Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Chương Thứ Tám

18/07/201115:14(Xem: 9959)
8. Chương Thứ Tám
TỊNH ĐỘ GIÁO KHÁI LUẬN

Nguyên tác Nhật ngữ:Vọng Nguyệt Tín Hanh

Hán dịch:Ấn Hải - Việt dịch: Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ

 

Chương thứ tám

Thích Tôn xuất hiện tại Diêm-phù và luận về Ta-bà tức Tịnh độ

Tiết thứ nhất

Thích Tôn thành Phật ở uế độ

Từ giáo lí thanh tịnh cõi nước Phật mà nói, tất cả bồ-tát ở nhân vị đều phát đại nguyện làm thanh tịnh cõi Phật thì phải tu sáu pháp ba-la-mật trang nghiêm cõi nước Phật đến khi thành Phật; cho nên thế giới chư Phật xuất hiện, đương nhiên là Tịnh độ. Vậy mà, Đức Thích Tôn lại xuất hiện tại Diêm-phù-đề (Jambudvīpa) thuộc uế độ, điều này phát sanh mâu thuẫn với giáo lí cõi nước Phật thanh tịnh. Trong kinh điển Đại thừa có lời giải thích liên quan đến phương diện này, cũng là khai thác quan điểm về Tịnh độ với một bộ mặt hoàn toàn mới.

Theo kinh Đại bát niết-bànquyển 24 ghi: Bồ-tát đều tu mười việc để làm thanh tịnh cõi nước Phật. Bồ-tát Cao Quí Đức Vương hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Ngài chỉ tu chín việc mà không tu việc thanh tịnh cõi nước Phật?

Đức Phật đáp:

- Này Cao Quí Đức Vương! Thuở xưa Ta cũng thường tu đủ mười việc này, tất cả bồ-tát và chư Phật đều tu mười việc này, ông đừng nói chư Phật xuất hiện ở thế giới chẳng thanh tịnh.

Đức Phật còn nói: “Tịnh độ của Thích Tôn tên là Vô Thắng, ở phương tây cách thế giới Ta-bà này cách bốn mươi hai Hằng hà sa cõi Phật”.

Đức Phật Thích-ca xuất hiện ở Diêm-phù là hóa thân thị hiện phương tiện độ sanh, hóa thân Ngài xuất hiện ở uế độ, báo thân ứng với nhân hạnh quá khứ thì trụ ở Tịnh độ thanh tịnh trang nghiêm. Đây là hạnh nguyện của tất cả bồ-tát đều phát khởi để làm thanh tịnh cõi nước Phật.

Nhưng trong kinh Bi hoaghi: “Tất cả bồ-tát không nhất định đều nguyện thành Phật ở Tịnh độ, có vị cầu thành Phật ở Tịnh độ, nhưng cũng có vị cầu thành Phật ở uế độ, theo ý nguyện tự do của bồ-tát”. Chí nguyện thành Phật ở Tịnh độ khi còn nhân vị, bắt đầu từ Phật A-di-đà, Quán Âm, Thế Chí, Văn-thù, A-súc v.v...Chí nguyện thành Phật ở uế độ, từ bảy vị Phật quá khứ và nghìn Đức Phật ở kiếp Hiền hiện tại; trong đó, Thích Tôn không sợ đời ác ngũ trược[1], phát năm trăm đại nguyện cứu độ chúng sanh bị phiền não sâu nặng là chí nguyện của Ngài.

Bồ-tát cầu ở Tịnh độ, nguyện thọ mạng vô lượng; nếu bồ-tát có chí nguyện, thiện tâm điều phục mọi người thanh tịnh, ở Tịnh độ làm Phật sự, nhưng không chiếu cố đến chúng sanh bị phiền não sâu nặng thì bị gọi là bồ-tát giải đãi, là trái với bản nguyện của Thích Tôn thành Phật ở uế độ. Bồ-tát tự nguyện thọ mạng ngắn ngủi, đem lòng từ bi sâu sắc giáo hóa những người xấu ác; đây gọi là bồ-tát tinh tiến, là nhấn mạnh thành Phật ở uế độ được mọi người tôn trọng hơn thành Phật ở Tịnh độ.

Trong phẩm Phápdiệt tận, kinh Đại phương đẳng đại tậpquyển 56 ghi: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni phát nguyện tối thắng, xả bỏ cõi nước thanh tịnh, thành Chính Giác ở thế giới ngũ trược nhiều đau khổ”. Đức Phật dùng sức nhân duyên đại từ bi xả bỏ tất cả cõi nước thanh tịnh trong mười phương, vì chúng sanh ác nghiệp bất thiện đã thành thục nên Ngài xuất hiện ở thế giới ngũ trược nhiều đau khổ để thành tựu Vô thượng bồ-đề. Kinh Quán Thế Âm bồ-tát thọ kí cũng ghi giống như kinh này.

Bởi vì, giáo lí thanh tịnh cõi nước Phật không phải chuẩn mực cho tất cả bồ-tát thành Phật, người nặng tâm đại bi chọn thế giới ngũ trược nhiều đau khổ để thành Phật cứu giúp chúng sanh bị phiền não sâu nặng; ý kiến này ngược lại với chủ trương cõi Phật thanh tịnh. Nhưng trong đó, lên án bồ-tát thành Phật ở Tịnh độ là bồ-tát giải đãi, cũng có thể nói là chưa nghiên cứu kĩ giáo lí của Tịnh độ, chúng ta không thể không nói cách nói này còn thiếu tính thỏa đáng. Nếu bồ-tát ở cõi Phật thanh tịnh mà không phát nguyện làm thanh tịnh cõi Phật thì làm sao tịnh hóa thế giới ngũ trược nhiều đau khổ để kiến tạo cõi Phật? Cho nên bồ-tát nguyện thành Phật ở Tịnh độ cũng không bao giờ xả bỏ chúng sanh bị phiền não sâu nặng.

Tiết thứ hai

Thuyết tâm Tịnh độ tịnh của kinh Duy-ma

Kinh Duy-makinh Pháp hoađều cho rằng Ta-bà tức là Tịnh độ. Kẻ phàm phu ngu si trong tâm bất tịnh nên thấy cõi này là bất tịnh. Nhưng lấy tri kiến của Như Lai mà nhìn thì chủ trương uế độ này tức là Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh. Như trước đã nói, trong kinh này ghi chúng ta thấy được Phật Thích-ca ở Diêm-phù-đề tức là thấy báo thân chân thật của Ngài, là cùng một ý. Đây là cách nhìn thân và cõi của Đức Phật theo quan điểm thật tướng luận.

Trước tiên nêu ra quan điểm của kinh Duy-matrongphẩm Phật quốccủa kinh này, quyển thượng, ghi Đức Phật bảo trưởng giả tử Bảo Tích: “Tùy chúng sanh đáng được điều phục mà chọn lấy cõi Phật v.v...trực tâm là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật, chúng sanh không dua nịnh thì sanh về cõi nước của Ngài. Thâm tâm là Tịnh độ của bồ-tát, khi bồ-tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức thì sanh về cõi nước của Ngài v.v...Bồ-tát nếu muốn được Tịnh độ thì phải thanh tịnh tâm mình, tâm bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh”.

Lúc đó, tôn giả Xá-lợi-phất nghe Đức Phật nói như thế liền nghi ngờ, suy nghĩ: “Nếu tâm bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước Phật thanh tịnh. Vậy khi Thế Tôn hành đạo bồ-tát, lẽ nào tâm Ngài chẳng thanh tịnh, nay cõi này vì sao chẳng thanh tịnh?”. Biết được tâm nghi ngờ của Xá-lợi-phất, Đức Phật dạy: “Này Xá-lợi-phất! Mặt trời, mặt trăng luôn chiếu ánh sáng, nhưng người mù không thể thấy được; đây là lỗi của người mù chứ không phải lỗi của mặt trời, mặt trăng. Cũng thế, vì tội nghiệp của chúng sanh nặng nề nên không thấy được cõi nước trang nghiêm thanh tịnh của Như Lai, chẳng phải lỗi của Như Lai”.

Nói xong, Đức Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, lập tức tam thiên đại thiên thế giới hiện ra trăm nghìn thứ châu báu trang nghiêm xinh đẹp giống như cõi nước vô lượng công đức trang nghiêm của Đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng đều tự thấy mình ngồi trên tòa hoa sen báu, ai nấy đều ca ngợi việc chưa từng thấy. Khi đó, Đức Phật dạy: “Này Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật của Ta thường thanh tịnh như thế, vì muốn độ chúng sanh thấp kém nên Ta thị hiện cõi chẳng thanh tịnh, có nhiều nhơ uế”.

Đoạn văn trên đã nói đại khái về quan điểm của kinh Duy-mađối với Tịnh độ.

Theo thuyết tâm thanh tịnh thì cõi nước cũng được thanh tịnh này thì đồng thời cũng nói trụ xứ của Như Lai là Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh. Chúng sanh đang ở trong tội nghiệp bất tịnh nên không thấy được cõi Phật thanh tịnh, giống như người mù không thấy được ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Kinh này lấy tôn giả Xá-lợi-phất làm đối tượng, đề cử tôn giả làm đại biểu cho kiến giải của chúng thanh văn, tức là biểu thị người Tiểu thừa không tin giáo lí cõi nước Phật thanh tịnh. Nếu thân, khẩu, ý của bồ-tát thanh tịnh thì cõi Phật trang nghiêm, cho nên hiển thị việc Thích Tôn thành Phật ở uế độ là để giải tỏa nghi ngờ cho người Tiểu thừa. Nay còn khai thị tịnh, uế không hai cho họ hiểu. Người nào còn thấy Tịnh độ và uế độ sai khác là tâm họ còn chấp trước cao thấp. Nếu y theo trí tuệ của Đức Phật quán sát thì uế độ tức là Tịnh độ, đó là nói theo lập trường thật tướng luận của Đại thừa.

Lại nữa, trong kinh này ghi tâm tịnh tức là Tịnh độ. Tịnh độ là bồ-tát tự thanh tịnh tâm mình, rồi giáo hóa người khác để họ thanh tịnh tâm họ, y theo ý này được gọi là tịnh hóa. Kinh này cùng với ý chỉ của phẩm Kiến lập, kinh Phóng quang bát-nhãđã nói ở đoạn trước cũng tương đồng. Đời sau, người học Thiền tông ở Trung Quốc lấy sự chủ quan để giải thích tâm này, ngoài tâm mình ra không có Tịnh độ nào khác, quả thật là thuyết không thỏa đáng.

Tiết thứ ba

Tịnh độ Linh sơn của kinh Pháp Hoa

Trong kinh Pháp hoalấy núi Linh Thứu làm nơi để nói kinh Pháp hoa, là Tịnh độ chân thật của Như Lai. Trong kinh này ghi: “Thế giới bị lửa thiêu đốt dữ dội, Tịnh độ của Như Lai vẫn an ổn”. Phẩm Như Lai thọ lượngkinh này, quyển 5, kệ nói:

Bởi vì độ chúng sanh

Phật thị hiện Niết-bàn

Nhưng thật không diệt độ

Thường thuyết pháp ở đây.

Chúng thấy Ta diệt độ

Rộng cúng dường xá-lợi

Ai nấy đều luyến mộ

Mà sanh lòng khát ngưỡng.

Chúng sanh đã tin phục

Ý chân thật dịu dàng

Một lòng muốn thấy Phật

Chẳng tiếc thân mạng mình.

Khi Ta và chúng Tăng

Ra khỏi núi Linh Thứu

Ta nói với chúng sanh

Thường ở đây không diệt.

Cho đến vô số kiếp

Thường ở núi Linh Thứu

Và ở các nơi khác

Chúng sanh thấy tận kiếp

Bị lửa dữ thiêu đốt

Cõi Ta đây an ổn

Trời, người thường đông đúc

Vườn rừng, các lầu gác

Nhiều loại báu trang nghiêm

Cây báu nhiều hoa trái

Chư thiên đánh trống trời

Thường trỗi các kĩ nhạc

Rải hoa mạn-đà-la

Cúng Phật và đại chúng.

Kinh này ghi, tám mươi tuổi Như Lai nhập diệt là phương tiện thị hiện, thật sự không có diệt độ; trải qua a-tăng-kì kiếp, Như Lai vẫn thường trú ở núi Linh Thứu thuyết pháp không ngừng. Chúng sanh ở thế gian thấy kiếp tận, lửa bốc cháy dữ dội thiêu sạch thế giới Ta-bà. Đức Phật vẫn bình an ở núi Linh Thứu, cho dù bên ngoài tai họa lửa dữ, nhưng vườn rừng và các lầu gác cao vót vẫn như cũ, trời, người đông đúc trỗi các thứ nhạc trời.

Trong phẩm Như Lai thọ lượng, kinh Kim quang minh tối thắng vươngquyển 1 ghi: “Ta thường ở Linh sơn thuyết giảng kinh báu này, vì thành tựu chúng sanh nên thị hiện Bát niết-bàn”.

Lại nữa, trong phẩm Như Lai bất tư nghị tính, hội Bồ-tát tạng, kinh Đại bảotíchquyển 37 ghi: “Cho dù thế giới này bị thiêu cháy sạch, Như Lai ở trong đó, hoặc kinh hành, hay đứng, nằm, ngồi; nơi đó tự nhiên sanh ra nước tám công đức”.

Luận Đại trí độquyển 3 dẫn chứng kinh Phú-lâu-na Di-đế-lệ-da-ni tửghi: “Đức Phật dạy Phú-lâu-na: ‘Nếu tai họa đến, tam thiên đại thiên thế giới bị lửa thiêu cháy sạch thì Ta vẫn thường trụ ở núi Linh Thứu này. Tất cả chúng sanh vì phiền não trói buộc nên không thấy được công đức của Phật, cho nên không thấy Ta’ ”. Cũng giống như các thuyết ở trên, núi Linh Thứu là nơi vĩnh cửu của Đức Phật.

Diệu pháp liên hoakinhưu-bà-đề-xácủa ngài Thế Thân giải thích đoạn văn này: “Lửa dữ không thể hủy hoại Tịnh độ chân thật của báo thân Như Lai, vì thuộc về đệ nhất nghĩa đế”. Các pháp tục đế thuộc về hiện tượng thì khó thoát khỏi sự phá diệt, Tịnh độ chân thật của Như Lai vượt thoát thế gian, thuộc về đệ nhất nghĩa đế; do đó, chân thân bất diệt là sự tồn tại vĩnh viễn.

Tiết thứ tư

Luận về Ta-bà tức Tịnh độ

Trong kinh Duy-maghi: “Muốn thấy được Tịnh độ thì phải tịnh tâm mình”. Người tâm tịnh thì thấy nơi nào cũng là Tịnh độ. Đức Phật biến hiện cảnh Tịnh độ nhất thời để chỉ cho tôn giả Xá-lợi-phất và mọi người nhìn thấy. Nhưng nay kinh Pháp hoađặc biệt chỉ định núi Linh Thứu, lại là trụ xứ vĩnh viễn của Như Lai, cách nói của hai kinh có chỗ bất đồng. Vì vậy, xưa nay phần nhiều cho rằng Tịnh độ theo kinh Duy-malà hóa độ biến hiện nhất thời; còn Tịnh độ theo kinh Pháp hoalà báo độ chân thật của Như Lai, nhưng cách nói này chưa thỏa đáng. Trong kinh Pháp hoacũng lấy tâm chính trực, nhu hòa mới thấy được chân thân bất diệt của Như Lai.

Lại nữa, trong kinh Phú-lâu-na Di-đế-lệ-da-ni tửghi: “Chúng sanh bị phiền não trói buộc, cho nên không thấy được thân Như Lai trụ ở Linh Thứu”.

Trong kinh Duy-maghi: “Vì chúng sanh có tội lỗi nên không thấy được cõi nước nghiêm tịnh của Như Lai”, chính là đồng với thuyết này. Nhưng người tâm tịnh thì mới có thể thấy được Tịnh độ. Lại từ tri kiến thanh tịnh của Như Lai mà nói thì cõi này khắp nơi đều là Tịnh độ. Trong kinh Duy-maghi: “Cõi nước của Ta thường thanh tịnh như vậy”, tức là hiển thị cõi này là trụ xứ vĩnh viễn của Như Lai, cùng với thuyết Như Lai thường ở núi Linh Thứu củakinh Pháp hoakhông có gì khác nhau. Đặc biệt chỉ núi Linh Thứu là vì núi này là nơi diễn ra pháp hội của kinh Pháp hoa. Trong kinh này nói có núi Linh Thứu và các nơi khác thì có thể thấy ý nói không phải chỉ một nơi. Vì thế, hai kinh Pháp hoaDuy-manói cùng một ý , đều theo lập trường khảo sát thân và độ của Phật từ thật tướng luận, tức là đối với giáo lí duyên khởi luận về cõi Phật thanh tịnh có sự khai thác lại ở một lĩnh vực rộng lớn về tân Tịnh độ.

----------------------------

[1] Ngũ trược五濁 (S: Pañca kaṣāyāḥ): Năm thứ cặn đục khởi lên trong Kiếp giảm. Đó là: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]