A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI
Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch
THAY LỜI KẾT
Xin mượn lời kết luận của pháp sư Văn Châu để kết thúc cuốn Hợp Giải này:
“Bút giả trộm nghĩ: Chẳng nghe, chẳng biết đến kinh này, nên chẳng tín, chẳng hạnh, chẳng nguyện thì tuy là đáng thương, nhưng vẫn còn có thể chấp nhận được. Chứ ai đã được nghe, xem đọc kinh này, đã biết pháp môn Niệm Phật thù thắng như thế ấy, nhưng nghe mà chẳng tin, hoặc tin nhưng chẳng nguyện, chẳng hạnh, thì chẳng những chỉ phụ bạc đấng Thích Tôn làđấng đã thực hiện được việc khó này, đã nói pháp khó tin này; mà còn là phụ bạc chính mình, lãng phí kiếp sống này vậy!
Phải biết rằng: Chúng ta sống gởi trong cõi Sa Bà, ngoài thì bị việc người vùi dập, khiến cả thân lẫn tâm đều bị tổn thương; trong thì phiền não gây khốn đốn, bệnh tật vây hãm, khổ thật chẳng thể nói nổi. Nay được nghe diệu pháp này, khác nào bệnh nặng liệt giường, chợt đượcthần lực, kẹt ở đất khách lâu ngày, chợt gặp thuyền bè...
Cổ nhân nói:
Cấp cấp mang mang khổ khổ cầu,
Hàn hàn noãn noãn độ xuân thu,
Triêu triêu mộ mộ doanh gia kế,
Muội muội hôn hôn bạch liễu đầu,
Thị thị phi phi hà nhật liễu,
Phiền phiền não não kỷ thời hưu,
Minh minh bạch bạch nhất điều lộ,
Vạn vạn thiên thiên bất khẳng tu
(Tạm dịch:
Gấp gáp bộn bề khổ nhọc cầu,
Lạnh nồng đã trải mấy xuân thâu,
Sáng trưa chiều tối lo gia sự,
Mờ mịt, u mê bạc trắng đầu,
Đúng đúng, sai sai phân biện mãi,
Phiền phiền não não dễ ngừng đâu?
Một con đường chánh luôn ngời rạng,
Ngàn vạn muôn phần chẳng chịu tu!)
Đáng tiếc biết bao!
Phải biết rằng:
Nhất cú Di Đà tối phương tiện,
Bất phí công phu, bất phí tiền,
Đản giao nhất niệm vô gián đoạn,
Hà sầu bất đáo pháp vương tiền.
(Một câu Di Đà phương tiện mầu,
Nào tốn công phu, chẳng tốn xu,
Cốt sao nhất niệm đừng gián đoạn,
Sanh trước pháp vương há phải sầu?)
Hoặc có người bảo: ‘Ta nay đang lúc tráng niên, phải dốc tâm lo sự nghiệp, làm sao niệm Phật được?’ Nào có biết rằng: Sự có thành, hoại, hưng, suy, nhưng thời gian đã qua chẳng hề trở lại, tuổi trẻ khôn tìm lại, một mai vô thường xảy đến, có hối cũng muộn rồi! Cổ nhân nói:
Mạc đạo lão niên phương học đạo,
Cô phần đa thiểu thiếu niên nhân.
(Chớ bảo đến già toan học đạo,
Mồ hoang bao kẻ tuổi đầu xanh)
...Liên Trì Đại Sư nói rất hay:
‘Pháp môn Niệm Phật bất luận nam, nữ, Tăng, tục, quý, hèn, hiền, ngu, không có một ai là chẳng niệm Phật được! Nếu là người phú quý, của cải dư dả thì đúng là phải niệm Phật. Nếu là kẻ bần cùng, nhà hẹp, của ít thì càng phải nên niệm Phật. Nếu là người có con cháu, việc cúng bái tổ tiên đã có chỗ nhờ cậy thì rất nên niệm Phật. Nếu là người không con, trơ trọi một thân tự do thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai có con hiếu thuận, yên hưởng con cái phụng dưỡng thì rất nên niệm Phật. Nếu ai có con ngỗ nghịch, chẳng sanh lòng yêu thương thì thật đúng là phải niệm Phật. Nếu ai vô bịnh, thân thể khỏe mạnh thì càng phải nên niệm Phật. Nếu ai có bịnh, rất gần cơn vô thường thì càng phải nên niệm Phật. Nếu ai già cả, tháng ngày chẳng còn mấy thì càng phải nên niệm Phật. Nếu ai tuổi trẻ tinh thần sáng suốt thì thật là rất tốt để niệm Phật. Nếu ai an nhàn, tâm không bị sự gì khuấy động thì thật đúng là nên niệm Phật. Nếu là người bận rộn, được đôi lúc nhàn giữa khi bận rộn thì càng phải nên niệm Phật. Nếu là người xuất gia, tiêu dao ngoài cõi đời thì càng phải nên niệm Phật. Nếu là kẻ tại gia biết cõi đời đúng là nhà lửa thì càng phải nên niệm Phật.
Nếu ai thông minh, thông hiểu Tịnh Độ thì rất nên niệm Phật. Nếu là kẻ ngu si, thô lỗ, không làm gì khác nổi thì thật đúng là nên niệm Phật. Nếu ai trì luật mà Luật lại do Phật chế ra; vì thế, rất nên niệm Phật. Nếu ai đọc kinh thì kinh là do Phật dạy, càng phải nên niệm Phật. Nếu ai thamthiền thì do Thiền là tâm Phật nên càng phải nên niệm Phật. Nếu ai ngộ đạo thì ngộ cần phải được Phật chứng; cho nên càng phải niệm Phật.
Khuyên khắp mọi người hãy cấp bách niệm Phật. Chín phẩm vãng sanh, hoa nở thấy Phật,gặp Phật nghe Pháp, rốt ráo thành Phật mới biết rằng tâm vốn dĩ là Phật’.
Đọc lời này rồi thì còn có thể vin vào đâu để khỏi niệm Phật được chăng? Ấn Quang Đại Sư nói: “Vô thường nhanh chóng, đường luân hồi hiểm nguy, già giặn, chắc thật niệm Phật, đừng thay đổi đề mục”. Nguyện những ai nghe đến, đọc đến những lời này hãy gắng lên!”
A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI HẾT
Phật lịch 2547, ngày 30 tháng 09 năm 2003
(1) Tam đồ, bát nạn: Tam đồ hay còn gọi là Tam Ác Đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bát nạn: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trường Thọ Thiên (trong cõi trời này tâm tưởng không vận hành, không suy nghĩ, hay biết, tham đắm trong Vô Tưởng Định), sanh trong Bắc Câu Lô Châu (Uất Đan Việt, quá sung sướng nên tham đắm hưởng lạc, không nghĩ gì đến đạo pháp), điếc - đui - câm - ngọng, thế trí biện thông (thông minh lanh lợi, biện bác nhạy bén, nhưng chỉ tin kinh sách ngoại đạo, không tin nhân quả), sanh trước Phật hay sau Phật. Tám nạn này trở ngại cơ duyên gặp Phật, nghe pháp tu hành nên gọi là Nạn.
(2) Ngũ trụ: nói cho đủ là Ngũ Trụ Địa Hoặc. Tức là:
- Kiến nhất thiết xứ trụ địa: kiến hoặc trong ba cõi như thân kiến, biên kiến....
- Dục ái trụ địa: phiền não trong cõi Dục, tức là phiền não do đắm trước Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
- Sắc ái trụ địa: phiền não ở cõi Sắc do đắm trước sắc thân của chính mình.
- Hữu ái trụ địa: phiền não ở cõi Vô Sắc, tức là phiền não chấp trước do yêu mến tự thân.
- Vô minh trụ địa: tất cả vô minh trong ba cõi.
(3) Thỉ Giác trí: Phật tánh ai ai cũng sẵn có gọi là Bổn Giác Trí. Do công năng tu tập, phiền não đoạn diệt thì Phật tánh mới hiển hiện. Phật tánh được hiển hiện đó gọi là Thỉ Giác Trí.
(4) Bách giới thiên như: Theo tông Thiên Thai, có mười giới: từ ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục.. cho đến chư Phật. Trong mỗi giới lại có đủ mười giới, nên 10 x 10 = 100 giới. Trong mỗi giới lại có mười môn như thị; như thị tướng, như thị thể, như thị tánh.. (xem kinh Pháp Hoa) nên thành ra một ngàn như. Tông Thiên Thai dùng chữ “bách giới thiên như” để chỉ tất cả các pháp.
(*) Nếu ước theo Hiền kiếp, chu kỳ của cõi Sa Bà tổng cộng 80 tiểu kiếp, gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn dài 20 tiểu kiếp, phân ra như sau:
- Giai đoạn Thành: cõi đại địa, trời Lục Dục, Sơ Thiền v.v... thành lập.
- Giai đoạn Trụ: Đại địa đã thành, chúng sanh an trụ. Trong tám tiểu kiếp đầu, không có Đức Phật nào xuất thế. Trong kiếp thứ chín, khi thọ mạng giảm đến sáu vạn năm, đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế. Khi tuổi thọ giảm còn bốn vạn năm, Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế. Khi thọ mạng giảm còn hai vạn năm, Ca Diếp Phật xuất thế. Khi thọ mạng vừa đúng trăm năm, Phật Thích Ca xuất thế.
Trong đại kiếp thứ mười, khi tuổi thọ chỉ còn tám vạn năm, Đức Phật Di Lặc xuất thế. Trong bốn tiểu kiếp tiếp đó, không có Phật xuất thế. Trong kiếp thứ mười lăm, có chín trăm chín mươi bốn Đức Phật nối nhau xuất thế. Trong bốn kiếp tiếp đó, không có Phật xuất thế. Trong kiếp thứ 20, sau khi Đức Phật tối hậu là Phật Lâu Chí nhập Niết Bàn, thế giới Sa Bà bước vào Hoại kiếp.
- Giai đoạn Hoại: Hỏa tai cháy tan đến tận trời Sơ Thiền.
- Giai đoạn Không: Từ trời Sơ Thiền trở xuống, không còn gì nữa.