Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Tâm yếu bình thường giản dị

20/04/201113:17(Xem: 9573)
III. Tâm yếu bình thường giản dị

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

TÂM YẾU NHÀ THIỀN

III. TÂM YẾU BÌNH THƯỜNG GIẢN DỊ

Sự thật tâm yếu này rất bình thường giản dị, ngay chỗ dùng hàng ngày của chúng ta đây thôi, không phải ở đâu xa. Bởi chúng ta quen sống theo ý thức, rồi tưởng tượng quá nhiều, gán cho nó đủ thứ lạ lùng kỳ bí, thành tự cách xa. Cách xa là tự cách chứ không ai xen vào trong đó.
Có vị tăng hỏi Trần Tôn Túc:
- Hằng ngày ăn cơm mặc áo làm sao khỏi được?
Sư bảo:
- Mặc áo ăn cơm.
Tăng thưa:
- Con chẳng lãnh hội.
Sư bảo:
- Chẳng lạnh hội thì ăn cơm mặc áo.
Thực là Thiền sư không nhọc công phí sức chút nào! Người học cứ muốn tìm cái gì khác lạ, phi thường ngoài cuộc sống này mới cho là quý. Nhưng có cái khác tức thành cái khác rồi. Không ngờ chỗ sống chân thật chính ngay nơi mình, ở trong mình, hằng ngày sống trong ấy, lại luôn chạy tìm. Này nhé! Nghe đánh bảng biết mặc áo đi ăn cơm, cơm dọn xong biết sớt vào bát, vào chén mà chưa qua niệm thứ hai thì đó là gì? Phật thành đạo nhưng hằng ngày vẫn đắp y, ôm bát, ăn cơm, uống nước như người, vậy trong đó cái đạo Ngài sống ở chỗ nào? Trong đây kỵ nhất là theo tiếng, theo sắc, ngay đó liền mất mình!
Có vị tăng hỏi Hòa thượng Tịnh Không đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông Việt Nam:
- Ý Tổ sư và ý kinh là đồng hay khác?
Sư đáp:
- Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.
Tăng hỏi:
- Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?
Sư đáp:
- Người thổi lửa, ta hốt gạo, ngừơi khất thực, ta ôm bát, có gì cô phụ ngươi ?
Tăng nghe liền tỉnh ngộ.
Chỗ này giống nhân duyên giữa ngài Đạo Ngộ với Sùng Tín. Sùng Tín xuất gia vói Đạo Ngô và theo hầu hạ thầy. Một hôm Sư thưa với Đạo Ngộ:
- Từ ngày con vào đây đến giờ chưa đựơc thầy chỉ dạy tâm yếu?
Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày nhà ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
Sùng Tín thưa:
- Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo Ngộ bảo:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì người mà nhận. Ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, chỗ nào chẳng dạy tâm yếu cho ngươi?
Sùng Tín cúi đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.

Ngay câu nói đó, Sùng Tín tỏ ngộ.

Vậy Sùng Tín cũng như ông tăng trên đã ngộ cái gì? Ngộ cái thổi lửa hốt gạo, khất thực ôm bát, dâng cơm cuối đầu chăng? Trong ấy, tâm yếu ở chỗ nào? Quả thực, không tâm thì cái gì biết thổi lửa hốt gạo, dâng cơm, xá chào? Tuy nhiên vừa có cái ta xen vào thiền thành mờ tối, nghi ngại! Có ta xen vào, ngay đó liền có đây kia, ta người có ta dâng cơm, ta thổi lửa, ta cúi đầu, ta xá chào v.v… Một dọc dài ta và ta và ta… còn đâu thấy tâm yếu ?

Ngay đây loại hết mọi cái ta biết sai biệt đó, chỉ còn nguyên vẹn một cái biết tinh thuần, ròng rặc xem nào! Trong đó có gì sai khác, chẳng phải? Tức là, phải trở về cái biết trước động niệm, trước khi có cái ta xen vào thì cùng Phật Tổ gặp nhau ngay torng cái xá chào, cái mặc áo, ôm bát! Chính đó là chỗ thầy trò tâm tâm in nhau, truyền trao cho nhau. Yếu chỉ thiền ngay sẵn chỗ bình thường hằng ngày ấy chớ không xa đâu.

Có vị tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:

- Con mới vào tòng lâm, xin thầy từ bi chỉ dạy.
Sư hỏi:
- Ông ăn cháo xong chưa?
Tăng thưa:
- Dạ ăn cháo xong rồi.
Sư bảo:
- Rửa chén đi!
Hãy nói Triệu Châu đã chỉ dạy cái gì? Giống như Sư chỉ nói chuyện bình thường, nhưgn chính tâm yếu thiền là ở chỗ đó! Đã ăn cháo xong thì rửa bát đi, còn chạy hỏi lăng xăng làm gì? Chính ngay chỗ ăn cháo, rửa bát mà chưa từng mê thì đó là gì? Còn đòi hỏi chỉ dạy thêm nữa sao? Bởi Triệu Châu vốn ngộ từ “tâm bình thường là đạo” nên chỗ chỉ dạy của Sư cũng rất bình thường, nhưng xác thật. Không nói lời đạo lý cao siêu, không dùng từ ngữ kiêu kỳ, không chuộng văn chương chữ nghĩa màu mè, song mỗi lời nói ra đều sáng ngời ánh sáng chân thật không thể nghĩ bàn! Với Sư thì tâm yếu hiện bày sáng ngời sờ sờ trong chỗ ăn cháo, rửa bát đó rồi. Tuy nhiên với Sư nói như thế thì được, với mọi người nói thì đó là tâm luân hồi, không phải tâm yếu. Đây là chỗ cần phải chín chắn, không thể bắt chước!

Kinh Kim Cang nói: “Như Lai là nghĩa như của các pháp.”Nghĩa là, ngay các pháp trước mắt thấy rõ tất cả đúng như nó là nó không chút sai lầm, không thêm bớt gì trong đó, thì thấy cái gì cũng Như Lai hiện tiền, cũng là Như Lai thấy. Thấy như thế thì chỗ nào cũng có thiền, không còn phân biệt kia đây. Trái lại vừa động niệm liền hết như.

Có một bà nọ đến dự một buổi thuyết giảng của Thiền sư Bạch Ẩn và được nghe Sư bảo rằng: “Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Đức Phật torng mỗi chúng sanh: Một khi đức Phật xuất hiện, mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận được điều này, phải phản quan tự kỷ, đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức độ tịnh, thì làm sao để trang nghiêm tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?

Nghe xong, bà nghĩ: “Điều đó không quá khó.” Trở về nhà, bà bắt đầu quán chiếu suốt ngày đêm, đeo đuổi mãi trong tâm dù ngủ hay thức.

Rồi một hôm khi đang rửa nồi, bà thình lình tỏ ngộ. Ném cái nồi qua một bên, bà đến gặp Bạch Ẩn, bà nói:
- Tôi bỗng gặp đức Phật trong thân tôi. Mọi vật rạng ngời ánh sáng. Thật kỳ diệu! Kỳ diệu!
Bà hết sức vui mừng. Ngay đó Bạch Ẩn liền bảo:
- Bà nói như thế nhưng còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng không?
Bà bước lên đấm vào Bạch Ẩn nói:
- Ông già này chưa ngộ.

Bạch Ẩn cười to.

Với người đã thật ngộ thì luôn luôn sáng ngời, thấy cái gì cũng sáng, thấy hầm phân cũng sáng. Nếu nghe đến hầm phân liền nghĩ nhơ nhớp làm sao sáng, thì bị đuổi ra khỏi cửa, chưa phải thứ thiệt. Bà này đã thực có chỗ sống, không bị ngôn ngữ bên ngoài che mờ, nghe nói đã thấu qua ý Bạch Ẩn ngay nên thoi Bạch Ẩn nói: “Ông già này chưa ngộ.” Đó là chứng minh chỗ thấy của mình rõ ràng không nghi ngờ. Chính đây là cách trình kiến giải khéo, người bên ngoài không hiểu, tưởng bà chê bai Bạch Ẩn là lầm!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]