Mời xem toàn bộ tác phẩm:
Trí Quang Tự Truyện_HT Thích Trí Quang
Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang
HT. Thích Trí Quang
Giới thiệu:
Cuối năm 2011, thầy ThíchTrí Quang cho xuất bản ở trong nước cuốn “Trí Quang tự truyện” (2011 – Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Sài gòn).
Thầy Trí Quang là một trong những nhân vật được dư luận thế giới quan tâm trong nửa thế kỷ trở lại đây. Trong thập niên 1960 khi ông cầm đầu cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam, báo chí Mỹ tặng ông danh hiệu “Người làm rung chuyển nước Mỹ”. Sau ngày 30-4-1975 người Cộng sản để ông sống yên ổn và âm thầm tại chùa Ấn Quang ở Sài gòn. Nhưng lịch sử không để Thầy yên.
Các thế lực kình chống vẫn còn tìm cách bôi nhọ Thầy từ lập trường chính trị đến tác phong đạo đức. Người ta kết án Thầy và Phật giáo đã tiếp tay làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Người ta nói Thầy là đảng viên cộng sản cao cấp và còn đang âm thầm làm công tác chiến lược cho đảng. Sự thật ở đâu? Có thể cuốn “Trí Quang tự truyện” giúp trả lời một phần câu hỏi này?
Thầy Trí Quang là một tu sĩ Phật giáo chuyên trước tác và dịch kinh điển, nên lối hành văn của Thầy bị ảnh hưởng lối văn kinh điển làm cho câu văn trong cuốn Tự truyện nhiều chỗ khó hiểu. Do đó, trước khi đi vào những vấn đề liên quan đến Tự Truyện, tôi xin tóm tắt nội dung cuốn sách.
TBN
Cuốn Tự Truyện & Lai lịch Thầy Trí Quang
Cuốn sách in khổ nhỏ, dày 222 trang gồm cả bìa, cỡ chữ 18, in 3000 bản, ngoài bìa đánh số từ bản 1 đến bản 3000. Bản tôi đang dùng là bản số 2555.
Thầy Trí Quang sinh năm 1922 tại làng Diêm điền, tỉnh Quảng Bình, tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do, năm nay 90 tuổi. Ông là con thứ tư trong gia đình có 6 anh em trai, hai anh đầu khác mẹ. Cho đến năm 2011, chỉ còn người anh Phạm Minh lớn hơn ông 1 tuổi còn sống tại Quảng Bình. Gia đình ông theo đạo Phật. Cha ông bán thế xuất gia với ngài Thích Đắc Quang, pháp danh Hồng Nhật.
Năm 1928 khi ông lên 6, bố mẹ cho ông học chữ Hán và chữ quốc ngữ cho đến khi hoàn tất chương trình tiểu học của sở Học Chánh Đông Dương. Sau đó bố mẹ ông tập cho ông làm đất làm nương trong 3 năm.
Cuối thập niên 1930 tỉnh hội Phật giáp Quảng Bình được thành lập sau khi bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Tổng hội Phật giáo miền Trung tại Huế năm 1932. Năm 1938 bố mẹ ông quyết định cho ông xuất gia. Ông vào Huế theo học chương trình đào tạo tăng sĩ. Ông hoàn tất chương trình trong 6 năm, tốt nghiệp năm 1944.
Mùa hè năm 1946 thầy Trí Quang được mời ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán sứ. Cuối năm 1946 cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, việc thành lập Phật học viện dở dang. Thầy Trí Quang trở về Quảng Bình vừa kịp lúc thọ tang cha, và ở lại đó với Mẹ mấy tháng. Sau đó ông ra Huế tu tại chùa Tù Đàm.
Thầy Trí Quang không có ý lập chùa, thu nhận đệ tử, truyền y bát. Ở Huế Thầy tu tại chùa Từ Đàm. Sau này vào miền Nam Thầy ở khi thì chùa Ấn Quang, khi thì chùa Già Lam. Dành trọn thì giờ trước tác và dịch kinh điển. Công việc này được tiếp tục cho đến hôm nay. Ông nói bỏ thì giờ vài ba tuần để viết “Tự truyện” này ông cũng không yên tâm.
Thời gian tu học tại Huế (1938-1944) thầy Trí Quang trì chú tụng kinh, và ông tin sự trì tụng đã giúp ông thoát nạn nhiều lần.
Ngoài ra ông cũng từng để tâm suy nghĩ về “sự đô hộ của người Pháp và vị trí người tăng sĩ Phật giáo của ông”. Ông đọc nhiều sách báo Phật giáo như Hải triều âm, Phật giáo triết học của Phan Văn Hùm, Phật giáo đại quan của Phạm Quỳnh, tiểu phẩm của thánh Gandhi, tài liệu chuyền tay của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục như Thế giới Sử cương và Cách Mạng Tháng Mười … Thầy có đọc “Bản tường trình sự cần thiết thành lập Việt Minh” của Trương Chinh nói về quan điểm “giải phóng dân tộc”. Thầy Trí Quang nói Thầy hiểu sau “giải phóng dân tộc” còn gì nữa chứ không phải ngưng ở đó. Thầy ngụ ý Thầy lo ở cái “còn gì nữa” đó. Nhưng Thầy nghĩ vì các khuynh hướng chính trị chống Pháp khác đều bị làm cỏ cả thì còn có lựa chọn nào khác ngoài Việt Minh.
Đầu năm 1947 Pháp chiếm Quảng Bình, thầy Trí Quang cùng với Mẹ và dân làng tản cư lên vùng “Mãi Đắng” cách thành phố Quảng Bình 13km. Sau đó thầy Trí Quang từ biệt Mẹ vào chiến khu chống Pháp, phụ trách quận hội của Liên Việt. Tháng 10, 1947 ông được tin Mẹ bệnh nặng do Đại đội trưởng một đại đội tự vệ hoạt động trong thành phố tên là Thế cho biết. Được phép của Ủy ban kháng chiến và sự dẫn đường của Thế, ông đã vượt qua bao nhiêu gian lao nguy hiểm vào thành thăm Mẹ. Sau đó nhờ sự can thiệp của Thế ông được Tổ chức cho phép ở lại săn sóc Mẹ.
Ở với Mẹ được một năm Mẹ Thầy ngỏ ý muốn Thầy hoàn tục lấy vợ để nối dõi tông đường. Thầy từ chối. Đang dùng dằng với Mẹ thì thầy Trí Quang được giới tu sĩ tại Huế mời vào Huế.
Thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam
Năm 1950 Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới (LMHN/PTTG) được thành lập tại Tích Lan. Hòa thượng Tố Liên đại diện phía Việt Nam quốc gia đi tham dự. Trở về HT Tố Liên vận động thành lập chi bộ Việt Nam của Liên Minh Phật tử Thế giới. Thầy Trí Quang đề nghị nhân dịp này thành lập một Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (THPGVN) để họat động song hành với Liên Minh. THPGVN được tạm thời thành lập, suy cử Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đương kim Pháp chủ Tăng Già miền Trung làm Tổng Hội chủ lâm thời, và Hòa Thượng Thích Trí Thủ đương kim Hội trưởng Hội Phật học miền Trung làm trưởng ban Tổ chức đại hội chính thức thành lập THPGVN vào ngày lễ Phật Đản năm sau (1951).
Tại đại hội 1951 triệu tập tại chùa Từ Đàm, Huế, bài hát “Phật Giáo Việt Nam” được hát lên lần đầu tiên, Hiến chương THPGVN được công bố, và nghị quyết công nhận cờ Phật giáo thế giới của LMHN/PTTG được thông qua. Theo Hiến Chương THPGVN được đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Trung ương (HĐQTTW) gồm Tổng hội chủ (HT Tịnh Khiết), một Phó Hội chủ Tăng già (HT Trí Hải), một Phó Hội chủ cư sĩ (cụ Lê Văn Định), một Tổng thư ký (ông Tráng Đinh), và nhiều thành viên phụ trách các Ban, trong đó có thầy Trí Quang.
Khi trình báo với chính quyền, ông tổng trưởng bộ Nội vụ yêu cầu THPGVN áp dụng Dụ số 10 do Quốc trưởng Bảo Đại ban hành năm 1950. Đạo Dụ này xem các tổ chức tôn giáo là những Hiệp hội như các hội Tiểu Thương, hội Đá Bóng, Hội Ái Hữu…ngoại trừ Điều 44 của đạo Dụ quy định một “Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau.”
Chính quyền yều cầu tu chính Hiến chương tách Tăng Già ra khỏi Cư sĩ. Tiếp theo tòa đại biểu miền Trung lệnh cho Tổng hội hạ bảng trụ sở, nộp khuôn dấu, ép ông Lê Văn Định từ chức và bắt giam ông Tráng Đinh về tội thành lập THPGVN một cách bất hợp pháp. Đồng thời dấu hiệu kỳ thị Phật giáo bắt đầu xuất hiện nhiều nơi trên toàn quốc.
Tiếp theo là thời kỳ phân chia đất nước 1954-1955. Thầy Trí Quang ghi trong tự truyện: “Đây là thời điểm mà tổ quốc phân chia Nam Bắc. Tôi nghĩ tôi nên đứng ở cương vị thuần túy Phật giáo không nên có ý kiến về việc đời quan trong. Chỉ đánh dấu tâm tư bằng dấu ẩn mà thôi.”
Năm 1956 thầy Trí Quang được tin Mẹ bị đấu tố tại Quảng Bình. Thầy ghi trong tự truyện: “Mẹ khốn khổ của tôi bị đấu tố. Tôi không đủ can đảm nhớ lại cho hết, ghi lại cho đủ, chỉ đánh dấu vài dấu than mà thôi.” Thầy vào Nha Trang tu tâm dưỡng tánh trong 4 năm từ 1956 đến 1960. Thầy trở lại Huế mấy năm thì năm 1963 vụ “cấm treo cờ Phật giáo” xẩy ra.
Thầy vắn tắt thuật lại về tổ chức của THPGVN gồm 3 miền Bắc, Trung Nam, mỗi miền có hai tập đoàn tăng già và cư sĩ. Hai tập đoàn của miền Trung là Giáo Hội Tăng Già Trung phần và Hội Phật Giáo Trung phần đặt dưới sự lãnh đạo của một ban trị sự gọi là Tổng Trị Sự do thầy Trí Quang cầm đầu.Tám năm trước, chức vụ này do ngài Thích Tịnh Khiết, nhưng nay ngài cần tịnh trú. Và do cơ duyên đó thầy Trí Quang đã trở thành nhân vật chính trong cuộc “Vận động 1963 của Phật gíáo.”
Cuộc “Vận động 1963 của Phật giáo
Hằng năm nhân ngày Phật Đản thành phố Huế rực cờ Phật giáo Thế giới. Thường buổi lễ Phật Đản tổ chức buổi sáng tại chùa Từ Đàm, buổi chiều được đài phát thanh Huế phát lại. Ông Ngô Đình Cẩn là người luôn khuyến khích sinh hoạt tôn giáo hài hòa. Năm 1963 đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục muốn thấy quang cảnh tại Huế trong ngày Phật Đản ít tưng bừng hơn vì ông Giám mục đang vận động tòa thánh Vatican để trở thành Hồng Y. Ý muốn của đức Giám mục trở thành lệnh của chính quyền. Mấy ngày trước Phật Đản, ông tỉnh trưởng Thừa Thiên, kiêm thị trưởng Huế Nguyễn Văn Đẳng đến truyền lệnh và yêu cầu thầy Trí Quang khuyên Phật tử đừng treo cờ Phật gíao trong dịp Phật đản. Thầy Trí Quang từ chối.
Sáng ngày 14/4 âm lịch, ông cố vấn Ngô Đình Cẩn mời họp trấn an thầy Trí Quang cho biết ông sẽ can thiệp để Sài gòn bỏ lệnh cấm treo cờ. Nhưng sự can thiệp của ông Cẩn không có kết quả. Chiều ngày 14 và trong đêm 14 rạng ngày 15 cảnh sát vẫn đi hạ cờ. Cả thành phố Huế náo động. Thầy Trí Quang quyết định sáng ngày 15/4 sẽ bày tỏ thái độ phản đối hành động kỳ thị tôn giáo của chính quyền trong khi hành lễ Phật Đản.
Buổi chiều ngày 15/4, khi không thấy đài phát thanh Huế phát thanh buỗi lễ, Phật tử ùn ùn kéo đến đài (nằm đầu cầu Trường Tiền bên hữu ngạn sông Hương) hỏi lý do. Trong khi ông Thị trưởng, thầy Trí Quang và ông Giám đốc đài đang gặp nhau trao đổi ý kiến tìm cách giải quyết thì ngoài sân xe tăng bảo vệ đài cán vào người biểu tình và có tiếng nổ. Một số em Phật tử bị giết.
Thành phố Huế đình công bãi thị. Ngày 17/4 thầy Trí Quang và ban Tổng Trị Sự quyết định chọn ngày 21/4 âm lịch, ngày thất tuần đầu tiên của Phật tử tử nạn để phát động cuộc “Vận Động của Phật giáo”. HT Trí thủ làm Trưởng ban, HT Thiện Minh và Thiện Siêu thảo Tuyên Ngôn, thầy Trí Quang viết điện văn gởi ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thông báo chính quyền Nam Việt Nam vi phạm nhân quyền. Điện văn gồm 3 điểm: (1) Chính quyền cản trở lễ Phật Đản, (2) Chính quyền triệt cờ Phật giáo thế giới, (3) Chính quyền khủng bố trắng sự phản kháng bất bạo động của Phật tử bằng chiến xa.
Ngày 18 tại chùa Từ Đàm thầy Trí Quang thuyết trình cho nhân sĩ và trí thức Huế về nội dung cuộc “Vận động” trọng tâm là phản đối “Dụ số 10” do quốc trưởng Bảo Đại ký ban hành năm 1950. Thầy cho biết năm 1956, sau khi trưng cầu dân ý hạ bệ Quốc trưởng Bảo Đại, tổng thống Ngô Đình Diệm hủy bỏ hầu hết các đạo Dụ do ông Bảo Đại ban hành, ngoại trừ Dụ số 10.
Thầy long trọng xác định lập trường của Phật giáo là: Bằng phương cách bất bạo động, Phật giáo chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật giáo của chính phủ, không bước qua điạ hạt quyền chức chính quyền. Phật giáo không xem Thiên chúa giáo là đối nghịch, hoàn toàn thông cảm thái độ củaTòa thánh La Mã, và yêu cầu hai bên đối trận (Nam và Bắc) đừng khai thác cuộc vận động của Phật giáo cho mục tiêu chính trị của mình.
Ngày 21/4 sau khi làm lễ tuần, công bố Tuyên Ngôn, ba đại lão Thuyền Tôn, Tây Thiên và Vạn Phước đều trên 100 tuổi cùng Phật tử đi bộ đến tỉnh đường trao tuyên ngôn.
Sau khi ra Tuyên Ngôn, thầy Trí Quang và Tỉnh hội Thừa Thiên chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn trên toàn tỉnh vào ngày nhị thất trai tuần 28/4. Phía chính quyền cho phong tỏa cắt điện cắt nước chùa Từ Đàm và cho xe thiết giáp trấn hai đường Nam giao và Bến ngự dẫn đến chùa.
Trong khi đó tại Sài gòn Hòa Thượng Tâm Châu và cư sĩ Mai Thọ Truyền thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo nhập cuộc tranh đấu. Ngày 27/4 âm lịch (nhằm ngày 11/6/1963 dương lịch) Hòa Thượng Thích Quảng Đức (trụ trì chùa Phước Hòa) tự thiêu trước tòa đại sứ Cambodia làm xúc động lương tâm tổng thống Diệm và toàn thể thế giới. Chính phủ kêu gọi Phật giáo bình tĩnh để nói chuyện hòa giải. Chùa Từ Đàm được giải tỏa.
Cuộc biểu tình vĩ đại dự trù vào ngày nhị thất trai tuần tại Huế được tạm ngưng. Hòa Thượng Tịnh Khiết, Thiện Minh và thầy Trí Quang được chính quyền cấp phương tiện bay vào Sài gòn dự hiệp thương hòa giải do chính quyền triệu tập ngày 13/6 và do Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ chủ tọa.
Một bản “Thông cáo chung” được ký kết ngày 16/6 giải quyết hầu hết các nguyện vọng của Phật giáo. Tổng thống Diệm bút phê chấp thuận “sau Hiến Pháp còn có tôi.” Để chứng tỏ thiện chí, đồng thời tránh căng thẳng gây đổ máu Ủy ban Liên Phái tạm ngưng tang lễ của HT Quảng Đức dự trù có sự tham dự của quần chúng trong ngày 16/6. Đến ngày 19/6 mới cử hành tang lễ và chỉ dành cho tăng ni tham dự.
Tuy nhiên tình hình đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh, và những lời tuyên bố xúc phạm kết án Phật tử “nướng” Hòa thượng Quảng Đức của bà Ngô Đình Nhu làm cho không khí đấu tranh tại Sài gòn lại trở nên căng thẳng.
Trong “Tự Truyện” Thầy Trí Quang thuật lại 3 cuộc biểu tình ông còn nhớ: Hòa Thượng Quảng Độ biểu tình tại chợ Bến Thành bị đánh vỡ đầu, chở lên xe cây đưa về nhốt tại An Dưỡng Địa. Cuộc biểu tình thứ hai do Đại đức Quảng Hương cùng với sự trợ lực của HT Tâm Châu, Đức Nghiệp kéo đến tư thất đại sứ Hoa Kỳ trương biểu ngữ yêu cầu Hoa Kỳ xét lại viện trợ cho một chính quyền đàn áp tôn giáo. Và cuộc biểu tình thứ ba do em Quách Thị Trang dẫn đầu tại bùng binh chợ Bến Thành sáng sớm ngày 21/8 sau khi tổng thống Diệm ban hành lệnh giới nghiêm càn quét các chùa Xá Lợi, Ấn Quang … bắt tất cả tăng ni các cấp về nhốt tại Rạch Dừa trong đêm 20/8. Em Quách Thị Trang, mình quấn biểu ngữ cùng các mẹ, các chị băng qua hàng rào cảnh sát miệng hô to “trả Thầy của chúng tôi” và bị bắn chết tại chỗ.
Tại Rạch Dừa trong đêm 20/8 cảnh sát lập lý lịch để bắt các Thầy lãnh đạo phong trào. Các HT Tâm Châu, Đức Nghiệp, Hộ Gíac, Tâm Giác đều sa lưới. Các sư đệ tìm cách bảo vệ tôi. Một thầy tách tôi ra khỏi nhóm Xá Lợi qua nhập với nhóm Già Lam. Mấy giờ sau cảnh sát dẫn cụ Mai Thọ Truyền vào hỏi ai là Trí Quang. Cụ Mai Thọ Truyền lướt nhìn một lượt, chúng tôi bốn mắt chạm nhau thật nhanh, và cụ Mai Thọ Truyền lắc đầu nói “không có, không có”. Cái màn khai lý lịch, lăn tay chụp hình mới ly kỳ. Thầy Nhật Thiện, sư đệ của tôi quan hệ thế nào với toán lập hồ sơ không biết. Tôi khai tên Đinh Văn Tánh, nhưng khi chụp hình và lăn tay trên bản lý lịch thì lại là hai người khác. Cảnh sát làm việc không ngước mắt lên.
Ngày 29/8 (nhằm ngày 11/7 âm lịch) chính quyền lệnh cho các tăng ni về các chùa liên hệ ăn Vu Lan, cũng là dịp chia ra thanh lọc để tìm bắt thầy Trí Quang. Thầy Đinh Văn Tánh khai thuộc Pháp Quang và được đưa về Pháp Quang. Đang tắm rữa, thầy Trí Quang thấy cảnh sát vào chất vấn sư cụ trụ trì đòi nhận diện chư tăng mới được tha về. Biết bị lộ thầy Trí Quang nhanh trí giả đến xin sự trụ trì đi đến Ấn Quang đưa cái thư cám ơn sự cụ bảo mang đến cho HT Thiện Hòa mà chưa đi được. Sư cụ hiểu ý, khoát tay bảo đi nhanh lên. Cảnh sát không nghi ngờ.Thầy Trí Quang , thầy Nhật Thiện và một Thầy nữa là sư Nhâm ra cỗng lấy xe taxi đi Ấn Quang. Biết các taxi đều của cảnh sát trá hình công tác, ngồi trên xe thầy Trí Quang than phiền tu hành rắc rối và nói sau vụ này hoàn tục không tu nữa. Sau đó nhờ tài xế lái ra đường Hàm Nghi để mua thuốc nhức đầu rồi cả 3 người lẻn vào tòa đại sứ Mỹ xin tị nạn.
Thầy Trí Quang tị nạn ở đó cho đến ngày đảo chánh mới trở lại chùa. Thầy nói rằng nếu bị bắt ông sẽ bị thủ tiêu nên Thầy “không có cách nào khác hơn là đến tòa đại sứ Mỹ.” Và thầy Trí Quang cũng đã nói với viên chức tòa đại sứ rằng “tôi vào đây còn muốn nhìn thấy người Mỹ giải quyết như thế nào về vấn đề mà người Mỹ có trách nhiệm.” Khi ra về người Mỹ khuyên Thầy nên góp ý kiến với chế độ mới. Thầy Trí Quang nói thầy nghĩ đến tình hình Hàn quốc đảo chánh lên đảo chánh xuống sau khi Lý Thừa Vãn bị lật đổ nên nói “nhưng không nên đảo chánh nữa.” Viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ im lặng.
Sau đảo chánh thầy Trí Quang giúp thành lập GHPG/VNTN, và nói việc thành lập này “đối nội, đối ngoại đầy những sự khó vui.” GHPG/VNTN gồm hai Viện, Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo. Thầy Trí Quang xin giữ nhiệm vụ Chánh thư ký viện Tăng Thống để “ẩn mình” và tiếp tục “dịch giải kinh sách” như ý nguyện.
Trong tự truyện thầy Trí Quang ghi lại việc làm của một sốnhân vật liên hệ:
(1) Hòa thượng Chơn Trí và một nam huynh trưởng Gia đình Phật tử tên là Gái đã huy động lực lượng Phật tử hữu hiệu đóng góp cho hai ngày 14 & 15 tháng 4 âm lịch.
(2) Ba thanh niên Bôi (Lê Hữu Bôi – đã qua đời), Nho (Nguyễn Trọng Nho?), và Doãn (?) đã hoạt động không ngại gian nguy sau ngày thiết quân luật.
(3) Ông tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng trong hoàn cảnh “trên đe dưới búa” đã hành xử xứng đáng là một công bộc và một Phật tử.
(4) Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, ân nhân gia đình ông Diệm, đã hết lòng tham gia cuộc vận động 1963 của Phật giáo để bị mất sạch và tù đày.
(5) Thầy Nhất Hạnh và bác sĩ W. (Dr. Wulss dạy Y khoa Huế) ở nước ngoài đã giúp nhiều cho cuộc vận động.
(6) Bác sĩ Bửu Hội ân hận vì ở bên ngoài tuyên bố Phật giáo không bị kỳ thị, khi trở về thăm Mẹ là sư bà Diệu Huệ đã gíup mang 5 vali tài liệu với đầy đủ chứng cớ kỳ thị Phật giáo chuyển cho ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
(7) HT Trí Quảng vận động học sinh tham gia cuộc vận động rất thành công.
(8) Hai HT Hộ Giác và Giác Đức vì công kích bà Ngô Đình Nhu khi bị bắt đã được cơ quan an ninh “hỏi thăm sức khỏe khá ân cần”.
Thầy Trí Quang còn thuật lại rằng:
Trong đêm giới nghiêm, trước khi Lực lượng Đặc biệt đánh chùa, tòa đại sứ Thái Lan và Nhật Bản cho người nhắn Thầy cho biết họ sẵn sàng mở cửa tòa đại sứ cho Thầy tá túc. Thầy Trí Quang khước từ .
Vụ Phật giáo miền Trung chống chính quyền quân nhân năm 1966
Năm 1966, trong vụ một số sĩ quan và quân nhân Vùng I Chiến thuật bất tuân lệnh của chính phủ Trung ương có liên hệ đến vai trò của Phật giáo và cá nhân thầy Trí Quang thì Thầy chỉ ngắn gọn vài trang cuối cùng.
Thầy Trí Quang không hề nhắc tên một vịTướng lãnh nào và chỉ tóm tắt rằng do Phật giáo vận động bầu Quốc hội Lập hiến (TBN: sau khi chính phủ Phan Huy Quát bị các tướng trẻ lật đổ và quyền lãnh đạo quốc gia vào tay quân nhân cầm đầu bởi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ) Phật giáo trở nên xung khắc với chính quyền quân nhân, và Thầy miêu tả Thầy “chữa lửa mà bị cho là đốt nhà”. Thầy nói khi đòi bầu Quốc hội Lập hiến Thầy “mong quần chúng có cơ cấu sinh hoạt chính trị, Phật giáo có thể rút mình ra.” Nhưng Thầy than: “họa hổ bất thành phản loại cẩu” (vẽ cọp biến thành vẽ chó).
Thầy cho rằng bản chất của vụ việc là các Tướng, tướng nào “cũng thấy mình có thể làm nên chuyện” và Phật giáo bị cuốn hút vào cuộc “là vì cái tính giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha, nên bị lợi dụng.” Thầy Trí Quang bình luận rằng có ông Tướng “nghĩ mình dẹp lọan được” thì ngon. Không ngờ “bị buộc phải khuất thân đối với kẻ thật ra là ăn nhờ.” (TBN: thầy Trí Quang muốn nói ông Kỳ làm mà ông Thiệu hưởng).
Về vụ “bàn thờ Phật xuống đường” tại Huế , thầy Trí Quang nói sự thật là: Một đơn vị thiết giáp được gởi từ Quảng Trị vào. Đến cầu An Hòa, vị sĩ quan chỉ huy có sáng kiến bảo Phật tử mang bàn thờ ra đường để ông báo cáo cấp trên không tiến quân được. Trong một thời gian ngắn bàn thờ xuống đầy thành phố. Phật tử đến hỏi ý kiến. Thầy Trí Quang viết: “Tôi hỏi ông Thiện Siêu đang có mặt. Ông nói, thụ động chứ biết làm sao. Thực tế tôi cũng không thể bảo ngưng được nữa. Bàn Phật đã có sâu trong thành phố rồi. Chưa bao giờ, mà bây giờ, tôi phải xúc phạm sự tôn nghiêm đếm mức độ này”.
Cuối tháng 5/1966 Thầy Trí Quang tuyệt thực phản đối khi quân chính phủ tiến vào thành phố Huế để ổn định tình hình. Thầy bị bắt đưa vào Sài gòn giam tại một bệnh viện tư (TBN: bệnh viện bác sĩ Nguyễn DuyTài ở đường Duy Tân).
Thầy tiếp tục cuộc tuyệt thực 100 ngày và sống sót. Thầy kể trong thời gian tuyệt thực có 3 vận động quốc tế liên quan đến Thầy: (1) Một nữ giáo sư Luật người Âu đang dạy học tại Ấn độ nói thần linh bảo cô đến làm phép và săn sóc Thầy. Thầy Trí Quang bình luận “âm mưu rất tồi cũng được dùng tới” (2) Ý đại lợi cho xe ngoại giao đoàn mời Thầy sang Ý nghỉ ngơi, (3) Một dân biểu Nhật Bản nói thủ tướng Nhật nhờ chuyển lời mời Thầy qua Nhật. Thủ tướng Nhật dành một ngôi chùa rộng và để riêng 1 triệu mỹ kim cho Thầy tiêu dùng. Thầy Trí Quang trả lời Thầy không có ý định nhờ ai săn sóc và đi đâu cả.
Suy tư của người đọc
Tôi thật bứt rứt khi đọc xong tự truyện của thầy Trí Quang. Muốn hay không muốn thầy Trí Quang là một nhân vật lịch sử, gần như đi vào huyền thoại. Thầy đang sống mà có kẻ xem Thầy như Thánh. Nhưng cũng có những thế lực đen tối, những đệ tử của Phật bán linh hồn cho quỹ sứ tìm cách nhận chìm Thầy trong hỏa ngục. Tôi bứt rứt vì tự truyện của Thầy không soi sáng gì thêm cho lịch sử.
Về phương diện văn từ, ngoài việc tự truyện bị ảnh hưởng văn của kinh điển nhà Phật, lối hành văn cũng không được rõ ràng khúc chiết. Tôi tự hỏi: ảnh hưởng của tuổi tác chăng? Khi viết tự truyện Thầy đã 89 tuổi. Lớp tuổi của chúng tôi sinh trong thập niên 1930, 1940 trải qua giai đoạn sóng gío của Thầy đọc tự truyện còn thấy khó, huống gì lớp hậu sinh.
Qua tự truyện, giai đoạn “vận động đòi bình đẳng tôn giáo” trước và trong năm 1963 Thầy viết rõ với nhiều chi tiết. Nhưng giai đoạn từ 1963 đến 1975 Thầy viết rất ít về vai trò của Thầy và của Phật giáo, nhất là vụ đụng độc với chính quyền quân nhân năm 1966.
Những nét chấm phá của Thầy liên quan đến giai đoạn căng thẳng tại miền Trung trong năm 1966 không soi sáng thêm vào mấy trang sử . Nhưng không thể chỉ đơn giản “là vì cái tính giữa đường thấy chuyện bất bình mà tha, nên bị lợi dụng.”
Sau năm 1963 Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến tình hình xã hội và chính trị tại miền Nam. Hai tu sĩ năng động nhất là HT Thiện Minh ở Sài gòn và thầy Trí Quang ở Huế, chính yếu là thầy Trí Quang. Huế, thành phố lớn của Vùng I chiến thuật trở thành trung tâm sinh hoạt của Phật giáo. Chương trình của Phật giáo là: Thứ nhất, tổ chức Gíao hội và duy trì đòan kết nội bộ (Bắc tông, Nam tông …). Thứ hai chống nạn quân phiệt. Thứ ba giải quyết chiến tranh. Chương trình này đụng chạm đến quyền lợi của tôn giáo khác, quyền lợi của các ông Tướng, và chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ.
Chính phủ dân sự Phan Huy Quát được Phật giáo ủng hộ bị lật đổ giữa năm 1965 đưa tướng Nguyễn Cao Kỳ vào chức thủ tướng. Ông Kỳ, nhiều tham vọng lo ngại Phật giáo nên rất ghét thầy Trí Quang. Trong khi tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Vùng I dựa vào thế Phật giáo coi thường Kỳ.
Tháng 3/1966 Kỳ thay thế tướng Thi. Phật giáo miền Trung phản đối (với sự ủng hộ của nhiều sĩ quan và binh sĩ Vùng I) và phát động nguyện vọng đòi bầu cử Quốc hội Lập hiến để thành lập chính phủ dân sự. Trong thâm tâm có thể thầy Trí Quang nghĩ một chính phủ dân sự có thể nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng (MYGP) miền Nam tạo thành một chính phủ đoàn kết dân tộc đi đến chấm dứt chiến tranh. Nhìn lại chương trình này là một ảo tưởng trước thực tế của chính sách Hoa Kỳ và quyết tâm của cộng sản Hà Nội dùng “con búp bê” MTGP để cộng sản hóa miền Nam. Và sự sai lầm này trong sách lược giải hòa và chấm dứt chiến tranh của Phật giáo xuýt đưa đến nội chiến, mà kẻ hưởng lợi chỉ có thể là cộng sản Hà Nội.
Sau cùng nguyện vọng bầu cử Quốc hội Lập Hiến, thành lập chế độ dân sự của Phật giáo cũng được thực thi, nhưng chỉ thay cái bình để đổ vào đó thứ rượu cũ. Tướng Thiệu và tướng Kỳ trong hai bộ áo “dân sự” và tập đoàn tướng lãnh vẫn là tập đoàn lãnh đạo vói chương trình chiến tranh trong tay người Mỹ.
Tôi tiếc qua Tự truyện thầy Trí Quang đã không nói hết. Tôi không hiểu Thầy kẹt gì mà không nói hết. Con chim sắp lià đời không kêu thì thôi, nếu kêu cần để lại một cái gì!
Kết thúc tự truyện Thầy viết:
“Tôi không biết gì, không có ý gì nên cuộc đời tôi không vẫn hoàn không” là một tiếng kêu chân thật cho mọi cuộc đời kể cả cuộc đời của các vĩ nhân. Nghĩ cho cùng ai cũng như chiếc lá giữa dòng, hành động đúng sai, sai đúng rồi “không vẫn hoàn không”. Thầy Trí Quang đã sống một cuộc đời một người dân nước Việt, một đệ tử Phật chân chính, đạo hạnh vẹn toàn. Đúng sai của Thầy không làm cho Thầy tốt hơn hay xấu nếu Thầy đã hành xử tư cách của Thầy bằng cái tâm trong sáng của Thầy.
Nhưng khi Thầy lý giải Tự truyện này “không thể không có nên phải viết phải in” thì tôi không thể không tự hỏi: “Có cái gì trong đó đâu mà ‘không thể không có nên phải viết phải in’”!
Thầy Trí Quang là một nhân vật huyền thoại. Đọc tự truyện của Thầy rồi vẫn thấy Thầy còn là một huyền thoại.
April 15, 2012
Trần Bình Nam
Gửi ý kiến của bạn