Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Bái kiến và phỏng vấn Hòa thượng Quảng Khâm

28/02/201114:05(Xem: 8059)
6. Bái kiến và phỏng vấn Hòa thượng Quảng Khâm

LƯỢC THUẬT HÀNH TRẠNG HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng
Hiệu đính: Giáo sư Phạm Phú Thành & Đại Đức Thích Giải Hiền

Bái kiến và Phỏng vấn
HOÀ THƯỢNG QUẢNG KHÂM
Chương Khắc Phạm
“Hải Triều Âm”, số ra ngày 01-07-1975

Lên núi bái kiến Cao Tăng nơi động thiền

Có một lần tôi được yết kiến vị Cao Tăng vốn được mọi người sùng bái, vị ấy là Hoà thượng Quảng Khâm ở chùa Thừa Thiên, trên núi Thanh Nguyên thuộc làng Thổ Thành, ĐÀI BẮC

Vị tăng cao niên ấy nay đã 84 tuổi, chuyên tu thiền định, không ăn thức ăn nấu chín, chỉ ăn trái cây nên có mỹ hiệu là “ Quả Tử Hoà Thượng ”. Hiện nay thỉnh thoảng người cũng dùng vài hớp cháo loãng, là vì cần tiếp đẫn nhiều khách hành hương, khách du lịch, khách phương tây, và cả những vị khách lòng đầy hoài nghi rắp tâm vấn nạn, người đều tùy duyên khai thị cho họ .

Tinh thần của người rất vững vàng, hai mắt trong sáng, thính giác tinh tế, bước đi an toàn, phong thái sinh động, so với những lần tôi gặp người trước đây vẫn tốt, không gì thay đổi. Người nói đã ba năm không xuống núi, và cũng không định thuyết pháp .

Người tĩnh tọa trong động Địa Tạng không cần ai biết đến, vậy mà danh tiếng của người lan truyền đến Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Đồng thời cũng lan truyền trong trí thức trẻ Trung Hoa . Người từng nói với mọi người rằng “Phật pháp chẳng hề suy vi, chỉ có tâm con người đang suy vi ”.

Một vị cao tăng xưa nay không bàn chuyện thế tục, chỉ nói việc tu hành, mà lần này - thật là ngoài sức tưởng tượng - tiếp chúng tôi với vẻ mặt vui tươi, thân mật, và còn phá lệ nói về việc tu hành của mình, làm cho chúng tôi rất xúc động vì được ưu ái, rồi bỗng nhiên tự hỏi:

Đây chẳng là hình ảnh của cả một đời tu hành của người ? Quả vậy, đúng với châm ngôn người thường tự cho mình là kẻ bình phàm .

Hoa rừng hàm tiếu , chim hót chào mừng

Sáng ngày mồng chín tháng 3, bầu trời xám nhạt, tuy chẳng chuyển mưa mà không quang đãng. Một ngày chủ nhật đang ấm áp bỗng nhiên trở lạnh. Định bụng ở nhà pha trà uống, xem kinh; vụt nhớ ra chiều hôm qua có hẹn với cư sĩ Đinh Triệu Cường dạy ở trường Đại Học Quân Sự, cùng đến chùa Thừa Thiên đảnh lễ Hoà thượng Quảng Khâm. Tôi vội dùng điểm tâm rồi đi ra bến xe, đến trạm tây đại lộ thấy một làn sóng người chen chúc. Tư thế chuẩn bị khác nhau : leo núi, ra ngoại ô, đến vười hoa, đi câu cá . . . , người đông đến nỗi chen chân không lọt. Nhưng rất dễ nhận ra Triệu Cường giữa biển người, anh mặc com-lê nghiêm chỉnh như sắp đi dự tiệc. Lý do đây là lần đầu tiên anh lên bái kiến Hoà thượng, anh rất mực tỏ lòng thành kính, chẳng những tắm rửa sạch sẽ, mặt y phục mới mà còn khước từ ăn điểm tâm hay ăn vặt, khiến tôi cảm thấy hổ thẹn không được như anh. Lên xe buýt yên chỗ rồi, thật duyên may, thời tiết trở lại ấm áp, mặt trời tươi cười xuất hiện khỏi những tầng mây u ám.

Xe đến Thổ Thành chúng tôi đi bộ lên núi, đường lên núi rất u tịch, chim hót chào người, hoa tỏa hương thơm, cây lá xanh tươi … làm cho tan biến bao tư duy trần tục. Đến một nhà nghỉ mát lưng chừng núi, rồi cứ cách vài chục mét bên đường lại có một bia đá do tín chúng đóng góp xây dựng, trên bia khắc danh hiệu chư Phật và Bồ-Tát. Thiện nam tín nữ mặt hướng lên núi, nối tiếp nhau tạo thành dòng người, ai nấy lặng thinh một lòng thành kính, từ từ tiến lên phía trước, làm tôi nhớ lại cảnh ba mươi năm về trước đi chiêm bái cổ sát, cũng hao hao giống như hôm nay. Chỉ khác là núi này khai phá chưa lâu nên thiếu những cổ tùng đại thọ, thiếu tiếng thông vi vu trong gió để cho kẻ hành hương thưởng thức !

Bước vào chùa, nhìn thấy trăm hoa tươi thắm, cây cỏ xanh biếc; quả là nơi an trụ của một bậc cao tăng cảnh quang có khác ! Trước tiên chúng tôi vào lễ Phật trong Đại Hùng Bảo Điện, rồi sang điện Địa Tạng. Hoà thượng đang ngồi trứơc cửa, từ xa đã vẫy gọi chúng tôi, hiền từ thân thiết như tiếp đón những đứa con viễn du nay đã trở về, niềm vui bột phát tự nhiên từ đáy lòng của người cha; thật là điều mà từ trước tới giờ tôi chưa từng chứng kiến.

Noi gương Cổ phật, khắc dạ ghi tâm

Người dẫn chúng tôi đến bộ trường kỷ sofa bên trái chánh điện mời ngồi, vui vẻ giảng giải cho chúng tôi nghe trong suốt một giờ; kể đầy đủ từ việc gần đây ở trên núi cho đến cách hoằng hoá lợi sanh.

Người nói : “ Mấy năm gần đây có nhiều học giả hoặc tu sĩ Hàn Quốc, Mỹ Quốc, Âu Châu lên núi tham vấn Phật pháp. Họ vừa có lòng thành lại vừa mang bụng nghi hoặc, sau khi nghe qua những lời giải thích giản dị ai cũng hoan hỷ, vui vẻ thanh thản ra về. Cũng có lớp người trẻ trong nước như sinh viên học sinh, hay thầy giáo … rất ngưỡng mộ Phật pháp và có những hiểu biết sâu sắc, họ cũng đều hoan hỷ; đó là điều đáng an ủi và phấn khởi. Bất luận bằng lời nói hay bằng trước tác, trực tiếp hay gián tiếp tuyên dương Phật pháp , những con ngừơi ấy đều tạo được ảnh hưởng tốt đối với xã hội ”.

Nói về đời sống trong các chùa, Người xúc động đổi giọng khi đề cập đến tăng đoàn hiện nay:

Hoàn cảnh xã hội hiện nay thay đổi, hoàn cảnh tăng đoàn cũng thay đổi theo. Nếp sinh hoạt của chúng tôi trong chốn tòng lâm trước kia và cách sinh hoạt của người xuất gia hiện nay khác nhau. Ngừơi xuất gia trước kia phần nhiều rất coi trọng Phật pháp, ngày ngày tu tập giữ bốn oai nghi đi, đứng, nằm , ngồi. Còn ngày nay nhiều ngừơi do hoàn cảnh bắt buộc nên mới xuất gia, cho nên cũng không ít người vì lợi ích cá nhân mà bon chen chạy vạy. Số người chân chính, tận tâm hoằng dương Phật pháp ít đi ”. 

– Tiếp đó Người cho biết lý do :

“ Phập pháp là pháp xuất thế gian, khác hẳn với pháp thế gian. Gương sáng trang nghiêm của chư Phật ngày xưa vẫn còn ghi trong sử sách, chúng ta không được quên đi. Điều rất đáng tiếc là ngừơi xuất gia hiện nay vô tình đem chính trị vào trong cửa Phật; lấy việc tham quan du lịch, buôn bán ảnh hưởng mà cho là hoằng dương Chánh Pháp. Những việc làm như vậy có khác gì hoạt động của xã hội công thương nghiệp ? Xét theo giới luật mà nói, đó là điều phạm giới, là hành vi ‘ không đúng theo Pháp’ ”.

Giới luật chủ yếu là tự mình giữ giới

Rồi Hoà thượng đem thanh quy trong nhà Phật ra để minh chứng, làm rõ thêm luận điểm của mình. Ngừơi nói : “ Theo quy luật tòng lâm, không luận người tu Thiền, tu Tịnh hay tu Thiên thai, Duy thức đều phải chân chính tu hành. Hiện nay, người ta phần nhiều do vì cuộc sống xô bồ nên việc tu hành chỉ là chạy theo hoàn cảnh. Chả lẽ biết tụng kinh, khoác được áo cà-sa là trở thành tăng bảohay sao ? Cũng có người viết được sách báo đấy, nhưng chưa thể gọi là Phật pháp được. Nói ra thật buồn lòng ! ”

Người ngậm ngùi : “Nhà chùa trước kia lấy việc cứu tế tai ương, đói kém, bố thí cho kẻ bần cùng để kết duyên với xã hội, ngõ hầu tiêu trừ khổ nạn. Còn ngày nay, việc làm của các đạo tràng Đài Loan thật tương phản; ai nấy thi đua làm cơm chay sao cho thật ngon nhằm thu hút người giàu tiền của và có địa vị trong xã hội. Ngày ngày quanh quẩn trong chốn tiền tài, danh lợi thì càng xa rời Phật pháp!”

Nói về mối quan hệ giữa tăng đoàn và cư sỹ, Hoà thượng khiêm tốn cho rằng tăng đoàn cống hiến quá ít, không tạo được tác dụng lãnh đạo. Người nêu ra hai trường hợp làm thí dụ :

Thứ nhất, các giảng sư không nói rõ một cách thiết thực cho cư sỹ biết sự khác nhau giữa Phật, Bồ-Tát của Phật giáo và Thần linh của Đạo giáo. Cho đến nay bất kể thành thị hay thôn quê, còn nhiều nơi người ta thờ Thổ địa, Thành Hoàng, Văn Xương đế quân, Quan Công, Mã Tổ, Triệu Công Minh, Lữ Thuần Dương … chung với Phật và Bồ-Tát trong cùng đền miếu! Lẽ ra không nên như vậy.

Kế đến, nói về giới luật thì người xuất gia phần nhiều chưa nghiên cứu sâu. Người bảo: “Giới luật chủ yếu là tự mình giữ giới, không thể đem ra dạy bảo người khác phải làm theo, còn chính bản thân mình lại chẳng thực hành”.

Phật pháp không suy vi ,
hưng suy là do lòng người

Nói đến đây, Hoà thượng trịnh trọng trả lời vấn đề mà nhiều người trong cũng như ngoài nước đang quan tâm, Người nói:

Phật pháp không bao giờ suy vi; lòng người mới thật đang suy vi!”

Rồi Người giảng rõ :

Vì lòng ngừơi suy đồi nên nếp sống xã hội hỗn loạn, chuẩn mực đạo đức xuống cấp, do đó Phật pháp không hưng thịnh. Không có pháp thế gian thì không có Phập pháp, muốn Phật pháp được hưng thịnh thì con người phải biết tu tâm”.

Và Người trang trọng nhắc lại ba câu quen thuộc mà ai cũng đều biết: ”Nhân thân nan đắc! Phật pháp nan văn! Trung Quốc nan sinh!”
[ Thân người khó được có ! Phật pháp khó được nghe ! Khó sinh vào Trung Quốc !] Nhưng ba câu ấy từ miệng Người nói ra như có sức mạnh ngàn cân, làm cho tai chúng tôi bị chấn động. Kế đó Người dùng những thí dụ đơn giản để minh họa cho ba câu nói trên : 

Những người đi học hiện nay rất thích đi du học nước ngoài, đặc biệt là muốn đến nước Mỹ và Châu Âu . Các nước phương tây không coi trọng luân lý đạo đức, chỉ quan tâm đến khoa học kỹ thuật. Dù cho họ có học giỏi khoa học kỹ thuật rồi, cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài; không học đạo lý làm người thì giả sử ai ai cũng đem bằng cấp tiến sỹ trở về nước thì – nghiêm túc mà nói – đối với quốc gia, xã hội cũng chẳng lợi ích gì đáng kể ”.

Sống trong mộng huyễn Lục đạo ,
không thoát khỏi cõi Ta – bà

Hoà thượng còn nêu ra những tai họa, hỗn loạn trên thế giới và quy trách nhiệm cho sự vô tri của người phương tây:

Họ dùng văn minh vật chất tô điểm cho thế giới vật chất hào nhoáng. Chỉ vì không hiểu lễ trọng nghĩa nên làm cho thế giới phát sinh động loạn. Dẫn đến tai ương. Người phương tây không dễ gì hiểu được nghĩa lý của câu “Thân người khó được có”, lại càng không hiểu nổi câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Thân thể chúng ta bị huỷ hoại nhưng Phật tánh thì không bao giờ bị hoại. Chúng sanh tuy có Phật tánh, nhưng ngày ngày sống trong mộng, ngay cả ba bữa ăn cũng ở trong mộng. Sống trong mộng huyễn sáu nẻo luân hồi, không thoát khỏi cảnh Ta-bà; muốn thoát khỏi cảnh giới Ta-bà phải có duyên được nghe Phật pháp, và y theo Phật pháp mà thực hành“.

Xã hội chẳng hề tổ chức dựa theo Phật pháp, nhưng thế giới Ta-bà hướng về Phật pháp. Do vậy, người xuất gia hiến thân cho Phật pháp không thể để bị xã hội làm ô nhiễm mà phải lấy hạnh nguyện của mình làm cho xã hội được trong sạch. Người xuất gia vì từ bỏ danh lợi mới xuất gia, hiện nay trong họ lại có kẻ vì danh lợi mà đấu tranh nhau ngấm ngầm hay công khai. Quả là làm mất đi bổn phận của người xuất gia ! Không từ cái khổ mà nhập đạo, không nhẫn nhục tinh tấn, lại cùng với người thế tục “đồng hội đồng thuyền”, thử hỏi như vậy làm sao mà thành được bậc thầy của người và trời ?!”.

Do khổ mà nhập đạo và gắn liền với hạnh nguyện

Nói xong những lời tâm sự đầy cảm thán, Người chuyển sang nói về đức hạnh tu trì của chư Phật và Bồ-tát trong quá khứ :

Chư Phật và Bồ-Tát thời quá khứ đều tu khổ hạnh, có vị tu trong vài đời, có vị tu trong nhiều kiếp; sống đạm bạc, không vọng động tác vi cho nên mới giác ngộ, dứt sanh tử. Người đời nay phần nhiều không muốn cực khổ, không tin rằng Phật, Bồ-Tát vì Chánh pháp mà xả bỏ thân mạng, do đó rất khó đi vào con đường Đạo. Chư Phật và Bồ-Tát thời quá khứ mỗi vị đều có nguyện lực riêng, như đức Phật A-Di-Đà có 48 lời nguyện, đức Phật Dược Sư có 12 lời nguyện. Người tu hành phải noi gương chư Phật và Bồ-Tát, mỗi người ít nhất phải phát một lời nguyện, mãi mãi hành trì cho đến khi thành Phật mới thôi. Ấy là lời nguyện hoằng pháp độ sanh, hoàn thành Phật đạo, chứ không phải nguyện làm chùa lớn ở cho thoải mái, - nếu mà phát nguyện kiểu như vậy thì thật đáng thương xót! ”

“ Hiện nay, quả thực có hạng người xuất gia kiểu đó, họ chỉ toan tính xây chùa cho thật lớn, có tín đồ thật đông, và thích chứng tỏ khả năng trước mọi người; họ không cho tín chúng của mình đến lễ Phật chùa khác mà chỉ tin Phật ”bổn chùa” , chỉ muốn tín đồ tin theo mình, không cho tin vào tu sỹ ở chùa khác. Hạng người tự cao ngã mạn như thế chỉ còn biết quay cuồng trong vòng danh lợi, chẳng khác gì người tại gia, ngày ngày sống trong khổ não”.

Tín chúng và du khách lên núi càng lúc càng đông. Có người vào nghỉ trong điện, có người đứng ở bên ngoài. Hoà thượng nhìn ánh mắt thiết tha của họ, biết rằng họ còn có nhiều vấn đề mong được thỉnh ý, Người bèn kết luận một cách quyết định : “ Phật pháp không suy vi mà lòng người suy vi”. Rồi với tinh thần khích lệ và hứa hẹn, Hoà thượng nói với mọi người : “ Mấy năm gần đây, cư sĩ tại gia về phương diện hộ pháp đã có nhiều cố gắng tích cực, nhưng cần phải tinh tấn, không nên tự mãn, phải luôn thành tâm học Phật; bất luận ngừơi tại gia hay xuất gia đều có thể thành Phật”.

Thiền môn tu hành không ở lời nói

Ngôn từ của Hoà thượng Quảng Khâm như dòng sông cuộn chảy, khi Người đang nói không ai có thể xen lời, chỉ có sư phiên dịch là không ngừng chuyển dịch lời Người. Thật là điều gây sự ngạc nhiên .

Trước kia tôi vẫn thường nghe Người thuyết giảng, hơn phân nữa nội dung phải nhờ người dịch mới hiểu, nhưng lần này bỗng nhiên tai tôi như linh thính, gần như hiểu được đến bảy phần mười.

Mỗi lời Người nói ra như phát xuất từ tâm can, nêu đúng tệ đoan xã hội hiện nay, khiến cho người nghe cảm kích vô cùng. Nhưng khi Người đề cập đến phương pháp tu trì của tông phái thì đây chính là điều mà giới học Phật trẻ tuổi rất muốn biết. Cho nên tôi cung kính thành khẩn hỏi Người về pháp tu thiền hiện nay và “thiền tịnh song tu” có phải là phương pháp tốt nhất?

Người đáp : “Thiền không liên quan với hình tướng, không liên quan với thoại đầu”; không bằng lời nói, không dùng thần thông, chỉ cầu nhập định, định được là thiền.Gần trăm năm nay, người học thiền đa số lấy niệm Phật làm căn bản, đó cũng là một đường hướng, nhưng đâu phải chỉ có con đường ấy mà thôi; do vậy tôi không khuyên ai ai cũng phải theo con đường ấy ”.

Người nói xong, chúng tôi lễ tạ lui ra, đến trai đường dùng cơm trưa.

Tôi cùng anh Đinh rẽ sang động Nhật Nguyệt ở núi sau, đây là nơi ở của Hoà thượng năm xưa. Hiện giờ sư Truyền Lương ở đó, sư là người tu hành bình dị và thiết thực, khiêm cung hoà ái tiếp dẫn tín chúng, thật là một long thượng hiếm có. --- Trên đường về, hồi tưởng lại bữa cơm chay thanh đạm trong chùa, phong cách hiền hoà của đại chúng, dung mạo từ bi của vị cao tăng, phong cảnh yên bình u tịch của núi rừng. . . Ai bảo trên đất nước chúng tôi không có “thiền”?!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]