- Phần mở đầu
- Bài 1 - Tôn kính Phật
- Bài 2 - Kính Trọng Pháp
- Bài 3 - Cung Kính Tăng
- Bài 4 - Trụ Am Thất
- Bài 5 - Hầu Thầy
- Bài 6 - Phụng Dưỡng Người Thân
- Bài 7 - Làm Bồ Tát Ở Nhà
- Bài 8 - Tiếp Đãi Khách
- Bài 9 - Đọc Kinh Sách
- Bài 10 - Làm Quan Chức
- Bài 11 - Làm Thương Mại
- Bài 12 - Làm Nghề Nông
- Bài 13 - Làm Công Cho Người
- Bài 14 - Làm Việc Chúng
- Bài 15 - Lễ Bái Tụng Niệm
- Bài 16 - Ngồi Thiền
- Bài 17 - Nghi Biểu Khi Ăn
- Bài 18 - Ngủ Nghỉ
- Bài 19 - Cùng Người Chung Ở
- Bài 20 - Chăm Sóc Người Bệnh
- Bài 21 - Nhập Thất Tịnh Tu
- Bài 22 - Duyên Sự Khi Ra Ngoài
- Bài 23 - Tống Táng Hậu Sự
- Bài 24 - Các Việc Trong Thiền Đường
- Phần Phụ Lục Lời Di Chúc - Dặn Dò Những Điều Cần Thiết Lúc Lâm Chung
- Những Điều Gia Quyến Cần Biết - Hộ Niệm Lúc Lâm Chung
- Điều Cần Biết Khi Hộ Niệm
- Khai Thị Cho Người Lúc Lâm Chung Pháp Ngữ Của Đại Sư Ấn Quang
- Quy Tắc Và Ý Nghĩa Của Sự Hộ Niệm - Tuyết Lư Lão Nhân Giảng
Học Phật Hành Nghi
Bài 15 - Lễ bái tụng niệm
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Phàm sa-môn, cư sĩ niệm tụng, cần phải từng chữ từng câu niệm liên tục nối nhau, nên dùng một bản đồng âm, chẳng được mỗi câu ngưng nghỉ, chẳng được cao thấp không chừng, đều dùng phạm âm, chẳng được tụng quái âm dị vận. Những phép tắc trong đó cần phải hướng trước các bậc đại đức học tập, chẳng nên e thẹn hay khinh mạn mà không chịu học hỏi. Nếu xướng tán niệm tụng, càng cần phải học cho tinh thuần, chẳng được đến lúc lên khóa lễ mới học tập khiến cho thất nghi. Nếu chẳng học tập, đến khi cùng đọc tụng sẽ làm mình người bị động niệm vậy.
Lời phụ: Trong ý nghĩa và cách tụng niệm nói: tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo hạt giống Bồ-đề giải thoát vào tâm thức.
Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, để kềm chế thân khẩu ý trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, không được nói năng, hành động, buông lung theo tập quán tham dục thấp hèn.
Tụng niệm cầu an để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng do lỗi xưa gây tạo.
Tụng niệm cầu siêu để chuyển hóa tâm niệm xấu ác, khiến kia nghe được rời khỏi cảnh giới tối tăm, sanh về cõi tịnh.
Tụng niệm để cho tiếng Pháp-âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi loài cải tà quy chánh.
Tụng niệm để nhắc nhở mình người tiến tu trên đường học đạo.
Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Với những ý nghĩa như thế, chúng ta cần học tập xướng tụng một cách nghiêm túc, chẳng phải học tán tụng để làm đình đám rình rang. Song phải biết, Kinh, Sám là ngôi Pháp bảo vô thượng của chư Phật Như lai, nếu ta thành tâm trì tụng thời một câu một kệ cũng khiến kia tội diệt phước sanh, gieo trồng được hạt giống Bồ-đề. Chẳng đợi khua chiên gióng trống mới thành bài bản vậy.
Phàm dụng pháp khí, chẳng được lúc mạnh lúc nhẹ mất âm thanh, chẳng được đánh loạn lên. Phàm khi niệm tụng, chẳng được cố nhìn đông ngó tây. Phàm kinh hành, chẳng được trước sau cách nhau quá xa hay tích tụ thành đống, chẳng được trái phải ngoằn ngoèo, chẳng được hỷ nước mũi nhổ nước miếng dọc lề đường, nếu biết tự thân có bệnh nên dự trước lấy khăn tay để tiện cho việc lau đờm giãi che giấu đi.
Lời phụ: Riêng tụng hoặc đại chúng đồng tụng, hoặc thí chủ phát tâm tụng cũng phải nên qui định trước. Pháp khí trong chùa là pháp lệnh cả thiên long bát bộ, chẳng được đánh loạn, chẳng được tùy tiện dời đổi. Cho nên, chuông bảng ở chùa rất hệ trọng, chỉ người có trách nhiệm phụ trách đúng giờ giấc, không được sái trễ làm động chúng.
Khi cùng đại chúng cộng tu, trước nên giảng rõ những quy tắc căn bản cũng như thực tập sơ về lễ nghi sẽ được tiến hành trong pháp hội, để việc cộng tu được nhiều lợi lạc, tránh đi những vụn vặt phiền não không cần thiết.
Bách Trượng Thanh Quy nói: Nương đạo tràng đối trước kinh tượng, tưởng như đối trước Phật. Tụng kinh văn nghĩ tới nghĩa Kinh; làm việc gì cho đạt kết quả ắt làm cho thân, miệng, tâm hợp nhau, không hôn trầm (ngủ gục), không tán loạn, không giãi đãi, không tham lợi; biết nhân quả, biết tàm quí, sợ nghiệp lực. Được như thế thì không cần độ người mà người tự độ; không chờ lợi ích mà tự lợi ích. Cho nên nói rằng: người lấy của cho ta, ta đem pháp cho người, so ra 2 việc bố thí không khác mà do nơi ta có thể quyền phương tiện làm, thí như đánh trống.
Không đọc ra tiếng hoặc không biết chữ mà xem Kinh, lễ sám như chày giã gạo. Không quán tưởng nên tâm không thành thật; thân đối trước tôn tượng mà mắt nhìn hướng khác, miệng tụng kinh sám mà tâm dấy niệm riêng tư. Như thế đạo pháp làm sao không suy vi, tương lai chính ta chịu khổ. Lấy pháp tự lợi làm lợi người; trái lại lấy cái sai lầm của mình gán cho người tội sai lầm, há không cẩn thận sao?
Phàm lễ bái, cần phải lên xuống nhịp nhàng tề chỉnh đều nhau, chẳng được kẻ trước người sau. Phàm chắp tay chào hỏi, nên cúi gập thân mình đến nửa eo lưng, chẳng nên quá thấp hay chỉ đến nửa vời. Phàm chắp tay chẳng được mười ngón so le, chẳng được trống rỗng ở giữa, phải để ngang ngực cao thấp đúng chỗ, chẳng được lấy ngón tay cắm trong lỗ mũi. Lễ tụng xong, phải theo thứ tự như nối đuôi cá mà lui ra, chẳng được trước sau bất nhất.
Lời phụ: Oai nghi tăng chú viết: phàm lễ bái chẳng được đứng ở chính giữa, ấy là để nhường chỗ cho vị trụ trì. Có người lễ Phật ta chẳng được đứng gần và đi ngang qua trước đầu người lạy.
Văn nói: chắp tay chẳng được so le hay trống rỗng ở giữa vì đấy đều thuộc về lối biếng nhác. Nhét trong mũi và cao thấp ấy là oai nghi không nhằm phép, có cái lỗi về sự quán tưởng và chiêm ngưỡng vậy.
Thầy lạy Phật chẳng đặng cùng thầy đồng lạy, phải theo sau và lạy cách xa. Thầy xá chào người, không được đồng thầy cùng xá. Cùng thầy đồng lạy đồng xá thời mất phép tôn ti, Lạy theo sau và lạy cách xa nghĩa là lạy ở sau thân thầy và cũng chẳng phải khít gần một bên.
Phàm lễ kính, phải tinh thành quán tưởng. Lạy xong thì đi lùi vài bước rồi nối đuôi nhau mà ra, đặc biệt nên áp dụng cho các tổ chức hành hương theo đoàn thể.
Kinh dạy có bảy phép lạy, phần đầu của Học Phật Hành Nghi đã lược nói qua, nơi đây văn nhiều không cần chép lại.