- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
LANGRI THANGPA DORJE SENGE
TRONG CẢNH GIỚI SIÊU VIỆT CỦA PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN
13. Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện:
Mới thoạt nhìn qua, có thể mình tưởng rằng Tám Đoạn Thi Kệ về sự Chuyển Hóa Tâm Thức (do Đại Thánh Tăng Langri Thangpa mật truyền lại cho Phật Giáo Tây Tạng qua truyền thống Đại Tổ Sư Ấn Độ Atisa) chẳng có gì khó hiểu và mang giọng điệu luân lý giáo khoa thư theo kiểu loại sách" học làm người" của những tác giả Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là điều sai lầm lớn lao nhất và hầu hết mọi người đều kẹt vướng một cách đáng thương.
Một điều càng đáng lưu ý: không có loại sách nào theo điệu "học làm người" hay "trau dồi bản thân" ("self-help", "self culture") hiện nay ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ mà được có sự chú trọng mảy may tới Bodhicitta (Bồ Đề Tâm, Lòng Bồ Đề) với ý nghĩa siêu việt "Thể hiện tu chứng đến Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích bao la sâu rộng cho tất cả chúng sinh" (không phải chỉ cho loài người thôi mà cho tất cả chúng sinh hữu tình, cho cả con sâu con kiến nữa).
Giải quyết những vấn đề có tính cách tâm lý học phổ thông cho quần chúng là điều đáng tôn kính, nhưng điều này vẫn khó khăn vô cùng, vì rất khó thấy những nhà tâm lý học nhà nghề hay những nhà tâm lý học bình dân, dù giải quyết những vấn đề tình cảm hay tâm linh tôn giáo, mà không bị vướng kẹt ít nhiều vào trong tám pháp thế tục hay tám ngọn gió chướng (bát phong) như: vướng kẹt vào sự lợi lộc và vào sự đánh mất lợi lộc, vào danh tiếng và vào việc thất sủng, vào sự khen ngợi và vào sự chê bai, vào sự khoái lạc và vào sự đau đớn.
Chúng ta thường tưởng rằng Tám Đoạn Thi Kệ về sự Chuyển Tâm của Langri Thangpa rất là dễ hiểu, mặc dù tự nhận rrất khó thực hiện. Lý do rõ nhất là vì chúng ta đã không nắm được trọn vẹn ý nghĩa về Bồ Đề Tâm ngay từ phân đoạn thi kệ thứ nhất của tám đoạn thi kệ, và lý do quan trọng khác là tất cả chúng ta đều bị vướng kẹt trong tám ngọn gió chướng của thế tục:
1) Sung sướng vì được lợi lộc, được tiền bạc của cải;
2) Đau khổ vì mất lợi lộc, mất tiền bạc của cải.
3) Sung sướng vì được nổi danh nổi tiếng;
4) Đau khổ vì vô danh hay mất danh;
5) Sung sướng vì được ca ngợi ngưỡng mộ, tôn kính;
6) Đau khổ vì bị chỉ trích, chê bai, bị mắng chửi, ngộ nhận;
7) Sung sướng vì được hạnh phúc khoái lạc;
8) Đau đớn vì bị mất hạnh phúc, bị bỏ rơi, bị hoạn nạn ...
Người mới vừa bắt đầu tu hành trong Phật Pháp đều phải tập vứt bỏ tám điều sa lầy trên, vì tám cơn gió độc trên là đạc tính của luân hồi nghiệp chướng. Vứt bỏ bằng cách nào? Bằng kiên nhẫn tinh tấn thực chứng Lòng Bồ Đề (Bồ Đề Tâm) trong ý nghĩa bình thường tương đối (lòng Đại Bi) và trong ý nghĩa phi thường tuyệt đối (Đại Trí Không Tính) và tu chứng phương pháp chuyển tâm (Lo Jong) của truyền thống Kadampa Tây Tạng do Tổ Sư Đại Thánh Tăng Atisa mật truyền mười thế kỷ cho đến hôm nay.
Tôi phải mất ít nhất 14 năm mới gọi là tạm hiểu ý nghĩa siêu việt đứng đắn sáng rực chiếu hiện từ Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Tâm của ngài Langri Thangpa, còn việc thực chứng Tám Đoạn Thi Kệ này, chỉ xin nguyện kiên nhẫn tinh tấn với tất cả nổ lực liên tục với trọn vẹn tinh thần tương xứng. Nếu không làm được thế, lúc lìa đời, thì coi như cả cuộc đời mình đáng vứt bỏ đi một cách hèn mọn, còn tệ hơn một con chó chết trôi sông ...
Đại Thánh Tăng Tây Tạng Tsongkapa (1357-1419), Tổ Sư của Tông phái Gelupa, đã thu nhiếp tất cả Phật Giáo (Tiểu Thừa, Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa) vào ba nguyên lý dẫn đạo trong sáng lạ lùng để trọn vẹn khai mở "Bồ Đề Tâm" trong mọi ý nghĩa bình thường và phi thường:
1) Con đường hay lộ trình thứ nhất:
Phóng vọt ra ngoài kiếp sống phàm phu tục tử và vượt thoát ra ngoài sáu cõi luân hồi.
2) Lộ trình thứ hai:
Phát nguyện đạt tới Giác Ngộ viên mãn cho tất cả chúng sinh, tức là Bồ Đề Tâm;
3) Lộ trình thứ ba:
Chân kiến thể nhập Trí Huệ Không Tính.
Nắm được ba nguyên lý dẫn đạo trên thì có thể hiểu ý nghĩa toàn diện của Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Tâm.
Đại Sư phụ Gampopa (1079-1153), đệ tử của Đại Bồ Tát Milarepa, một trong những vị Tổ Sư Tông phái Kagyupa, tóm tắt Giáo Lý Phật Pháp để áp dụng triệt để vào con đường tu chứng cụ thể:
1) Chuyển Hóa tâm thức hướng trọn về Phật Pháp.
2) Thực hành Phật Pháp như Lộ Trình Chứng Đạo liên tục.
3) Tổng trừ Phiền Não trên Lộ Trình Tu Tâp thường nhật.
4) Lọc sach chuyển hóa Phiền Não thành ra Trí Huệ Không Tính.
Đại Đạo Sư Sachen Kunga Nyingpo (1092-1158), Tổ Sư thứ hai sáng lập tông phái Tây Tạng Sakyapa đã đúc kết tất cả Phật Pháp trong 4 đoạn thi kệ bất hủ diệu thường:
1) Nếu mình còn tham trước thèm khát đời sống (phàm phu tục tử) thì mình chẳng phải là kẻ tu hành Phật Đạo.
2) Nếu mình còn tham trước thèm khát cõi luân hồi (lục đạo) thì mình vẫn chưa vượt thoát sinh tử một cách quyết liệt.
3) Nếu mình còn tham trước lợi lộc cho bản thân thì mình vẫn chưa có được Bồ Đề Tâm đúng nghĩa.
4) Nếu lòng đeo níu chấp trước còn phát dậy thì mình vẫn chưa có được Chân Kiến thể nhập Trí Huệ Không Tính.
Đại Thánh Tăng Paltrul Rinpoche (1808-1887), Đại Bồ Tát của Tông phái Tây Tạng Nyingmapa đã khai mở tuyệt vời tất cả Đạo Lý Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo trong bốn câu thi kệ làm rung chuyển cả vũ trụ hữu hình và vô hình:
Chỗ qui y quí báu, thực sự đáng cần nương tựa, đáng cần tin tưởng thiết thực, chính là Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng).
Nơi qui hợp kết tụ đồng nhất của Tam Bảo chính là Quán Thế Âm.
Lúc nương tựa thường xuyên liên tục vào Đức Quán Thế Âm, hãy đọc tụng thọ trì lục tự thần chú (Om Mani Padmé Hum!)
Một đoạn thi kệ khác của Palltrul Rinpoche lại bùng vỡ một cách sáng rực dị thường, soi chiếu lộng lẫy khắp mười phương và trọn cả quá khứ, hiện tại, và tương lai:
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là sự kết hợp đồng nhất của tất cả chư Phật.
Thần chú duy nhất, lục tự thần chú (Om Mani Padmé Hum), là tinh túy tinh ba của tất cả thần chú.
Đạo Pháp duy nhất, tức là Bồ Đề Tâm (Bodhicitta) thống nhất lại tất cả chặng đường tu chứng quán tưởng Mật tông, cả giai đoạn "Phát Khởi Tăng Trưởng" và cả giai đoạn "Thành Tựu Viên Mãn".
Khi biết cái Một (Nhất) thì giải thoát Tất Cả (Nhất Thiết), hãy nên đọc tụng thọ trì lục tự thần chú (Om Mani Padmé Hum) của Quán Thế Âm.
Đó là lý do dễ hiểu tại sao ở Hy Mã Lạp Sơn từ lâu đã có biết bao hiêu hành giả tu chứng Phật Pháp, vì đã trì tụng ít nhất năm trăm triệu lần lục tự thần chú Om Mani Padmé Hum của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Sở dĩ tôi đã trích dẫn những lời dạy đạo về Tinh Túy của Phật Giáo từ những bậc Đại Thánh Tăng Tây Tạng của bốn Tông phái chính yếu là để soi sáng tất cả ý nghĩa sâu rộng dị thường trong cách dạy đạo giản dị thực tiễn của Đạo Sư Langri Thangpa trong Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Tâm bất hủ được đề cập ở trên.
Muốn hiểu trọn vẹn hơn nữa về ý nghĩa sâu rộng của Tám Đoạn Thi Kệ, chúng ta cũng cần đặt lại đạo lý siêu việt của tông phái Kadampa (Tổ Sư là Atisa) vào trong cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị của Phổ Hiền Hạnh Nguyện.
Nghi thức căn bản quyết định tất cả lễ nghi Mật Tông Tây Tạng cho tất cả hành giả tu hành của bất cứ pháp môn nào của bốn tông phái Phật Giáo Tây Tạng đều bắt đầu bằng nghi thức gọi là thất chi tu chứng:
1) Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai.
2) Quảng tu cúng dường.
3) Sám hối nghiệp chướng.
4) Tùy hỉ công đức.
5) Thỉnh chuyển pháp luân.
6) Thỉnh Phật trụ thế.
7) Phổ giai hồi hướng.
Phật Giáo Tây Tạng đã thâu gọn lại Mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền thành ra bảy Nghi Thức Thất Chi Tu Chứng, hóa nhập "xưng tán Như lai" làm một với "lễ kính chư Phật", còn "thường tùy Phật học" và "hằng thuận chúng sinh" đã được phát triển thành ra nhiều pháp môn đặc biệt để tu chứng một cách sâu rộng phi thường hơn nữa. Phật Giáo Tây Tạng đã muốn nhấn mạnh đặc biệt về mặt thực chứng toàn diện của đại hạnh nguyện thứ tám "thường tùy Phật học" và đại hạnh nguyện thứ chín "hằng thuận chúng sinh" qua việc thực hành liên tục Bồ Đề Tâm ở bình diện phi thường tuyệt đối.
"Thường tùy Phật học" được chuyển hóa cụ thể thành ra chân kiến liễu nhập Trí Huệ Không Tính.
"Hằng thuận chúng sinh" được chuyển hóa thực tiễn ra thành Đại Bi Tâm (qua ý nghĩa bình thường tương đối của Bồ Đề Tâm).
Cả hai đại hạnh nguyện Phổ Hiền (đại hạnh nguyện "thường tùy Phật học" và "hằng thuận chúng sinh" đã được thực hiện tu chứng toàn diện liên tục trong tất cả mọi pháp môn chuyển hóa tâm thức trong đời sống tu hành hằng ngày ở Hy Mã Lạp Sơn.
Trong tất cả pháp môn chuyển hóa tâm thức, Phật Giáo Tây Tạng đã áp dụng triệt để ý nghĩa sâu rộng của những câu kinh sau đây trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện:
" ... Bồ Tát tùy thuận chúng sinh, chính là tùy thuận cúng dường chư Phật; tôn trọng và thừa sự chúng sinh thì chính là tôn trọng và thừa sự các bậc Như Lai. Nếu làm cho chúng sinh vui sướng thì chính làm cho tất cả Như Lai vui sướng. Vì sao vậy? Vì các bậc Như Lai dùng Đại Bi Tâm làm thể, nhờ nơi chúng sinh mà sinh ra lòng Đại Bi, vì nhơn lòng Đại Bi mà phát ra Bồ Đề Tâm, và do nơi Bồ Đề Tâm mà thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác".
Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Kim Cang Thừa đã thực hành toàn triệt ý nghĩa thâm quảng của câu kinh trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện:
"Tất cả chúng sinh chính là gốc rễ, và chư Bồ Tát chư Phật chính là bông trái".
(Nhứt thiết chúng sinh nhi vi thọ căn, chư Phật Bồ Tát nhi vi hoa quả).
Có hiểu trọn vẹn đủ mọi bình diện như trên, chúng ta mới hiểu được tất cả ý nghĩa phi thường của Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Hóa Tâm Thức.