Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật giáo tại Nga.

22/05/201318:14(Xem: 16388)
Phật giáo tại Nga.

 

 

Phật Giáo tại Nga
Thích Nguyên Tạng

 

Nga (Liên Xô cũ), một quốc gia nằm giữa hai châu: Âu và Á châu. Với diện tích 17,075,200 km², Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới và Nga cũng là nước đông dân thứ 9 thế giới với gần 144 triệu người (thống kê năm 2017). Nước này kéo dài toàn bộ phần phía bắc châu Á và 40% châu Âu, bao gồm 11 múi giờ và sở hữu nhiều loại môi trường và địa hình.  Thủ đô Moscow. Mật độ dân cư: 8,6 người/km2. Phật giáo (PG) tại Nga được xem là tôn giáo lớn thứ ba đứng sau Chính Thống giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.  Hiện có khoảng 700.000 đến 1,5 triệu Phật tử ở Nga, chủ yếu ở các bang Buryatia, Kalmykia và Tuva.

Nguồn gốc Phật giáo tại Nga: Theo truyền thuyết, Phật giáo được truyền vào Nga vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất Tây lịch, trước tiên và chủ yếu là ở vùng Trung Á, những nơi nằm trên con đường tơ lụa nối liền giữa Đông và Tây. Lúc ấy PG được truyền đến Khoroza, rồi lan ra từ bờ biển Laspien, biển Aral cho đến tận bờ biển Thái Bình Dương. Trong địa bàn rộng lớn này, nhiều Trung Tâm Phật Giáo (TTPG) đã được xây dựng. Vào đầu thời kỳ Trung cổ, những thành phố lớn ở các vùng Trung Á đều có các tự viện PG. Các TTPG ở Koutcha và Khotan đều nổi tiếng từ lúc bấy giờ. Đã từng có nhiều cao tăng Ấn Độ đã đến tận Khotan để sưu tầm lại những kinh sách PG quý hiếm đã mất dấu tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo các tài liệu hiện có, thì những Tăng sĩ truyền giáo người Tây Tạng và Mông Cổ đến Nga đầu tiên là vào bán thế kỷ thứ mười bảy, những nơi các Ngài dừng chân đầu tiên là phía Đông của Lake Baikal, một vùng gần với biên giới Mông Cổ. Về sau, nơi này đã trở thành một trong những trung tâm PG lớn nhất ở Nga.

Sau cuộc cách mạng Tháng Mười Nga (1917), người ta đã tiến hành nhiều công trình khai quật khảo cổ quan trọng ở Trung Á, nhờ đó đã phát hiện ra nhiều di tích lịch sử PG tại Nga như nhiều chùa chiền, tranh tượng.... Chẳng hạn, ở vùng Termez đã tìm thấy nhiều tượng Phật bằng đá, thuộc trường phái nghệ thuật Gandhara, những di tích của một ngôi chùa với những tượng sư tử bằng đồng đen. Ở thung lũng sông Tchou, phía Bắc Kingizie có rất nhiều di tích chùa và tranh tượng Phật. Tại thành phố cổ Djoul, đã phát hiện ra một tu viện lớn với nhiều thiền thất nhỏ dành cho các thiền sinh tu tập.... Ở phía Bắc thành phố Bairamalia, thuộc nước cộng hòa Xô Viết Turkmenistan, các nhà khảo cổ đã khai quật một đền thờ Phật và một bình đồ gốm có nhiều hoa văn PG và trong bình có nhiều tượng Phật nhỏ bằng đá.

Những năm gần đây, người ta lại phát hiện thêm nhiều TTPG nằm ở Seniretchié tại thành phố cổ Krasnoretchenskoie và miền Nam nước cộng hòa Tadjikistan và ở thung lũng Ferghara thuộc miền Nam nước cộng hòa Takjik. Đặc biệt, gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong những vùng này có đến hai mươi văn kiện cổ PG viết bằng chữ Brahmi và chữ Kharoshti.

Tất cả những phát hiện trên chứng tỏ PG đã có mặt tại Nga vào giữa thế kỷ thứ nhất Tây lịch và đã có một địa bàn hoạt động PG rộng lớn ở vùng Trung Á. Mặc dù, PG được truyền vào Nga ở một thời điểm xa xưa như vậy, nhưng tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của dân tộc Nga chỉ mới bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 18.

phat giao tai nga

Giới trí thức Nga và Phật giáo: Sự quan tâm đến PG tại Nga sớm hơn các nước phương Tây, vì các quốc gia láng giềng ở phía Đông và phía Nam của nước này có một truyền thống PG rất thịnh hành. Thật khó xác định được thời điểm chính xác là nó bắt đầu từ lúc nào, nhưng người ta biết rằng vào năm 1876 Đại Đế Peter đã gởi một phái đoàn Tăng sĩ đến Bắc Kinh để nghiên cứu PG Trung Hoa và Tây Tạng. Sau đó, phái đoàn này đã viết một cuốn sách về cuộc đời của Đức Phật bằng tiếng Nga. Nhà sử học nổi tiếng người Nga G. Miller cũng nghiên cứu về PG. Trong thời kỳ này người ta thấy có những tác phẩm giá trị về vũ trụ quan PG, chân dung và lối sống ở các tu viện PG, tiểu sử về Thái Tử Tất Đạt Đa và cuộc đời tu đạo và hành đạo của Đức Phật Thích Ca được viết bởi Viện sĩ hàn lâm Nga Palas.

Nền tảng của việc nghiên cứu PG tại Nga được đặt trên một mô hình bởi viện sĩ hàn lâm Vasily Vasiliyey, một trong những đại diện xuất sắc nhất của phong trào nghiên cứu tư tưởng Đông Phương.

Ông Vasily Vasiliyey, con của một giáo sĩ, sanh ngày 20 tháng 2 năm 1818 tại Nizhlm Novgorod. Năm 16 tuổi ông theo học ngành Đông phương thuộc khoa triết tại đại học Kazan; ở đây ông học tiếng Mông Cổ. Theo lời khuyên của thầy, Kovalevsky, ông chọn môn ý thức hệ Đông Phương, đặc biệt là PG, một môn học mà lúc đó hoàn toàn chưa được khai phá. Năm 19 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án cao học với chủ đề là "Tinh thần những tác phẩm PG của Altan Gerala".

Làm việc không mệt mỏi, ông Vasiliyey đã sưu tập được nhiều tài liệu PG Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Hoa. Ông đã mang về Nga toàn bộ kinh sách PG bằng tiếng Trung Hoa được dịch rút gọn và tu chỉnh cũng như những trích dẫn từ vô số sách về triết học và lịch sử Trung Hoa và Tây Tạng. Năm 1855, ông đến St. Petersburg, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ "Nền tảng triết học của Phật Giáo". Ông được bầu làm viện sĩ thông tấn và không lâu trước khi qua đời ông được chọn làm viện sĩ hàn lâm khoa học Nga. Ông mất ngày 27 tháng 4 năm 1900 tại St. Petersburg, hưởng thọ 82 tuổi. Những tác phẩm Phật học nổi tiếng của ông gồm có "Phật Giáo, nguyên lý, lịch sử và văn chương"; "Tự điển Phật Học Makhavjutpatti"; "Giảng luận về các trường phái văn chương Phật Giáo"; "Lịch sử Phật Giáo Tây Tạng"; "Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ"; Đặc biệt là "Phương pháp nghiên cứu PG" v.v..., trong tác phẩm này ông đã đưa ra hình thức ngắn gọn, về cách nhìn của ông đối với PG và những phương pháp nghiên cứu Phật học, chứa đựng những ý tưởng mới, những giả thuyết táo bạo, và cách giải thích độc đáo. Nó làm nền tảng cho việc nghiên cứu khoa học về Phật Giáo tại châu Âu về sau này.

Ivan Minayev, học trò ông Vasiliyey tiếp tục công việc của thầy. Ông học tại đại học St. Petersburg, khoa ngôn ngữ Đông Phương. Ông rất quan tâm đến hệ thống Tôn Giáo và triết lý PG. Khác với những nhà khoa học trước, ông chỉ chú trọng nghiên cứu Phật Giáo Nam Truyền, ông là học giả đầu tiên được xem là người sáng lập xu hướng mới trong việc nghiên cứu PG Nam truyền tại Nga. Ông dành hết thời gian và công sức vào việc nghiên cứu tất cả những di tích và văn chương cổ của PG Nam tông trong tiếng Pali và cả Sanskrit và những ngôn ngữ Ấn hiện đại. Năm 1862, sau khi tốt nghiệp đại học, ông ra nước ngoài để nghiên cứu PG. Trong năm năm làm việc tại viện bảo tàng Luân Đôn, thư viện Bá Linh (Đức quốc), thư viện Pari để nghiên cứu kinh điển viết bằng tiếng Pali. Ông quan tâm đến lịch sử ngôn ngữ và truyền thuyết dân gian PG Ấn độ. Bằng việc nghiên cứu này, ông Minayey có được sự nhận định sâu sắc hơn về hệ thống triết lý tôn giáo phức tạp này. Ông mất ở tuổi 49 và để lại hơn 130 tác phẩm. Ông được xem là một trong những người Nga đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà khoa học Nga và phương Tây vào hệ thống triết lý PG.

Sergei Oldenburg (1863-1934) là một nhà Đông phương học nổi tiếng khắp thế giới, đã dành hết cuộc đời của mình vào việc nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật và văn học PG. Ông học tiếng Ba Tư và Sanskrit tại khoa ngôn ngữ Đông phương thuộc đại học St. Petersburg. Năm 1894 ông bảo vệ luận án Cao học về đề tài các truyền thuyết Phật giáo. Kiến thức rộng về dân ca Ấn giúp ông hiểu rõ ý nghĩa những hình ảnh được khắc trên bảo tháp Eharhut và trên các bia đá tháp Borobodur tại Java, Indonesia. Năm 1897 ông bắt đầu in một loạt các tác phẩm triết học và Phật học của cả Phật giáo Bắc và Nam truyền với sự góp sức của các nhà Phật học nổi tiếng khắp thế giới do chính ông đứng đầu, tổng cộng ấn hành được hơn 30 bộ sách. Với thành tích đóng góp của ông, Oldenburg được bầu làm hội viên danh dự Hội Châu Á của hoàng gia Anh, Hội Châu Á của Pháp. Chủ tịch danh dự hội nghiên cứu văn học Phật giáo tại Heidelberg. Viện sĩ thông tấn viện hàn lâm Bá Linh và Gottingen và hội viên danh dự của viện khảo cổ Ấn Độ. Vào những năm cuối đời viện sĩ Oldenburg làm giám đốc viện nghiên cứu Đông phương của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô.


Fyodor Ippolitovich Shcherbatskoy (1866-1942), một nhà Phật học Nga lừng danh trên thế giới, sáng lập viên và là viện trưởng đầu tiên Viện Văn Hóa Phật Giáo (Institute of Buddhist Culture). Ông học ngành lịch sử triết học tại đại học St. Petersburg. Năm 1910, ông đến Ấn Độ để tiếp tục nghiên cứu về PG. Ông viếng thăm Bombay, Culcutta, Benares và những thánh tích khác. Một trong những tham vọng của ông là khám phá các thư viện Ấn Độ và Tây Tạng để lục tìm các bản kinh cổ nguyên gốc tiếng Sanskrit đã bị thất lạc. Kết quả, ông đã biên soạn một tác phẩm nổi tiếng là Lô-gích học Phật Giáo (Buddhist Logic, gồm hai quyển, dày hơn 1000 trang, do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xô Viết xuất bản lần đầu tiên vào năm 1930 và tái bản năm 1963, bộ sách này có lưu hành tại VN nhưng chưa được chuyển ngữ), nó được xem là đỉnh cao của sự phát triển lâu dài của triết học PG Ấn và độc lập với luận lý Hy Lạp. Người dân Ấn biết ơn ông vì sự đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển tư tưởng triết học Ấn. Không một cuốn sách PG hiện tại nào mà không nhắc đến tên tuổi của ông. Ông là hội viên danh dự của Hội nghiên cứu PG ở Anh, Pháp, Đức.... và là viện sĩ thông tấn viện hàn lâm Gottingen. Ông tạ thế vào năm 1944.

Một nhà Phật học Nga nổi tiếng khác và cũng là người học trò thân tín và xuất sắc nhất của Giáo sư F. I. Shcherbatskoy, là tiến sĩ Eugene Obermiller (1901-1935), sáng lập viên Trường Ấn Độ học và Phật học Nga và có công rất lớn trong việc làm lớn mạnh hạt giống Bồ đề trên đất nước Nga. Tiếc thay, ông đã bệnh nặng và qua đời ở tuổi 46, để lại phía sau mình gần 20 tác phẩm và dịch phẩm Phật học.

Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Phật học được biết đến ở Nga là ông Yury Roerich, người nhận được sự giáo dục tại Nga và hoàn tất tại London, Paris và Mỹ. Ông dành nhiều năm ở Mông Cổ, Trung Hoa, Tây Tạng, Tích Lan, Nepal, Miến Điện và Ấn Độ để chiêm bái thánh tích và nghiên cứu PG. Ông thông thạo sáu thứ tiếng ở châu Á và bốn ngôn ngữ khác ở châu Âu và sở hữu một vốn kiến thức bách khoa về lịch sử, triết học, luận lý học, đạo đức học, văn chương và nghệ thuật PG. Ông đã phiên dịch và xuất bản quyển kinh Pháp Cú bằng tiếng Nga. Ông đã đột ngột qua đời vào năm 1960.

Các tổ chức hoằng Pháp tại Nga: Năm 1741, hai tu viện PG được xây dựng và được nữ hoàng Nga Elizabeth Petrovna chính thức công nhận Giáo Hội Phật Giáo Nga (Russian Buddhist Church), đây là sự chuyển động quan trọng cuối cùng của PG Nga trong một quốc gia sắp bước qua thời hiện đại.

Năm 1895, Thượng tọa Agvan Dorzhiev, khai sơn một tu viện ở St. Petersburg, Ngài là một người có công gìn giữ truyền thống tông phái Hoàng Mạo (một tông phái theo truyền thống PG Tây Tạng) và nghiên cứu PG nghiêm mật. Ngài sinh năm 1854 trong một gia đình theo Đạo Phật tại Khara Shibin. Ngài đã đến Tây Tạng để xuất gia tu học và trở thành một Tăng sĩ nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại đại học Gormang và được chỉ định làm cố vấn việc học cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Sau nhiều năm tu học và làm việc tại Tây Tạng, Ngài trở về Nga và bắt đầu thực hiện công tác truyền giáo của mình, Ngài bắt tay cải cách và phát triển PG tại Buryatia, Kalmykia và Volga. Đầu thế kỷ 20, TT Dorzhiev nhận thấy đời sống tu viện suy thoái nghiêm trọng. Trong nỗ lực nâng cao phẩm chất cho hàng xuất gia, Ngài đã cho xây dựng thêm nhiều tu viện mới, nhận nhiều người vào tu và tổ chức lễ truyền giới cho họ. Năm 1909, Ngài khởi công xây dựng một tu viện lớn với sự tham gia tận tụy của hai phật tử Nga, là Vasilyevich Baranovslay, một kiến trúc sư nổi tiếng và họa sĩ Nicholas Roerich. Đến năm 1915, tu viện đã hoàn thành và nó đã trở thành một tu viện PG tầm cở đầu tiên tại châu Âu.

 

Rồi cách mạng đến, mọi hoạt động Phật sự đều bị ngưng lại. Thập niên hai mươi là thời kỳ yên tĩnh của PG Nga. Chùa Leningrad chậm chạp phục hồi. Năm 1929, Hội Truyền Giáo Mông - Tạng (Tibetan - Mongolian Mission) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của TT Dorzhiev, nhiều tự viện đã được xây dựng. Tháng 01 năm 1927, Hội Nghị Phật Giáo Xô Viết (Congress of Soviet Buddhists) được tổ chức tại Mátcơva.

Một người có công lớn phục hồi lại PG Nga là nhà Phật học George Nicholas Roerich trở về từ Ấn Độ. Roerich là một chuyên gia nghiên cứu về PG Tây Tạng và Mông Cổ, được chỉ định là khoa trưởng PG thuộc viện Đông phương tại Mátcơva. Tại đây đã tạo ra làn sóng mới về nghiên cứu Phật học. Từ năm 1958, Roerich gặp nhà Phật học Dandaron và hai người đã hợp tác, các kinh Phật bắt đầu được phiên dịch trở lại và các bài báo lại xuất hiện trên các tờ chuyên khảo về nghiên cứu triết học PG. Năm 1960 ông Roerich còn tổ chức in ấn kinh sách và tổ chức một hội nghị hợp mặt các nhà Phật học Nga. Đặc biệt, ông kết hợp với tiến sĩ G. P. Malalasekera (sáng lập viên Hội Liên hữu PG Quốc Tế (The World Fellowship of Buddhists), là đại sứ Tích Lan tại Liên Xô lúc bấy giờ) để ấn hành bản dịch kinh Pháp Cú tiếng Nga. Cuốn sách được tung ra rộng rãi và đó là một thành công lớn của Roerich. Ông mất vào ngày 21 tháng 5 năm 1960 ở tuổi 58 vì bệnh nhồi máu cơ tim.

Cuối thập niên năm mươi, một phong trào truyền bá khác xảy ra ở Nga. Đó là các tác phẩm giáo lý tiếng Nga được quay rônêo và phát hành dưới hình thức phổ biến nội bộ. Rồi cuối thập niên 60 những tác phẩm thiền của tiến sĩ D. T. Suzuki, Alan Watts; những sách về PG Tây Tạng của W. Y. Evan Wets, Alexandra David Neel và Lạt Ma Govinda bắt đầu phổ biến ở Nga. Đầu thập niên 70 thì phong trào học Phật ở Nga tuy âm thầm nhưng rất mạnh và có một số ít Tăng sĩ nước ngoài đến Nga để thuyết giảng.

Đầu năm 1985, với không khí cải cách và đổi mới một dòng người Nga kéo đến Buryatia để nghiên cứu PG. Năm 1987, Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé sang Leningrad trên đường đến Mông Cổ. Năm 1989, Lạt Ma Bakula Rinpoche là một đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ đã đến diễn thuyết tại Mátcơva. Từ năm 1989 đến nay, đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa Phật tử Nga và các hội đoàn PG phương Tây và Hoa Kỳ, tất cả các pháp sư đã quan tâm và thường xuyên đến hoằng pháp tại Nga. Trong số này có cả những Tăng sĩ người Việt, đó là Thiền sư Nhất Hạnh, Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Như Điển .

Hiện nay có khoảng 300 ngàn người Việt định cư tại Nga (di cư đến Nga nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng khởi điểm là vào giữa những năm năm mươi của thế kỷ 20) và một ngôi chùa Việt là Hội Phật Giáo Thảo Đường, do HT Minh Tâm & HT Như Điển chứng minh thành lập, trực tiếp điều hành giai đoạn đầu là ông bà Đạo Hữu Malkhanova Inna Thiện Xuân (người Nga) và Thiện Mẫn (người Việt) cùng Cô Tâm Diệu Hương. Ngoài ra Sư Cô Tuệ Đàm Hương đến từ Đan Mạch và bắt đầu từ cuối năm 2016, GHPGVNTN Âu Châu đã công cử Sư Cô chính thức nhận nhiệm vụ Trụ Trì chùa Thảo Đường tại Moscow này.

Tháng 8 năm 1992, Đức Dalai Lama viếng thăm chính thức Nga. Tại Buryatia và Kalmykia, Ngài đã truyền giới sadi cho 30 người Nga và cụ túc giới cho 13 tăng sĩ Nga, tổ chức khóa tu ngắn ngày cho hàng ngàn tín đồ Nga và làm lễ đặt đá xây dựng hai tu viện cở lớn. Đặc biệt cuối chuyến viếng thăm Ngài đã nói chuyện tại Đại học Mátcơva.

Đến ngày 23 tháng 4 năm 1993, ngài George Churinoff, một thiền sư người Mỹ, đã tổ chức chuyến hoằng Pháp 3 tháng tại Nga, kết quả có rất nhiều người theo Quy Y sau khi nghe bài pháp của Ngài là "Những cơ sở khoa học về PG và sự thích ứng của nó với sự phát triển kinh tế xã hội tại Nga sau thời cộng sản".

Một thế hệ mới các học giả Phật học Nga xuất hiện ở St. Petersburg, trong đó nhiều người đã đi tu và nhiều người khác làm công tác nghiên cứu và dịch thuật. Đáng chú ý nhất là bản dịch kinh Pháp Hoa ra tiếng Nga của giáo sư Alexander Ignatovich vừa hoàn thành năm 1996.

Năm 1989, chính quyền địa phương đã trả lại ngôi Chùa Leningrad cho cộng đồng Phật tử thành phố. Trong thập niên sáu mươi ngôi chùa này được dùng như cơ sở thí nghiệm của viện Động vật học Leningrad. Tuy nhiên, năm 1970, nó được công nhận như là một công trình kiến trúc cổ quan trọng của thành phố và được chuyển sang sở hữu nhà nước. Tháng 9 năm 1990, Đại Đức Tenzin Khetsun Samayev, một Tăng sĩ trẻ người Nga được mời làm trụ trì. Bước vào tòa nhà người ta ngạc nhiên bởi sự hùng vĩ trước đây của nó, những cánh hoa sen bằng kim loại ở những bệ cột cẩm thạch đỏ sậm ở vòm cổng, đà cửa gỗ khắc những hoa văn sặc sở cao khó chạm đến ở những đỉnh cột.... Tuy nhiên ấn tượng nổi bật nhất là sự bỏ hoang không được sửa chữa. Cái giàn thô kệt nhô ra những trần nhà nguy hiểm. Lớp sơn vàng và xám của văn phòng, phết đại lên những màu sắc Tây Tạng sống động, bị bong tróc đi. Cùng với vị sư trụ trì Samayev là 18 Tăng sĩ trẻ Nga, bộ y đỏ tươi của họ là những dấu hiệu duy nhất của ấm áp dễ chịu.


Sự kiện mới đây có ý nghĩa gần đây nhất đối với PG Nga là vào ngày 25 tháng 5 năm 2012  Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (Institute of Philosophy of the Russian Academy of Sciences) đã phát hành Bộ Bách Khoa Toàn Thư Phật Giáo (Encyclopedia of Buddhism) gồm 1,045  do Tiến sĩ Marietta Stepanyants chủ biên. Sự kiện này đã diễn ra với sự hiện diện của các học giả từ Pháp, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Lithuania, Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ, những người tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ ba về Triết học so sánh: 'Triết học và khoa học trong văn hóa Đông và Tây được tổ chức bởi Viện Triết học ở Moscow.

Với hình ảnh buổi ra mắt Bộ Bách Khoa Toàn Thư Phật Giáo này đã nhắc lại cho mọi người nhớ đến một nước Nga từng có một truyền thống hào hùng về truyền thống truyền bá và nghiên cứu Phật học ngang hàng với bất cứ nơi nào trên thế giới và hôm nay, mọi người lại có quyền lạc quan về một tương lai sáng lạn cho PG trên toàn cõi đất nước Nga.

 

Tổng hợp từ các tài liệu:

-- Buddhist for Peace, Mongolia, tháng 05/1988
-- Mandala Journal, USA, tháng 07/1993
-- Wakening of the West, USA, 1994
-- Religion in the Soviet Republics, USA, 1991
-- Buddhistchannel.tv (2012)
-- En.wikipedia.org (2018)



1. phat giao tai Nga_Văn Hóa Phật Giáo, số 303, ngày 15_08_2018-3-202. phat giao tai Nga_Văn Hóa Phật Giáo, số 303, ngày 15_08_2018-3-20
3. phat giao tai Nga_Văn Hóa Phật Giáo, số 303, ngày 15_08_2018-3-204. phat giao tai Nga_Văn Hóa Phật Giáo, số 303, ngày 15_08_2018-3-20

---o0o---


(xem Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo)








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]