Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diệu Không Đại Sư

27/01/201110:45(Xem: 8877)
Diệu Không Đại Sư

QUÊ HƯƠNG CỰC LẠC

Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản

Diệu Không Đại Sư

Đại sư họ Trịnh, người ở Giang Đô, lúc thiếu thời ngài học Nho, thường đồng với Quán Như Pháp Sư, Dương Như Sơn, Hứa Vân Hư, thương nghị khắc đại tạng kinh. Kế đó Ngài xuất gia, tự hiệu là Khắc Kinh Tăng. Trong 15 năm, đại sư đã khắc hơn ba ngàn quyển. Sau khi ngài tịch ba năm, bộ kinh Đại Bát Nhã mới hoàn thành. Đại sư giữ giới tinh nghiêm, qúa giờ ngọ không ăn, thuở sanh bình trứ thuật rất nhiều, sau hợp lại thành pho: Lâu các tòng thơ. Trong ấy phần nhiều là những sách xiển dương tông Tịnh Độ. Ngài cảm hóa rất đông, đa số là kẻ trọng vọng như ông Tưởng Nguyện Lượng v.v...Nhà Thanh năm Quang Chữ thứ 6, đại sư niệm Phật mà tịch, hưởng 55 tuổi.

Đại sư nói: “Phép quán không dễ thành tựu, giới luật cũng chưa dễ giữ tròn, tu phước chẳng phải hôm sớm có thể thành công, sự diệu ngộ chẳng phải kẻ độn căn có thể làm được. Còn đại nguyện bền chắc lại càng ít có người! Nếu không do nơi chỗ chân thật trì danh tìm nẻo thoát ly, tất phải chìm trong biển khổ, hằng chịu luân hồi, ngàn Phật dù từ bi cũng khó cứu độ! Huống chi, phép trì danh nhiếp cả ba căn, không có phương tiện nào hay hơn đây nữa!

Người niệm Phật, thì không được nói chuyện tạp hoặc nghĩ ngợi bông lông. Nếu lỡ có phạm, phải suy xét: ta là người niệm Phật, không nên như thế, rồi niệm Phật vài tiếng để tự cảnh tỉnh mà đánh tan điều ấy. Phép “tùy thuận trì danh” là khi hôn trầm thì đi kinh hành, lúc tán loạn thì trở lại ngồi, hoặc đứng, hoặc nằm, đều tùy tiện mà trì niệm, làm sao cho câu niệm Phật đừng xa lìa. Đây là yếu thuật để hàng phục tâm ma. Khi gặp cảnh thuận, nghịch, khổ, vui, thị, phi, đắc, thất, dơ, sạch, tất cả trường hợp, cần phải giữ một câu niệm Phật cho chắc. Nếu không như thế, tất bị cảnh duyên, hiệu Phật liền gián đoạn, há chẳng phải đáng tiếc lắm ư?!

Khi đối trước tượng Phật, phải xem tượng ấy cũng như Phật thiệt, mắt nhìn tâm niệm, cung kính chí thành. Lúc không ở trước tượng cũng nên thành kính như lúc đối trước Phật tượng. Niệm Phật như thế rất dễ cảm thông, nghiệp ác cũng mau tiêu diệt.

Tất cả người khổ trong đời, vì thân tâm không được rỗi rảnh, nên khó tu hành. Nay ta có phần an nhàn, lại được nghe pháp môn niệm Phật, vậy phải cố gắng nhiếp tâm, mới không uổng ngàn vàng tất bóng! Nếu tu hành lôi thôi tất khó có kết qủa, như thế là phụ rãy bốn ân, luống qua ngày tháng, một mai vô thường chợt đến, lấy gì mà chống đối ư?

Người tu nếu vị qủa khổ, tất đời trước hoặc đời nay đã gây nhân xấu. Cho nên chịu một phần khổ tức là trả một phần ác của mình. Vậy không nên oán trách trời người sao bất công, buồn thời vận sao điên đảo, mà chỉ hổ thẹn mình không sớm tỉnh ngộ tu hành thôi. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, vừa kinh sợ cho ác báo, vừa thương cảm cho phận mình, mỗi câu niệm Phật đều từ nơi gan tủy phát ra, như thế mới là chơn cảnh niệm Phật.

Trước cảnh ngang trái khổ đau mà không bi thương thì chẳng phải nhân tình, song nếu chỉ luống bi thương, há lại là người rõ thông Phật tánh? Cho nên đã bi thương thì phải tìm phương thoát khổ, nghĩ chước cứu độ mình và tất cả chúng sanh, như thế mới không đến nỗi vô ích. Nên biết sở dĩ Phật được gọi là đấng đại bi vì Ngài có đủ hùng lực, trí huệ, cứu chúng sanh đau khổ. Ta dùng bi tâm mà niệm Phật, cầu lòng bi của Phật cứu khổ cho ta, sự trì niệm như thế khẩn thiết biết dường bao!

Khi niệm Phật đã thuần thục, thì trong sáu trần chỉ có thinh trần, năng dụng của sáu căn đều gởi nơi nhĩ căn, không còn biết thân mình đang vi nhiễu, lưỡi mình đang uốn động, ý có phân biệt hay không, mũi thở ra hay vào, mắt mình nhắm hay mở. Khi ấy sự viên thông của đức Quán Âm, Thế Chí chính là một, căn tức là trần, trần tức là căn, căn trần tức là thức, mười tám giới dung hợp thành một giới. Khi làm xong một việc, vừa nói xong một lời, chưa khởi tâm niệm Phật, mà một câu hồng danh cuồn cuồn tuôn ra, đó là triệu chứng tam muội dễ thành tựu vậy.

Tu tịnh nghiệp, cảnh cô tịch chừng nào hay chừng nấy, tiếng niệm cao thấp mau chậm tùy nghi, làm sao cho hợp thành một phiến. Nên biết khi ấy thân tuy đơn chiếc mà tâm chẳng lẻ loi, vì tâm của chư Phật cùng đức Di Đà chưa từng tạm rời ta, ta khởi niệm thì Phật biết, mở miệng thì Phật nghe, lo gì sự cô tịch?
Bịnh là cái bước đến sự chết, chết là cửa ải đưa đến cảnh tịnh uế thánh phàm.

Trong khi bịnh, phải tưởng là mình sắp chết, chuyên niệm hiệu Phật, quyết đợi lúc mạng chung, như thế sẽ có quang minh tiếp dẫn mà toại bổn nguyện vãng sanh của mình. Nếu trong lúc ấy tạm đình câu niệm Phật, thì tâm luyến ái, buồn rầu, sợ hãi, tất cả tạp niệm đều hiện ra, như thế làm sao vượt qua nẻo sanh tử? Thế nên lúc bịnh nguy phải ghi nhớ bốn chữ A Di Đà Phật nơi tâm chớ quên, và những kẻ xung quanh cũng phải niệm bốn chữ ấy để thường thường nhắc nhở người bịnh.

Nên biết trăm kiếp ngàn đời, siêu hay đọa, toàn do ở một niệm trong khi ấy. Tại sao thế? Vì sáu nẻo luân hồi đều do một niệm làm chủ. Nếu một niệm chuyên chú nơi Phật, thì hình tuy hoại mà thần không hoại, liền nương theo đó mà vãng sanh. Hỡi người tu tịnh nghiệp! Nên nhớ bốn chữ A Di Đà Phật nơi lòng đừng quên!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]