Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Vài Thí Dụ về Sự Giải Thích Thiệt Tánh Giác

03/09/201102:43(Xem: 7540)
II. Vài Thí Dụ về Sự Giải Thích Thiệt Tánh Giác

THỰC TẠI VÀ CHÍ ĐẠO
Phổ Nguyệt, Ph.D.

PHẦN HAI
GIẢI THOÁT TRI KIẾN

CHƯƠNG BA
CHÍ ĐẠO

II.-VÀI THÍ DỤ VỀ SỰ GIẢI THÍCH TÁNH GIÁC

1) Trong phẩm Văn Thù Sư Lợi thăm bịnh Duy Ma Cật;
... Ngài Văn Thù Sư Lợi vào nhà ông Duy Ma Cật rồi, thấy trong nhà trống rỗng không có vật chi, chỉ có một mình ông nằm trên giường mà thôi. Khi ấy ông Duy Ma Cật chào rằng:

_Quí quá thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi mới đến! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.

Văn Thù Sư Lợi nói:

_Phải đấy, cư sĩ! Nếu đã đến thì không đến, nếu đã đi thì không đi. Vì sao? Đến không từ đâu đến, đi không đi đến đâu, hể có thấy tức là không thấy. Thôi việc đó hãy để đó...

--Tướng không đến: Tướng đến từ A 1 đế A 2 theo thời gian huyễn hóa tướng rồi. Ngay lúc đến là khoảnh khắc hiện tại ta nhìn thấy cái đến lúc đó và tại đó (một điểm ở sát na). Nên cái thấy đến thật là ở điểm đến hiện tại đó mà thôi. Còn tướng đến từ A 1 đến A 2 (quá khứ), tướng ấy đã huyễn hóa rồi, không thật. Tánh giác (thấy) đó ở trong trạng thái vô thời không. Cũng như thế, tướng đi, đi đến đâu (tương lai), cũng không thật, chỉ thấy cái đi ngay ở khoảnh khắc hiện tại. Do đó Văn Thù Sư Lợi đáp : Đã đến (quá khứ) thì cái đến không thật, đã đi thì cái đi không thật, đã thấy thì cái thấy không thật. Vì đến không từ đâu đến (không xác định), đi thì không đi đến đâu (không xác định), còn có thấy thì không còn thật thấy đối tượng đó nữa, Sắc tức thị không.

2). Cũng trong Duy Ma Cật, Phật dạy Bảo Tích:

_Bảo Tích, ông nên biết, Trực Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không dua vạy, sanh sang nước đó. Thâm Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước đó. Bồ Đề Tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát, khi chúng sanh thành Phật, chúng sanh có tâm đại thừa sanh sang nước đó ...

--Trực Tâm là tâm chơn thật, không dua dối, tâm chánh niệm chơn như. Tâm trực nhận ngay thực tướng của sự vật,là thiệt tánh giác. Ngay trong khoảnh khắc hiện tại, tâm không hư dối ấy, là tâm chánh niệm chơn như là lối thắp sáng hiện hữu. Nếu cái hiện hữu được cao thâm bền chắc, nhóm góp gieo trồng không dứt mất tất cả công đức tích lũy, thì kết quả đạt được thâm tâm. Trong thời gian miên mật thắp sáng hiện hữu ấy, đến một ngày kia, sự gieo trồng của Trực Tâm và bền vững của Thâm Tâm, thì đạo quả là Bồ Đề Tâm, Chánh Giác.

3).- Truyện nàng Bhađda ở phần trước:
Ba câu hỏi của nàng Bhađda luận tranh với Ngài Xá Lợi Phất.

Câu hỏi 2: Tôi đang nói chuyện với ai đây?

Trả lời: Người ta gọi bần đạo là Xá Lợi Phất. Hãy nghe cho kỹ đây! Giáo pháp của đức Thế Tôn Sư rọi cái rỗng không của các pháp, dẫu Tâm hay Vật, làm cho vô tự tính mọi thực tại tính, làm cho vô ngã tính mọi hữu tồn, dầu là Atman, Brahman hay Đại Ngã. Hãy nghe đây!

Giáo lý ấy không trườn uốn như con lươn, không chẻ sợi tóc ra làm tư, không kẹt trên ngôn từ rằng đây là thường rằng kia là đoạn, giáo lý ấy dành cho người tu chứng, kẻ có trí nghe ắt hiểu. Hãy nghe cho kỹ đây! Không những là Xá Lợi Phất, cái tên gọi giả danh nhằm chỉ vào cái thực, nhưng mọi cái thực ấy, dẫu là sắc thọ tưởng hành thức phải được nhìn cho rõ ràng bằng trí tuệ như thực, như chơn, là nó không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngả của ta. Này nàng Bhađda! Câu hỏi của nàng thuộc lý luận rỗng không phù phiếm, câu trả lời của bần đạo đã đặt chúng trên thực tế,chánh đạo, hãy nghe và thọ trì.

**-- Câu hỏi về Ngã nầy được Ngài Xá Lợi Phất giải nghĩa rất rõ ràng. Xá Lợi Phất là một thực tại giả lập, ngay trong nó có cái thực. Thực tướng của thân ngũ uẩn là không.Sắc không khác không.... Thể không của thân ngũ uẩn là thực tướng của nó.

- Câu hỏi 3: Này ông Sa Môn! Câu trả lời của ông chẳng phải xa lạ gì. Ta đã từng nghe những con vẹt cững đã hót lên như thế, chỉ có điều ông tự tin và vững chãi hơn, do ông có cái thực ở nơi sự tu chứng của mình. Hãy nghe đây! Bây giờ ta sẽ hỏi ngay chính nơi cái thực ấy. Hy vọng rằng ông không trườn uốn như kiểu là không phải ta không phải của ta! Hy vọng rằng ông trả lời khác, giản dị và uyên áo hơn. Hãy nghe đây! Cái thực ấy còn định luật nhân quả chi phối hay không? Còn định luật chi phối? Hãy trả lời ngay đi. Hãy trả lời đừng hủy hoại ngôn ngữ, như dao chém nước.

Xá Lợi Phất:

-Này nàng Bhađda! Nếu cái thực ấy mà còn định luật nhân quả chi phối thì cái thực ấy chỉ là khổ đau, nhiệt não, tử sanh. Nếu cái thực ấy không còn định luật nhân quả chi phối thì đồng nghĩa với hư vô, cái không thực hữu, cái vô tự tính, cái ngoang không niết bàn.

Này nàng Bhadda, hãy nghe đây! Đây là cái dao chém nước như nàng muốn. Cái thực ấy là cái sáng suốt, mặt trời đại huệ. Cái thấy từ Tâm, Trí, tư tưởng Trí mà có, từ tuệ, tuệ minh ấy nó có trong tâm của bậc giác ngộ, bậc A La Hán,kẻ đã đoạn tận lậu, hoặc giải thoát khổ đau và phiền não, này nàng Bhađda cứ thế mà thọ trì!

**- Câu nầy Xá Lợi Phất giải minh hai loại thực tại. Thực tại tương đối là thực tại giả lập hay tùy thuộc như khổ đau, nhiệt não, sanh tử v.v...đều phải bị định luật nhân quả chi phối. Còn thực tại tuyệt đối, không sanh không diệt, tự nó đầy đủ,không có gì áp đặt lên nó như hư không, vô tự tính v.v..., nên nó không bị định luật nhân quả chi phối. Thực tại tuyệt đối cũng là thiệt tánh giác (tuệ minh). Cho nên, đối với các bậc giác ngộ, bậc A La Hán, hoặc những kẻ đã giải thoát khổ đau và phiền não, hoặc kẻ có trí, thì trong tâm họ có cái sáng suốt, cái tuệ minh, cái thực tại tuyệt đối, mà cái thực tại tuyệt đối nầy không bị định luật nhân quả chi phối.

--Ta Bà Ni chợt thét lên như con thú bị tử thương: chưa thể thọ trì được! Ta chưa chấp nhận điều ấy, ông Sa Môn đại ngôn kia. Hãy nghe đây! Đây không phải là câu hỏi thứ tư mà đây chỉ là phản vấn. Ông nói rằng có cái tuệ minh, xin lỗi tôi có lầm chăng, một cái tuệ minh? Vậy thì giáo lý vô ngã, vô tự tính của đức Thế Tôn Sư của ông sẽ không còn chỗ đứng, bất khả lập, bất khả thuyết và nó đã mâu thuẫn từ tiền căn? Vậy phải trả lời làm sao cho kẻ học nữ Ta Bà khổ hạnh nầy: một giáo lý thường kiến vậy kia?

--Hãy bình tĩnh! Hãy bình tĩnh! Này nàng Bhađda đừng tự buộc mình vào những thằng thúc! Đừng bị bịt mắt trước ngọn đèn sáng suốt tự tâm. Hãy nghe đây! Cho bần đạo hỏi một câu, với một câu thôi nàng sẽ tự giải quyết cho chính mình. Câu hỏi như thế này: Cáng của ngọn đèn trước mắt nó thường hay đoạn?

--Chẳng phải thường--Nàng nghĩ--Thường sao được khi nó sinh diệt từng giây từng khắc! Chẳng phải đoạn, đoạn sao được khi nó đang hiện hữu!
Thấy nàng Bhađda im lặng, tôn giả Xá Lợi Phất tung câu hỏi thứ hai:

--Này nàng Bhađda! Thuở nàng 5 tuổi, nàng thấy một bông hoa. Thuở nàng 30 tuổi nàng thấy một bông hoa. Nàng có thay đổi dẫu cái hoa có khác, quan niệm đẹp xấu có khác, nhưng cái thấy của nàng có thay đổi không?

--Không thể thay đổi, thưa tôn giả.
--Nó chẳng phải thường không?

***- Câu nầy tả tánh thấy và cái bị thấy. Tánh thấy thường hằng bất biến, đó là năng tri. Cái bị thấy hay đối tượng là những thực tại giả lập, hay thay đổi, vô thường tức là cái sở tri.

--Câu hỏi 4: Ta muốn hiểu cái sở tri về bậc A La Hán ở nhiều phương diện khác nhau. Vị ấy làm thế nào bước ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử đang xiết chảy?

--Bước tới là lăn trôi. Dừng lại là chìm đắm. Bậc A La Hán không bước tới, không dừng lại, vị ấy ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử! Này nàng Bhađda, cái đáp số ấy thậm thâm vi diệu, vi tế, vượt ngữ ngôn vượt suy luận, dành cho kẻ trí, kẻ thâm đại pháp, dành cho kẻ tu chứng. Có lên đường ai ăn mới biết no, chứ không để cho nàng --kẻ ngoại giáo, kẻ đứng ngoài cuộc, kẻ với tri thức thuần túy --muốn dùng cái hiểu biết nông cạn, cái tự ngã kiêu căng và đa dục của mình, để nắm bắt cái siêu việt không thời gian, cái bất tử, cái chân phúc, cái niết bàn vô dục và tịch tịnh. Này nàng Bhađda! Nàng có đủ kham nhẫn tịch lặng để lắng nghe những lời như vậy không?...

****-Câu thứ tư nầy diễn tả rất thâm diệu về thiệt tánh giác trong hai giai đoạn, hàng phục vọng tâm và an trụ tâm.

Hỏi: Làm thế nào ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử đang xiết chảy?

Trả lời: Bước tới là lăn trôi. Dừng lại là chìm đắm; cho nên, không bước tới, không dừng lại ra khỏi dòng bộc lưu sanh tử đang chảy xiết.

*-Bước tới: tiến về phía trước mặt : tương lai, khoảng không gian phía trước.

Bước tới là lăn trôi theo thời gian huyễn hóa, hay lăn trôi theo trần cảnh giả lập. Bước tới là lăn trôi theo sự vật huyễn hóa, nhân duyên chằng chịt, sanh tử luân hồi khổ đau phiền não.

Không bước tới là giai đoạn đầu của nhận thức đúng đối tượng giả lập và không chạy theo những ảo tưởng tức là giải thoát được khổ đau và phiền não (phủ định những sự vật giả lập). Không bước tới là tri thức đúng được thực tại giả lập, đó là sự hiểu biết suông. Trong giai đoạn nầy chỉ thấy mọi sự giả vọng là không thật mà tránh nó đi, thì trạng thái tâm lúc bấy giờ thanh thản, không còn bận bịu, dính dáng gì đến phiền não khổ đau. Tuy nhiên, tri cũng chưa đủ mà cần phải hành. Trước tiên, khai mở đường đi đến thế giới chơn thật, thấy được con đường rồi tức là giai đoạn khai thị của tri thức. Đến giai đoạn hành, thì phải ngộ nhập như phải đi thì mới đến, ai ăn mới no. Tri thức đúng thực tại giả lập và phải thể nhập thực tướng của thực tại giả lập đó, là hai giai đoạn giác ngộ niết bàn tuyệt đối. Đó là trực nhận ngay thể không của sự vật. Sắc không khác không, Đưa tất cả thực tại giả lập vào thực tại tuyệt đối mà không còn thấy thực tại giả lập đó nữa.

* Dừng lại: Chận giòng thời gian phía sau lưng, là quá khứ. Dừng lại là trụ vào cái thực tại giả lập (quá khứ) mà chìm đắm trong vọng tưởng triền miên, trong sanh tử luân hồi của giòng sống đang xiết chảy theo thời gian không ngừng. Không dừng lại là không trụ vào quá khứ cũng như không trụ vào tất cả các chỗ, vào các thực tại giả lập mà phải xa lìa bốn tướng (Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng). Không bước tới và không dừng lại là vượt ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử.

Tương lai hay quá khứ không thể nắm bắt, bất khả đắc. Cho nên không nghĩ đến tương lai mà lăn trôi theo ảo giác, mà cũng không hồi tưởng quá khứ hay trụ vào vọng tưởng hoặc là thực tại giả lập mà phải xa lìa bốn tướng. Vô thời không là thể trạng của một sát na hiện tiền, một khoảnh khắc hiện tại, thắp sáng được cái hiện hữu ấy cũng là khai mở con đường đi đến chân nguyên. Do đó, khi chúng ta không bước tới là dứt bặt nhân duyên sanh diệt, và không dừng lại là không trụ vào cái giả lập, thì ngay đó vượt qua thời không rồi. Ngay lúc nắm bắt được cái vô thời không là giác ngộ niết bàn tuyệt đối, cũng là lúc ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử đang chảy xiết. Thực vậy, người có đi ắt có đến, người có ăn ắt có no, chớ tri thức thuần túy chỉ là hí luận mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]