- Chương 1: Thực Hành Lòng Tôn Kính Ngưỡng Mộ Mỗi Lúc Bắt Đầu Thức Dậy
- Chương 2: Tại sao phải bắt đầu mỗi ngày bằng lòng ngưỡng mộ tôn kính?
- Chương 3: Tạ ơn ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất
- Chương 4: Cái Tâm là cái gì?
- Chương 5: Cái tâm thường tình của chúng ta
- Chương 6: Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta
- Chương 7: Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta
- Chương 8: Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng
- Chương 9: Từ Bi là Trí Huệ
- Chương 10: Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp
- Chương 11: Phương pháp trong sáng nhất và thực tế nhất để thực chứng Phật Pháp trong đời sống mỗi ngày và mỗi đêm
- Chương 12: Ý nghĩa sâu rộng của Đoạn Thi Kệ Thứ Nhất
- Chương 13: Đặt lại ý nghĩa thực tiễn của Tám Đoạn Thi Kệ của Langri Thangpa Dorje Senge trong cảnh giới siêu việt của Phổ Hiền hạnh Nguyện
- Chương 14: Tầm mức quan trọng vô cùng vĩ đại của Mười Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền trong tất cả Tông Phái Đại Thừa và Kim Cang Thừa Phật Giáo
- Chương 15: Những lời dạy đạo thực tiễn trong sáng của Tổ Sư Ấn Độ ATISA (ATISHA) về tinh túy của Phật Pháp lúc truyền Đạo Phật qua Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn
TINH TÚY TRONG SÁNG CỦA ĐẠO LÝ PHẬT GIÁO
Những Lời dạy thực tiễn của
Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA Lúc truyền Đạo Phật vào Tây Tạng
Tác giả: Phạm Công Thiện - Viên Thông California Xuất Bản 1998
CHƯƠNG 10
10. Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp:
Chúng ta khó theo được sức mạnh tinh tấn dị thường của những bậc thánh tăng như Milarepa và Shabkar. Ngay đến thế kỷ 20 này, vị thánh tăng Tây Tạng Deshung Rinpoche (1906-1987) mới vừa mất cách đây mười năm, mỗi ngày, ngài thức dậy lúc 2 giờ sáng và thực hành đủ mọi pháp môn quán tưởng thiền định mật tông (từ pháp môn quán tưởng Hevajra, Vajrayogini cho đến Manjushri và Tara), rồi đến chiều thì quán tưởng thiền mật về pháp môn Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi qui y Tam Bảo đến 108 lần mỗi ngày (vừa đọc chú, vừa quán tưởng, vừa quì lạy), rồi sám hối theo pháp môn Kim Cương Tát Trụy, rồi cúng dường, v.v...
Tối trước khi ngủ, ngài lại thực hành pháp môn du già lúc ngủ, rồi lại đọc tụng mỗi đêm về Bảy Điểm Chuyển Tâm của truyền thống tổ sư tông phái Kadampa mà người khai sáng là Tổ Sư Ấn Độ Atisa (A Tỳ Sa). Đó là chưa kể đến việc trì chú thường xuyên của ngài, mỗi ngày Deshung Rinpiche (Deshung Đại Bảo) trì chú Om Mani Padmé Hum đến hai chục ngàn lần. Như thế, chỉ mười ngày thì đã đến 200,000 lần, một trăm ngày thì đã tới hai triệu lần, ngài sống đến 81 tuổi, như vậy, khó mà đếm được mấy trăm triệu lần ngài đã trì chú Om Mani Padmé Hum!
Phương pháp thực tiễn giản dị nhất để tập tu hành Phật Pháp là noi theo gương của ngài Desung Rinpoche; còn nếu theo ngài không được thì chúng ta cũng học được tính khiêm tốn, khiêm nhường và ý thức trọn vẹn rằng mình chỉ là một kẻ chưa hiểu biết gì về Phật Pháp cả. Nếu có học tu hành chút ít chỉ mong đọc Om Mani Padmé Hum cho đến một ngàn lần mỗi ngày, hoặc tệ nhất cũng 108 lần mỗi ngày.
Chúng ta cũng không nên quên rằng một người mới bắt đầu khởi sự tu hành Phật Giáo Tây Tạng, sơ khởi là phải quì lạy 500,000 lần (vừa đọc chú, vừa quán tưởng, vừa quì lạy): một trăm ngàn lần qui y Tam Bảo, một trăm ngàn lần lạy Phật Pháp Tăng, một trăm ngàn lần quán tưởng Kim Cương Tát Trụy và làm nghi thức sám hối với chú bách tự của Kim Cương Tát Trụy (Vajrasattva) phải trì tụng đến một trăm ngàn lần, rồi lại cúng dường mạn đà la cho Tam Bảo đến một trăm ngàn lần, rồi lại thực hiện quán tưởng du già bản sư (guru yoga) cho đến một trăm ngàn lần nữa. Rồi sau đó, tốt nhất là tự nhốt mình (nhập thất) để thiền định quán tưởng trong hang động đến 3 năm 3 tháng 3 ngày, hoặc sau đó lập lại 3 năm nữa, hoặc vài ba lần chu kỳ 3 năm ...
Khó tình làm được như vậy, nhưng cả ngàn năm nay, trên núi Hy Mã Lạp Sơn, có vô số tu sĩ, đạo sĩ đã thực hiện nhiều việc tu hành Phật Pháp còn khó khăn gấp vạn lần trên: thí dụ cụ thể là Milarepa và Shabkar mà chúng ta còn biết được qua những tài liệu dịch từ tiếng Tây Tạng trong mấy chục năm nay.
Bài học lớn nhất về Phật Pháp, phương pháp thực tiễn giản dị nhất để tu hành Phật Pháp là gì? Đó là pháp môn chuyển hóa tâm thức mà Tổ Sư Ấn Độ Atisa đã truyền qua Tây Tạng từ thế kỷ 11 và vẫn còn được tất cả chư tăng của tất cả tông phái mật tông Tây Tạng áp dụng hành trì hằng ngày hằng đêm cho đến ngày hôm nay.
Điều thực tiễn giản dị đầu tiên để tu hành Phật Pháp chính là lòng kiên nhẫn. Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ Atisa đã dạy như vầy: "Sự kiên nhẫn cao lớn nhất chính là lòng khiêm tốn, khiêm nhường". Một hôm tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ vào năm 1974, một bậc cao tăng vĩ đại thuộc tông phái dòng tổ Atisa, đức Đạt lai Lạt Ma (Daila Lama) đã từng nói như vầy:
"Chỉ cần biết một chữ của Phật Pháp thôi và đem chữ ấy vào việc thực hành tu chứng, điều này đem đến những kết quả tu hành sâu thẳm và đặc biệt, trái lại những kẻ nào có thể tụng thuộc lòng một trăm ngàn quyển kinh luận mà không thực hành tu chứng Phật Pháp thì chẳng chứng nghiệm lợi ích bao nhiêu cả".
Vậy, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn khiêm tốn thực hành trì tụng câu thần chú Quán Thế Âm Om Mani Padmé Hum đến vài ngàn lần mỗi ngày, liên tục, đều đặn, và tất nhiên nhất định tâm thức của mình sẽ chuyển hóa toàn diện.
Gửi ý kiến của bạn