Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Tâm yếu bặt đối đãi không thể nghĩ bàn

20/04/201113:17(Xem: 10215)
IV. Tâm yếu bặt đối đãi không thể nghĩ bàn

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

TÂM YẾU NHÀ THIỀN

IV. TÂM YẾU BẶT ĐỐI ĐÃI KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Nó đơn giản, bình thường ngay trong chỗ sống hằng ngày nhưng lại bặt đối đãi, không thể phân biệt nghĩ bàn đến được. Vì nghĩ đến được thì nó thuộc đối tượng bị hiểu rồi. Bởi vậy khi hỏi đến chỗ cứu cánh của thiền, các Thiền sư thường im lặng,hoặc đánh hoặc hét, từ bi hơn thì các ngài nói đông nói tây, đánh lạc hướng ý thức không cho có chỗ bám.
Như Đạo Ngộ hỏi Hòa thượng Thạch Đầu:
- Thế nào là đại ý Phật pháp.
Thạch Đầu đáp:
- Chẳng được, chẳng biết.
Hỏi: Đại ý Phật pháp. Đáp: Chẳng đựơc chẳng biết. Vậy làm saohiểu? Song, đã chẳng biết sao biết trả lời là chẳng được? Cái gì đáp chẳng được, chẳng biết? Đó thật là chỗ thật khó thấy, khó nghĩ, vì dù có nghĩ cũng nghĩ không tới. Bởi nghĩ là luôn luôn nghĩ về một cái gì, tức có đối tượng để nghĩ, còn chính bản thân cái nghĩ, làm sao nghĩ? Đây là yếu chỉ quan trọng mà ít ai nhớ lại!

Lục Tổ bảo:

Ngơ ngơ chẳng tạo dữ
Ngốc ngốc chẳng làm lành
Lặng nghe dứt thấy nghe
Thênh thang tâm không dính.

Chú ý! Không làm lành nhưng cũng không tạo dữ, tức vượt qua hai đầu lành dữ, không chỗ để niệm sanh, không dấu cho quỷ xem thấy, nên nói ngơ ngơ, ngốc ngốc. Đến chỗ lặng lẽ dứt thấy nghe, không chỗ để duyên, để bám thì tâm thênh thang không bờ mé. Song dứt thấy nghe đây, không phải bảo bịt tai, bịt mắt lại không cho thấy gì, nghe gì mà chính là thấy nghe tất cả nhưng không dừng trụ ở cái bị thấy, bị nghe. Tức đi qua tất cả mà không dừng lại ở một cái gì. Được vậy thì, tâm thênh thang không có bờ mé. Trái lại vừa dừng ở một chỗ nào là bị giới hạn ngay chỗ đó. Nghĩa tâm thênh thang là như thế. Người không hiểu nghe nói thênh thang rồi tưởng tâm mình bao trùm cả vũ trụ, che lấp hết không gian, đó là tưởng thôi, lại kẹt vào tướng thênh thang, cũng thành giới hạn. Chỗ này phải người ở trong tam muội tự thọ dụng thầm biết thôi, không phải chỗ để tranh cãi, lý luận.

Như vậy, chỗ rốt ráo của tâm yếu thiền là bặt đối đãi, không thể suy tư, nghĩ bàn. Còn có đối đãi là còn chỗ suy nghĩ đến được, tức còn chỗ bị thấy, chưa phải tâm yếu. Bài pháp đầu tiên của Lục Tổ chỉ bày cho Thượng tọa Huệ Minh là: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là mặt mày xưa nay của Thượng tọa Minh?” Tức là dứt bặt niệm thiện ác, ngay đó tự sống dậy. Tuy nhiên nhiều người thường mắc kẹt ở chỗ chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chỉ dừng ngay đó cho là phải. Đây là chết chìm trong chỗ lặng lẽ, bị kẹt cứng ở chỗ không hai, không tiến lên được. Đâu biết rằng ý Tổ không phải dừng ở chỗ chẳng nghĩ thiện ác đó, mà cần phải tiến một bước nữa là xem cái gì là mặt mày xưa nay? Chưa thấu qua chỗ này thì chưa có con mắt giáo ngoại biệt truyền. Cho nên, thiền phải đi qua và đi qua tất cả là vậy, không cho dừng lại ở bất cứ cái gì!

Thiền sư Đạo Ưng sau khi tỏ ngộ bèn cất am ở Tam Phong. Có lần trải qua mười ngày Sư không đến trai đường. Động Sơn thấy bèn gặp hỏi:
- Mấy ngày nay sao không đến thọ trai?
Sư thưa:
- Mỗi ngày có thiên thần cúng dường rồi.
Động Sơn bảo:
- Ta sẽ bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải, ông rảnh chiều hãy đến đây!
Chiều Sư đến. Động Sơn gọi:
- Am chủ Ưng!
Sư đáp ngay:
- Dạ!
Động Sơn bảo:
- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, là cái gì?

Sư về am ngồi lặng lẽ, trải qua ba ngày thiên thần tìm không thấy mới thôi cúng dường.

Với người thông thường nghe đến đây đều không khỏi thắc mắc. Tại sao tu đến chỗ được thiên thần dâng cơm cúng dường là hay quá mà còn bị quở là vẫn còn kiến giải? Vậy là thế nào mới phải? Bởi vì, với người tu thiền, còn có chỗ cho thiên thần cúng dường tức còn có chỗ bị thấy, là dấu vết tâm chưa sạch, nên bị quở: “vẫn còn kiến giải”.

Đến khi ngồi yên, bặt niệm thiện ác tức không còn dấu vết tâm thì thiên thần bám vào đâu để thấy? Không còn có chỗ bị thấy, đó mới thật là tâm yếu thiền.
Bởi vậy, đối trong nhà thiền, người học còn kẹt trong niệm đối đãi hai bên là còn bị gạn lại. Như Động Sơn khi còn đi hành cước tham học, trên đường gặp bà già gánh nước, Sư đến hỏi xin nước uống. Bà già nói:

- Nước thì chẳng ngại cho uống, nhưng tôi có một câu hỏi cần hỏi qua trước: “Hãy nói nước có đủ mấy trần?”
Sư đáp:
- Chẳng đủ các trần?
Bà bảo:
- Thôi, thầy hãy đi! Chớ làm nhơ gánh nước của tôi.

Vậy Động Sơn đã làm nhơ gánh nước ở chỗ nào? Chính bà già hỏi thế là muốn gạn xem Sư có kẹt hai bên chăng? Các trần nói đủ là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Sư đáp chẳng đủ, vì nước làm sao đủ sáu trần. Không ngờ chính Sư còn kẹt trong cái thấy “đủ, chẳng đủ”. Đó là kẹt nơi trần rồi nên bà bảo: “Làm nhơ gánh nước của tôi.” Nước chỉ là nước thôi, nói gì là đủ, chẳng đủ? Vừa thấy đủ, chẳng đủ là có xen cái tôi vào trong đó nên đành phải nhịn khát ra đi! Vậy thì làm sao uống được bát nước của bà già này? Xin để dành lại cho người!

Và đây, Lâm Tế đi lễ tháp Tổ Đạt Ma, vị chủ tháp, tức người trông coi tháp bèn hỏi:

- Trưởng lão lễ Phật trước hay lễ Tổ trước?
Sư đáp:
- Phật Tổ đều chẳng lễ.
Chủ tháp hỏi:
- Phật Tổ có oan gia gì với Trưởng lão?

Sư phủi tay áo đi ra.

Ông tăng chủ tháp hỏi như thế là theo thường tình, còn kẹt trước sau thứ lớp. Gặp ngay Lâm tế là bậc mắt sáng, tự có chỗ sống vững vàng, cái thấy vượt qua đối đãi, chủ tháp không bắt theo kịp. Sư đã đánh thức ông: “Phật Tổ đều chẳng lễ” để ông tỉnh lại, vậy mà ông cứ bám chặt vào câu lỗi phải, cố hỏi thêm: “Phật Tổ có oan gia gì với Trưởng lão?” Sư đành phủi tay áo ra đi, bỏ lại một mình ông ở đó, ông còn chưa tỉnh! Giờ đây mọi người đang làm chủ tháp hay làm Lâm tế? Coi chừng mũi tên đằng sau ót!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]