Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)

25/12/201006:48(Xem: 8893)
Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN BỐN:
THỜI ÐẠI BÃO TÁP (1945-1968)

Chương 12: Gọng Kềm Lịch Sử (1966-1968)

Tháng 12, 1963: Ðại Hội IX của đảng Lao Ðộng (Cộng Sản) họp tại Hà Nội quyết định yểm trợ chiến tranh giải phóng Miền Nam bằng vũ lực.

Ngày 30-12-1963; Hòa Thượng tham dự Ðại Hội gồm 11 tập đoàn thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngày 4-1-1964; Hiến Chương Giáo Hội PGVNTN ra đời. Hòa Thượng đước cử làm Chánh Ðại Diện Miền Vạn Hạnh, kiêm Chánh Ðại Diện Thừa Thiên, Huế.

Ngày 30 tháng 1, 1964: Tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý lật đổ chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ.

Tại Bắc Việt, Ðại Hội IX của Ðảng Lao Ðộng vào cuối tháng 12, 1963 quyết định yểm trợ tích cực chiến tranh giải phóng tại Nam Việt Nam. Phe Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Lê Ðức Thọ chủ trương thống nhất Việt Nam bằng vũ lực, tích cực hoạt động. Tháng 2, 1964 Lê Ðức Thọ công bố chương trình chỉnh huấn đối với toàn thể quân nhân, cán bộ được đưa vào Nam “giải phóng”. Sư đoàn Bắc Việt đầu tiên, sư đoàn 9 Việt Cọng tại Tây Ninh được thành hình năm 1964.

Ngày 20-6-1964: Tướng William Westmoreland được chỉ định làm tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tướng Taylor thay thế Cabot Lodge làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam mở đầu chiến lược mới của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam.

Từ tháng 2 đến tháng 7, 1964: Việt Cọng gia tăng áp lực. Quân đội Việt Nam Cọng Hòa và Hoa Kỳ càng ngày càng bị tổn thất nặng.

Ngày 2 đến ngày 7 tháng 8, 1964: Tuần dương hạm Hoa Kỳ USS Maddox bị hải quân Bắc Việt tấn công. Máy bay Hoa Kỳ thả bom Bắc Việt.

Ngày 16-8-1964: Hiến Chương Vũng Tàu được công bố. Dân chúng thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường phản đối. Một số giáo dân Công Giáo xuống đường yêu cầu chính quyền tái lập trật tự. Hai bên xô xát, có người bị thương.

Ngày 13-9-1964: Một cuộc đảo chánh do một số đoàn thể Công Giáo yểm trợ nhưng không thành công.

Ngày 29-10-1964: Tướng Nguyễn Khánh từ chức. Chính phủ Trần Văn Hương ra đời. Sinh viên, học sinh xuống đường chống chính phủ, bị đàn áp nặng nề.

Ngày 20-1-1965: Thượng Tọa Trí Quang tuyệt thực phản đối chính phủ Trần Văn Hương.

Ngày 27-1-1965: Thượng Hội Ðồng Quốc Gia và chính phủ Trần Văn Hương bị Hội Ðồng Quân Lực giải tán.

Ngày 7-2-1965: Cọng quân tấn công căn cứ không quân của Hoa Kỳ tại Pleiku gây thiệt hại khá nặng nề, rồi Bình Giả, Dak To, Qui Nhơn. Hoa Kỳ trả đũa, thả bom Bắc Việt trong chiến dịch Rolling Thunder.

Ðầu tháng 2, 1965: Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết Miền Nam Việt Nam do cọng sản chỉ đạo được thành hình, trong đó có Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình, trụ sở đặt tại đường Võ Tánh, Sài Gòn. Chủ Tịch của Ủy Ban là Bác sĩ Phạm Văn Huyến, nguyên là Ðặc Ủy Di Cư năm 1954 của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm, thân phụ của bà Ngô Bá Thành nguyên là cố vấn tư pháp của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, cùng một số ủy viên như Cao Minh Chiêm, Tôn Thất Dương Kỵ. Bác sĩ Phạm Văn Huyến, ông Cao Minh Chiêm và Tôn Thất Dương Kỵ về sau bị Thủ Tướng Phan Huy Quát trục xuất ra Bắc.

Ngày 11-2-1965: Giáo Hoàng Paul VI kêu gọi ngưng chiến tại VN.

Ngày 16-2-1965: Chính phủ Phan Huy Quát ra đời.

Ngày 19-2-1965: Tướng Lâm Văn Phát, Nguyễn Bảo Kiếm, Phạm Ngọc Thảo làm đảo chánh với sự tiếp tay của một số đoàn thể Công Giáo nhưng không thành. Ðại Tá Phạm Ngọc Thảo được đức cha Thục nâng đỡ từ thời Ðệ Nhất Cọng Hòa là một đặc công cọng sản.

Ngày 26-2-1965: Tướng Nguyễn Khánh làm đại sứ lưu động sang sống tại Pháp.

Ngày 8-9 tháng 3, 1965: Hai trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ tại Ðà Nẵng, mở đầu cho hàng nghìn binh sĩ Hoa Kỳ sau này đến Việt Nam tham chiến.

Ngày 20-5-1965: Một cuộc đảo chánh hụt.

Ngày 27-5-1965: Lực Lượng Ðại Ðoàn Kết biểu tình chống chính phủ Phan Huy Quát.

Ngày 7-6-1965: Một phái đoàn đại diện các đoàn thể chính trị Công Giáo gặp Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bày tỏ bất tín nhiệm chính phủ Phan Huy Quát. Biểu tình của tín đồ Thiên Chúa chống chính phủ Phan Huy Quát. Ðám biểu tình chiếm dinh Gia Long, ăn uống vất đồ bừa bãi như chỗ không người.

Ngày 12-6-1965: Thủ Tướng Phan Huy Quát trao quyền cho quân đội. Quân đội giao cho tướng Thi, tướng Thi từ chối, đề cử tướng Kỳ. Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia được thành lập với Chủ Tịch là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch, chủ trương giải quyết chiến tranh bằng quân sự, theo đường lối mới của Hoa Kỳ.

Ngày 19-9-1965: Giáo Hoàng Paul VI tổ chức thánh lễ cầu nguyện hòa bình thế giới.

Ngày 3-10-1965: Giáo Hoàng Paul VI trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.

Ngày 4-10-1965: Giáo Hoàng Paul VI cùng Tổng Thống Johnson thảo luận về tình hình thế giới và chiến tranh Việt Nam. 

Tờ Time Magazine ra ngày 31-12-1965 chọn tướng Westmoreland là người của năm 1965 (Man of the Year) vì đã chận đứng đà tiến quân của Bắc Việt.

Tháng 2, 1966: Phật Giáo vận động tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, xây dựng chính phủ dân cử, bị đàn áp nặng nề, nhất là tại Miền Trung, tại thị xã Ðà Nẵng và Huế.

Ngày 26-3-1966: Linh mục Hoàng Quỳnh lên tiếng chống chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đòi hỏi tổ chức Quốc Hội Lập Hiến.

Ngày 12-4-1966: Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.

Ngày 15-5-1966: Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù đến Ðà Nẵng rồi Huế đàn áp phong trào đòi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra thông cáo lên án hành động tráo trở của tướng Kỳ, một mặt chấp nhận bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, một mặt trừng phạt những người đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến.

Ngày 28-5-1966: Ni cô Thanh Quang, đệ tử của Hòa Thượng Ðôn Hậu tự thiêu tại Huế.

Ngày 1-6-1966: Thượng tọa Thiện Minh bị mưu sát tại Sài Gòn. Một trái lựu đạn ném dưới gầm xe làm cho Thượng Tọa bị thương nặng. Chính quyền nói đó là lựu đạn của Việt Cọng nhưng ngày 15-3-1969 Thượng Tọa lại bị tòa án Mặt Trận Sài Gòn lên án về tội phá rối trị an.

Ngày 5-6-1966: Bàn thờ được thiết kế ở các ngả ba đường tại Huế.

Ngày 8-6-1966: Thượng Tọa Trí Quang tuyệt thực tại Huế.

Ngày 19-6-1966: Quân đội và cảnh sát dã chiến hành quân tại Huế.

Ngày 21-6-1966: Tướng Nguyễn Ngọc Loan giải Thượng Tọa Trí Quang vào Sài Gòn.

Ngày 16-8-1966: Giáo Hội PGVNTN ra thông cáo tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vì tất cả Phật Tử có điều kiện ra tranh cử đều bị vô hiệu hóa, bị bắt nhập ngũ, hoặc ở tù vì tranh đấu vận động bầu cử Quốc Hội Lập Hiến! Còn những người chống bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, phần nhiều là các tổ

chức Thiên Chúa Giáo giờ đây lại ra tranh cử Quốc Hội Lập Hiến được tổ chức vào ngày 11-9-1966!

Ngày 11-9-1966: Tổ chức Liên Tôn ra thông cáo lên án chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tham nhũng, luật bầu cử Quốc Hội Lập Hiến phản dân chủ.

Ngày 16-9-1966: Thượng Tọa Trí Quang tuân lệnh đức Tăng Thống chấm dứt tuyệt thực 100 ngày.

Ngày 24-10-1966: Phật Giáo VNTN bị phân hóa thành hai: Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang.

Ngày 26-10-1966: Tổng Thống Johnson thăm quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Ngày 16-3-1967: Một đại đội Hoa Kỳ tuần tiễu tại Mỹ Lai, Quảng Nam, bắn giết trên 250 dân làng, nhiều sĩ quan liên hệ bị đưa ra tòa án quân sự Mỹ và bị xử theo luật định.

Ngày 1-5-196: Ellsworth Bunker thay thế Cabot Lodge làm đại sứ Hoa Kỳ tại VN.

Ngày 10-5-1967: Ðại diện Hoa Kỳ và Bắc Việt gặp nhau tại Paris thương thảo. Không có tiến bộ gì trong 6 tháng đầu.

Ngày 3-9-1967: Bầu cử Tổng Thống và Thượng Viện. 11 Liên Danh tranh cử Tổng Thống & Phó Tổng Thống. Liên danh quân đội Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với 1,638,902 phiếu trong tổng số cử tri 4,868,266 hay 30% phiếu. 50 Liên danh ra tranh cử Thượng Viện, 6 Liên Danh đắc cử là Liên danh Nông Công Binh (quân đội), Bông Lúa (Ðại Việt & Cao Ðài), Công Ích và Công Bằng Xã Hội (Thiên Chúa), Ðại Ðoàn Kết (Thiên Chúa), Mặt Trời (Thiên Chúa), Ðoàn Kết Tiến Bộ (Thiên Chúa). Nền Ðệ Nhị Cọng Hòa ra đời. Giống như nền Ðệ Nhất Cọng Hòa, Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp đều do Công Giáo lãnh đạo.

Tháng 12, 1967: Cường độ chiến tranh lên cao. Quân cọng sản đánh phá khắp nơi. Quân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam tăng lên trên 500,000. Hoa Kỳ tăng gia không tập Bắc Việt.

Ngày 21-1-1968: Căn cứ Khê Sanh bị quân đội Bắc Việt bao vây.

Tết Mậu Thân

Ngày 30-1-1968 đến 10-2-1968 (Tết Mậu Thân): Quân Cọng sản tấn công vào nhiều đô thị, thị trấn Nam Việt Nam, chiếm thành phố Huế hơn một tháng.

Năm 1968: Tòa Thánh Vatican xúc tiến vận động hòa bình, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ðức cha Casaroli, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh tuyên bố: “... Bây giờ không còn là lúc làm một cuộc thánh chiến chống cọng nữa. Phải chấm dứt chiến tranh và tìm cách sống chung hòa bình với cọng sản. Cho nên những người quốc gia Việt Nam, nhất là những người Công Giáo, phải đoàn kết với nhau, sống chung với cọng sản mà không bị cọng sản nuốt đi.” (Cao Văn Luận: Bên Giòng Lịch Sưû 1940-1975, tr. 349).

*

* *

Ngôi nhà Phật Giáo bấy lâu bị nghiêng ngửa, giờ đây được tu chỉnh lại: Ngày 12-1-1964, 11 phái đoàn gồm 6 Tăng Già, 5 Cư sĩ, trong đó có 6 tổ chức của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, 2 tổ chức Tăng Già và Cư Sĩ của Phật Giáo Nam Tông người Việt, 2 tổ chức Tăng Già và Cư sĩ của Phật Giáo Nam Tông người Việt gốc Khmer, cùng một tổ chức Tăng Già Bắc Tông người Việt là Thiền Tịnh Ðạo Tràng, họp tại chùa Xá Lợi, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngôi Nhà Phật Giáo được xây dựng trên nền tảng kết hợp hai giáo phái Nam Tông và Bắc Tông, kết hợp tứ chúng đệ tử Tăng Già và Cư Sĩ Nam Trung Bắc, người Việt, người Việt gốc Mên. Lời Mở Ðầu của Hiến Chương Giáo Hội PGVNTN có đoạn viết: “Giáo Hội PGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại.” Nói một cách khác sự hiện hữu, sự hình thành, sự tồn tại của Giáo Hội, hay bản chất của Giáo Hội PGVNTN là một tổng thể chứ không phải biệt thể, hội tụ mọi nhân duyên cần thiết trong một cọng đồng rộng lớn là dân tộc và nhân loại. Nguyên tắc tương duyên, cọng tồn, cọng sinh này không những thể hiện đạo lý nhân duyên của Phật Giáo mà còn nói lên vị trí của mình trong cọng đồng xã hội, là một phần tử trong tập thể chung.

Cuộc cách mạng 1-11-1963 thành công, nhưng các tướng tá làm cách mạng không chuẩn bị cho thời kỳ hậu cách mạng. Hội Ðồng Quân Nhân không được tham khảo ý kiến khi Ðại Tướng Dương Văn Minh mời Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ Tướng trước sự bỡ ngỡ và thất vọng của mọi người. Uy tín và sự ủng hộ của dân chúng đối với Hội Ðồng Quân Nhân giảm sút dần. Hội Ðồng Nhân Sĩ được thành lập sau ngày cách mạng một tháng chỉ là diễn đàn công cọng chứ không có quyền lực gì. Trong khi đó cường độ chiến tranh ngày càng tăng. Chính phủ Hoa Kỳ cho đến ngày đảo chánh 1-11-1963 chủ trương không can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Nhưng trước tình thế nghiêm trọng vào mùa thu năm 1963, không can thiệp đã trở thành can thiệp, một sự can thiệp miễn cưỡng, nửa chừng: họ để cho các tướng lãnh đảo chánh mà không giúp đỡ các vị tướng lãnh chuẩn bị cho một chính phủ chuyển tiếp, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có kinh nghiệm chính trị, nhất là sau một thời gian dài (9 năm) sống dưới chế độ độc tài không có cơ hội đào tạo lãnh đạo, không có cơ chế cần thiết để điều hành quốc gia. Kết quả là những chuỗi ngày xáo trộn, trong khi tình hình quân sự ngày càng nghiêm trọng.

Sau cuộc Cách Mạng 1-11-1963 Miền Nam Việt Nam rơi vào nhiều cuộc khủng hoảng chính trị vì các phe phái chống đối lẫn nhau, nhưng đặc biệt vì Hoa Kỳ thay đổi chiến lược về chiến tranh Việt Nam sau khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát, sau khi chính phủ quân nhân Park Chung Hee trong nền Ðệ Tam Cọng Hòa Nam Hàn (1963-1972) đã làm cho kinh tế, kỹ nghệ Nam Hàn phát triển mạnh, dân chúng gọi là Phép Lạ Trên Sông Hán mà thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ khi viếng thăm Ðại Hàn rất hâm mộ, muốn rập theo mô hình chính phủ quân nhân Park Chung Hee.

Khi vận động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, Phật Giáo không nghĩ đến việc lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm nên không chuẩn bị một thế cờ chính trị hậu Cách Mạng. Phật Giáo không liên kết các tướng lãnh, các nhà làm chính trị, nên sau khi quân đội đảo chánh, Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng mời Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ Tướng họ không tham khảo ý kiến Phật Giáo và các nhà lãnh đạo Phật Giáo cũng không xen vào việc chính trị của Hội Ðồng Quân Nhân.

Khi có chính biến xảy ra sau một thời gian dài dưới bất kỳ chế độ độc tài nào, thì tình hình chính trị thường bị xáo trộn, vì dưới chế độ độc tài, nhân dân không có cơ hội để đào tạo người lãnh đạo, để xây dựng hệ thống lãnh dạo. Tình trạng này ta thấy rõ tại Ðại Hàn sau khi Lý Thừa Vãng bị lật đổ, Phi Luật Tân sau Marcos, các nước cọng sản Nga, Ðông Âu, Mông Cổ sau khi chế độ cọng sản cáo chung. Tại Việt Nam tình hình rối loạn nặng nề hơn vì ngoài yếu tố trên còn ở trong tình trạng chiến tranh, việc Tổng Thống Kennedy bị ám sát, việc chính phủ Hoa Kỳ muốn thay đổi chiến lược tại Việt Nam.

Tổng Thống Kennedy không mấy tin vào thuyết domino của tổng thống Eisenhower. Ông nói: “Tôi không tin mức độ viện trợ quân sự Hoa Kỳ cho Ðông Dương có thể chiến thắng địch quân khi địch quân được cảm tình và sự yểm trợ bí mật của dân chúng”. Và: “Nếu cuộc chiến tại những quốc gia đó trở thành cuộc chiến tranh của người da trắng, thì Hoa Kỳ cũng sẽ thất bại giống như trước đây người Pháp đã thất bại.” (Schlesinger: The Bitter Heritage and American Democracy tr. 16 & tr 37). Tổng Thống Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11, 1963.

Phật Giáo sau một thời gian dài, kể từ cuối đời Nhà Trần, không tham gia vào chính sự. Kinh nghiệm chính trị vì vậy rất hạn chế. Tổ chức Phật Giáo lại hết sức lỏng lẻo. Hàng cư sĩ được tổ chức chỉ để học Phật, tu đạo, hộ trì Tam Bảo. Vấn đề giao tế lại càng hạn chế hơn nữa, không những đối với các đoàn thể chính trị tôn giáo bạn, các phái bộ ngoại quốc mà ngay với các đoàn thể, giáo phái, hệ phái Phật Giáo, vì vậy Phật Giáo không thể quảng bá rộng rãi quan điểm, mục tiêu của mình. Người ngoài không biết Phật Giáo muốn gì, hoạt động như thế nào.

Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau cuộc Cách Mạng 1963 muốn điều đình với chính phủ Dương Văn Minh, không được Hoa Kỳ đồng ý. Trong thư chúc mừng Tết Nguyên Ðán gửi cho tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống Johnson bày tỏ quan điểm của mình về chủ trương trung lập của De Gaulle mà TT Johnson xem không khác trao quyền cho cọng sản.

Ðó cũng là lý do chính mà tướng Khánh đưa ra khi làm cuộc chỉnh lý, được sự hộ trợ của đảng Ðại Việt, trong đó có các tướng lãnh Công Giáo còn có cảm tình với chế độ cũ. Ðể thăng bằng ảnh hưởng của Ðảng Ðại Việt và các tướng lãnh Cần Lao cũ, tướng Khánh thăng cấp cho những quân nhân trẻ tuổi như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi.

Sau khi tướng Nguyễn Khánh làm cuộc Chỉnh Lý ngày 30-1-1964, cố vấn của Tổng Thống Johnson muốn có một chính phủ bền vững, ủng hộ chiến lược mới của Hoa Kỳ muốn nới rộng chiến tranh ra Bắc Việt. Ðại sứ Cabot Lode trong nhiệm kỳ hai tại Việt Nam vừa xuống sân bay đã đi thẳng đến dinh Thủ Tướng gặp tướng Nguyễn Khánh và tin cho ông biết chính phủ Hoa Kỳ đang chuẩn bị dư luận quần chúng Mỹ cho chiến dịch chống Bắc Việt. Biến cố Maddox xẩy ra tại Vịnh Bắc Việt ngày 5-8-1964, Hoa Kỳ thả bom Bắc Việt, mở màn cho chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tướng Khánh lợi dụng cơ hội này đưa ra “Hiến Chương Vũng Tàu” biến ông thành một Tổng Thống mà không cần phải bầu cử. Sinh viên, học sinh, chính khách, Phật Giáo chống Hiến Chương Vũng Tàu, đòi hỏi một chính phủ dân cử. Ngày 22 tháng 8, 1964 hàng chục nghìn sinh viên bao vây dinh Thủ Tướng đòi hỏi dẹp bỏ Hiến Chương Vũng Tàu. Thủ Tướng Nguyễn Khánh hứa thỏa mãn nguyện vọng sinh viên. Phật Giáo đòi hỏi một chính phủ dân sự và tổ chức bầu cử vào ngày 1 tháng 1, 1965 được tướng Khánh đồng ý. Nhóm Công Giáo Bắc di cư được tướng Khánh bí mật giúp đỡ tài chánh, tổ chức biểu tình chống tướng Khánh vì đã nhượng bộ sinh viên, Phật Giáo. Tướng Khánh cảm thấy hoàn toàn bị cô lập ngoại trừ tòa đại sứ Mỹ. Ông ta biết các sĩ quan Ðại Việt Công Giáo đang tìm cách hạ bệ ông, trong khi sĩ quan trẻ mà ông mua chuộc bằng cách thăng chức đứng yên một chỗ chờ thời, nhất là chờ xem Hoa Kỳ có hành động gì không. Những sĩ quan trẻ như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi là những cá nhân đơn độc trong khi các sĩ quan Công Giáo có tổ chức chặt chẽ hơn.

Ðại sứ Cabot Lodge và đại sứ Taylor chống đối việc thành lập một chính phủ dân sự. Ðại sứ Lodge khuyên tướng Khánh không nên lập chính phủ dân sự trước khi tình hình quân sự được ổn định. Ðại sứ Taylor e ngại chính phủ dân sự sẽ chịu ảnh hưởng của Phật Giáo thiên trung lập.

Công giáo Hố Nai, Gia Kiệm đứng lên chống đối tướng Khánh vì cho tướng Khánh đã đi đôi với Phật Giáo. Năm nghìn người Công Giáo biểu tình tại Sài Gòn, hàng nghìn người tại Huế. Họ chiếm đài phát thanh Sài Gòn đòi được quyền phát thanh, bị từ chối họ đập phá. Tại Ðà Nẵng cũng như tại Qui Nhơn đã có những vụ xô xát giữa tín đồ Phật Giáo và Công Giáo.

Ngày 13-9-1964 một cú đảo chính hụt do hai tướng Công Giáo Lâm Văn Phát và Dương Văn Ðức chỉ huy và một số sĩ quan Công Giáo Ðại Việt dẫn đầu. Họ đọc bản tuyên ngôn ca ngợi cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trên đài phát thanh Sài Gòn, đòi tái lập nền Ðệ Nhất Cọng Hòa. Tướng Nguyễn Khánh được an toàn nhờ Hoa Kỳ ủng hộ. Tướng Westmoreland làm áp lực với tướng Dương Văn Ðức nói chính phủ Hoa Kỳ không thể nào ủng hộ cuộc đảo chánh. Các sĩ quan trẻ ngồi yên chờ Hoa Kỳ hành động. Khi thấy tướng Westmoreland làm áp lực với tướng Dương Văn Ðức, họ mới xông vào cứu tướng Khánh, gây ảnh hưởng với tướng Khánh và tòa đại sứ Mỹ.

Phật Giáo tiếp tục đòi hỏi một chính phủ dân sự. Ðại sứ Taylor lúc đầu khuyên tướng Khánh đừng thành lập chính phủ dân sự nhưng nhận thấy sinh viên và quân chúng đều đòi hỏi chính phủ dân sự, nên ông đưa ra kế hoạch làm thế nào để gạt Phật Giáo ra ngoài và dầu có chính phủ dân sự quyền hạn tối cao vẫn nằm trong tay Hội Ðồng Tướng Lãnh. Chính phủ Trần Văn Hương ra đời trong hoàn cảnh này.

Cụ Trần Văn Hương được đại tướng Nguyễn Khánh mời làm Thủ Tướng. Ðại Tướng vẫn làm chủ tịch Hội Ðồng Quân Nhân và đại tướng cho thành lập Thượng Hội Ðồng Quốc Gia do cụ Phan Khắc Sửu làm chủ tịch. Tuy cụ Trần Văn Hương không phải là người lý tưởng theo quan điểm của đại sứ Hoa Kỳ Taylor, nhưng ít nhất cũng hạn chế được ảnh hưởng của Phật Giáo. Ông Hương, một cựu giáo viên tiểu học, nổi tiếng trong sạch, khí phách nhưng rất thủ cựu, tầm nhìn hạn chế, có khuynh hướng địa phương. Ông cảnh cáo Phật Giáo là ông sẽ không ngần ngại sử dụng biện pháp mạnh đối với những kẻ chống đối. Và ông đã làm.

Ðại sứ Taylor công nhận đại đa số dân Việt Nam mong mỏi hòa bình và phong trào Phật Giáo nói lên nguyện vọng ấy. Nhưng nếu Phật Giáo có vai trò gì quan trọng trong chính phủ, theo ông, họ sẽ đòi chấm dứt chiến tranh, đi ngược lại đường lối của Hoa Kỳ trong thời điểm ấy (George Kahin: Intervention, Anchor Books, New York, 1987 tr. 281).

Thượng Hội Ðồng bị giải tán và đại tướng Khánh cất chức cụ Trần văn Hương ngày 27-1-1965. Ðại sứ Taylor rất lo ngại, gửi điện văn về cho ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk với lời lẽ: “Ðiều dáng lo ngại là sự thắng thế của Phật Giáo có thể đưa đến việc thành lập một chính phủ đòi hỏi điều đình với Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.” (Kahin. tr. 415). Hoa Kỳ muốn cho tướng Khánh về vườn khi biết tướng Khánh và Huỳnh Tấn Phát, Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương của Mặt Trận trao đổi thư từ vào cuối tháng 12 năm 1964. Taylor tiếp xúc với các sĩ quan Việt Nam trẻ tuổi như tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trần thiện Khiêm, Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn hữu Có để chuẩn bị thế cờ mới.

Tướng Khánh mời bác sĩ Phan Huy Quát thành lập chính phủ. Ba ngày sau, tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo làm cuộc đảo chánh, chiếm đài phát thanh, công bố sẽ mời đại tướng Trần Thiện Khiêm làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ về làm thủ tướng. Họ còn ca ngợi công ơn của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðại sứ Taylor liên lạc với các tướng trẻ đứng ra điều đình. Ngày 24-2-1965 tướng Khánh đồng ý rời khỏi Việt Nam làm đại sứ lưu động. Chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu.

Ngày 27-2-1965 một phong trào mệnh danh là Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết Miền Nam Việt Nam do cọng sản chủ trương được thành lập. Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng Bộ Tư Pháp chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Nam Việt Nam trong cuốn Việt Cọng Memoire viết: “Buổi họp mặt ban đầu được tổ chức tại nhà tôi vào cuối tháng. Vừa lúc đó Albert Thao bất ngờ từ Hoa Kỳ trở về. Thảo đang trốn trong phòng ngủ. Chúng tôi bàn tính công việc...” (tr. 95)

Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết do bác sĩ Phạm Văn Huyến, nguyên Tổng Ủy Di Cư dưới thời Ngô Ðình Diệm, thân phụ của bà Ngô Bá Thành, nguyên cố vấn luật pháp cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, với các thành viên như Tôn Thất Dương Kỵ v. v.. Bác sĩ Huyến không phải đảng viên cọng sản, cũng không phải là cảm tình viên của Mặt Trận, nhưng ông đứng ra lãnh đạo Phong Trào với mục đích đem lại hòa bình cho đất nước.

Ngày 8 tháng 3, 1965 hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Ðà Nẵng. Hai tuần lễ sau tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ yêu cầu Tổng Thống Johnson cho phép gửi thêm ba sư đoàn sang Việt Nam, hai sư đoàn Hoa Kỳ và một sư đoàn Ðại Hàn. Ngày 1 tháng 4, 1965 tổng Thống Johnson triệu tập Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, có đại sứ Hoa Kỳ Taylor tại Việt Nam tham dự để duyệt xét tình hình.

Một phái đoàn gồm các chính khách Công Giáo gặp quốc trưởng Phan Khắc Sưu yêu cầu quốc trưởng thay thế thủ tướng Phan Huy Quát. Ngày 20-5-1965 một cú đảo chánh hụt nữa xảy ra do nhóm Hố Nai chủ xướng. Thủ tướng Phan Huy Quát bị ám sát hụt. Tín đồ Công Giáo biểu tình chống chính phủ Phan Huy Quát buộc tội là thân Phật Giáo.

Một cánh quân Ðại Hàn đến Việt Nam tham chiến.

Số phận của chính quyền Phan Huy Quát được quyết định: Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát bất đồng ý kiến về việc thay đổi một số tổng trưởng. Kết quả thủ tưởng Phan Huy Quát từ chức, nội các chiến tranh ra đời vào ngày 19 tháng 6, 1965 với trung tướng Nguyễn văn Thiệu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

Nguyễn Cao Kỳ không phải là nhân tuyển lý tưởng về tư cách cũng như khả năng lãnh đạo. Phó đại sứ Hoa Kỳ Alex Johnson gọi tướng Kỳ là một hỏa tiễn không được hướng dẫn (unguided missle). Nilly Bundy của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ gọi ông là phần cuối của lòng súng (the bottom of the barrel). Người họ muốn chọn là tướng Thiệu nhưng họ ngại vào thời điểm ấy bất lợi. Tướng Kỳ rất nhiệt tình, thẳng thắn chỉ là viên gạch lót đường.

Nội các chiến tranh ra đời, quân nhân lãnh đạo. Chiến lược mới của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam bắt đầu được thực hiện. Trước đây nhiệm vụ chính của quân nhân là bãi chiến trường, giờ đây chính trường là trận địa.

Quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam tham chiến ngày càng đông. 

Từ hai trung đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ tại Ðà Nẵng vào tháng 3 năm 1965 thì đến cuối năm số quân đã tăng lên 186,000. Giai đoạn I và II của chiến dịch Rolling Thunder được thực hiện một cách suông sẻ. Hội nghị thượng đỉnh tại Honolulu được triệu tập ngày 7-2-1966, Tổng Thống Johnson ôm Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, tượng trưng cho mối giây liên hệ giữa hai chính phủ quyết tâm điều hành cuộc chiến tại Việt Nam bằng vũ lực, lấy “body count” làm thước đo của sự thành công, mà không nhận rõ tại thôn quê một người thân bị giết thì mười người bà con sẽ sang bên kia chiến tuyến, vì trả thù, vì không có chân đứng bên chiến tuyến này... Cuộc chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chiến tranh quân sự mà là chiến tranh toàn diện, một cuộc chiến tranh cách mạng.

Sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tháng 1 năm 1964, Giáo Hội gặp sự khó khăn đầu tiên có tính cách nội bộ là cơ cấu giáo hội không phản ảnh được sự kết hợp của tứ chúng đệ tử. Trong cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo, suốt sáu tháng pháp nạn 1963, vai trò của chư tăng ni nổi bật, vì vậy khi thành lập Giáo Hội trong thời kỳ chuyển tiếp, vai trò lãnh đạo Giáo Hội dành cho hàng tăng ni, hay nói cho đúng hơn dành cho hàng tăng giới: Hầu hết các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội đều do chư tăng đảm trách, không có tiếng nói của Ni chúng, của cư sĩ. Ông Mai Thọ Truyền đã từ chức vì lý do này. Giáo Hội nhận thấy khuyết điểm ấy, nhưng chưa có thì giờ chỉnh đốn thì vô số biến cố dồn dập đến với Giáo Hội mà Giáo Hội thật sự chưa có chuẩn bị để đối phó với tình thế mới: Ðảo chánh, biểu tình, nội các thay đổi liên tiếp trong khi Hoa Kỳ thay đổi chiến lược với sự tham dự của quân đội Hoa Kỳ vào chiến trường Việt Nam ngày càng thêm mạnh.

Nhận thấy muốn có tình trạng ổn định, cần có chính phủ dân cử. Phật Giáo chủ trương tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, đặc biệt tại các tỉnh

Miền Trung với sự tham gia của mọi thành phần: quân nhân, công chức, công an, cảnh sát, sinh viên, trí thức, thương gia, thường dân.

Nhận định và chủ trương này của Phật Giáo rất đúng, nhưng khi Giáo Hội trực tiếp dấn thân vào việc vận động bầu cử, Giáo Hội vô tình đã đi sâu vào sinh hoạt chính trị, mà đáng lẽ ra phải dùng thì giờ vào công việc chính của mình là xây dựng, củng cố và phát triển nội bộ. Cũng chính vì vậy nội bộ Phật Giáo bị phân hóa.

Thành phần quân nhân cầm quyền. Các chính trị gia Công Giáo ngại nếu có Quốc Hội Lập Hiến, vị thế của họ không được bảo đảm. Hoa kỳ sợ có chính phủ dân cử thân Phật Giáo sẽ đòi chấm dứt chiến tranh, điều đình với Bắc Việt. Tướng Westmoreland với một binh lực hùng hậu, tin tưởng vào khả năng chiến đấu và vũ khí tối tân có thể dễ dàng kết thúc cuộc chiến. Ông đã thành công ngăn chận quân đội Bắc Việt. Ông đã biến làng mạc Việt Nam thành đống tro tàn, khiến cho cọng quân không nơi nương tựa. Và ông vô tình đã giúp quân kháng chiến bổ sung quân số vì dân quê giờ đây muốn sống là phải lên núi. Những thế lực này hợp lại đưa chiến cuộc Việt Nam vào một hướng đi mới.

Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ còn được gọi là chính phủ dân nghèo. Tướng Kỳ thật sự có chủ trương ấy. Nhưng theo sử gia Chánh Ðạo trong cuốn Politics and Religion thì chính sách cách mạng xã hội của chính phủ dân nghèo chỉ là những hứa hẹn suông. Và sau 6 tháng cầm quyền khi tướng Kỳ ra Ðà Nẵng thăm, một thành viên trong Hội Ðồng Nhân Dân Thị Xã Ðà Nẵng phát biểu là dân đã nghèo lại nghèo thêm. (Nguyễn Chánh Thi: Memoire, tr. 334).

Sau hội nghị thượng đỉnh Honolulu, tướng Kỳ cảm thấy vị thế của mình vững vàng hơn. Liên hệ giữa tướng Kỳ và tướng Thi bắt đầu sa sút, nhất là khi tướng Thi ủng hộ quan điểm của đại đa số quần chúng Miền Trung đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến.

Dân miền Trung khi hay tin tướng Nguyễn chánh Thi bị cách chức, đứng lên phản đối, không chấp nhận tướng Nguyễn Văn Chuân ra thay thế. Nhận thấy tình hình quá căng thẳng, tướng Chuân đề nghị với tướng Kỳ nên tìm giải pháp chính trị. Tướng Kỳ đề nghị với đại sứ Lodge để tướng Thi ở lại và ra Huế ổn định tình hình. Khi tướng Thi xuống sân bay Ðà Nẵng, ông không tin cặp mắt của mình. Ông thấy hàng trăm, hàng nghìn dân chúng ra phi đạo đón rước ông trở về “quê cũ”, một phần vì mến ông, phần khác là họ vui mừng thấy chính quyền trung ương quan tâm đến những nguyện vọng của họ. Nhưng với tướng Kỳ và phe nhóm thì xem đây là sự tranh dành ảnh hưởng cá nhân. (Nguyễn Chánh Thi: Memoire, tr. 347).

Vài ngày sau tướng Thi ra Huế. Sự đón tiếp lại càng nồng nhiệt hơn: Dân chúng, sinh viên, học sinh, quân nhân, công chức, thương phế binh hàng hàng lớp lớp đón chào ông. Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn lo ngại khi thấy quân nhân, công chức, cảnh sát Vùng I Chiến Thuật tham gia phong trào ngày càng đông. Tướng Kỳ với sự cố vấn của đại sứ Lodge liên lạc với Viện Hóa Ðạo, thảo luận về việc bầu cử, hứa sẽ thực hiện vào năm 1967. Nhưng chẳng bao lâu sau ông lại nói ngày bầu cử tùy theo tình hình an ninh. Dân chúng lập tức phản đối. Ngày 22-3-1965 đám biểu tình chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, kêu gọi đình công. Ðặc biệt lần này, thành phần Công Giáo cấp tiến tham gia đòi chấm dứt chính phủ quân nhân. Tại Ðà Nẵng và Huế đại đa số quân nhân, công chức, cảnh sát ủng hộ Phong Trào. Tướng Phan Xuân Chiểu được Sài Gòn gửi ra hóa giải bị sinh viên giữ lại. Thị trưởng thành phố Ðà Nẵng, bác sĩ Nguyễn văn Mẫn, người Công Giáo hết lòng ủng hộ Phong Trào. Tướng Kỳ đột nhiên thay đổi chiến thuật lên án Phong Trào, nói Phong Trào do cọng sản giật giây và với ông, Ðà Nẵng đã lọt vào tay cọng sản, dọa sẽ bắn bác sĩ Nguyễn văn Mẫn khi “giải phóng” Ðà Nẵng. Tướng Kỳ lẽ dĩ nhiên không nói và hành động như vậy nếu không được sự yểm trợ của tướng Westmoreland.

Ðể chuẩn bị cho việc “giải phóng” Ðà Nẵng, tướng Kỳ cho lập đài phát thanh bí mật trong căn cứ quân sự Mỹ, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Hoa Kỳ và nói đó là “Tiếng Nói của Phong Trào” với những tin tức, bình luận đầy mùi cọng sản, để đánh lạc dư luận và buộc tội Phong Trào là theo cọng sản.

Với trên 20,000 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng tại Ðà Nẵng, lời buộc tội của tướng Kỳ xem có vẻ phi lý đối với tướng Green, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ khi ông thăm viếng thị xã Ðà Nẵng ngày hôm ấy. Tướng Green nói tình hình trong thị xã rất yên tĩnh, không có dấu hiệu gì lọt vào tay cọng sản. Tướng Leewis Walt, chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng cho rằng vấn đề cần phải giải quyết bằng thương thuyết. Rõ ràng là tướng Walt không rõ những gì xảy ra giữa tướng Kỳ, tướng Wesrmoreland và đại sứ Lodge.

Tòa Bạch Ốc không mấy thoải mái khi nghe tướng Kỳ dọa bắn ông thị trưởng thành phố Ðà Nẵng. Tướng Taylor lúc bấy giờ là cố vấn quân sự của Tổng Thống Johnson đồng ý sẽ bỏ tướng Kỳ nhưng giữ tướng Thiệu và các tướng lãnh khác trong Hội Ðồng Quân Lực tương lai. Tuy nhiên vào lúc ấy Westmoreland vẫn tiếp tục yểm trợ tướng Kỳ trong kế hoạch loại trừ những phần tử phản kháng. Ngày 5-4-1966, mười chiếc C-130 khổng lồ do phi công Hoa Kỳ điều khiển chở 1,900 quân Nhảy Dù Việt Nam, với 10 chiếc xe tăng M-41, 60 xe thiết giáp và nhiều khí giới đáp xuống sân bay Ðà Nẵng, trong khi máy bay quân sự Việt Nam chở 4,000 quân cùng đến Ðà Nẵng được Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Ðà Nẵng bảo vệ không bị quân lính Việt Nam tại Ðà Nẵng theo Phong Trào làm khó dễ. Tướng Chuân đến Vùng I Chiến Thuật thay thế tướng Ðính giờ đây đi theo Phong Trào, ra lệnh cho quân lính dưới quyền chỉ huy của ông, chận những con đường chính không cho lính của tướng Kỳ hoạt động hòng tránh cảnh nồi da xáo thịt. Ngày hôm sau tại Huế, tướng Phan Xuân Nhuận, tư lệnh sư đoàn I cũng theo Phong Trào, dọa sẽ chống lại quân của tướng Kỳ nếu ra Huế và bắt đầu huấn luyện quân sự cho sinh viên, thanh niên Huế, phát vũ khí cho họ để họ lo việc bảo vệ Huế và giúp Ðà Nẵng.

Tướng Kỳ không biết làm gì hơn, công khai xin lỗi dân chúng Ðà Nẵng đã gọi họ là cọng sản hay thân cọng. Tướng Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia cùng tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đọc sắc lệnh hứa tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến trong vòng 5 tháng, hứa không trừng phạt những người tham gia Phong Trào tranh đấu đòi bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.

Thượng Tọa Trí Quang bay ra Huế khuyên sinh viên chấm dứt đấu tranh, đợi ngày bầu cử. Tại trường Ðại Học Huế Thượng Tọa nói chuyện với sinh viên, giáo sư, thân hào, nhân sĩ: “Chúng ta phải nghĩ đến những vấn đề quan trọng trong tương lai, chứ không phải những vấn đề nhỏ bé hiện tại, về sự hiện hữu của một chính phủ trong vòng ba tháng. Chúng ta phải nhìn đến tương lai xem Quốc Hội Lập Hiến được bầu như thế nào chứ không phải làm gì để lật đổ một chính phủ. Những đòi hỏi của dân chúng đã được chính quyền giải quyết và đây là thành quả của cuộc đấu tranh quần chúng. Những đòi hỏi của anh em nếu không phù hợp với nguyện vọng chung, cần phải loại bỏ. Ðây là việc bắt đầu của một nền dân chủ.” (Schecter, Jerrold: The New Face of Buddha, John Weatherhill, Tokyo, 1967 tr.80). Sở dĩ Thượng Tọa Trí Quang yêu cầu sinh viên chấm dứt đấu tranh vì Thượng Tọa đã nhận được lời cam kết của đại sứ Lodge. (Schecter, nt. tr. 81)

Tại Huế cũng như tại Ðà Nẵng những thành phần tranh đấu vẫn còn nghi ngờ thiện chí của chính phủ. Thượng Tọa Trí Quang hứa với họ sẽ ở lại Huế cho đến ngày bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Những cuộc biểu tình, phản đối dần dần chấm dứt.

Sau biến cố ngày 5-4-1966 cố vấn tòa Bạch Ốc chia làm hai phe. Một phe nhận thấy ảnh hưởng của Phật Giáo đối với dân chúng Việt Nam, chủ trương nên hòa giải với Phật Giáo. Phe khác, với sự hiện diện của Walter Rostow, vừa được mời làm cố vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ có lập trường trái ngược, cho rằng các tướng lãnh Việt Nam là thành phần quan trọng trong chiến lược mới của Hoa Kỳ, vì vậy phải có thái độ cứng rắn đối với Phật Giáo. Ông so sánh tình trạng hiện nay tại Việt Nam không khác Paris năm 1789 và St. Petersburg năm 1917. Ông đề nghị một chiến lược có hai phần: Trước hết thỏa mãn các yêu sách để được sự ủng hộ của Phật Giáo và các phe nhóm đòi hỏi chính phủ dân sự. Thứ hai phân hóa lãnh đạo Phật Giáo. Thêm vào đó là áp dụng biện pháp mạnh chống lại những cuộc biểu tình tương lai tại Sài Gòn của sinh viên và Phật Giáo và thực hiện đổ bộ lần thứ hai tại Ðà Nẵng chống lại Phong Trào.

Phần thứ nhất tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và tướng Kỳ thực hiện dễ dàng. Phần thứ hai tướng Kỳ gặp Thượng Tọa Tâm Châu, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo. Phật Giáo bị phân hóa chia thành hai phe: Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang.

Ðể chuẩn bị cho việc đưa quân đến Ðà Nẵng lần thứ hai, tướng Kỳ thay thế Ðại Tá Liễu, Tổng Giám Ðốc Công An Cảnh Sát, người cùng tướng Thi làm đảo chánh chống Diệm năm 1960 và cùng tướng Thi lên Nam Vang tị nạn khi cuộc đảo chánh bị thất bại, bằng đại tá Loan. Tiếp theo gần 7,000 quân tinh nhuệ của Việt Nam được máy bay quân sự Việt Nam chở đến Ðà Nẵng, trong khi cố vấn Hoa Kỳ thuyết phục tướng Ðính đưa quân đến những tỉnh lân cận tảo thanh cọng sản.

Tướng Ðính cho biết vào chiều ngày tấn công, 40 xe tăng hạng nặng của Hoa Kỳ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được tàu thủy Mỹ chở đến. Ông tưởng những xe tăng này được mang đến để đánh quân Bắc Việt và sẽ bàn giao cho ông. Sáng hôm sau, những xe tăng này thay vì được bàn giao cho ông lại bao vây nhà ông. Tướng Ðính chạy trốn sang tổng hành dinh của tướng Walt, được tướng Walt cho tị nạn. Ngày hôm sau cố vấn chính trị của tòa đại sứ Hoa Kỳ ông Philip Habib tiếp xúc với tướng Ðính bằng điện thoại, báo tin cho biết cuộc hành quân tại Ðà Nẵng được sự đồng ý của tổng Thống Johnson. (Geirge Kahin: Intervention, tr. 428). Habib cố thuyết phục tướng Ðính im lặng trở về Sài Gòn và hứa chức vị ngoại giao, nhưng tướng Ðính từ chối bay ra Huế, tham gia Phong Trào!

Sau khi tướng Ðính tham gia Phong Trào, tướng Thiệu và Kỳ gửi một vị tướng lãnh khác, vị tướng thứ tư trong vòng hai tháng, ra làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I. Lần này là tướng Huỳnh Văn Cao, một tín đồ Thiên Chúa. Khi tướng Cao được Thủy Quân Lục Chiến chở máy bay ra Huế, tướng Nhuận, phụ tá, từ chối không dự buổi tiếp tân lấy cớ bị bệnh. Hay tin tướng Cao ra Huế, sinh viên đổ dồn đến vây quanh, tướng Cao vội vã lên phi cơ trực thăng bay về Ðà Nẵng. Một quân nhân đã bắn vào máy bay chở tướng Cao, bị thủy quân Lục Chiến Mỹ hạ sát.

Ðại tá Loan vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Công An yêu cầu tướng Cao tấn công chùa Phổ Ðà, trụ sở của Phong Trào đấu tranh. Tướng Cao từ chối. Một sĩ quan của Loan lấy súng lục chĩa vào đầu tướng Cao. Vừa lúc đó một viên cố vấn Mỹ bước tới. Tướng Cao được thoát, chạy sang căn cứ quân sự Hoa Kỳ xin tị nạn như tướng Ðính đã làm.

Phật Giáo rất bỡ ngỡ trước sự phản trắc của chính quyền. Thượng tọa Trí Quang gửi điện văn cho tổng thống Johnson và đại sứ Lodge yêu cầu giúp đỡ. Trong khi đó tại Sài Gòn Thượng Tọa Thiện Minh tuyên bố tuyệt thực 48 giờ. Tại Huế Hòa Thượng Ðôn Hậu tổ chức cầu nguyện tại chùa Diệu Ðế. Ni cô Thanh Quang, đệ tử của HT Ðôn Hậu tự thiêu, cầu nguyện cho Phật Giáo qua cơn pháp nạn.

Sau hai ngày càng quét, quân của tướng Kỳ chiếm các trụ sở của Phong Trào. Chùa Phổ Ðà giống như căn nhà bị cháy.

Trên 700 quân nhân Phật Tử với 100 nhà sư, đoàn viên Gia Ðình Phật Tử, sinh viên, dân chúng bị bắt.

Tại Sài Gòn thanh niên sinh viên cũng như quần chúng phẫn nộ trước hành động phản trắc của chính phủ. Họ tổ chức biểu tình chống chính phủ và kỳ này chống luôn Mỹ với những biểu ngữ “Yankee Go Home”. Công an, cảnh sát dưới sự điều khiển của đại tá Loan đàn áp dữ dội, không nương tay. Viện Hóa Ðạo bị bao vây, bị cắt đứt điện nước cho đến cuối tháng 6.

Tại Huế sự phẫn nộ càng cao hơn. Sinh viên ngồi tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ đòi tổng thống Johnson trả lời trước hành động của chính phủ Thiệu Kỳ. Họ xông vào đốt Phòng Thông Tin Mỹ ở đường Hoàng Hoa Thám. Khi tỉnh trưởng Thừa Thiên điều động quân đội liên hệ với Ðại Việt Công Giáo Phong Ðiền về tái chiếm đài phát thanh Huế, Thượng Tọa Trí Quang lần thứ ba kêu gọi Tổng Thống Johnson can thiệp nhưng không được trả lời. Một trăm Tăng Ni tuyệt thực trước tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở đường Ðống Ða. Họ trao huyết thư cho vị Tổng Lãnh Sự nhờ chuyển đến Tổng Thống, yêu cầu đừng tiếp tục ủng hộ chính phủ tàn ác, không tôn trọng lời hứa. Họ đâu có ngờ đây là chính sách chung của Thiệu Kỳ và Johnson đối với họ.

Ngày 1-6-1966 Thượng Tọa Thiện Minh bị mưu sát. Một quả lựu đạn MK-26 thảy dưới gầm xe Thượng Tọa làm Thượng Tọa bị thương nặng ở chân và bàn tọa. Người thảy lựu đạn chạy thoát bằng xe gắn máy.

Quân đội và công an, cảnh sát của chính phủ hành quân tại Sài Gòn và Huế. Cảnh sát dã chiến và lính nhảy dù bao vây Viện Hóa Ðạo và sau hai ngày, tiến chiếm Việt Nam Quốc Tự, trụ sở của Viện Hóa Ðạo, bắt hàng trăm Tăng, Ni, Phật Tử.

Ngày 10 tháng 5, 1966, đại tá Loan dùng máy bay Hoa Kỳ đưa hai trung đoàn ra Phú Bài và với sự giúp đỡ của cố vấn cảnh sát Mỹ, mở cuộc hành quân tại Huế. Thượng Tọa Trí Quang không muốn cảnh chết chóc tái diễn tại Huế, ra lệnh cho Phật Tử thiết án thờ ở các ngã ba đường, chuyên tâm cầu nguyện. Nhờ vậy mà khi quân của đại tá Loan đến Huế không bị chống đối, không phải đổ máu một cách phí phạm, ngoại trừ một trung úy ra chận xe bị bắn chết ngay tại chỗ. Ngày 19-5-1966 đại tá Loan làm chủ tình hình, bắt hàng nghìn vị sư, sinh viên, học sinh.

Nghe theo lời khuyên của đại sứ Lodge, đại tá Loan cho chở TT Trí Quang vào Sài Gòn, tại đây TT tuyệt thực 100 ngày, da bọc lấy xương và chỉ ngưng tuyệt thực khi được lệnh của đức Tăng Thống. Một số sinh viên Huế không còn ngả nào hơn, phải lên núi theo Mặt Trận Giải Phóng. Chính phủ Mỹ và Thiệu Kỳ đã giúp Mặt Trận, cung cấp cho họ những cán bộ có khả năng, đầy nhiệt huyết!

Thượng Tọa Trí Quang, một trong 6 học tăng xuất sắc của Phật Học Viện Báo Quốc, một trong những vị lãnh đạo Phật Giáo có uy tín của Miền Trung - Việt Nam, tác giả cuốn Tăng Già Việt Nam xuất bản năm 1952, cổ võ chúng tăng trì trai giữ giới, sống đời phạm hạnh, ăn ở đạm bạc, gần sát với dân, cảm thông nỗi cơ hàn của họ. Người xuất gia không thiên vị, không đối nghịch với ai, chăm chăm ngó thẳng về chân trời giác ngộ mà tiến tới. Người xuất gia coi thường mọi nguy hiểm, bệnh tật, chết chóc, suốt đời chỉ biết có một việc là duy trì Chánh Pháp, hóa độ quần sinh...

*

* *

Trong kỳ Ðại Hội Phật Giáo được tổ chức sau ngày Cách Mạng 1963 để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội gồm có hai Viện: Viện Tăng Thống và Viện Hóa Ðạo. Viện Tăng Thống lo về mặt tinh thần, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết được Hội Ðồng Lưỡng Viện cung thỉnh làm Tăng Thống, Thượng Tọa Trí Quang làm Chánh Thư Ký. Viện Hóa Ðạo lo điều hành Phật sự. Thượng Tọa Tâm Châu được mời làm Viện Trưởng, Thượng Tọa Thiện Minh làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Phật Giáo Nam Việt Nam chia làm bảy Miền. Thượng Tọa Ðôn Hậu được cử làm Chánh Ðại Diện Miền Vạn Hạnh gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín.

Phật Giáo chuyên lo Phật sự. Không liên kết với vị tướng lãnh nào, với đoàn thể chính trị hay nhân vật chính trị nào. Vì vậy khi thành lập chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ sau Cách Mạng, Phật Giáo cũng không biết. Khi tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý Phật Giáo cũng không hay. Ngay cả khi đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến, Phật Giáo cũng không có một đoàn thể chính trị nào gọi là của Phật Giáo. Những vị tướng như Phan Xuân Nhuận, Nguyễn văn Chuân, Tôn Thất Ðính, ngay cả tướng Nguyễn Chánh Thi có cảm tình với Phật Giáo, ủng hộ vận động đòi hỏi chính phủ dân sự, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, không phải do Phật Giáo kết nạp.

Thượng Tọa Thiện Minh sau khi nhận trách nhiệm lãnh đạo Tổng Vụ Thanh Niên, ngài lo chỉnh đốn, duy trì, phát huy tổ chức thanh niên, Gia Ðình Phật Tử. Ngài tổ chức Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử vào những ngày 28, 29, 30 tháng 6 năm 1964, chưa đầy 6 tháng sau khi Giáo Hội PGVNTN thành lập. Ngài cho tổ chức những Trại Huynh Trưởng như Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang tại các Miền Khánh Anh, Liễu Quán, Vạn Hạnh. Mặc dầu chuyên lo Phật sự, ngài vẫn bị mưu sát ngày 1-6-1966. Không những bị mưu sát mà còn bị Tòa Án Mặt Trận tại Sài Gòn tuyên án 25 năm cấm cố và khổ sai vì tội gây rối trị an, trong khi những ông tướng Công Giáo như Lâm Văn Phát, Dương văn Ðức, những người chủ mưu đảo chánh hụt thời ông Khánh, ông Quát thì vẫn tự do. Mặc dầu vậy Phật Giáo vẫn không mảy may thù hận.

Hòa Thượng Ðôn Hậu trong Thông Bạch, giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, hận thù tràn đầy sau ngày Cách Mạng 1963, nói lên tinh thần của Phật Giáo, hạnh nguyện của ngài:

THÔNG BẠCH

của Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu,

đại diện chư Hòa Thượng, Ðại Ðức Tăng Ni và Hội Phật Giáo Trung Phần.

Kính gửi: Toàn thể liệt vị Tăng, Ni, Phật Tử,

các Tỉnh Hội, Khuôn Hội,

Sinh viên Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Gia Ðình Phật Tử

Hướng Ðạo Phật Tử và Học Sinh Phật Tử:

Suốt bao năm qua, Phật Giáo đồ chúng ta đã từng cam chịu biết bao tang tóc, đau khổ, tủi nhục mà vẫn còn bền bỉ đấu tranh trong tinh thần bất bạo động để bảo vệ chánh pháp, kịp đến ngày Phật đản năm nay, đẩy mạnh đấu tranh vào giai đoạn quyết liệt một mất một còn. Tăng Ni và Phật tử khắp nơi trong toàn quốc đã hy sinh cao cả vô cùng cực, làm chấn động sâu xa, dư luận cảm phục trong quốc nội cũng như trên thế giới, cho đến ngày 1-11-1963, nhờ ơn Tam Bảo che chở, cùng chư Bồ Tát và liệt vị thánh tử đạo gia hộ, Phật Giáo đồ Việt Nam đã gặp được cơ duyên tốt khi các chiến sĩ Cách Mạng chia sẻ nỗi đau khổ vô bờ bến của toàn dân và Phật tử, nên đã anh dũng đứng lên mở một kỷ nguyên mới mang lại niềm hoan lạc cho toàn dân.

Màn mây đen tối của tội ác ma vương vừa tan biến như một cơn ác mộng khủng khiếp. Phật Giáo đồ chúng ta vừa hồi sinh, thoát khỏi một đại nạn hy hữu mà chưa có lịch sử nước nào đã ghi để giữ vững ngọn cờ chánh pháp.

Trong niềm hân hoan tràn ngập đất nước, tôi hân hạnh đại diện Phật Giáo miền Trung thân ái yêu cầu Phật tử cùng nhau chúng ta ghi ân các chiến sĩ anh hùng và các đồng bào đã bỏ mình vì chính nghĩa, đảnh lễ công đức vô lượng vô biên của liệt vị Tăng Ni, Phật tử, sinh viên, học sinh nam nữ trên toàn quốc và hải ngoại đã xả thân vì đạo, đấu tranh vì chánh pháp, đem lại nguồn ánh sáng lục hòa.

Hỡi các Phật tử thân mến!

Trong niềm tri ân vô hạn ấy, với bao hân hoan vô tận, trong sự phục hồi đầy đủ vinh dự và tự do tín ngưỡng cho toàn thể Phật Giáo đồ, tôi thân ái gửi đến toàn thể Phật tử lời chào mừng hòa vui nồng nhiệt, lời hỏi thăm trìu mến của Tổng Hội Phật Giáo miền Trung và của riêng cá nhân tôi.

Nhân dịp này tôi xin nhắn gửi toàn thể Phật Tử thuộc các giới, các tầng lớp nhân dân những lời tha thiết sau đây:

Ðộng cơ cuộc đấu tranh của chúng ta trước sau cũng chỉ vì tình thương với mục đích duy nhất là giữ vững và phát huy tinh thần chánh pháp, tức là tinh thần Ðại Bi của chư Phật diệt khổ ban vui, ngăn cản tội ác, tiêu diệt dục vọng từ trong đến ngoài, để cùng nhau thực hiện đức Từ Bi. Ngày nay cuộc đấu tranh đã đưa đến thành quả, những cá nhân, những tập thể chủ trương tội ác, đã gieo rắc tội ác, làm đau khổ Phật Giáo đồ chúng ta đều đã được chận đứng kịp thời, khiến họ không còn thể tác hại chúng ta được nữa. Mặc dầu bị thiệt hại vô kể trên mọi phương diện, tôi vẫn tin tưởng rằng Phật Giáo đồ chúng ta vẫn sẵn sàng hoan hỷ cho những kẻ đã gây nên tội lỗi, thể theo đức hỷ xả của chư Phật, chư đại Bồ Tát.

Tuy nhiên tưởng rằng trong số Phật tử chúng ta ắt cũng còn một số ít phần tử có những phản ứng thông thường tập tục oán hận những kẻ đã hành hạ điêu đứng Phật Giáo đồ, mà không kịp nghĩ, nên có những tư tưởng và hành động trả thù chung cho thỏa mãn lòng công phẫn. Ðối với những người này, tôi tha thiết thân ái nhắc nhở rằng: Một thái độ, một tư tưởng như vậy quyết không phải là phù hợp với chánh pháp, với đức từ bi, với tình thương đã thúc đẩy cuộc tranh đấu của chúng ta từ lâu nay. Ðứng trên cương vị người Phật Tử, chúng ta xác nhận rằng, vì chúng ta đã đau khổ đến cùng cực bởi ác nghiệp của kẻ khác đối với chúng ta, cho nên chúng ta đã tự mình xác nhận được nỗi khổ đau tai hại đến mức nào để tự tiêu diệt ngọn lửa dục vọng, oán hờn ngay trong tâm tưởng mọi người. Giải pháp của Phật Tử chúng ta để giải quyết tất cả mọi vấn đề hỗn độn và đau khổ có thể tạo nhân lành để tránh ác quả. Cho nên không thể nào giải quyết thù oán sân si bằng thù oán sân si được. Nhà Phật dạy: Phiền não tức Bồ đề. Chúng ta đã thoát thân ra được bởi sự đau khổ vô cùng cực thì hơn ai hết chúng ta càng biết thương yêu nhau nhiều hơn và nhất định từ chối không gây đau khổ cho ai cả, đó là qui luật tất nhiên để bảo vệ bản năng sinh tồn, tương thân tương trợ trong ý nghĩa của một cuộc sống đầy đủ và tích cực.

Nói tóm lại, tôi kêu gọi toàn thể Phật Giáo đồ hãy đề cao đức Từ Bi, phát huy tình thương dõng mãnh, tranh đấu với bản thân mình, đè nén tập tục thù oán thấp kém mà cầu nguyện cho tất cả mọi người đều sống trong tình yêu thương huynh đệ, như vậy mới thật xứng đáng với Chánh Pháp của đức Thế Tôn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bị chú: Xin tin để toàn thể Phật Giáo đồ được rõ:

– Quí vị Tăng Ni Phật Tử bị giam giữ trước kia nay đều đã được tự do, yên ổn.

– Yêu cầu phổ biến sâu rộng Thông Bạch này cho toàn thể Phật Tử và cố gắng đề phòng những tin đồn thất thiệt, những sự lợi dụng danh nghĩa Phật tử để gây hoang mang.

Trong Thông Bạch không một gợn hận thù. Tất cả là từ bi, là độ lượng, là hoan hỷ, là bao dung, đúng theo tinh thần Phật Giáo, thể hiện tâm tư của Hòa Thượng.

Thế rồi Hòa Thượng lăn mình vào Phật sự, lo củng cố nội bộ, lo dạy dỗ hàng hậu bối. Hòa Thượng tổ chức Ðại Hội Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần vào ngày 18-1-1964 tại chùa Từ Ðàm, Huế, với bài Diễn Văn Khai Mạc:

DIỄN VĂN KHAI MẠC

Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cũng chính tại đây, chùa Từ Ðàm Huế năm 1951, Ðại Hội Thống Nhất Phật Giáo đầu tiên, đặt nền tảng cho công việc thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật Tử Việt Nam. Trải qua mười hai năm trời, thủy chung vì âm mưu phá phách của kẻ lạm dụng chính quyền... trăm phương ngàn kế, bằng cách này hay cách khác, muốn tiêu diệt Phật Giáo, một ý định đã có ngay từ khi tổ quốc bị xâm lược.

Do đó mà một phong trào vận động của Phật Giáo Việt Nam đã được phát động công khai vào ngày 8-5-1963, cũng tại ngôi chùa Từ Ðàm này. Phong trào vận động ấy đã là nguồn gốc của công cuộc thống nhất thật sự nền tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Trong khuôn khổ thống nhất đó, ngày hôm nay, cũng tại chùa Từ Ðàm này, một Ðại Hội của Phật Giáo Miền Trung được khai mạc làm căn bản và tiền phong cho công cuộc thống nhất thật sự của Phật Giáo Việt Nam. Ðại diện hai ban Tổng Trị Sự của Giáo Hội Trung Phần, tôi long trọng khai mạc Ðại Hội nói trên, với những ý chí và tuyên ngôn sau dây:

– Căn bản của Phật Giáo Việt Nam là dân tộc, là tám mươi phần trăm tổng số dân chúng, chứ không phải chính trị và chính quyền. Do đó mà Phật Giáo Việt Nam tán thưởng chính sách và chính quyền nào được đại đa số dân tộc tán thưởng, chứ Phật Giáo không bao giờ từ bỏ cương vị tôn giáo. Học tập đức Từ Bi của Phật, Phật Giáo Việt Nam đã và sẽ nhẫn nhịn, dung hòa và học tập đức vô úy của Phật. Phật Giáo Việt Nam đã và sẽ không tiếc hy sinh cho công bình, hợp lý.

– Ý thức rằng tự phát triển tôn giáo mình bằng cách đàn áp tôn giáo khác, thì dầu quyền lực được thiết lập và kéo dài cả trăm năm, cuối cùng cũng phải sụp đổ. Do đó mà Phật Giáo Việt Nam đã và mãi mãi cố thủ, phát huy truyền thống Phật Giáo, chỉ tự phát triển tôn giáo mình bằng chính sự tự thực hành giáo lý của mình.

– Những điều được nói vắn tắt và tổng hợp trên đã và mãi mãi là căn bản cho tâm tư và hoạt động của Phật Tử Việt Nam, ngay trong công cuộc thống nhất Phật Giáo và trong Ðại Hội này. Ðể cầu nguyện cho một nền hòa bình có thực chất được thực hiện, Phật Tử Việt Nam ước mong tâm tư và hoạt động của mình đồng hành với những người có thiện chí và phải chăng ở các tôn giáo khác. Chính đó là điều làm cho tôn giáo được trường tồn và làm cho dân chúng qui ngưỡng, chứ không phải là một tổ chức tôn giáo làm cho dân chúng sợ hãi.

Ðại Hội Phật Giáo Miền Trung thực hiện việc thống nhất Phật Giáo bằng ý chí và tuyên ngôn trên đây, được xem như tỏ bày lòng biết ơn sâu xa đối vói sự hy sinh cao cả và sự ủng hộ không dè dặt trong cuộc vận động đòi tự do và bình đẳng tôn giáo và cũng được xem như là lời cầu nguyện cho đất nước và dân tộc đang gánh chịu nhiều tủi nhục trong những năm qua được sống những ngày thanh bình, an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lập trường của Phật Giáo Việt Nam, tâm nguyện của Hòa Thượng trước sau như một, lấy Từ Bi làm kim chỉ nam, lấy Dân Tộc làm nền tảng, lấy Ðạo Pháp làm mục tiêu. Lập trường ấy, tâm nguyện ấy được phản ảnh trong bức thư gửi toàn thể Phật Giáo đồ trong khi Phật Giáo đang trải qua cơn pháp nạn nặng nề năm 1966.316

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Ban Ðại Diện Tỉnh Thừa Thiên

Phật lịch 1510

Huế ngày 15 tháng 1, 1966

THƯ GỞI TOÀN THỂ PHẬT GIÁO ÐỒ

Nam Mô Long Hoa Thắng Hội Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật

Kính toàn thể Phật Giáo đồ:

Nhân ngày đầu Xuân mà cũng chính là ngày kỷ niệm đức Di Lặc Tôn Phật, một vị Phật sẽ xuất hiện ở Hội Long Hoa sau này để hóa độ chúng sanh. Thời kỳ Ngài ra đời sẽ là ngày vinh quang và an lạc cho thế giới Ta Bà. Ðau khổ sẽ diệt vong, hạnh phúc chân thật sẽ đến với muôn loài.

Nhân dịp đầu Xuân Bính Ngọ này, hồi tưởng những chuỗi ngày đã qua, Phật Tử chúng ta cần củ soát lại và ý thức đứng đắn sứ mạng cao cả của mình đối với Phật Giáo và Dân Tộc. Vì vậy Giáo Hội khẩn thiết mong các Phật Tử bình tâm nhận định như sau:

– Chính cái khối Phật Tử chúng ta qua bao biến chuyển của thời cuộc đã tạo nên một sức mạnh và chính cái sức mạnh tinh thần ấy đã tạo nên sự trường tồn của dân tộc. Sức mạnh nuôi dưỡng tinh thần cho người dân đất Việt là sức mạnh của Phật Giáo.

– Xét về chiều ngang, thì Phật Giáo là sự kết hợp của khối Phật Tử. Khối này chiếm 85% của dân tộc. Xét về chiều dọc, thì Phật Giáo là nguồn sinh lực nối tiếp trường kỳ gần 20 thế kỷ, đã tạo cho dân tộc một truyền thống tinh thần độc đáo. Dân Tộc và Phật Giáo chỉ là hai từ ngữ biểu thị cho một thực thể duy nhất, bất khả phân.

Do đó chúng ta có thể thẳng thắn nhận định rằng sự tồn vong của Phật Giáo liên hệ đến sự tồn vong của dân tộc và ngược lại. Nếu đã nhận định được như thế, chúng ta có thể nói những ai mưu mô cố tình làm suy nhược Phật Giáo tức là có tâm làm suy nhược dân tộc. Những hành động bắt bớ Tăng Ni Phật Tử vô tội, những hành động đốt nhà, phá chùa không những chỉ làm hại Phật Giáo mà còn làm tiêu diệt dân tộc.

Nhìn lại lịch sử, hễ khi nào Phật Giáo được hưng thịnh thì quốc gia phú cường, dân tộc hùng mạnh, trong mọi lãnh vực văn hóa, giáo dục, luân lý, quân sự, chính trị như các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần. Sự liên hệ mật thiết ấy, sự lớn mạnh của Dân Tộc và Phật Giáo tùy thuộc vào khả năng và ý chí phục vụ của toàn thể Phật Tử chúng ta.

Khát vọng thiết tha của Dân Tộc cũng là của Phật Giáo là qua năm mới, mọi đau khổ, bất công sẽ được chấm dứt, hòa bình, an lạc sớm được thực hiện trong tự do, dân chủ và tôn trọng tín ngưỡng thật sự. Khát vọng này thích hợp với mục tiêu của Phật Giáo chúng ta, đề cao giá trị con người, xóa bỏ bất công, bất bình đẳng, thăng tiến trong tinh thần hòa đồng và tiến hóa.

Tất cả khổ đau của Dân Tộc và Phật Giáo đều phát xuất từ tham vọng, bạo cuồng của những chủ nghĩa, những hình thái sinh hoạt xa lạ, ngoại lai, phản truyền thống dân tộc, phá hoại cơ thể dân tộc; phát xuất từ những cơn sốt trầm trọng trong mấy năm qua, đang cấu xé, hành hạ quần chúng và Phật Giáo đồ Việt Nam. Phật Giáo chúng ta phải mang lại sinh lực cho dân tộc bằng chân tinh thần của Phật Giáo và chân tinh thần dân tộc làm sinh lực cho Phật Giáo.

Là Phật Giáo đồ Việt Nam, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ Chánh Pháp, bảo vệ công bằng xã hội và những gì quí giá nhất cho danh nghĩa tự do, dân chủ trước những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp do những lực lượng ngoan cố đang cố tâm liên kết để làm hại Dân Tộc và Tổ Quốc, manh tâm khuynh đảo mọi giá trị tinh thần chân chính, xô đẩy đất nước và dân tộc thân yêu, trong đó có Phật Giáo, xuống hố diệt vong.

Tình thế cấp bách và nguy hiểm này không cho phép bất cứ một ai có tâm huyết mà thờ ơ với thời cuộc.

Phật Giáo đồ Việt Nam, một thành phần đông đảo nhất của khối dân tộc, không thể “đàm nhiên tọa thị” để cho những lực lượng phi nhân, phá đạo, hoành hành mãi với Phật Giáo. Vì danh dự, vì bổn phận thiêng liêng đối với Phật Giáo, với tổ quốc, chúng ta phải đoàn kết, tiếp tay nhau cứu vãn tình thế, góp phần hữu hiệu trong công cuộc bảo vệ xứ sở và Ðạo Pháp. Không ai phủ nhận rằng trong cơn nguy biến Phật Giáo đồ đã đứng tiền phong nhận lãnh sứ mạng cứu khổ, độ nguy.

Bước sang ngưỡng cửa năm mới, Phật Giáo đồ chúng ta chớ vội lạc quan mà phải luôn luôn ý thức nhiệm vụ của mình trước các điểm then chốt sau đây:

– Chúng ta triệt để chấp hành đường lối, chủ trương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để cùng thống nhất ý chí, quan niệm và hành động; giữ vững tinh thần để khỏi bị lung lạc bởi những tuyên truyền xuyên tạc của những kẻ thường xuyên dụng tâm phá hoại.

– Ðoàn kết thuần nhất trong một tổ chức Phật Giáo hợp pháp, kiểm soát chặt chẽ hàng ngũ, canh chừng và loại trừ mọi trà trộn, phá hoại, chia rẽ của những tay sai ma vương, chỉ mặt những tên núp bóng để lợi dụng làm hoen ố thanh danh Phật giáo, lũng đoạn tổ chức.

Kiên toàn tổ chức Phật Giáo tại các địa điểm, nhất là tại thôn quê. Thường liên lạc, đôn đốc, giải thích chủ trương, để khỏi bị kẻ khác mê hoặc đem đi sai hướng. Ðồng bào Phật Tử ở thôn quê cũng là chủ lực trong mọi cuộc đấu tranh, bảo vệ tự do tín ngưỡng và sự tồn vong của dân tộc.

Chúng ta cẩn thận trọng hành vi, ngôn ngữ, nhất là quan điểm, lập trường, đừng để ai lợi dụng lôi cuốn theo tà thuyết, bè phái, nhóm này, nhóm kia để mưu cầu tư lợi hay xây dựng lực lượng. Chúng ta cần phải phát huy mạnh mẽ lý trí, nhận xét. Phải thận trọng cân nhắc hậu quả trước mọi hành động, lời nói. Ðừng bồng bột, nông nổi, cao hứng. Hàng Phật tử trẻ tuổi nhiều hăng say, ít kinh nghiệm lại càng phải dè dặt, thận trọng hơn.

Suốt mấy năm liền, Phật Giáo đồ Việt Nam phải chịu đựng muôn ngàn đau khổ. Chúng ta cần hiểu rằng lịch sử đã và đang trao cho chúng ta một gánh nặng trong giai đoạn nguy hiểm, căm go. Với tinh thần vị tha của đạo Phật, chúng ta hoan hỷ kề vai gánh lấy trách nhiệm cứu nước, cứu dân, cứu nguy Ðạo Pháp khỏi lầm than, giải thoát đất nước thân yêu được vinh quang. Chúng ta cố gắng phục hồi truyền thống cao đẹp, sống trong tình huynh đệ, thương yêu đùm bọc nhau, đem lại sự hưng thịnh, thay vì kỳ thị, oán thù, độc ác, tranh quyền, đoạt lợi.

Phật Giáo đồ chúng ta nguyện giữ vững đạo tâm, kiên trì hạnh lành, phát huy tinh thần Bi Trí Dũng.

Sau cùng, cùng san sẻ sự khổ đau mà nhân dân ta phải gánh chịu suốt 20 chục năm nay, Phật Tử chúng ta sẽ không sống đua đòi, xa hoa, phù phiếm, sẽ bớt đi phần nào chi phí vô ích để góp vào công đức cứu trợ, góp vào các Phật sự cần thiết.

Nhân dịp đầu Xuân Bính Ngọ, Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên kính gửi đến toàn thể Phật Tử xa gần, từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh, lời cầu chúc Xuân An Lạc, Xuân Hoan Hỷ. Cầu nguyện Ðạo Pháp trường tồn, đất nước sớm thanh bình, nhân dân sống trong tinh thần đoàn kết, trong ánh sáng Từ Bi, Trí Tuệ, sẵn sàng chờ đón ngày xuất hiện của đức Phật vị lai, cùng hưởng Hội Long Hoa rực rỡ.

Nam Mô Di Lặc Từ Thị Tôn Phật.

Chánh Ðại Diện Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên

Thượng Tọa Thích Ðôn Hậu

(Ấn ký)

Hòa Thượng Ðôn Hậu đã trải tâm tư của mình trong bức thư gửi cho Toàn Thế Tín Ðồ Phật Giáo Việt Nam, như Huyết Lệ Thư, như Lời Kêu Cứu, mong mỏi các thế lực thấy sự liên hệ mật thiết giữa Phật Giáo và Dân Tộc, nương tay đừng đánh phá Phật Giáo vì làm yếu tiềm năng của Phật Giáo là làm yếu tiềm năng của Dân Tộc, tiêu diệt Phật Giáo là tiêu diệt dân tộc. Phật Giáo và Dân Tộc chỉ là hai từ ngữ biểu thị cho một thực thể duy nhất, bất khả phân. Tình tự dân tộc như vậy mà vẫn không được nhà hữu trách quan tâm. Phật giáo không tìm cầu quyền lực, địa vị, Phật Giáo chỉ muốn đất nước sớm thanh bình, nhân dân sống trong trong đoàn kết, vị tha, thương yêu đùm bọc nhau, thay vì hận thù, kỳ thị. Nhưng tâm tình và hoài vọng tha thiết ấy không khác tiếng kêu giữa sa mạc, đã bị nghiền nát trong gọng kềm lịch sử, trong cuộc chiến mà Việt Nam chỉ là con cờ, trong bàn cờ thế giới và những người chơi cờ thì đầy dẫy thù hận, một mất một còn.

Cũng vào thời điểm này, tại Hoa Kỳ Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy, nhận thấy khuynh hướng giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng quân sự ngày càng mạnh cần phải điều chỉnh, một trong những lý do thúc đẩy ông ra tranh cử Tổng Thống và ông đã bị ám sát.

Sau vụ “Biến Loạn Miền Trung”, lực lượng Phật Giáo nòng cốt bị đập tan, Phật Giáo bị gạt ra ngoài xã hội. Chính phủ quân nhân chấp nhận tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến nhưng không cho Phật tử tham gia, họ hoặc bị bắt nhập ngũ, hoặc ở tù hay bị giam ngoài Côn Ðảo. Ðến tháng 8 năm 1967, tướng Nguyễn Văn Thiệu khôn khéo hất cẳng tướng Nguyễn Cao Kỳ, trở thành Tổng Thống của nền Ðệ Nhị Cọng Hòa. Từ đó chính trường Việt Nam, chính phủ Diệm không Diệm theo ngôn từ thời đại, do quân nhân và chính khách Công Giáo điều khiển, không khác nền Ðệ Nhất Cọng Hòa. Tình trạng này mang lại hậu quả Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cọng Hòa năm 1975.

George Kahin trong cuốn Intervention trang 432 viết: “Thế trung đạo mà Phật Giáo cố xây dựng nằm giữa chính quyền Sài Gòn và Mặt Trận Giải Phóng bị cắt đứt và hy vọng về một lực lượng thứ ba bị hủy diệt. Một chính thể cứng nhắc đượctiếp tục đặt trên đầu trên cổ người dân Nam Việt, không cho họ có quyền dung hòa chính trị. Họ chỉ có hai con đường để lựa chọn, hoặc Mặt Trận Giải Phóng hay chính phủ Sài Gòn do Hoa Kỳ uốn nắn và dựa vào Hoa Kỳ để tồn tại.”

Nhà cầm quyền bị bối cảnh chính trị thời đại chi phối không thể nào cảm thông, không thể nào thở cùng nhịp thở với đại đa số dân tộc. Họ đã để mất cơ hội có thể đưa đất nước ra khỏi gọng kềm lịch sử, không những cho lúc bấy giờ mà còn cho mai hậu. Ðây là nỗi đau cho những người thường suy tư đến tiền đồ đất mẹ.

... Trong cuộc chiến mà Việt Nam chỉ là con cờ, con chốt trong bàn cờ thế giới và những con chốt chơi cờ thì đầy dẫy thù hận, một mất một còn. “Chế độ tướng tá kế vị nhà Ngô tưởng là hay khi kết tội thanh niên chống chính quyền là “làm tay sai cho cọng sản. Phe bên kia chẳng dại gì cải chính. Bao nhiêu thanh niên nam nữ không hề biết đến Bác, đã vào tù vì “tội cọng sản”. Ðương nhiên người không vào tù, phải tìm nơi lẩn tránh. Mà lẩn tránh đâu hơn là theo Mặt Trận.” (Hồ Sĩ Khuê: HCM, NÐD MTGP tr. 390)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]