Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dẫn Nhập

10/01/201118:14(Xem: 5556)
Dẫn Nhập

VIÊN NGỌC NHƯ Ý

SỰ THỰC HÀNH GURU YOGA THEO TRUYỀN THỐNG LONGCHEN NYINGTHIG

Dilgo Khyentse Rinpoche - Shambhala Publishers, 1988
Bản Dịch Từ Tiếng Tây Tạng Sang Anh Ngữ Của Konchog Tenzin
Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa - Hiệu đính 5/2006
none
none

DẪN NHẬP

Những giáo lý được tìm thấy ở đây liên quan tới một thực hành căn bản và quý giá nhất là Guru yoga. Các từ Guru yoga có nghĩa là “sự hợp nhất với bản tánh của Guru (Đạo Sư),” và trong thực hành này chúng ta được ban cho những phương pháp nhờ đó ta có thể hòa hợp tâm của chính chúng ta với tâm giác ngộ của Đạo Sư.

Có thể nói rằng tất cả chư Phật trong ba thời – chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và chư Phật tương lai – thành tựu Phật Quả là nhờ nương cậy vào một vị Thầy tâm linh. Bản chất của sự nương cậy vào một vị Thầy là lòng sùng mộ không ngơi nghỉ, và những phương tiện hữu hiệu nhất để phát khởi và giữ vững lòng sùng mộ không lay chuyển chính là thực hành Guru yoga. Nhờ thực hành này, lòng sùng mộ đối với vị Thầy bắt rễ vững chắc trong ta và cuối cùng lớn mạnh để thâm nhập toàn thể con người chúng ta. Nó bảo vệ thực hành của ta trước những chướng ngại và bảo đảm sự tiến bộ trên con đường. Như vậy lòng sùng mộ đối với vị Thầy là cốt lõi của mọi thực hành tâm linh của chúng ta, bất luận ta đang tu tập những giai đoạn đặc biệt nào trên con đường. Vì những lý do này, Guru yoga được coi là thực hành quan trọng và thiết yếu nhất trong mọi thực hành, và tự nó là con đường chắc chắn và nhanh chóng nhất để đi tới mục đích Giác ngộ.

Tại sao sự hòa hợp tâm thức chúng ta với tâm của Đạo Sư là một thực hành cốt yếu như thế? Mặc dù trước hết bậc Đạo Sư có thể xuất hiện với chúng ta trong thân tướng của con người bình thường, và mặc dù trước hết, ngài có thể xuất hiện để xử sự trong một cách thế con người bình thường, nhưng ở bản chất, tâm ngài thực sự bất khả phân với tâm Phật. Những phẩm tính của Đạo Sư không chút khác biệt với những phẩm tính của một vị Phật Toàn giác.

Thực sự, khác biệt duy nhất giữa Đạo Sư và chư Phật là lòng tốt của Đạo Sư trổi vượt hơn lòng tốt của tất cả các Đấng Giác Ngộ trong quá khứ. Ví dụ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lìa thế gian này hơn hai ngàn năm trước, trong khi những vị Phật khác, như Đức A Di Đà và Vajrasattva (Kim Cang Tát Đỏa), đang an trụ trong những cõi Phật của riêng các ngài. Các ngài là những vị Phật Toàn Giác, nhưng chúng ta không bao giờ được diện kiến, cũng không được nghe giáo lý của các ngài, bởi hiện nay tâm thức của chúng ta đầy đặc sự che chướng. Trái lại, bậc Đạo Sư của chúng ta đã đến thế gian này vào thời hiện tại. Chúng ta có thể gặp được ngài và nhận được từ ngài những giáo huấn quý báu sẽ dẫn dắt chúng ta ra khỏi vũng lầy của samsāra(1) (sinh tử) để đi tới giác ngộ. Vì thế, mặc dù Đạo sư của chúng ta có những phẩm tính ngang bằng tất cả chư Phật, nhưng ngài trổi vượt các Đức Phật do ở lòng tốt của ngài.

Bản văn đặc biệt mà chúng ta sẽ sử dụng và giảng giải ở đây được rút ra từ Longchen Nying-thig, là giảng khóa sâu xa và bao quát được khám phá bởi vị thánh và tertưn(2) vĩ đại Rigdzin Jigme Lingpa,(3) tên ngài có nghĩa là “Bậc Trì giữ Vô úy Giác tánh.” Ngài cũng được gọi là Khyentse Ưser, có nghĩa là “Những Tia Sáng của Trí Tuệ và Đại Bi,” một danh hiệu ban cho ngài trong những thị kiến. Longchen Nyingthig có nghĩa là “Tâm yếu của Phạm vi Lớn.”

Vào lúc này, thật thích đáng khi đưa ra một trình bày về nguồn gốc của Longchen Nyingthig và nhờ đó củng cố tín tâm của chúng ta nơi tính xác thực của những giáo lý này. Theo chính Jigme Lingpa, các giáo lý đến với ngài theo cách thức sau :

Là kết quả của những sự cầu nguyện nhiệt thành của tôi trong vô số đời không bao giờ phân cách với lòng từ bi và sự ban phước của Pháp Vương Urgyen,(4) và người phối ngẫu của ngài, Dākinī Yeshe Tsogyal,(5) tôi đã có thể hiểu rõ nỗi đau khổ trùm khắp của vòng sinh tử (samsāra). Khi ấy tôi chứng nghiệm nỗi buồn ghê gớm và trong tôi phát khởi một sự thôi thúc tự giải thoát khỏi vòng sinh tử, tôi đi tới Palri Thekchogling(6) với ý định trải qua ba năm trong thực hành tâm linh nghiêm ngặt và nhất tâm.

Một buổi sáng lúc bình minh, khi tôi đang thực hành trì tụng một trăm Bổn Tôn (deity)(7) hòa bình và phẫn nộ, một cảm xúc về sự từ bỏ và nhàm chán sinh tử dâng trào trong tâm tôi. Vào lúc này không gian quanh tôi tràn đầy ánh sáng rực rỡ và Pháp Vương Urgyen, cùng Rigdzin Jampal She-nyen(8) và nhiều vị khác đứng vòng quanh ngài, tất cả xuất hiện trên bầu trời trước mặt tôi. Sau một lúc, các ngài tan hòa vào tôi, và tâm tôi trở nên vắng bặt mọi tư tưởng tầm thường. Tất cả những dấu vết của sự bám chấp vào những kinh nghiệm thiền định đều tan biến, mọi năng lực của nghiệp nằm trong sự kiểm soát của tôi, và pháo đài không thực của những hình tướng sụp đổ. Các tri giác bình thường về cuộc đời này hoàn toàn phai lạt trong tâm tôi, và như thể hóa thân thành một cuộc đời mới, tôi an trụ trong một trạng thái nhờ đó tôi hoàn toàn nhớ lại mình đã từng là Ngari Panchen Pema Wangyal.(9)

Không lâu sau đó, tôi mơ thấy mình ở một nơi xa lạ được gọi là cõi trời “Thành tựu tự nhiên Mọi Ước Muốn.” Ở đó tôi nhìn thấy Dorje Drolư(10) cưỡi trên một con rồng, ngài đứng và di chuyển, nhưng thật kinh khủng, ngài không có thực chất như thể được làm bằng ánh sáng cầu vồng. Một tu sĩ, mà tôi nghĩ là Hộ Pháp Damchen Dorje Lekpa,(11) nói: “Đây là Bổn Tôn mà bài kệ sau đây ám chỉ: ‘Urgyen và Yidam(12) không thể phân cách. Không nghi ngờ gì nữa, đứa con trai sẽ nhận được kho tàng của người cha’.” Ngài nói điều này và mọi sự biến mất.

Nhiều ngày trôi qua. Sau đó, vào buổi chiều ngày 25 tháng 10 năm Hỏa Ngưu (1757), một lòng sùng mộ mãnh liệt đối với Đạo Sư vĩ đại Guru Padmasambhava phát khởi trong tôi khiến nước mắt tôi chảy đầm đìa. Những hồi ức từ một dĩ vãng xa xưa lóe lên trong tâm tôi, và cùng nỗi buồn tràn ngập, tôi nghĩ: “Đây là xứ sở của những người mặt đỏ, là những người sống ngập ngụa trong tham sân si, không đam mê điều gì trừ những hành động xấu ác nhất. Không còn lại điều gì ngoại trừ một hình bóng nhạt nhòa của những giáo lý, tôi thấy bản thân mình như một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong chốn hoang dã. Ngài, đấng bảo hộ đầy bi mẫn, vĩ đại hơn bất kỳ vị Phật nào khác, đã lìa bỏ xứ sở này và đi tới Núi Màu-Đồng-Đỏ.(13) Bao giờ con mới có thể gặp được ngài ?”

Dày vò bởi nỗi buồn khổ, tôi khóc nức nở. Ngay lúc đó, không khí quanh tôi tràn đầy ánh sáng, và bỗng nhiên, tôi nhìn thấy một con sư tử cái màu trắng tuyệt đẹp. Tôi ngồi lên lưng nó và chúng tôi lao vào cái mênh mông vô hạn của bầu trời. Chẳng bao lâu chúng tôi tới Jarungkhashor,(14) đại tháp (stupa) ở Nepal. Ở đó, vị Dākinī(15) của trí tuệ Pháp Thân (dharmakāya) đứng ở cạnh phía đông của tháp.

Ngài trao cho tôi một hộp đèn bằng gỗ niêm kín và nói:

Đối với những người có tri giác thanh tịnh,
Con là vua Trisong Detsen.(16)
Đối với những người có tri giác ít thanh tịnh hơn,
Con là Senge Repa, vị Yogi Sư Tử áo vải.
Đây là Kho Tàng Tâm của Phổ Hiền (Samatabhadra),(17)
Biểu Tượng của tâm vô hạn của Vidyādhara (Trì Minh Vương) Padma,
Kho tàng bí mật vĩ đại của chư Dākinī.

Nói như thế xong, bà biến mất, để mặc tôi sửng sốt. Sau đó, tràn ngập niềm vui, tôi mở hộp ra. Trong đó, tôi thấy năm cuộn giấy da vàng và bảy mảnh pha lê nhỏ kích thước bằng một hột đậu. Khi tôi mở cuộn giấy lớn nhất, không khí tràn ngập một mùi thơm không thể tả của cỏ thuốc và long não, và toàn thân tôi như run rẩy với sự huyền nhiệm đó. Tự nhiên một tư tưởng hiện ra rõ ràng trong tâm tôi: “Ngài Rāhula(18) bảo vệ kho tàng này. Nó cực kỳ mạnh mẽ và phải được tiếp cận hết sức thận trọng.” Với lòng tôn kính và sợ hãi, tôi từ từ mở cuộn giấy. Trong đó có hình của một cái tháp được chữ Dākinī hoàn toàn che phủ, dường như vượt quá sự hiểu biết của con người. Không thể giải đoán nó, tôi bắt đầu cuộn tấm giấy da lại thì bất ngờ, như một ảo tưởng, cái tháp biến mất và chữ Dākinī tan biến và hóa thành chữ Tây Tạng. Đó là một bản văn về Đấng Bi Mẫn Vĩ Đại.(19) Toàn bộ bản văn này xuất hiện rõ ràng như thể nó là một hình ảnh trong một tấm gương. Sau một lúc, nó lại trở nên khó đọc, càng lúc càng không rõ ràng…

Trong linh kiến này và những linh kiến liên quan khác, Jigme Lingpa mở những cuộn giấy khác và, cuối cùng do một Dākinī chỉ dạy, sau khi nuốt những cuộn giấy còn lại, ngài kinh nghiệm sự chứng ngộ vô biên về Tánh Không-đại lạc.

Dưới sự chỉ dạy của Đạo Sư của ngài, ngài giữ kín những giáo lý này trong bảy năm. Sau đó, trong khóa nhập thất ba năm ở Chimphu, trên núi phía trên tu viện Samye,(20) ngài có ba linh kiến về Kunkhyen Longchen Rabjam,(21) Hóa thân của Vimalamitra,(22) là người bản thân đã đạt tới cấp độ của Đức Phật nguyên thủy Phổ Hiền, và tâm các ngài hợp nhất thành một tâm. Trong những linh kiến này, Longchen Rabjam thuyết phục Jigme Lingpa khai mở những kho tàng linh kiến của ngài và giảng dạy chúng cho chúng sinh.

Phù hợp với sự tiên tri, vào ngày mồng mười tháng Thân thuộc năm Thân Mộc (1764), khi đang cử hành nghi thức triệu thỉnh của một lễ cúng dường trang trọng, Guru Padmasambhava, trong vẻ hết sức lộng lẫy và được vây quanh bởi đoàn tùy tùng vân tập gồm các Dāka và Dākinī, xuất hiện trên bầu trời. Rồi Đức Guru Rinpoche ban phước cho ngài và giải trừ mọi chướng ngại cản trở sự truyền bá và giảng dạy những giáo lý này.

Không lâu sau đó, mặc dù Jingme Lingpa không bao giờ nói cho bất kỳ ai về giáo lý linh kiến ngài đã có như thế, Drati Rikpe Dorje, vị yogi khùng điên ở Kongpo,(23) đến gặp ngài và thỉnh cầu những giáo lý không chút do dự. Tán thành những khẩn cầu này, ngài từ từ khai mở các giáo lý, ban cho các đệ tử mọi quán đảnh và những giải thích về sự thực hành những kho tàng sâu xa này.

Giảng khóa Longchen Nyingthig được soạn gồm nhiều phần. Nó bao gồm những thực hành chuẩn bị và chính yếu, các giai đoạn phát triển và thành tựu, và, quan trọng nhất là sự thực hành Atiyoga, hay Đại Viên Mãn.(24) Như vậy nó làm nên một con đường toàn hảo đi tới giác ngộ.

GURU YOGA

Guru yoga, sự hợp nhất với bản tánh của Đạo Sư, tạo thành nền tảng của mọi thực hành, và có nhiều kỹ thuật khác nhau cho sự thực hành của nó. Trong Guru yoga có những phương pháp bên ngoài, bên trong, bí mật, và bí mật nhất. Bản văn sắp sử dụng trình bày phương pháp bên ngoài, nó thật ngắn gọn, dùng để quán tưởng Đạo Sư ở trên đầu bạn và để cầu nguyện với ngài một cách mãnh liệt, với lòng sùng mộ nhiệt thành.

Phương pháp bên trong là để nhận thức qua thực hành rằng thân, ngữ và tâm của riêng ta thì không thể phân cách với thân, ngữ và tâm trí tuệ của Đạo Sư. Trong giảng khóa Longchen Nyingthig, phương pháp bên trong là một sādhana của Guru Rinpoche được gọi là Rigdzin Düpa, hay Pháp Hội của Những Vị Trì giữ Giác Tánh.

Phương pháp bí mật là để thiền định về Guru trong hình thức Báo Thân (Sambhogakāya) của ngài, thân hỉ lạc thiêng liêng, mà trong giảng khóa này là sự thực hành về Guru Rinpoche trong hình tướng của Đức Quán Thế Âm (Chenrezik) và được gọi là Dugn-gel Rangdrol, hay sự Tự-Giải Thoát khỏi Đau khổ.

Phương pháp bí mật nhất đưa chúng ta tới trạng thái tỉnh giác tự nhiên và ở đây bao hàm sự quán tưởng về Kukhyen Longchenpa với Đức Phật nguyên thủy Phổ Hiền trong tim ngài. Sādhana bí mật nhất này được gọi là Thigle Gyachen, hay Tinh Chất Được Niêm Phong.

Trên bình diện tuyệt đối, vị Thầy là một với bản chất rốt ráo của tâm chúng ta, nó chính là cốt tủy của Phật Quả, tathāgatagarbha. Như vậy đâu là phương pháp để nhận ra được vị Thầy tuyệt đối này ? Nhờ vị Thầy bên ngoài hay tương đối và các giáo huấn cốt tủy của ngài, chúng ta có thể tiến tới sự chứng ngộ vị Thầy bên trong hay tuyệt đối, đó chính là tự thân Giác tánh. Như thế, nền tảng và căn bản rốt ráo của sự thành tựu nhận thức này là pháp Guru yoga hiện có, nó liên quan tới phương pháp bên ngoài và được phân loại một cách kỹ thuật là một bộ phận của những thực hành chuẩn bị. Bởi cốt lõi thực sự của mọi giai đoạn và thực hành khác chính là pháp Guru yoga này, nên sẽ thật sai lầm khi cho rằng nó chỉ là một thực hành chuẩn bị và vì thế không quan trọng. Đúng hơn, chúng ta cần nhận thức rằng nếu liên tục thực hành pháp Guru yoga này suốt toàn bộ cuộc đời ta, thì mọi sự ban phước của chính Đức Guru Rinpoche sẽ thâm nhập vào chúng ta dễ dàng.

Vì tâm an trú trong thân thể, nên điều quan trọng là thân cần có một tư thế đúng đắn. Khi thân mình và xương sống được duy trì trong một tư thế thẳng đứng, các kinh mạch(25) trở nên thông suốt và tâm thức trở nên trong sáng. Nếu chúng ta uể oải trong một cách thế hoàn toàn cẩu thả, thì sự tập trung, hay thiền định rất khó phát sinh đúng đắn trong ta. Vì vậy, chúng ta nên ngồi trong tư thế bảy điểm(26) được gọi là tư thế Tỳ Lô Giá Na (Vairocana).

Sự thực hành Guru yoga này có nghĩa là phát sinh lòng sùng mộ phi thường, sự sùng mộ mãnh liệt cho phép chúng ta nhìn thấy bậc Đạo Sư không khác biệt với chính Đức Phật. Khi người ta nhìn vị Thầy đơn thuần như một chúng sinh bình thường, thì người ta sẽ chỉ nhận được “những ban phước” của những chúng sinh bình thường, nếu người ta nhìn ngài như một Arhat (A La Hán) hay Pratyekabuddha (Phật Độc Giác) hay Srāvaka (Thanh Văn) thì người ta sẽ nhận được những ban phước tương ứng; nếu người ta nhìn vị Thầy như một Bồ Tát, người ta sẽ nhận những sự ban phước của những Bồ Tát. Tuy nhiên nếu người ta có thể nhìn vị Thầy như một vị Phật, thì người ta sẽ nhận được những sự ban phước của những vị Phật.

Chưa từng có vị Phật nào trở nên giác ngộ mà không nương cậy một vị Thầy tâm linh. Vậy để có thể thực hành Pháp chân thực, trước hết ta phải tìm kiếm một Đạo sư hoàn toàn chứng ngộ và phụng sự ngài với sự tín tâm tuyệt đối. Như trong Kinh điển có nói: “Chỉ nhờ độc nhất lòng tin mà người ta chứng ngộ được bản tánh tuyệt đối.” Không có lòng tin, ngay cả khi người ta hiểu biết thâm sâu mọi phần đoạn của các giáo lý, thì nó cũng không có ích lợi gì. Đây là một sự thực đặc thù đối với một hành giả Kim Cương thừa.

Như vậy chúng ta cần phát khởi lòng sùng mộ mãnh liệt này như thế nào? Hiện nay, bậc Đạo Sư có hình thức của một con người và giống một con người bình thường, nhưng tâm ngài được an trụ vững chắc trong trí tuệ. Nếu chúng ta có thể thấu hiểu tâm thức sâu thẳm của ngài, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng nhờ ngài có khả năng loại bỏ được tất cả khiếm khuyết và chứng ngộ tất cả những gì phải được chứng ngộ nên ngài ngang bằng trong mọi phương diện và phẩm tính với một vị Phật Toàn Giác. Sự khám phá này là căn nguyên của lòng sùng mộ sâu xa và chân thật.

Ngài giống như con tàu to lớn đưa chúng sinh vượt qua đại dương hiểm nghèo của sinh tử, một thuyền trưởng lão luyện dẫn dắt họ tới miền đất khô ráo của giải thoát, như một trận mưa dập tắt ngọn lửa của những dục vọng, một mặt trời và mặt trăng chói sáng xua tan bóng tối vô minh, một mặt đất vững chắc có thể chứa đựng sức nặng của cả điều tốt lẫn cái xấu, một cây như ý ban cho hạnh phúc thế gian và sự an lạc tối hậu, một kho tàng giáo huấn rộng lớn và sâu sắc, một viên ngọc như ý ban tặng mọi phẩm tính của sự chứng ngộ, một người cha và bà mẹ dâng hiến tình thương của mình cho mọi chúng sinh, một con sông lớn của lòng bi mẫn, một ngọn núi vượt lên trên những bận tâm thế tục và không bị lay động bởi những ngọn gió cảm xúc, và như một đám mây lớn chứa đầy mưa làm dịu mát những dày vò của dục vọng. Tóm lại, ngài ngang bằng với tất cả chư Phật. Thiết lập mối quan hệ với ngài, dù là nhìn thấy ngài, nghe giọng nói của ngài, tưởng nhớ tới ngài, hay được tay ngài xúc chạm, sẽ dẫn dắt chúng ta tới sự giải thoát. Hoàn toàn tin tưởng nơi ngài là con đường chắc chắn để tiến tới sự giác ngộ. Sự nồng ấm của trí tuệ và đại bi của ngài sẽ nấu chảy quặng mỏ ở con người chúng ta và lấy ra được chất vàng ròng của Phật tánh trong đó.

Chúng ta có thành tựu được sự chứng ngộ hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào lòng sùng mộ của ta đối với bậc Đạo Sư. Ví dụ như ngài Tilopa không yêu cầu, và Đức Dorje Chang cũng không ban cho dù chỉ một chữ giáo lý, nhưng Tilopa đã được giải thoát. Điều này chỉ đơn giản nhờ sức mạnh lòng sùng mộ của Tilopa. Nếu người đệ tử có cái vòng khoen của đức tin và sùng mộ, thì cái móc trí tuệ và đại bi của Đạo Sư sẽ nhanh chóng kéo anh ta lên miền đất của sự giải thoát. Có nói rằng:

Khi mặt trời của lòng sùng mộ mãnh liệt chiếu sáng
Trên núi tuyết bốn thân (kāya) của Đạo sư,
Thì giòng suối những ân phước sẽ đổ tràn xuống.
Vì thế, hãy nỗ lực phát khởi lòng sùng mộ trong tâm bạn.
Và cũng có nói :
Chỉ nhớ tới bậc Đạo Sư trong chốc lát
Thì công đức vô hạn hơn là thiền định
Trong một triệu kiếp (kalpa) về một trăm ngàn Bổn Tôn.

Mặc dù lòng từ bi bao la của Đức Phật A Di Đà và Vajrasattva không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng bởi những che chướng của ta, chúng ta không thể diện kiến các ngài. Tuy nhiên vị Thầy của riêng ta thì tốt lành hơn tất cả chư Phật là bởi hiện nay, ngay trong đời này, chúng ta có thể gặp được ngài bằng xương bằng thịt và nhận lãnh từ ngài những giáo huấn quý báu. Vị Thầy vĩ đại Patrul Rinpoche đã dùng một sự so sánh đơn giản: tất cả những người giàu có trong thế giới không có ai tốt lành như thế. Người tốt lành nhất giúp đỡ những người nghèo không có thực phẩm lẫn phương tiện sinh sống. Ngay cả nếu chúng ta có gặp được tất cả chư Phật trong các Cõi Cực Lạc của các ngài, chúng ta cũng sẽ không nhận được từ các ngài bất kỳ giáo lý hay giáo huấn nào phi thường và sâu sắc hơn các giáo lý mà vị Thầy của ta ban cho ta, và nếu nhờ một vài phép màu, chúng ta cũng sẽ không được kéo lên khỏi những cảnh giới thấp và được đặt vào sự giác ngộ theo cách một chiếc máy bay nâng chúng ta lên bầu trời.

Chúng ta không cần phải nhận một số lượng lớn những giáo huấn khác nhau để thành tựu Giác ngộ. Thật ra, tám mươi tư thành tựu giả (mahāsiddha) của Ấn Độ đã thành tựu sự chứng ngộ và Phật Quả viên mãn nhờ thiền định về bốn câu kệ của giáo lý. Các ngài không đi vào những loại giáo huấn mênh mông, nhưng thực hành nhất tâm chính giáo huấn các ngài đã nhận lãnh.

Tương tự như thế, nếu khi gặp được Đạo Sư chúng ta cảm thấy hoàn toàn xác tín và phát sinh lòng sùng mộ đối với ngài, thì chúng ta đã có những yếu tố chính yếu để tiến triển trên con đường. Nhưng nếu chúng ta thiếu lòng tin và lòng sùng mộ mãnh liệt, nếu ta không thể nhận thức Đạo Sư như vị Phật thì mặc dù có thể thâu thập vô số giáo huấn, nhưng chúng ta sẽ không chỉ không tìm được sự tiến bộ, mà còn có nguy cơ bị rơi vào những sự lạc hướng cùng cực như nhà sư Lekpe Karma, hay “Ngôi Sao Tốt” đã gặp phải.

Lekpe Karma đã trải qua phần lớn cuộc đời gần Đức Phật và trong thời gian đó ông đã được nhận rất nhiều giáo lý. Nhờ trí nhớ không sai lạc ông học thuộc lòng toàn bộ Tam Tạng. Nhưng vì thiếu đức tin và có những ác kiến với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông ta tin rằng những hành động và giáo lý của Đức Phật thì không hơn những kế hoạch được dành cho những người điên. Do bởi điều này ông tự cắt đứt với mọi sự ban phước.

Không có lòng sùng mộ chân thực thì ngay cả sự đa văn uyên bác cũng sẽ không ngăn ngừa được sự hoài nghi về vị Thầy phát khởi. Không có lòng sùng mộ chân thực chúng ta có thể rơi vào sai lầm khi nhìn những hành động của Đạo sư trong một cách thế đầy định kiến, vì vậy nuôi dưỡng một thái độ sai lạc đối với ngài. Về sau, thậm chí chúng ta có thể bị che chướng còn sâu đậm hơn là lúc đầu tiên chúng ta gặp vị Thầy. Nhưng nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng sùng mộ chân thành thì chỉ nhờ sự nhiệt thành mãnh liệt này, chúng ta sẽ được giải thoát.

Chúng ta có thể không cảm thấy lòng sùng mộ như thế từ ngay giây phút chúng ta gặp gỡ vị Thầy; vì thế, như một phương tiện để phát khởi lòng sùng mộ càng lúc càng lớn mạnh, chúng ta thực hành một sādhana Guru yoga, trong đó chúng ta nhận thức vị Thầy thì không phân cách với một thân tướng toàn hảo như Guru Padmasambhava, cũng được gọi là Guru Rinpoche, Đức Guru Quý Báu. Vào lúc bắt đầu, chúng ta có thể phát khởi một loại sùng mộ không tự nhiên, một tạo tác trong tâm thức. Về điều này, chúng ta sẽ thiền định rằng Đạo sư của chúng ta thì không phân cách với Guru Rinpoche.

Chúng ta có thể hỏi “Guru Rinpoche là ai ?” Về Pháp Thân, bình diện tuyệt đối, ngài là Đức Phật Ưpame (Phạn ngữ: Amitābha), Đức Phật A Di Đà. Về Báo Thân, bình diện “hỉ lạc thiêng liêng”, ngài là Đức Quán Thế Âm (Phạn ngữ. Avalokiteśvara). Về Hóa Thân (nirmāņakāya) – bình diện hiển lộ – ngài là Guru Liên Hoa Sanh Pema Jungne (Phạn ngữ. Padmākara) đấng đã xuất hiện trong thời đại suy hoại này khi những chúng sinh, bị che chướng bởi những phiền não do những cảm xúc tiêu cực lớn lao và những quan điểm sai lầm, trở nên chán ghét việc thực hành Pháp cao cả. Trong thời đại tối tăm này, các chúng sinh bị đau khổ vì ba tai họa là bệnh tật, đói kém, và chiến tranh. Chính trong một thời đại như thế mà Guru Padmasam-bhava hiển lộ như hiện thân của tất cả chư Phật. Ngài đến xứ Tây Tạng trong hình tướng của một thành tựu giả (siddha) Ấn Độ và khai mở tất cả những giáo huấn cho hai mươi lăm đệ tử của ngài, cho tám mươi siddha ở Yerpa, và cho nhiều người khác, cuối cùng tất cả những vị đó đã thành tựu sự chứng ngộ toàn hảo.

Chúng ta cũng thế, hiện nay nhờ lòng tốt vô hạn của Guru Rinpoche, chúng ta có thể thực hành những giáo lý của Mantra thừa Bí Mật (Mật thừa). Để phát sinh nhận thức vị Thầy của ta là một với Guru Liên Hoa Sanh, từ đáy lòng, chúng ta nên phát khởi tư tưởng sau đây: “Bậc Đạo sư của tôi đồng nhất với Guru Rinpoche. Ngài có sự chứng ngộ tương tự và có thể biểu lộ tất cả những điều huyền diệu và phẩm tính giác ngộ mà Guru Rinpoche đã hiển lộ trong đời ngài.”

Lúc đầu, tư tưởng này được phát khởi bằng một cách không tự nhiên nhờ nhắc đi nhắc lại nó; tuy nhiên, với xác tín mạnh mẽ, một lòng sùng mộ chân thật và không cần cố gắng sẽ nảy sinh trong chúng ta. Giống như việc mạ vàng một hình tượng Phật làm cho nó rực rỡ thêm, sự thiền định về vị Thầy của chúng ta bất khả phân với Guru Padmasambhava sẽ giúp chúng ta nhận được những sự ban phước và phát sinh lòng sùng mộ sâu sắc dễ dàng hơn nữa.

Suốt trong thực hành Guru yoga, sự trì tụng đơn thuần những câu kệ thì không đủ, vì vấn đề chính là sự phát khởi lòng sùng mộ. Để thành tựu điều này, trong khi thiền định tâm đừng vơ vẩn với những tư tưởng lang thang đây đó không dứt; thân cần duy trì ở tư thế bảy điểm; việc trì tụng thần chú đừng chỉ ở môi miệng, mà đúng hơn phải tụng đọc với đức tin phát sinh từ sâu thẳm của trái tim ta, từ trong chính xương tủy của ta, và với sự xác tín rằng Đạo Sư của chúng ta thực sự chính là Guru Rinpoche.

Nói chung, việc thực hiện bất kỳ hành động nào với sự thống nhất thân, ngữ và tâm sẽ phát sinh một kết quả to lớn hơn. Ví dụ, nếu chúng ta tiến hành sự cúng dường lễ lạy bằng cách đặt thân thể trong một loạt các động tác máy móc trong khi ngữ thì đi vào những cuộc đàm luận và tâm chuẩn bị những chương trình cho tương lai hay dây dưa với hàng ngàn niệm tưởng về quá khứ, thì những sự lễ lạy sẽ rất ít lợi lạc.

Với thân, chúng ta cần lễ lạy thật cẩn trọng; với ngữ chúng ta cần tụng đọc lời nguyện quy y một cách trong sáng chứ đừng ê a bằng những lời lẽ tầm thường; và với tâm chúng ta phải hoàn toàn tập trung vào sự thực hành với lòng sùng mộ chân thành. Chúng ta phải nhớ tưởng rằng khi thực hành một sự lễ lạy, đặt hai bàn tay ở ba trung tâm là trán, cổ họng, và trái tim, chúng ta tỏ lòng kính ngưỡng thân, ngữ và tâm của tất cả chư Phật. Như thế ta nhận được những sự ban phước tương ứng, chúng tịnh hóa ba độc và mọi tiêu cực của thân, ngữ và tâm của chúng ta.

Khi một người nào đó tiến hành một công việc thế tục, để có thể thành công họ sẽ phối hợp thân, ngữ và tâm mình trong một cách thức hài hòa và phù hợp. Họ sẽ bận tâm về kết quả đến nỗi nghĩ tưởng về nó ngày đêm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thể nhận định các mục đích của ta một cách chính xác và thực hiện những nỗ lực không ngừng hướng về những mục đích này, kết hợp các hoạt động của thân, ngữ, và tâm, thì chúng ta sẽ thành công nhanh chóng, không còn nghi ngờ gì nữa. Trái lại, nếu chúng ta thực hành một cách giả dối, giống như một người làm việc trong sự hiện diện của một vị vua hay người quyền thế, thân giả bộ rất cần mẫn trong khi tâm lại nuôi dưỡng lợi ích bất chính, thì ta sẽ không có tiến bộ gì nhiều. Như thế sẽ chỉ là một sự tập luyện, không đem lại kết quả nào và không đưa tới đâu. Bức vẽ một ngọn đèn bơ trên tường trông giống một đèn bơ, nhưng không xua tan được bóng tối.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần phối hợp và thống nhất thân, ngữ và tâm trong khi thực hành. Trong ba thứ này, tâm là quan trọng nhất, vì thân và ngữ sẽ đi theo bất kỳ nơi nào tâm dẫn dắt. Vì thế tâm không được phép đi lang thang vơ vẩn.

Có ba phần chính trong sự thực hành thực sự pháp Guru yoga. Trước tiên là sự quán tưởng đối tượng thiền định và sự mời thỉnh bậc trí tuệ (jnānasattva) ngự xuống. Kế tiếp là sự cầu nguyện bảy nhánh. Cuối cùng là sự khẩn cầu mãnh liệt bậc Đạo sư và sự nhận lãnh bốn quán đảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]