Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Thân Hành Niệm

12/02/201111:23(Xem: 9448)
07. Thân Hành Niệm

NGUỒN MẠCH TÂM LINH
Thích Nữ Trí Hải
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003

THÂN HÀNH NIỆM

Thân hành niệm là một pháp tu được Phật tán dương không tiếc lời, trong nhiều kinh thuộc cả hai hệ thống A hàm và Bát nhã. Lấy ví dụ trong Tăng chi 1, trang 43, Ngài dạy: “Này các tỷ kheo, có một pháp môn này, được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ đưa đến quả báo lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, chứng ngộ minh giải thoát. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân hành niệm”. Và: “Hỡi các tỷ kheo, ai thưởng thức thân hành niệm, người ấy nếm vị Bất tử, ai không thưởng thức thân hành niệm, người ấy không được nếm vị bất tử”.

Thân hành niệm bao quát đến 14 pháp trong số 40 đề mục thiền nguyên thủy, chưa kể đến pháp quán bộ xương ở nghĩa địa, thuộc một giai đoạn của tuệ gọi là quá hoạn trí, bố úy trí, hành xả trí. Mười bốn pháp đó là 10 giai đoạn thây chết, phân tích bốn đại, quán bộ xương qua chín giai đoạn (cửu tưởng), niệm hơi thở và mệm thân hành. Tất cả 14 pháp đó đều được gọi chung là thân hành niệm. Niệm thân được kể trong số 10 tùy niệm là niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên, Chết, Diệt, Hơi thở, Thân hành. Niệm thân mà ngang hàng với niệm Phật, quả thực là chuyện lạ đời, bất kính, nếu nó không phải do chính đức Phật giảng dạy. Chẳng những thế, niệm Phật kể như đề mục thiền, nghĩa là tưởng niệm các trí đức, đoạn đức, ân đức của Ngài, thì vì hành giả bận suy tưởng nhiều thứ nên không đắc định, còn niệm thân hành vì thuộc loại “phi tự tính” như các kasina, nên tâm có thể đắc an chỉ và chứng các thiền, cho đến chứng ngộ minh giải thoát (vijjamutti). Niệm Phật chỉ đạt được định cận hành mà thôi. Niệm thân và niệm Phật đều là những cửa vào đạo, điều này khiến ta nhớ tới câu Kinh Kim cương: “Thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ” (các pháp đều có giá trị ngang nhau không cao thấp). Hơn nữa, Phật còn dạy, trong quá khứ, những ai đã đạt niết bàn, thành Phật, đều đã tu pháp này, và trong tương lai cũng vậy. “Chỉ trong pháp môn này mới có đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn”. Các thánh quả thanh văn cũng xuất phát từ thân hành niệm mới thành. Ai có thể nói việc trên trời dưới đất, cùng khắp vũ trụ, mà chưa biết rõ về chính mình, chưa tu thân hành niệm, thì cũng chỉ mới chạy vòng ngoài, còn lâu mới giải thoát đau khổ. Vì thế Socrate nói, “Hãy tự biết mình”. (Connais-toi toi-même).

Trong khi những vị giáo chủ ngoại đạo, những triết gia ở đời xem thân thể là điều húy kị (taboo) không dám bàn, hoặc xem như đầu mối của tội ác cần phạt trị bằng ép xác khổ hạnh để chuộc tội, thì đức Phật lại sử dụng thân làm đề tài tu tập, như các ngoại đạo tưởng niệm thần linh, hay như “niệm chư thiên” do chính Phật dạy: đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn trong địa hạt tâm linh chưa từng thấy trước khi đấng Giác ngộ ra đời.

Niệm thân là nghĩ đến thân thể. Thật là đơn giản đến quái dị, khi ta nghe Phật dạy một pháp môn này có thể đưa ta đến an ổn thoát khỏi khổ ách, và lại còn chứng ngộ minh kiến giải thoát, thành Phật. Ai mà không nghĩ đến thân mình? Chúng ta đều nghĩ đến thân, lo cho thân mình, nghĩ quá nhiều đi nữa là đằng khác. Thế thì tại sao chúng ta không thành Phật, mà chỉ một mình đức Thích Ca thành Phật thôi? Tại sao mọi người đều nghĩ tới thân thể, mà chẳng những không thành Phật, lại làm cho cuộc đời ngày càng thêm loạn? Vậy hãy xét lại kiểu niệm thân của chúng ta trước khi học tập pháp niệm thân mà Phật dạy.

Chúng ta niệm thân kiểu thế này: Sáng nay ta sẽ ăn cái gì? Trưa ăn món gì? Chiều đổi món gì cho khoái khẩu? Tuần này có tuồng cải lương nào
hấp dẫn không? Rạp chiếu bóng có phim nào coi được không? Mới mướn bộ băng Tây du ký về, phải coi cho hết, hãy nghỉ thọ Bát quan trai một kỳ. Hôm nay ăn liên hoan mà đụng ngày mồng một mình ăn chay uổng quá, thôi thì cứ ngã mặn, mai hãy ăn bù cũng được... Chúng ta lo tính chuyện ăn, chuyện mặc, sắm xe, sửa nhà, mua tivi, tủ lạnh, tất cả đều vì nghĩ đến tấm thân, làm sao cho nó được sống thoải mái, hưởng thụ tối đa. Người nghèo lo làm cho đủ nuôi thân ngày hai bữa. Người dư của tiền, ăn mặc thừa thãi thì lo kiếm cách giải trí cho thân xác đỡ buồn chán, bằng cách tìm các lạc thú giác quan đủ loại từ hạ cấp như rượu chè đến cao cấp như cầm kỳ thi họa nhạc. Bận rộn suốt đời vì cái thân xác mà vẫn thấy trống rỗng vô vị, càng giàu có, hưởng thụ nhiều thì càng dễ buồn chán vì giác quan dần trở nên chai lì bởi những âm thanh chát chúa, màu sắc thác loạn. Mọi nỗ lực dường như đều nhằm thỏa mãn nhu cầu giác quan: những quán hàng, tụ điểm ăn chơi, ca nhạc, nhảy nhót... càng tấp nập bao nhiêu càng chứng tỏ tình trạng nghèo nàn, cô độc của cá nhân bấy nhiêu: có buồn sầu, trống rỗng mới tìm cách giải sầu cấp thiết đến thế:

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết đau thương...
(Thơ say – Vũ Hoàng Chương)

Vì quá lo cho thân xác, mà chúng ta đi đến tàn mạt, trở thành một “khách phong trần” lạc mất quê hương:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Bôn ba làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
(Trần Nhân Tông)

Như vậy cái kiểu “niệm thân” của ta hóa ra chỉ là một cách lãng quên thân, vong thân tán mạng.

PHẠM VI THÂN HÀNH NIỆM

Bây giờ, chúng ta hãy học tập cách niệm thân mà Phật dạy là có lợi ích lớn, đem lại an ổn lớn thoát khỏi khổ ách. Cách niệm thân này bao gồm
sáu việc sẽ tuần tự đề cập sau đây.

a. Quán 32 uế vật

Đầu tiên là quán 32 uế vật tập họp thành cái thân của ta, còn gọi là QUÁN BẤT TỊNH. Nó có tác dụng trừ khử lòng tham sắc dục nơi người nhiều tham dục. Hành giả trước hết phải học thuộc lòng như tụng kinh, các món sau đây:

Tóc, lông, móng, răng, da
Thịt gân, xương, tủy, thận
Tin, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi
Ruột non, ruột già, màng ruột, phân, não
Mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ
Nước mỡ, mắt, bọt, mũi, khớp, tiểu.

(tức 6 chất lỏng: mỡ nước, nước mắt, nước miếng, mũi nước, nước nhờn giữa các khớp xương và nước tiểu).

Sau khi thuộc lòng đến độ có thể đọc theo thứ tự xuôi cũng như ngược cả trăm ngàn lần, hành giả kế tiếp quan sát kỹ từng món trên tử thi, chú ý màu sắc, hình dạng, vị trí, giới hạn của nó, và đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh bất tịnh. Sau khi nắm vững hai việc này, thuộc lòng và quan sát, hành giả mới ngồi xuống nhắm hai con mắt lại mà quán toàn bộ 32 thứ như niệm một xâu chuỗi tràng có 32 hột. Hột nào nổi bật nhất hành giả sẽ chú tâm vào đó cho tới khi đắc sơ tướng, tợ tướng thuộc sơ thiền. Có thể đắc một định tướng sơ thiền cho mỗi món, hết món này quán món khác, như trưởng lão Mallaka có thể nhập định sơ thiền liên tục 16 ngày đêm do quán mỗi ngày một vật, mỗi đêm một vật. Pháp quán này không đắc gì cao hơn định tướng sơ thiền, vì không vượt qua TẦM TỨ, nhưng cũng giúp hành giả sống một đời an lạc nhờ nhiếp phục được tham ái. Khi thuần thục trong pháp quán này, ta sẽ thấy mọi thân thể đều giống nhau, xác sống cũng như xác chết không có gì đáng tham đắm. Nhìn mỗi cái thân người di động ta không còn thấy là trai hay gái, trẻ hay già, mà chỉ thấy như một bao đồ cứu trợ nạn lụt gồm 32 món đồ cũ. Nó mất hết dáng vẻ yêu kiều diễm lệ mê hoặc con người. Khi ấy ta nhìn tóc chỉ là tóc, có thể có chí rận hoặc có tưởng gì thêm thì cũng chỉ tưởng đến lúc đốt lên nghe mùi khét lẹt, chứ không tưởng theo kiểu thơ mộng như thi sĩ:

Một buổi trưa nắng vàng in lên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai

Một cái mặt chỉ là một cái mặt, chỉ là tóc lông móng răng da, chứ không có chuyện tưởng ra cái hoa được như Lý Bạch:

Áo ngỡ mây vờn, mặt ngỡ hoa
(Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng)

Thi văn bay bướm đôi khi có hại, nó kích động trí tưởng tượng của ta đi xa sự thật quá nhiều. Nghe các thi hào Lý Bạch, Bạch Cư Dị tả vẻ đẹp của Dương quý phi, ta cũng muốn đi ngược dòng thời gian sống lại thời vua Hán để coi nàng đẹp tới cỡ nào mà thi tổ phải hạ bút:

Thiên sinh chất lệ nan tự khí
(Vẻ diễm lệ trời bày khó bỏ)

Và:

Hồi đầu nhất tiếu bách mị sinh
Lục cung phấn đài vô nhan sắc

(Khi nàng quay đầu mỉm cười một cái, thì trăm vẻ diễm lệ nổi lên, làm cho các mỹ nữ trong ba cung sáu viện bỗng trở thành xấu xí đáng cho về vườn hết trọi.)

Quả thật là một nét bút thần tình mô tả mỹ nhân, làm cho ta trong phút chốc quên mất thân hành niệm. Nàng đẹp tới nỗi muốn vứt cái đẹp đi cũng không được (nan tự khí), đẹp một cách tự nhiên không cần trang sức, uốn éo làm bộ làm tịch gì cả. Người đẹp ngày nay phải nhờ đến mỹ viện chống lỗ mũi, căng da xẻ cằm cắt mắt nhổ răng... và trét thêm bao nhiêu thứ khác nữa mới được cho là đẹp. Dương quý phi trái lại, muốn bỏ bớt cái nhan sắc cũng khó; mỗi khi nàng cảm thấy lúng túng vì vẻ lộng lẫy của mình. Ôi, nếu không có hai thi hào lỗi lạc ấy thì Dương quý phi đã thành cát bụi từ khuya, làm sao còn được nhắc nhở một cách sống động như thế? Làm cho người ta phải tưởng tượng đến cái nhan sắc đã qua của một thời vang bóng? Chẳng những mắt chúng ta hiện tại chạy theo hình sắc, mũi chạy theo hương, mà tâm tưởng còn đuổi theo những bóng hình quá khứ làm mất cảnh giác đối với sự vật hiện tiền.

Chính vì cảm giác và ý tưởng của chúng ta cũng cần những món ăn như thân xác, nên ta đánh giá cao những tác phẩm nghệ thuật, và hâm mộ các thi hào, họa sĩ, diễn viên xuất sắc, cũng như ta ngưỡng mộ những đầu bếp giỏi.

Pháp môn quán 32 vật trong thân kéo ta trở về thực tại, nhìn thẳng vào thực chất thân xác, không có màu mè thêm bớt cái gì cả. Xác sống xác chết đều như nhau, thân ta và thân người cũng thế, chỉ là một tập hợp các chức năng khác nhau, như những bộ máy gồm nhiều phần ráp lại mới chạy được. Chỉ là tóc, lông, móng, răng da, thịt, gân, xương, thận, tủy... Không có ta, người, nam, nữ, trẻ già đẹp xấu, lại càng không những chức tước địa vị như ông nọ bà kia.

Lợi lạc của môn tu này là nhiếp phục được ưa và chán, nhiếp phục được sự sợ hãi, kham nhẫn được nóng lạnh đói khát, những lời nhục mạ, những cảm giác khó chịu, chết điếng người.

Trong quá trình tu tập, hai thái độ cần tránh là sự chai lì vô cảm vì quá quen thuộc, như thái độ của phu tẩm liệm, hay thái độ sợ hãi nhờm gớm phát sinh từ ngã chấp gọi là “kiêu mạn về sự sống” trong ba kiêu mạn. Thái độ thích đáng là nhìn xác chết như lẽ tất yếu dành cho tất cả, chung cuộc của mọi con người. Nhìn “với các căn xoay vào trong”, với niềm kính trọng biết ơn xác chết vì nghĩ “Chắc chắn nhờ pháp quán này mà ta thoát khỏi tham dục, sân hận và các thói xấu khác”.

Như đức Phật có lần đã sụp lạy đống xương vô chủ bên đường, và khi tôn giả A Nan hỏi tại sao Ngài làm thế, Ngài đã dạy, đống xương kia là cha, mẹ, anh em bà con quá khứ của ta, là chính thân ta trong nhiều đời trước. Kinh Bồ tát giới cũng dạy, “Nhất thiết địa thủy thị ngã sắc thân, nhất thiết hỏa phong thị ngã bản thể”. Thân ta là bốn đại chủng địa thủy hỏa phong tập hơp lại, cho nên chỗ nào có địa thủy hỏa phong chỗ ấy có một phần của thân thể ta. Như vậy, nói “không có cái ta trong thân xác này” (quán vô ngã) “không có cái tôi trong 32 uế vật hiện tại” cũng đồng như nói “không có đại dương trong bát nước biển hay trong 32 giọt nước biển”, bởi vì biển ở khắp nơi, không phải chịu sự sinh diệt như cái bát nước mặn ta múc lên để nhìn ngắm. Quán như vậy gọi là chính quán để gột rửa tham ưu ở đời.

Người tu quán bất tịnh hay bất cứ môn nào thuộc thân hành niệm, thỉnh thoảng cần tác ý tướng tinh tấn, thỉnh thoảng cần tác ý tướng định, thỉnh thoảng cần tác ý tướng xả. Nếu cứ một mạch tinh tấn quá mức để quán bất tịnh, thì không thể nào nuốt cơm vì gớm ghiếc, có thể đi đến chỗ tự sát hoặc hao mòn cơ thể vì mỏi mệt. Nếu định nhiều thì sẽ đưa đến sự giải đãi lười biếng. Nếu xả nhiều thì sự tu tập không đạt đến đích mong muốn, có thể bỏ cuộc. Như người luyện vàng, thỉnh thoảng nên rưới nước, thỉnh thoảng nên thụt ống bệ, thỉnh thoảng nên ngồi canh chừng. Nếu chỉ thổi ống bệ mà thôi, thì vàng sẽ cháy, nếu rưới nước mãi, vàng sẽ cứng lại, nếu chỉ ngồi nhìn, thì vàng không được luyện đúng mức.

Lại còn 6 pháp cần nhớ là chế ngự, nỗ lực, khích lệ, nhìn tâm với thái độ xả, quyết tâm đối với việc tu tập, và yêu mến Niết bàn. Người tu tập nếu không có sáu pháp này thì việc tu tập không thể thành công.

Khi tâm nổi tham dục, là lúc cần chế ngự. Khi tâm lười biếng, nên nỗ lực. Khi tâm buồn nản (do quá tinh tiến, đâm ra chán cái thân muốn chết cho
rồi) thì nên vỗ về khích lệ nó. Khi tâm quân bình giữa tinh tấn và định, chỉ quán được song hành không cái nào quá lố, thì nên nhìn tâm với thái độ xả Cũng như một người quá siêng năng thì dễ thành trạo cử không lúc nào yên, quá thông minh thì dễ trở thành láu cá, quá nhiều định thì dễ đâm ra lười biếng ù lì.

Chính niệm là biết rõ tâm đang ở trạng thái nào để kịp thời điều chỉnh, như người ta sửa đồng hồ vậy.

b. Phân biệt bốn đại

Hành giả cũng có thể niệm thân bằng cách phân tích bốn đại như sau. Trong thân này, những chất cứng như tóc lông móng răng da thịt gân xương thận tủy... thuộc về địa đại, chất lỏng thuộc thủy đại, nhiệt độ thuộc hỏa đại, hơi thở và chuyển động thuộc phong đại. Cách quán này cốt để trừ ngã chấp nơi một người chấp ngã nặng nề, có thể ít tham sắc dục nhưng rất kiêu căng ngã mạn nhiều tự ái hoặc nhiều mặc cảm. Về 32 uế vật có Kinh được giảng theo khía cạnh bất tịnh như kinh Đại niệm xứ thuộc Trường bộ số 22. Cách giảng dạy này là để đào luyện tịnh chỉ (định), nhưng khi giảng theo khía cạnh tứ đại như trong nhiều kinh khác thuộc Trung bộ (Kinh Tượng tích dụ, Giáo giới Rahula, Giới phân biệt, Thân hành niệm...) thì cốt đào luyện trí tuệ thấy vô ngã. Phật lấy ví dụ một người đồ tể không mất cái ý niệm “con bò” cho đến khi nào đã xẻ nó ra thành nhiều phần đem ra chợ bán. Khi ấy anh ta chỉ nói bán lòng, bán thịt, bán xương, bán gan, bán huyết, mà không nói bán “con bò”. Người tu hành cũng vậy, khi phân biệt thành các thân phần, định rõ đây là địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại, thì mới hết thấy cái “tôi” mình đã ôm giữ lâu đời.

Pháp quán này có thể đưa hành giả đến chứng đắc cả 4 thiền và 6 thần thông như Phật, vì bốn đại thuộc về “phi tự tính pháp” (xem bài trước), có thể vượt qua tầm tư duy, không như quán bất tịnh. Chữ “đại” có nghĩa là to lớn, ở đâu cũng có, không chỉ ở trong thân thể mà thôi: thể, tướng, dụng đều lớn. Nó còn có nghĩa là “đại huyễn thuật”, chỉ có bốn đại này tập hợp nhiều cách mà thành vô số chúng sinh đủ loài lớn nhỏ tùy theo nghiệp, giống như nhà huyễn thuật có thể biến hóa đủ cách từ bốn vật đơn sơ, như Bạch cốt phu nhân (bà xương trắng, đống xương hay cát bụi) biến hóa đủ kiểu để lừa gạt tính dễ tin của Đường tăng trong truyện Tây du ký.

Khi quán thân thể chỉ là tứ đại giả hợp, người tu quán này an trú trong chính niệm, sống không nương tựa bám víu gì trên đời, từ bỏ tham và sân, thấy thân thể chỉ như là thân thể (quán thân trên thân), nghĩa là bốn đại tập hợp. Hành giả không tưởng tượng thêm, kiểu như:

Cười môi em duyên dáng như chị Hằng
Và lấp lánh mắt là sương trong lệ

Cái óc tưởng tượng (tưởng uẩn trong 5 uẩn) mê hoặc chúng ta không ít, đức Phật gọi nó là “điên đảo tưởng” như trông gà hóa cuốc, vô ngã tưởng ngã, vô thường tưởng thường, dơ mà tưởng thành sạch và đẹp. Khi một vị tỷ kheo khởi tham dục vì trông thấy một phụ nữ, ông đi đến Ngài Sàriputta:

Dục ái đốt cháy tôi
Tâm tôi bị thiêu đốt
Xin Ngài vì thương xót
Nói pháp tiêu lửa hừng

Tôn giả Sàriputta đã dạy:

Chính do điên đảo tưởng
Tâm ngươi bị thiêu đốt
Hãy từ bỏ tịnh tướng
Liên hệ đến tham dục
Hãy quán sâu kiêu mạn
Hành nhiều, hạnh yểm ly ...

Như vậy, tham dục nổi lên là do xấu tưởng đẹp, dơ tưởng sạch, gọi là tưởng điên đảo, bởi đối tượng kia thực chất chỉ là tứ đại, là tóc lông móng răng da.

c. Quán mười bất tịnh của tử thi

Một phương pháp khác cũng thuộc thân hành là quán 10 giai đoạn của thây chết: thây phình trương, xanh bầm, chảy mủ, đứt lìa, bị dã thú gặm khới, chảy máu, dòi rúc, tan rã, phân tán khắp nơi, và bộ xương.

Người tu quán cần ghi nhớ những điều sau đây:

· quan sát kỹ đường đi lối về nghĩa địa (để khỏi tưởng tượng những hình thù ma quái).
· không nên đến xem thi thể người khác phái, vì có thể gợi những tư tưởng bất đáng.
· như lý tác ý, nghĩa là tránh hai thái độ đã nói: chai lì và nhờm gớm.

Trong pháp quán này, khi hành giả có thể thấy rõ tướng tử thi dù nhắm hay mở mắt, ấy là sơ tướng đã xuất hiện, với tất cả vẻ sống động kinh khủng của nó. Nếu hành giả vượt qua được, giữ vững chính niệm mà quán tiếp thì một thời gian tợ tướng sẽ hiện ra.

Sự khác nhau giữa hai tướng là, sơ tướng thì giống như những gì đã thấy, còn tợ tướng thì không còn vẻ gớm ghiếc, bất động và an bình.

Thây phình trương có tợ tướng như một người khổng lồ ăn no nằm dài. Thây bị chặt đôi có tợ tướng nguyên vẹn. Thây chảy máu có tợ tướng như đang đắp một tấm vải đỏ. Thây đầy dòi có tợ tướng như một trái banh bằng cơm trắng... Khi đã đạt đến tợ tướng, hành giả sẽ đắc định sơ thiền, nhiếp phục được tham sân, kham nhẫn được các nỗi khổ, và không còn sợ chết. Hành giả sống một đời an lạc vì không mong cầu, và khi thân hoại mạng chung, dù không đắc quả cũng hướng đến một cõi tái sinh tốt đẹp.

Nhưng mỗi loại thây chết thích hợp để trị một bệnh tham sắc khác nhau:

Thây phình trương cho người tham eo ếch
Thây xanh bầm cho kẻ đắm làn da
Thây mủ chảy cho người mê hương phấn
Thây đứt đôi hết ảo tưởng nguyên lành
Thây đục khoét cho người ham mông ngực
Thây rã rời cho kẻ khoái dung nhan
Thây máu me cho người tham môi đẹp
Thây phân ly hết thấy vẻ yêu kiều
Thây đầy dòi còn đâu nữa “của tôi”
Thấy bộ xương hết mê hàm răng trắng.

Cũng như quán 32 uế vật trong thân, pháp này chỉ đắc định sơ thiền vì không rời khỏi tầm tư duy liên hệ đến thân xác.

d. Quán bộ xương qua nhiều giai đoạn cho đến lúc thành bột trắng
(Cửu tưởng)

Đây là một pháp tu thuộc Tuệ quán về tướng đáng sợ hãi, đưa đến các loại trí gọi là Quá hoạn trí, Ố úy trí, Hành xả trí. Hành giả quán bộ xương còn dính gân thịt máu, bộ xương hết thịt chỉ còn gân và máu, bộ xương chỉ còn gân, bộ xương không còn gân nối lại, bộ xương bị phân tán chỗ này chỗ
khác, bộ xương bị rã nát, bộ xương đã thành bột trắng... Khi quán như vậy, hành giả an trú chính niệm: “Thân này bản chất là như vậy, không vượt qua bản chất ấy”. Và hành giả sống tinh cần, tỉnh giác, nhiệt tâm gột rửa tham ưu ở đời. Đối với mọi sự vật mọi người, hành giả có tâm hành xả, không tham luyến bất cứ gì, và khi nghĩ đến giai đoạn chỉ còn là xương trắng màu vỏ ốc, hành giả không gây ra sự sinh, chỉ chú ý đến diệt, đến Niết Bàn an ổn khỏi các khổ ách. Khi ấy hành giả dù vẫn làm việc lành mà xả chứ không chấp quả báo để tái sinh vào bất cứ một loại hữu nào, vì đã thấy rõ các hành đều đưa đến đau khổ, đưa đến hủy diệt. Trí thấy như vậy gọi là “Hành xả trí”.

Hành giả sống nhiệt tâm tinh cần do như lý tác ý cái chết. Vì nếu không như lý tác ý thì sẽ sợ hãi lo buồn trước cái già cái chết, như thi sĩ Bùi Giáng đã viết :

Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi, xuân sắp rụng mất rồi.

Nghĩ đến nỗi chết chóc sắp đến, người ta có thể sầu khổ khóc than một cách tuyệt vọng:

Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Hình hoa rã đẫm đìa sương theo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi...

Thật thê thảm, khi con người không thể chấp nhận một điều chắc chắn phải đến. Sự sống là bấp bênh, nhưng người ta lại nỗ lực tô bồi cho nó, trong khi cái chết là chắc chắn, thì chúng ta lại tảng lờ nó, và chỉ hoảng hốt khi nó xảy đến cho chính mình và người thân của mình.

Như lý tác ý cái chết là thấy rõ sự sinh diệt trong từng giây phút của xác thân này từ khi sinh ra cho tới khi xuống huyệt. Sống và chết là hai mặt tất yếu của cuộc đời như ngày và đêm, sáng và tối hay bốn mùa luân chuyển. Nhờ quán cái chết trước mắt mà ta sống nhiệt tâm tinh cần, nỗ lực làm việc thiện. Sự sống trở nên quý báu vô ngần chính vì nó ngắn ngủi, vô thường, khó đoán trước được. Như thể ta đang xem một vở tuồng hay đọc một cuốn truyện mà ta không thể nào đoán trước được những tình tiết ly kỳ kế tiếp. “Muốn biết việc này xin đọc hồi sau sẽ rõ”. Cái chết là điều chắc chắn ta nắm trong tay, nhưng bao giờ thì thân xác này sẽ được đặt xuống, nó sẽ chấm dứt tại đâu, trên mặt đất? mặt nước? trên không? hay trên một hành tinh nàọ khác ngoài trái đất? Nó sẽ chấm dứt kiểu nào? Bị bạo bệnh hay “an
nhiên tọa hóa” như các thiền sư? Chết non, chết già hay chết vì tai nạn? Thân hành niệm nếu không đưa ta đến chứng đắc thần thông để biết được những điều trên, thì ít ra cũng giúp ta nhìn sự chết với thái độ tò mò, thản nhiên, thay vì sợ hãi.

THIỀN CHỈ VÀ THIỀN QUÁN

Trong các đề mục thân hành niệm đã bàn kỳ trước, thì quán 10 giai đoạn tử thi là cốt để thấy tính bất tịnh, vô thường, quán tứ đại là để thấy tính vô ngã. Nhưng về 32 uế vật, thì có kinh nhấn mạnh khía cạnh vô ngã, có kinh nhấn mạnh khía cạnh bất tịnh. Phật thường lấy ví dụ một người đồ tể vẫn xem con bò là con bò cho đến khi xẻ nó ra làm nhiều phần đem ra chợ bán. Khi ấy anh ta chỉ nói bán thịt, xương, lòng, mỡ, gan, huyết... mà không nói bán “con bò”. Chúng ta cũng thế, cần phân tích con người ra nhiều phần tử như thế thì mới hết cái ảo tưởng về một toàn khối gọi là “con người” (còn gọi là thân kiến). Kinh ĐẠI NIỆM XỨ (Trường 22) trình bày 32 phần theo khía cạnh bất tịnh, còn các kinh khác như Tượng Tích Dụ (Trung 28), Giáo Giới Rahula (Trung 62), và kinh Giới Phân Biệt (Trung 140) thì trình bày 32 phần dưới khía cạnh tứ đại. Khi giảng theo khía cạnh bất tịnh, thì 32 vật là một đề mục thuộc thiền chỉ (Định), còn giảng theo khía cạnh tứ đại, thì 32 vật là một đề mục thiền quán (Tuệ). Vì thấy Vô Ngã là cốt yếu của Tuệ, trong khi thấy bất tịnh chỉ là phương tiện tạm thời để trị bệnh tham sắc.

SƠ TƯỚNG Và QUANG TƯỚNG

Hơn nữa, trong khi quán bất tịnh, đạt đến cái tưởng bất tịnh đối với thân xác, thì hành giả chỉ mới đắc định Cận hành, trong đó hình ảnh bất tịnh hiện rõ với tất cả vẻ sống động gớm ghiếc trong tâm hành giả, dù khi nhắm mắt hay mở mắt. Tiếp tục tập trung vào sơ tướng một thời gian, hành giả mới đạt đến một giai đoạn cao của định thực thụ, gọi là An chỉ, khi quang tướng xuất hiện. Đó là khi hình ảnh trong tâm tách rời thực tại gớm ghiếc, và trông có vẻ an tịnh, sáng sủa, rõ mồn một. Khi ấy hành giả đắc sơ thiền với năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Cảm giác đau khổ khó chịu lúc đầu khi mới tiếp xúc tướng bất tịnh, cuối cùng phải chuyển thành hỷ lạc mới gọi là đắc định. Quang tướng về thi thể phình trương chỉ như một người khổng lồ nằm ngủ sau khi ăn no. Quang tướng về thây xanh bầm đủ màu khi trước bây giờ chỉ còn một màu trội nhất. Thây đầy máu me chỉ như người ngủ đắp mền đỏ. Thây nhung nhúc những con dòi có quang tướng như một trái banh lớn làm bằng cơm trắng.

Như vậy tướng bất tịnh, đau khổ cần phải được vượt qua mới đắc an chỉ, và quán bất tịnh chỉ là giai đoạn tạm thời để trừ tham dục mà thôi. Nếu cứ đeo đẳng không thoát ra khỏi nó, thì chẳng những không ích gì mà còn gây phản ứng tai hại như chán đời, trắng trợn (cynique), xem đời không còn chút ý vị nào nữa. Một nền tôn giáo mà cứ nhồi sọ người ta bằng những tư tưởng bi quan yếm thế thì không thể nào sống dai và càng ngày càng lan rộng như Phật giáo. Khi Phật dạy đời là khổ, thân thể là bất tịnh thì Ngài mới chỉ nói có nửa câu. Nhiều người mới nghe chừng ấy đã vội phê phán đạo Phật bi quan yếm thế. Nhưng nửa câu sau mới là điều Phật muốn truyền dạy. Đó là Niết bàn, sự vắng bóng tất cả mọi đau buồn: thường lạc ngã tịnh là cứu cánh, trong khi vô thường khổ vô ngã chỉ là phương tiện, là chân lý của thế gian, chưa phải là đệ nhất nghĩa hay chân lý tuyệt đối. Phật dạy giáo lý của ta ví như chiếc bè, để qua sông, chứ không phải để ôm giữ.

Tính vô thường, khổ dưới cái nhìn tuệ giác, nghĩa là nhìn không kèm theo ngã chấp, không có sự ưa và chán thì trở thành thường, lạc. Già, chết (vô thường) sở dĩ kéo theo sầu bi ưu não là vì vô minh, ngã chấp. Nếu không có vô minh ngã chấp thì thấy vô thường là thường:

Chim vẫn bay quanh từ vạn kỷ
Gió thật xưa, mây thật già nua

Những hiện tượng phù du như mây, gió vẫn diễn biến trong bầu trời chân thường từ muôn vạn kỷ. Vô thường không ra khỏi chân thường. Hãy nghe bài kệ triệu thỉnh các vong linh:

Viễn quan sơn hữu sắc
cận thính thủy vô thanh
xuân khứ hoa thường tại
Nhân lai điểu bất kinh
(Trông xa ngọn núi vẫn có hình dạng, lắng nghe thật gần nhưng không nghe được tiếng nước chảy. Xuân qua rồi mà hoa vẫn nở, Người đến không làm kinh động chim chóc.)

Bài kệ không chỉ để an ủi các vong linh, mà còn nói lên một sự thật thâm thúy: cái chết tuồng như bao la hơn, “thực” hơn sự sống luôn luôn tuôn
chảy khó nắm bắt. Vì vô thường là thường nên khổ không khổ mãi mà đang biến thành vui, chết không chết mãi mà đang chuyển thành sự sống dưới hình thức khác. Ở đây đạo và thơ gặp gỡ. Những hiện tượng phù du trở thành bất tử dưới ngòi bút thi nhân, cũng như vô thường trở thành chân thường dưới nhãn quan của đạo sĩ. Nhờ vô thường mà chân thường hiển lộ:

Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng biển rộng không đến bờ em ạ
(B.G. Mưa nguồn)
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn.
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
(Tản Đà–Thề non nước)

Vô thường, khổ trở thành bất tử dưới ngòi bút thi nhân khi nó được đem làm thể tài của nghệ thuật, trở thành chân thường khi được đem làm đề mục thiền quán. Vì sự thưởng ngoạn cũng như sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi một lối nhìn vô ngã. Có vô ngã mới thoát ra khỏi nỗi đau khổ của “tôi” để nhìn xa thấy rộng. Một nhà phê bình văn học đã viết về cụ Nguyễn Du như sau: “Nếu không có con mắt trông suốt ba cõi, tấm lòng nghĩ thấu nghìn đời, thì tài nào có được bút lực ấy”. Đó là sự cảm thông với mọi tầng lớp xã hội đương thời và mai hậu:

Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người.

Sở dĩ cứ phải làm cô hồn không siêu được là vì chấp ngã, mỗi người ôm giữ tình trạng của mình lúc còn sống.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn.
Lặng mặt trời lẩn thẩn tìm ra.
Lôi thôi bồng trẻ dắt già.
Có khôn thiêng hỡi, lại mà nghe kinh.

Nhưng trong cõi chết thì “còn chi ai khá ai hèn, còn chi mà nói ai hiền ai ngu”. Để cảnh tỉnh các vong linh ấy thoát khỏi ngã chấp, cần phải nhờ đến thần lực từ bi của Phật:

Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi.
Dám nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.

Muốn thoát khổ cần phải mở rộng nhãn quan để thấy với trí tuệ vô ngã, thấy cuộc đời là phù du mộng ảo, và do đó sống chết cũng chỉ là ảo mộng trong bối cảnh chân thường như bọt sóng nổi lên rồi lại tan ngay vào biển cả.

“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh.
Có câu rằng: Vạn cảnh giai không”

Thấy được như vậy cũng chính là thấy Pháp và thấy Phật, thấy Pháp thân của Phật và tự nhiên được siêu thoát.

“Ai ơi lấy Phật làm lòng.
Tự nhiên siêu thoát ờ trong luân hồi”

“Lấy Phật làm lòng” là sống với cái tâm như tâm Phật, thì sẽ không còn khổ đau vì ngã chấp.

Thấy “vô thường, khổ” là vô ngã thì hết khổ. Dưới lối nhìn siêu thoát bằng trí tuệ vô ngã, thì vô thường không khổ mà còn là điều tất yếu và đáng muốn, vì nó làm cho cuộc đời luôn đổi mới, gợi tò mò, như đọc một quyển sách mà ta không biết điều gì sẽ xảy đến, nên luôn luôn hấp dẫn. Mọi bi kịch trở thành hài kịch khi ta nhìn lại với lối nhìn vô tư bình thản. Óc hài hước bởi thế là dấu hiệu của sự thông minh, của trí tuệ vô ngã. Có trí tuệ mới biết cười cái ngu, cười sự thất bại của mình và thoát ly khỏi nó.

e. Niệm thân hành

Một pháp môn niệm thân được gọi là “thân hành niệm” thực sự, chính là đào luyện sự tỉnh giác trong 4 uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và trong tất cả các động tác của thân thể. Bất cứ lúc nhìn tới ngó lui, co tay duỗi tay, thân thể được sử dụng như thế nào, hành giả phải hoàn toàn ý thức về nó, thắp sáng động tác ấy bằng ánh sáng tỉnh thức, không để cho nó chìm vào bóng tối vô thức. Nhờ tỉnh giác như vậy, các ý niệm tư duy liên hệ thế tục được đoạn trừ, nội tâm được định tĩnh, chuyên nhất.

Mỗi động tác của thân là một “thân hành”. Khi chú ý sự sinh và diệt của nó, hành giả thấy rõ thân xác bị bức bách bởi sinh diệt, gọi là “hành khổ” trong 3 khổ. Hành khổ rất khó nhận ra, nên hãy nói “khổ khổ” trước. Khổ khổ là nỗi đau đớn thực sự, như đau răng, đau bụng. Hoại khổ là nỗi khổ của sự diệt vong, như một cái chết do tai nạn hay chết tự nhiên. Nhưng khi còn sống thì thân xác phải được bảo trì nhờ cơm ăn áo mặc, chỗ ở thích hợp, và 4 uy nghi đi đứng nằm ngồi phải được điều hòa. Khi mọi sự việc ấy diễn tiến êm xuôi thì ta không ý thức được nỗi khổ tiềm tàng trong đó, mà chỉ khi có trục trặc xảy ra, ta mới thấy khổ khổ hay hoại khổ. Kỳ thực, bình thường, các uy nghi dáng điệu, nhu cầu của thân xác chính là hành khổ. Nhưng ta không thấy được điều ấy, bởi vì khi ngồi chưa mỏi ta đã vội đứng lên, ăn chưa đói đã có bữa ăn khác. Thử tưởng tượng một người phải đứng mãi một chỗ, đương nhiên sẽ khao khát đi hoặc ngồi hay nằm, cho là thượng
sách. Nhưng nếu một người phải nằm liệt giường tháng này qua năm nọ thì quả là hành khổ. Không có một tư thế nào thực sự là an ổn nếu không được thay đổi. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi chỉ là thay đổi kiểu khổ cho đến khi xuống mồ. Hành khổ này không dễ nhận ra nếu không chính niệm tỉnh giác.

Hành khổ là cái khổ của sự sinh diệt, bị vô thường bức bách. Và vì thân này vô thường, nên nó cũng vô ngã. Không có hai cái thân xác giống nhau trong hai thời điểm tiếp nhau: khi đứng là một cái thân, khi ngồi xuống là một thân khác. Có liên tục đổi khác như vậy (sát na sinh diệt) mới dần dần đi đến già và chết.

Đào luyện chính niệm tỉnh giác này rất khó, lúc đầu cần phải thực tập liên kết với các môn thân hành niệm khác như quán 32 uế vật và niệm hơi thở. Tựu trung, tất cả 6 pháp niệm thân đều liên quan chặt chẽ với nhau: quán 32 vật và quán 4 đại là để thấy rõ thực chất của thân xác là bất tịnh, vô ngã; niệm thân hành và niệm hơi thở là để thấy rõ vận hành của thân xác và tính chất vô thường, khổ, quán 10 giai đoạn của tử thi và quán bộ xương qua 9 giai đoạn (cửu tưởng) là để thấy rõ chung cuộc của thân này.
f. Niệm hơi thở

Cuối cùng, pháp niệm hơi thở tóm thâu tất cả 4 pháp quán gọi là Tứ niệm xứ quán gồm 16 đề tài mà chúng ta đã quen thuộc. Mỗi nhóm 4 đề tài, nhóm 1 quán thân, nhóm 2 quán cảm thọ, nhóm 3 quán tâm, nhóm 4 quán pháp.

Trong mỗi đề tài đều lấy hơi thở làm điểm tựa để quán, nên thân, thọ, tâm, pháp, đều do hơi thở mà có ra. Hơi thở là đầu mối của mọi sự: có thở mới duy trì được thân xác, cảm thọ, tư tưởng, tâm thức. Do vậy, làm chủ được hơi thở cũng là làm chủ được các thứ này.

Quán hơi thở ta còn nhận rõ được tính vô thường của thân xác. Thở vô mà không thở ra được hay ngược lại, thì hết sống. Tính chất vô ngã cũng hiện rõ: không có cái “tôi” nào ở trong luồng không khí ra vô nơi lỗ mũi để có thể bám lấy mà gọi là “ta” và “của ta”. Đức Phật có lần hỏi các đệ tử đời người dài bao lâu. Một người đáp trong khoảng 1 ngày đêm, người thứ hai đáp trong khoảng 1 bữa ăn, người thứ ba đáp trong 1 hơi thở ra vào. Đức Phật khen người sau cùng mới thực sự thấy đúng, chân chính tu tập niệm chết để tận diệt khổ đau. Quả vậy, khi thấy cái “tôi” chỉ kéo dài trong 1 hơi thở, thì không còn nuối tiếc quá khứ, khát vọng tương lai, mà luôn luôn an trú trong chính niệm hiện tiền, chính quán nó là vô thường, vô ngã.

Pháp môn thân hành niệm gồm cả 6 phần này có thể khiến hành giả sống một đời hạnh phúc an lạc trong hiện tại, nếu tu tập nghiêm túc sẽ chứng được sơ thiền và khi chết sẽ hướng đến cảnh giới tốt đẹp. Ngược lại, người không tu tập thân hành mệm, sống trong thất niệm buông lung, thì chính là miếng mồi ngon cho ma quỷ, ma dễ cám dỗ vị ấy và làm cho vị ấy đi đến tàn mạt.

NIỆM VÀ ĐỊNH

Các pháp tu bao hàm trong THÂN HÀNH NIỆM như đã nói, gồm 6 mục. Bốn mục – gồm 82 uế vật 4 đại, 10 giai đoạn thây chết, và 9 giai đoạn của bộ xương – là để đào luyện Chỉ và Quán hay Định, Tuệ. Hai pháp còn lại – niệm thân hành và niệm hơi thở – là để đào luyện CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, gọi tắt là Niệm.

Niệm và Định khác nhau ở chỗ nào. Trước hết hãy nói về Định. Như đã định nghĩa lúc đầu, Định là sự tập trung, xoay quanh của tâm và tâm sở vào một đối tượng duy nhất cho đến khi tâm dừng lại những tư tưởng đủ loại, và chú mục vào một đối tượng duy nhất ấy, thắp sáng nó, gọi là AN CHỈ. Trái lại, Niệm là tâm luôn luôn chảy theo một hướng bất biến (như vô thường, khổ, vô ngã) dù đối tượng thấy, nghe hay, biết, có thay đổi (tùy duyên). Ví dụ khi một tỷ kheo tu quán bộ xương đã đắc định, thì thấy mọi người chỉ là những bộ xương di động, không thấy gì khác. Ngược lại, đào luyện chính niệm thì khi thấy một con người, dù có thấy tướng đàn ông, đàn bà, đẹp, xấu, (chứ không phải chỉ là bộ xương) tâm vẫn không chấp cái tướng ấy mà luôn luôn nhớ nghĩ đến vô thường vô ngã. Chỉ khi quên chính niệm (thất niệm) phân biệt mới sinh khởi, và do phân biệt nên có thương ghét, có đau khổ. Bởi thế Phật dạy mất chính niệm là mất công đức. Có chính niệm như có áo giáp sắt, dù có xông ra giữa trận giặc đủ loại (sắc đẹp tiếng hay, lợi lộc, danh tiếng...) cũng không bị tổn thương (kinh Di Giáo).

Khi Phật còn tại thế, có nhiều mệnh phụ phu nhân trong triều vua Ba Tư Nặc đến yết kiến Ngài để được nghe giáo lý từ kim khẩu. Mỗi lần bà nào có nhan sắc đi đến, Ngài lại cảnh giác các tỳ kheo chung quanh (những vị chưa đắc quả): “Các thầy hãy chính niệm lại, vì có một nhan sắc sắp tới”. Nghe như là cha dặn con “các con hãy cẩn thận, có con rắn đang bò tới”, hay “các con coi chừng có đoàn tàu tốc hành sẽ đi qua”. Không cẩn thận, không coi chừng thì sẽ bị rắn mổ, xe cán chết tại chỗ. Ngài không dạy phải nhắm hai con mắt lại, hay hãy quán bộ xương, bởi vì mắt nhắm thì mất tự nhiên và nhiều khi nhắm mắt còn thấy rõ hơn là mở mắt do trí tưởng tượng. Còn quán bộ xương thì phải đạt tới An chỉ mới thấy xương chứ chưa đắc định thì vẫn thấy đẹp và vẫn mê như thường.

Bởi thế chính niệm là phương pháp tốt nhất để đối cảnh mà tâm không sinh. Chính niệm có nghĩa là vẫn nhìn, vẫn nói chuyện nhưng không quên thấy đó là bất tịnh, vô thường, khổ, vô ngã, gọi là bốn niệm xứ mà đức Phật gọi là “đường đi” (hành xứ) là quê hương của người tu hành. Quên nó dù chỉ trong chốc lát cũng có thể gây tai hại vong thân tán mạng. Như đi lạc đường, quẹo sai hướng một chút thì ngày càng lạc.

Chính niệm tỉnh giác trong 4 uy nghi gọi là thân hành niệm. Nó có nghĩa là, khi thân xác được sử dụng cách nào, tâm đều có ý thức chứ không phải vô ý thức. Dùng DANH (tâm) để quán SẮC (thân xác) trong bất cứ động tác nào như đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi tay, ngước lên, cúi xuống... Tự ý thức mình đang làm bộ làm tịch, đang làm ra vẻ quan trọng, đang kênh kiệu, đạo mạo, tiu nghỉu, hấp tấp, hay bất cứ trong tư thái nào. Vừa khi ý thức được thắp sáng, ta sẽ tự cười cho thái độ của mình: “Tại sao phải bước nhanh thế nhỉ? Hãy chậm lại. Có cần phải to tiếng chăng? Nói vừa đủ nghe được rồi”. Cứ thế ta điều chỉnh lại những căng thẳng khởi lên nơi thân và tâm, để thấy chúng sinh rồi diệt, như những cảm giác ngứa, tê, nóng, lạnh... Tập tỉnh giác như thế gọi là niệm thân hành. Pháp này sẽ đưa đến tuệ giác vô thường vô ngã. Khi thân ngồi xuống đứng lên rồi đi, tâm nhận thức rằng thân xác đang ngồi xuống, đang đứng dậy, đang bước đi. Và cái thân xác khi ngồi khác với với thân xác lúc đứng, thân xác lúc đứng khác với thân xác lúc bước đi, không phải là một cái “tôi” duy nhất, vì nó vô thường. Cái tâm nhìn ngắm thuộc về DANH, cái thân xác đang đi, đứng, nằm, ngồi thuộc về SẮC, cả hai không có cái nào là cái TA thực sự, vì cả hai đang biến đổi luôn luôn. Sau một thời gian, nếu thực hành đến chỗ thuần thục, hành giả cảm thấy DANH và SẮC tách biệt hẳn nhau, như là có hai con người, một người coi kịch (DANH), một người đóng kịch (SẮC). Như trong đoạn cuối cuốn Tây du ký, Đường Tăng Tam Tạng nhìn thấy xác mình trôi trên dòng sông khi tới đất Phật. Thân hành niệm hay tỉnh giác trong 4 uy nghi là pháp môn tu tập không gây phản tác dụng như quán bất tịnh hay quán bộ xương trong lúc đang tu. Dù chưa chứng đắc cái gì, mỗi giờ có chính niệm tỉnh giác
là một giờ ta được an lạc, vì khi có ánh sáng ý thức rọi vào từng động tác, thì không có sự quên lãng, sơ ý, nguyên nhân gây tai nạn bất ngờ. Pháp môn này còn giúp người tu tập có một phong độ khoan thai, từ tốn, phát sinh từ cái tâm an lạc tỉnh giác. Chúng ta thường thấy những người trong lúc bồn chồn lo lắng thì đứng ngồi không yên, làm gì cũng hấp tấp, quên trước quên sau và chỉ sực nhớ ra khi đã quá muộn, như bài thơ của Bùi Giáng mô tả:

Chèo ghe ra biển ghé vai
Hỏi thăm cá biển, 1, 2, 3 điều
Nửa chừng quên bẵng 4 điều
Cuối cùng sực nhớ 5 điều đã quên

Con người thường sống bỏ quên hiện tại, xem hiện tại như một cây cầu, một trung gian cần phải vượt qua cho mau để đi đến một tương lai mà không hề ý thức rằng tương lai ấy cũng sẽ trở thành một hiện tại đầy những thúc bách như hiện tại. Thức dậy phải rửa mặt, thay áo thật nhanh để đi làm, làm mọi việc cho thật nhanh để đi về, đi về cho thật nhanh để coi Tivi, coi tivi mau để đi ngủ, ngủ để còn dậy, dậy để đi làm... Đời sống trở thành một cái máy cho đến khi xuống huyệt. Trước cái chết, giấc ngủ cuối cùng không “để mà làm” gì nữa, thì ta lại khóc than tuyệt vọng, chỉ vì ta chưa bao giờ thực sống. Sống thực sự là thở. Xác sống xác chết chỉ khác nhau một hơi thở. Vậy mà ta có bao giờ ý thức đến hơi thở của mình đâu, chỉ xem nó như một trung gian để làm điều này điều nọ. Bởi thế, Pháp niệm thân hành gắn liền với niệm hơi thớ, cả hai được gọi là sự sống an lạc ngay trong hiện tại, hiện pháp lạc trú. Đó cũng là đời sống tỉnh thức được thắp sáng bằng ngọn đuốc chính pháp, không bằng cái gì khác, đời sống tự quay về nương tựa mình, không nương tựa gì khác, chính niệm tỉnh giác để trừ khử những tham
luyến, ưu tư trên đời.

Quên mất hơi thở ìà quên mất mình, mất tự chủ, sống như một cái xác không hồn, như một người máy. Khổng Tử nói: “Khi tâm không có mặt thì nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị của món ăn” (Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị)

Thân hành niệm kéo ta trở về thực tại, sống trọn vẹn phút giây hiện tại, sống không xem hiện tại như một cây cầu phải vượt qua cho mau. Bởi thế, khi hít vô một hơi thở dài, ta ý thức trọn vẹn luồng không khí đi vào. Khi thở ra một hơi dài, ta cảm giác hoàn toàn hơi thở đang đi ra. Thở vô một hơi ngắn, ta biết hơi thở đang đi vào một khoảng ngắn, chỉ chạm tới lỗ mũi. Khi thở ra một hơi ngắn, ta cảm giác trọn vẹn hơi thở ngắn đang đi ra.

Khi đã luyện tập sự chú tâm trên hơi thở ra vào đến chỗ thuần thục, (lúc đầu cần ngồi kiết già lưng thẳng ở chỗ vắng vẻ thoáng khí), ta có thể chú tâm đến các động tác của thân thể như co tay, duỗi tay, ngó tới, ngó lui, cúi xuống, ngẩng lên, đi, đứng, nằm ngồi... gọi là chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi, hay thân hành niệm. “Quán tính sinh khởi trên thân, quán tính diệt trên thân, chính niệm tỉnh giác để gột rửa tham ưu ở đời”. Tính sinh khởi, tính diệt tận trên thân gọi tắt là thân hành. “Hành” có đặc tính là sinh rồi diệt, nên Phật dạy “chư hành vô thường, thị sinh diệt Pháp” (các hành là vô thường, là pháp sinh diệt). Các uy nghi hay thân hành cần phải thay đổi luôn luôn, mỗi lần thay đổi là một lần sinh diệt. Như đã nói ở trên, thân thể khi ngồi khác với khi đứng, sự khác nhau rất vi tế khó nhận ra, mà Phật gọi là sát na sinh diệt. Có sinh diệt từng sát na như vậy mới đi đến già và chết. Chẳng những các uy nghi (thân hành) là vô thường mà chúng còn là khổ, vì ngồi mãi một chỗ ta sẽ mỏi mệt và buộc lòng phải đứng lên, nhưng đứng hoài cũng không khá gì, lại phải ngồi xuống hoặc nằm xuống. Nằm mà không ngồi dậy được tức là bịnh bại liệt thì lại là một cái khổ rõ rệt. Như vậy, đi, đứng, nằm, ngồi (các uy nghi hay thân hành) không có gì vui mà chính là khổ. Sở dĩ ta không thấy khổ trong đó, là nhờ có thay đổi luôn luôn,
nhưng chỉ là “thay đổi kiểu đau khổ” cho đến khi xuống mồ. Chết, sự chấm dứt các hành, gọi là hoại khổ, còn Sống với các uy nghi đi, đứng nằm, ngồi thay đổi luôn luôn thì gọi là hành khổ, cái khổ vi tế mà chỉ có đấng Giác Ngộ mới thấy rõ.

Khi đã ý thức được mọi hành đều đang dẫn đến cái chết, thì không cần gì phải hấp tấp, cứ an nhiên mà thường thức từng hơi thở vào thở ra, quan sát các uy nghi đang còn điều hòa, nghe ngóng các cảm giác, ý nghĩ đang sinh khởi và biến mất trong thân, tâm (chính niệm tỉnh giác để gột rửa tham ưu ở đời). Người sống được như vậy gọi là người yêu mến hạnh độc cư, người sống độc lập tự chủ. Hạnh độc cư này đựơc Phật tán dương trong nhiều kinh Trung bộ, như kinh Nhất dạ Hiền Giả v.v..

Quá khứ không truy tầm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai còn chưa đến...

“Không trở về với quá khứ, cũng không ước vọng tương lai” mà dùng tuệ soi chiếu hiện tại, để thấy nó đang biến dịch không ngừng. Người sống như vậy được gọi là kẻ yêu mến hạnh độc cư, dù ở giữa đám đông, giữa thành thị, bởi người ấy không ờ chung với một pháp thứ hai như sự nuối tiếc quá khứ hay mơ tưởng về tương lai, làm cho hiện tại bị quên lãng.

Thông thường, chúng ta ưa nghe về quá khứ vàng son để tự hào hoặc buồn tủi. Quá khứ như một bóng ma ám ảnh làm hỏng luôn cả hiện tại, quá khứ không còn nữa nhưng những phiền não do nó gây nên khi ta “truy tầm” nó, lại có tác dụng rất tai hại đối với việc làm hiện tại của ta. Tương lai cũng vậy, nếu ta ước vọng về nó quá nhiều cũng tai hại không kém. Tương lai chưa đến, song những dự tính, hy vọng viễn vông về tương lai có thể làm ta đánh mất những gì đang hiện hữu, như truyện ngụ ngôn: Cô Pérette đang đội sữa đi bán mà cứ tưởng đến khi bán xong sữa sẽ mua về một con bò, thừa tiền mua thêm con bê, dắt bê di chơi, cho nó nhảy tung tăng. . . Say sưa với viễn ảnh đó, cô tung mình nhảy theo con bê tưởng tượng, làm cho bao nhiêu sữa đang đội đều đổ xuống đất. Nếu ta chính niệm tỉnh giác, sống trọn phút giây hiện tại như lời Phật dạy thì đồng thời ta cũng gột rửa được “tham ưu” do những suy tưởng về tương lai, quá khứ đem lại. Trong hiện tại đã bao hàm quá khứ và vị lai, nếu ta tập sống trọn vẹn phút giây bây giờ thì tương lai là một chuỗi những “bây giờ” an lạc và tỉnh giác, không có gì phải tiếc nuối.

Đào luyện chính niệm tỉnh giác cũng là đào luyện mềm yêu thương đối với sự sống, mà thuật ngữ gọi là TỪ TÂM GIẢI THOÁT. Khi tỉnh thức, ta nhìn mọi sự vật trong một nhãn quan mới mẻ như mới thấy lần đầu, vì ý thức được mọi sự đang đổi khác và chính mình cũng khác, không còn là một, như lời Ni sư Tổng Trì đáp tổ Đạt Ma: “Theo con, đạo ví như cái nhìn của A nan vào cõi Phật A Súc thấy một lần là không bao giờ trở lại”. Một văn sĩ người Pháp nói: “Aimez ce que jamais on ne verra deux fois” (Hãy yêu mến những gì ta sẽ không thấy đến hai lần): đó là những gì đang ở trước mắt ta trong thoáng chốc, mà thi sĩ cảm nhận rõ nhất:

Một phút nữa thôi
Và màu sẽ mất
Suối sẽ xa đồi
Như mây xa đất
(Mưa nguồn –Bùi Giáng)

Từ bi luôn sóng đôi với tuệ giác, nên chú tiểu khi học tập sự tỉnh thức đồng thời cũng tập trải rộng lòng từ bi như Phật, luôn nghĩ đến tất cả mọi người trong từng động tác hành vi. Quyển sách của người mới vào chùa tập sự là quyển Tỳ ni nhật dụng thiết yếu, dạy họ chú tâm vào mọi việc đang làm, đồng thời khai triển lòng từ, nghĩ tới chúng sinh:

Thấy giòng nước chảy
Nguyện cho chúng sinh
Vào giòng chân lý
Vào biển trí Phật.
Đi đường, qua cầu
Mong cho chúng sinh
Có lòng quảng đại
Như đường như cầu.

Tóm lại NIỆM HƠI THỞ và THÂN HÀNH NIỆM là hai pháp tu liên kết chặt chẽ với nhau để đào luyện chính niệm tỉnh giác, lại vừa đào luyện định, tuệ và từ bi. Lợi lạc ngay trước mắt là hiện pháp lạc trú, tăng cường sức khỏe thân tâm; và lợi lạc về sau là chứng ngộ Minh kiến và Giải thoát, đạt Niết bàn như Phật Thế tôn.

KẾT LUẬN

Khi Phật dạy: “Có một pháp môn này, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, được biến thành cỗ xe, thành căn cứ địa, thì sẽ đưa hành giả vượt khỏi các khổ ách. Pháp môn đó chính là thân hành niệm”, Ngài cho ta thấy cái thân là nguồn gốc của mọi đau khổ, nhưng đồng thời nó cũng là phương tiện để thoát mọi khổ ách và đạt đến Niết bàn an vui, nếu biết sử dụng nó để tu tập. Ai cũng có thân, có thân là có khổ, nhưng đồng thời cũng có phương pháp tuyệt diệu để đạt Niết Bàn. Thân là cỗ xe đưa đến giác ngộ an vui nếu biết tận dụng nó. Nếu dùng sai, nghĩa là sống trong bất giác vô minh, thì thân lại là nguồn gốc của mọi đau khổ. Vậy cốt ở cách dùng. Cũng như với người biết lái xe, thì chiếc xe là phương tiện rất tốt, nhưng ở trong tay người lái dở thì xe cũng là cái đưa người lái đến tai họa. Không biết lái xe thì chiếc xe lại trở thành gánh nặng cho người lái. Khổ cũng vậy, có khổ, song nếu ta biết vận dụng nó, thì nó lại đưa ta đến an lạc Niết bàn.








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]