Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kết luận

03/09/201102:43(Xem: 9893)
Kết luận

THỰC TẠI VÀ CHÍ ĐẠO
Phổ Nguyệt, Ph.D.

KẾT LUẬN

Khi Thấy (Chánh Kiến) mọi sự vật đều giả lập, thì tiến trình tri thức đúng về cái nhận thức sai lầm của chủ khách đưa chúng ta đến giác ngộ. Nhận thức sai lầm của nhị nguyên đối đãi là nhận thức căn trần mà căn trần đều là giả lập, như đã giải thích, thì nhận thức ấy làm sao đúng. Cho nên Tánh Giác là thể nhận nơi thực tướng của sự vật. Thực tướng của sự vật là Tánh Không. Tánh Giác là Thiệt Hư Không; sự vật mà Tâm thể nhập nơi dung thể Không của nó cũng là Hư Không. Vạn vật đồng nhất thể (tâm lẫn vật) là đồng thể Không. Cho nên Tánh Giác (Biết) là trực nhận nơi thể Không của sự vật.

Chúng ta có thể thực hiện Tánh Giác bằng cách dùng Tâm (Biết do trực nhận không qua ý thức của căn trần) để BIẾT CÁI BIẾT CỦA CĂN TRẦN.

Cái biết của căn trần (chủ khách) là năng sở. Tánh biết của năng sở cũng là Tánh Không nhưng giới hạn ở các căn. Cho nên cái Biết của Tâm (Tánh Giác) là Hư Không bao la vô giới hạn hòa nhập tánh không của sự vật (Dung thể không hay tướng không của đối tượng) biến thành một khối vô phân biệt của Hư Không. Đó là thể nhập chốn tịch tĩnh y nhiên, hay thực tế mà nói, Biết cái mình biết là Tánh Giác. Biết do Tâm (Tánh Giác) cái mình biết do căn trần (chủ khách hay năng sở). Tiến trình nầy làm cho năng sở song vong. Tánh Giác vượt khỏi năng sở.

Thiền sư Duy Tín đời Tống nói: Trước ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Nay được chỗ dứt sạch ( thể nhập nơi tịch tĩnh y nhiên) thấy núi sông là núi sông.

Trước ba mươi năm chưa tu, dùng trí phân tích (thường trí) của căn trần, chủ khách thì thấy núi sông là núi sông. Sau vào tu, gặp thiện tri thức chỉ dạy thì dùng trí phân biệt (thời gian huyễn hóa sự vật) thì thấy núi sông không phải là núi sông thật như ta vừa thấy nữa. Vì trong một sát na khoảnh khắc núi sông ta đang thấy không còn thật là nó nữa, đã huyễn hóa rồi, đã thêm 1 sát na tuổi. Nhìn trên khía cạnh thời gian thì nó không còn thật là nó nữa, đã biến thái rồi. Khi thể nhập vào chốn tịch tĩnh y nhiên, tức là trực nhận nơi thực tướng của sự vật, ngay khi thấy núi sông thì Biết (nhận thức) cái mình biết là núi sông. Đó là thực Biết hay Biết cái thực tướng của núi sông.

*** Các pháp tu dùng phương tiện để hàng phục vọng tâm, triệt tiêu tất cả các vọng tưởng, nghĩa là giảm trừ các vọng tưởng cho đến đổi dường như không còn vọng tưởng, nhưng kỳ thực chỉ còn có một vọng tưởng duy nhất mà thôi đó là nhứt niệm vô minh. Tiến trình giảm trừ đến cực tiểu e # 0 (gần bằng số không, nhưng chưa phải là không).

Nhứt niệm có công năng phi thường, xuyên qua lớp mây mù dày đặc của thế giới vọng tưởng, mà đến một thế giới sáng lạng sẵn dành cho hành giả sử dụng những phương tiện tương ứng. Vì khi hành giả tập trung vào một ý tưởng hay một ý niệm nào thì ý tưởng ý niệm đó sẽ sáng tỏ vô cùng. Thế giới mà nhứt niệm đạt được như Tây Phương cực lạc, A Di Đà Vô Lượng Quang, Thiên Đàng v.v...Từ thế giới công ước đó, hành giả có đủ năng lực thể nhập vào thế giới vô phân biệt, tuyệt đối.

-- Một thí dụ về công năng của nhứt niệm mà người thế gian dùng để đạt đến mục đích nào đó của họ, đó là dùng sức mạnh của tư tưởng để nghiên cứu khoa học chẳng hạn. Còn như các pháp thiền quán tưởng, công án hay thoại đầu, ngay cả niệm Phật dùng thân khẩu ý (tay lần chuỗi, miệng niệm Phật, ý nhận ngay tánh nghe), hoặc niệm chú cũng dùng thân khẩu ý (tay bắt ấn, miệng niệm chú, ý quán tưởng) cũng là đi đến nhứt niệm. Riêng về niệm Phật và niệm chú dùng tam nghiệp tập trung đến nhứt niệm thì công năng đó mạnh mẻ phi thường, gấp ba lần với ý tưởng, vì quá kiên cố, không có kẻ hở để cho một niệm khởi nào xen vào.

--Chẳng hạn,niệm chú, theo Mật Giáo Thậm Tâm Nội Nghĩa, Những phương pháp tu tập liên quan đến việc đầu tiên là là hành giả phải chăm chú nhứt tâm nhìn vào biểu tượng cho đến khi biểu tượng có thể ảnh hiện rõ ràng và vững chắc trong tâm. Kế đến, hai tay kiết ấn Nhập vào, hành giả quán tưởng hình ảnh kia trong tâm (tại trái tim). (tr.153)

***Rõ ràng cách niệm chú chỉ là sự tập trung cao độ của thân nhãn nhĩ ý thôi. Đã trình bày trước, lục căn không có thực thể, lục trần (biểu tượng) cũng vậy, thì lục thức (ý thức) làm sao thoát khỏi đường sanh diệt. Ngay quan niệm tức thân thành Phật ngay xác thân còn sống thì không có trái lẻ vì thành Phật là giác ngộ Niết Bàn, đạt được Tánh Giác, là sự sáng suốt tuyệt đối.Tánh Giác hay Phật Tánh không sanh không diệt, chớ thân thành Phật mà còn sanh diệt vô thường, rồi ngày kia sẽ chết, làm sao gọi Thân là Phật được! Cái bất sanh bất diệt là chân lý tuyệt đối chỉ hiễn bày trong tâm giác ngộ mà thôi: Tánh Giác hay Pháp Thân hay gọi là Phật. Còn các căn hay trần (thân xác) chỉ là phương tiện (chiếc thuyền) chớ không thể trở thành Phật, (Pháp Thân, Tánh Giác, Cứu Cánh) được.

-- Một thí dụ khác, một đơn vị (a) gồm có thân xác và tinh thần như chiếc bình không cũng gồm có cái võ bình trong chứa không khí. Trong đơn vị (a) có thể nói gồm có hai thành phần khác nhau, chớ không thể nói hai thành phần ở chung cùng một đơn vị là đồng nhứt. Đồng nhứt là cùng một thể hòa hợp nhau. Nhắc lại cái bình là dụng cụ chứa không khí; khi cái bình bị vỡ (vô thường), thì không khí trong bình hòa tan vào hư không. Hư không thì không sanh không diệt bao la vô giới hạn. Cũng như thế, thân xác thì vô thường (sanh già bịnh tử), còn tâm thì bất sanh bất diệt. Do đó muốn giải thoát khỏi cảnh vô thường khổ đau phiền não của thân huyễn hóa để nắm bắt cái pháp thân bất sanh bất diệt là chỉ có tri thức đúng (giác ngộ) cái nhận thức sai lầm của căn trần chủ khách đối đãi của thế giới tương đối mà thể nhập thực tướng Niết Bàn Tuyệt Đối.

Thực tế, cái huyễn hóa không thể nghĩ bàn (không còn suy nghĩ phân biệt gì ngoài biểu tương giả lập) được tập trung cao độ đến đâu đi nữa cũng chỉ là huyễn hóa mà thôi. Tuy vậy cái huyễn hóa của biểu tượng nầy trở nên quá rõ ràng, vì sự tập trung cao độ như thế tạo thành các ý thức trùng trùng duyên khởi của chỉ một biểu tượng trong tâm; đó là ký ức quá mẫn của một tâm trạng phi thường của một chúng sanh đặc biệt.

Theo Tâm lý học, ảo giác đó quây quần trong tâm trí mãi biến thành hai hậu quả như kể ra từ trước.

--Trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, xem thần chú là một biểu tượng giả lập, phải dùng chân trí (Quán tự tại) nhận ngay thực tướng của nó. Tánh Không của thần chú hiển lộ qua quán tự tại nghĩa là dùng Tánh Giác (Thiệt Hư không) thể nhập thể không của thần chú, mới vượt khỏi mọi nhân duyên chằng chịt, khổ đau, luân hồi của thế giới tương đối.

Nói cách khác, niệm Phật, niệm chú, hay khán công án là nhằm mục đích đạt đến cứu cánh của một thực tại công ước với công năng to lớn, là quá sáng suốt, hội nhập vào thế giới vô lượng quang hay thế giới của đức Đại Nhựt Như Lai.

--Phương tiện biện minh cho cứu cánh là lịch trình nhân quả được Tâm lý học giải thích như sau:

-Ý tưởng mà một người có được về kinh nghiệm tương lai là do kinh nghiệm hiện tại của hắn dẫn đến đó.
(The idea that a person has about his future experience guides his present experiences in that direction.
(Trancewwork, p. 93)

Đó là vai trò của khả năng dự tri về kinh nghiệm. Loại quá trình nầy gọi là chu trình định hướng trong địa hạt của lý thuyết hệ thống phân loại.

*** Còn các pháp bổn Bổn như vô pháp (Tánh Giác) dường như không có pháp nào, tự nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái. Vậy điều kiện cần và đủ để đạt Tánh Giác là:
-Cần trực nhận được thực tướng sự vật (vô không gian); và
-Đủ là không bám víu vào sự vật đó (vô thời gian). Cũng giống như hàng phục vọng tâm và an trụ tâm tronh kinh Kim Cang, hay trong Bát Nhã Tâm Kinh là Sắc bất dị không, thực tại giả lập và thể không của nó là một.
Vậy muốn đạt chơn tâm, hành giả thể nhập nơi thực tướng của sự vật. Đó là chân lý tối hậu, hay chân lý tự nó, là chơn ngã, chân như, căn bản trí, trí vô sư v.v...

*** Thắp sáng hiện hữu là thường thấy rõ ràng từng khoảnh khắc hiện tại tức là trực nhận sự vật vô thời không. Khi nhận ngay nơi tánh không của sự vật là ta đã giảm trừ tất cả khoảng không gian bên ngoài của sự vật, chỉ nắm bắt ngay cái dung thể không mà sự vật chiếm cứ trong không gian. Bề ngoài mà xét, thì giảm thiểu tối đa và không còn khoảng không gian nào trống ngoài sự vật cả : vô không gian. Ngay đó (hiện hữu) ta thường thấy rõ ràng sự vật, không có quá khứ và tương lai xen vào cái Biết của ta: vô thời gian.

Trong khoảnh khắc hiện tại là kẽ hở giữa quá khứ và tương lai, nói theo thiền Dzogchen. Ta kéo dài kẻ hở đó là thiền. Thắp sáng hiện hữu là hành trình sinh hoạt bình thường với sự kéo dài cái khoảnh khắc hiện hữu ấy.

Trên đường dài của thời gian, sự vật được ta trực nhận ngay thực tướng của nó trong khoảnh khắc hiện hữu từng khoảnh khắc với từng sự vật liên tục xảy ra và mỗi sự vật được hiện quán chỉ trong một khoảnh khắc mà thôi. Vì thời gian huyễn hóa sự vật, nên Tánh giác phải thể nhập thực tướng của sự đó ở từng giai đoạn khoảnh khắc hiện quán: vô thời không hay thực tại tuyệt đối.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nắm bắt hiện hữu ở khoảnh khắc vô thời gian, thì chúng ta chỉ loại trừ các vọng tưởng.

Như ta thấy cây gậy ngay khoảnh khắc hiện quán, chỉ có cây gậy mà thôi, không có gì ngoài cây gậy, đó là triệt tiêu tất cả các vọng tưởng khác. Trong trường hợp nầy ta nắm bắt chỉ có một thực tại giả lập duy nhứt, kết quả là giải thoát tất cả mọi vọng tưởng khác ra khỏi tâm ta.

Trong tiến trình thắp sáng hiện hữu nầy, ta cần giải tỏa cả thực tại giả lập bằng giác tĩnh nghĩa là, khi ta thấy cây gậy (căn trần), thì ta Biết ta thấy cây gậy. Thường biết do thấy (năng tri) và nhận Biết là Giác. Cho nên ta thấy cây gậy Biết là cây gậy. Nói một cách khác, Thắp sáng hiện hữu, tức dùng cái thấy và nhận Biết, hoặc giả, ngay cái thấy trực nhận thực tướng(thể không) của sự vật: vô thời không.

Mặc dù trực nhận thể không của sự vật trong khoảnh khắc, là vượt khỏi thời không, chúng ta cần phải ưng vô sở trụ thì vô sở bất tại, nghĩa là không trụ vào thời không (sự vật hiện quán) là vượt khỏi thời không. Bất cứ chỗ nào trong khoảnh khắc đều nắm bắt thực tại; nên không có chỗ nào mà không có thực tại.Vậy Tánh Giác là Thiệt Hư Không nên bao la rộng khắp và vô giới hạn.

*** Thắp sáng hiện hữu là lối sống của một tâm trạng bình thường của những người biết nắm bắt thực tướng của sự vật. Nắm bắt thực tướng sự vật bao gồm cả ngũ uẩn. Những vọng tưởng hoặc cảm thọ như khổ đau vui buồn v.v... cũng phải thấy rõ ràng (chánh kiến) nó không có thực thể, từ đó giải quyết chúng theo tinh thần Trí Bát Nhã:

1). Một là dùng Trí phân tích, Sắc tức thị không,sắc chỉ là tổng hợp các chất khác (tứ đại) mà hợp thành nó. Trí phân tích là cái nhìn sự vật trong không gian với một điều kiện nào đó của thời gian. Thường sự vật được phân tích, người ta truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của nó trong quá trình hình thành. Cho nên người ta thường trở lại quá khứ để tìm dấu vết các nhân tố hợp thành. Như cái bàn trước mắt chẳng hạn, ta phả lùi lại quá khứ xem lại thành phần tạo ra nó. Nào gỗ, nào đinh, nào sơn v.v...đã dùng kỹ thuật lắp ráp lại theo hình dáng cái bàn mà ta đang thấy đây.

2). Hai là Trí phân biệt, Sắc tức thị không Sắc tức thì biến thành không thật là nó nữa theo thời gian huyễn hóa.

Cái trí phân biệt là cái nhìn sự vật theo thời gian, người ta có thể dùng hai trí trên để giải tỏa nỗi buồn niềm vui, vọng tưởng ngay khi nó khởi lên,thì nhìn xem nó như là huyễn hóa không thật.
Tri vọng hoặc tri huyễn lìa vọng hay huyễn ngay, là lối xa lìa mọi sự giả vọng rất hữu hiệu.

3). Ba là Trí vô phân biệt. Sắc không khác không.

Muốn hiển bày Tánh Giác, thì xem khổ đau hay vọng tưởng là những đối tượng hiện quán (như các sự vật giả lập), ta nên nắm bắt thực tướng cuả chúng. Cảm thọ, hay Tưởng, Thức được xem như là thực tại giả lập. Thể Không của chúng chỉ hiển lộ trong khoảnh khắc hiện tại, tức là vô thời không. Vậy khi một vọng tưởng khởi lên, ngay đó ta xem nó là huyễn hóa (Trí phân biệt) hoặc nhìn thẳng thể trong sáng của nó, tức là thể Không (Trí vô phân biệt). Tức là tri nhận nơi thực tướng của vọng tưởng (ngũ uẩn giai không), thì vọng tưởng đó làm gì ảnh hưởng đến tâm trí ta.

--Tâm trạng bình thường của một một người tu hành và một người thường thế tục thì có khác nhau.Thiền sư Huệ Hải cũng có cùng một ý trên, khi được hỏi:

-Sự tu hành của Ngài như thế nào?
Sư bảo:
-Đói thì ăn, mệt thì ngủ.
Người hỏi bảo:
-Như vậy thì Ngài giống hệt như người thế gian. Người thế gian cũng đói thì ăn, mệt thì ngủ, Ngài có gì hơn đâu?
Sư đáp:
-Người thế gian đói mà không chịu ăn, đòi trăm thứ, mệt mà không chịu ngủ nghĩ trăm việc, khác nhau ở chỗ đó.

Khi đã nhận được bản lai diện mục rồi thì sự sống cũng diễn ra thường nhật với tinh thần tĩnh giác. Tĩnh giác hòa nhập trong tất cả mọi họat động hàng ngày trong sự sống. Lúc ăn Biết ăn, lúc làm việc thì phải sáng suốt, Biết rõ ràng và Làm chu đáo công việc được giao phó, lúc mệt thì ngủ, khi niệm Phật Biết niệm Phật, khi khán công án hay thoại đầu thì Biết khán, khi niệm chú cũng vậy, dùng tam mật của thân khẩu ý của mình hòa đồng vào tam mật của đức Đại Nhựt Như Lai hay trực nhận tánh không của thân khẩu ý tức là hòa nhập vào Pháp thân Phật. Tĩnh tâm cũng vậy,thời gian yên lặng để tâm tĩnh giác vào đề mục, vào tín điều, vào phúc âm, vào niềm tin và hy vọng; ước nguyện ấy quyện thành một khối có uy lực khôn lường, thúc đẩy linh hồn chuyển hóa đến vương quốc của Thượng Đế.

*** Bình thường tâm không phải chỉ dành cho người tu hành, mà còn có thể áp dụng cho mọi người,mọi giới, mọi ngành nghề trong mọi sinh hoạt hàng ngày, khi con người đã biết Tĩnh Giác.
-Một nhân viên văn phòng hay cơ xưởng, chẳng hạn, làm việc một cách đúng đắn, có nghĩa là sử dụng khả năng thực sự của mình vào công việc với trực tâm -- trí không hư dối,tình cảm chơn thật, hành động (thẳng thắn) đạo đức. Thắp sáng cái hiện hữu, là chăm chú công việc hàng ngày, với năng xuất cao. Kết quả, thứ nhứt là mình giải thoát mọi phiền muộn của chính mình như không còn tham lam, so đo làm nhiều làm ít, suy nghĩ lương hướng của mình--là giải tỏa được tham lam vốn đem đến sân si. Thứ đến, công việc năng suất cao, tính thẳng thắn, không hư dối, gây ấn tượng tốt cho trưởng cơ quan, là giải tỏa được thành kiến của thượng cấp (chủ khách) nhìn sự sơ sót khuyết điểm của công nhân hay nhân viên. Khi một người làm việc gì mà dùng khả năngthực sự (Thắp sáng hiện hữu), tình cảm chân thành, tư tưởng trong sáng, thì mình không những giải thoát mọi phiền não do tham sân si vương vấn cho chính mình mà còn làm cho thượng cấp hay tha nhân có cái nhìn cảm phục; tức là giải tỏa mọi sự ràng buộc của thành kiến ngoại tại. Khi ta thắp sáng hiện hữu là ta đã tự giác và giác tha vậy.

*** Trong các thế giới tôn giáo, các nhà đạo học luôn luôn tìm ra phương pháp để nhận diện thực tại, nhứt là thực tại tuyệt đối, từ đó mới biết được cái đích mà hướng đến.Thấy đúng (Chánh Kiến), Nghĩ đúng (Chánh Tư Duy) cái thực tại nầy, tất phải dùng đến cái Trí. Để tránh những sơ sót sai lầm trong nhận thức, chúng ta cần phải dùng Chân Trí (Trí Bát Nhã Cứu Cánh) mới mong có hiệu quả vững chắc hầu nắm bắt cứu cánh. Hành trình đi đến Chân Nguyên, hay Thể Nhận thực tướng của vạn pháp, là Thắp Sáng Hiện Hữu, là Giải Thoát mọi ràng buộc nhân duyên chằng chịt của nhị nguyên mà đến đích ĐẠO.

Thấy được Thực Tướng của vạn hữu, duy trì cái thực tại ấy, và hành sử đúng trong mọi sinh hoạt hàng ngày, là lối Kiến Thiền Hành, Tức Khắc Khai Ngộ Hiện Đời Giải Thoát, Trực Tâm, Hiện Tại Tức Bồ Đề, Giải Thoát Tức Thì.

Đó là pháp Thắp Sáng Hiện Hữu với Tâm Bình Thường trên đường dài của cuộc sống trong tiến trình Khai Thị Ngộ Nhập Chí Đạo.

PHỤ TRANG

SỐNG ĐẠO

I.- VÀO ĐẠO
Mọi sự xung quanh luyến bởi tình
Tu hành cốt chí đặng tâm minh
An nhiên tự tại tình không động
Pháp, giới là gì hởi đạo huynh!

II. TỰ TẠO: VÔ NGẠO
Thường nhật bình tâm tức thị thiền
Công phu hé thấy cảnh linh thiêng
Hãy đừng cao ngạo cho là ngộ
Vọng thức sanh ra mối ảo thiền.

III. TỰ TRI: VÔ NGÃ
Trí tình thể dụng của tâm viên
Chấp ngã làm chi lắm lụy phiền
Tình thức lầm mê tâm tánh giả
Cái thân ngoại vật cảnh thần tiên

IV.- TỰ TẠI: VÔ NGẠI
Sự vật dịch lưu khó chận dừng
Chơn không thể nhập sống ung dung
Thức tình không lập tâm trong sáng
Vật vật, tâm tâm há ngại ngùng.

V. TINH TẤN
Huân tập dày công nghiệp thức tiêu
Hành thiền rốt ráo tự tâm điều
Sắc không, không sắc tâm vô ngại
Quả trỗ tịch về cảnh thoát siêu.

VI. BUÔNG XÃ
Ý thức ưa duyên cảnh mỹ miều
Danh tình lợi xã, ý tiêu diêu
Công phu tinh tấn tiềm năng phát
Huân tập thâm sâu tiềm thức tiêu
Thanh thản tâm tư vô thức tướng
An nhàn trí não hữu tâm điều
Trí tình giả tướng đừng tầm kiếm
Thoát kiếp luân hồi nghiệp quả tiêu.

TĨNH LẶNG
Tĩnh đi thân bình thản
Tĩnh đứng khẫu bặt lời
Lặng nằm tâm tận xã
Thoát ngồi ý lặng yên
Lặng thấy mùa xuân đến
Lặng nghe nắng hạ về
Tĩnh thức ao thu lạnh
Mặc nhìn gió đông sang

MẶC THOÁT
Nắng hạ mùa sen trổ
Thu thủy cá thảnh thơi
Hoa xuân đua sắc nở
Gió đông thổi lặng ngồi
Bốn mùa tám tiết đổi
Giếng thẳm bóng trăng soi
Một mình thanh thản sống
Mặc mặc thời gian trôi

HÀNH THIỀN
Thiền chính không có lời
Như lai tam muội hiện
Tĩnh lặng thường hành: Giải
Mặc mặc như như: Thoát

TĨNH MẶC
08- 12- 86

LÊN NÚI
Tay không chạm hư không
Chân không đạp đất không
Lên núi THẤY không mệt
BIẾT mệt ở đâu? Không!

TĨNH MẶC
_Kỷ niệm ngày 21 giêng Mậu Thìn, hẹn
cùng thầyThông Giác lên thăm thầy Sáu,
nhưng Thông Giác đã lên trước 1 ngày.

SỐNG THỰC
Dòng đời đôi mé thong dong sống.
Nẻo đạo trung không tĩnh lặng hành.
Khởi định đều không thực tướng sanh.
Không tâm không pháp tâm thanh tịnh

TĨNH MẶC
15- 2- 88

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]