Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 09: Bác Học Ða Văn

25/03/201101:36(Xem: 8479)
Chương 09: Bác Học Ða Văn

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
HT Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG 9
BÁC HỌC ĐA VĂN

Thưa đại chúng,
Đây là chương ngắn nhất trong Bốn Mươi Hai Chương Kinh. Trừ hai chữ Phật ngôn, chúng ta có hai câu Kinh chỉ mười sáu chữ.

A. CHÁNH VĂN.

Phật ngôn: “Bác văn ái Đạo, Đạo tất nan hội. Thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại.”

Đức Phật dạy:rộng học, nhiều nghe yêu mến Đạo, Đạo ắt khó thể nhập. Giữ chí và sống được với đạo thì mới có thể thành tựu được quả vị, thành tựu an lạc, thành tựu hạnh phúc và Niết Bàn.”

B. ĐẠI Ý.

Đại ý của hai câu nầy là hãy sống với Đạo. Hai từ “bác văn” có nghĩa là bác học và đa văn tức học rộng nghe nhiều.

C. NỘI DUNG.

1. Học rộng nghe nhiều và thể hội đạo.

Trong quá khứ chúng ta đã biết có một đệ tử của Phật rất giỏi là Ngài A Nan. Kinh văn đã mô tả Ngài là một người có năng lực kỳ vĩ, lời của Đức Phật nói ra bao nhiêu ông nhớ bấy nhiêu, như nước từ bình nầy rót qua bình kia không rơi rớt ra ngoài một giọt, và theo văn học Đại thừa thì Ngài chứng quả A La Hán rất muộn dù Ngài là người có những điều kiện tốt lành nhất so với những vị khác; cận kề bên Đức Thế Tôn nhiều hơn ai hết và lại là người cực kỳ thông minh.

Nếu đọc Đại Trí Độ luận chúng ta thấy sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, Ngài Ca Diếp vân tập đại chúng để kiết tập kinh điển, người đầu tiên mà Ngài Ca Diếp chọn để trùng tuyên lại tam tạng Thánh điển của Phật không phải là Ngài A Nan mà là Tôn giả Kiều phạm Ba Đề.

Vị A La Hán nầy không trụ ở nhân gian, ông đang thảnh thơi thiền hành trên thiên giới. Khi Ngài Ca Diếp sai một vị tỳ kheo có thần thông lên thỉnh ông trở về hang Tất Bát La để kiết tập Thánh điển của Đức Thế Tôn thì ông nói: “Sư huynh của ta, tướng quân chánh pháp là Ngài xá Lợi Phất đâu các ông không thỉnh?” Vị tỳ kheo trả lời: “Thưa Tôn giả, Ngài Xá Lợi Phất đã Niết Bàn trước Đức Thế Tôn.” Kiều phạm Ba Đề liền bảo: “Còn vị sư huynh đại thần thông của ta là Mục Kiền Liên Đâu?” Vị tăng thưa: “Ngài Mục Kiền Liên cũng đã nhập Niết Bàn trước Ngài Xá Lợi Phất.” “Ồ, vậy Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, các vị Sư huynh của ta đã vào Niết Bàn thì ta cũng vào Niết Bàn. Thôi ông hãy về đi.” Thế là Tôn giả không còn thiết tha gì đến kiết tập kinh điển, bay lên hư không phóng hỏa quang tam muội tức phóng năng lực tam muội từ bên trong thân ra, tự thiêu cháy mình biến thành tro tung giữa hư không và vào Niết Bàn.

Cũng trong cuộc vân tập năm trăm Thánh tăng tại hang Tất Bát La, kiết tập Tam tạng lần đầu Ngài Ca Diếp đã không cho A Nan vào. Tuy chỉ có bốn trăn chín mươi chín người, còn thiếu một người nhưng Ngài Ca Diếp nói Thánh giáo của Đức Phật người muốn trùng tuyên tụng đọc phải là người dứt sạch lậu hoặc, không còn phiền não, không còn những hoặc nghiệp của tâm thức dù là những hoặc nghiệp vi tế. Thầy A Nan là người còn lậu hoặc, chưa chứng được quả A La Hán nên không được phép vào đây, ông phải ra ngoài.

Sau khi ra ngoài, Ngài Ca Diếp nói: “Ông có bảy lỗi, ông có biết không? Thứ nhất, ông đã dặm lên y Tăng già lê của Đức Thế Tôn trong lần ông giặt và phơi y.” A Nanthưa: “Bạch sư huynh, lúc đó gió lớn quá không có ai giúp, chỉ một mình nên em xếp y không được, em lỡ dặm lên chứ nào có cố tình đâu.” Ca Diếp bảo: “Chưtăng trong tinh xá Kỳ Viên rất đông, tại sao ông không mời một vị. Ông đã vô lễ khi xếp Tăng già lê của Đức Thế Tôn. Cái áo của Đức Thế Tôn là hiện thân của Ngài, ông dặm lên chéo y là cũng đủ nói lên tội thất kính Đức Đạo sư rồi.”

“Thứ hai, trên con đường từ Vesali đến Ta La Song Thọ ở Câu Thi Lâm, khi Thế Tôn khát nước kêu ông đi lấy nước, ông nói với Đức Thế Tôn nước trên dòng sông bị đục vì năm trăm cỗ xe ngựa đi ngang qua, không uống được. Ông thỉnh Thế Tôn đi thêm một đoạn đường nữa, đến dòng lớn ông sẽ lấy nước. Rõ ràng ông đã bất hiếu với Đức Thế Tôn.” A Nanthưa: “Lúc đó đúng là xe ngựa đi ngang qua nước đục làm sao em lấy được.” Ca Diếp nói: “Thế Tôn là bậc tôn quí nhất trong ba cõi, sáu đường cho dù ông đưa chén nước đục thì với phước lành của Ngài khi cầm lên chén nước sẽ trở thành đề hồ, thành nước trong ngọt, cớ sao ông bất hiếu như vậy.” Và với bảy tội Ngài Ca Diếp lần lượt đem ra hạch hỏi, A Nan đành phải phủ phục lạy xuống sám hối.

Lúc bấy giờ bốn trăm chín mươi chín Thánh tăng tập trung trong hang Tất Bát La không có một vị nào thân cận bên Đức Phật lâu nhất và có trí nhớ tuyệt vời như Ngài A Nan để trùng tuyên Thánh điển nên các Ngài đành tọa thiền chờ thầy A Nan.

Ngài A Nan qua một đêm thiền quán những nỗi niềm bất an, phiền muộn, những lậu hoặc, ưu não trong kiếp hiện tại được dịp tuôn trào và Ngài tiếp tục tọa thiền cho đến gần sáng. Khi đã cực kỳ mỏi mệt, Ngài nghiêng nghiêng đầu định đặt lên gối thì ngộ đạo. Cho nên trong lịch sử chứng thánh quả A La Hán chỉ có một người đặt biệt thành đạo không phải nằm, ngồi, đứng hay đi là Ngài A Nan. Một con người đặc biệt duy nhất chứng được quả Thánh không ở trong trạng thái nào của bốn oai nghi.

Điều đau đớn nhất cho A Nan lúc chưa chứng thánh quả A La hán là, mặc dù cực kỳ thông tuệ có trí nhớ tuyệt vời, những lời của Đức Thế Tôn nói ông ghi nhớ không thiếu một chữ vậy mà trong kỳ trùng tụng lời Phật dạy lại bị đuổi ra ngoài, cho nên bác học đa văn là điều kiện tốt nhưng chưa hẳn là tốt nhất.

Thưa đại chúng, đi sâu vào đoạn kinh ngắn nầy, có những từ mà chúng ta cần phải hiểu như “Nanhội, hội đạo, phụng đạo và thậm đại.”

– “Nanhội” tức khó thể nhập. Chữ hội ở đây là thể nhập, không phải là khả năng hiểu đạo bằng suy tư, bằng khả năng của khái niệm mà mở bung cánh cửa đi vào, gặp mặt trực tiếp. Cũng có nghĩa là hiểu đạo không qua người khác kể lại, nói lại hoặc trên sách vở, nghiên cứu. Ta hãy hiểu từ “nan hội” với nội hàm “khó thể nhập” như vậy.

– “Hội đạo” chỉ cho trạng thái tâm thức quay trở lại, nhận diện được đạo nơi chính thân tâm nầy. Bên trong những suy nghĩ, nói lầm thầm nhận ra được tự thể Niết Bàn gọi là hội đạo.

– “Phụng đạo” thông thường chúng ta hay hiểu lầm phụng sự cho đạo, tức là dâng hiến cuộc đời, làm hết sức mình cho việc bên ngoài như xây chùa, đúc tượng... nhưng ở đây hai chữ “phụng đạo” không có nghĩa hướng ra bên ngoài làm việc nầy, việc kia mà là quay trở lại. Sau khi nhận ra được đạo sống nhiệt tình, sống miên mật trong từng hơi thở, từng hơi thở ra, thở vào luôn sống với tự thể Niết Bàn của chính mình.

– “Thậm đại” khi chúng ta thủ chí, sống được liên tục với đạo, thành tựu được đạo quả cứu cánh gọi là “kỳ đạo thậm đại.” Thậm đại là rất lớn, là đạt đến sự viên mãn, cứu cánh.

2. Các tầng thể hội đạo.

Đạo còn có một hàm nghĩa là tôn giáo.Và nội dung của Đạo hay tôn giáo có những tầng nghĩa khác nhau. Thông thường gồm có ba tầng. Tầng thứ nhất là tôn giáo bản chất, tầng thứ hai là tôn giáo của niềm tin hay còn gọi là tôn giáo của hình thức, của nghi lễ và tầng cuối cùng là tôn giáo của tổ chức.

– Tôn giáo bản chất.

Bản chất có nghĩa là Đạo. Những vị giáo chủ đầu tiên khai sáng những tôn giáo lớn trong cuộc đời, là những người đã đạt tới chiều sâu, tới ngọn nguồn của cuộc sống. Từ thành đạt bản chất Đạo nơi tự thân, nó tỏa hương và người ta sẽ đến với các ông một cách tự nhiên.

Con đường tôn giáo bản chất là con đường vượt ra ngoài tôn giáo hình thức, nghi lễ và tổ chức. Dụng ý của những nhà lập giáo ban đầu là làm thế nào đưa chúng ta trở về nắm cho được dòng sinh mệnh của chính mình, tức là nắm cho được cái gì là không sinh, không diệt của tự thân, vượt ra ngoài nỗi khổ của thế nhân, nỗi khổ sống chết miên viễn trong cõi luân hồi.

Tôn giáo bản chất ở giai đoạn đầu không hề xây dựng hình thái nghi lễ, tổ chức... họ loại trừ tất cả và điều nầy chúng ta bắt gặp được trong truyền thống nhà Thiền rất rõ ràng. Ví dụ như khi Ngài Mã Tổ mở đạo tràng độ sinh, có vị cư sĩ đến đảnh lễ và xin đi tu, ông nhìn và bảo người cư sĩ không hợp duyên với mình nên đến Thạch Đầu để tu chứ đạo tràng nầy không hợp với ông. Đó là loại tôn giáo bản chất, nghĩa là đối với các bậc thầy lớn điều đầu tiên họ muốn không phải những môn đồ, đệ tử đến với mình thật nhiều để có thế lực quần chúng, có tín đồ đông đảo, có chùa cao Phật lớn... mà điều các vị ấy muốn là làm thế nào giúp cho con người kia phát triển trọn vẹn tiềm năng Phật tự có bên trong của họ. Đó gọi là tôn giáo bản chất.

Đời sống của những bậc thiền nhân tự họ là một loài hoa tỏa hương, ta đến thì ta hưởng được hương an bình, hưởng được năng lượng tươi mát trong lành từ họ. Họ là những bậc thầy đặc biệt đều có chung một cách hành xử là nâng chúng ta lên, dựng chúng ta dậy và đẩy chúng ta ra. Không hề tạo cho chúng ta sự lười biếng, ỷ lại tựa nương vào ông thầy. Đối với những bậc thầy và những trường phái tôn giáo bản chất đúng nghĩa, họ loại trừ tính tổ chức và làm cho những con người đến với họ trưởng thành về đời sống tâm linh, đồng thời càng ngày càng bỏ bớt những vô ích của tri thức, kiến giải, khái niệm đặt ra.

Điều kỳ diệu nơi các bậc thầy của các tôn giáo lớn từ nguyên sơ là muốn giúp cho con người trở lại hoàn thiện bản chất của chính mình mà không bao giờ thao túng hay lợi dụng bất cứ một tín đồ nào, một con người nào đến với họ. Đó là loại tôn giáo cao nhất, bản chất nhất có từ trong trái tim của những vị giáo chủ và các bậc thầy lớn. Chúng ta cần phải vươn đến loại tôn giáo ở tầng thâm sâu, cao nhất nầy.

– Tôn giáo của hình thức nghi lễ, niềm tin.

Tầng thứ hai là tôn giáo của nghi lễ, hình thức và niềm tin. Đây là hình thái tôn giáo phổ thông đang có mặt hầu hết trên hành tinh chúng ta.

Tâm lý chung của con người là thích ỷ lại, tựa nương. Nếu giao phó cuộc đời mình cho ai đó lo giúp, ta sẽ thấy rất dễ chịu, còn tự mình làm chủ, gánh vác cuộc đời mình, chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình thì cảm thấy rất là mệt. Cho nên có một tôn giáo nào tuyên bố chỉ cần bỏ năm đồng, mười đồng... cho chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp cho các anh rửa sạch tội lỗi, giúp cho các anh lên Thiên Đường, Cực Lạc... Các anh chỉ cần có niềm tin, đóng góp tài sản vật chất cho chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc cho các anh chúng ta sẽ rất thích.

Cuộc đời của chúng ta khi còn đang trẻ, năng lực ý chí còn sung mãn, cảm thấy mình còn vươn lên được thì niềm tin tự thân còn vững, nhưng đến khi già yếu cái chết cận kề và nỗi sợ hãi bắt đầu có mặt thì chúng ta cũng có thể đi tìm những dạng tôn giáo như vậy để nương tựa. Và đây là loại hình tôn giáo của tình cảm, của niềm tin.

Chúng ta đừng nghĩ rằng tình cảm, niềm tin nầy loại trừ những hạng người khoa bảng, trí thức có học hàm, học vị lớn trong cuộc đời. Có thể họ là những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu tài ba, những học giả... nhưng tôn giáo là một loại tình cảm thiêng liêng gắn bó với con người từ khi còn rất bé, cho nên lúc trẻ tuy chối từ tôn giáo nhưng về già họ vẫn quay về hướng ngày xưa mà họ đã tiếp thu.

Tình cảm con người là một lập trình có sẵn trong tâm thức, từ lúc còn nhỏ đã được nhồi nhét, đã được gắn vào tâm thức nầy. Đến khi lớn lên phát giác được rằng tôn giáo mà chúng ta theo không phải là tôn giáo trao tặng cho ta tuệ giác, yêu thương, hạnh phúc, và cùng lúc cũng khám phá ra được tôn giáo nầy trong quá khứ đã từng gây biết bao nhiêu khổ đau cho nhân loại trên hành tinh nầy. Nhưng tình cảm chúng ta đã lỡ gắn bó vào tôn giáo đó, nên không cách gì quay lưng, loại trừ được những gì mà tôn giáo đã lập trình trong tâm thức ta. Cho nên ở mức độ trung bình, loại tôn giáo niềm tin là đại họa cho con người. Nó làm cho đầu óc, tâm thức của chúng ta bị hạn chế, co cứng không thể có nhận định sáng suốt để đi vào Đạo.

– Tôn giáo của tổ chức.

Từ hình thức nghi lễ của tôn giáo tình cảm và niềm tin nầy, những tu sĩ đẩy nó đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Và khi năng lực, sức cuốn hút của nó đối với cộng đồng, quần chúng rất mạnh thì sẽ trở thành tôn giáo của tổ chức. Đến lúc nầy, hai dạng tôn giáo của hình thức nghi lễ và tổ chức phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Nếu chúng ta không may mắn đi vào mạng lưới tổ chức của những loại tôn giáo nầy thì không có cách gì thoát ra được. Nó ràng buộc, khống chế con người. Từ mức độ tổ chức của một tôn giáo sẽ từ từ đi vào lãnh vực chính trị, xã hội rất nhẹ nhàng và biên giới giữa hai lãnh vực nầy dường như cũng không rõ ràng, chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau của hai thế lực chính trị và tôn giáo. Đây là điều đã từng xảy ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại, và có mặt hầu hết trong các tôn giáo lớn trên hành tinh chúng ta ngoại trừ Phật giáo.

Thưa đại chúng, trong ba tầng tôn giáo nầy Kinh Bốn Mươi Hai Chương muốn nói “ái đạo, thủ chí phụng đạo, hay hội đạo,” là nói đến năng lực tâm linh của chúng ta quay trở về đón nhận được, giải ngộ được tự thể không sinh, không diệt của mình để sống, gọi là người thâm nhập vào bản chất thực của tôn giáo.

Nếu chúng ta đến với đạo tu học, thực tập không lạc vào hai lãnh vực hình thức nghi lễ và hình thái tổ chức mà đi trực tiếp vào cội nguồn của tôn giáo, đó là điều cực kỳ may mắn của chúng ta.

3. Trở ngại của bác học đa văn.

Có thể, sự học rộng, nghe nhiều, thương đạo là trở ngại che lấp con đường thể hội đạo lý.

Ở mặt tiêu cực, chúng ta dễ nhận lầm ngón tay là mặt trăng, đây là tình trạng có mặt trong truyền thống đạo Phật. Như khi chúng ta học Kinh Bốn Mươi Hai Chương thì kinh giải thích tầng thứ nhất bằng ngôn ngữ, chữ nghĩa. Chữ nghĩa ở đây được ví dụ như là ngón tay và thực ra chúng ta chỉ nên nương vào Kinh Bốn Mươi Hai Chương để nhận ra mặt trăng. Nguyên tắc của chúng ta học kinh tức là nương vào lời kinh để nhận ra cái gì của chính mình, nhận ra trong chiều sâu của thân tâm nầy cái gì là Phật của mình quay lại để tu. Nhưng thay vì nương vào diệu chỉ từ Kinh Bốn Mươi Hai để nhận ra mặt trăng lòng của chính mình thì chúng ta lại vụng về bằng vào Kinh để giải thích dông dài làm cho người học chạy ra ngoài. Hơn nữa, tự thân văn bản của Kinh Bốn Mươi Hai Chương chỉ là ngón tay mà chúng ta lại cứ nương vào ngón tay để giải thích thêm một tầng tức là chúng ta làm công việc dùng một ngón tay để chỉ một ngón tay. Nên thay vì nương ngón tay để thấy trăng, ta lại thấy ngón tay đang chỉ một ngón tay, và từ hiểu lầm chồng chất lên hiểu lầm.

Cứ như vậy một quyển kinh mỗi đời năm, bảy vị thầy giải thích, chú giải... qua nhiều tầng nghĩa khác nhau tùy theo tâm thức của những bậc thầy thiên tài chữ nghĩa ấy. Chúng ta cứ học và cuối cùng không hiểu ý nghĩa Kinh nằm ở đâu. Cho nên đi vào lãnh vực chữ nghĩa cho thật nhiều chỉ làm chúng ta lạc vào trong rừng mịt mù của ngón tay mà không thấy mặt trăng nên gọi “nhận lầm ngón tay làm mặt trăng.”

Thông thường con đường học của chúng ta càng nhiều, chúng ta càng đi lạc trong rừng chữ nghĩa, ngôn ngữ, khái niệm, tư duy. Đạo lý chân thật nhất là đạo lý đơn giản nhất. Những gì đi vào con đường khó hiểu, rườm rà, hoa hòe phần lớn chỉ là cách phô trương lòe mắt thiên hạ mà chơi. Đạo lý để chúng ta thể nhận hầu bước vào con đường tu chân thật rất là đơn giản, trực tiếp và dễ đón nhận nhất. Chúng ta đừng nghĩ học rộng nhiều nghe là tốt, đôi khi lại là điều trở ngại vô cùng, chính nó làm chúng ta lầm lẫn mục đích với phương tiện. Điều nầy quí vị có thể tư duy để hiểu thêm.

Mục đích chính của tất cả sự thực tập là quay lại, đào sâu vùng đất tâm mình để nhận ra cái gì là tự thể Niết Bàn của chính mình, cái gì là không sinh, không diệt nơi thân tâm ngũ uẩn nầy; không phải học đạo lý để chạy ra ngoài. Nếu nắm được tiêu chí nầy, chúng ta có thể học ngàn kinh, vạn sách, học mọi chủ thuyết, học mọi ông thầy chúng ta cũng không thể lầm lẫn ngón tay là mặt trăng được. Ngón tay là ngón tay, mặt trăng là mặt trăng. Đó là tầng thứ nhất.

Tầng thứ hai trở ngại của bác học, đa văn là chồng thêm lớp mây mù bản ngã, che khuất tâm bản nhiên của chúng ta.

Thông thường đời sống chúng ta rất nghèo bên trong, chưa bao giờ bao giờ bằng lòng với cuộc đời mình. Chúng ta nghĩ cần phải thủ đắc một cái gì để tâm thức có chuyện bận rộn, phải thủ đắc điều gì để có niềm vui. Và xao động bất an, chạy trốn chính mình, chạy trốn cô đơn để kiếm tìm hạnh phúc bên ngoài là những gì chúng ta đã từng làm trong quá khứ cũng như trong hiện tại.

Đến với sự tu học cũng thế; chúng ta nghĩ là phải thủ đắc cái gì, phải có kiến thức Phật học, phải thành công gì... nhưng tất cả những điều nầy chỉ bồi đắp, trang trí thêm cho lớp bản ngã. Trong khi điều chính yếu của sự tu tập là quay trở về tự thể vô ngã của chúng ta, chứ đâu phải bản ngã cần được tô bồi.

Tự bản chất chúng ta vốn vô ngã, tự thể tâm nầy vốn rỗng lặng, mênh mông và sáng ngời. Chỉ có năng lực “nhận biết” rỗng lặng mênh mông vô ngã nầy phản chiếu mọi hiện tượng trong đất trời, và sự sống của chúng ta vốn vô sinh bất diệt. Nếu cứ gắn cuộc đời mình vào bất cứ đối tượng, hình ảnh nào thì đều là loại sinh diệt.

Khi đến với đạo thực thụ, đáng lẽ mỗi ngày mình phải gột sạch lớp mây mù của chấp ngã, nhưng ngược lại chúng ta lại chồng thêm lớp chấp ngã vào. Nếu chỉ là một người bình thường giản dị, không có danh vị gì trong cuộc sống, bản ngã hình như không có dịp biểu lộ, hoặc có khi chúng ta thấy mơ hồ tưởng như không có, nhưng khi đi tu lở làm vị Thượng tọa lớn thì bản ngã cũng lớn theo. Ai mà xúc phạm đến thì cảm thấy bị tổn thương nặng. Một thầy tu bình thường nếu bị xúc phạm sẽ ít bị tổn thương. Nhưng nếu tôi là Thượng Tọa có tài, có đức, là ông thầy lớn có danh được mọi người kính trọng, một hôm bỗng bị xúc phạm bằng những lời rất nặng thì tổn thương lớn vô cùng. Sự tổn thương của hình hài chỉ là nỗi đau khổ của thể xác, đi qua rất mau và rất nhẹ, nhưng tổn thương đến danh dự đôi khi nó làm cho con người ta có thể chết được. Và nếu là người có địa vị lớn trong đời thì sự tổn thương càng được chồng chất bởi quyền thế, danh phận, tiền bạc, tự hào, kiêu ngạo... do vậy nỗi đau lớn thêm lên và có thể họ không ngần ngại hủy diệt đối phương khi đụng chạm đến danh dự của họ. Nếu chúng ta nhận xét cho rõ thì những tầng mà mình tự hào, kiêu ngạo đây là những tầng rất giả có mặt do ảo tưởng chúng ta tạo ra.

Có một mục sư lên bục giảng, do vì già nên trí nhớ không còn minh mẫn, ông lẩm cẩm nói là Chúa Ki Tô đã ban phép lành, Chúa có một ngàn ổ bánh mì ban cho một người vẫn còn dư lại một ổ trên tay. Đúng ra nguyên văn trong Thánh kinh nói Chúa chỉ cầm một ổ bánh mì trên tay mà đã chia cho một ngàn người ai cũng có, và trên tay Chúa vẫn còn một ổ. Phép lạ của Chúa rất là tuyệt vời. Nhưng vì già lẫn lộn nên vị mục sư đã nói sai. Thường thường ít ai để ý đến lời giảng, nhưng có một anh nông dân ngồi trong góc rất ngạc nhiên vì phép mầu gì kỳ cục vậy. Có một ngàn ổ bánh chia cho một người mà còn dư anh ta làm cũng được đâu phải cần đến Chúa có phép lạ. Thế là anh ta đứng lên cãi lại mục sư. Vị thầy giảng vì đãng trí nên không nhớ là mình đã nói như thế, ông ậm ừ cho qua và lòng rất căm giận vì gã nông dân kia dám báng bổ phép mầu của Chúa.

Ngày mai ông vẫn giảng lại bài kinh cũ, và lần nầy vì đã có chủ định nên ông giảng đúng như trong Thánh kinh. Giảng xong vị mục sư nhướng mắt châm biếm hỏi người ngày hôm qua đã cãi ông: “Anh có làm được phép mầu nầy giống như Chúa đã làm không?” “Được chứ, tôi vẫn làm được.”, anh chàng nhà quê trả lời. “Tại sao, anh có phép mầu như Chúa à?” Mục sư già hỏi. Anh đáp: “Tại sao không? bánh mì hôm qua còn dư chín trăm chín mươi chín ổ, cọng với một ổ hôm nay tôi đem cho tiếp.”

Câu chuyện vui cho chúng ta hiểu một điều, nếu như vị mục sư kia không có bản ngã, không sợ ai thì đâu cần có ý định ngày mai sẽ cho anh chàng nhà quê kia một bài học. Ông cũng không cần nhướng mắt tỏ ý đắc thắng và kiêu ngạo khi gân cổ thách thức cãi lại với người kia làm gì. Ngay lúc đó ông chỉ cần nhẹ nhàng xin lỗi vì sự lầm lẫn, vô ý của mình. Đâu có gì để giận dữ, bực tức.

Cho nên thưa đại chúng, lớp mây mù bản ngã có năng lực che mờ tâm thức ta và làm cho lòng ta bất an, sợ hãi. Nếu chúng ta lột được tất cả lớp tự hào về bản ngã, tức khắc mình là người sống rất khiêm tốn, dễ thương và cũng rất hiên ngang trong cuộc đời. Không kiêu ngạo, không mặc cảm và cũng không biết sợ ai. Tất cả những nỗi sợ phát sinh do vì chúng ta sợ không được người ta kính trọng, sợ không được người ta tâng bốc, đề cao, quí mến... và có ngàn lẻ một chuyện sợ phát sinh từ bản ngã.

Từ điều nầy quay lại sự học nhiều, hiểu nhiều, và sự yêu mến đạo sở dĩ ngăn ngại ta thể nhập đạo lý vì nó là một loại mây mù làm dày thêm niềm tự hào, kiêu ngạo, bản ngã của chính ta.

Ở đây chúng ta chưa nói đến người tu; đơn thuần những người trong giới Phật tử thôi, nếu họ học được ít nhiều đạo lý, thân cận được với những vị thầy lớn chúng ta thấy cách hành xử của họ khác, cách họ đi đứng cũng khác với những người mới đến chùa, mới tu học. Tất nhiên họ cũng có niềm tự hào về vị Đạo sư của họ. Trong xã hội những người mới thành công hoặc đang hãnh tiến trên con đường công danh họ cũng có cùng tâm thức như vậy.

Chuyện kể có ông thợ may chuyên may áo quần cho các quan, ngày kia có vị quan cần may một bộ quan phục đến ông. Người thợ may hỏi ông làm quan được bao lâu. Ông quan cho biết chỉ vừa mới nhậm chức. Bác thợ may trả lời sẽ may cho ông áo kiểu khác. Ông quan ngạc nhiên không hiểu cớ gì mà tên may áo hỏi đến chuyện ông nhậm chức hồi nào, liền hỏi và được thưa rằng: “Vì Ngài là quan mới nhậm chức, tôi phải may cái áo vạt trước dài, vạt sau ngắn. Nếu làm quan ít lâu tôi sẽ may vạt trước vạt sau bằng nhau. Và Ngài đã làm quan từ rất lâu, tôi sẽ may vạt trước ngắn, vạt sau dài.” “Vì sao?”Quan hỏi. Anh thợ may đáp: “Vì khi mới làm quan, lúc nào đi Ngài cũng ưỡn ngực, mặt luôn ngó lên nên phải may vạt trước dài. Làm quan lâu đã thấm mùi khó khăn, đọa đày trong chốn quan trường, sự kiêu ngạo, hống hách vơi bớt nên vạt trước và sau bằng nhau. Còn nếu Ngài ở chốn quan trường đã lâu, đã mỏi mệt vì khúm núm, luồn cúi, sợ sệt thiên hạ nên tôi phải may vạt trước ngắn vì lúc bấy giờ lưng Ngài khòm quá rồi.”

Thưa đại chúng, tất cả những điều nầy đủ dẫn chứng lớp mây mù bản ngã rất khó gột tẩy, và không có bản ngã nào vi tế khó loại trừ bằng tri thức, kiến giải của chúng ta. Đây là những niềm tự hào vô hình, và tinh vi vô cùng. Nó bám cứng, gắn chặt vào cuộc đời chúng ta khó tháo bỏ. Sự kiêu ngạo thầm lặng của những người trí thức, đa văn, học thuật là những gì đã trở thành bản chất, trở thành tính cách của họ.

Trở ngại của bác học, đa văn, ái đạo đối với sự thể hội đạo lý là nếu chúng ta càng phát triển tính chất học rộng, nghe nhiều, yêu mến đạo lớn bao nhiêu sẽ sinh trưởng thêm những kiêu ngạo điên cuồng, tức cuồng tín lớn bấy nhiêu.

Ở trong cuộc sống đời thường chúng ta gặp rất nhiều trường hợp nầy. Có những vị Phật tử có cơ hội học Phật rất sớm, họ may mắn được thọ giáo với những vị thầy giỏi, những vị pháp sư lớn. Họ có điều kiện được học tập liên tục và nhất là các bậc thầy của họ là những vị nổi danh hiện tại. Nếu có Phật tử nào vì tình pháp lữ đến tặng cho họ một ít CD pháp thoại rất hay của các vị thầy trẻ thì được họ cười nói: “Tôi nghĩ là không có ai hay bằng thầy của tôi cả, Hòa Thượng thầy tôi là Đại pháp sư, là vị tôn túc lớn nhất ở Việt Nam bây giờ.”

Chúng ta mang tâm thức kiêu ngạo tự thân đã là một trở ngại để đến với đạo, và trở ngại nầy có thể tha thứ được nếu chúng ta nghĩ rằng mình là người giỏi; nhưng ở đây không phải tự hào về chính bản thân mình mà lại tự hào về vị thầy mình đứng núp bóng, về cái tàng cây mà mình đang đứng ở dưới che nắng, che mưa rồi nghĩ hào quang của thầy mình là mình. Đó là những tự hào vụng về rất tội nghiệp thường có nơi Phật tử chúng ta.

Nhiều lúc chỉ là những Phật tử thường thôi chưa phải là người tu, mới học lõm bõm vài ba câu đạo lý, đọc được vài trang kinh, nghe năm ba bài pháp chưa có công phu thực tập gì cả, họ đã loại trừ tất cả kho tàng quí báu, trí tuệ của những bậc thầy lớn trong cuộc đời. Đó là tự mình bịt mắt mình lại. Thế nên ở tầng nghĩa cạn bác học đa văn, thương mến đạo nhưng hãy cẩn trọng, không gắn chặt cuộc đời của mình với một ông thầy, một mái chùa, một trường phái, một học thuyết nào. Vì đó là một lầm lẫn rất tai hại cho sự phát triển đời sống tâm linh của chúng ta.

4. Sự đóng góp của Bác học, đa văn.

Tuy nhiên, ngoài những đặc tính trở ngại của bác học, đa văn, thương đạo vẫn còn có những điều rất tích cực. Chúng ta đừng xem thường chuyện học rộng nghe nhiều, bởi vì tất cả những gì trên đời nầy đều có hai mặt của nó, có tiêu cực thì phải có tích cực.

– Ở mặt tích cực, học rộng nghe nhiều, yêu mến đạo trao cho chúng ta một định hướng sống và thành đạt. Chúng ta đến với đạo, nương vào một tổ chức, một trung tâm tu học nếu không thủy chung với trường phái đó thì chắc chắn cuộc đời chúng ta nay đây, mai đó lang thang không định hướng. Và niềm tin không vững với bất cứ điều gì, sẽ làm năng lực học tập, tiếp thu của mình không thể phát triển, đi sâu được. Khi đi vào một pháp môn học tập, chúng ta hãy hứa với lòng mình đi đến kỳ cùng, phải làm tới tột đáy. Yếu tố tích cực nầy trao cho ta hướng đầu tiên vào đạo để học hỏi, phát triển tư duy. Đó là định hướng cho chúng ta lái cuộc đời đi thẳng đến, cho nên ở mặt nầy hướng tích cực của sự học tập phát triển trí tuệ khá lớn.

Quí vị xuất gia đến trung tâm nầy tu học, nếu quí vị không gắn bó với tăng thân, không liệng mình vào trong nồi tăng thân để được nấu cho chín; các vị ngồi đây mà hướng tâm mình đến nơi khác, nghĩ rằng nghe pháp môn nầy cảm thấy chưa đủ, và không đặt trọn niềm tin vào sự yêu mến đạo thì trong cuộc sống mình đang có mặt, mình không thể tồn tại, chắc chắn mình sẽ bị loại trừ.

Con người vốn là một sinh vật sống trong tập thể chứ không phải là một sinh vật đơn lẻ, khi chưa đủ vững vàng để sống trong phong ba, bão tố mà tự một mình muốn thử vươn lên bay đến tận trời xanh, muốn khác người thì chúng ta sẽ tự chuốc sự ganh ghét, kỳ thị, không thể tồn tại được trong tổ chức, trong cộng đồng.

– Nếu trên con đường tu chúng ta không trở thành một người học rộng, nghe nhiều, không yêu mến truyền thống tu của mình, chúng ta sẽ thất bại. Và trong tương lai khi quí vị trưởng thành, làm một vị thầy không có được phương tiện để độ sinh, để truyền đạt. Và nếu khả năng ngôn ngữ của mình hạn chế thì không thể trình bày vấn đề tu hành của mình cho người khác cảm thông, không thể thiết lập được nhịp cầu từ trái tim mình đến trái tim người nghe. Đó là sự thất bại.

Ngôn ngữ là phương tiện ngàn đời trên mặt hành tinh nầy để cho chúng ta truyền đạt. “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn.” Đây là câu nói của Ngài Quán Thế Âm dạy cho ta “Giáo lý mầu nhiệm tuyệt vời chân thật nhất ở hành tinh nầy chúng ta có thể dùng để tịnh hóa tâm là khả năng của âm thanh truyền đạt.” Giáo pháp của Đức Phật được làm bằng ngôn ngữ, các bậc thầy dạy đạo cũng dạy bằng ngôn ngữ, ta truyền đạt tri thức của mình cũng bằng ngôn ngữ, và chuyển hóa tâm thức giúp người tu tập cũng bằng ngôn ngữ. Nếu năng lực học tập hiểu biết của chúng ta không đủ, phương tiện ngôn ngữ hạn chế thì chúng ta không có khả năng diễn đạt những điều mình hiểu đến người khác. Học rộng nghe nhiều, yêu mến đạo và nhiệt tình thực tập trao cho chúng ta phương tiện truyền đạt để đạo Phật tồn tại và để giúp người, làm cho người hạnh phúc.

Chúng ta biết tâm thức như một dòng chảy, trong duy thức học gọi là “hằng chuyển như bộc lưu”, tức là chảy liên tục không dứt và mạnh như nước dốc. Ý thức chúng ta như là thác nước đang đổ. Thác nầy không phải bằng nước mà được làm bằng ý tưởng và ngôn ngữ. Chúng ta có thể gieo hạt giống làm cho dòng suối ý thức nầy thành một dòng nước trong ngọt có hương thơm, hay thành một dòng nước đục ngầu ô nhiễm tùy cách thế chúng ta huân tập từng ngày bằng cái thấy, cái nghe, cái nhìn, cái biết, cái hiểu của mình. Và như vậy hướng tích cực của sự học hỏi Phật pháp có năng lực gieo vào tâm thức ta mỗi ngày những hạt giống hiền thiện tạo thành dòng nước mát ngọt. Bản chất của dòng nước nầy nuôi dưỡng chúng ta từ đời nầy qua đời khác; nhiều đời đi ngang qua để có thể phát triển được tiềm năng thành Phật nơi chính tự thân tâm nầy. Cho nên ba yếu tố học rộng nghe nhiều, yêu mến Đạo và nhiệt tình thực tập là chiều hướng tích cực về mặt học tập Phật pháp.

Thưa đại chúng, có những sự học hỏi nuôi lớn bản ngã chúng ta, làm cho chúng ta mờ tối, làm khoảng cách chúng ta đến với đạo càng ngày càng xa, đó là loại học tiêu cực. Có những sự học cho chúng ta định hướng được cuộc đời, thành đạt được những bước cạn trong cuộc sống tu tập, và rồi đi xa hơn trong sự thành đạt của đời người tu về lâu về dài. Chiều hướng tích cực nầy làm được một điều rất tuyệt vời là cho ta phương tiện tối ưu để sau nầy chúng ta có thể giúp người và độ đời. Và khả năng tích cực cuối cùng là nuôi dưỡng tiềm năng thành Phật tự trong thân tâm chúng ta.

Tôi xin nhắc quí vị một điều là khả năng tu học của chúng ta không phải trong tích tắc tự nhiên mà thành công, mà là quá trình rất dài như những giọt nước chảy vào từng ngày, từng ngày một đọng lại thành hồ. Hồ tâm của chúng ta. Vì vậy điều cực kỳ quan trọng của sự học nầy, nếu chúng ta nhận biết được đặc tính tiêu cực của nó, thì chắc chắn chúng ta sẽ phát triển được mặt tích cực.

Tôi xin đọc lên đây để đại chúng cùng nghe câu nói rất hay của Ngài Phù Dung:

Nhật nguyệt dị mại,
Nhược phất vân lai,

Sanh giả bất tu,

Tử tương hề cụ.

Nghĩa là: Ngày tháng qua rất là nhanh, đi qua rồi không trở lại. Đang sống đây, đang hít thở đây, hình hài nầy đang tồn tại đây mà ta không tu, không học, không có những tư lương bỏ vào hàng ngày thì ta sẽ đem gì qua cuộc sống bên kia.

Cho nên trong cuộc sống ngắn năm mươi, bảy mươi năm, mỗi một ngày chúng ta phải làm cho tuệ giác mình ngày càng phát triển, tâm yêu thương càng ngày càng rộng, làm cho vốn liếng trong đời nầy giàu có, phong phú như loài cây qua chu kỳ Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nó làm mọi cách cho rể vươn ra lấy thức ăn, nuôi dưỡng cho thân khỏa mạnh, để có thể trở mình thức giấc vào mùa Xuân năm sau vươn lên với tàng lá xanh hơn, hoa trái tươi đẹp hơn.

Cũng như thế, chúng ta làm thế nào để sự tu học nuôi dưỡng chúng ta từng ngày, đến khi hình hài thọ mạng chấm dứt lần sau biểu hiện lại tốt đẹp hơn, hùng tráng hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]