Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII: Xuất gia và Tại gia

08/11/201015:30(Xem: 9173)
Chương VII: Xuất gia và Tại gia


Chương VII: Xuất gia và Tại gia

1. Tại gia:
Tham lam, quyến luyến mọi thứ ở trần gian thì bạn sẽ mãi luân hồi trong bốn loài (sanh ra từ trứng, từ bào trai, từ nơi ẩm ướt, từ sự biến hóa).
Mọi thứ trong xã hội đều là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi chưa xuất gia, ai cũng gieo trồng đủ thứ hạt giống của cõi trần gian tục lụy.
Người đời ai cũng mong cầu hưởng thụ vật chất, ai cũng yêu thích đẹp đẽ; ăn mặc tươm tất. Người giàu thì có năng lực truy đuổi những thứ ấy; kẻ không tiền thì cũng vì những thứ ấy mà lặn lội truy cầu.
Hễ ai tham những thứ thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì sẽ có phần luân hồi trong bốn loài.
Người đời bị ngũ dục làm mê mờ. Chỉ vì muốn ăn ngon nên sát sanh để nuôi dưỡng thân mạng. Họ không biết rằng ăn thịt chúng sanh tức là ăn thịt chính họ. Bởi, ăn một cân thịt, bạn nhất định phải trả 16 lượng; đây là việc bạn không thể trốn tránh đặng. Do đó, cả một đời, người đời cứ phải trả nợ, đòi nợ; đời đời kiếp kiếp không thể thoát khỏi luân hồi. Huống chi những miếng thịt họ ăn có khi là thịt của chúng sinh mà xưa kia đã từng là cha mẹ của họ. Làm sao tâm mình có thể bất nhẫn đến như vậy?
Kẻ tại gia sát sanh để ăn thịt; chúng sinh bị giết đều là họ hàng quyến thuộc của họ trong nhiều kiếp trước. "Mày giết tao, tao sẽ giết mày;" cứ vậy mà có luân hồi sinh tử. Những người tại gia không hiểu biết, thiếu nhận thức, cho rằng nếu họ không sinh con đẻ cái thì mạng họ khổ lắm; tự than thở rằng mình không được như gia đình kẻ khác, con cái đầy nhà. Họ nào ngờ rằng, không con cái tức là ít oan gia, nợ nần!

2. Xuất gia: Báo đền bốn ân lớn

Hiếu thảo với chư Phật, chư Tổ, thì mới là có hiếu với cha mẹ.
Bạn hãy khéo léo dùng mọi cách cho cha mẹ bạn hiểu Đạo. Nếu có lòng thành, tối thiểu họ sẽ được sanh lên cõi trời.
Là kẻ xuất gia, mình phải độ thoát bà con họ hàng của mình. Tối thiểu, hãy làm cho họ tin Phật, ăn chay trường, không sát sinh; như thế mới viên mãn bổn phận của mình.
Ân cha mẹ sinh thành dưỡng dục lớn lắm, nếu không xuất gia tu hành thì khó đền đáp công ơn này. Đó là vì giữa cha mẹ và con cái vốn có thứ ân oán lẫn thân tình đan kết từ nhiều đời.
Xuất gia muốn báo đáp bốn ân lớn thì bạn phải độ thoát cha mẹ bạn, khiến họ liễu sanh tử. Song cha mẹ nào phải chỉ có ở đời này thôi đâu; mà cha mẹ có từ nhiều đời trước nữa, bất quá mình không biết đó thôi. Không tu thì làm sao hiểu đặng kiếp trước mình có nhiều cha mẹ như vậy? Song bạn chớ khởi lòng thương nhớ cha mẹ; hồi tưởng những kỷ niệm ấy đều là thứ sanh tử!
Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình lấy vợ, sinh con, hệt như họ vậy - một cuộc đời đầy dẫy thương yêu, khổ, não. Nếu bạn, kẻ tu hành, mà ham thích những việc ấy, thì sau này bạn sẽ tha hồ đóng vở tuồng ấy. Đây là những "màn kịch" mà bạn có thể diễn vô cùng tự nhiên, không cần phải học cách lễ, nghĩa, liêm, sĩ gì cả. Khi đọa lạc làm súc sinh, bạn sẽ diễn những tấn tuồng ấy tự nhiên hơn nữa!
Cha mẹ càng tốt với bạn bao nhiêu, là họ càng có ân oán nhân duyên với bạn bấy nhiêu.
Quan điểm của người tu thật khác xa so với quan điểm của người đời: Cha mẹ càng thương yêu bạn, thì khi lâm chung, họ sẽ bịn rịn, không buông bỏ bạn được. Song le, bạn chớ vì thế mà sanh phiền não, trách móc cha mẹ bạn.
Hãy chuyên tâm tu Đạo. Nếu không, bạn sẽ rơi vào vòng tình cảm yêu ghét, chịu cái khổ xa cách người mình thương mến; rồi do đó bị cuốn hút vào chuỗi luân hồi sanh tử. Thật nguy hiểm lắm!
Bạn chớ chấp trước (quyến luyến) cha mẹ, bà con, anh em trong đời này. Họ đều là những chủ nợ, những kẻ có ân oán với bạn từ nhiều kiếp trước cả.
Mỗi người đều do nhân quả nên sinh ra; rồi vì nhân quả nên chết đi. Cha mẹ, bà con của mình đều ở trong vòng luân hồi; do đó, mình phải mau mau tu hành để độ thoát họ.
Mình vì nghiệp nên sinh ra, song chớ vì nghiệp mà chết đi.
Phải tu - trên đền bốn ân lớn, dưới độ ba đường khổ. Tự mình phải tu cho đặng giải thoát thì mới có chỗ thành tựu.

3. Ở Đời Và Đi Tu

Cha mẹ sinh ra ta song họ không biết ta từ đâu lại. Bây giờ mình phải tìm cho ra con đường sanh tử mà mình đã từ đó tới; có nghĩa là mình phải liễu thoát sanh tử.

Ở đời thì bất quá mình chỉ ăn ngày ba bữa rồi trôi theo dòng sinh tử mà thôi.

Người đời cả ngày bận rộn làm việc là chỉ vì truy cầu danh lợi, địa vị, vì muốn hưởng thụ vật dục, ăn ngon, mặc đẹp, ở sướng.

Người tu có làm việc thì cũng là để huấn luyện nội tâm. Do đó, công việc không cần quá nhiều, không nên gấp gáp; cũng không cần ai khen ngợi mình; không truy cầu, ước muốn bất cứ thứ gì. Chỉ mặc bộ áo của Tây-phương Cực-lạc mà thôi.

Đối với người tu, cảnh giới hoặc ngoại cảnh càng xấu thì càng tốt. Người tu càng trải nhiều gian khổ càng tốt. Đó là điểm khác biệt giữa người tu và người đời.

Người tại gia có nỗi khổ mà người xuất gia cũng có nỗi khổ. Người đời khổ là vì họ không có được cái nhìn sáng suốt; người xuất gia khổ là vì muốn liễu sanh tử, muốn ra khỏi luân hồi.

Người đời ngày ngày đều quay đi quay lại đeo đuổi mấy thứ tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, hưởng thụ hoặc ngủ nghỉ), và luôn bị ngoại cảnh làm ô nhiễm tâm tánh; hoàn toàn không làm chủ chính mình.

Người tu thì cần rửa sạch những thứ cấu bẩn ấy. Kẻ tu dù đời sống có chật vật, song tâm an ổn, sáng suốt là đủ.

Khi còn ở đời, ai cũng chạy theo thứ hoa hòe bề ngoài. Có tiền thì sung sướng, không tiền thì khổ sở. Thế nên tính toán mọi cách để kiếm tiền. Rồi khi lòng truy cầu ham muốn nổi dậy thì tâm tánh sẽ hôn ám mê muội, hệt như kẻ say rượu vậy. Mọi việc ở đời đều không ra ngoài sự truy cầu, ham muốn; ai ai cũng vì kiếm ăn để sống cả.

Do đó, người xuất gia phải luôn phát khởi chánh niệm, suy tư đúng với chân lý; phải nói Pháp của Phật " như vậy mới giải thoát được.

Người tu chúng ta đừng nên tham lam thì mới trừ được phiền não, sân giận, si mê. Không nên có phong cách như người đời: ăn thì phải ăn ngon, ngủ thì phải ngủ đủ.

Người tu tự gọi mình là "bần tăng" (sư nghèo), là vì nếu cuộc sống càng giản dị bao nhiêu thì sự tu hành càng có tương ưng bấy nhiêu, chứ chẳng phải là càng giàu có sung túc hơn đâu! Nếu không như thế, cứ để lòng tham lam tồn tại, không chịu trừ khử; thì dù bạn nói mình tu hành, song vọng tưởng, phiền não từ lòng tham ấy vẫn ùn ùn kéo tới.

Người xuất gia và người đời khác nhau xa lắm. Người tu chẳng nói "đúng" hay "không đúng"; bởi "đúng" họ cũng nhận, mà "không đúng" họ cũng nhận. Cứ như vậy mà bạn tu hạnh Nhẫn-nhục, thì từ từ bạn sẽ trừ được ngã tướng.

Ở ngay giữa xã hội mà tu (ám chỉ kẻ tại gia), thì không dễ tu. Bởi vì áp lực của kẻ chung quanh sẽ làm bạn phải đồng ý theo họ; nếu không, họ sẽ công kích bạn. Do đó, người xuất gia thì tu có dễ dàng hơn.

Khi đã từng trải qua sóng gió trên trường đời, rồi mới vô chùa tiến tới một bước tu hành, làm hạnh Nhẫn-nhục, thì bạn dễ hòa đồng với kẻ khác lắm.

Hãy phát lòng tin, rằng: "Tôi nhất định phải thành Phật!" Nói ra như thế tức là có chí hướng thành Phật, thì bạn mới có động cơ khiến mình tinh tấn tu trì.

Đừng luôn khoe khoang, nói về chính mình, vì cái bản ngã sẽ làm chướng ngại việc tu.

Ngoài đời, bạn thích mặc áo quần đẹp đẽ, song vô chùa thì những thứ ấy không còn thích hợp nữa. Ở chùa, bạn mặc thứ y phục mà không người đời nào muốn mặc. Thói quen nóng nảy, giận dữ của bạn cũng phải sửa đổi một chút mới được. Cứ tu, thì bạn sẽ cảm biết thấu suốt mọi sự.

Xuất gia: có chánh niệm. Ngoài đời: chẳng có chánh niệm.

Đi tu và ở đời khác nhau.

Sinh hoạt của người đời giống hệt như ban ngày nằm mộng, mà ban đêm cũng là mộng " chiêm bao giấc mộng sanh tử luân hồi.

Người đời có thể hưởng thụ khoái lạc, đi chơi đâu đó, xem ra như là sung sướng lắm. Song khi cơn vui qua rồi thì đầu óc lại quay cuồng với đủ thứ vọng tưởng, phiền não; tâm không thanh tịnh đặng.

Người tu tuy áo quần, ăn uống, chỗ ở đều chẳng sung sướng gì, nhưng hễ khi làm xong việc gì mình cũng có thể ngồi xuống xếp bằng tĩnh tọa, niệm Phật, tu trì " tâm thần thanh tịnh, không phiền não, tức là có thể đưa tới chánh niệm.

Áo quần, chỗ ở, ăn uống tuy không sung túc, song mình tu hành thì có sự thanh tịnh. Khi tâm mình không có vấn vương mọi thứ, mọi việc gì; cứ mỗi ngày đều đều như vậy; thì đó là chốn thanh tịnh. Người đời chỉ có thể ở trong chốn Ngũ-trược, xấu ác mà thôi.

Nhiều người đời hy vọng con cái mình có nhiều bạn bè trai gái, thì họ mới vui. Song con cái đối với cha mẹ thì không chút lễ nghĩa gì, mà cha mẹ cũng thì cũng rất dễ dãi với con cái. Nếu người xuất gia mà còn thói quen thế tục, thích kết nhiều bè bạn, thì sau này sẽ còn nhiều "màn kịch" để họ diễn nữa!

Ở đời đa số con cái ai cũng ỷ lại cha mẹ, nên không biết trời đất to lớn ra sao. Khi xuất gia thì xung quanh toàn là sư huynh sư đệ; người nào lo làm tròn bổn phận người nấy, mà mình cũng phải lo làm công việc được giao phó. Do đó, ai cũng có tánh tự lập.

Làm người mà chịu đi tu thì mới đáng giá. Bởi vì nếu không vậy, mình cứ ở xã hội, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đến chết vẫn không buông xả được, và cũng không thanh thản ra đi đặng!

Người đời lấy khổ làm vui; đến lúc già rồi thì sợ chết, không buông xả đặng con cháu.

Người xuất gia chúng ta tuy tu Khổ-hạnh, song nếu vừa làm, vừa niệm Phật, thì lâu ngày chày tháng, mình sẽ thể hội được mọi chuyện trong sáu nẻo luân hồi. Khi ấy, mình sẽ sung sướng là đã may mắn được xuất gia.

Niệm Phật nhiều, đủ, thì trí huệ sẽ khai phát, sẽ giác ngộ; đến khi già mình sẽ không sợ chết vì mình đã có một Thế-giới Cực-lạc ở Tây-phương để tới
Nghiệp chướng của các bạn chồng chất như núi cao; không xuất gia thì bạn nào có cảm giác tới nó. Nhữ kẻ thiếu hiểu biết ngoài đời thì luôn luôn đi trên con đường tạo nghiệp. Người xuất gia thì đi con đường hết nghiệp, tiến thẳng tới Thế-giới Cực-lạc.

Cổ nhân dạy: "Một tấc Đạo, chín tấc ma" (tức là Đạo thì ít mà ma hay nghiệp chướng thì nhiều). Do đó, người tu càng tiến bước thì bao thứ ác niệm, thói hư tật xấu, từ nhiều đời trước sẽ nổi lên. Lúc ấy, bạn phải càng chịu khó chịu khổ hơn nữa thì mới từ từ làm nghiệp chướng tiêu tan. Đến khi lâm chung, sen vàng sẽ hiện ra rước bạn về Tây Phương.

Người đời thì làm sao hiểu đặng, do đó họ cứ ngày ngày đeo đuổi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp - ngày ngày tạo nghiệp. Đến khi lâm chung, quỷ La-sát hiện ra bắt họ, thì họ không đi cũng chẳng đặng!

Bây giờ mình không xuất gia tu hành, thì khi già mình cũng như cha mẹ mình: đầy dẫy phiền não, rồi rớt vào vòng luân hồi. Do đó, xuất gia là phải rồi! Các bạn không nên chấp trước, chẳng chịu học tấm gương của kẻ đi trước!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]