Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Tôn trọng kỷ linh

01/08/201112:23(Xem: 8398)
7. Tôn trọng kỷ linh

BÀI VĂN KHUYÊN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
勸發菩提心文

Đại Sư Thật Hiền Soạn
Hòa Thượng Tuyên Hóa Lược Giảng

Chánh tông phần

VII. TÔN TRỌNG KỶ LINH

Nguyên văn:

云 何尊重己靈?謂我現前一心,直下與釋迦如來無二無別。云何世尊無量劫來,早成正覺;而我等,昏迷顛倒,尚做凡夫?又佛世尊,則具有無量神通、智慧、功德莊 嚴;而我等,則但有無量業繫、煩惱、生死纏縛?心性是一,迷悟天淵。靜言思之,豈不可恥!譬如無價寶珠,沒在淤泥,視同瓦礫,不加愛重,是故宜應以無量善 法,對治煩惱。修德有功,則性德方顯;如珠被濯,懸在高幢,洞達光明,映蔽一切。可謂不孤佛化,不負己靈。是為發菩提心第七因緣也。

Âm Hán Việt:

Vân hà tôn trọng kỷ linh? Vị ngã hiện tiền nhất tâm, trực hạ dữ Thích ca Như Lai vô nhị vô biệt. Vân hà Thế Tôn vô lượng kiếp lai, tảo thành Chánh giác, nhi ngã đẳng, hôn mê điên đảo, thượng tố phàm phu? Hựu Phật Thế Tôn, tắc cụ hữu vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm; nhi ngã đẳng, tắc đãn hữu vô lượng nghiệp hệ, phiền não, sanh tử triền phược? Tâm tánh thị nhất, mê ngộ thiên uyên. Tĩnh ngôn tư chi, khởi bất khả sỉ! Thí như vô giá bảo châu, một tại ứ nê, thị đồng ngõa lịch, bất gia ái trọng, thị cố nghi ưng dĩ vô lượng thiện pháp, đối trị phiền não. Tu đức hữu công, tắc tánh đức phương hiển; như châu bị trạc, huyền tại cao tràng, đỗng đạt quang minh, ánh tế nhất thiết. Khả vị bất cô Phật hóa, bất phụ kỷ linh. Thị vi phát Bồ đề tâm đệ thất nhân duyên dã.

Dịch:

Thế nào là trọng linh tánh của mình? Tâm hiện tiền của chúng ta cùng với đức Thích Ca Như Lai không hai không khác. Vậy mà tại sao Thế Tôn từ vô lượng kiếp đã sớm thành chánh giác, còn chúng ta thì vẫn còn là phàm phu hôn mê điên đảo. Lại nữa Đức Phật Thế Tôn thì có vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm, còn chúng ta chỉ có vô biên nghiệp chướng phiền não, sinh tử buộc ràng. Tâm tánh là một mà vì mê ngộ nên cách xa một trời một vực. Lặng đi mà nghĩ mới thấy hổ thẹn. Ví như ngọc báu vô giá vùi xuống bùn dơ mà xem như ngói gạch, không chút thương tiếc quí trọng. Vì thế hãy dùng vô lượng thiện pháp mà đối trị vô biên phiền não. Tu đức có công, thì tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không uổng công Đức Phật giáo hóa, không phụ tánh linh của mình. Đó là nhân duyên thứ bảy của sự phát Tâm Bồ đề.

Giảng:

Vân hà tôn trọng kỷ linh?Thế nào gọi là tôn trọng tánh linh của mình ? Kỷ linh cũng chính là Phật tánh ; Phật tánh cũng chính là tánh linh của chúng ta, Phật và chúng sanh không sai khác. Vậy tại sao Phật có trí huệ lớn như thế, mà chúng ta vẫn còn là ngu si mê muội như thế ? Chính vì Đức Phật tu đức có công, cho nên tánh đức mới hiển lộ ra ; đức hạnh tu hành thành tựu rồi thì trí huệ bổn tánh sẽ hiện ra. Nếu không mài giũa, tu sửa, bổn tánh tuy có nhưng sẽ không hiện ra. Như cái bàn này, vốn là từ cái cây làm ra; sau khi cây lớn lên, cưa xẻ nó thành miếng gỗ rồi làm thành cái bàn, làm một món đồ có thể sử dụng. Nhưng khi nó còn ở trên cây, ông không thể lấy cái cây cho là cái bàn, chỉ có thể nói nó là cái cây. Cái cây có thể làm đủ thứ dụng cụng, các thứ vật liệu, nhưng nếu ông không biết dùng, chỉ có thể dùng nó làm củi đốt; nếu biết dùng thì có thể chế tạo các thứ gia cụ ích dụng, muốn chế tạo thứ gì cũng được. Tánh linh của ta cũng vậy, nếu chúng ta biết dùng thì trí huệ sáng suốt sẽ hiện ra ; nếu không biết dùng, thì giống như cây đang ở đó, sau này người không nhận thức, chỉ có thể dùng nó làm củi đốt – sanh rồi lại chết, chết rồi lại sanh.

Phật giáo chúng ta sở dĩ khác với các Tôn giáo khác, là vì thần của các Tôn giáo này thì con người không thể đạt đến ; chỉ có Phật giáo, Phật là một đấng có đại trí huệ, Ngài dạy chúng ta mỗi người khai mở trí huệ, đều có thể thành Phật.

Thành Phật thì như thế nào ? chính là không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngưõ. Hỏi : "Đơn giản như thế sao ?". Ừ, đơn giản như thế ! Nếu ông thực hành được sáu đại tông chỉ thì sẽ thành Phật, chỉ sợ rằng ông không làm được. Nói tôi không tranh ! nhưng khi sự việc đến vẫn tranh như cũ ; nói tôi không tham, nhưng đến khi gặp lúc hơn thiệt vẫn là tham ; nói tôi không cầu, nhưng đến lúc cần thiết vẫn phải cầu ; nói tôi không ích kỷ, nhưng khi cảnh đến, có rất nhiều chỗ quan trọng, vẫn không buông bỏ được, nhìn không thấu suốt, vẫn là tự tư ích kỷ; nói không tự lợi nhưng vẫn là tự lợi ; lại thêm vọng ngữ ! Vọng ngữ này không cần học mà mỗi người đều biết. Như một người nào đó, bạn nói người đó vọng ngữ, người đó bèn nói, đây là lời phương tiện, phải cần nói như thế ! Bạn xem có cách gì chăng ? Vọng ngữ, họ cho rằng là phương tiện ngữ, phương tiện ngữ họ cho rằng phải nên như thế.

Vậy thì sáu đại tông chỉ này, nếu mà triệt để nhận thức, triệt để theo đó mà làm, tuy không thể nói lập tức thành Phật, nhưng ngày thành Phật không xa.

Vậy thì tôn trọng tánh linh của mình như thế nào ? Chính là cần phải tôn trọng Phật tánh của mình, không nên lãng phí chà đạp nó. Không nên đem món đồ quý giá có thể làm bàn thờ Phật mà làm củi đốt, thì một chút giá trị cũng không có. Cho nên nhân duyên thứ bảy của sự phát tâm Bồ đề chính là cần phải tôn trọng tánh linh của mình, không nên xem thường mình, cần phải tôn trọng trí huệ của mình.

Vị ngã hiện tiền nhất tâm: tánh linh của mình, cũng tức là tâm của ông. Một niệm tâm này, không phải là tâm quá khứ, cũng không phải là tâm vị lai, mà là một niệm tâm hiện tiền. Trực hạ dữ Thích ca Như Lai vô nhị vô biệt: Trực hạ, vốn nên nói là trực thượng. Trực hạ là từ nơi Phật đến chỗ chúng ta ; từ chỗ chúng ta nên nói là trực thượng. Trực thượng cùng với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có sai khác, Đức Phật đã dùng tánh linh của Ngài, dùng tâm của Ngài thành tựu Phật quả ; chúng ta cũng nên dùng tánh linh của mình, dùng tâm của mình thành Phật. Vì thế tâm của chúng ta và Phật không sai không khác, không có gì khác biệt.

Vân hà Thế Tôn vô lượng kiếp lai, tảo thành Chánh giác: Đã là như thế tại sao Đức Phật từ vô lượng kiếp đã sớm thành Phật ? "Chánh giác" cũng tức là Phật. Nhi ngã đẳng, hôn mê điên đảo, thượng tố phàm phu?Mà chúng ta vẫn còn ở đây hôn mê điên đảo, không có giác ngộ. Tại sao chúng ta chưa thành Phật vẫn còn làm phàm phu ?

Hựu Phật Thế Tôn: lại nữa Đức Phật Thế Tôn tắc cụ hữu vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêmĐức Phật có Tam thân Tứ trí, Ngũ nhãn Lục thông. Tam thân là Pháp thân, hóa thân, báo thân. Tứ trí là bốn loại trí huệ : Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí, Đại viên cảnh trí. Ngũ nhãn là Phật nhãn, Pháp nhãn, Huệ nhãn, Thiên nhãn, Nhục nhãn. Sáu loại thần thông : Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Lậu tận thông, Thần túc thông. Đức Phật có Ngũ nhãn Lục thông, Thiên nhãn thông thì có thể nhìn thấy biết tất cả mọi động tác của trời người. Thiên nhĩ thông thì có thể nghe rõ tiếng của người trời. Tha tâm thông chính là giữa đôi bên, tâm của mình có động niệm gì, không cần nói ra, Ngài cũng biết được chúng ta đang nghĩ gì. Túc mạng thông chính là kiếp trước chúng ta là bò, là ngựa, là người, làm heo, Ngài vừa nhìn liền biết ; thậm chí kiếp trước kiếp trước, đời đời kiếp kiếp về trước, bao nhiêu kiếp làm người, bao nhiêu kiếp làm ngựa, bao nhiêu đời làm lừa, bao nhiêu đời làm phi cầm, bao nhiêu kiếp làm kiến, bao nhiêu kiếp làm muỗi mòng Ngài đều biết hết. Đức Phật làm sao có được thần thông trí huệ như thế ? Vì Ngài công đức trang nghiêm, công đức viên mãn. Trang nghiêm có nghĩa là muôn vạn đức hạnh trang nghiêm thân mình.

Nhi ngã đẳng, tắc đãn hữu vô lượng nghiệp hệ, phiền não, sanh tử triền phược?Mà chúng ta vẫn còn ở đây bị nghiệp chướng buộc ràng, phiền lụy, lại có rất nhiều phiền não. Sanh rồi là chết, chết rồi lại sanh, bị trói buộc trong vòng luân hồi sanh tử, không thể nào được giải thoát, không được tự do.

Tâm tánh thị nhất, mê ngộ thiên uyên: Tâm tánh của chúng ta – tâm của Phật và tâm của chúng ta là một, tánh linh của Phật và tánh linh của chúng ta là một ; nhưng vì Đức Phật biết sử dụng, nên Ngài đã giác ngộ ; mà chúng ta vẫn còn mê muội ! cho nên nói cách xa một trời một vực. "Uyên" không phải là đất mà là vực sâu, chỗ sâu có nước, thậm chí ở phía dưới mặt đất. Tĩnh ngôn tư chi, khởi bất khả sỉ!"Tư chi" là suy nghĩ về việc đó. Đầu óc của chúng ta cần phải tỉnh táo, nghiên cứu về vấn đề này, há không hổ thẹn sao ? Đức Phật đã thành Phật, mở đại trí huệ, mà chúng ta vẫn còn ngu si điên đảo như thế, thật không đáng là bậc đại trượng phu, đại anh hùng, đại hào kiệt, cho nên chúng ta rất đáng hổ thẹn.

Thí như vô giá bảo châu, một tại ứ nê: Linh tánh của chúng ta giống như hạt bảo châu vô giá, vùi dưới bùn nhơ. Ứ nê, tức là bùn nhơ, bùn đen, thứ không có giá trị. Thị đồng ngõa lịch, bất gia ái trọng: không thương tiếc quý trọng tánh linh của mình, xem như ngói vụn gạch nát.

Thị cố nghi ưng dĩ vô lượng thiện pháp, đối trị phiền não: Cho nên cần phải dùng vô lượng thiện pháp để đối trị với vô biên phiền não. Nếu công đức thiện lành viên mãn thì sẽ được sanh lên thiên giới ; tội lỗi sai lầm tích chứa quá nhiều thì sẽ đọa địa ngục, vì thế chúng ta cần phải các việc ác không làm, làm các việc lành ; cũng tức là tu vô lượng thiện pháp, có công đức rồi thì tự nhiên phiền não không còn.

Tu đức hữu công, tắc tánh đức phương hiển: tu hành vun bồi đức hạnh, nếu có chỗ thành tựu thì linh tánh, đức hạnh của ta sẽ lộ ra ngoài, hiện ra trí huệ. Như châu bị trạc, huyền tại cao tràng: giống như hạt châu vùi trong đất bùn, ông chùi rửa nó sạch sẽ, treo trên đầu ngọn phướn cao. Đỗng đạt quang minh, ánh tế nhất thiết: thì nó sẽ chiếu sáng bốn phương, chói lấp tất cả ánh sáng khác. Khả vị bất cô Phật hóa, bất phụ kỷ linh: Làm được như thế có thể nói rằng không phụ sự giáo hóa của Phật, cũng không phụ tánh linh của mình.

Thị vi phát Bồ đề tâm đệ thất nhân duyên dã: Đây là nhân duyên thứ bảy của sự phát tâm Bồ đề, tức là tôn trọng tánh linh của mình, không nên lãng phí tánh linh của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]