Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vị ẩn tu tại Latschen

28/05/201317:53(Xem: 10319)
Vị ẩn tu tại Latschen
Con Đường Mây Trắng


Vị Ẩn Tu Tại Latschen

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Từ những điều đã thấy, tôi nghĩ rằng suối nguồn của mọi cảm hứng không phải là những tu viện to lớn, khối tăng lữ đồ sộ hay đại học tôn giao (như Sera, Drepung và Ganden, các cơ sở tri thức lớn nhất của Tây Tạng) mà những cuộc sống độc cư thầm lặng, trong khe thác hay rẻo sau vào các dãy núi đầy uy lực hay trong thung lũng xa vắng, hoặc đỉnh cao không mấy người lui tới như đỉnh chim ưng trên mỏm đá, hay trên các cao nguyên vắng người bên cạnh bờ hồ yên tĩnh, xa hẳn đường đi các đoàn lữ hành, xa chợ búa đầy tiếng ồn ào mua bán.

Từ những chốn độc cư và những nhóm nhỏ người tập hợp chung quanh một vị đạo sư để tu tập thiền quán mà sinh ra những thánh nhân và những nhà minh triết Tây Tạng, trong các vị đó người ta tìm thấy niềm cảm hứng và những nơi chốn thầm lặng này chính là nơi mà ai muốn tìm sự minh triết và giải thoát cần luôn luôn quay lại. Vì lý do này mà các đại tu viện cũng có một số những thất thiền định, cũng như nhiều chỗ độc cư nằm cao hơn hơn hẳn, trong những dãy núi gần đó.

Người độc cư vĩ đại nhất Tây Tạng là một nhà thơ, thánh nhân và du già sư Milarepa (1052-1135 sau Công Nguyên), người sống gần hết đời mình trong hang động và trong các dãy núi không leo tới được. Theo gương ông, đệ tử của phái kargyutpa đến ngày hôm nay vẫn coi trọng việc tịnh khẩu và thiền quán hơn kiến thức sách vở và các cuộc thảo luận hàn lâm. Đời của ông phải là mẫu mực về ảnh hưởng của một con người lên thế gian, dù người đó có sống cách ly bao nhiêu. Đóng góp của ông cho nền văn hóa và đời sống tâm linh Tây Tạng mang tính cách trực tiếp và độc đáo, thật là vô song trong cái đẹp nên thơ và lòng thiết tha quên mình.

Một thí dụ đáng chú ý của một tu sĩ trong thế kỷ này của chúng ta là sư trưởng tại Latschen, người ẩn tu tại Latschen và thất độc cư của ông nằm tại biên giới của bắc Sikkim và Tây Tạng. Hầu tước Roinldshay (về sau là Marquis of Zetland) ngày trước là thống đốc Bengal, viết những dòng sau đây về ông: “Suốt hai mươi sáu năm, thói quen của ông là thỉnh thoảng rút lui khỏi thế gian, để sống một cuộc sống thiền định thầm lặng trong một hang đá hẻo lánh - nằm trên một núi đá cao khó tới, trên những dãy núi như phi thực, cao hơn hẳn trên đường mòn đi Thangu. Một trong những thời gian rút lui đó kéo dài đến năm năm, lúc này ông không gặp một bóng người nào và giữ cho thân tâm tồn tại bằng thực phẩm tối thiểu”.

Hầu tước Ronaldshay viết những dòng này cách đây ba mươi năm trong tác phẩm Lands of the Thunderbolt (Xứ sở của sấm sét), trong đó ông kể lại những câu chuyện với các tu sĩ mà ông có cảm giác rằng các vị này đã thực chứng tình trạng giải thoát. Ông nói thêm: “Điều chắc chắn là lý do làm các vị đó xa lánh người đời và bất cần thể xác yếu đuối để sống hàng năm trong sự cô quạnh hoàn toàn, lý do đó phải mạnh mẽ phi thường. Hiển nhiên là một cuộc sống như thế đáng được khâm phục và tôn trọng”.

Ta có thể tự hỏi, liệu một sự nỗ lực và thành quả như thế phải chăng có ích cho thế gian hơn, nếu người độc cư đó trở về với xã hội để mang lại lợi ích cho con người bằng sự minh triết đạt được. Điều này cũng phù hợp với cách làm của các vị chuyển pháp khác. Thế nhưng vị sư trưởng ẩn cư chọn một con đường khác.

Một ngày nọ có một phụ nữ châu âu tìm đến động của ông và xin làm học trò. Vị tu sĩ chỉ vào một cái động, không xa động của mình bao nhiều và trả lời: “Nếu bà chịu ở trong đó ba năm, không đòi về”. Người phụ nữ chấp nhận điều kiện và ở lại ba năm thực, bà kiên trì sự cách ly hoàn toàn và cái lạnh của ba mùa thu đông Himalaya với nhiệt độ bắc cực.

Người phụ nữ đó, về sau trở thành đệ tử của vị tu sĩ, không ai khác hơn là nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp và nhà Đông phương học Alexandra David-Neel, mà sách của bà được sự quan tâm lạ thường của người đọc nên được dịch ra tất cả các thứ tiếng. Kiến thức sâu xa toát ra từ những sách do đã cho phương Tây lần đầu tiên có một cái nhìn khách quan về các phép tu tâm linh lâu nay mà người ta chưa biết tới và trạng thái tâm thức của các bậc thầy thiền định Tây Tạng cũng như học trò của họ. Kiến thức đó chính là kết quả của ba năm học tập và thiền định dưới sự hướng dẫn của tu sĩ vĩ đại tại Latschen, người không hề rời thất của mình giữa đỉnh núi tuyết Himalaya mà tìm được một cách chắc chắn phương tiện thích hợp nhằm để lại cho thế giới gia sản tâm linh của mình.

Với từ “gia sản”, tôi không nói về sự nhắn gửi có tính chất riêng tư hay việc truyền bá một giáo pháp, mà là thông điệp để mở rra cho thế giới thấy kho tàng cất giấu nền văn hóa tâm linh của Tây Tạng và kinh nghiệm tôn giáo của mình. Nếu trong những điều đạt được của những năm cô quạnh đó được bà kể lại với những lời nhiều ý nghĩa: “Tâm thức và cảm quan tinh tế vượt hẳn qua một cuộc sống chỉ chuyên quán tưởng, gồm quán sất và phản ánh liên tục. Nếu không trở thành một bậc thấu thị thì ít nhất người ta cũng biết rằng bấy lâu nay mình là kẻ mù”.

Đó là đích thực là hạt nhân của vấn đề: vị tu sĩ chuyên quán tưởng không hề nhắm mắt và quay lưng với thế gian mà mở mắt ra và trở nên tỉnh giác cao độ; thay vì làm cùn lụt giác quan thì nơi họ phát sinh ra một khả năng cảm nhận cao hơn và tri kiến sâu hơn về tự tính đích thực của thế giới và chính mình. Và điều này cho họ thấy, cũng điên rồ như nhau, những ai muốn bỏ trốn thế giới hay chạy theo nó: cả hai thái cực này đều có chung một gốc rễ, đó là ảo giác cho rằng thế giới là một cái gì tách hẳn khỏi chúng ta. Đây là ảo một giáo lý mà tu sĩ Tây Tạng thường dạy học trò, một giáo lý đặt nền tảng trên triết lý đạo Phật về tính Không, đó là cái Không bao trùm mọi vật, kể cả tư tưởng.

Đó là giáo lý mà vị ẩn cư chỉ cho tôi thấy một cách đầy ấn tượng khi tôi viếng ông trong thất trên vùng Thangu, trên một độ cao khoảng 4000 mét. Vị tiểu vương Sikkim mà tôi là khách của ông năm 1937, khi nghe tôi sẽ viếng, người tu sĩ ở Thangu đã sẵn lòng cho tôi người và ngựa, lương thực cũng như giấy phép trên đường đi, tôi muốn ở đâu thì ở, trong nhà khách hay tu viện. Từ lâu tôi đã có ý muốn thăm vị tu sĩ này và vì ông dã trên bảy mươi, đây hẳn là dịp duy nhất và cuối cùng để được gặp tận mặt người này, người đã có một ảnh hưởng sâu xa lên đời sống tâm linh trong xứ sở của ông. Vì thế tôi vui lòng làm một chuyến du hành hai tuần trên lưng ngựa qua những ngọn núi cao nhất thế giới (Sikkim có nhiều núi cao hơn 7000 mét, nhiều hơn bất cứ nước nào khác có cùng diện tích), thậm chí chấp nhận cả khả năng thoái thất của ông đóng cửa không tiếp khách khi phải thiền định dài ngày cũng chẳng làm tôi ngại. Một điều đáng lạ khác là mà tôi phải chịu là mùa đông sắp tới và quả nhiên hầu như chúng tôi phải kẹt trong tuyết, đúng vào ngày của chặng đường cuối chuyến đi thì tuyết đã đóng đầy đường. Người ta đã khuyên chúng tôi hãy đợi người đưa trâu đến dọn tuyết, chứ ngựa không đi qua nổi. Thế nhưng tôi không đợi được nữa vì nghĩ bây giờ mà không xong thì sẽ không bao giờ - và ai dám nói là ngày hôm sau tuyết không đổ dày hơn? Vì thế mà tôi không để ai ngăn và cuối cùng mặc dù gặp trở ngại, tôi vẫn tới được Thangu.

Tôi tìm được một nhà nghỉ lạnh ngắt, nằm chơ vơ trên vùng cao nguyên. Thất của vị tu sĩ nằm cao hơn trên triền núi sau nhà nghỉ. Vì quá lạnh và đã trễ để làm được cái gì, tôi đi ngủ sớm, hy vọng hôm sau thăm được vị ẩn cư.

Trước khi di vào giấc ngủ, một chuyện lạ xảy ra cho tôi: Tôi có cảm giác có ai đó nắm giữ ý thức của mình và không những chỉ ý thức mà cả thân thể lẫn ý định. tôi không điều khiển được tư tưởng của mình nữa, hầu như ai nghĩ ngợi giùm tôi, như có ai quyết định thay tôi, nên dần dần tôi như mất cái riêng tư của chính mình, khuất phục trước một uy lực khác lạ. Năng lực này, như chút ý thức cuối cùng của tôi mách bảo, không ai khác hơn là vị tu sĩ, người đang hướng sự chú ý về tôi - có lẽ hoàn toàn không cố ý - và chiếm lấy thân tôi, nhờ sự tập trung cao độ của ông cũng như sự tự nguyện của tôi trong tình trạng nửa ngủ nửa thức. Tôi cảm nhận sự hiện diện này của vị tu sĩ không có gì là thù nghịch hay là ác ý - mà ngược lại nó cho tôi một cảm giác yên lòng và kỳ diệu để mình cứ giữ yên trong sự thu hút của năng lực càng lúc càng mạnh này.

Tôi thấy mình như một mảnh tinh cầu bị hút vào trong quĩ dạo của một thiên thể - cho tới lúc tôi phải buông, phải “rơi”, để chịu sự tan vỡ hoàn toàn. Đột nhiên tôi đâm ra sợ hãi không sao nói được, mình sẽ đánh mất tự tính của mình thôi, mình sẽ bị tống cổ ra khỏi thân thể và rơi vào một cõi hư vô không tên tuổi, không có đường trở lui.

Với sức mạnh cuối cùng và sự liều lĩnh trong tuyệt vọng, tôi nhảy bật ra khỏi giường, tìm cách chống lại thế lực này, nó xem ra cũng tìm cách giữ tôi lại. Tôi thắp một ngọn nến, lấy giá vẽ và một miếng than (những thứ tôi luôn luôn mang theo). Nhằm chắc chắn mình còn là mình, tôi hối hả tự vẽ chân dung mình, nhờ vào miếng gương cạo râu. Cùng với công việc đó thì uy lực nọ cũng rời bỏ tôi và khi bức ảnh xong thì tôi lấy lại được sự kiểm soát chính mình.

Sau khi ăn sáng, tôi leo lên thất và được vị ẩn tu chào đón rất thân thiện. Sau khi nói vài lời xã giao và uống trà nóng, trà mà vị ẩn tu rót từ cái bình rất cũ, - để trên một lò đất có than hồng - vào chén gỗ của tôi (ở Tây Tạng người ta luôn luôn mang theo chén gỗ này), tôi bày tỏ lòng mến mộ của mình đối với các tác phẩm của bà David-Neel và lòng khâm phục làm sao bà có thể chịu nổi đời sống độc cư qua nhiều năm như thế. Toát ra một niềm vui khi nghe nhắc đến tên bà, ông lôi ra từ trong một thùng để bên cạnh ghế một mẩu báo cũ với ảnh của bà Alexandra David-Neel. Trong lúc đó tôi nhìn hình đó thì ông nhắc lại thời gian bà học đạo với ông và khen sự kiên trì và cá tính mạnh mẽ của bà.

Ông hỏi thầy tôi là ai và sau khi biết là Tomo Géché Rimpotsché (lúc đó đã mất) thì ông lấy từ tay tôi tượng Phật được thầy cho và từ đó luôn mang theo mình, để lên đỉnh đầu một cách kính trọng. “Ngài là một vị đại lạt ma” ông vừa nói vừa nhìn tượng, “một vị lạt ma vĩ đại”.

Khi nghe tôi kể thời gian tu học tại Sri-Lanka, ông cười và chỉ cái bím tóc của mình và hỏi Phật tử ở đó nghĩ gì khi biết đến ông, kẻ không bao giờ cạo đầu và lại là người có vợ con. Vợ ông đã chết từ nhiều năm trước. Tôi nói, đồng tình với nụ cười của ông, “Bản thân Phật cũng có vợ có con trong đời này - Nhưng phần lớn người đời lại phụ thuộc nơi bề ngoài. Họ không biết rằng không phải chiếc áo hay đầu không tóc làm nên vị thánh nhân, mà là sự chiến thắng những ham muốn và ưa thích vị kỷ”.

“Và tri kiến là cái sinh ra từ sự chứng thực của thực tại cao nhất trong thiền quán”, nhà ẩn tu nói thêm. “Đạo lý và thiện mỹ đơn thuần mà không có trí huệ cũng vô ích, như sự hiểu biết mà vắng mặt lòng tốt”.

Điều này dẫn dắt chúng tôi qua đề tài thiền quán và cá phương pháp khác nhau cũng như kinh nghiệm về nó; và tôi kể lại chuyện đêm qua. Thế nhưng vì hỗ thẹn không dám thú nhận đã sợ hãi như thế nào khi đứng trước cái Không vô đáy, tôi để dịp này đi qua và thay vào đó xin nhà ẩn tu hãy viết vài chữ trong cuốn sổ thiền định của tôi để kỷ niệm lần gặp gỡ và động viên cho những lần thiền định về sau.

Lúc đầu ông ta chần chừ và nói tuổi già sợ tay không viết không còn trơn tru được nữa, thế nhưng bỗng nhiên ông cầm bút tre chấm vào muội đèn và viết một trang vào cuốn sổ tay của tôi bằng chữ Tây Tạng.

“Đây”, ông nói, “đây là đề tài thiền quán cho anh: Mười tám dạng của tính Không!”

Thì ra ông đã biết điều gì xảy ra cho tôi tối hôm qua và tôi đã tìm cách giấu giếm. Tôi xúc động tột độ. Khi chia tay và khi hai tay của vị ẩn tu để trên đầu ban phước lành, tôi biết mình đã gặp ông không phải bằng da bằng thịt mà trong tâm thức - một cách đã cho thấy uy lực của sự tập trung và lòng nhân hậu của ông.

Tôi không bao giờ gặp ông nữa - vì sau đó không lâu ông theo chân thầy tôi. Thế nhưng cứ mỗi lần thấy bức hình tự họa khó quên trong đêm nọ, tôi biết, bức hình không những chi diễn tả chính mình mà cả vị ẩn tu vĩ đại đó - mặc dù nó chứa đựng nét mặt của tôi, nhưng tôi đã nhìn mình bằng cặp mắt của một người đã thực chứng tính Không to lớn.

Nhờ thế mà chuyến đi không phải vô bổ và tôi trở về với đầy sự biết ơn trong tim - biết ơn vị ẩn tu cũng như vị tiểu vương đã giúp tôi thực hiện được chuyến du hành, qua đó mà ông cũng có dịp bày tỏ lòng hâm mộ và kính trọng đói với vị tu sĩ. Tôi sẽ không bao giờ quên cái an tịnh của không khí ẩn cư giữa dãy núi tuyết cũng như lời giáo hóa của ông cho tôi; đó là chúng ta sẽ không thể đối diện với cái Không to lớn một khi ta chưa đủ sức mạnh và kích thước để làm đầy nó với chính tự tính của mìn. Vì tính Không phải là sự phủ nhận về cá thể hạn chế chúng ta, mà là cái bao trùm toàn thể, không thể dùng giác quan để nắm bắt, nó như bà mẹ vô tận của không gian, người sinh ra mọi sắc hình, nuôi dưỡng và bao bọc lại trong mình, trong đó ánh sáng vĩnh viễn tuôn trào không bao giờ tắt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]