của đức Phật Gautama; tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar, người đã cải đạo qua Phật giáo cho hàng ngàn người thuộc giai cấp hạ lưu (Dalit) năm 1956; đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV; Lão Hòa thượng Maha Ghosananda, vị tăng sĩ Campuchia, người đã cống hiến không mệt mỏi cho quyền lợi của những nạn nhân bị lính Khmer Đỏ giết vào những năm 1970; cũng như không biết bao nhiêu người cộng sự, và bạn bè của các nữ tu sĩ, những người phụ nữ đang cố gắng tạo ra các phương thức tu tập mới hơn và hữu hiệu hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Các bài viết trong ấn phẩm này bao gồm nhiều mảng đề tài rộng lớn về đời sống Phật giáo. Có những bài về lịch sử ghi chép lại và phân tích vai trò của người nữ tu trong quá khứ đã thay đổi cơ chế đời sống xuất gia và tại gia để mang đến sự bình đẳng trong phạm vi giáo dục, trong việc sử dụng nguồn kinh tế cơ bản của họ để tạo dựng và hỗ trợ các Phật học viện lớn, và trong việc thiết lập các nghi thức truyền thống đặc biệt hướng đến việc làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người nữ tu. Có những bài viết về dân tộc học hiện đại, khảo sát vai trò của những người phụ nữ nạn nhân chiến tranh để nêu rõ sự đàn áp dã man của việc xung đột có vũ khí, để mang đến những giải pháp hòa bình, và để tạo ra các phương pháp trị liệu đối với kinh nghiệm chiến tranh. Các bài viết này khảo sát nhiều mảng đề tài, từ các giải pháp mới cho vấn đề thọ giới cho những phụ nữ muốn sống đời xuất gia, vấn đề sát nhập với tăng đoàn, sự truyền thừa, các vấn đề bảo trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người tu, cho đến các vấn đề trong sinh hoạt xã hội, chính trị nơi ni giới muốn chấn chỉnh lại việc tiếp cận với các thánh địa, với các vị trí lãnh đạo, và với việc tham gia vào các chương trính hướng đến các tù nhân. Có những bài viết chú trọng đến các hình thức biểu diễn nghệ thuật hiện đại và cách mà các hình thức này có thể phát huy các phương cách thiền tập đến chỗ viên mãn, có thể bao gồm những hình thức, thông điệp rộng rải hơn, toàn cầu hơn, và có thể tạo ra các không gian kiến trúc có nhiều ý nghĩa hơn đối với người sử dụng chúng. Lại có những bài đề cập đến các vấn đề chữa bệnh và những phương cách qua đó các ứng dụng của dược liệu truyền thống có thể được chấn chỉnh để cả thân và tâm đều hòa hợp, để mang đến cho ta sức khỏe tốt nhất có thể. Và có những bài viết chú trọng đến những vấn đề trong cuộc sống về chủng tộc, sinh sản lựa chọn và giáo dục tình dục.
Phạm vi của bộ sưu tập này khá rộng, không chỉ về đề tài mà cả trong sự dàn trải địa lý. Nữ Phật tử ở khắp nơi trên thế giới đang cố gắng đổi mới, và bộ sưu tập này đề cập đến các hoạt động của họ ở Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái, Campuchia, Nepal, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Mỹ. Hơn thế nữa, phong cách của họ cũng rất khác biệt. Vì đề tài này khá đương đại, nên tôi có thể giới thiệu không chỉ các bài viết về những đổi thay mà người phụ nữ đã tạo ra, mà cả những bài viết do chính họ, chính những người làm nên các cuộc thay đổi này viết. Do đó, một số bài viết ở đây về những khảo sát của các tiến trình văn hóa, xã hội, sẽ có phong cách trịnh trọng, học giả, truyền thống. Trong khi những bài khác thì có tính cách bộc bạch, tự sự hơn, qua hình thức phỏng vấn hay tự quán chiếu, giúp truyền tải những niềm vui hay nỗi khổ cá nhân khi đối đầu với những vấn đề nan giải và thường khó đưa ra những giải pháp.
Quyển sách này được sắp xếp theo đề mục. Dầu phần lớn các bài viết đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng chúng được gom lại một cách có hệ thống bởi các vấn đề nổi bật… Monica Falk quan tâm đến các tu nữ (mae chi) Thái hiện đại và phác họa một mê hồn trận mà họ phải trải qua trong giai đoạn chuyển từ là người cư sĩ sang một vị ni thọ đại giới (tỳ khưu ni). Vượt lên trên các định kiến cổ hũ cho rằng sinh làm người nữ là do nghiệp quả xấu, Falk đã cho ta thấy là những người phụ nữ này trong thời gian gần đây, dầu vẫn không tham dự vào các hoạt động có tính cách công cộng như hành lễ, hay đi khất thực, thực ra họ đã đảm nhiệm những vai trò lớn và độc lập hơn trong các ni viện cũng giống như vai trò của chư tăng - nhất là trong phạm vi tự quản. Các bài do Martine Batchelor sưu tầm phác họa trường hợp của Voramai Kabilsingh, là một trong rất ít các vị ni được thọ đại giới ở Thái Lan, và là một tấm gương cho các nữ tu sĩ trẻ, và con gái của bà, Chatsumarn Kabilsingh, người không ngừng hành động để bênh vực các phụ nữ Thái đang muốn được thọ giới xuất gia và các cô gái điếm Thái cố gắng thoát khỏi sự tấn công của AIDS….
Tỳ-kheo ni Thubten Chodron… thì triển khai các vấn đề về nữ tu sĩ Tây phương. Chodron kể về việc trở thành tỳ-kheo ni trong truyền thống Tây Tạng, khi bà xuất gia làm sa-di ni ở Dharamsala năm 1977 và chín năm sau trở thành một vị tỳ-kheo ni thọ đại giới ở Đài Loan. Giờ bà đang sống tại Mỹ. Sự trải nghiệm của bà với tư cách là một phụ nữ nổi tiếng, với vẻ bề ngoài cũng như hành vi hoàn toàn không như mẫu mực dưới mắt của người Mỹ, vừa buồn cười vừa đáng cho ta học hỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bà chia sẻ với chúng ta là triển vọng được sống trong các tu viện của những người phụ nữ muốn xuất gia gần như là không có ở Mỹ. Tuy nhiên, nhờ tuân theo truyền thống, theo quan điểm của Phật giáo làm thế nào để ‘hiện hữu’ một cách chánh đáng trên đời, và việc thực hành thiền tâm từ, bi, hỷ xả, đã giúp những phụ nữ xuất gia như bà có thể lướt ngọn sóng Phật giáo đến miền đất mới.…
Đối với đề tài về vị giáo thọ, việc hoằng pháp và sự truyền thừa, Ellison Banks Findly tập trung vào hai điểm. Đầu tiên là mức độ mà các tu nữ trong truyền thống Pali cổ xưa thiếu sự tự quản, nhất là trong phạm vi xuất gia và hoằng pháp. Ở đây ta thấy rõ là dầu các nữ tu cần được sự chấp thuận của tăng đoàn để thọ đại giới, nhưng sự cho phép này thực ra chỉ mang tính hình thức, vì phần lớn các tiến trình thọ giới trước đây đều được các ni đoàn thực hiện. Hơn thế nữa, các tiến trình này đều do các vị ni trưởng, nữ giáo thọ có học vị cao, giàu kiến thức, đạo cao đảm nhiệm. Thứ đến là sự không thống nhất trong ni chúng giữa chức phẩm được trao dựa trên thời gian tu hay trên các thành quả. Dầu cả hai điều này đều có xảy ra trong truyền thống cổ xưa, nhưng chức phẩm có được do thành quả - được đánh giá dựa trên kinh nghiệm, năng lực và “khả năng đem lại lòng tin”- là chính yếu. Hiện nay, cả hai vấn đề này (sự tự quản của chư ni và chức phẩm dựa trên thành quả) đều quan trọng, và các nghi thức trong truyền thống Pali cổ xưa có thể cho ta những khuôn mẫu về cơ cấu tổ chức các cộng đồng ni chúng hiện tại. Tuy nhiên, như trong bài viết của Martine Batchelor về vị nữ cư sĩ giáo thọ Thái, Achaan Ranjuan, cho chúng ta thấy rằng không phải tất cả các nữ Phật tử có học thức, có khả năng hành thiền cần sự chứng nhận chính thức từ các tự viện, thực ra, có thể họ thấy rằng sự phân biệt rạch ròi giữa nữ cư sĩ hay tu sĩ không thật sự cần thiết trong việc thiết lập đời sống tâm linh.
Ở Miến Điện, các tu nữ được xác chứng bởi học vấn, gia cảnh, và các giới nguyện, và theo nhận xét của tác giả Hiroko Kawanami, các vị nữ tu này đều có thể là các vị giáo thọ, các học giả uyên thâm. Trong truyền thống Miến Điện hiện đại, sự phân biệt chính yếu là giữa các tu nữ xuất gia lúc còn trẻ, trước khi họ có quan hệ tình dục, do đó được coi là, “các tu nữ còn nguyên trinh”, và những phụ nữ gia nhập đời sống xuất gia sau hôn nhân, đôi khi sau khi họ đã góa bụa. Thông thường là các tu nữ xuất gia từ nhỏ, sau này được qua trường lớp, trở thành các vị thầy nổi tiếng, trong khi nhóm phụ nữ xuất gia trễ, chỉ chuyên chú hành thiền. Một số những thay đổi hiện nay là việc nữ giới gia nhập đời sống xuất gia vì có người thân quen đã xuất gia trước đó; là ngày càng có nhiều vị nữ tu không ngần ngại đảm nhiệm vai trò của các vị giảng sư ở nơi công cộng; và là sự thay đổi cái nhìn đối với các vị nữ tu, giờ họ được xem là các thành phần xã hội trí thức, hơn là các góa phụ già nua, khổ đau. Sự thay đổi vai trò của các nữ giảng sư cũng được Trudy Goodman đề cập đến trong một bài viết ngắn. Bà nhận xét về sự nhọc nhằn trong đời sống của những người phụ nữ tu tập theo truyền thống Thiền ở Mỹ, và vai trò mà những người phụ nữ này có thể đảm nhận như là các thiền sư hướng dẫn cả nam và nữ giới.
Tác giả Nirmala Salgado lại hướng về Tích Lan, mô tả tình trạng nan giải giữa việc xuất gia và ‘trú xứ’ (domestication), hay là việc thích nghi với đời sống tu tập hằng ngày, là điều mà các nữ tu sĩ Nguyên thủy hiện nay phải quan tâm. Vấn đề này được nhận thấy rõ trong việc các nữ tu, không giống như các tăng sĩ, ít khi được có chủ quyền đối với đất đai nơi họ đang trú ngụ. Hơn thế nữa, thái độ của các vị nữ tu đối với việc sở hữu đất đai lại tùy thuộc vào việc xác định dòng tộc, cũ̃ng như hệ phái, tự viện, và có sự lệ thuộc vào các phương cách thừa kế của các cư sĩ Phật giáo: vì việc thừa kế và quyền thừa hưởng đất đai luôn ưu tiên cho nam giới, tăng sĩ dường như có khả năng quản lý các vấn đề về đất đai, nhà cửa hơn. Tuy nhiên, khi triển vọng dành cho các tu nữ ở Tích Lan phát triển hơn, phần lớn nỗ lực lại được dành cho giáo dục và việc thọ giới, nhưng tác giả Salgado lại tranh luận rằng quyền sở hữu và quản lý đất đai giờ cũng cần được đặt vào trọng tâm của các cuộc thảo luận này.
Trong bài viết có tính cách tiểu sử, Amy Schmidt đã kể lại cuộc đời và những đóng góp của một thiền sư vipassana Nam Á, Dipa Ma Barua, người mà qua nhiều đệ tử của bà, đã có ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử đương đại của truyền thống thiền Nguyên thủy ở thế giới phương Tây. Là một người vợ, người mẹ quê mùa, Dipa Ma đã hành thiền theo nhu cầu được hành thiền của chính bản thân, và sau một thời gian tu tập với một số các vị thiền sư, chính bà cũng trở nên một vị thiền sư nổi tiếng. Những đệ tử phương Tây của bà bao gồm Jack Engler, Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg, và Kate Wheeler. Tính chất riêng tư trong mối liên hệ thầy trò đã được miêu tả khá chi tiết trong bài viết của James Whitehill, người đã khảo sát tỉ mỉ một “đạo lý của sự mật thiết” khi quán tưởng lại phong cách của người vợ quá cố của ông, Miko. Là một Phật tử Mỹ gốc Nhật, Miko đã thể hiện lý tưởng của một người mẹ, người bạn tâm linh, tình thương yêu của Miko đã dạy cho người khác về tính cách nghịch lý của sự ly dục một cách đầy bi mẫn - một lý tưởng nhuốm màu Phật giáo về các mối liên hệ cá nhân.
Tác giả Owen Lynch đã khả̉o sát di sản chính trị và văn chương của Tiến sĩ B.R.Ambedkar đối với những phụ nữ Phật giáo Dalit ở Bắc Ấn Độ. Lynch chú trọng đến một nhóm phụ nữ ở Agra hoạt động - dưới chiêu đề của “quân đội của Sujata” - về một số vấn đề địa phương nhưng không chỉ ảnh hưởng đến an sinh của phụ nữ và chính những người Dalit, mà cả với tình hình chung của các hoạt động xã hội được thực thi như một hình thức tu tập trong Phật giáo. Đặc biệt nổi bật nhất là phong trào Giải phóng Bodh Gaya, cuộc kêu gọi Cấm Vé Số, và kêu gọi Bãi bỏ chế́ độ phân biệt, Lynch cho ta thấy rằng trong các phong trào này nữ giới có thể không phải là người khởi xướng, nhưng cũng nắm vai trò lãnh đạo, tham gia tích cực vào những vấn đề xã hội gây tranh cãi ở bắc Ấn Độ lúc bấy giờ….
Các sưu tập ngắn của tác giả Martine Batchelor đã làm nổi bật một số dự án phục vụ xã hội do các nữ tu sĩ Đại Hàn đảm nhiệm. Thí dụ, ni sư Jamin, giảng pháp trong các nhà tù, và giúp các tù nhân quán sát hoàn cảnh cá nhân, tình huống phạm tội của họ theo quan điểm Phật giáo. Ni sư Myohi lại lập nhà dưỡng lão cho các phụ nữ lớn tuổi, ở đó bà cung cấp cho họ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, cũng như hằng ngày giảng pháp cho họ nghe; bà cũng đang chuẩn bị xây dựng một mô hình tương tự cho các vị ni lớn tuổi. Và ni sư Pomyong mang đến phương pháp trị liệu cho nhiều cư sĩ Đại Hàn qua việc thực hành cắm hoa và dâng hoa cúng Phật.…
Dầu quyển sưu tập này chỉ giới thiệu một số nét những công việc mà người phụ nữ đương thời đang tham gia trong khi các nghi thức, hệ phái và tu viện Phật giáo đang biến đổi, nó cũng cho ta thấy bao sự khác biệt trong hội chúng ni…. Tuy nhiên với những hạn chế riêng, quyển sách này cũng không thể phản ảnh tất cả những sự hưởng ứng tích cực của nữ giới trong môi trường đương đại, nó chỉ có thể giới thiệu một số việc mà nữ giới đang tham gia, và có thể những việc làm đó sẽ là bệ phóng cho người khác trong tương lai.
Giáo sư Tiến sĩ Ellison B. Findly
[1] Đại học Trinity là một đại học cộng đồng tư thục, ở thành phố Hartford, thủ phủ của tiểu bang Connecticut, Mỹ, nơi Giáo sư Tiến sĩ Ellison Banks Findly và một số tác giả trong sách này đảm nhiệm một số khoa. Đại học có khoảng 2,300 sinh viên thuộc 45 tiểu bang, và từ 47 quốc gia trên thế giới ghi danh. Đại học này đặc biệt nổi tiếng về các môn khoa học nhân văn.