Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thoát ra khỏi vòng sanh tử

04/02/201107:49(Xem: 10341)
Thoát ra khỏi vòng sanh tử

CON ĐƯỜNG CŨ XA XƯA
(Bát Chánh Đạo)
Phạm Kim Khánh
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ 1993

Phần 2

Thoát ra khỏi vòng sanh tử

Tiến trình nhân và quả diễn tiến vô cùng tận. Cây sanh trái, trái sanh cây, xem hình như không bao giờ chấm dứt. Nhưng nếu ta biết, đập hột đi ắt trái không còn sanh cây và như thế chấm dứt luồng diễn tiến. Quả phát sanh vì nhân. Nếu không có nhân tức không có quả. Nhân diệt tức quả diệt.

Hãy trở lại nhìn vào bánh xe của đời sống, cũng được gọi là pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Paticca samuppada), hay Thập Nhị Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên.

Từ vô thủy ta bị trói buộc, dính mắc trong vòng lẩn quẩn của Thập Nhị Nhân Duyên. Nếu để nó trôi chảy theo dòng diễn tiến tự nhiên mà không có sự cố gắng mà để khắc phục và vượt thoát ra khỏi, thì dưới sự chi phối của tham ái, sân hận và si mê cố hữu của con người, nó sẽ lôi cuốn ta mãi triền miên vô cùng tận. Phải đập bể cái hột và chấm dứt vòng luân hồi. Câu hỏi được nêu lên là: Phải thoát ra ở giai đoạn nào ở mười hai vòng khoen?

Hai vòng khoen đầu, Vô Minh và Hành, nằm trong thời quá khứ. quá khứ đã qua, nghiệp đã được tạo, ta không thể đi ngược dòng thời gian để sửa sai. Vậy, không thể làm gì.

Hai vòng khoen cuối cùng, Sanh và Lão Tử, thuộc về tương lai. Tương lai chưa đến. Ta cũng không thể đi trước thời gian để sắp xếp sự vật.

Tám vòng khoen còn lại nằm trong thời hiện tại. Năm trong tám vòng ấy: Thức, Danh sắc, Lục căn, Xúc, Thọ là quả, trổ sanh trong hiện tại do nghiệp đã tạo ở quá khứ. Nhân đã gieo trong quá khứ ắt quả dĩ nhiên phải trổ, ta không thể sửa đổi. Cũng không thể làm gì.

Còn lại ba là Ái, Thủ, Hữu. Đây là phản ứng của ta đối với những quả ấy. Phản ứng này rất quan trọng vì sẽ làm nhân tạo quả trong tương lai. Đó là yếu tố then chốt trên con đường. Nơi đây ta có thể bị lôi cuốn mãi mãi đi vòng quanh mà cũng tại nơi đây ta có thể mở đường vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi. Nếu trong khi thọ, ta ái -- ưa thích hay ghét bỏ -- tức có luyến ái, đeo níu, bám chặt (thủ) rồi tiếp nối vòng quanh. Nếu hiểu biết bản chất thật sự của thọ là vô thường, khổ, vô ngã ta sẽ không chấp thủ mà buông bỏ. Tức nhiên không có ái. Không ái tức không thủ, không hữu và đó là đập nát cái hột, chấm dứt luân hồi.

Trong các bài kinh giảng về thọ trong bộ Tạp A Hàm (Vedana-samyutta) Đức Phật hỏi: " Này chư Tỳ Khưu, một người thế gian không có học Giáo Pháp, kinh nghiệm thọ lạc, kinh nghiệm thọ khổ, và kinh nghiệm thọ vô ký. Một Thánh Đệ tử thông suốt Giáo Pháp, cũng kinh nghiệm thọ lạc, kinh nghiệm thọ khổ và kinh nghiệm thọ vô ký cùng một thế. Vậy thì có gì khác biệt, có điểm nào dị đồng giữa hai người?

"Khi người thế gian bị đau đớn, nhức nhối thì lo âu và phiền muộn, người ấy ta thán, đấm ngực khóc than và thất vọng. Như thế anh ta kinh nghiệm hai loại thọ, thọ khổ ở thân và thọ ưu ở tâm. Cũng như đã bị một mũi tên rồi lại bị một mũi tên thứ nhì, anh đau khổ cả thân lẫn tâm.

"Bị thương đau nhức, người ấy phẫn uất, bất mãn và có khuynh hướng tìm cách khỏa lấp. Trong sự đau khổ người ấy đi tìm lạc thú ở đời. Tại sao người ấy hành động như vậy? Này chư Tỳ Khưu, người thế gian không có học Giáo Pháp, không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi sự đau khổ của mình, ngoại trừ tìm cách hưởng thụ dục lạc để khỏa lấp. Bên trong con người thích thú hưởng thọ dục lạc thì khuynh hướng khát khao nhục dục ngũ trần ngày càng sâu đậm. Người ấy không biết đúng sự thật bản chất sanh diệt của thọ, không biết hậu quả tai hại của lòng ham muốn thỏa mãn dục vọng mà cũng không biết làm cách nào để thoát ra. Bên trong con người kém hiểu biết như thế khuynh hướng si mê đối với thọ vô ký càng sâu đậm. Khi thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký người như thế ấy tự trói buộc, xiết chặt mình vào đời sống. Này chư Tỳ Khưu, người như thế ấỵ bi dính mắc và mãi mãi lăn trôi trong vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu muộn, ta thán, khổ đau và tuyệt vọng.

"Trong trừơng hợp của bậc Thánh Đệ Tử thông suốt Giáo Pháp, này chư Tỳ Khưu, khi bị đau đơn nhức nhối vị ấy không lo âu, phiền muộn và ta thán, không đấm ngực khóc than và thất vọng. Người ấy chỉ kinh nghiệm một loại thọ, đau đớn về thể xác, nhưng tâm vẫn bình thản. Cũng giống như người bị mũi tên, không bị mũi tên thứ nhì. Cũng dường thế ấy, bậc Thánh Đệ Tử thông suốt Giáo Pháp sẽ không lo âu sầu muộn và ta thán, sẽ không đấm ngực khóc than và thất vọng.

"Bị thương đau nhức người ấy không phẫn uất bất mãn, do đó không có khuynh hướng tìm cách kháng cự. Trong sự đau khổ người ấy không tìm thọ hưởng lạc thú trần gian để khỏa lấp.

"Tại sao? --Vì đã thông suốt Giáo Pháp bậc Thánh Đệ Tử hiểu biết làm thế nào để thoát khổ, ngoài phương cách thỏa mãn dục vọng. Bên trong người không tìm thỏa mãn dục vọng không còn khuynh hướng đi tìm thích thú trong dục lac. Người ấy thấu đạt chân chánh bản chất sanh diệt của thọ, mối hiểm họa của lòng ham muốn dục lạc và cũng hiểu biết con đường thoát ra khỏi những thọ cảm ấy. Bên trong người hiểu biết như thế ấy không còn khuynh hướng si mê đối với thọ vô ký. Khi thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký người ấy không bị trói buộc. Người như thế ấy, này chư Tỳ Khưu, được gọi là bậc Thánh Đệ Tử thông suốt Giáo Pháp, là người không tự trói buộc mình vào và không lăn trôi theo vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu muộn, ta thán, khổ đau và thất vọng.

"Đó, này chư Tỳ Khưu, là sự khác biệt, là điểm dị dồng giữa người thế gian không biết Giáo Pháp và vị Thánh Đệ Tử thông suốt Giáo Pháp ."

Một lần khác Đức Phật dạy:

"Này chư Tỳ Khưu, trên không trung có nhiều luồng gió thổi: gió từ hướng Đông, từ hướng Tây, gió từ hướng Bắc, hướng Nam, gió co mang theo buị bặm và gió không bụi, gió nóng, gió lạnh, gió giông bão, có gió lượng nhỏ thổi, có gió lượng lớn thổi. Cũng vậy, này chư Tỳ Khưu, trong thân này có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên: Thọ lạc phát sanh, thọ khổ phát sanh và thọ vô ký phát sanh.

"Nhưng vị Tỳ Khưu nhiệt thành tin tấn và không dễ duôi lơ đễnh buông lung, luôn luôn giác tỉnh chú niệm và hiểu biết rõ ràng bản chất của mỗi loại thọ. Thấu đạt từng thọ cảm, vị ấy sẽ tận diệt ô nhiễm trong chính kiếp sống này. Đã thuần thục hiểu biết và vững vàng trong đường lối của Giáo Pháp, khi kiếp sống này chấm dứt, cơ thể rã tan, vị Tỳ Khưu ấy vượt lên khỏi mọi hình thức khái niệm của thế gian."

Một cách chính xác, chính thọ (vedanã) cảm giác một đối tượng, khi đối tượng ấy tiếp xúc với Lục căn. Thọ cảm nhận quả lành hay quả dữ của những hành động trong hiện tại hay trong quá khứ. Chính tâm sở tác ý (cetanã), tức ý nằm bên trong hành động, là "người gieo nghiệp" và tâm sở thọ là "người gặt hái quả". Ngoài hai tâm sở tác ý và thọ không có một linh hồn hay một bản ngã, một cái "Ta" nào tạo nghiệp hay thọ quả.

Khi thấy một hình sắc, nghe một âm thanh, ngửi một mùi, nếm một vị, sờ chạm một vật hay nảy sanh một ý nghĩ con người có một cảm giác, một loại thọ. Nhưng ta không thể nói rằng tất cả mọi chúng sanh đều cảm một loại thọ giống nhau trứơc một đối tượng giống nhau. Một đối tượng có thể tạo thọ lạc cho người này mà gây thọ khổ cho người kia và thọ vô ký cho một người khác nữa, vì khuynh hướng tâm tánh trong luồng nghiệp (anusaya) của mỗi người mỗi khác. Một ly rượu mạnh có thể là nguồn khoái lạc cho một người và là độc dược cho người khác. Lại nữa, cùng một người cùng một đối tượng, ở hai thời kỳ khác nhau hay trong những hoàn cảnh khác nhau thọ cũng có thể khác nhau. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?".

Chúng ta chấp những yếu tố của ngũ uẩn luôn luôn biến đổi là "Ta". Đó là nguồn gốc của tất cả những phiền phúc, những lo âu, những quấy nhiễu, những điều bất hạnh, những hoàn cảnh khổ đau.

Tại sao?

* Khi cái được gọi là "Ta" bám níu, duyên theo người hay vật mà nó ưa thích, tất có thân yêu, luyến ái hay trìu mến.

Trong những trừơng hợp khác nhau Đức Phật dạy rằng:

"Thân yêu... Trìu mến... Luyến ái... Tham dục... Ái dục... sanh sầu muộn, sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt thân yêu... trìu mến v.v... không còn sầu muộn, càng ít lo sợ." (Kinh Pháp Cú, câu 212-216)

" ....Phiền não không bao giờ đến với người không luyến ái danh sắc và không còn dục vọng." (câu 221)

* Khi cái "Ta" bất mãn với người hay vật không ưa thích tất cả sự ghét bỏ, phiền giận hay hận thù.
Kinh Pháp cú dạy rằng:

Lòng sân hận không thể nguôi ngoai trong tâm người ôm ấp những ý nghĩ, "Nó lăng mạ tôi", "Nó đánh đập tôi", "nó chiến thắng tôi", "nó cướp giật của tôi". (Pháp Cú, câu 3)

"Trên thế gian này sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương mới diệt tâm sân. Đó là định luật nghìn thu." (Pháp Cú, câu 5)

* Khi cái "Ta" thất bại, tất có sự đau khổ, âu sầu, phiền muộn, hối hận và tuyệt vọng sâu xa, có thể đưa đến cảnh tự quyên sinh hay gây tổn hại cho người khác.

* Khi cái "Ta" lâm nạn, tất cả lo âu sợ sệt. Tại sao ta lo sợ? Phân tích đến mức cùng tột chỉ có một câu trả lời: Chúng ta lo sợ vì mang nặng trong lòng những tư tưởng " Ta" và "Của Ta". Chúng ta trông mong chờ đợi, bồn chồn mong mỏi cho ta và những ai hay những gì ta yêu qúy, được châu toàn, trong một thế gian không ngừng biến đổi. Kẻ cất nhà cát trên bãi biển ắt phải nơm nớp lo sợ sóng biển. Kẻ nào lấy tiền của làm vật bảo đảm ắt phải luôn luôn làm nô lệ cho tiền của. Kẻ nào tìm lẽ sống trong công cuộc làm ăn và để hết tâm trí vào đấy như một việc nhất quyết phải thành tựu cho kỳ được, kẻ ấy không thể yên ổn trong lòng, không thể có tâm thanh bình an lạc. Vậy là ta lo sợ cho chính "Ta", cho tiền của, sự nghiệp "Của Ta", cho con cái ta, bạn bè ta, cho những cái gọi là "Của Ta".

* Khi cái "Ta" bị giới hạn trong ích kỷ hẹp hòi tất có chia rẽ, ganh tị, thèm muốn, tham vọng.

* Khi cái "Ta" được thổi phồng, tự cao tự đại, tất có ngã mạn kiêu căng.

Người đã khai triển tuệ Minh Sát và thấu triệt thực tướng của vạn pháp sẽ có quan điểm chân chánh về kiếp sinh tồn. Người ấy nhận thức rằng tất cả sự vật trên thế gian phù du huyền ảo và tạm bợ nhất thời này tựa hồ như "giọt sương buổi sáng lóng lánh trên lá cây, ngọn cỏ, rồi sớm tan biến khi những tia nắng bình minh bắt đầu rọi xuống, như bong bóng nước, như lằn gạch trên mặt nước, như cái chớp trong đêm tối, như một khối bọt, như ảo ảnh, như giấc mơ..."

Hãy lắng nghe lời khuyên dạy của Ngài Mahasi Sayadaw:

"Người đã có đức tin nơi Giáo Pháp và đã thâu thập một vài kiến thức căn bản về danh (nãma), sắc (rũpa), vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattã), hãy cố gắng hành thiền minh sát. Đây là pháp nhằm ghi nhận danh và sắc -- luôn luôn trong trạng thái chảy trôi như một dòng suối trường lưu bất tức -- nơi sáu cửa (lục căn), đúng như được chỉ dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ. Ghi nhận những gì mắt thấy, ghi nhận những gì tai nghe, ghi nhận những gì mũi ngửi, ghi nhận những gì lưỡi nếm, ghi nhận những gì thân xúc chạm, ghi nhận những gì tâm suy tư, chừng đó hành giả sẽ nhận thức tất cả những gì cần phải được nhận thức, tương xứng với trình độ mà mình đạt đến.

"Khi chuyên cần chú niệm như vậy, định lực của hành giả trở nên vững chắc và mạnh mẽ, tâm trong sạch. Chừng đó hành giả có thể phân biệt rõ ràng "danh", cái tâm hay biết, và "sắc", cơ thể vật chất, cái được hay biết. Hành giả sẽ nhận chân rằng không có cái gì có thể là attã, bản ngã, hay "Ta". Sự ghi nhận thường xuyên lặp đi lặp lại sẽ dẫn hành giả đến trạng thái thông suốt nhân và quả trong danh sắc. Cuối cùng mọi ý niệm về bản ngã trừơng tồn sẽ tan biến một cách rõ rệt. Trước khi thực hành minh sát hành giả có thể còn nghi ngờ không biết cái Ta đã có hiện hữu không trong quá khứ, có vẫn còn hiện hữu không trong hiện tại, và sẽ còn hiện hữu không trong tương lai. Sau khi thực hành, tất cả mọi nghi ngờ đều chấm dứt vì hành giả đã thấu triệt tận tường bản chất thật sự của mọi hiện tượng.

"Tiếp tục ghi nhận thêm, hành giả sẽ thấy rằng trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) cùng với những thức liên hệ (Nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức) cũng đều tan biến. Tất cả đều vô thường. Tất cả đều phát sanh và tự nhiên hoại diệt. Những gì vô thường ắt không thể làm thỏa mãn một cách trọn vẹn. Không có chi thật sự có thể chất vững bền. Như vậy thì có cái chi để bám níu vào mà gọi nó là "Ta" hay "Của Ta". Tất cả mọi liên hệ đều ở trong trạng thái di động, chuyển biến, chảy trôi, vừa sanh đã diệt. Quán xét rốt ráo như vậy ta có thể xác quyết tin chắc và loại bỏ ý niệm một bản ngã trừơng tồn."

Lúc bấy giờ người ấy đã vượt ra khỏi cái "Ta". Cái gọi là "Tự Ngã" của người ấy đã chan hòa và đồng nhất với tất cả, tất có lòng vị tha bất cầu lợi, có tình huynh đệ tương thân tương ái với tất cả chúng sanh, có tâm từ vô lượng vô biên, có lòng bi mẫn dồi dào và có sự thuận hòa điều hợp với tất cả. Ánh sáng trí tuệ dần dần đánh tan đêm tối của vô minh, tận diệt si mê, tham ái và sân hận. Người ấy đã thoát ra khoỉ mọi hình thức ái dục và tiến gần đến giải thoát toàn vẹn ra khỏi luân hồi, khỏi mọi đau khổ, đúng như lời Phật day:

"Như ta nhìn bọt nước, như ta nhìn ảo ảnh, nếu người kia nhìn thế gian như vậy Tử Thần không còn thấy người ấy nữa."

Như vậy, thời điểm để thoát ra khỏi vòng quanh đau khổ là khoảng giữa hai vòng khoen "Thọ" và "Ái", tức phản ứng của ta đối với thọ. Bằng con đường nào? Bằng Con Đường Xưa Cũ mà chư Phật đã trải qua . Đó là Bát Chánh Đạo.

Chú thích:

(1)Sách Compendium of Philosophy ghi nhận rằng Kinh sách Phật Giáo phân biệt sáu hạng cười: 1. Sitta, là cái cười tế nhị chỉ biểu hiện niềm vui trên gương mặt. - 2. Hasita , cái cười nhếch môi, vừa để lộ chót răng. - 3. Vihasita, cười khẽ, tạo nên một tiếng động nhỏ. - 4. Upahasita , cười đến nhúc nhích đầu, vai và tay.- 5. Apahasita, cười hỷ hả đến rơi nước mắt. - 6. Atihasita, cười ngã nghiêng ngã ngửa từ dầu đến chân đều di động. Chư Phật Chánh đẳng chánh Giác cười với bốn loại tâm Hành Đẹp (Sobhaana kiriya Citta), hợp với trí tuệ và cảm giác hạnh phúc. Đoạn chú giải này trích dịch từ quyển AManual of Abhidhamma, tác giả Đại Đức Narada


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]