Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Quá trình phát triển

11/11/201016:36(Xem: 9657)
I. Quá trình phát triển


I. Quá trình phát triển

Thời điểm thế kỷ thứ nhất sau C.N. – như vừa nêu – chỉ đánh dấu truyền thống Đại thừa được hệ thống hoá với Long Thọ, vị đại luận sư nổi tiếng nhất. Trước đó, đã có những dấu vết gốc tích của Đại thừa trong Đại chúng bộ. Thật ra, trong lần kết tập kinh điển thứ hai khoảng 100 năm sau ngày Đức Phật tịch diệt, đã phát triển bên trong các cộng đoàn Phật giáo một tuyến tư duy tuy mới mẻ nhưng vẫn triển khai dựa theo nội dung nguyên thuỷ của Phật pháp.

Hai điểm phê phán

Truyền thống được gọi là mới mẻ ấy phê phán một số cách thức trình bày Phật pháp đương thời. Hai nội dung tâm điểm của sự phê phán này là:

Sự giải thoát tập trung vào cá nhân mỗi người – như đã được trình bày trong giáo thuyết của các bộ phái thời kỳ đầu – bị xem là có tính hẹp hòi và vị kỷ. Con đường đạo, với những thao tác hướng tới quả vị Phật, không chỉ đơn thuần vì phúc lợi của bản thân mà còn phải vì phúc lợi của hết thảy các hữu thể có tri giác. Trong nỗ lực quảng đại cứu độ tha nhân đó, truyền thống mới mẻ ấy trình bày một lý tưởng tân kỳ, ngày càng được hâm mộ và nổi tiếng, đó là Con đường Bồ tát.

Hình thức minh triết có tính phân tích được đề cao theo lối hiểu Luận tạng đương thời (cũ) cũng bị xem là quá đơn giản. Đó chỉ là sự thao luyện bằng cách phân nhỏ toàn bộ kinh nghiệm phức tạp thành các dharmas (pháp): những thành phần căn bản cấu thành mọi vật phức hợp. Giờ đây, truyền thống mới mẻ lập luận rằng hành động ngày càng nhận biết các dharmas trong tự nó không là cứu cánh của minh triết Phật giáo. Hành trình giác ngộ phải đưa tới trạng thái bắt gặp thêm cái gì nữa, và dần dà, cái “thêm” ấy được gọi là Trí huệ Bát nhã hoặc Minh triết hoàn hảo.

Như thế, ta có thể rút gọn hai điểm phê phán trên thành hai từ thường được dùng để miêu tả sự khai triển có tính chất phê phán và xuyên sâu của triết học Đại Thừa: Từ bi và Trí huệ.

Khác biệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa

Về mặt danh xưng, ở đây chúng tôi dùng chữ Tiểu thừa chỉ để thuận tiện đối chiếu với Đại thừa. Như đã có lần trình bày, lối gọi “Tiểu thừa” dễ làm chạnh lòng. Từ sau Hội nghị Phật giáo Thế giới họp tại Katmandu (Népal) năm 1956, Tiểu thừa được chính thức gọi là Phật giáo Nguyên thuỷ với Thượng tọa bộ (Theravada) là đại diện của truyền thống đó trong thời hiện đại.

Tiểu thừa – cỗ xe nhỏ, và Đại Thừa – cỗ xe lớn tuy xuất phát từ hai nhánh của Tiểu thừa là Đại chúng bộ và Nhất thiết hữu bộ, có một số đặc tính khác nhau. Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong Phật học tinh hoa, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1965, tt 108-109 liệt kê như sau:

“Chỗ khác nhau giữa Đại và Tiểu thừa có thể quy vào mấy điểm chính sau đây:

Tiểu thừa thì lo tự độ (độ lấy mình ra khỏi luân hồi sinh tử); tâm lượng khiêm tốn, chỉ lo về tự giác mà thôi; – còn Đại thừa thì chẳng những lo tự độ, mà còn lo phổ độ chúng sinh (giác tha); tâm lượng quảng đại, gồm trong câu: Tự giác nhi giác tha. Cả hai đều bổ túc nhau chứ không phải đối chọi nhau.

Tiểu thừa chỉ lo phá ngã chấp, chứ không lo phá pháp chấp; – còn Đại thừa thì kiêm cả sự phá ngã chấp và pháp chấp.

Tiểu thừa thì giải thoát ly thế gian tướng; – còn Đại thừa thì giải thoát không ly thế gian tướng.

Tiểu thừa thì căn khí cùn, chán đường sinh tử, khổ não mà mong cầu chứng Niết bàn – thoát vòng luân hồi. Tiểu thừa quan niệm Niết bàn tách rời Sinh-Tử; – còn Đại thừa thì căn khí nhọn bén, biết rõ phiền não vốn không, không trụ nơi sinh tử, cũng không trụ nơi Niết bàn, phiền não tức Bồ đề, Sinh tử và Niết bàn là một.

Cái quả cùng cực của Tiểu thừa là La-hán (Arhat); – còn quả của Đại thừa là Phật. Bởi vậy mới có nói: Đại thừa là cái ngộ của Phật, còn Tiểu thừa là cái ngộ của La-hán.

Chỗ chủ trương về Hữu và Không (Sắc Không) của hai thừa cũng khác nhau xa: Tiểu thừa cho rằng vạn sự vạn vật (vạn pháp) là có thật, còn vạn tượng thì rất sai biệt (khác nhau). Đại thừa có hai phái […]. Quyền Đại thừa [Duy thức tông] cho rằng vạn sự vạn vật (vạn pháp) đều do Tâm mà có, ngoài Tâm không có sự sự vật vật gì thật cả. Thực Đại thừa [Trung quán tông] thì chủ trương Phi hữu phi không, diệc hữu diệc không (chẳng “có” chẳng “không”, mà cũng vừa “có” vừa “không”), khác Tiểu thừa ở chỗ “chấp hữu” và khác Quyền Đại thừa chỗ “chấp không”.
Thế thì Tiểu thừa tuy nhận vạn tượng là Sai biệt mà chưa từng biết đến chỗ Bình đẳng của bản thể. Quyền Đại thừa thì tuy phá được chỗ Sai biệt của vạn tượng và biết đến chỗ Bình đẳng của bản thể, nhưng chưa rõ đến chỗ gọi là Trung đạo của Thực Đại thừa; bản thể là hiện tượng, hiện tượng là bản thể, sinh tử là niết bàn, niết bàn là sinh tử… nghĩa là phiền não tức Bồ đề… [Ghi thêm của chúng tôi: Bình đẳng, theo Phật giáo, đồng nghĩa với Tuyệt đối, nghĩa là Bất nhị (không có hai)].

Tất cả tinh hoa của Phật học Đại thừa là ở chỗ thực hiện được cái Tâm bình đẳng mà Thực Đại thừa đã nói rõ trong các Kinh Pháp hoa và Hoa nghiêm.

Tiểu thừa trọng về văn tự; lệ thuộc từng câu từng chữ, gò bó sát theo kinh sách; – còn Đại thừa thì phóng khoáng, tự do, bất chấp văn tự [...].
Tóm lại, Tiểu thừa và Đại thừa tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng thực sự không có cái nào cao, cái nào thấp… mà chỉ là vấn đề trình độ và giai đoạn. Thật sự chỉ có một-thừa, là Phật thừa, – còn kỳ dư Tam-thừa đều là phương tiện cả [...].”

Bốn mặt trời

Về mặt địa lý, như đã trình bày, Tiểu thừa được gọi là Nam tông vì truyền giáo về phương nam theo ngả Tích Lan, Đại thừa là Bắc tông, theo ngả Trung Hoa, Tây Tạng. Trong lịch sử triết học Phật giáo Ấn Độ, cả bốn vị Đại luận sư được kính ngưỡng là Bồ tát và được ví như bốn mặt trời chiếu sáng thế giới đều có liên hệ tới Đại thừa và Thiền tông, tuy hậu thế chỉ có thể phỏng đoán thời điểm sống của mỗi vị dựa theo truyền thuyết. Chư vị ấy gồm:

Mã Minh (Asvagosa). Nhà thơ và luận sư người Ấn Độ. Trước khi xuất gia, sư từng lập gia đình. Danh xưng Mã Minh có ý tán tụng tài thuyết pháp của sư tuyệt vời tới độ ngựa cũng phải hí lên ca ngợi. Sư sống khoảng thế kỷ 1–2 sau Công Nguyên (CN) và là tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Độ. Tác phẩm quan trọng của sư ngoài Phật sở hạnh tán viết về cuộc đời Đức Phật, còn có cuốn nổi bật nhất là Đại thừa khởi tín luận. Đây là tác phẩm căn bản của Đại thừa trong đó sư trình bày các khái niệm quan trọng nhất cùng với giáo pháp của Đại thừa và cách thức tu tập.

Long Thọ (Nagarjuna). Vị đại luận sư nổi tiếng nhất mà sự xuất hiện của sư được xem là cuộc triển khai lần chuyển pháp luân thứ hai của Đức Phật . Sư sống khoảng từ năm 150-250 sau C.N., và là vị tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ. Tác phẩm chính là Trung quán luận. Ta sẽ còn gặp gỡ vị này rất nhiều dịp ở các phần sau.

Thánh Thiên (Aryadeva). Còn được gọi là Đề-bà-một-mắt (Kanadeva). Sư là học trò của Long Thọ và là Đại luận sư nổi tiếng của Trung quán tông, sống tại Tích Lan vào thế kỷ 3. Trong các tác phẩm chính của sư có Tứ bách luận, chuyên về các luận đề của triết học Long Thọ, được nghị luận theo phép biện chứng phủ định của thầy mình nhằm giải thích lý thuyết về Vô ngã và Không tính. Sư là tổ thứ 15 của Thiền tông Ấn Độ; tương truyền sư bị những kẻ chống Phật giáo sát hại.

Cưu-ma-la-đa (Kumaralata). Sinh thời của sư khoảng thế kỷ 3 sau CN. Sư gốc đẳng cấp Bà-la-môn, về sau làm tổ thứ 19 của Thiền tông Ấn Độ. Thuộc phái Nhất thiết Hữu bộ, rất tinh thông nghĩa lý kinh điển. Các tác phẩm chính của sư gồm có Dụ man luận, Si man luận, Hữu liễu luận, v.v…

Chúng ta sẽ bắt đầu phần tiếp theo của chương này bằng cách xem xét nội hàm “Từ bi” trong “Lý tưởng Bồ tát” cùng những hàm ý đạo đức của lý tưởng ấy. Kế đó, chúng ta sẽ nhìn triết học Đại thừa với những ý triển khai của nó như một lối tiếp cận vào Trí huệ Bát nhã.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]