Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thung lũng Dawa A-Dsong

28/05/201319:20(Xem: 10466)
Thung lũng Dawa A-Dsong
Con Đường Mây Trắng


Thung Lũng Dawa A-Dsong

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Vài ngày sau khi từ vùng cao nguyên vắng người xuống được cổng đá của Kodschomor, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm với ý nghĩ, được bỏ vùng hoang vu cô quạnh để đến bình nguyên ấm áp. Nhìn xuống vùng lũng thấp uốn lượn nhẹ nhàng mà phía nam giáp với dãy núi tuyết Himalaya, công tác nghĩ bây giờ sẽ đi dọc được theo sông Langtschen mà không trở ngại gì. Tưởng đã đến lũng, nào ngờ chúng tôi thấy mình đứng bên bờ một cao nguyên và nhìn thấy phía dưới chằng chịt những suối, chiều cao hẳn cũng cả ngàn mét. Hầu như chúng tôi đến chỗ chân trời cuối đất và thấy không có cách nào hơn là phải quay trở lại; vì làm sao chúng tôi có thể xuống núi với trâu và ngựa nặng nề, dốc núi gần như thẳng đứng và sâu tới mức không thấy đáy? Và làm sao chúng tôi vượt qua khỏi mê hồn trận này, chập chùng chân trời rồi lại chân trời, đi hàng ngày thậm chí hàng tuần không hết?

Chúng tôi vừa tự nhủ như thế thì những con trâu đầu tiên cùng người hướng đạo đã biến mất sau một hẽm núi, như bị trái đất nuốt chửng. Đó là một con đường hẹp mà chỉ người lữ hành có kinh nghiệm mới biết, nó dẫn qua các khe đá để đi vào một thế giới riêng. Thế nhưng cả con đường khó biết này cũng bổng biến sau đống đá vụn hay triền cát mà trên triền đó nguyên đoàn lữ hành kể cả trâu ngựa trượt dài xuống dưới với hy vọng sẽ dừng lại kịp thời trước khi một vách đá thẳng đứng xuất hiện. Khổ thay cho những ai phải vượt qua vùng này mà không ccó người biết đường hướng dẫn! Ngay của khi may mắn xuống tới được những dòng suối mà không mất mạng thì mất hành lý hay bị gãy tay gãy chân, thì việc đó ra khỏi lũng sâu đó còn khó nhiều hơn.

Tôi còn nhớ rõ mình tính toán thế nào để ra khỏi lại hẻm núi ngày hôm sau khi lần đầu cắm lều trong một lũng sâu. Sau khi nghiên cứu địa hình, chúng tôi thấy chỉ có cách lội dọc theo một con suối cạn nhưng chảy mạnh, cho đến chỗ có phiến núi hay vách đá bên hông. Thế nhưng ngày hôm sau chúng tôi leo ngược lên vách đá - kể cả trâu và ngựa - chính là đoạn gần như dựng ngược mà chúng tôi ngay từ đầu đã loại bỏ khả năng này! Tới ngày hôm nay chúng tôi cũng không hiểu sao mình làm được kỳ công đó. Có lẽ chúng tôi đã tìm được chỗ vịn thế nào đó rồi kéo những con vật lên để cuối cùng tới được một đường hẹp nhô ra từ một vách đá thẳng đứng. Có nhiều cát mà vừa đặt chân lên đã bị trượt ngay.

May thay chúng tôi sớm đến nền đất vững chắc. Sau vài tiếng đến được sông Langtschen-Khambab, chúng tôi đối diện với một chiếc cầu treo hẹp. Nó gồm có hai sợi dây cáp bằng thép treo song song, chúng mang những đoạn gỗ được cột một cách sơ sài. Không có gì để vịn, kể cả tay cầm hay dây và khi bước lên thì không những cầu uốn mình mà còn đu đưa qua lại. Với tình cảnh này, chúng tôi không làm được gì khác hơn là tháo hành lý khỏi lưng trâu và đem từng món một qua chiếc cầu rung rinh, cách khoảng ba bốn chục mét trên dòng suối reo chảy và lạnh như băng. Sau khi đem hết hành lý qua bên kia rồi, chúng tôi dắt trâu qua cầu, nhưng chúng cũng rất khôn, không chịu bước lên chiếc cầu đong đưa. Chúng tôi hồi hộp không biết làm sao thoát khỏi tình cảnh này. Những người giúp chúng tôi rất khéo léo. Họ đem được trâu đi xuống suối, làm đủ cách cho chúng lội qua suối, kêu gào cũng có, chọi đá cũng có. Giữa dòng nước chảy khá mạnh, chúng tôi sợ chúng bị cuốn theo; trong khi phía dưới suối thì bờ rất cao, không làm sao cho chúng lên bờ lại. Nhưng nhờ chọi đá mà trâu nghe lời, an toàn qua được bờ bên kia. Cuối cùng tất cả đều qua được cầu, nhưng “hồi hộp gần như tắt thở”, như thành ngữ Anh nói đúng (to have may heart in may mouth). Bây giờ chúng tôi biết rõ hơn bao giờ hết, tại sao mỗi đầu cầu Tây Tạng đều mang vô số cờ cầu nguyện! Người Tây Tạng tin tưởng sức mạnh cầu nguyện hơn sức mang của chiếc cầu và đối với họ thì tốt hơn là tin nơi sức mạnh thiêng liêng và sẵn sàng chịu những điều xấu nhất.

Mặc mọi khó khăn và hiểm nguy, chúng tôi được đền bù bởi cảnh đẹp hoành tráng của vùng lũng hẹp dưới chân núi đá, chúng càng hiển lộ ra nếu ta càng đi sâu trong đó. Ở dây núi non không còn chỉ là cảnh vật mà là kiến trúc với nghĩa cao nhất. Nó đã trở thành những đền đài khiến ta kính sợ, mà từ “đẹp” không đủ để diễn tả, vì công trình kiến trúc này quá đồ sộ và những hình tượng kỷ hà trừu tượng của chúng cứ lặp lại hàng triệu lần, chúng biến dần thành một nhịp điệu vĩ đại, thành một bản trường ca bằng đá, vô thủy vô chung.

Mới đầu người ta tưởng rằng đây hẳn là tác phẩm của năng lực mù quáng của thiên nhiên, đối với người ngắm có vể như thế; chứ không phải là nhạc phẩm của một nghệ nhân siêu việt, trong một khuôn khổ xa sức cảm nhận của đầu óc con người, làm ta choáng ngợp. Thế nhưng điều đáng kinh ngạc không phải là cái muôn hình mà sự chính xác và tính qui luật của kiến trúc, nó được lặp lại trong một số hình tượng và nguyên lý tạo hình, cho thấy những sự nhất thể nằm trong một nhịp điệu càng lúc càng tăng, để đến cuối cùng, tất cả cảnh vật ghê gớm đó hầu như phát ra tiếng bằng một nhịp vận động duy nhất.

Cả một dãy núi biến thành một loạt những tu viện vĩ đại. Vài trong số đó có dạng như những ngôi đền Ấn Độ giáo theo mô hình Khajurao, Bhuvaneshvar hay Konarak; số khác theo kiểu Nam Ấn Gopuram, một số khác lại có hình giáo đường kiểu gô-tích hay như những lâu đài huyền thoại với vô số đỉnh, tháp, trường thành.

Nhờ không khí loãng trên độ cao này mà mọi chi tiết cảnh vật đều rõ nét, có thể nhìn được từ xa, đồng thời màu sắc có một sức sáng và tinh sạch mà trong các vùng thấp không bao giờ có. Ngay cả bóng cảnh vật cũng hiện ra với một màu trong suốt và bầu trời dường như luôn luôn không mây của Tây Tạng tạo nên một nền xanh thẫm, trên đó màu đỏ vàng hay đồng của đá nổi lên rõ nét và lúc mặt trời lặn, chúng cho một vùng ngũ sắc.

Vùng đất đầy hẻm núi, lũng sâu kỳ diệu trải rộng hàng trăm cây số vuông này mà không ai biết đến; quả là một điều đáng kinh ngạc. Đồng thời lũng sâu nằm dưới đá núi này ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, nó còn cho thấy báu vật của một quá khứ to lớn, nó mở cho khách thấy những bí ẩn của một thế giới huyền hoặc, trong đó ước mơ đã thành sự thực nhờ sức mạnh kỳ diệu của tâm linh, chúng đã ngự trị phần đất này suốt cả ngàn năm và hình như vẫn còn đan quyện với nó một cách tinh tế. Đây là những lâu đài cổ đang giữ lại tài sản của con người để nói lên ước vọng được giải thoát, những pháo đài núi của kỵ mã thời trung cổ, những thị trấn của người chuyên ở hang động cũng như chốn thiêng liêng trong hang sâu của những bàn thờ bí mật với tất cả những báu vật nghệ thuật và kinh điển. Thế nhưng chúng không phải thuộc về quá khứ. Những thất của các vị sống ẩn cư sùng tín, chúng như những tổ chim én treo trên vách đá và cũng như tu viện và đền đài nằm kiêu sa trên các đỉnh núi hay ẩn trong các lũng kín đáo, chúng là nơi giữ cho ngọn lửa của lòng tin và truyền thống được sống mãi.

Mặt khác đây là một vùng đất chết, một vùng đất đang dần dần biến thành cát bụi, như những vùng Trung Á, cách đây ngàn năm là trung tâm văn hóa phồn vinh nay đã thành sa mạc, như sa mạc Gobi hay Takla-mankan. Miền tây Tây Tạng và đặc biệt là vùng Ngari Kharsum, cách đây chưa đầy một ngàn năm là nơi nuôi sống nhiều dân tộc và sản sinh một nền văn minh đáng kể, ngày hôm nay hầu như không còn người ở, chi còn vài ốc đảo, nơi mà con người hết sức cố gắng tưới tiêu mới trồng được chút lúa mì, lúa mạch.

Sự khô cằn của miền tây Tây Tạng có lẽ có cùng chung nguồn gốc với các sa mạc Trung Á. Các nhà địa chất cho biết, dãy Himalaya ngày càng trồi cao cho nên ngày càng ít mây đen qua được bên kia núi, núi đã ngăn chúng lại. Phía Tây Tạng của Himalaya ngày nay còn nhiều tảng băng sơn lớn nhưng theo các nhà địa chất thì chúng là băng sót lại của thời kỳ xưa, vì lượng tuyết rơi cả năm ngày nay không đủ để giải thích sự hiện diện của những băng sơn đó.

Thế nên có nhiều vùng lớn của Tây Tạng sống nhờ dự trữ băng của thời tiền sử, và khi những dự trữ này hết đi thì đất sẽ trở thành sa mạc; vì ngay bây giờ mà mưa hay tuyết cũng không đủ nước để trồng trọt. Người ta có thể ngạc nhiên tại sao đất Tây Tạng lại chóng bị xói mòn trong lúc thật ra có ít mưa hay đổ tuyết. Lý do là sự khác biệt nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm; chúng quan trọng tới mức mà đá cũng phải vỡ và những tảng đá khổng lồ cũng có thể biến thành cát. Với điều kiện này thì chỉ cần một vài trận mưa và nước từ băng sơn chảy ra, thêm vài trận bão thỉnh thoảng xảy ra là đủ để xói mòn đất đai.

Muốn biết qui trình khô cằn và sự hình thành sa mạc diễn ra nhanh như thế nào, ta nhớ chỉ cach đây khoảng 600-700 năm còn nhiều loại cây có lá mọc trong vùng, ngày nay chúng không còn như tại Bắc cực. Hay khi ta nhớ đến các phế điện, các thị trấn chết, cách đây 500 năm chúng vẫn còn phồn vinh đầy sức sống, xung quanh là đất đai mầu mỡ, nhờ đó mà dân chúng sống dung tuc. Những thành thị này đều là xứ sở của vua chúa và học giả, quan quân và thương nhân, nghệ nhân có tài là thợ thủ công chăm chỉ, họ đem tài nghệ và khả năng của mình ra để phụng sự cho đền đài tu viện, thư quán cũng như các tác phẩm tôn giáo. Trong lịch sử Tây Tạng ta được nghe tới những tranh ảnh thờ phụng hay pháp khí bằng vàng bạc, và chúng ta không lý do để cho rằng đó chỉ là sự phóng đại, nếu chỉ cần nhớ lượng vàng cần để thếp các mái điện, hình tượng, bích họa, các phẩm vật trang trí và các pháp khí cúng dường. Cả những bức tượng thật lớn làm bằng kim loại hay đất nén cũng được phủ một lớp vàng chắc chắn. Như trong thời kỳ Inka, trong dó vàng được xem là của riêng của thần Mặt trời thì tại Tây Tạng người ta cũng xem vàng chỉ để trang hoàng cho các vị giác ngộ và giáo pháp của các vị đó. Quả thật là giáo pháp này thường được viết bằng vàng hay bạc và được trang trí hay minh họa với hình tượng tí hon làm bằng vàng.

Khó có thể tưởng tượng lòng sùng tín của người dân Tây Tạng vào thời kỳ đó, cái đã làm cho con người biến một vùng sông suối khó khăn và núi rừng hoang vu để trở thành một thiên đường hòa hợp, của biểu tượng văn minh, trong đó tâm linh được coi trọng hơn uy lực thế gian và sự giàu có, và có một nửa dân chúng dành thời giờ để thiền quán, để thực hiện những tác phẩm nghệ thuật và để sống cuộc sống tôn giáo, mà không phải chịu hy sinh gì lớn hay xao nhãng trách nhiệm xã hội.

Trong tác phẩm nổi tiếng The Lost horizon (Chân trời đã mất), khi James Hilton mô tả “thung lũng mặt trăng xanh”, ông không quá xa so với sự thực mà bản thân ông hay độc giả có thể nghĩ. Có một thời kỳ mà trong những vùng hẻo lánh của tây Tây Tạng có những lũng bí ẩn, phải đi qua những khe đá chật hẹp mà chỉ có dân trong vùng mới biết. Trong những vùng sâu đó, cạnh những con suối, là vườn tược đầy hoa, bao quanh bởi cây xanh, ruộng lúa mì vàng rực và thảo nguyên nhờ những dòng nước trong như pah lê đổ từ núi xuống. Trên những đỉnh núi đá gần đó là đền đài chùa tháp, trên sườn non là hàng ngàn hang động sạch sẽ, trong đó có người sống, không bị cái lạnh cái nóng xâm chiếm, họ sống một cuộc đời đơn giản nhưng đầy đủ, không chiếm đất đai mầu mỡ của vùng vì việc xây dựng nhà cửa. Họ sống trong ánh nắng vĩnh cửu của mặt trời, không gì phiền toái cho họ. Mưa tuyết lạnh giá của cao nguyên hay đời sống chạy theo quyền lực của một thế gian không biết nghỉ.

Trên đường về Tsaparang, chúng tôi may mắn bất ngờ được “lạc” vào trong một lũng như thế; nó có tên thích hợp là “lũng của lâu đài mặt trăng” (Dawa-Dsong). Đoàn người được thuê vừa đưa chúng tôi đến đây dã vội quay về, chẳng cần biết có tìm ra người đi tiếp hay không, để chúng tôi lại một mình, xung quanh không bóng người. Họ cũng nhất định không chịu ngủ nán thêm một đêm. Họ tháo hành lý của chúng tôi để bên cạnh một con sông cạn, chảy qua lũng rộng, quanh là chập chùng những núi mà vòm và tháp giống như một pháo đài khổng lồ của một thế giới nào xa lạ lắm.

Khi chúng tôi lo cắm lều, chất lương khô vào lều và chuẩn bị ăn tối thì mặt trời đã lặn và thế giới rút lại chỉ còn bốn phía của chiếc lều. Bóng tối bao xung quanh chúng tôi như một tấm màn bảo vệ. Ngày hôm sau khi ngủ dậy và nhìn xung quanh thì ý nghĩ phải còn ở đây lâu không làm chúng tôi hãi sợ. Ngược lại chúng tôi mừng vui thấy các chuyện tưởng là phiền, cuối cùng lại cho mình cơ hội được nghiên cứu và vẽ lại một vùng đất không thể tưởng tượng được, hầu như là tranh minh họa của tác phẩm Reise nach dem Mond (Du hành mặt trăng) của Jules Verne chứ quang cảnh không thuộc trái đất này.

Những người khác chắc hẳn sẽ cảm thấy bất an vì sự cô đơn và kỳ bí của vùng này. Còn với chúng tôi nó là một thiên đường, một thế giới kỳ diệu với những tảng đá hình thù lạ lùng; chúng xếp nhau từng lớp biến thành tháp cao ngất và chĩa hàng trăm mét cao lên trời xanh, như một bức tường bảo vệ huyền bí cho ốc đảo xanh tươi này, nơi đây được nước nguồn và suối núi tưới tiêu.

Một số lớn những tháp thiên nhiên vừa nói được người sống cách đây hàng trăm năm biến thành thạch thất - đó là những nhà chọc trời đích thực. Họ đã khéo léo khoét rỗng các tháp đó, biến nó htành một hệ thống những phòng con, nối với nhau bằng cầu thang và có nhiều cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Nhóm các tảng nhỏ được làm như tổ ong và cứ mỗi tổ như thế là một chỗ ở. Một loạt những nhà hình khối đường như di tích của làng tu, mà chính điện được xây trên đỉnh một núi đá.

Đỉnh núi được trang hoàng bằng đền đài, tháp thờ, tu viện và phế tích của lâu đài cũ và cho một cái nhìn tuyệt vời xuống lũng, nơi được che chắn bởi những ngọn tháp đá nằm kế bên nhau như những cột của một cây đàn organ trong nhà thờ và bởi hàng trăm thạch thất với những cửa sổ của chúng.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là chính điện, không những không hư hại, mà mái điện thếp vàng, trong cảnh hoang vu những đá và phế tích này nó lại chiếu sáng như một viên ngọc bỏ quên - dấu tích và biểu hiện của thời huy hoàng cũ của một niềm tin sống động đã nở hoa nơi đây, khi lũng còn chứa hàng ngàn người và được các nhà vua anh minh cai trị. Phế tích của các bích họa cho thấy rằng đền này đã xây khoảng cuối thế kỷ thứ 10, tức là khoảng một ngàn năm trước.

Chỉ trừ vài người chăn thú, họ cho dê cừu ăn cỏ trên thảo nguyên của lũng, có lẽ chúng tôi là những người duy nhất đi qua thành phố thạch thất bị bỏ quên này.

Một sự yên tĩnh đến nao lòng! Một sự cô tịch xâm chiếm tâm can! Một sự yên tĩnh đầy tiếng nói của quá khứ; một sự cô tịch vẫn đầy sự hiện diện của vô số thế hệ đã sống, đã dựng xây thành thị và đã ở tại đây. Nhiều thạch thất này đã là trú xứ và thiền phòng của tu sĩ và ẩn sĩ, nên cả chốn này chứa đầy những tâm hồn hiến dâng và đời sống quán tưởng. Những tảng đá hầu như quên mình vươn vút lên trời xanh.

Như một miếng sắt khi có từ tính thì giữ sức hút trong một thời gian; tương tự thé, nơi đây có một không khí của sức mạnh tâm linh và sự tươi sáng còn giữ lại, nó làm ta quên lo ngại và sợ hãi, lòng tràn đầy an bình và sáng sủa lạ lùng.


* * *

Chúng tôi cắm lều ở đây đã một tuần, nhưng thời gian dường như dừng lại trong lũng, đến nỗi chúng tôi không còn nhớ tới nữa. Người ta kể tôi nghe Dawa-Dsong là chỗ ở của một vị tỉnh trưởng. Thế như nhà (dsong) của ông không gì khác hơn là một căn nhà nhỏ, cây cối bao quanh, tại chân của cổ thành phế tích gần bờ tường thành, chỗ cắt lũng Dawa-Dsong với lũng chính. Chúng tôi thất vọng khi nghe vị tỉnh trưởng đi thị sát và không ai biết bao giờ ông sẽ về, kể cả vợ ông cũng không biết gì; bà ở nhà một mình với hai người hầu cận. Khi nghe tôi gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển, bà hứa với tôi sẽ giúp. Nhưng hiện nay trâu đang ăn cỏ trên cao nguyên và không có ai bắt nhốt chúng lại cả, vì chồng bà đem theo tất cả nhân viên. Theo tập tục của Tây Tạng thì tỉnh trưởng đi đâu cũng có cận vệ vũ trang đi cùng, không phải chỉ vì vấn đề an ninh thôi, mà vì uy tín cá nhân. Thế nên chúng tôi đành phải đợi - điều mà chúng tôi không muốn làm.

Chiều nọ trên đường vẽ về, hôm đó Li phải canh lều, tôi gặp một vị lạt ma già từ một trong những tòa nhà hư sập gần đền thờ có mái vàng đến. Ông chào hỏi thân thiện và xem ra cũng ngạc nhiên không kém tôi.

Sau khi thăm hỏi xã giao, chúng tôi đi vòng quanh đền và quay bánh xe cầu nguyện để trên tường. Trong lỗ hổng sau bánh xe có bàn tay nào đã nhét vài tờ kinh vào đó, có lẽ chúng rơi từ trong đền hay tháp thờ nào, vì tại Tây Tạng không ai xé bỏ kinh sách, dù mẩu giấy nhỏ nhất, cũng không để cho chúng bị người hay thú dẫm nát.

“Ông là lạt ma”, bất ngờ ông già nói với tôi, hầu như ông tiếp tục cuộc đối thoại nội tâm, “nhưng ông từ xứ khác đến. Vậy ông đọc tờ kinh được không?”

“Tất nhiên là được”.

“Thế thì ông đọc cái gì đây”, và ông rút ra một tờ nằm trong hốc sau bánh xe.

Tôi đọc: “Con nguyện làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, vô lượng không gian; con nguyện đi trên con đường từ bi, nguyện cầu giác ngộ hoàn toàn”.

Khuôn mặt của ông già sáng lên, ông nhìn sâu vào mắt tôi và nắm lấy hai tay như tìm lại người anh em lâu ngày lưu lạc nói: “Chúng ta cùng đi trên một con đường”.

Không cần nói thêm gì nữa - trong lúc đá hầu như cháy sáng lên trong ánh chiều tà, tôi vội trở về lều nằm sâu trong lũng.

Khi gần đến nơi thì Li cho hay, trong lúc tôi vắng mặt có một người đến báo, rằng trâu mà chúng tôi chờ mãi, nay đã được bắt lại và một hai ngày nữa sẽ đến với chúng tôi.

Thật là một tin vui. Thế nhưng lòng buồn nghĩ, chúng tôi sẽ không bao giờ thấy lại mái vàng của ngôi đền thiêng liêng này, trong dó cả ngàn năm qua bao nhiêu tu sĩ đã đi theo đường giác ngộ và trong đó tôi tìm được một người bạn - người bạn vô danh và là kẻ đồng hành - mà mắt nhìn long lanh của ông còn đọng mãi trong tôi cùng với niềm an lạc và hạnh phúc sâu xa mà chúng tôi đã tìm thấy trong thung lũng kỳ diệu này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]