Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Nhân sanh trí tuệ

17/12/201115:19(Xem: 7465)
11. Nhân sanh trí tuệ

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài

NHÂN SANH TRÍ TUỆ

Trí tuệ là nhân tố tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong tam học (giới, định, tuệ), giới và định chỉ có mục đích tạo điều kiện cho sự khai mở cuả trí tuệ. Nếu giới (sīla) có thể làm cho hành động và nói năng trở nên chững chạc, thiện ích, và định (samādhi) có thể giúp tâm an trú, thanh tịnh và chân chính, thì tuệ (pannā) phát huy phần tâm linh quan trọng nhất của con người là tuệ giác, để liễu tri thực tánh rốt ráo và cứu cánh giải thoát.

Hành giả dù có hạnh nguyện thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hay Phật Thanh Văn đều cần phải chuyên cần tinh tấn dùi mài gươm trí tuệ để cắt đứt tận gốc rễ những vọng chấp, phiền não hay những ô nhiễm nội tại dưới mọi hình thức, ngấm ngầm hay bộc phát mãnh liệt, đang chi phối đời sống của họ. Trí tuệ còn là một trong mười pháp ba-la-mật (pāramī)hay còn gọi là thập độmà một vị bồ tát cần phải chuyên trì bất thối cho đến khi thành tựu mục đích của một vị Chánh Đẳng Giác. Chính Đức Phật tổ Thích-ca Mâu-ni, lúc còn là một vị bồ tát, đã lấy trí tuệ làm bản hạnh khi thực hành pháp thập độ.

Trước khi nói đến ba nguyên nhân phát sinh trí tuệ, chúng ta thử bàn qua nghĩa của danh từ trí tuệ là gì. Trong phạn ngữ Pālicó rất nhiều danh từ được dịch là trí tuệ, nhưng nghĩa của chúng có ít nhiều sai khác như pannā, naàna, vibhanga, patisambhidā, bodhi...

Pannā là biện tướng trí, trí tuệ phân biệt được chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của hiện tượng giới.

Patisambhidā là minh giải trí: Trí tuệ phân tích và biện giải các pháp một cách minh bạch.

Nāna là phá tướng trí: Trí tuệ có thể phá tướng (do tưởng sinh) để thấy rõ chân tướng hay thực tánh pháp. Phá tướng trí chính là trí tuệ mà hành giả thiền vipassanāđạt được như những kết quả tối hậu và cũng là trí tuệ của chư Phật: Thanh văn, Độc giác, Toàn giác.

Bodhi là tuệ giácmà người ta thường quen gọi là bồ đềtức trí tuệ giác ngộ của bậc đã đạt được đạo quả và Niết-bàn đoạn tận phiền não, vọng chấp.

Tuy được dịch từ nhiều danh từ phạn ngữ có nghĩa sai khác, nhưng tựu trung trí tuệ có nhiệm vụ tối hậu và tất yếu là diệt tận vô minh để nhận chân được lý nhân quả, luật thành - trụ - di - diệt và nhất là thấy rõ được ba chân tướng của vạn hữu là vô thuờng, khổ não và vô ngã.

Vì trí tuệ đóng vai trò quan trọng như thế trong lý tưởng giải phóng con người ra khỏi vọng chấp, nên Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta ba phương cách rèn luyện trí tuệ:

1) NGHE NHIỀU THẤY RỘNG (bāhussutā):

Một trong mười điều đem lại lợi ích cho sự giải thoát mà Đức Phật đã dạy là đa văn quảng kiến. Người nghe nhiều thấy rộng ở đây ám chỉ người luôn biết lắng nghe học hỏi để thấy ra chánh pháp.

Trong suốt 45 năm hoằng dương giáo pháp có rất nhiều người đắc đạo quả hay giác ngộ chân lý khi nghe Đức Phật thuyết pháp. Từ Thanh văn (sāvaka) có nghĩa là người nhờ nghe pháp mà giác ngộ giải thoát. Không phải chỉ có Đức Phật mới độ được Thanh văn, mà ngay cả các vị Thanh văn Thánh đệ tử Đức Phật trong khi thuyết pháp cũng độ được rất nhiều người nhập vào dòng thánh. Như đạo sĩ Sāriputtachỉ nghe một câu kệ ngôn do Đại Đức Assaji thuyết đã trực nhận được lý nhân quả và chứng ngộ đạo quả Tu -đa-hườn. Và chính sau khi Ngài Sāriputtađược Đức Phật cho xuất gia vào hàng tăng lữ, một hôm Ngài nhận sứ mạng đi giáo huấn nhóm Tỳ Khưu chia rẽ tăng theo Đề-bà-đạt- đa. Khi Ngài Sāriputtagiảng pháp xong tất cả các vị Tỳ Khưu ấy đều đắc quả Arahán.

Tuy sutanguyên nghĩa là nghe và được đặc biệt dùng trong nghĩa nghe chánh pháp nhưng ta có thể suy ra rằng tất cả những kinh nghiệm học hỏi được bằng cách biết sử dụng giác quan nghĩa là khi mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm đều có thể giúp chúng ta nhận thức được thực tánh của vạn pháp.

Ngày nọ, tỳ kheo ni Patācārā trong khi rửa chân thấy nước từ bàn chân chảy xuống lan ra thành dòng, dài ngắn khác nhau rồi trước sau tan biến mất, cứ như thế vị ấy chú tâm nhận rõ sự biến đổi sinh diệt không ngừng của hiện tượng và bỗng trực nhận được thực tánh vô thường sinh diệt.

Trong kinh điển cũng có ghi chép nhiều trường hợp khác tương tự. Một hành giả có thể nghe tiếng chim hót, thấy một chiếc lá rơi, một ngọn đèn phụt tắt,hay nhìn những bong bóng nước vỡ trên mặt hồ mà liễu ngộ được chân lý.

Tất cả những hiện tượng nội tâm hay ngoại giới, như dòng nước trôi chảy, một trạng thái tâm sinh lên rồi hủy diệt đều là những bài học quý giá cho những ai biết chăm chú nhìn, biết lắng tai nghe để học ra bài học giác ngộ. Trí tuệ phát sinh do nghe, thấy, học hỏi, quan sát như thế gọi là văn tuệ (sutā mayā pannā).

Nhưng nếu chỉ nghe nhiềumà không tư duyđể phân biệt chân giả và không tự mình thể nghiệmthì vẫn chưa chứng đạt được chân lý, chẳng hạn như Đại Đức Ānanda, thị giả của Đức Phật, là người nghe nhiều pháp thoại của Đức Phật nhất, mà đến khi Phật Niết- bàn vẫn chưa đắc được đạo quả Arahán. Vấn nạn đó rất đúng, tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng có đa văn quảng kiếnmới có thể mở rộng khả năng thấy biết. Thấy biết càng nhiều thì càng ít cố chấp cục bộ. Càng ít cục bộ thì càng có điều kiện lợi mình, lợi người. Sở dĩ Đại Đức Ānandachưa đắc đạo quả Arahán khi Phật còn tại thế vì chưa có điều kiện thích nghi để thực hành những gì mình nghe được. Nhưng chính nhờ kiến văn uyên bác đó về sau Ngài đã chứng ngộ con đường giải thoát và hầu hết các kinh tạng để lại ngày nay do chính Đại Đức Ānandatụng thuật. Như thế Ngài đã đem sở trường đa văn của mình để đền ơn Phật và phục vụ chúng sanh bằng cách lưu truyền lại một kho tàng chân lý vĩ đại là Tam Tạng Pháp Bảocủa Đức Phật cho những thế hệ hậu lai chúng ta.

Tuy nhiên đó chỉ mới là bước đầu phát triển trí tuệ. Bước kế tiếp Đức Phật dạy chính là tư duy chín chắn để thấu tình đạt lý.

2) SUY XÉT THẤU ĐÁO (sammācintā):

Nếu một người đã từng tư duy chín chắn, đã từng thể nghiệm tu tậpđúng đắnthì có thể chứng ngộ ngay khi đang nghe pháp. Nhưng nếu như người ấy chưa đắc đạo quảhoặc chưa thấy pháp (ngộ) ngay là vì văn tuệchưa được hoàn hảo, trong trường hợp đó người ấy cần phải tư duy hay quán xét về những điều mình đã lắng nghe học hỏi.

Những gì chúng ta nghe, thấy, học hỏi được chỉ là kiến thức vay mượn bên ngoài. Muốn tiêu hóa chúng để trở thành tri kiến chân thực thì phải tinh luyện qua nhiều giai đoạn tư duy, phán đoán, phân tích, tổng hợp, suy luận, so sánh v.v. để tìm ra chân tướng của sự thật. Điều nầy đã được Đức Phật dạy rất rõ ràng trong kinh Kālāmasutta, Anguttara Nikāya như sau:

"Chớ tin điều gì do nghe lại, do truyền thống, do đồn đãi, do kinh điển truyền tụng, do lý luận, do suy luận, do kết luận thiếu thận trọng, do hợp với định kiến, do uy tín hay vì nghĩ rằng vị ấy là thầy ta.

Nầy người xứ Kālāma, cho đến khi nào các ngươi tự mình biết rõ rằng: pháp nầy là bất thiện, là có tội, bị người trí chỉ trích, pháp nầy nếu hành trì sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau thì hãy từ bỏ những điều ấy.

Và khi nào các ngươi tự mình biết rõ: pháp nầy là thiện, là không có tội, không bị người trí chỉ trích, pháp nầy nếu hành trì sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc thì hãy chứng đạt và an trú".

Đoạn kinh trên ám chỉ giaiđoạn thứ hai của trí tuệ là tư duy. Nhưng có phải mọi tư duy đều đem lại trí tuệ hay không? Đức Phật dạy có hai loại tư duy: chánh tư duy (sammāsankappa)là suy nghĩ sáng suốt, chín chắn, thấu đáo, dựa trên những thực kiệnđể tìm ẩn số của sự thật. Trái lại, tà tư duy (micchāsankappa)là suy nghĩ bằng tưởng tượng hay suy luận nông cạn, hời hợt, dựa trên những giả thuyết, ước định để đưa đến những kết luận chủ quan thiếu thận trọng. Vậy muốn phát triển trí tuệ trước hết ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về thù oán, suy nghĩ về những phương kế ám hại người khác, và thường xuyên chiêm nghiệm ba chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn pháp.

Đại Đức Cūlapanthaka là một người ít học, ngài cố gắng học một kệ ngôn chỉ có bốn câu trong bốn tháng vẫn chưa thuộc. Vị sư huynh của ngài thấy vậy khuyên ngài nên hoàn tục nhưng ngài quá quyến luyến đời sống đạo hạnh nên không nỡ từ bỏ. Đức Phật thấy đạo tâm của người đệ tử nầy quá dõng mãnh nên đem đến cho Cūlapanthakamột chiếc khăn tay màu trắng, dạy mỗi buổi sáng cầm khăn đưa ra trước mặt trời. Ngài làm y như lời dạy của Đức Phật, chẳng bao lâu chiếc khăn bị bụi và mồ hôi bám vào trở nên dơ bẩn và ố màu. Thấy sự kiện đó, ngài suy gẫm về tánh cách vô thường của đời sống, trực nhận được chân lý và đắc quả Arahán. Đây rõ ràng là trí tuệ phát sinh do tư duy đúng đắn trên thực kiện (biến đổi của cái khăn) mà liễu ngộ được bản chất của thực tánh pháp nên được gọi là tư tuệ (cinãtā mayā pannā).

Tuy nhiên, tư tuệvẫn chưa hoàn hảo, cần phải tự thân chứng ngộqua tu tập định tuệthì mới thể nghiệm chân lý một cách hoàn toàn.

3) THỰC HÀNH ĐỊNH TUỆ (bhāvanā):

Cuối cùng trí tuệ rốt ráochỉ phát sinh khi chúng ta thực hành thiền định và thiền tuệ. Thuật ngữ bhàvanà trong Pālicó nghĩa là dập tắt vô minh và ái dục bằng tu tập định tuệ.

Thiền địnhlà giữ tâm thăng bằng, ổn định giống như giữ yên một ly nước đục cho đến khi bao nhiêu cặn bã đã lắng đọng thì nước sẽ trở nên trong suốt. Khi tâm được giữ yên sẽ trở nên trong sạch, lặng lẽ đó là môi trường tốt để tu tập thiền tuệ.

Thiền tuệlà chú tâm quan sát thực tại thân tâm như nó đang là với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giácđể thấy được thực tánh của vạn pháp. Trí tuệ phát sinh do tu tập định tuệ gọi là tu tuệ (bhāvanā mayā pannā).

Một người thường được nghe tiếng một thứ trà ngon và đã từng đọc lý thuyết về cách pha trà ấy như thế nào, nhưng nếu tự mình chưa pha lấy và uống qua một lần thì cũng không thưởng thức được hương vị của món trà quý này. Đó là lý do vì sao Phật giáo xem trọng phương diện thực hành đến thế.

Đức Phật dạy:

"Dầu thông suốt kinh luật mà không hành trì, cũng chỉ như gã mục đồng đếm bò cho kẻ khác. Người ấy không hưởng được hương vị giải thoát".

"Trái lại dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ tham, sân, si, hiểu biết chân chính, tâm tự tại, không vọng chấp. Người ấy ắt hưởng được hương vị giải thoát". (Dhammapada 19, 20)

Thuở nọ có hai vị tỳ kheo cùng xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật. Một vị học nhiều hiểu rộng, thông suốt giáo pháp nhưng chưa đắc đạo. Còn vị kia tuy học ít nhưng chuyên cần tu niệm, không bao lâu đắc đạo quả Arahán. Một hôm trong buổi luận đạo trước mặt Đức Phật, vị phàm tăng nêu lên những vấn nạn khúc mắc để khoe khoang tài bác học của mình. Đức Phật thấy vậy liền đặt ra nhiều câu hỏi khác về sự thực chứng đạo giải thoát. Hỏi đến đâu vị Arahán trả lời đến đó do đã tự thân chứng nghiệm, trái lại vị phàm tăng uyên bác không thể trả lời được, vì tự mình chưa giác ngộ. Câu chuyện nầy chứng tỏ rằng tu tuệ quan trọng và siêu việt hơn tư tuệ và văn tuệ rất nhiều.

Tóm lại, vì tầm quan trọng của trí tuệ trong vai trò giúp chúng ta giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi và thể nhập chân lý; nên chúng ta phải luôn luôn cố gắng phát huy trí tuệ bằng cả ba phương diện văn, tư và tu như Đức Phật đã dạy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]