Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh "Niệm hơi thở vô, hơi thở ra"

08/11/201017:04(Xem: 9777)
Kinh "Niệm hơi thở vô, hơi thở ra"


KINH “NIỆM HƠI THỞ VÔ HƠI THỞ RA”

Kinh này được đề cập trong kinh Trung Bộ III số 118, với chữ Pàli là “Anàpànasati”, với chữ Hán là “Nhập tức Xuất tức niệm”, với chữ Việt là “Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra”. Chúng Tỳ kheo sống trong thời đức Phật tại thế đã hành trì pháp môn này và chứng được Thánh quả.

Đặc biệt kinh này diễn tả rất tỉ ưủ và khúc chiết tiến trình giải thoát qua bốn giai đoạn tuần tự sau đây:

1. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến quả lớn, công đức lớn.
2. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.
3. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Bảy giác chi được sung mãn.
4. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Minh giải thoát được sung mãn.


Rồi đức Phật giải thích rõ ràng bốn giai đoạn này:

1. Như thế nào là Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra? Vị Tỳ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng trú niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”. Thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.


2. Và như thế nào, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập? Như thế nào làm cho sung mãn khiến Bốn niệm xứ được viên mãn? Khi nào này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là hơi thở vô hơi thở ra. Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỳ kheo trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo nghĩ: “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Này các Tỳ kheo, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo nghĩ: “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỳ kheo, vị ta an trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, sự tu tập niệm hơi thở vô hơi thờ ra không thể đối với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán tâm trên tâm, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời? Khi mà Tỳ kheo nghĩ: “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán pháp trên các pháp, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn (sự vật với niệm xả ly). Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Niệm hơi thở vô, hơi thở ra như vậy, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn, như vậy, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.

3. Và Bốn niệm xứ này, các Tỳ kheo tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho Bảy giác chi được viên mãn? Này các Tỳ kheo, trong khi tùy quánthân trên thân, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của ấy cũng được an trú, này các Tỳ kheo, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ kheo, trong khi ấy, Tỳ kheo tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy niệm giác chi được vị Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy. Này các Tỳ kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên, với Tỳ kheo. Trong khi ấy, Tỳ kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy trạch pháp giác chi được Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ kheo. Này các Tỳ kheo, trong khi vị Tỳ kheo với trí tuệ, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ kheo ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy Tỳ kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được vị Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị Tỳ kheo tinh tấn, tinh cần. Này các Tỳ kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỳ kheo tinh tấn, tinh cần, trong khi ấy hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy hỷ giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm của vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn.

Này các Tỳ kheo, trong khi quán thọ trên các cảm thọ ... (như trên) ... quán tâm trên tâm ... (như trên)... quán pháp trên các pháp. Tỳ kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỳ kheo, trong khi niệm của Tỳ kheo được an trú không có hôn mê, niệm giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo, niệm giác chi trong khi ấy được Tỳ kheo tu tập. Niệm giác chi trong khi ấy, được vị Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ Này các Tỳ kheo, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo tu tập. Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỳ kheo, trong khi vị Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ kheo. Tinh tấn giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Tinh tấn giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Đối với vị ấy tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo tinh cần, tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỳ kheo. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy khinh an giác chi được vị Tỳ kheo làm cho đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ kheo, trong khi vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Này các Tỳ kheo, Bốn niệm xứ được tu tập như vậy, khiến cho Bảy giác chi được sung mãn.

4. Và này các Tỳ kheo, Bảy giác chi tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho mình giải thoát được viên mãn? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo tu tập niệm giác chi, liên hệ đễn viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến xả ly. Tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi ... (như trên) ... tu tập khinh an giác chi ... (như trên) tu tập định giác chi ... (như trên) ... tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến xả ly. Này các Tỳ kheo, Bảy giác chi được tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]