Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 3: Thí dụ

14/11/201017:34(Xem: 9309)
Phẩm 3: Thí dụ

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 3
THÍ DỤ

Trong phẩm trước, ngài Xá-lợi-phất ba lần tha thiết thỉnh cầu đức Phật Thích-ca và đức Phật bảo ngài: “Thôi đủ rồi, thôi đủ rồi, không cần phải nói nữa”, sau đó ngài được đức Phật dạy rõ về mối liên hệ giữa giáo lý về Một Phật thừa với các phương tiện của chư Phật. Ngài Xá-lợi-phất cảm thấy ngây ngất sung sướng khi hiểu rằng có một cánh cửa mở rộng cho ngài nhập vào sự chứng ngộ chân thực của đức Phật khi ngài nhận ra những phương tiện của chư Phật là có giá trị.

Thế rồi ngài Xá-lợi-phất liền đứng dậy, chắp tay và nhìn lên khuôn mặt của đức Phật mà bạch Phật rằng: “Ôi! Con đội ơn
Thế Tôn ! Giờ đây, nghe Pháp âm của Ngài, con được mở mắt nhìn thấy Pháp lần đầu tiên. Con đã thiếu sót biết bao! Khi con nghe đức Phật giảng Pháp như thế này và thấy chư Bồ-tát được thọ ký, con rất ngỡ ngàng và hết sức buồn bã mà tự bảo: "Ôi, rốt cùng ta cũng chẳng tìm thấy tri kiến của đức Phật chăng ?" Cứ mỗi khi ở một mình trong rừng núi hay dưới bóng cây, ngồi hay đứng, con đều suy nghĩ: "Ta đã nghe giáo lý của đức Phật như các vị Bồ-tát này, và ta đã có thể
hiểu được giáo lý ấy đến một mức nào đấy. Nhưng tại sao đức Phật chỉ giảng cho ta pháp của Tiểu thừa ?"“

“Con đã sai lầm khi phán đoán như thế. Vì sao? Vì nếu con được nghe đức Phật giảng về sự thành tựu Toàn Giác thì chắc chắn con sẽ được giải thoát do bởi Đại thừa. Đấy là do tự con lầm lạc khi đã nôn nóng muốn được Đại thừa mà cảm thấy mình bị đối xử bất công. Do không hiểu đức Phật dùng phương pháp phương tiện cơ nghi mà thuyết giảng, mới nghe Phật pháp lần đầu, con đã tin tưởng, suy xét và xác chứng một cách hời hợt. Từ đó con ân hận suốt ngày đêm vì thấy chư Bồ-tát được đức Phật thọ ký rằng sẽ thành Phật. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên con được mở mắt. Quả thực hôm nay con biết rằng con thực sự là một nam tử của đức Phật và giờ đây con hoàn toàn là một người khác. Nhờ giáo lý tối thượng của đức Phật, con có lối nhìn khác đi về các sự vật. Hơn nữa, con lại được một chỗ trong Phật pháp. Thực sự con đội ơn Thế Tôn”.

Thế rồi ngài Xá-lợi-phất muốn trùng tuyên ý nghĩa này, nêu bài kệ sám hối sự thiếu sót trước đây của mình, diễn tả đầy đủ trạng thái tâm thức hiện tại của ngài.

Rất hoan hỷ với lời của ngài Xá-lợi-phất, Thế Tôn bảo ngài: “Xá-lợi-phất ! Ông đã hiểu rõ những gì Ta giảng. Nếu Ông cứ giữ thái độ tâm thức hiện tại trong thời gian dài, phụng sự vô lượng đức Phật và thành tựu Bồ-tát đạo thì chắc chắn Ông sẽ thành Phật”.

Nói thế xong, đức Phật ban danh hiệu cho vị Phật tương lai này là Hoa Quang Như Lai và tuyên danh Phật độ của Ngài là Vô Cấu. Đức Phật cũng gọi thời kiếp mà vị Phật ấy xuất hiện là Đại Bảo Trang Nghiêm.

THỌ KÝ:

Lời báo trước cho biết sẽ thành Phật, trong tiếng Nhật được gọi là juki (thọ ký), một thuật ngữ sau này sẽ được thường xuyên nhắc đến trong cuốn sách này. Điều quan trọng cần nhớ ở đây là đức Phật không nêu lên sự bảo đảm suông rằng người ta có thể thành Phật mà không có nỗ lực nào cả.

Khi một tôn giáo suy tàn, nó có thể bị những người có suy nghĩ bác bỏ vì nó dạy rằng người ta có thể tái sinh ở thiên đường chỉ bằng cách đọc thần chú. Nếu chỉ có thế thì nó cũng không đến nỗi quá tệ; nhưng đôi khi nó lại rao giảng rằng bất kể những điều xấu ác đã làm của người ta, người ta cũng có thể được cứu rỗi và sẽ lên thiên đường nếu chỉ cần mua một lá bùa nào đó. Sự cứu độ thực sự của đức Phật không phải là chuyện dễ dàng như thế. Chúng ta sẽ không thể nào được cứu độ nếu chúng ta không những học mà còn phải hành Phật pháp và tự mình vươn tới giai đoạn khiến cho những người khác được hạnh phúc nhờ Phật pháp. Giáo lý của đức Phật có thể được mọi người hiểu dễ dàng và phù hợp với lý luận và với lẽ thường; giáo lý ấy không phải là vấn đề ma thuật hay mêtín.

Khi mọi người trong đại chúng thấy rằng ngài Xá-lợi-phất đã được thọ ký sẽ được Toàn Giác, tất cả đều hết sức vui mừng và tự thâm tâm, tôn thờ đức Phật. Chư Thiên cũng đảnh lễ đức Phật với thiên y và thiên hoa tuyệt diệu. Ngay sau đó, chư vị nói kệ tuyên bố rằng chư vị tự tin mình nhất định sẽ thành Phật.

Chư Thiên đảnh lễ đức Phật vì tất cả các chúng sanh trong vũ trụ, đều là đệ tử của đức Phật. Nói một cách khác, vì tất cả các sự vật được chân lý toàn vũ tạo sinh nên họ không thể không tôn thờ và kính ngưỡng chân lý. “Chư Thiên” là các chúng sinh sống ở cõi trời. Hình như họ không rối rắm, lo toan gì và có vẻ không cần phải nghe Phật pháp, nhưng thực ra, không phải như vậy. Như đã nói, vì con đường lý tưởng của đời người luôn luôn là tinh tấn, nên đến cả chư Thiên cũng không thể cảm thọ niềm vui thực sự nếu họ không nghe giáo lý cao hơn do đức Phật thuyết giảng. Họ không thể cảm thọ niềm vui thực sự nếu họ không luôn luôn làm thiện vì chúng sanh đang sống trong thế giới Ta-bà. Đây là một đặc trưng rõ ràng và sâu sắc của Phật giáo. Cho rằng một khi đã đến cõi trời, người ta sẽ mãi mãi không phải lo lắng gì và sẽ sống một cuộc sống an nhàn thì đấy là một niềm tin ngây thơ và nông cạn.

Thế rồi ngài Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn ! Giờ đây con không còn nghi ngờ, tiếc nuối gì. Trước đức Phật, tự thân con đã được thọ ký là sẽ đắc Toàn Giác. Nhiều vị tự điều ngự mà trước kia là những bậc hữu học được đức Phật luôn luôn giáo hóa, đức Phật dạy: "Pháp của Ta có thể khiến người ta khởi tâm giải thoát khỏi khổ đau, ưu não". Những vị ấy cho rằng họ đã đạt ngộ do thoát khỏi ảo tưởng. Nhưng nay Thế Tôn dạy: "Đây không phải là sự chứng ngộ thực sự. Các Ông không thể đạt được chứng ngộ thực sự, nếu các Ông không khởi tâm Bồ-tát chân thành phục vụ người khác và không ngừng thực hiện điều ấy". Nhận thấy điều mà giờ đây Ngài dạy rất khác với điều mà họ đã nghe trước kia, tất cả họ đều nghi ngờ, bối rối. Bạch Thế Tôn ! Xin Ngài nêu lý do tại sao như thế cho họ một cách đầy đủ hơn để khiến họ khỏi nghi ngờ và ân hận.”

Bấy giờ đức Phật nói với ngài Xá-lợi-phất: “Ta há chẳng đã bảo rằng chư Phật bằng nhiều cách lý luận, thí dụ và nhân duyên để phương tiện thuyết pháp, khiến giáo lý của chư vị có vẻ như phần này thì cạn, phần kia thì sâu, nhưng mục đích của chư vị thì luôn luôn vẫn là một, tức là dẫn hết thảy mọi người đến sự chứng ngộ của đức Phật ? Dù các giáo lý của chư Phật có vẻ khác nhau về hình thức và nội dung, những giáo lý ấy cũng đều có một mục đích là cứu giúp những ai muốn đạt ngộ và đang nỗ lực để đạt ngộ, những giáo lý này đều đạt cùng một kết quả như nhau.

“Này Xá-lợi-phất ! Giờ đây, hãy lại nghe Ta nêu một thí dụ để làm cho ý nghĩa ấy được rõ hơn, khiến cho người có trí hiểu được nhờ thí dụ.” Thế rồi đức Phật kể câu chuyện sau đây:

THÍ DỤ NGÔI NHÀ LỬA:

Trong một nước kia có một vị đại trưởng giả. Tuy già yếu, ông ta giàu có vô kể, nhiều ruộng đất, nhà cửa, nô lệ và tôi tớ. Nhà ông rất rộng mà chỉ có một cửa vào, bên trong có nhiều người ở, các tiền sảnh và phòng xá đều cũ kỹ, suy tàn, tường vách lung lay, nền cột mục rữa, xà, nóc xiêu nghiêng rất nguy hiểm.

Bỗng nhiên lửa bốc cháy cùng một lúc từ mọi phía và ngôi nhà bị ngọn lửa bao phủ. Tất cả những đứa con mà ông trưởng giả rất gắn bó đều đang ở trong ngôi nhà ấy. Đứng bên ngoài, trưởng giả biết rằng lửa đã bùng cháy liền quay trở lại ngôi nhà và vô cùng lo sợ khi thấy các con vẫn mải mê chơi đùa. Chúng không hiểu biết, ngạc nhiên hay sợ hãi gì cả. Dù ngọn lửa đang lan về phía chúng, dù đau đớn sẽ cực độ, chúng vẫn không quan tâm, sợ hãi và không gấp rút để thoát ra khỏi ngôi nhà.

Trưởng giả suy nghĩ: “Ta có đôi tay và thân thể khỏe mạnh. Ta sẽ đem chúng ra khỏi nhà nhờ một chậu hoa hay nhờ một ghế dài hay một cái bàn?” Ông ta lại suy nghĩ: “Ngôi nhà này chỉ có một cái cửa và cửa rất hẹp; các con ta còn quá nhỏ, không biết rằng chúng cần phải ra khỏi cửa. Có lẽ chúng sẽ bị cháy trong lửa vì chúng đang mải mê chơi đùa. Ta phải nói cho chúng biết về điều hãi hùng này, báo với chúng rằng ngôi nhà đang bị cháy và chúng phải ra ngoài ngay, nếu không sẽ bị cháy”.

Dù trưởng giả cố gắng dỗ dành và khuyên bảo các con bằng những lời ân cần, chúng vẫn mải mê vui vẻ chơi đùa, không chịu tin ông và không thấy ngạc nhiên, sợ hãi hay cần phải chạy thoát; hơn nữa, chúng cũng không biết lửa là gì, không biết ngôi nhà là gì và cũng không biết nơi ấy là nguy biến thế nào, chỉ biết chạy chơi khắp nơi. Dù đôi khi thoáng thấy cha, chúng chỉ nghĩ: “Cha chúng ta đang nói gì đó”, và chúng vẫn không chú ý nghe ông nói.

Thế rồi trưởng giả nghĩ: “Ngôi nhà này đang cháy dữ dội. Nếu ta không đưa được chúng ra ngoài ngay thì chắc chắn chúng sẽ bị cháy. Ta không còn cách nào hơn là dùng phương tiện thiện xảo để khiến chúng thoát khỏi mối nguy hiểm này, vì chúng sẽ không rời khỏi ngôi nhà dù ta có báo cho biết. Ta biết rồi ! Các con ta thích đồ chơi. Chúng luôn luôn bị thu hút về các thứ ấy mỗi khi được nghe nói đến”.

Người cha gọi lớn: “Các đồ chơi mà các con ưa thích - xe dê, xe nai, xe bò -đang sẵn ở ngoài cửa cho các con chơi. Các con thích gì ta sẽ cho thứ đó, nhưng tất cả các con phải nhanh chóng ra khỏi ngôi nhà lửa. Những thứ mà các con ưa chơi này rất hiếm và quý. Nếu ngay bây giờ các con không đến nhận chúng thì sau này các con sẽ hối tiếc. Hãy mau mau ra khỏi ngôi nhà lửa mà chơi với những đồ chơi hấp dẫn này”. Bấy giờ, bọn trẻ nghe cha nhắc tới những đồ chơi mà chúng ưa thích, và vì điều này hợp với mong ước của chúng, liền ra sức xô đẩy nhau mà chạy ra khỏi ngôi nhà đang cháy.

Thế rồi trưởng giả thấy các con đã an toàn thoát ra và tất cả đang ở bên ngoài, liền ngồi xuống tại một chỗ trống, không còn bối rối, lòng thanh thản và hoan hỷ. Bấy giờ bọn trẻ nói với cha chúng: “Thưa cha, xin cha cho chúng con các đồ chơi xinh đẹp mà cha đã hứa cho chúng con chơi, xe dê, xe nai, xe bò”. Ông trưởng giả bèn cho mỗi đứa con một chiếc xe bò trắng lớn, lớn hơn và đẹp hơn bất cứ loại nào trong ba loại xe mà trước đây ông đã nêu.

Không cần nói, vị trưởng giả là người cha dụ với đức Phật. Ngôi nhà bị hư hoại trỏ trạng thái nguy hiểm và khổ đau của con người ở thế giới Ta-bà. Dĩ nhiên là đức Phật ở bên ngoài những ảo tưởng khổ đau của con người, nhưng Ngài không bao giờ quên các con của Ngài - tất cả các chúng sanh - đang ở trong tình trạng như thế. Trạng thái nguy hiểm của thế giới Ta-bà được nêu trỏ một cách trung thực trong việc miêu tả căn nhà bị hư hoại. Tình trạng đau khổ của tâm người được minh họa một cách sinh động trong phần đầu của đoạn kệ cuối ở phẩm 3 kinh Pháp Hoa. Tất cả các chúng sanh ác đều phải chạy rong khắp phía. Có những nơi hôi thối phân và nước tiểu, tràn đầy đồ dơ, dòi bọ tụ tập. Chồn, chó sói và dã can cắn đạp nhau để gặm thây người, vung rải xương thịt người. Sau đó, từng lũ chó đến vồ chụp những đồ thừa, gầy gò vì đói, lẻn đi tìm thức ăn ở khắp nơi. Mặt khác quỹ Cưu-bàn-đồ (Kumbànda) chộp lấy chân chó, đánh chúng để chúng không kêu sủa được, vặn chân quanh cổ chúng và hành hạ chúng để vui đùa. Sự miêu tả này là một Ẩn dụ về thế giới loài Người trong thời mạt pháp mà chúng ta đang sống.

Lửa bùng cháy trong ngôi nhà cũ đang hư hoại này biểu tượng cho tất cả khổ đau của con người, gồm già, bệnh, chết. Chúng sanh mải mê vui thú dục lạc, thỏa mãn vật chất mà không biết rằng những khổ đau này sẽ trút xuống họ sớm hay muộn nhưng thế nào cũng xảy ra.

Đức Phật muốn đem chúng sanh ra khỏi ngôi nhà lửa. Tuy nhiên, ngôi nhà chỉ có một cái cổng, và cổng thì quá hẹp đến nỗi họ không thể dễ dàng qua được. Điều này nghĩa là chỉ có một cách để cứu loài Người và cổng dẫn đến sự cứu độ ấy thì quá hẹp không dễ gì vượt qua được. Điều này dạy chúng ta rằng chân lý chỉ là một và chúng ta không thể đạt chân lý bằng một thái độ nghi ngờ hay thờ ơ.

Đức Phật muốn đem các con của Ngài ra khỏi ngôi nhà lửa bằng một chậu hoa, một cái ghế dài hay một cái bàn. Điều này được diễn dịch rằng trước tiên Ngài nghĩ đến việc cứu tất cả chúng sinh bằng từ bi và năng lực siêu nhiên. Nhưng dù cho Ngài muốn làm như thế, thì vẫn có khả năng là họ không được Ngài cứu độ, do họ quá mải mê dục lạc và vật chất. Lòng từ bi của đức Phật chỉ có ích khi tất cả các chúng sanh đều có thể nhận ra lòng từ bi ấy. Vì lý do ấy, Ngài chủ ý không sử dụng thần thông.

Nếu chúng ta vào sâu hơn bên dưới ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng nếu đức Phật đưa chúng sanh thẳng đến giác ngộ thì họ sẽ không thể hiểu giáo lý của Ngài và sẽ bị sa ngã vì họ quá mải mê dục lạc và vật chất. Do đó Ngài muốn dẫn dắt họ từ bước đầu tiên khiến họ nhận thức được tình trạng kinh khiếp của thế giới này.

Mặc cho mối quan tâm từ bi của đức Phật, chúng sanh vẫn thường chỉ liếc nhìn khuôn mặt của cha mình (giáo lý của đức Phật); họ không suy xét giáo lý này quan hệ đến cuộc sống của riêng họ như thế nào và không thiết tha lắng nghe giáo lý ấy. Chúng ta vẫn thường kinh nghiệm điều này vốn tỏ lộ rõ ràng tâm trạng của con người bình thường.

Thế rồi, đức Phật dùng biện pháp cuối cùng là nêu bày các xe dê (Thanh văn thừa), xe nai (Duyên giác thừa) và xe bò (Bồ-tát thừa). Giờ đây, lần đầu tiên tất cả chúng sanh đều được thu hút vào giáo lý của đức Phật. Khi nghe Ngài dạy rằng “Hãy nhận lấy bất cứ giáo lý nào trong ba giáo lý này mà ngươi thích; Ta sẽ trao cho”, họ chạy ra khỏi ngôi nhà đang cháy trong khi nghĩ đến những đồ chơi hấp dẫn dành cho họ.

Nghĩ đến các đồ chơi hấp dẫn cho mình nghĩa là người ta sẵn sàng nhập vào trạng thái tâm thức của Thanh văn, Duyên giác hay Bồ-tát. Chạy ra khỏi ngôi nhà cháy nghĩa là người ta sẵn sàng cầu mong giáo lý của đức Phật. Khi các chúng sanh gỡ bỏ ảo tưởng khỏi tâm mình, họ có thể thoát ngay khỏi ngôi nhà lửa của khổ đau trên đời này.

Tuy nhiên, họ chưa nghĩ rằng họ được cứu ra khỏi ngôi nhà lửa. Tâm họ tràn đầy lòng ham muốn có được một trong những cỗ xe hấp dẫn - sự thể chứng của một Thanh văn, một Duyên giác, hay một Bồ-tát. Thế rồi họ xin đức Phật những cỗ xe này. Điều này nghĩa là mỗi người xin sự chứng ngộ cho chính mình. Thế rồi hoàn toàn bất ngờ, vượt ngoài sự chứng ngộ ba thừa, họ thấy được giáo lý tối thượng, tức là, sự chứng ngộ Phật thừa duy nhất (cỗ xe bò trắng lớn), chiếu sáng rực rỡ.

Đức Phật thực sự mong muốn cho tất cả chúng sanh những cỗ xe lớn này. Cho nên những ai đã tiến đến cái tâm cầu tìm sự chứng ngộ tối thượng thì Ngài không tiếc gì mà không cho họ cùng một thứ như nhau. Quan điểm của đức Phật thật là tuyệt diệu ! Mọi người đều có thể đạt được sự chứng ngộ của đức Phật - đây là tinh thần lớn lao của kinh Pháp Hoa.

Sau khi kể Ẩn dụ về ngôi nhà lửa, Thế Tôn giảng giải đầy đủ ý nghĩa hàm chứa trong Ẩn dụ này, và rồi muốn giảng cùng một giáo lý như thế một lần nữa bằng những lời khác, Ngài thuyết kệ. Sau đây là ý chính của những gì Ngài dạy.

“Xá-lợi-phất, Ta nói cho Ông nghe ! Ta cũng như vị trưởng giả trong Ẩn dụ ấy. Ta là người được suy tôn nhất trong những người trí và là cha của thế giới. Mọi chúng sanh đều là con của Ta. Họ mải mê vào các thú vui trần thế và không có đủ trí tuệ và không nhận thức được những khía cạnh chân thực của tất cả các sự vật. Cho nên Ta sẵn sàng cứu vớt họ”.

“Ba cõi không phải là nơi an toàn cho người bình thường. Chúng giống như ngôi nhà lửa với đủ loại đau khổ và rất đáng sợ. Luôn luôn có những đau khổ của con người, bao gồm cái khổ của sinh, già, bệnh và chết. Những ngọn lửa như thế đang cháy không ngừng. Từ xưa, Ta đã thoát khỏi ba cõi đầy ảo tưởng và đã trú trong trạng thái an lạc không bị ảnh hưởng bởi những phiền toái của cuộc đời. Nhưng không lúc nào Ta quên được ba cõi. Đấy là vì ba cõi này là lĩnh vực của Ta và tất cả những chúng sanh trong đó là con của Ta. Nhưng giờ đây nơi này đầy dẫy khổ đau. Ta không thể không vào thế giới khổ đau mà cứu các con của Ta. Và chỉ riêng Ta là có thể cứu vớt và che chở họ”.

“Tất cả vũ trụ này là lĩnh vực của Ta, và tất cả những chúng sanh trong đó là con của Ta. Và chỉ có Ta là có thể cứu vớt và che chở cho họ”. Những lời của niềm tin vững chãi này thật lớn lao biết bao! Những lời này tràn đầy lòng đại từ bi biết bao ! Tuy vậy, từ “Ta” không trỏ riêng đức Thích-ca-mâu-ni, đức Phật lịch sử đã sống ở Ấn Độ cách đây khoảng 2500 năm. Đúng hơn, nó trỏ đức Phật trong nghĩa “vị đã chứng ngộ chân lý”. Do đó, những lời của đức Phật là sự tuyên bố trọng đại rằng đối với những ai đã thể chứng chân lý, tất cả vũ trụ này là lĩnh vực của họ. Ngay cả khi chúng ta, những người không được như đức Phật Thích-ca-mâu-ni, im lặng nhắm mắt và suy nghĩ với tâm thanh tịnh “Tất cả vũ trụ này là lĩnh vực của chúng ta”, chúng ta cũng cảm nhận được sự lớn lao của không gian và cảm thấy một sự bình an nội tại.

Mới đây, trong một số người có phong trào mua đất trên Hỏa tinh. Dù thị hiếu này có vẻ nửa đùa nửa thật, trong một nghĩa nào đó, nó được gọi là một phương cách hữu hiệu để mở rộng cái tâm con người. Khi ta thực sự nghĩ đến những ngôi sao cách xa hàng trăm triệu năm ánh sáng, những ngôi sao này lập tức bay vào tâm ta, và như thế thuộc vào sự sở hữu của ta. Khi ta nghĩ đến các sự vật hàng chục ngàn năm trước hay hàng chục ngàn năm sau, ta hiểu rằng thế giới bao gồm những sự vật này; chúng trở thành một phần của chính tâm ta. Chính tâm ta khiến ta không biết thời gian và không gian và ta đến được mọi nơi.

Nếu ta có thể hiểu được sự thật về vũ trụ như đức Phật đã hiểu và hợp nhất được với cuộc sống vũ trụ thì thế giới này dễ trở thành của ta biết bao! Vấn đề ở đây không phải là xác định quyền sở hữu mà là cảm nhận rằng chúng ta hòa tan vào toàn bộ vũ trụ. Tóm lại, điều ấy nghĩa là ta đạt đến trạng thái tâm thức “vô ngã”. Nghĩa là đã từ bỏ cái ngã nhỏ bé mà tìm thấy cái ngã sống với toàn thể.

Ngay lúc ấy, cái ngã lan đầy khắp vũ trụ. Vô ngã là phương cách duy nhất mà ta có thể nghiệm ý tưởng “Tất cả vũ trụ là lĩnh vực của ta”. Nếu ta đạt được trạng thái tâm thức này thì tâm ta được hoàn toàn tự tại. Ta sẽ tự tại với mọi sự vật, và dù cho ta có hành động như ta muốn, mọi thứ ta làm đều cải thiện cuộc sống của người khác. Đây là trạng thái tâm thức của đức Phật.

Dù cho ta không thể đạt đến trạng thái tâm thức như thế trong một bước nhảy, chúng ta cũng phải nỗ lực cho được như thế bằng việc khởi sự noi gương đức Phật. Chúng ta chỉ có thể đạt được Phật tâm khi chúng ta đi vào Phật đạo bằng cách noi gương Ngài. Đọc kinh, nghe giảng, im lặng suy nghĩ và phục vụ tha nhân - Có thể bảo tất cả điều này là sự tu tập nhằm mục đích từ bỏ cái ngã của ta và hòa tan vào cái toàn thể. Đây là tinh thần hài hòa.
Nếu ta cứ duy trì việc tu tập như thế dù chỉ một giờ trong mỗi ngày thì ta có thể ở một mức độ nhẹ nhàng, tiến gần đến đức Phật; từng bước một và do kiên nhẫn, ta có thể thành Phật vào một lúc nào đó trong tương lai. Chúng ta phải từ bỏ thái độ nhu nhược cho rằng chúng ta không thể đạt được Phật tánh. Chúng ta sẽ hiểu ngay tại sao điều này là quan trọng khi chúng ta đọc phẩm kế tiếp, “Tín giải” (Niềm tin và sự nhận thức).

MƯỜI BỐN TỘI PHỈ BÁNG PHÁP:

Ở phần kệ cuối của phẩm 3, đức Phật dạy chúng ta điều mà chúng ta cần phải biết khi giảng kinh Pháp Hoa cho người khác và dạy những gì mà chúng ta chắc chắn phải thọ nhận nếu chúng ta đi ngược với kinh. Lời đức Phật dạy ở đây, “chớ vô ý tuyên thuyết kinh”, có thể bị hiểu lầm. Lời này không có nghĩa là đừng giảng kinh Pháp Hoa một cách vô ích, mà có nghĩa là đừng bao giờ giảng kinh một cách sai lầm và hãy luôn luôn tìm các cách thích hợp để giảng kinh.

Đức Phật dạy chúng ta rằng, “chớ giảng kinh này cho những người nào có các loại ác tâm sau đây”, và Ngài nêu ra mười bốn tội nghịch với tinh thần của kinh Pháp Hoa. Ở đây, Ngài không có ý dạy rằng chúng ta từ chối đối đãi với những người ác tâm như vậy, mà Ngài dạy rằng chúng ta cần giảng kinh Pháp Hoa cho họ một cách thận trọng sau khi gỡ bỏ các tội phỉ báng Pháp của họ trước đã, vì nếu như chúng ta không làm như thế trước tiên thì việc giảng kinh sẽ không có hiệu quả tốt mà thực ra sẽ có hiệu quả xấu.

Sau đây là mười bốn tội phỉ báng Pháp:

1.Kiêu mạn hay kyòman (cao ngạo và nghĩ rằng mình đã hiểu những điều mình không hiểu);
2.Giải đãi, hay kedai (lười biếng và mải mê vào những sự vật tầm thường);
3.Kế ngã, hay keiga (chỉ hành động nhằm vào những mục đích ích kỷ);
4.Thiểu thức, hay senshiki (chỉ nhìn vào bề ngoài các sự vật, không cố gắng nắm bắt cái tinh yếu của chúng);
5.Trước dục, hay jakuyoku (bị gắn chặt vào các dục lạc và vật chất);
6.Bất giải, hay juge (diễn dịch mọi sự theo quan điểm hạn chế của mình và không hiểu những trọng điểm);
7.Bất tín, hay jushin (không tin vào kinh và phỉ báng kinh do hiểu biết nông cạn);
8.Tần xúc, hay hinsuku (bực bội kinh và tỏ ra chán ghét kinh);
9.Nghi hoặc, hay giwaku (nuôi dưỡng nghi ngờ về chân lý của kinh và ngần ngại trong việc tin kinh);
10.Phỉ báng, hay hibò (nói xấu kinh);
11.Khinh tiện, hay kyòzen (khinh miệt những người đọc, tụng, chép hay giữ kinh);
12.Tắng ố, hay zòzen (ghét những người tu tập thiện pháp trên);
13.Tật đố, hay shitsuzen (ghen ghét những người tu tập thiện pháp trên);
14.Kết hận, hay kenzen (thù hận những người tu thiện pháp trên).

Kế đó là quả báo của các tội phỉ báng Pháp. Điều chúng ta cần đặc biệt chú ý ở đây là quả báo mà đức Phật nêu ra không phải là một sự trừng phạt, đức Phật không có mối liên hệ như thế đối với con người. Vì Ngài là chân lý ban phát sự sống cho hết thảy mọi sự vật trong vũ trụ, khó có thể nào Ngài lại thể hiện hành động đi ngược với đời sống con người, như để cho con người rơi vào địa ngục hay để cho con người trở thành loài vật hay thành một kẻ dị dạng. Ai gây sự trừng phạt như thế cho con người ? Không cần nói, con người tự gây cho mình. Chính ảo tưởng của con người trừng phạt cho con người. Ảo tưởng giống như một đám mây đen che phủ Phật tánh bên trong của chúng ta. Khi ánh sáng Phật tánh của ta bị ảo tưởng che phủ thì bóng tối khởi lên trong tâm ta và bao điều bất hạnh xảy đến cho ta. Tình trạng này là sự trừng phạt mà chúng ta đã tự ban cho chúng ta. Nếu chúng ta thổi tan những đám mây đen ảo tưởng của chính chúng ta thì Phật tánh của chúng ta sẽ khởi sự tỏa sáng ngay. Do đó chúng ta không có gì để sợ nơi đức Phật. Chúng ta phải giữ chắc trong tâm và thực sự tin rằng đức Phật là vị lúc nào cũng làm hưng chấn mọi chúng sanh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]