Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 8&9 : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký

22/05/201313:37(Xem: 11673)
Phẩm 8&9 : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 8&9 : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Sau khi nghe Phật nói pháp và thọ ký cho các đệ tử lớn, nghe nhân duyên đời trước và thần thông tự tại của Phật, Phú Lâu Na vui mừng thanh tịnh bạch Phật rằng : "Thế Tôn thật là siêu tuyệt, Ngài khéo léo dùng vô số phương tiện nói pháp, cứu vớt chúng sanh. Chúng con không thể nói hết công đức của Thế Tôn. Xin Ngài cho biết bổn nguyện của chúng con".
Phật đáp : "Ở trong 90 ức Đức Phật thuở quá khứ, Phú Lâu Na đã từng hộ trì, trợ tuyên chánh pháp Như Lai. Ông là bậc nhất trong những người nói pháp thuở đó, thông suốt pháp KHÔNG, được bốn trí vô ngại, nói pháp thanh tịnh, đầy đủ thần thông của Bồ tát.
"Người ta tưởng ông là Thanh văn, nhưng thực ông dùng thân Thanh văn để làm lợi ích vô lượng chúng sanh trụ nơi đạo Vô thượng giác. Trong thời bảy Đức Phật quá khứ cũng như thời của ta, Phú Lâu Na cũng là người nói pháp bậc nhất. Và trong tương lai, ông cũng là bậc nhất nói pháp, thọ trì trợ tuyên chánh pháp của vô lượng chư Phật.
"Vì muốn tịnh thế giới Phật, Phú Lâu Na thường siêng năng giáo hóa chúng sanh. Lần đủ đạo Bồ tát, ông sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh. Thế giới tên Thiện Tịnh, đất bằng bảy báu, không có núi gò, khe suối, nhà bằng bảy báu. Người và trời giao tiếp được với nhau. Không có ba đường dữ. Chúng sanh ở nước này do hóa sanh, không có dâm dục. Thân chiếu ánh sáng, thần thông tự tại, chí niệm vững chắc, trí tuệ sáng suốt, đều dùng pháp hỷ thực và thiền duyệt thực. Bồ tát và Thanh văn đông vô lượng".
1.200 A la hán nghe Phật thọ ký cho Phú Lâu Na, tự nghĩ nếu họ được thọ ký như các đệ tử lớn, thì thật là sung sướng biết mấy. Đức Phật biết tâm niệm ấy, liền lần lượt thọ ký cho 500 vị A la hán, bắt đầu là Tỳ kheo Kiều Trần Như. Tất cả đều sẽ thành Phật, đồng một hiệu là Phổ Minh.
Được thọ ký xong, 500 La hán vui mừng đảnh lễ Phật và bạch rằng : "Từ trước đến nay chúng con thường nghĩ mình đã được diệt độ, cho trí nhỏ của mình là đủ, là nhất, giống như một người nghèo đến chơi nhà bạn. Sau bữa tiệc, anh nghèo nằm ngủ say. Chủ nhà lấy ngọc vô giá cột vào vạt áo bạn, rồi bỏ đi. Tỉnh dậy, anh này không biết trong mình có viên ngọc, đến một nước khác, làm ăn vất vả. Ít lâu sau, gặp lại bạn cũ, thấy anh rách rưới khổ sở, mới hỏi tại sao anh không dùng viên ngọc trong vạt áo để kinh doanh sẽ được giàu có, sung sướng.
"Bạch đức Thế Tôn, chúng con cũng vậy, Thế Tôn từng giáo hóa chúng con, từng gieo trồng căn lành cho chúng con. Thế nhưng chúng con ngu si chẳng biết, vừa được hưởng chút phần Niết bàn đã tự cho là đủ, không cầu gì hơn. Nay chúng con mới biết mình thực là Bồ tát, được thọ ký thành đạo Vô thượng chánh đẳng giác, lòng rất vui mừng".
Lúc bấy giờ, A Nan và La Hầu La liền đảnh lễ, bạch Phật rằng : "Chúng con nghĩ mình cũng xứng đáng được thọ ký. Chỉ có Đức Như Lai là chỗ nương tựa của chúng con. Chúng con quen biết tất cả trời người. A Nan là thị giả hộ trì pháp tạng, La Hầu La là pháp tử. Nếu được thọ ký thì lòng nguyện cầu sẽ viên mãn".
2.000 Thanh văn đang tu học cũng lễ Phật, bày tỏ cùng một nguyện cầu giống như A Nan và La Hầu La.
Đức Phật bảo A Nan : "Đời sau ông sẽ thành Phật hiệu Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, Ứng cúng Chánh đẳng giác. Ông sẽ cúng dường 62 ức Phật, hộ trì tạng pháp. Sau khi được Vô thượng Chánh đẳng giác, giáo hóa 20 ngàn ức hằng hà sa Bồ tát thành tựu đạo Bồ đề. Thế giới của Đức Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương tên là Thường Lập Thắng Phan thanh tịnh, đất bằng lưu ly. Kiếp tên Diệu Âm Biến Mãn.
"Đức Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương thọ mạng vô lượng nghìn muôn ức a tăng kỳ kiếp. Vô lượng Đức Phật ở mười phương đồng ngợi khen công đức của ông".
8.000 Bồ tát mới phát tâm trong pháp hội đều nghĩ rằng tại sao hàng Thanh văn lại được thọ ký, trong khi các ông chưa hề nghe các Bồ tát lớn được như vậy. Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Bồ tát, liền bảo rằng : "Ta và A Nan cùng phát tâm Vô thượng chánh đẳng giác từ thời đức Phật Không Vương. A Nan thường ưa học rộng, còn ta siêng năng tu hành, cho nên ta đã được Vô thượng giác. Còn A Nan theo bản nguyện hộ trì tạng pháp của ta. Trong tương lai ông tiếp tục hộ trì tạng pháp của chư Phật, giáo hóa thành tựu các Bồ tát. Bổn nguyện của ông như thế nên được thọ ký tương ưng". A Nan vui mừng, nhớ lại tạng pháp của vô lượng ngàn muôn ức Phật quá khứ và nhớ cả lời thệ nguyện của mình.
Đức Phật nói với La Hầu La : "Ông sẽ cúng dường chư Phật nhiều như vi trần của 10 thế giới và thường làm trưởng tử của các Đức Phật. Ông sẽ thành Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa. Thế giới Phật Bảo Hoa trang nghiêm, kiếp số thọ mạng, giáo hóa đệ tử, chánh pháp, tượng pháp cũng giống như của Đức Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương và sau sẽ được Vô thượng Chánh đẳng giác".
Sau đó, Phật nhận thấy 2.000 Thanh văn hoàn toàn thanh tịnh, một lòng hướng về Phật. Ngài liền nói với A Nan : "Tất cả những vị này sẽ cúng dường chư Phật đông như vi trần trong 50 thế giới, cung kính hộ trì pháp tạng. Sau cùng ở các nước trong mười phương, mỗi người đều thành Phật, đồng một hiệu là Bảo Tướng Như Lai, sống lâu một kiếp. Thế giới trang nghiêm, Thanh văn, Bồ tát, chánh pháp, tượng pháp đều đồng nhau". Được Phật thọ ký, các vị hữu học và vô học vui mừng như được rưới cam lồ.

II. GIẢI THÍCH

Khi Phật nói xong dụ Hóa Thành, chỉ rõ nhân duyên của các đệ tử đã tu hành theo Phật từ thời Phật Đại Thông Trí Thắng đến nay, gợi nhắc các Ngài nhớ lại từng kiếp quá khứ. Đức Phật đã từng dìu dắt, nâng các Ngài đến quả vị Hiền Thánh ngày nay.
Các Ngài hết sức ngạc nhiên, vui mừng, cảm động. Dẫn đầu là Phú Lâu Na và 500 La hán hiểu được Niết bàn của các Ngài chứng đắc trước kia thành tựu nhờ nương uy lực Phật. Và từ đây về sau, trên lộ trình tiến đến Vô thượng giác, phải tu Bồ tát hạnh, xả kỷ vị tha, tự tạo phước đức để trang nghiêm thân tâm, quốc độ.
Thấu rõ được ý thức và khả năng thực tu thực chứng của các vị này, trước tiên Phật thọ ký cho Ngài Phú Lâu Na thành Phật hiệu Pháp Minh. Ngài mang tâm niệm nhu hòa nhẫn nhục rộng lớn, vượt chông gai nguy hiểm để hoằng truyền chánh pháp Như Lai tồn tại mãi trên thế gian, làm lợi lạc chúng hữu tình. Ngài thành Phật ngay tại cõi Ta bà sóng gió ác trược.
Làm giáo chủ cõi Ta bà, một nước toàn người hung dữ nghèo đói. Nhưng Đức Phật lại xác định khi Phú Lâu Na thành Phật, quốc độ của Ngài rất đặc thù, người với trời giao tiếp nhau. Điều khiển được trời người mang hai bản chất hoàn toàn trái ngược nhau cùng chung sống là một việc khó thực hiện. Người trời không giao tiếp được vì còn ở trình độ thấp, nhưng nâng độ cao sẽ giao tiếp được. Hay đó là cốt lõi mà Phật muốn dạy rằng trên chân lý, bản thể là một.
Khi chưa tu, Phật giống như ta. Sau quá trình gọt dũa thân tâm hoàn toàn trong sạch, Phật tiếp cận chư Thiên, thuyết pháp cho chư Thiên nghe là pháp Bất Nhị Ngài nói trong kinh Duy Ma. Ý này nhắc nhở chúng ta nếu thực là mẫu người đạo đức và tri thức cao, sống với bất cứ ai cũng được, không phải ở vị trí cao, rồi sống cách biệt người. Ngoài ra, những người ở trong nước của Phú Lâu Na có lục thông, tam minh, tứ vô ngại biện, tạo thành một nước thực sự văn minh hoàn toàn an lành thanh tịnh.
Phần lớn các xã hội hiện nay không bình an vì thiếu khả năng nhận thức, gây ra tội lỗi, tự tấn công nhau, tiêu diệt nhau. Còn ở thế giới của Phật Pháp Minh, mọi người đều có tam minh : túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. Nghĩa là con người có khả năng nhìn diễn biến của mình và người suốt chiều dài lịch sử từ quá khứ kéo dài đến hiện tại một cách chính xác rõ ràng. Nhờ đó, vạch ra hướng đi tương lai đúng đắn và đưa đến kết quả không sai lầm.
Ngoài ra, đời sống của người ở thế giới Pháp Minh Như Lai còn được trang bị bằng lục thông. Mọi người hiểu lòng nhau, tự cảm thông với nhau, không cần yêu cầu, đòi hỏi. Mọi thắc mắc ẩn khúc tự xóa tan. Biết tất cả và làm được tất cả, làm gì còn tranh chấp xung đột.
Thế giới Phật của Ngài Phú Lâu Na không ở nơi xa xăm nào, Tịnh độ ở ngay đây và được hình thành xây dựng bằng những con người đoạn sạch vô minh. Đôi tay và khối óc của họ siêu tuyệt gọi là tam minh và lục thông. Hay đó là mô hình thế giới lý tưởng của kinh Pháp Hoa đề ra cho người muốn kiến tạo nước Phật phải có bản chất Bồ tát.
Sau khi thọ ký cho Phú Lâu Na, Phật thấu rõ tâm trạng của La hán trong chúng hội. Họ cũng đang mong mỏi được thành Phật và phát nguyện tiếp tục đi trên lộ trình của Phú Lâu Na. Ngài liền thọ ký cho 1.200 vị La hán, đứng đầu là Kiều Trần Như và kế tiếp 500 La hán thành Phật hiệu Phổ Minh.
Các vị này bừng tỉnh, hết sức vui mừng nói lên tâm niệm của mình, ví như một người say nghèo khổ được bạn cho viên ngọc. Nhờ có hạt châu, các Ngài đến với Phật, nghĩa là tâm Phật và tâm La hán đồng một thể. Nhưng vì thọ sanh lại, mang ngũ ấm thân, bị vô minh ngăn che, họ quên mất, nên cứ ngỡ mới gặp Phật và tu trong hiện đời, rồi sợ khổ muốn an trụ Niết bàn. Nhưng nghe xong thí dụ Hóa Thành, biết mình kỳ thực đã phát tâm bồ đề và đã được Phật thọ ký trong quá khứ.
Đức Phật cũng xác định trong phẩm Hóa Thành dụ rằng Ngài đã từng giáo hóa các vị này khi còn là Sa di Bồ tát ở thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng. Tâm Bồ đề Phật đã gieo trồng nơi tâm các La hán, dạy các vị này pháp trau giồi đức hạnh để thành tựu công đức của Bồ tát, hưởng phước lạc thực của chính mình, không phải nương nhờ vị Đạo sư mãi.
Nhưng họ như người say sau buổi tiệc không hay biết gì cả, nhập vào sông mê chơi vơi trong sanh tử. Nay gặp lại Phật, Ngài chỉ cho Phật tánh có sẵn giống như hạt châu cất trong chéo áo mà lại cam tâm làm thuê mướn. Trải qua vô lượng kiếp, họ mang thân nghèo khổ, không biết sử dụng viên ngọc vô giá.
Hạt châu có, Phật tánh hay bản tâm thanh tịnh có, chỉ cần mài dũa cho sáng. Thể nghiệm Bồ tát hạnh, dấn thân vào đời, đoạn hết phiền não trần lao, sẽ minh tâm kiến tánh. Các vị La hán chợt bừng tỉnh, chơn tâm lưu lộ, thấy được quãng đường tu hành thọ trì chánh pháp với Phật từ quá khứ, không khác hạnh nguyện Bồ tát mà Phật dạy ngày nay. Các Ngài hồi tâm và phát nguyện tiếp tục lộ trình vị tha vô ngã, được Phật bảo chứng thành Phật.
Ví dụ hạt châu cũng nhằm chỉ rõ mục tiêu Đức Phật ra đời mở ra cho chúng ta thấy Phật tánh tiềm ẩn trong tất cả mọi người. Ai cũng có bản tâm sáng suốt, nếu biết cách sử dụng, cũng đạt đến toàn năng toàn giác như Đức Phật.
Riêng đối với chúng ta, tuy còn nhiều buồn phiền, vô minh còn ngăn che, thành quả tu hành chưa đạt được bao nhiêu. Nhưng chúng ta tự phát tâm tìm đường tu hành, dù sanh trong đời mạt pháp, không gặp Phật, vẫn cố gắng dùng pháp Phật trang nghiêm tâm hồn. Điều này chứng tỏ Phật cũng đã thọ ký cho chúng ta rồi.
Chúng ta đã có hạt châu trong lòng, hay có sẵn Phật tánh, chỉ cần tu hành trau giồi cho Phật tánh hiển hiện. Trí tuệ phát sanh đến đâu, Thánh tài theo đến đó. Hiểu theo ngày nay, giống như tài nguyên có sẵn trong lòng đất. Tùy trình độ, khả năng khoa học cao thấp, sẽ khai thác sử dụng được tài nguyên thiên nhiên lợi lạc khác nhau. Nhược bằng chúng ta an phận với con người đần độn, không chịu học hỏi, động não cho trí tuệ phát sanh, thì muôn đời ôm kho báu trong tay mà vẫn chịu nghèo đói.
Sau đó, Phật thọ ký cho Ngài A Nan và La Hầu La cùng 2.000 đệ tử Thanh văn gồm những người đang tu học và đã hoàn tất việc tu học. Việc thọ ký cho 2.000 vị chưa đắc quả La hán cũng là một việc đáng suy nghĩ trong thời phong kiến, báo hiệu thời điểm Phật nâng tầm nhìn mọi người cho tiếp cận chân lý mới phô bày sự thật này.
Các học giả thường xếp loại Phú Lâu Na, A Nan và La Hầu La thuộc hàng hạ căn, nghe giáo lý và thí dụ không hiểu, phải nương theo nhân duyên để vào đạo. Nhận xét này không đúng. Nếu Phú Lâu Na, A Nan và La Hầu La thuộc hàng hạ căn, tại sao các Ngài được thọ ký thành Phật quả vị lớn hơn những vị thượng căn và trung căn trước ?
Theo tôi, Phật biệt ký cho Ngài Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La và thọ ký chung cho 500 vị La hán và 2.000 Thanh văn đang tu học. Riêng đối với Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La, Phật xác định rằng hàng trời người tưởng họ là Thanh văn, nhưng thực sự họ là Bồ tát lớn.
Phú Lâu Na đã từng là đại pháp sư trong thời 7 Đức Phật quá khứ. A Nan là pháp lữ với Đức Phật Thích Ca từ thời Phật Không Vương. Nếu căn cứ vào nội dung kinh, không thể phân chia các vị này thuộc hàng thượng, trung, hay hạ; nhưng phải xếp từ Tiểu thừa sang thông giáo Quyền thừa, đến biệt giáo Đại thừa và sau cùng là viên giáo Thượng thừa.
Thật vậy, phần nhiều Phật chê trách hàng Thanh văn để chuyển tâm họ sang Đại thừa. Mở đầu ta thấy Xá Lợi Phất nương theo pháp Tịnh độ, tu hành hướng tâm về cõi Tây phương. Vì thời đó, hàng ngoại đạo tu pháp sanh về cõi Trời, nên Phật tùy theo phương tiện chỉ họ cảnh giới Tây phương trang nghiêm hơn. Đây là phần thông giáo Quyền thừa, Xá Lợi Phất được thọ ký thành Phật.
Chuyển sang phần biệt giáo Đại thừa, với bốn vị đại đệ tử được thọ ký. Ngài Tu Bồ Đề giải pháp KHÔNG đệ nhất, Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, Ca Diếp đầu đà đệ nhất, Ca Chiên Diên biện tài bậc nhất.
Đến phần Viên thừa, đặc biệt khác hơn. Các vị này không phải thuộc ngoại đạo chuyển sang Phật giáo như Xá Lợi Phất, hay Ca Diếp, Mục Kiền Liên v.v… Hoặc chỉ là bậc đồng chơn nhập đạo trong hiện kiếp, mà là những người đã từng theo Phật từ nhiều đời trước, tu hành thuần Bồ tát đạo. Đó là Phú Lâu Na, A Nan và La Hầu La lãnh đạo ba tập đoàn lớn của Phật giáo. Ba vị này bề ngoài hiện tướng bình thường, nhưng bên trong đầy đủ hạnh Bồ tát. Chúng sanh có nhiều nghiệp thì Bồ tát thị hiện hạnh tương ưng để dẫn dắt chúng. Ta đơn cử lên 5 hạnh tiêu biểu như sau :
1- Thánh hạnh - Bồ tát bên ngoài trông tầm thường, sống chung với chúng đang tu học, tùy theo trình độ của họ, các Ngài dùng phương tiện dẫn dắt chúng, nhưng bên trong giữ hạnh trong sạch bậc nhất.
Dưới cái thấy của phàm phu, có những việc Bồ tát làm không đúng, không tròn giới hạnh. Tuy nhiên, vì thực sự phát xuất từ tâm thanh tịnh, các Ngài vẫn đủ tam tụ tịnh giới và chứng đắc Kim Cang Bảo giới.
Hành đạo thay thế Phật, diễn nói tất cả pháp, các Ngài vẫn luôn sống trong thiền định, không bị hoàn cảnh chi phối. Ví như sen nở trong bùn không bị nhiễm ô, hôi tanh. Các Ngài thành tựu được những việc vượt hơn người, sử dụng trí tuệ hết sức lợi ích cho chúng đương cơ và hậu thế. Tất cả pháp của Phật dạy Bồ tát, các Ngài thấu hiểu và thâm nhập trọn vẹn. Tâm các Ngài luôn trụ trong đại thiền định và liễu giải được tạng bí yếu của Như Lai.
Bằng nhãn quan thấu tột chân lý sâu xa, các Ngài tùy căn tánh của người mà giáo hóa, nhằm trưởng dưỡng tâm bồ đề và sinh mạng tương tục của Bồ tát cho họ. Điển hình như Phú Lâu Na là người thuyết pháp bậc nhất. Ngài đầy đủ tài đức, giữ trọn vẹn Thánh hạnh, an nhiên tự tại thuyết pháp ở nơi hung dữ nhất. Và hàng ngoại đạo không xâm hại được Ngài, để sau cùng Ngài đưa họ quay về Phật đạo.
Ngài cũng là người thuyết pháp bậc nhất nơi 90 ức Đức Phật quá khứ và vị lai. Đức Phật cho biết Phú Lâu Na đã hộ trì pháp tạng của 7 Đức Phật quá khứ. Ý này gợi lên cho chúng ta thấy rằng mỗi người sanh trên cuộc đời, đóng những vai khác nhau. Nhưng chúng ta phải nhìn kỹ lòng họ, bề ngoài giống nhau nhưng bên trong hàm chứa khác biệt quan trọng.
Đức Phật nâng tầm nhìn của chúng ta, chỉ cho thấy bề trong tâm hồn, sẽ nhận ra Phú Lâu Na là Bồ tát. Ngài thông minh biện bác, thuyết pháp bậc nhất vì đã có quá trình tu hành ở 7 Đức Phật quá khứ.
Nói chung, mọi người hiện hữu trên cuộc đời như thế nào, đều do nghiệp nhân quá khứ tạo thành. Nếu mang ác nghiệp đời trước nhiều, ai thấy cũng khinh ghét. Hoặc hiện đời, điều gì ta cũng không biết là do nhiều đời ở trong địa ngục hay từ ba đường ác thọ sanh lại. Có người sinh ra bản chất thông minh, có lòng từ, không ham ưa danh lợi. Đây là những người có căn lành, có điều kiện mau thành Phật.
Những đệ tử nhận lãnh được ý Phật, nhờ có yếu tố bồ đề, hạt nhân thành Phật. Điểm này Đức Phật nhấn mạnh người nào có hạt nhân thành Phật mới thành Phật. Đến đây, Ngài xác định hạng xiển đề là người không tin Phật, không thể nào thành Phật.
Kế đến, Phật thọ ký cho A Nan thành Phật hiệu Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, một vị Phật có trí tuệ như trời cao bể cả. Vì Ngài A Nan là bậc đa văn đệ nhất, nên thành Phật với kết quả tất yếu vĩ đại như vậy.
Đức Phật cho biết Ngài A Nan không phải mới phát tâm trong kiếp này. Ngài phát tâm bồ đề đồng một lượt với Phật Thích Ca từ thời Phật Không Vương. Chúng ta hiểu có một Đức Phật Không Vương thực cũng được. Hoặc đồng phát tâm ở Phật Không Vương là đồng với Phật Thích Ca ở bản thể hay bản tâm. Nhưng trên mặt sanh diệt của hiện tượng có sanh thân Phật Thích Ca và A Nan khác nhau.
Ngoài ra, Phật mượn câu chuyện A Nan cùng phát tâm bồ đề với Ngài cũng để chỉ cho thấy rằng chơn tâm mọi người có từ vô thỉ. Ta và Phật đồng một thể tánh sáng suốt, nhưng Đức Phật giác ngộ giải thoát, biết sống với tánh sáng suốt. Còn ta tự rời bỏ chơn tánh, đành phải chấp nhận nổi trôi đau khổ.
Cùng phát tâm từ Phật Không Vương hay từ trí tuệ Bát Nhã trên dạng thể tánh chưa phân chia Thánh phàm, chơn vọng, A Nan thì ưa học rộng, còn Thích Ca siêng năng tinh tấn tu hành. Siêng năng tinh tấn mài dũa tâm, đào luyện tinh thần cho trong sạch để trở về bản tánh sáng suốt, nên sớm thâm nhập bể KHÔNG, vào pháp tánh. Vì vậy, Phật biết tất cả không sai sót, biết đủ cả hai dạng bản thể và hiện thực.
A Nan ưa học rộng, nghĩa là phát triển hiểu biết về hiện tượng, ôm chặt vọng kiến, xa rời bản tánh, biết nhiều phiền não nhiều. Tu hành chúng ta cần lưu ý điểm này. Khi chúng ta lượm lặt hiểu biết của cuộc đời nhét vào đầu óc, biết tất cả mà trở thành người mù ở thật tướng các pháp. Biết qua kinh nghiệm nên hoàn toàn đánh mất trực giác.
Chúng ta càng đi theo con đường huân tập tri kiến kiểu này, càng giống kẻ nấu cát muốn thành cơm, nói gì cũng giỏi, nhưng cuộc sống không thể hiện chút phần giải thoát. Nghiệp và phiền não càng nhiều, bản tâm ta càng lu mờ. Từ đó, ta chỉ lóng nghe tiếng nói ai oán đau khổ của trần thế, đem đặt vào lòng. Và cứ như vậy tâm chúng ta lại mờ thêm trước chân lý.
A Nan phát tâm từ thời Phật Không Vương là từ Pháp thân vô thỉ vô chung của Bồ tát ở bản thể, mới được thọ ký thành Phật lớn hơn các Phật phương tiện trước kia và cảm thành thọ mạng vô cùng tận. Nói cách khác, nương nhân duyên căn lành để trở về bản tâm thanh tịnh thành Phật, không phải thành một ông Phật mới lạ nào, mà vốn dĩ ta đã là Phật. Thọ ký này chính là thọ ký Pháp thân, không phải thọ ký sanh thân.
Đức Phật thọ ký theo thứ bậc, từ thấp lên cao, để cuối cùng mở ra cho chúng ta thấy sự bình đẳng trên chơn tánh. Và sự thọ ký chân thật, có giá trị cao tột là thọ ký Pháp thân, bằng cách đưa ra hình ảnh Phật Thích Ca và A Nan đồng phát tâm ở Đức Phật Không Vương, nghĩa là đồng thể tánh bình đẳng.
Từ thể tánh có sẵn mà phát tâm cũng được diễn tả dưới dạng lau sạch gương đóng bụi. Đó là cách tu thiền của Thần Tú. Gương ví cho tâm, bồ đề ví cho thân. Hành giả lo tu dưỡng cây bồ đề, tự tạo phước đức, làm lợi ích cho người, gia công lau chùi tâm gương cho sáng, cầu học để mở mang hiểu biết. Khi tâm gương và cây bồ đề phát triển hoàn toàn, hành giả đạt quả vị Phật. Hành trì như vậy, hành giả đi theo con đường phương tiện hay tiệm tu, phần phá vô minh phần chứng Pháp thân.
Ngược lại, pháp tu của Huệ Năng đốn ngộ, minh tâm kiến tánh thành Phật, không cần hạ thủ công phu. Hành giả thành tựu pháp hoàn toàn bất ngờ. Chỉ hàng thượng căn mới biết được thành quả này. Tuy họ vẫn mang thân phàm phu, nhưng quán sát kỹ bên trong thấy chơn tâm trong sáng. Như Phật Thích Ca bằng Phật huệ, nhìn thấy A Nan dù chưa đắc quả La hán, mà cốt lõi bên trong là Phật.
Đức Phật Thích Ca thấy được mới thọ ký. Sự thọ ký không mang ý nghĩa ban cho. Bằng trí tuệ của Ngài thấy đệ tử thế nào thì nói cho biết. Về sau gọi là cầu ấn chứng của Thiền sinh đối với Thiền sư. Thiền sinh nhờ Thiền sư xem điều mình hiểu trên bước đường tu chứng có bị lạc ra ma sự hay không. Nếu thực tu ngộ bản tâm, các pháp thế gian không chi phối hành giả, tham sân phiền não hoàn toàn vắng lặng. Hành giả sống dưới dạng chơn tâm thực sự.
Ngoài Phú Lâu Na, A Nan, trong hàng Thanh văn còn có La Hầu La tiêu biểu cho Thánh hạnh. La Hầu La lãnh đạo một tập đoàn trẻ gồm 1.000 vị đã hoàn tất việc tu học. Ngài tu mật hạnh đệ nhất, thường tạo môi trường thử thách cho các người đồng tu để họ vượt qua và thành tựu pháp.
2 - Phạm hạnh thanh tịnh - Bồ tát dù đầy đủ phước lạc thế gian, lòng vẫn thuần thanh tịnh. Các Ngài vào trần thế cứu độ chúng sanh, khởi đại bi tâm dìu dắt họ ra khỏi bể khổ. Các Ngài mang tâm niệm nhập vào trần lao, sống lăn lóc trong cuộc đời, không bị đời làm ô nhiễm, luôn là biểu tượng mô phạm cho người noi theo, thể hiện trọn vẹn tư cách sứ giả Như Lai. Điển hình như Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La. Cả ba tướng hảo, thông minh và hoàn cảnh vật chất sung túc. Phú Lâu Na xuất thân từ giai cấp trưởng giả, A Nan con của Học Phạn Vương, La Hầu La là cháu Tịnh Phạn Vương. Có thừa năm món dục của trần gian, ba vị này thản nhiên từ bỏ tất cả. Với tâm hết sức thanh tịnh, các Ngài nương theo Phật tu hành hướng về quả vị Vô thượng chánh đẳng giác.
Ngài Phú Lâu Na luôn nghĩ đến giản dị hóa kinh Phật để mọi người hiểu được, thể hiện vào cuộc sống, phát huy phước đức và trí tuệ. Ngài A Nan mang hạnh nguyện kiết tập giáo pháp cao quý của Đức Thế Tôn, lưu truyền cho chúng sanh làm kim chỉ nam, thâm nhập Phật huệ.
3 - Thiên hạnh - Ba vị này hiểu cùng tột thật tướng các pháp, không bị điều kiện vật chất, thiên nhiên, nội giới và ngoại giới chi phối. Các Ngài là Bồ tát thị hiện Thanh văn, hành đạo hoàn toàn tự tại, có khả năng chuyển chướng ngại khó khăn thành phương tiện truyền đạo tốt nhất, đầy đủ tư cách làm thầy mọi người.
Đức Phật xác định ngoài Như Lai ra, không ai hiểu được việc làm của các vị này. Đức Phật thọ ký cho Phú Lâu Na không cần qua thế giới nào thành Phật, mà biến cõi Ta bà thành thế giới an vui.
Bồ tát thành tựu được thiên hạnh, thấy rõ tất cả vật chính xác, giống như dùng đôi mắt khoa học, không còn vướng mắc tình cảm và tham vọng. Các Ngài có trí tuệ siêu việt, lý giảng những pháp khó hiểu bằng mọi cách cho chúng sanh tin phục và thuận theo. Ngoài ra, trên bước đường truyền bá giáo lý Như Lai, các Ngài am tường và sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau của chúng sanh.
Đối với chúng sanh ưa thích nghề, cần học nghề, Bồ tát phải biết và dạy được tất cả ngành nghề trên thế gian. Điển hình như vào thời Lý, Ngài Nguyễn Minh Không là tổ đúc đồng, Ngài còn là tổ thợ mộc, tổ nghề thuốc, chữa bệnh cho Lý Thần Tông và được phong Quốc sư. Hoặc Thiền sư Vạn Hạnh là tổ ngành kiến trúc, cũng như đóng vai trò cột trụ xây dựng nội chính cho nhà Lý. Tóm lại, các Bồ tát hiện hữu trên cuộc đời, chỉ để giải quyết mọi nhu cầu cho chúng sanh, đầy đủ trọn vẹn tư cách người con Phật trên thế gian.
4 - Anh nhi hạnh - Tuy ba hạnh trên đầy đủ, Bồ tát vẫn sống bình dị như những người bình thường, không phô trương tài năng, người khác tưởng họ kém dở. Tuy đóng vai nhỏ, họ giải quyết được tất cả việc của người lớn.
Điểm này gợi nhắc hành giả thấy rõ Bồ tát sống ngược lại thế nhân phàm tình. Người đời thực sự tài năng không đến đâu, mà lúc nào cũng thích làm lớn. Bồ tát hành đạo hoặc tự làm hoặc chỉ gợi ý cho người làm, tìm mọi cách giúp người đồng tu. Trông Bồ tát ngây thơ, hiền lành như trẻ thơ, nhưng hướng dẫn được người lớn. Vì các Ngài đã hoàn toàn chứng pháp gọi là nội bí ngoại hiện.
La Hầu La khi về tập đoàn Sa di, cũng sống như Sa di. Bên ngoài không tạo hạnh gì để được cung kính như các vị khác từ ngoại đạo chuyển sang. Ngoài ra, Ngài Văn Thù Sư Lợi hay Phổ Hiền Bồ tát cũng là biểu hiện của anh nhi hạnh được gọi là đồng tử Thiện Tài. Dù đủ tài đức vẹn toàn của một vị đại Bồ tát, các Ngài sống trên cuộc đời, tâm hết sức trong trắng, không so đo suy tính hoặc vướng mắc phải tâm kiêu mạn của một người giỏi cứu nhân độ thế. Đức hạnh các Ngài càng cao, tâm các Ngài càng khiêm tốn, luôn phụng sự chúng sanh với tất cả chân tình.
5 - Bệnh hạnh nghĩa là thị hiện nghiệp hạnh. Sự thật Bồ tát Pháp thân đã giải thoát, đã cắt đứt tất cả phiền não trên cuộc đời; nhưng Bồ tát hiện hữu để cứu độ chúng sanh, nên phải mang thân đồng nghiệp, đồng hạnh với chúng. Tiêu biểu cho hạnh này là Bồ tát Duy Ma Cật.
Riêng trong hàng Thanh văn, Phật xác định Ngài Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La chung sống với người tầm thường, ham ưa pháp Tiểu thừa và hiện đủ nghiệp giống họ. Từ đó, các Ngài tu hành chứng quả A la hán, trở thành người siêu việt kiểu mẫu, trời người đều cung kính. Nhờ vậy, các Ngài có điều kiện dạy họ rằng xưa kia các Ngài cũng mang tâm niệm như họ, nhưng biết nương pháp Như Lai, đạt được quả vị cao quý.
Ngài A Nan thị hiện tu rất dở. Dù sống gần Phật, được coi là đa văn bậc nhất vẫn không đắc quả A la hán, nhằm trấn át tâm cao mạn của hàng học thức thời ấy. Ngài hơn họ bội phần, là con Học Phạn vương, được người trí thức kính nể. Họ nghe lời Ngài, nên không sanh tâm kiêu ngạo đối với người khác.
Riêng tôi, thuở còn đi học thường nghĩ chỉ thích sống với người ngang bằng trình độ tu học với mình. Sống chung với người khác trình độ, tôi cảm thấy mệt quá ! Tuy nhiên, đọc kinh Pháp Hoa, cảm được hạnh nguyện của Ngài A Nan hiện thân vào chúng Thanh văn, sống cùng người trình độ thấp để giáo hóa họ, tôi liền đổi tâm niệm. Không tìm bạn với người ngang bằng hay hơn tôi, mà đến với tất cả mọi người nếu họ chấp nhận được tôi để giúp đỡ họ.
Bước theo dấu chân Bồ tát tất yếu phải như vậy. Ngược lại, chúng ta mới khá, liền xem người không ra chi, không phải là đạo, không phải là người giỏi. Người giỏi thì phải sống được với mọi người, mới giỏi thực.
Chúng ta học hạnh A Nan thấy rõ Ngài nắm giữ tạng pháp bí mật của chư Phật ba đời, mà vẫn sống bình thường, thậm chí không đắc đạo, chỉ chứng tam quả, còn quả cuối cùng không chứng. Điều này gợi ý cho thấy hạnh nguyện lưu nghiệp để giáo hóa chúng sanh của Bồ tát ở Ta bà.
Ngoài ra, A Nan còn mang hạnh nguyện lớn, không ưng trụ Niết bàn. Ngài phát nguyện làm thị giả cho Phật để kiết tập kinh điển, duy trì sự sống còn của giáo pháp. Ngày nay giáo pháp vô thượng của Phật còn lưu truyền cho chúng ta thọ trì đọc tụng là nhờ công đức lớn của Ngài, một vị Bồ tát hiện thân trên cuộc đời soi đường cho chúng ta bước vào thế giới chư Phật.
Mỗi khi nản chí sờn lòng trong việc tu hành, chúng ta tưởng nhớ đến Ngài, vội sửa đổi tâm tánh và thể hiện pháp mầu vào đời sống tu hành, nối gót Ngài trên bước đường làm rạng danh giáo pháp Như Lai.
Với việc làm bất khả tư nghì như vậy, A Nan đã tròn đủ tư cách của một Đức Phật, nhưng thị hiện làm vị Thanh văn bị Ma Đăng Già dụ dỗ để tạo nhân duyên cho Phật giáo hóa các Tỳ kheo chểnh mảng việc tu hành, không trau giồi giới đức.
Ngoài ra, trên đường hành đạo, Ngài Phú Lâu Na đã thị hiện bệnh hạnh độ được 500 vị A la hán trở thành quyến thuộc của Ngài. Khi 500 vị này đến chất vấn, Ngài cáo bệnh không tiếp và đã cảm hóa được họ mà không cần tranh cãi.
Bồ tát trang nghiêm thân tâm bằng năm hạnh nói trên, bước vào trần lao thị hiện cùng nghiệp với chúng sanh, lần hồi dẫn dắt họ ra khỏi rừng rậm tà kiến. Thậm chí, thị hiện thành người tội lỗi như Ma Đăng Già cũng đắc quả A la hán, làm gương sáng khuyến khích những người tội lỗi khởi tâm tu tập.
Giáo đoàn của Đức Phật đã dung hóa được mọi giai cấp xã hội từ vua đến Sa môn, Bà la môn. Dưới nhãn quan của hành giả Pháp Hoa, lịch sử Đức Phật và sự truyền bá của giáo đoàn không phải chỉ giản dị như vậy. Bằng niềm tin và suy tư, chúng ta cảm nhận được mục tiêu ra đời của các vị đệ tử Phật. Những người này nguyện sanh ra cùng một thời với Phật trong tư thế quyến thuộc để trợ hóa Ngài trên bước đường hành đạo. Nhân duyên liên hệ giữa họ và Phật đã có từ nhiều đời và thay hình đổi dạng dưới tất cả khía cạnh trong mọi cảnh giới.
Ngoài chúng Thanh văn hành đạo với Đức Phật ứng thân, còn có Báo thân Phật, mà quyến thuộc là lục vạn hằng hà sa Bồ tát và Hộ pháp long thiên. Chính quyến thuộc siêu hình này duy trì sự tồn tại của chánh pháp.
Việc làm bất khả tư nghì của Ngài Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La, được Phật tán thán rằng chỉ có Phật mới thấu hiểu được. Vì vậy, quả vị Phật thọ ký cho các Ngài cao hơn các vị trước, quốc độ trang nghiêm đặc biệt và thọ mạng đến vô số kiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]