Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhập Hạnh Bồ Tát

08/04/201312:22(Xem: 11436)
Nhập Hạnh Bồ Tát

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Nhập Hạnh Bồ Tát

Phần Mở Đầu

Cư sĩ Nguyên Hiển

Nguồn: Sàntideva (Tôn giả Tịch Thiên) Việt dịch: Nguyên Hiển Hiệu đính: Lê Triều Phương



bo_tat_hanh

LỜI NÓI ĐẦU


Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát. Đọc tụng luận này, hành giả có thêm hùng tâm dũng chí để giúp Đạo, cứu đời.

Dịch giả đã tham cứu các bản dịch dưới đây:

- Bản Hán dịch của Trần Ngọc Giao

- Bản Pháp dịch của Georges Driessens

- Bản Anh dịch của Kate Crosby và Andrew Skilton

- Bản Việt dịch của Thích Nữ Trí Hải .

Luận này là sách gối đầu giường của Tăng, Ni, Phật tử theo lối tu Đại thừa ở Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Hoa. Vì dịch theo lối thi kệ để dễ tụng đọc và dễ nhớ cho nên quá súc tích và quá ngắn gọn, vì vậy không thể tránh khỏi có chỗ vụng về và tối nghĩa. Xin chư tôn đức cùng quý Phật tử cao minh từ bi chỉ giáo để khi tái bản dịch phẩm này được hoàn chỉnh hơn.

Xin chân thành cảm tạ hai Pháp hữu Tâm Zen và Như Pháp Trí đã giúp phần hiệu đính và hoàn thành dịch phẩm này. Xin hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sanh thoát ly luân hồi khổ não, viên thành Phật đạo.

California, Mùa Phật Đản 2459-2005
Nguyên Hiển

Lời thưa về việc hiệu đính


Tập Luận "Nhập Hạnh Bồ Tát," của Tôn giả Santideva, do cư sĩ Nguyên Hiển dịch sang Việt ngữ năm 2005, theo thể kệ, đã đến tay tôi trong một hoàn cảnh đầy kỷ niệm. Năm 2005, chúng tôi bị một bệnh nặng hành hạ suốt nửa năm dài. Hàng ngày đau nhức vô cùng. Chúng tôi chưa đồng ý để bác sĩ mổ và kham nhẫn chịu đựng. Hàng ngày niệm Phật và thỉnh thoảng đọc phẩm Phổ Môn.

Một ngày nọ, năm người bạn từ phương xa đến thăm vì muốn "tiếp sức" cho chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi đang nằm ở bệnh viện trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Các bạn phải trò chuyện cùng nhau nơi hành lang của bệnh viện. Cuối cùng chúng tôi gặp mặt nhau khoảng 15 phút rồi chia tay. Riêng đạo hữu Nguyên Định đã đem theo để tặng và khuyên chúng tôi nên đọc tập Luận nói trên. Chúng tôi đọc lướt qua và thấy nội dung vô cùng ý nghĩa.

Một buổi tối, sau bữa ăn chiều, chúng tôi đọc lại tập Luận kỹ hơn. Bỗng dưng trong đầu chúng tôi vang lên âm thanh như dòng nhạc của những câu kệ trong phẩm Phổ Môn, ví dụ như

"Bi thế giới lôi chấn,
Từ ý diệu đại vân,
Chú cam lồ pháp vũ
Diệt trừ phiền não diệm" hoặc
"Diệu âm, Quán thế âm,
Phạm âm, hải triều âm,
Thắng bỉ thế gian âm,
Thị cố tu thường niệm".

Lòng chúng tôi bỗng nổi lên cảm hứng chỉnh sửa ngay lại một số câu trong bản dịch của cư sĩ Nguyên Hiển, với ước muốn mình có riêng một bản Luận đọc nghe êm nhẹ hơn, dù không bằng những câu ví dụ trong phẩm Phổ Môn.

Chúng tôi vừa đọc vừa ghi chép cho đến khi cảm thấy buồn ngủ. Kim đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc: Tại sao mình đã mất cảm giác đau nhức và mệt mỏi suốt 6 tiếng đồng hồ? Có gì linh thiêng và huyền nhiệm tỏa ra từ những dòng kệ "Nhập Hạnh Bồ Tát"chăng? Chúng tôi đi ra hành lang bệnh viện để kiểm lại thì giờ. Đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ khuya.

Hôm sau, đạo hữu Nguyên Châu, trong nhóm những người đã đến thăm chúng tôi, gọi điện thoại hỏi về bệnh tình. Chúng tôi thuật lại chuyện kỳ diệu đã trải qua trong đêm. Đạo hữu liền kể ngay cho tôi biết lược sử của Tôn giả Santideva và cho biết Phật tử Tây Tạng rất sùng kính Luận "Nhập Hạnh Bồ Tát" như Phật tử châu Á sùng kính phẩm Phô Môn. Nhiều Phật tử đã cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng toát ra từ tập Luận. Cuối cùng đạo hữu đã khuyên chúng tôi nên cố gắng "đánh bóng" công trình việt dịch của cư sĩ Nguyên Hiển vì điều này vừa giúp cho bản thân chúng tôi giảm được sự đau khổ của thân xác trong lúc đau bệnh và biết đâu bạn bè nhờ đó mà có được một bản dịch dễ tụng hơn. Chúng tôi đã hứa sẽ theo đuổi việc "đánh bóng" ấy. Động cơ quan trọng nhất đã thúc đẩy việc làm của chúng tôi là đạo hữu Nguyên Hiển đã cho phép chúng tôi hiệu đính lại bản dịch của anh.

Những ngày hôm sau chúng tôi lần lượt nhận được 5 bản dịch khác do bạn bè gởi đến với lời khuyến khích làm công việc hiệu đính. Đó là bản Đức ngữ "Eintritt in das Leben zur Erleuchtung" do G.S. Ernst Steinkellner chuyển ngữ năm 1981, ba bản Việt ngữ gồm có: "Bồ Tát Hạnh, do Thượng Tọa Thích Trí Siêu dịch năm 1990, "Nhập Bồ Tát Hạnh" do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch năm 1998 và "Một tia chớp sáng trong đêm tối" do đức Dalai Lama giảng giải và do Đoàn Phụng Mệnh dịch năm 1999 và bản Anh ngữ "Engaging in Bodhisattva Behavior" do ông Alexander Berzin dịch năm 2005. Sáu bản dịch rất công phu với những chú giải rõ ràng mà chúng tôi đọc được, đã soi sáng cho chúng tôi thấy được nội dung và ý nghĩa của con đường đi của các bậc Bồ Tát. Nơi đây, chúng tôi chân thành bày tỏ sự tri ân sâu sắc của chúng tôi đến tất các vị dịch giả và giảng giải.

Hôm nay, sau gần một năm rưỡi, chúng tôi hoàn thành bản hiệu đính với tâm trạng khinh an, mặc dù vẫn còn nhiều khuyết điểm. Chúng tôi xin hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh và cầu mong cho tất cả đều đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến hiền nội và bằng hữu đã khuyến khích và hỗ trợ việc hiệu đính, hỗ trợ tìm tài liệu, đánh vi tính và sửa lỗi chính tả.

Göttingen, Germany, ngày 14.01.2007
Lê Triều Phương

TIỂU SỬ
TÔN GIẢ TỊCH THIÊN (SÀNTIDEVA)

Thích Trí Siêu (Pháp)



Theo truyền thuyết tôn giả Sàntideva sinh ở miền Nam Ấn, vùng Sri Nagara vào khoảng thế kỷ thứ 7. Ngài là thái tử con vua Surastra. Từ những kiếp quá khứ, ngài đã cúng dường phụng thờ nhiều đức Phật và đã tích tụ nhiều căn lành đưa đến giải thoát. Nhờ phước đức ấy nên ngay từ lúc ấu thơ, ngài đã nhiều lần chiêm bao thấy Văn Thù Bồ Tát.

Lớn lên, đến tuổi sắp được vua cha truyền ngôi, một hôm ngài nằm mộng thấy hai vị Bồ tát: Văn Thù và Tara. Bồ tát Văn Thù ngồi trên ngai vàng, bảo ngài rằng: "Ở đây không có chỗ cho hai người". Bồ tát Tara tưới nước nóng trên đầu ngài và nói rằng: "Vương quyền chính là nước sôi bỏng của địa ngục. Ta đang tấn phong cho ngươi về nước nầy đây."

Tỉnh dậy, ngài hiểu rằng đó là sự khuyến cáo của hai vị Bồ tát, nên đêm hôm trước khi ngài lên ngôi, ngài rời bỏ cung thành trốn vào rừng sâu. Sau 21 ngày lang thang trong rừng, vừa khát vừa đói, ngài gặp được một con suối, sắp sửa định uống thì có một thiếu nữ xuất hiện bảo ngài đừng uống vì đó là nước độc, sau đó thiếu nữ dâng cho ngài một thứ nước thơm ngọt như cam lồ. Giải khát xong, ngài hỏi thiếu nữ: " Cô ở đâu đến?" . Thiếu nữ trả lời: "Ở giữa khu rừng mênh mông này là nơi thầy tôi ở, ngài rất đạo đức, từ bi và đã thành tựu phép tam muội củaVăn Thù Kim Cang Sư Lợi (Sri Manjuvajra). Tôi từ đó đến đây".

Vừa nghe như thế, tôn giả Sàntideva mừng rỡ như kẻ nghèo bắt được vàng, yêu cầu thiếu nữ dẫn ngài đến gặp vị thầy kia. Đến nơi ngài thấy đó là một vị hành giả (Yogi) sống trong một chòi lá, ngài liền đảnh lễ, xưng tán cúng dường và cầu xin được truyền phép tam muội của Văn Thù Bồ Tát. Sau 12 năm ở đó tu tập, ngài chứng được phép tam muội trên, thấy được vị thầy kia chính là Văn Thù và thiếu nữ kia chính là Tara. Kể từ đó ngài luôn luôn được thấy Văn Thù Bồ Tát.

Sau đó ngài đi về phương Đông, xin vào làm việc trong triều của vua Pancamasimha. Nhờ tài giỏi và thông minh nên ngài được vua trọng vọng cho làm Thừa Tướng. Để tỏ lòng thành kính nhớ ơn vị thần linh chủ hộ của mình, tức Văn Thù Bồ Tát, ngài luôn đeo trên mình một thanh kiếm gỗ. Ngài giúp vua trị vì đúng theo Phật pháp và truyền dạy nhiều kỹ nghệ mới lạ. Điều đó khiến các vị đại thần khác ganh tức, tìm cách gièm pha và hãm hại ngài. Họ bảo vua rằng: "Thừa tướng là một người gian xảo, luôn đeo trên mình một thanh kiếm mà không bao giờ rút ra cho ai xem cả. Chúng tôi biết thanh kiếm ấy làm bằng gỗ. Gặp lúc nguy biến làm sao Thừa tướng có thể cứu nguy cho Bệ hạ được? Xin Bệ hạ hãy khám nghiệm lại". Vua tin lời cho triệu Thừa tướng vào bắt phải rút kiếm ra khỏi vỏ cho vua xem. Thừa tướng nói: " Kiếm của tôi, Bệ hạ không thể nhìn được, nếu không Bệ hạ sẽ hối hận". Nghe vậy, vua càng nghi ngờ nhất quyết đòi xem.

Cuối cùng, Thừa tướng nói với vua: "Nếu Bệ hạ nhất quyết muốn xem thì hãy theo tôi đến chỗ vắng, lấy tay che mắt phải lại, chỉ nhìn bằng mắt trái thôi". Vua chấp thuận và Thừa tướng rút kiếm ra, hào quang lóe lên quá mạnh khiến con mắt trái của vua rơi xuống đất. Vua liền ăn năn hối hận, biết ngài là một người đắc đạo, một Đại thành tựu giả nên cầu xin sám hối. Biết vua đã ăn năn, Thừa tướng nhặt mắt trái của vua bỏ vào tròng lại khiến vua khỏi mù.

Sau đó tôn giả bỏ chức Thừa tướng, tìm đến tu viện Nalanda, xuất gia thọ giới, được đặt tên là Sàntideva. Sau khi nghe hết ba tạng kinh điển, tôn giả thầm biên soạn 3 bộ luận: Siksàsamuccaya, Sùtrasamuccaya và Bodhicaryàvatàra.

Ngài tu mật hạnh, học trực tiếp với Văn Thù Bồ tát trong thiền định. Tất cả thời ăn, ngủ, đi, đứng, ngài đều thiền quán về Thanh Quang. Tuy vậy, chúng tăng bên ngoài thấy ngài chỉ ăn với ngủ, không chịu văn, tư, tu gì cả. Thấy thế một số Thượng toạ học giả họp nhau lại định tống khứ ngài ra khỏi tu viện. Có người cho ý kiến: Nếu chúng ta họp lại, bắt mỗi người phải tuần tự trùng tuyên lại Kinh Luận ; ban đầu ngài từ chối, nói rằng không biết gì. Chúng tăng muốn làm nhục ngài nên làm bộ nài nỉ, cuối cùng ngài nói: "Nếu vậy, phải làm cho tôi một toà sư tử tôi mới trùng tuyên". Nghe vậy có vài người đâm ra nghi ngờ, nhưng đa số chấp thuận vì tin rằng ngài không thể trùng tuyên Kinh Luận gì được.

Sau khi lên ngồi toà sư tử, ngài hỏi: "Các vị muốn tôi tụng lại Kinh Luận đã có từ trước hay những sáng tác mới sau này?". Vì muốn chế giễu ngài nên đại chúng nói: "Những sáng tác mới sau này". Thế là ngài bắt đầu tụng lên Bồ Tát Hạnh (Bodhisattava-caryavatara). Khi tụng đến câu: Khi Có và Không không còn khởi lên trong tâm…... thì ngài bay lên hư không rồi từ từ biến mất, nhưng tiếng của ngài còn vọng lại cho đến câu kệ cuối cùng của Bồ Tát Hạnh. Không thấy ngài nữa, Tăng chúng hối hận trở về phòng ngài tìm kiếm, thấy trên bàn để lại ba quyển: Sutràsamuccaya (Tập kinh luận), Siksàsamuccaya (Tập Bồ Tát học luận) và Bodhicaryàvatàra (Nhập Bồ đề hành luận).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]