Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hội chúng tỳ kheo trong thời Đức Phật còn tại thế

08/11/201017:02(Xem: 9824)
Hội chúng tỳ kheo trong thời Đức Phật còn tại thế


HỘI CHÚNG TỲ KHEO

TRONG THỜI ĐỨC PHẬT CÒN TẠI THẾ

Trong kinh “Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra” số 118, Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy cho chúng ta rõ sự sinh hoạt giữa Thế Tôn và các đệ tử của Ngài, và nhờ đó chúng ta hình dung được nếp sống của chư Tăng Tỳ kheo và những bài thuyết pháp do Thế Tôn giảng dạy.

Kinh “Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra” kể rằng:

“Thời ấy đức Phật sống ở Xá-vệ tại Đông Viên Lộc Mẫu giảng đường cùng với một số Thượng tọa thời danh như ngài Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên, Ma-ha Ca-chiên-diên, Đại Câu-hy-la, Đại Kiếp-tân-na, Tôn giả Thuần-đà, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-bà-đa, Tôn giả A-nan-đà; cùng nhiều bậc Thượng tọa có thời danh khác. Lúc bấy giờ một số Thượng tọa Tỳ kheo giảng dạy 10 tân Tỳ kheo. Một số Thượng tọa Tỳ kheo khuyến giáo giảng dạy cho 20 tân Tỳ kheo, cho 30, 40... và các tân Tỳ kheo được các Thượng tọa Tỳ kheo khuyến giáo, giảng dạy, ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt được.

“Lúc bấy giờ Thế Tôn vào ngày Bố-tát ngày rằm, vào đêm trăng tròn sau ngày tự tứ đang ngồi ngoài trời với chúng Tỳ kheo đoanh vây.

“Thế Tôn nhìn trong chúng Tỳ kheo đang yên lặng, đang hết sức yên lặng rồi bảo các Tỳ kheo: “Ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo với đạo lộ này tâm ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo với đạo lộ này. Do vậy, này các Tỳ kheo hãy tinh tấn hơn nữa để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây tại Xá vệ cho đến tháng tư lễ Komudi”. Những Tỳ kheo địa phương được nghe Thế Tôn sẽ ở đây, tại Xá-vệ cho dến tháng tư Komudi. Các Tỳ kheo tụ họp tại Savatthi, để yết kiến Thế Tôn. Và các Thượng tọa Tỳ kheo lại càng khuyến giáo giảng dạy tân học Tỳ kheo nhiều hơn nữa.

“Lúc bấy giờ vào ngày Bố-tát, ngày rằm vào đêm trăng tròn, ngày lễ Komudi vào tháng tư. Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỳ kheo đoanh vây.

“Rồi Thế Tôn sau khi nhìn xung quanh chúng Tỳ kheo đang yên lặng, đang hết sức yên lặng liền bảo chúng Tỳ kheo: “Hội chúng này, này các Tỳ kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lõi cây an tịnh. Chúng Tỳ kheo như thế này, này các Tỳ kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ kheo, là một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Chúng Tỳ kheo như thế này, hội chúng như thế này là một hội chúng, bố thí ít được phước báu nhiều, bố thí nhiều càng được phước báu nhiều hơn nữa. Chúng Tỳ kheo như thế này, này các Tỳ kheo là một hội chúng khó thấy ở đời. Chúng Tỳ kheo như thế này, hội chúng như thế này, này các Tỳ kheo là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần với một bao lương thực trên vai để đến yết kiến. Chúng Tỳ kheo này là như vậy. Hội chúng này là như vậy, này các Tỳ kheo. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những vị Tỳ kheo là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích Đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỳ kheo, những bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng này. Này các Tỳ kheo trong chúng Tỳ kheo này có bậc đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử được hóa sanh từ nơi đây được nhập Niết Bàn, không còn trở lui đời này nữa. Các bậc Tỳ kheo như vậy, này các Tỳ kheo có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những Tỳ kheo đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất Lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những vị đã đoạn tận ba kiết sử là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ, các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này.

“Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có nhưng Tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bốn niệm xứ, tu tập bốn chánh cần, tu tập bốn như ý túc, tu tập năm căn, năm lực, tu tập bảy giác chi, tu tập Thánh đạo tám nghành... Này các Tỳ kheo, trong hội chúng Tỳ kheo này có những Tỳ kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm, tu tập bi tâm, tu tập hỷ tâm, tu tập xả tâm, tu tập quán bất tịnh, tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này.

“Này các Tỳ kheo, trong hội chúng Tỳ kheo này, có những Tỳ kheo chuyên tâm, chú tâm tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra. Pháp môn này được tu tập được làm cho sung mãn đưa đến quả lớn, đưa đến công đức lớn. Niệm hơi thở vô hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho mình giải thoát được viên mãn”.

Kinh này cho chúng ta thấy đức Phật thường hay lựa đêm rằm có trăng tròn, quy tụ lại xung quanh Ngài ở ngoài trời, một số Tỳ kheo thời danh, đó là những bậc đã hành trì có kết quả các pháp môn Ngài dạy. Trong buổi họp đầu tiên, sau ngày tự tứ trăng rằm, Ngài chứng kiến sự im lặng kỳ diệu của các đại đệ tử của Ngài vậy, Thế Tôn mới tuyên bố: “Ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo, với đạo lộ này, tâm ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo, với đạo lộ này, tâm ta dược thỏa mãn, này các Tỳ kheo với đạo lộ này. Do vậy này các Tỳ kheo, hãy tinh tấn hơn nữa để được chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây, tại Xá-vệ cho đến tháng tư Komudi. Chứng kiến các vị Tỳ kheo đang vây quanh, Ngài cảm thấy thỏa mãn về đạo lộ Ngài dạy cho các Thánh đệ tử và khởi lên lời sách tấn khuyến các đệ tử hãy tinh tấn hơn nữa. Trong đêm tháng Komudi, đức Phật trực tiếp tán thán công hạnh tu tập của chúng Tỳ kheo, khen chúng Tỳ kheo như vậy xứng đáng được cúng dường, một hội chúng hy hữu ở đời, xứng đáng để được yết kiến. Trong hội chúng ấy có các vị đã chứng A-la-hán, đã chứng quả Bất lai, đã chứng quả Nhất lai, đã chứng quả Dự lưu. Trong hội chúng này lại có những vị chuyên tâm, chú tâm tu tập ba mươi bảy pháp trợ đạo, chuyên tâm chú tâm tu tập bốn Vô lượng tâm, quán bất tịnh, quán vô thường.

Cũng trong hội chúng này, có các Tỳ kheo tu tập “Niệm hơi thở vô hơi thở ra”. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập được làm cho sung mãn khiến bốn Niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập được làm cho viên mãn khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập được làm cho viên mãn khiến cho mình giải thoát được viên mãn.

Như vậy, chúng ta chứng kiến hai buổi họp chúng giữa Thế Tôn với các đại đệ tử nhân ngày Bố-tát, ngày trai giới. Chúng ta hình dung được cảnh trí thiêng liêng, lắng đọng tâm tư giữa Đạo Sư với đệ tử, bậc Đạo Sư bằng lòng vì thấy phương pháp hành trì của mình được các đệ tử tu tập thành quả. Còn các đệ tử thì hân hoan vui sướng tu tập vì thấy sự cố gắng của mình đều đem lại thành quả vi diệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]