Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 16: Xả Ly Ái Dục

25/03/201101:36(Xem: 7477)
Chương 16: Xả Ly Ái Dục

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 16
XẢ LY ÁI DỤC

Thưa đại chúng,
Xã ly ái dục là chủ đề của chương mười sáu nầy.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Nhân hoài ái dục bất kiến đạo giả. Thí như trừng thủy, trí thủ lãm chi. Chúng nhân cộng lâm, vô hữu đỗ kỳ ảnh giả. Nhân dĩ ái dục giao thác, tâm trung trược hưng, cố bất kiến đạo. Nhữ đẳng Sa Môn, đương xả ái dục. Ái dục cấu tận, đạo khả kiến hỷ.”

Đức Phật dạy: “Người giữ ái dục trong lòng thì không thấy được đạo. Thí dụ như nước trong bị khuấy động, người ta đến soi không thấy bóng của mình. Người bị ái dục khuấy động tâm ô nhiễm nổi lên nên không thấy được Đạo. Các thầy Sa môn cần phải xả ly ái dục. Ái dục hết rồi, mới có thể thấy Đạo được.”

B. ĐẠI Ý.

Chương nầy Phật nói đến người muốn thấy được Đạo trước tiên phải xả ly ái dục.

C. NỘI DUNG.

1. Những tầng sâu cạn.

Chúng ta phải lưu ý đến hai chữ “ái dục.” Hai từ nầy có phần cạn và phần sâu của nó. Dục là phần cạn, ái là phần sâu.

Dục là những đam mê mang tính chất vật lý bên ngoài. Ái là thứ vướng mắc, đam mê phát sinh từ cảm thọ, ý thức và nghiệp lực. Người ta thường dùng hai từ tình dục để chỉ cho ái dục. Tuy nhiên, tình dục thiên trọng vật lý, còn tình ái thuộc dạng tinh thần bên trong.

Thông thường từ dục hay đi đôi với nhiều từ khác như dục ái, dục nhiễm, dục lậu. Người tu chúng ta khi xả ly đời sống thế tục, sống độc thân là chỉ xả ly ái dục ở mức độ cạn, ở mức thâm sâu hơn chúng ta phải xả ly ái từ bên trong, tức là nguồn phát sinh ra dục. “Dục phát sinh từ tâm.” Ví dụ như ý thức của chúng ta còn đen tối, còn u ám, niềm đam mê còn có mặt bên trong thì dù ta có lên non cao hay núi vắng, cách ly với con người nhưng dục niệm, ái niệm vẫn còn. Và dục có thể hết, nhưng ái trong tâm thức tuổi già vẫn chưa hết. Dù cho đến khi sức khỏe suy kiệt, năng lực dục không còn nhưng ái tâm người ta vẫn còn. Điều nầy được thể hiện ra nhiều mặt, có khi không có hành động dục nhưng mà họ lại có ý tưởng dục. Chúng ta thường thấy có những người già, người lớn tuổi tâm thức còn nhiều ô uế nên họ hay có khuynh hướng nói về dục. Đó cũng là một dạng tâm thức rất dục. Cho nên chúng ta đừng nghĩ rằng cách ly nhân gian, sống đời sống cô quạnh mà loại trừ được bản chất của dục dễ dàng.

Điều đầu tiên, tại sao khó? Thưa, chúng ta nên hiểu sức mạnh của dục rất mãnh liệt. Tất cả mọi sinh vật hữu tình trên cuộc đời nầy được hình thành từ năng lượng dục, cho nên nó là một loại năng lượng tự hữu cho tất cả những dòng sinh mạng. Bản chất nó là sự sống, làm cho sự sống kéo dài và kế thừa. Vì vậy, tự thân con người khi hình thành sinh mạng thì bản chất là dục; trừ khi chúng ta chấm dứt dòng sinh mạng nầy thì bản chất dục mới bị cắt đứt.

Chúng ta cứ đi loanh quanh, lăn đi, lộn lại trong cõi nhân gian là do ý dục làm chủ để có mặt trong cuộc đời. Chỉ có những bậc Thánh vì bản nguyện tái sanh thì họ mới không đi vào con đường của dục tưởng. Họ thọ sinh lại trong nhân gian, khi đến họ biết họ đến, và khi xuất hiện trên cuộc đời họ có thể nhớ được quá khứ. Chúng ta không biết gì đến quá khứ vì khởi dục niệm mà tái sinh lại trong ba cõi sáu đường, nên năng lượng tự hữu của chúng ta là năng lượng dục.

2. “Ta sẽ làm gì với năng lượng tự hữu.”

Nhìn lại trong bốn mươi hai chương Kinh của Phật dạy, chúng ta thấy vấn đề ái dục rất là nghiêm trọng. Có đến mười sáu chương trong bốn mươi hai chương Đức Phật đã nói đến dục và liên hệ đến dục. Ngài đặc biệt nói đến thảm họa của ái dục và căn dặn các vị Sa môn phát tâm đi vào con đường tâm linh thì phải cẩn trọng. Mười sáu chương Kinh chiếm hơn một phần ba trong nội dung một quyển Kinh rất mỏng, đủ thấy các bậc Thầy ngày xưa đặc biệt lưu ý vấn đề nầy.

Tôi muốn chia xẻ thêm cùng quí vị về năng lượng dục nầy rõ hơn để thấy sự nghiêm trọng của nó. Năng lượng dục nầy có hai mặt. Một mặt tích cực, và một mặt tiêu cực. Ví dụ Đức Phật nói người mang lòng ái dục thì không thấy được đạo, như người ta lóng nước mà cứ lấy tay khuấy lên hoài, nên soi vào mà không thấy được hình mình trên mặt nước. Đó là mặt tiêu cực của dục. Nhưng năng lượng dục nầy tạo thành sức mạnh đam mê cho sự sống phát triển và tồn tại. Một người mà tự thân năng lực sống không có, niềm đam mê ít thì mọi lãnh vực họ không thể phát triển được. Họ học, họ làm một cách uể oải, họ tu họ cũng uể oải, cho nên nhìn vào năng lượng bên trong hình hài ta thấy có hai sắc thái của tự thân dục.

Ở bình diện đạo mà nhìn thì nó có tính chất hủy phá con đường tu của chúng ta, nếu chúng ta không khéo chuyển hóa thì sức quậy phá của nó làm trở ngại lớn trong công phu hành trì. Nhưng nhìn ngược lại, nếu không có năng lượng dục từ bên trong thúc đẩy thì chúng ta cũng không có niềm đam mê trong sự tu tập, học hỏi, không có đam mê trong sự sáng tạo để đóng góp gì cả. Con người mà không có năng lượng dục bên trong thì gần như một người không có hồn, không có sức sống. Cho nên nếu đứng ở bình diện tu tập, phát triển đời sống tâm linh mà nhìn thì nó quả là tiêu cực. Nhưng nếu nhìn từ lãnh vực sáng tạo thì nó là một năng lượng rất tích cực. Nó tặng cho người nghệ sĩ niềm đam mê của sự sáng tạo.

Ở bình diện nghệ thuật hội họa... người nghệ sĩ mà thiếu vắng năng lượng dục phong phú thì khó có thể hình thành được một tác phẩm nghệ thuật lớn, có giá trị. Thông thường đa tài đi đôi với đa tình (những văn, thi sĩ, tài tử, minh tinh màn bạc...), nếu không khéo giữ gìn thì hai điều đó sẽ phát triển thuận chiều với nhau. Trong tinh thần đạo Phật và Đông phương thì người ta thường khống chế xem là thù địch cần phải loại trừ. Nhưng với tinh thần của người Tây phương họ không đặt nặng vấn đề dục nầy, nên họ có khuynh hướng buông lỏng. Khi đã buông lỏng thì sẽ gây sự tác hại rất lớn trên bình diện xã hội, đạo đức. Người ta xem thường nó thì làm đổ vỡ cấu trúc đời sống gia đình. Đó là hai mặt tích cực và tiêu cực của dục trong đời sống.

Chúng ta nên nhớ một điều, dục là một loại đam mê rất mạnh, nhưng chỉ là thứ lửa rơm bùng cháy và tàn lụi cũng rất nhanh. Dục chỉ là cái xác, nhưng ái mới quan trọng; ái là cái hồn. Dục trên mặt vật lý là phần thô diệt trừ không khó. Nhưng tính chất của ái nằm sâu bên trong tâm thức, diệt trừ nó mới khó. Ví dụ trong đời sống thế nhân, quan hệ nam và nữ nếu có chỉ đơn thuần giữa hai hình hài thể xác, đó là một loại dục chứ không phải tình yêu. Họ bỏ nhau rất dễ, và người ta cũng có thể bỏ tiền ra mua dục rất dễ. Thế nhưng bên sau của dục nếu kèm theo tình yêu tức có ái đi vào thì người ta không thể bỏ nhau được. Và nỗi khổ của con người phát sinh từ ái. Cho nên ta gọi dục là tầng cạn của vật lý, ái là tầng sâu của tâm thức. Hai điều nầy khác nhau.

Đối với người tu chúng ta, mặt cạn của dục ta loại trừ rất dễ. Chúng ta sống đời sống độc cư, thiền tịnh, xa phố chợ, sống trong khuôn khổ giới pháp của Phật chế dĩ nhiên sống độc thân là đã cắt ly được dục. Thế nhưng điều tôi muốn nói ở đây cắt ly được ái mới quan trọng, mới là khó.

Như tôi đã chia xẻ, tự thân dục là nền tảng của sự sống, của dòng sinh mạng. Nếu chúng ta cắt nó, triệt tiêu nó cũng có nghĩa là triệt tiêu sự sống của chính mình, đó là điều khó. Hơn nữa, ái là bản chất nằm tiềm phục trong ta nhiều đời chứ không phải một đời. Nó phát triển ra rất nhiều mặt chứ không phải chỉ ở trong quan hệ nam nữ không thôi. Mặt thô nhất là quan hệ nam nữ thương nhau gọi là ái. Mặt tinh vi hơn là trong những thứ tình, có thứ tình mang tính chất tôn giáo được nâng cao như tình thương thầy trò. Nếu chưa đạt được tâm đại bi thì trong bản chất của sự thương yêu ấy vương một chút ái bên trong.

Trong tình thương của mẹ con, cha con cũng còn một chút ái bên trong, chứ không phải thuần trong sạch. Mọi lãnh vực thi ca, văn học, nghệ thuật ca ngợi tình mẹ cha, tình yêu quê hương, dân tộc... tất cả đều mang chữ tình đi vào, đều mang ít nhiều chất ái, nhưng có điều khác nhau tùy mức độ đậm nhạt mà thôi.

Ở bình diện cạn hơn, trong mọi lãnh vực yêu thương của thế nhân, kể cả trong tôn giáo đều có ít nhiều chất ái hoặc đậm, hoặc nhạt. Như thế để chúng ta thấy được cấp độ sâu cạn của ái dục. Cho nên “ái dục đoạn tận, đạo khả kiến hỷ.” là đoạn đến chỗ tột cùng chứ không phải chỉ cắt đứt ở mức độ cạn.

3. Từng bước thực tập xả ly.

“Con người bị ái dục đan xen khuấy động trong tâm thức, nhiễm ô luôn sinh khởi không ngừng cho nên không bao giờ thấy được Đạo”.

Câu Kinh trên cho chúng ta biết, trước nhất nên nhận diện những tác hại của ái dục đối với người tu. Con đường thực tập của chúng ta là con đường Thiền quán, mà ký ức của tâm thức ta có công năng tái hiện những diễn cảnh như thật. Do vậy nếu ta không khéo phòng hộ thân tâm; mắt ta xem phim ảnh kích dục, đọc những truyện, nghe những lời nói có tác dụng kích thích sự khát thèm sẽ làm cho tâm ta đi về hướng ái dục. Khi công phu, hành trì lập tức những ký ức từ quá khứ tràn về, chúng ta khó yên, khó nhiếp tâm trong thiền định. Một bài nhạc hay, một chuyện tình dễ thương, một hình ảnh đẹp... là đủ lôi kéo ta đi về hướng tiêu cực làm công phu của ta khó có kết quả. Cho nên trong pháp quy của Già lam cấm chúng ta tiếp xúc với những gì làm tổn thương tâm thức. Chúng ta nên cẩn trọng.

Điều tác hại hơn nữa của ái dục đối với người thực tập, là khả năng của quá khứ đã được huân tập bởi những hạt giống nằm rất sâu bên trong tâm thức tràn về. Khi tu tập, tâm ta có một chút thanh tịnh, yên lắng thì tức khắc hình ảnh bất tận của quá khứ liên tục kéo đến, khuấy động. Và hai phần ái dục từ mức độ cạn là những hình ảnh ta vừa nhập khẩu, và mức thâm sâu là đời sống quá khứ đã tích chứa từ lâu trong tâm thức là trở ngại lớn đối với người thực tập như chúng ta.

Thưa quí vị, trong hiện tại chúng ta không thông minh phòng hộ thân tâm thì khi tiếp xúc với một người, một sự kiện bằng mắt, bằng tai chúng ta liền khởi những ý niệm, những tư duy mang tính chất, khuynh hướng đi vào chiều ái dục. Như vậy trong công phu thiền tập chúng ta khó nhiếp tâm. Và nếu cứ như thế, trên con đường tu của chúng ta sẽ không đi đến đâu cho dù chúng ta có cố gắng cũng không thể đạt được niềm an lạc.

Năng lực quá khứ và năng lực hiện tại tạo một lực đẩy ta đến hướng tưởng tượng tương lai thế nầy, thế nọ rất tiêu cực, phá hoại công phu tu tập của chúng ta nên an trú được nơi niệm tỉnh giác rất khó.

Có câu chuyện về cháu của Ngài Tăng Hộ xuất gia lúc còn rất trẻ, và được theo hầu chú của mình. Ông rất thương Ngài Tăng Hộ, nhưng sau khi bị chú của mình từ chối không nhận xấp vải quí do mình cúng dường để may Cà sa, ông buồn và thất vọng vì nghĩ ngoài tình thầy trò, mình còn có tình chú cháu. Nhưng nay chú mình không nhận, thì còn tình nghĩa gì nữa, thôi ta về, không tu nữa. Và ông cứ lan man nghĩ tưởng: sau khi bỏ tu đi ra đời, ta còn trẻ không biết phải làm gì đây? Thôi thì mua gà con nuôi, gà lớn đẻ ra bầy gà, đem bán gà mua dê, bán dê mua bò, xong bán bò tậu cửa, tậu nhà cưới vợ sinh con... rồi sẽ đem vợ con đi thăm ông chú. Trên đường đi bà vợ hư quá, nên ông cốc vào đầu vợ. Nhưng khi cốc vào đầu cô vợ chính là lúc ông đánh vào đầu chú của mình. (lúc đó ông đang đứng quạt hầu Ngài Tăng Hộ, vì trí tưởng tượng thúc đẩy, ông đã dùng cán quạt gõ lên đầu chú của mình.).

Câu chuyện vui cho ta thấy một điều rất rõ là sức mạnh tưởng tượng do niềm yêu, ghét thúc đẩy sẽ đưa ta đi rất xa. Và hiện tại khi tiếp xúc với bên ngoài cùng huân tập thêm những nghiệp gần hoặc xa đối với ái dục nữa thì tâm thức ta không yên, khởi ý có khuynh hướng xuôi mình về đường ái dục. Quý vị nên lưu ý, nguồn của ái rất là sâu và nghiệp ái rất đậm, rất mạnh.

Thưa đại chúng, trong công phu thực tập chúng ta nên biết là điều gì mà ta đặc biệt lưu ý, muốn loại trừ, khống chế, tiêu diệt lập tức bên trong một lực đối kháng rất mạnh trổi dậy, đứng lên quậy phá lại ta. Thông thường chúng ta hay lầm lẫn trong phương pháp thực tập là hay gieo vào tâm thức mình một chương trình đề phòng, lánh xa, diệt trừ... Hãy cẩn thận, vì ngay những điều mình muốn loại trừ sẽ quay lại chống phá mình mạnh nhất so với những điều khác.

Tất cả những gì áp dụng cho phương pháp thực tập mang đặc tính trấn ngự, loại trừ, hủy diệt, bạo động đều thất bại. Trong thiền định cũng vậy.

Điều tai hại thứ nhất là tác hại cho thân, ảnh hưởng đến cơ thể vật lý: căng thẳng thần kinh, nhức đầu, loét bao tử... không thể nào có lợi ích, thành tựu như ý muốn.

Điều tác hại thứ hai là trạng thái tâm lý của ta biến chứng rất khó chịu. Ở nam giới thì càng già tâm thức càng kỳ thị, ganh tị, cay cú có khi đi về hướng khẩu dục và tâm dục rất mạnh. Ở nữ giới thì càng già tâm thức càng cay nghiệt, gắt gỏng nên bao nhiêu dễ thương, hiền dịu, tươi mát biến mất.

Dĩ nhiên điều chúng ta nên tránh là tác nhân và tác duyên. Những tác nhân và tác duyên sinh khởi ái dục nầy khi hội tụ đủ sẽ tạo thành một cơn bão. Những tác nhân, tác duyên nầy đôi khi rất nhỏ, chỉ là những liên hệ bình thường trong đạo, trong tình thầy trò; như cúng dường một chiếc y, một chai dầu hay được tặng cho một điện thoại di động... nhưng nếu không khéo giữ gìn sẽ dẫn ta vào con đường trần thế lúc nào không hay. Chúng ta hãy nhớ tránh những tác nhân và tác duyên.

Chúng ta có thể tránh được những tác nhân, tác duyên trong sự thực tập, tạo được môi trường thanh tịnh để tu nhưng tất cả điều kiện tốt lành đó chưa đủ bảo đảm đời sống phạm hạnh của chúng ta trọn vẹn. Tại sao? Thưa, tại vì ái ở bên trong tâm thức chứ không ở bên ngoài.

Bên trong tâm thức nếu tĩnh lặng, trong sáng, ta làm chủ được ta thì dù bên ngoài người ta có đem đủ thứ dục lạc trần gian quyến rũ cũng không thể nào lay động chúng ta được. Nếu bên trong chúng ta vẫn còn tham đắm ngũ dục, lục trần rất mạnh thì bên ngoài dù không có môi trường dẫn dắt vào ngõ thế gian, chúng ta cũng tìm cách đi vào.

Cho nên vấn đề chúng ta thực tập cực kỳ quan trọng, không phải là bên ngoài của giới luật, qui chế Già lam đặt ra hay sự giám thị của vị thầy, mà đầu nguồn của sự thực tập là làm thế nào nhận diện được từng cảm thọ, làm chủ được những tiếng thì thầm bên trong. Ta làm chủ tiếng thì thầm bên trong tức ta có được Định, nếm được hương vị của pháp thực tập Thiền, phát sanh được Tuệ bấy giờ đời sống của ta trong sạch, tươi mát và giàu có. Tự nhiên năng lực của ái dục không còn sức mạnh để lôi ta đi bất cứ con đường nào khác.

4. Hoa trái của sự thực tập.

Trong vấn đề tu tập, nếu chúng ta thực tập ly dục được, tâm ta trong sáng, định tĩnh thì khả năng đầu tiên là làm cho Phật tử phát sinh sự yêu mến Đạo rất dễ, tự nhiên đến với mình người ta có niềm tin ngay. Nếu họ đến với chúng ta mà tâm mình nặng chĩu, mắt nhìn còn đam mê, khả năng ăn nói của chúng ta biểu lộ chất ái vẫn còn thì người ta nhận biết, và đề kháng ngay. Trong trần gian nầy, sự cảm nhận về ái dục là cảm nhận tinh nhạy nhất.

Thưa quí vị, hoa trái của sự thực tập ly dục nầy hiến tặng cho người tu sự thanh khiết, trong sáng khi đối nhân, tiếp cảnh. Khi xử sự với người, khi hoằng pháp, lợi sinh làm cho niềm tin tín đồ phát sinh đối với Tam Bảo rất vững chắc.

Khi chúng ta đã ly ái dục rồi, đối với tự thân ta sẽ là người thảnh thơi, không gian của tâm mình thênh thang bát ngát. Lòng ta không còn vướng mắc với bất cứ ai thì chúng ta tiếp xúc với người rất an bình, lòng mênh mông bình đẳng không cần phải lo lắng, đề phòng gì cả.

Sâu hơn nữa, hoa trái sự ly dục tặng cho chúng ta món quà tuyệt vời là chúng ta nắm được phương pháp thực tập nhẹ nhàng mà hiệu quả, cắt đứt lời nói thì thầm của tâm thức, triệt tiêu đầu nguồn ái dục, cắt luôn con đường sinh tử, luân hồi nắm được vận mệnh của mình trong lòng bàn tay. Đến và đi trong nhân gian theo nguyện chứ không theo nghiệp. Muốn thọ sinh thì thọ sinh lại, còn không thì ngay đây tan biến vào bản thể chân như.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại để quí vị lưu ý. Tâm thức chúng ta là tâm thức nghìn đời được nuôi lớn trong ái dục. Và giềng mối của thân mạng nầy, sợi dây xuyên kết cuộc sống chúng ta qua nhiều kiếp là ái dục. Khả năng của ái dục cực kỳ mạnh, người tu chúng ta phải cẩn trọng với năng lực nầy. Năng lực nầy chỉ có thể chuyển hóa mà không thể tiêu diệt. Nó là bản chất của sự sống và con đường chuyển hóa hay nhất là làm cho dòng suối ái dục chảy về hướng tích cực, mời gọi sự nhận biết luôn có mặt để nhận diện từng cảm thọ, và cuối cùng tắt được tiếng nói thì thầm trong tâm thức. Chỉ có cách nầy chúng ta mới xả ly ái dục từ cạn vào đến chốn thâm sâu nhất.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567