Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thượng

21/05/201317:09(Xem: 11060)
Quyển thượng

Kinh Ưu Bà Di Tịnh hạnh Pháp Môn

Quyển thượng

Thích nữ Diệu Châu dịch

Nguồn: Thích nữ Diệu Châu dịch

PHẨM THỨ NHẤT: TU HÀNH.

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ở trong cung điện Hoan Hỷ, vườn Phất Bà La của Di Già La Mẫu (Tỳ Xá Khư Mẫu). Lúc này, Tỳ Xá Khư Mẫu cùng một ngàn năm trăm thanh tín cận sự nữ đến chỗ Phật cúi đầu lạy sát chân Ngài, rồi lui ngồi qua một bên.

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Sáng sớm con đến đây có duyên sự gì?

Tỳ Xá Khư Mẫu thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trước đây con đã nghe Như Lai nói lược qua về pháp vô thượng sâu xa khó hiểu tên là Ưu Bà Di Tịnh hạnh. Cúi xin Thế Tôn hãy thương xót chúng con mà giảng nói phân biệt tướng pháp vi diệu ấy. Sau khi nghe pháp này để về sau chúng con sẽ thường yên ổn và an lạc trong cõi trời, người cho đến khi giác ngộ.

Phật dạy Tỳ Xá Khư:

- Lành thay! Lành thay! Này thiện nữ! Về vô lượng kiếp thuở xa xưa, con luôn thích nghe pháp và đã cùng quyến thuộc từng thỉnh cầu ta giảng pháp này.

Nghe Phật nói nhân duyên thuở trước, Tỳ Xá Khư Mẫu vui mừng khôn xiết và thưa Phật.

- Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai giảng nói để con được hiểu rõ.

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Hãy lắng nghe. Ta sẽ giảng rõ cho con. Này thiện nữ! Trong vô lượng kiếp lâu xa về quá khứ, có nước tên Ba La Nại, vua hiệu Phạm Dự, phu nhân tên Bạt Đà La. Vua có một người con gái tên là Liên Hoa với dung mạo xinh đẹp, bẩm tính nhu mì, hiền dịu, thông minh, sáng suốt, chí thích học hỏi, siêng năng dõng mãnh, thường tu hạnh lành, những kỹ thuật ở đời cô đều thông đạt và luôn được cha mẹ yêu chuộng.

Bấy giờ, trong núi tuyết có một Phạm chí tên Na La Đà siêng năng tu phạm hạnh, đắc được năm thần thông, luôn giảng pháp cho các đại chúng nên tiếng tốt đồn xa lan khắp bốn phương. Bấy giờ cô gái ấy nghe bạn bè khen ngợi Phạm chí có thần thông và những công đức khó lường như vậy, còn tuyên dương diệu pháp cho đại chúng nữa, nên cô ta rất vui mừng và tự nghĩ: "Người thiện khó gặp, pháp cũng khó nghe, thân mạng khó bảo tồn, cho nên ta phải mau đến đó để lễ lạy hỏi pháp". Nghĩ vậy rồi, cô đến thưa cha mẹ:

- Con nghe mọi người khen ngợi Phạm chí tu hành có đạo đức cao vòi vọi. Cúi xin cha mẹ hãy cho phép con đến chỗ Phạm chí để hưởng thọ pháp vị.

Cha mẹ cô nói:

- Tuổi con còn nhỏ dại, lớn lên trong thâm cung, tánh tình lại yếu mềm, chưa từng ra khỏi cung. Nay núi tuyết xa xôi, đường sá gian nan làm sao có thể đến đó được?

Nước ta có nhiều Phạm chí kỳ cựu, thần thông trí tuệ vô song giỏi giảng nói diệu pháp sâu xa. Vì con, ta sẽ thỉnh mời họ vào cung nội để giảng dạy đạo pháp, con sẽ tha hồ mà học hỏi, không cần phải đi xa.

Cô gái lại xin:

- Thưa cha mẹ! Các Phạm chí kỳ cựu trong nước Ba la Nại đều tôn trọng và suy tìm đạo thuật của họ. Cúi xin cha mẹ hãy cho phép con được nghe pháp giải thoát.

Vì quá yêu thương nên vua không muốn trái ý con, đành miễ cưỡng cho phép. Vua cha liền ra lệnh bốn vị quan thần và thể nữ trong cung chuẩn bị đầy đủ vật cúng dường.

Quan thần tâu vua:

- Những gì đại vương ra lệnh, chúng thần đều chuẩn bị xong rồi.

Khi ấy Vương nữ nghĩ: "Ta cầu nghe được pháp nay đã đúng lúc".

Rồi cô cùng một ngàn năm trăm thể nữ trong cung chở hương hoa đến chỗ Phạm chí để nghe pháp.

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Vương nữ thuở đó chính là con, còn Phạm chí ở núi tuyết chính là ta vậy. Lúc xưa, con đã từng cầu nghe pháp cũng như nay vậy. Bây giờ ta sẽ phân biệt giảng nói pháp môn Tịnh hạnh cho con.

Tỳ Xá Khư thưa:

- Lành thay! Bạch thế Tôn! Như Lai có lòng đại bi thương xót chúng sinh, cúi xin ngài giảng nói con sẽ tu hành theo.

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Các ngươi hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ giảng nói rõ pháp môn Ưu Bà Di Tịnh hạnh cho các con. Pháp ấy được chư Phật hộ niệm, con cần phải tinh tấn tu hành. Này Tỳ Xá Khư! Nếu thiện nữ nào lìa bỏ ác tri thức, gần gũi bạn lành, người đáng cúng dường thì nên cúng dường, đó gọi là Ưu Bà Di Tịnh hạnh.

Nhờ nhân đời trước ở đất nước yên ổn, cũng gọi là Tịnh hạnh.

- Cúng dường cha mẹ, chăm sóc con cái, cũng gọi là Tịnh hạnh.

- Đừng khinh thường tội nhỏ, việc cần làm thì làm theo thứ lớp, cũng gọi là Tịnh hạnh.

Ưa thích bố thí, tu tập thực hành theo pháp, yêu mến quyến thuộc bạn bè, gọi là Tịnh hạnh.

- Tránh xa rượu chè, không làm các điều ác, tu hành ái ngữ, gọi là Tịnh hạnh.

- Học nhiều kỹ thuật, rất giỏi về oai nghi. Nghe điều gì thì nghiên cứu, không để quên mất, gọi là Tịnh hạnh.

- Có lòng cung kính tôn trọng mọi người, ít muốn biết đủ, thọ ân luôn phải báo đáp, gọi là Tịnh hạnh.

- Không bị tám pháp làm động tánh tình hòa nhã, gọi là Tịnh hạnh.

- Không lo buồn, thường được an ổn. Tất cả những việc như vậy mà không lùi bước và làm việc không ngừng nghỉ, gọi là Tịnh hạnh.

- Đối với pháp thiện không biếng nhác, mau chứng vô thượng giải thoát Niết bàn, gọi là Tịnh hạnh.

- Nhẫn nhục, vâng lời, thường muốn gần gũi Samôn, thân hành động chân chánh, làm theo gia nghiệp, gọi là Tịnh hạnh.

- Dùng lửa trí thiêu đốt phiền não, đầy đủ pháp lành, dõng mãnh không thối lui, gọi là Tịnh hạnh.

- Không chê bai người, không đánh đập, khéo hộ trì các căn, giữ tâm không tán loạn, gọi là Tịnh hạnh.

- Tâm chân thật không tham lam, ưa thích ở chỗ thanh vắng, siêng năng tu tập, không bao giờ thối chuyển, gọi là Tịnh hạnh.

- Làm tăng trưởng đạo Bồ đề, không để thối lui, nhàm chán ba cõi như cái thây chết, quán sát sâu xa như vậy, gọi là Tịnh hạnh.

- Ưa bỏ những gì khó bỏ, những giới cấm khó giữ thì giữ hoàn hảo, thích tu thiền định, không bị tán loạn, gọi là Tịnh hạnh.

- Với đạo Bồ đề thì vô lượng chúng sanh có tư tưởng thối lui, nhưng ta tiến tới; còn tất cả người tiến tới thì ta không thối lui, đi đứng cũng như vậy, gọi là Tịnh hạnh.

- Tất cả chúng sinh bị thiêu đốt căn lành thì ta làm cho chúng phát sanh, mọi người thích làm phát sinh căn ác thì ta liền diệt nó. Sanh tử không cùng mà ta ở một bên ấy, gọi là Tịnh hạnh.

Sau khi nghe Phật dạy, Tỳ Xá Khư vui mừng hớn hở chưa từng có và thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ưu Bà Di pháp môn có bao nhiêu hạnh?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Có mười pháp lành mà con phải tu học. Thế nào là mười?

1.- Gặp người có lỗi xan tham thì phải thích tu hạnh bố thí.

2.- Gặp người có lỗi năm giác quan thì phải thích giữ cấm giới.

3.- Gặp người có lỗi tại gia thì phải thích xuất gia.

4.- Gặp người có lỗi nghi ngờ thì phải thích tu trí huệ.

5.- Gặp người có lỗi giãi đãi thì phải thích siêng năng tinh tấn.

6.- Gặp người có lỗi sân giận thì phải thích tu hạnh nhẫn nhục.

7.- Gặp người có lỗi vọng ngữ thì phải thích trung tín.

8.- Gặp người có lỗi loạn tâm thì phải thích thiền định.

9.- Gặp người có lỗi tội khổ thì phải thích tu từ bi.

10.- Gặp người có lỗi khổ vui thì phải thích tu thực hành tâm xả.

Muốn tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Bố thí được phước lớn
Xả bỏ thân yêu quý,
Lìa dục muốn xuất gia
Giữ giới hộ các căn
Tu học được trí tuệ
Tinh tấn đoạn biếng nhác.
Nhẫn nhục trừ sân giận
Nói thật không hư dối
Gặp tám pháp thế gian
Tâm an trụ bất động
Tâm luôn thích thiền định
Không bao giờ tán loạn
Từ bi lợi chúng sanh.
Tu xả ly khổ lạc
Nếu ai hành pháp này
Gọi là đại dõng mãnh.
Được qua bờ biển pháp
Mà chứng đạo Bồ đề.

Nghe Phật nói vậy, Tỳ Xá Khư rất vui mừng và thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu điều cần phải xả ly? Có bao nhiêu pháp cần phải gần gũi?

Phật dạy Tỳ Xá Khư:

- Có 58 pháp cần phải tu học cũng cần xả ly. Đó là gì? Nghĩa là xa lìa tất cả các pháp bất tịnh, gần gũi pháp tịnh. Nên xa lìa pháp ác, gần gũi pháp thiện. Không đáng nuôi dưỡng thì không nuôi dưỡng. Chỗ không nên đến thì đừng đến gần gũi. Chỗ đáng đến thì nên đến. Việc không nên làm thì không bao giờ làm ẩu. Việc đáng làm thì tạo mọi cách để làm. Cầu được phi pháp thì không nên dùng. Nếu đúng như pháp thì nên thọ dụng, điều phục thân tâm thích ở nơi thanh vắng, từ bỏ lời lừa dối, thực hành chánh ngữ, tránh xa giãi đãi thích hành tinh tấn, thâu nhiếp các căn không cho phóng túng. Tâm khiêm nhường cung kính, bỏ cống cao ngã mạn, thường thực hành nhẫn nhục không sân giận, không tranh cãi kiện tụng, hòa hợp với đại chúng, xả bỏ không ở nơi che giấu nhưng sống ở nơi hiển lộ ra, lìa bỏ lời vô nghĩa luôn nói lời đúng nghĩa, tránh tà mạng mà sanh sống bằng chánh mạng, khéo lượng thân mình mà thọ nhận thức ăn uống, không thích cầu nhiều mà luôn biết đủ, không cứng cõi mà sống mềm mại như đất, tu tập lời hòa nhã, tránh xa lời cộc cằn, tránh xa chỗ không an lạc mà sống nơi an lạc, bỏ sự bất đồng ý kiến để cùng nhau sống chung, lìa chỗ không có học vấn để đi đến chỗ có học vấn, nhàm chán ba cõi không sống trong ba cõi, tránh tất cả tạo tác nên trụ vào vô sở tác, bỏ ngã kiến tu học pháp không.

Này Tỳ Xá Khư! Trên đây là năm mươi tám pháp đầu tiên con cần phải tu hành.

Vì muốn tuyên lại nghĩa trên nên Thế Tôn nói kệ:

Thuận tất cả sở học
Đầu cuối không còn dư
Nên viễn ly, gần gũi
Làm xong được an lạc
Đã học tất cả pháp
Sở nguyện đều đầy đủ
Bỏ thân mạng yêu quý
Mà chứng đạo Vô thượng
Nếu ai học như vậy
Đối với môn Tịnh hạnh
Không chỉ riêng Thanh Văn
Duyên Giác và Bồ tát
Ở trong vô lượng kiếp
Khen công đức người ấy.

Sau khi Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu vui mừng hớn hở hỏi thêm:

- Bạch Thế Tôn! Lại pháp môn Tịnh hạnh có bao nhiêu loại gọi là Đại hạnh.

Phật dạy:

- Có ba đại hạnh, con phải tu hành. Ba đại hạnh đó là:

1.- Đại tín tâm.

2.- Đại tinh tấn.

3.- Đại trí tuệ.

Tỳ Xá Khư thưa:

- Bạch Thế Tôn! Sao gọi là đại tín tâm?

Phật dạy:

- Đai tín tâm là tin Phật. Phật là bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Đây gọi là đại tín tâm.

Tỳ Xá Khư hỏi:

- Sao gọi là đại tinh tấn?

Phật dạy:

- Nếu trong lúc hành tinh tấn có thể xa lìa vứt bỏ tất cả pháp ác, cần phải giữ gìn tất cả pháp thiện. Với pháp thiện thì dõng mãnh không dừng nghĩ. Đây là đại tinh tấn.

Tỳ Xá Khư hỏi:

- Sao gọi là đại trí tuệ?

Phật dạy:

- Người nào có trí tuệ mắt thấy pháp sanh diệt mà là bậc thánh đã vượt qua diệt hết khổ vô thường. Đó gọi là đại trí tuệ.

Trên đây là ba đại hạnh.

Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Với đại tín tâm
Ghi sâu không lìa
Các hạnh đầy đủ
Để cầu Bồ đề
Với đại tinh tấn
Kiên cố không bỏ
Cần tu viên mãn
Để cầu Bồ đề
Với đại trí tuệ
Hiểu rõ rốt ráo
Đủ Ba La Mật
Để cầu Bồ đề
Pháp đã tăng trưởng
Biết đại danh văn
Tăng trưởng tận rồi
Tùy ý tu hành
Nhờ biết như vậy
Hiểu rõ nhơn pháp.

Sau khi Phật nói bài kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu lòng rất vui mừng, lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Pháp môn Ưu Bà Di tịnh hạnh muốn bước lên Phật địa thì có mấy hạnh?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Có bốn hạnh để bước lên Phật địa. Đó là:

1.- Tinh tấn không biếng nhác.

2.- Trí huệ không mê hoặc.

3.- Định tâm không thối lui.

4.- Hành từ bi làm lợi ích chúng sinh.

- Này Tỳ Xá Khư! Nhờ bốn pháp này mà bước lên Phật địa.

Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Siêng năng không biếng nhác
Trí tuệ không mê hoặc
Thiền định không thối lui
Hành từ lợi chúng sinh
Nhờ bốn pháp này đây
Mà chứng Nhất Thiết Trí.

Sau khi Phật nói kệ này. Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có mấy pháp để an trụ đắc quán? Làm thế nào để pháp tập hợp lại không bị phân tán và pháp hợp có mấy pháp?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Có bốn pháp để an trụ đắc quán. Đó là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Trong đó pháp tập hợp không bị phân tán là khi đắc trí Thanh Văn, trí Bích Chi Phật , trí Bát Nhã và trí Phật. Pháp hợp có ba mươi hai quán pháp đó là:

1.- Niệm Phật.
2.- Niệm Pháp.
3.- Niệm Tăng.
4.- Niệm Giới.
5.- Niệm Thí.
6.- Niệm Thiên.
7.- Niệm A Na.
8.- Niệm Bát Na.
9.- Quán diệt tưởng.
10.- Quán tưởng thân.
11.- Quán tưởng tịch tịnh.
12.- Quán tưởng địa.
13.- Quán tưởng thủy.
14.- Quán tưởng hỏa.
15.- Quán tưởng phong.
16.- Quán tưởng xanh.
17.- Quán tưởng vàng.
18.- Quán tưởng đỏ.
19.- Quán tưởng trắng.
20.- Quán tưởng hư không .
21.- Quán tưởng thức xư.
22.- Quán tưởng phình trướng.
23.- Quán tưởng hôi thối.
24.- Quán tưởng kĩ chảy.
25.- Quán tưởng hư nát.
26.- Quán tưởng...?
27.- Quán tưởng rơi rớt tứ tung.
28.- Quán tưởng xương thịt ngỗn ngang.
29.- Quán tưởng xương ướt.
30.- Quán tưởng xương màu trắng.
31.- Quán tưởng tất cả vô thường.
32.- Quán tưởng tất cả các pháp là vô ngã.

Đó là ba mươi hai pháp quán, với bốn vô thượng tâm gọi là an trụ đắc quán trí Thanh Văn, trí Bạch Chi Phật, trí Tát Bà Nhã và trí Phật là pháp tập hợp không bị phân tán.

Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:

Nếu dùng hạ quán
Đắc trí Thanh Văn
Khéo tu trung quán
Đắc trí Duyên Giác
Thượng quán viên mãn
Đắc trí Bồ đề.

Phật nói kệ này xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng và lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn bất tịnh nên trụ tâm như thế nào để mau lìa phiền não và thông đạt lục môn?

Phật dạy Tỳ Xá Khư:

- Có ba mươi hai pháp môn mà đối với bất tịnh thì tâm được lạc trú, mau lìa phiền não thông đạt lục môn, ba mươi hai pháp môn đó là gì? - Nghĩa là trong thân có: lông, tóc, móng, ghèn, răng, da, thịt, gân, xương, thận, mỡ lá, mở miếng, tủy, não, tim, lá lách, thận, gan, mật, đại trường, tiểu trường, lá lách, phổi, dạ dày, bụng, máu, đàm, mồ hôi, nước giải, nước mắt, nước mũi và phân rất là bất tịnh.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là ba mươi hai điều quán bất tịnh làm cho tâm thích trụ vào pháp môn tịnh hạnh, mau xả bỏ phiền não, được thông đạt lục môn.

Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Giống như dòng sông
Đều vào biển cả
Trong pháp môn này
Dòng quán cũng vậy
Khéo quán thô tế
Tịnh và bất tịnh
Pháp vô thượng trí
Phật đều thông đạt.

Nghe Phật nói bài kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng và lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn tịnh hạnh, Bồ tát có bao nhiêu sự ràng buộc trụ vào thế gian mà không được giải thoát?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Pháp môn tịnh hạnh trước các Bồ tát có bảy dây ràng buộc trụ vào thế gian. Bảy pháp đó là:

1.- Nếu ta được độ mà thế gian chưa độ thì ta sẽ độ họ.

2.- Nếu ta đã giải thoát mà thế gian chưa giải thoát thì ta sẽ giải thoát cho họ.

3.- Nếu ta đã giác ngộ mà thế gian chưa giác ngộ thì ta sẽ giác ngộ cho họ.

4.- Nếu ta đã điều phục mà thế gian chưa điều phục thì ta sẽ điều phục họ.

5. - Nếu ta đã an lạc mà thế gian chưa an lạc thì ta sẽ làm cho họ an lạc.

6. - Nếu ta thành đạo mà thế gian chưa thành đạo thì ta sẽ dẫn dắt cho họ.

7. - Nếu ta đã đắc Niết Bàn mà thế gian chưa đắc Niết Bàn thì ta sẽ tạo điều kiện để họ nhập Niết Bàn.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là bảy sự ràng buộc mà Bồ tát phải trụ thế gian không được giải thoát.

Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Độ rồi, độ chúng sanh
Thoát rồi, thoát chúng sanh
Giác rồi, giác chúng sanh
Điều rồi, điều chúng sanh
An rồi, an chúng sanh
Đạt rồi, dạy chúng sanh
Ta đã đắc Niết bàn
Khiến chúng sinh được đắc
Ba cõi như nhà lửa
Tham dục như lưới bùn
Tất cả đều diệt sạch
Để chứng đạo Bồ đề.

Thế Tôn nói kệ này xong, Tỳ Xá Khư rất vui mừng lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Với pháp môn Tịnh hạnh thì phải tu bao nhiêu hạnh lành để viên mãn tất cả pháp?

Phật dạy:

- Tu ba hạnh lành để tất cả pháp được viên mãn. Ba pháp lành là:

1.- Hạnh lành thuộc thân.
2.- Hạnh lành thuộc khẩu.
3.- Hạnh lành thuộc ý.

Ba hạnh lành này viên mãn thì tất cả pháp được viên mãn, nghĩa là bố thí được viên mãn, trì giới được viên mãn, xuất gia được viên mãn, được trí tuệ viên mãn, được tinh tấn viên mãn, được nhẫn nhục viên mãn, được chân thật viên mãn,được thệ nguyện viên mãn, được Từ, Bi, Hỷ, Xả viên mãn, được bốn tư viên mãn, được bốn định viên mãn, được bốn thần túc viên mãn, được năm căn viên mãn, được năm lực viên mãn, được thất Bồ đề viên mãn, được Bát chánh đạo viên mãn, được chín trí viên mãn, được mười trí lực viên mãn, được trí đạo Tu đà hoàn viên mãn, được trí quả Tu đà hoàn viên mãn, được trí đạo Tư đà hàm viên mãn, được trí quả Tư đà hàm viên mãn, được trí đạo A na hàm viên mãn, được trí quả A na hàm viên mãn, được trí đạo A la hán viên mãn, được trí quả A la hán viên mãn, được bốn trí viên mãn đó là pháp trí, vị tri trí, danh tự trí và tha tâm trí viên mãn, được tận trí viên mãn, được vô sanh trí viên mãn, được song thần lực viên mãn, được đại bi tam muội trí viên mãn, được nhất thiết trí viên mãn, được Vô ngại trí viên mãn.

Này Tỳ Xá Khư! Nhờ ba hạnh lành viên mãn này mà làm cho tất cả các pháp được viên mãn.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Tu ba hạnh lành rồi
Viên mãn tất cả pháp
Các pháp viên mãn rồi
Thì chứng đạo Bồ đề.

Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trong pháp môn Tịnh hạnh có bao nhiêu niệm cho bậc đại nhân?

Phật dạy:

- Có tám niệm cho bậc đại nhân. Tám niệm đó là:

1.- Ít muốn chứ chẳng phải không ít muốn.

2.- Biết đủ chẳng phải không biết đủ.

3.- Tịch tịnh chẳng phải không tịch tịnh.

4.- Viễn ly chẳng phải không viễn ly.

5.- Tinh tấn chẳng phải không tinh tấn.

6.- Thiền định chẳng phải không thiền định.

7.- Trí tuệ chẳng phải không trí tuệ.

8.- Vô ngại chẳng phải không vô ngại.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là tám niệm của bậc đại nhân.

Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Khéo định các niệm
Niệm phi thiện pháp
Nếu bỏ niệm này
Để rồi chán xa
Khéo định các niệm
Niệm phi thiện pháp
Quán rõ pháp tướng
Bước tới vô thượng.

PHẨM THỨ HAI: TU HỌC.

Đức Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn Tịnh hạnh, Bồ tát sơ học phải tu học như thế nào để đắc Bồ đề?

Phật dạy:

- Bồ tát sơ học có năm mươi điều tu học để đắc Bồ đề, năm mươi điều đó là gì?

Nghĩa là: Thể nhập sâu vào pháp tánh, không xả bỏ, không giảm, không đọa, không thối lui, tu học tâm xả, tu học đa văn, tu học oai nghi, tu học chiến thắng quân ma, tu học ánh sáng, tu học tướng tốt của Phật , tu học giới cấm, tu học tam muội, tu học Bát nhã, tu học đại Bát nhã, tu học hạnh lành, tu học đại hạnh lành, tu học sắc tướng, tu học không hai lời, tu học như ý túc, tu học thượng như ý túc, tu học đại như ý túc, tu học diệu như ý túc, tu học dĩ như ý hành, tu học đại ý hành, tu học những điều quy định, tu học tự tại, tu học tướng tâm Phật, tu học tướng tâm viên mãn, tu học thần thông, tu học đại thần thông, tu học chân thật, tu học làm vua thống lãnh bằng chánh pháp để được lâu dài, tu học đến chỗ cùng cực, tu học cõi Phật, tu học thọ mạng của Phật, tu học cây Bồ đề, tu học hoa sen, tu học pháp Phật giảng, tu học đại pháp luân, tu học chuyển pháp luân, tu học thiện tri thức, tu học lìa bỏ chúng sinh, tu học tay viên mãn, tu học áo bằng cây kiếp ba, tu học tòa sư tử, tu học nằm nghiêng hông bên phải, tu học vị thức ăn của Phật, tu học trú xứ, tu học tướng thủy của Như Lai.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là năm mươi học pháp mà Bồ tát sơ học cần phải tu học để thể nhập sâu vào không bỏ, không giảm, không đọa, không thối lui, con nên biết điều ấy.

Thế Tôn liền nói kệ:

Đầy đủ tất cả hành
Để cầu pháp tịch tịnh
Ánh sáng chiếu cõi Phật
Vì thương xót chúng sinh
Thoát khỏi nạn ba cõi
Tất cả pháp không cùng
Như Lai đã thấu đạt.

Sau khi Thế Tôn đã nói kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai có bao nhiêu ánh sáng, sơ học Bồ tát phải tu hành như thế nào?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Như Lai có sáu loại ánh sáng. Sáu loại đó là:

1.- Ánh sáng xanh.

2.- Ánh sáng vàng.

3.- Ánh sáng đỏ.

4.- Ánh sáng trắng.

5.- Ánh sáng hồng.

6.- Màu ánh sáng chiếu sáng.

Này Tỳ Xá Khư! Đó là sáu loại ánh sáng của Như Lai. Sơ học Bồ tát phải tu hành như thế nào để được ánh sáng này.

Này Tỳ Xá Khư! Vì Bồ tát nhờ ánh sáng màu xanh nên luôn dùng hoa xanh, hương xoa, hương bột xanh, vải xanh, châu báu xanh, để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì thường quán màu xanh. Làm vậy xong, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu xanh.

Bồ tát tu học ánh sáng màu vàng như thế nào? Nghĩa là thường lấy hoa vàng, hương xoa, hương bột màu vàng, vải vàng, châu báu vàng, để cúng dường. Nếu vào thiền định thì thường quán màu vàng. Sau khi làm vậy nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu vàng.

Bồ tát tu học ánh sáng đỏ như thế nào? Nghĩa là thường lấy hoa đỏ, hương xoa, hương bột màu đỏ, vải đỏ, châu báu đỏ để cúng dường. Nếu khi nhập thiền định thì luôn quán màu đỏ. Làm như vậy rồi nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu đỏ.

Bồ tát tu học ánh sáng màu trắng như thế nào? Nghĩa là thường lấy hoa trắng, hương xoa, hương bột màu trắng, vải trắng, châu báu trắng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì thường quán màu trắng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu trắng.

Bồ tát tu học ánh sáng màu hồng như thế nào? Nghĩa là thường lấy hoa màu hồng, hương xoa, hương bột hồng, vải hồng, châu báu hồng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì luôn quán màu hồng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng màu hồng.

Bồ tát tu học màu ánh sáng chiếu sáng như thế nào? Nghĩa là thường lấy hoa màu ánh sáng, hương xoa ánh sáng, hương bột ánh sáng, vải ánh sáng, và châu báu ánh sáng để cúng dường. Nếu nhập thiền định thì luôn quán ánh sáng. Làm vậy rồi, nguyện đời tương lai được có ánh sáng rực rỡ.

Này Tỳ Xá Khư! Đó gọi là Bồ tát tu học sáu thứ ánh sáng của Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Ánh sáng Phật có sáu
Ánh sáng màu xanh, vàng
Màu đỏ, trắng và hồng
Tướng sáng chiếu rất sáng
Nếu người có trí huệ
Luôn siêng năng tu hành
Ai thích ánh sáng đẹp
Nên học hạnh rộng lớn
Cúng dường hoa, hương, đèn
Dâng lên Đấng Vô thượng
Tu học sáu món hạnh
Nguyện chi cũng thành tựu.

Sau khi Phật nói kệ. Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tướng đại nhân có bao nhiêu loại và sơ học Bồ tát phải tu học như thế nào?

Phật dạy:

- Tướng đại nhân có ba mươi hai. Bồ tát tu học thì có hai mươi hạnh hợp lại với tướng đại nhân thành hai đạo và không có thừa.

Hai đạo nghĩa là: Nếu người tại gia thì được làm Chuyển luân thánh vương cai trị (làm vua) bốn thiên hạ, chiến thắng các nước và đầy đủ bảy báu.

1.- Kim luân báu.
2.- Voi trắng báu.
3.- Ngựa trắng báu.
4.- Ma ni báu.
5.- Ngọc nữ báu.
6.- Tạng thần báu.
7.- Chủ binh báu.

Lại có ngàn người con dõng mãnh oai hùng có thể chiến thắng quân địch, tận cùng bờ biển lớn đều dùng chánh pháp để chiến thắng chứ không dùng binh trượng.

Còn như người xuất gia thì được thành Phật là bậc tối tôn, đệ nhất trong cõi trời và người, có đầy đủ 32 tướng của bậc đại nhân.

Ba mươi hai tướng đó là gì? Đó là thân màu vàng ròng, ánh sáng tròn chiếu một tầm giống dung kim, thân như Phạm thiên cao thẳng, sau cổ có ánh sáng như mặt trời, đỉnh có nhục kế, tóc xanh biếc, thân Phật tròn đầy như cây Ni câu luật, giữa chặng mày có lông như Đâu la miên, mí mắt trên dưới khép kín nhau, tròng con mắt màu xanh biếc, lưỡi che cả mặt, tiếng như Phạm thiên có tám loại như tiếng Ca lăng tần già, miệng có bốn mươi cái răng, răng trắng đều khít, má như sư tử, da dẻ mịn màng không bị trần cấu, mỗi lỗ chân lông có một sợi mềm mại màu xanh biếc và đều xoay về bên phải, ngực như sư tử, ngực có chữ vạn, bảy chỗ đầy đặn, kẽ tay và kẽ chân có màng mỏng dính lại, ngón tay thon dài, hai tay nắm khít nhau, đứng tay dài quá đầu gối, tướng âm mã tàng, gót chân đầy đặn có bánh xe một ngàn căm. Đó là ba mươi hai tướng thân của bậc đại nhân.

Này Tỳ Xá Khư! Hai mươi điều để tu được tướng bậc đại nhân là gì?

Về thuở xa xưa, khi Như Lai còn là người phàm, đối với pháp thiện ta thành tựu kiên cố không phải dễ thọ trì. Thân hành thiện, khẩu hành thiện, tâm niệm hành thiện, đem tất cả bố thí cho chúng sanh, giữ kỹ giới cấm, luôn an trú trong thanh tịnh, cúng dường cha mẹ, Samôn, Bàlamôn, bậc kỳ cựu đức lớn, lục thân quyến thuộc. Đối với pháp thiện ta đều thực hành đủ. Ta tu tập trọn vẹn và tích trữ nghiệp lành rất nhiều, sanh tử vô lượng lần cho đến còn một đời nữa thôi (Nhất sanh bổ xứ) thì tự tại như ý, luôn hưởng khoái lạc ở cõi trời như: Thọ mạng, sắc lực, ngôi vua, danh văn, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sau khi thọ khoái lạc cõi trời, sanh xuống nhân gian được tướng đại nhân, chân đạp đất, khi để chân xuống đất thì khít với mặt đất, dở chân lên còn lại dấu bánh xe, mu bàn chân đầy đặn giống như mu rùa. Nhờ tướng này, nếu là tại gia thì được làm Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia thì được chứng Vô thượng Bồ đề không còn sanh tử, đắc Niết bàn thường lạc. Oan gia trong ngoài, phạm ma, Samôn, Bàlamôn không thể làm hại được. Đó gọi là Phật.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Các pháp đều nhu hòa
Luôn giữ trai giới cấm
Bố thí tâm bình đẳng
Quán sâu pháp vô thường
Tất cả nghiệp đã tạo
Tâm thọ trì kiên cố
Nhờ có hành nghiệp này
Thường sanh lên cõi trời
Sau sanh vào loài người
Hưởng phước báu thế gian
Dưới chân được bằng phẳng
Đạp xuống đều khít đất
Đất in hình bánh xe
Tại gia hay xuất gia
Đều có tướng như vậy
Dù Phạm Thiên, ma vương.
Samôn, Bàlamôn
Tất cả các oan gia
Đều phải bị hàng phục
Xuất gia hành học đạo
Đoạn hẳn gốc sanh tử
Các hành đã đầy đủ
Chứng đắc bậc Vô thượng.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng bánh xe ngàn căm? Thuở xa xưa khi Như Lai còn là người phàm luôn gánh vác cho chúng sinh, dẹp trừ sự sợ hãi cho họ, bố thí niềm vui vô úy. Nếu được ai bố thí ta đều đem cho chúng sanh chứa nhóm nghiệp lành cao lớn không thể tính kể. Sau khi qua đời sanh lên cõi trời hưởng diệu lạc. Lần lượt như vậy qua vô lượng vô biên lần, sau đó sanh làm người, được tướng đại nhân, dưới bàn chân có bánh xe ngàn căm. Tướng bánh xe tròn đầy giống như chơn kim luân. Được tướng này rồi nếu là tại gia thì Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn thiên hạ, có đầy đủ bảy báu, luôn có Samôn, Bàlamôn, cư sĩ, đại thần, trưởng giả và bốn binh vây quanh. Nếu xuất gia thì được thành Phật, có đại chúng vây quanh được Tỳkheo, Tỳkheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la già... cung kính tôn trọng.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Ta trong vô lượng kiếp
Giúp cho chúng sanh vui
Giúp họ không lo sợ
Bảo hộ không dừng nghĩ
Nhờ nghiệp công đức này
Thường sanh lên cõi trời
Đến nhất sanh bổ xứ
Dưới chân xe ngàn căm
Sáng rực như kim luân
Nhờ tạo ngàn hành nghiệp
Được chứng nhơn trung tôn
Có đại chúng vây quanh
Chiến thắng các ma oán
Nếu là dòng Sát lợi
Thì làm vua Chuyển luân
Nếu xuất gia học đạo
Thì thành Vô thượng tôn
Trời người A tu la
Ma hầu la vân vân
Loài bốn chân phi nhân
Đều cung kính cúng dường
Tiếng đồn khắp mười phương
Làm ruộng phước cho người.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thếù nào để có ba tướng đại nhân? Về thuở xa xưa, khi Như Lai còn là người phàm, không giết hại chúng sinh, không đánh đập, không bao giờ cất chứa những khí cụ để đánh đập luôn sanh lòng tàm quý, tu tập từ bi, nghiệp lành chứa cao xa không thể nghĩ bàn trải qua sanh tử vô lượng kiếp cho đến nhất sanh bổ xứ vào làm người thì được ba tướng đại nhơn:

1.- Gót chân đầy đặn.

2.- Ngón tay thon dài.

3.- Thân tròn và thẳng như Phạm thiên. Nhờ tướng này mà được thọ mạng lâu dài, hiện tướng sống lâu, giữ gìn mạng sống không sợ chết yểu. Nếu xuất gia thì được thành Phật, thọ mạng lâu dài. Tất cả thế gian, trời, người, Samôn, Bàlamôn, không ai có thể phá hoại tuổi thọ của Như Lai được.

Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Ai cũng sợ chết sợ đao trượng
Lấy mình ví dụ chớ đánh đập
Cho nên xa lìa sao suy nghĩ
Nhờ hạnh lành này sanh cõi trời
Hưởng quả báo trời vui vô lượng
Qua đời làm người được ba tướng
Tay, chân dài, thân tròn đầy
Đi trên đất vững như rùa vàng
Ngón tay thon dài như búp măng
Thân thể sáng rỡ như Tu di
Ba tướng này thành Thiên nhân tôn
Biểu hiện Như lai sống dài lâu.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có bảy chỗ viên mãn? Về thuở xưa, khi Như Lai còn là người phàm luôn luôn làm thí chủ, đem những thứ thức uống ăn, trái ngọt, hương thơm, nước uống, siêng tu bố thí, chứa nhóm nghiệp này cao xa không thể nghĩ bàn cho đến đạt Nhất sanh bổ xứ, thường hưởng khoái lạc cõi trời, sau sanh làm người được tướng bảy chỗ viên mãn. Môi, cằm, tay, chân đều đầy đặn. Nhờ tướng này nếu là tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, đều có đầy đủ món ăn thượng hạng trong thế gian. Còn nếu xuất gia thì được thành Phật, thọ thức ăn, uống tối thượng bằng vị ngon nhất trong trời, người.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nằng kệ:

Ăn uống ngửi nếm món vô thượng
Thí chủ luôn tu hành như vậy
Vì hạnh lành này không thể lường
Hưởng khoái lạc như vườn hoan hỷ
Thọ nghiệp báo sanh xuống làm người
Được bảy tướng đại nhơn bảy chỗ đầy
Tay chân mềm mại không ai bằng
Nhờ tướng này được món thượng hạng
Tại gia hay xuất gia đều như vậy
Như Lai đoạn hẳn lậu ba cõi
Cho nên đắc thành Vô thượng tôn.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để tay chân mềm mại có tướng màng lưới mỏng dính lại với nhau? Vào thuở xa xưa khi Như Lai còn là người phàm, luôn dùng Tứ nhiếp pháp để giáo hóa chúng sanh, đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Có ai cầu xin điều gì cũng không làm trái ý họ, tích chứa nghiệp này cao xa cho đến Nhất sanh bổ xứ, luôn hưởng khoái lạc của cõi trời, sau sanh xuống làm người thì được hai tướng đại nhân:

1- Tay chân mềm mại.

2- Tay chân có màng lưới mỏng dính lại nhau. Nhờ tướng này nếu tại gia thì được làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn thiên hạ, còn nếu xuất gia thì thành Pháp vương, giáo hóa vô lượng chúng sanh như: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, phi nhơn.v.v...

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Tu bố thí, ái ngữ
Lợi hành cùng đồng sự
Luôn dùng bốn nhiếp pháp
Giáo hóa không bỏ ai
Do nhờ hành nghiệp này
Thường sanh lên cõi trời
Rồi sanh xuống làm người
Được hai tướng đại nhơn
Tay chân đều mềm mại
Và màng lưới dính nhau
Vi diệu mỏng nhỏ đẹp
Nhờ có hai tướng này
Tại gia làm Chuyển luân
Lấy pháp lành giáo hóa
Ai nấy đều thuận theo
Giữ gìn không vi phạm
Vui mừng khen Thánh vương
Ban ân không ai bằng
Lòng từ thấm bốn phương
Nếu lìa bỏ năm dục
Xuất gia được thành Phật
Vì chúng sanh giảng pháp
Người nghe đều lãnh thọ.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng cổ chân Như Lai thẳng tròn và lôøng trên thân xoay về phía phải?

Phật dạy:

- Này Tỳ Xá Khư! Về thuở xưa, khi Như Lai còn là người phàm, luôn dùng pháp lành để giáo hóa chúng sanh, thường thực hành pháp thí không bao giờ nói lời vô nghĩa. Nhờ nghiệp này mà được tăng trưởng lớn mạnh cho đến đạt Nhất sanh bổ xứ. Sau sanh làm người được hai tướng đại nhơn:

1- Chân cao thẳng không thấy mắc cá.

2- Lông xoay tròn phía phải. Nhờ tướng này, nếu tại gia thì được làm Chuyển Luân Thánh Vương, bậc tôn quí cao nhất trong loài người, vui vẻ khoái lạc trong năm dục, có bảy báu, có một ngàn người con theo hầu bên cạnh. Nếu bỏ nhà vào núi học đạo thì được thành Phật, là bậc tôn quí tối thượng nhất trong trời người không có ai sánh bằng, tất cả chúng sanh đều cung kính tôn trọng:

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Luôn dùng pháp lành
Lợi ích chúng sanh
Luôn dùng lời hay
Giáo hóa chúng sanh
Luôn dùng lực tốt
Giữ gìn chúng sanh
Hoan hỉ khoái lạc
Luôn ban pháp thí
Không còn ganh ghét
Nhờ có nghiệp này
Tích chứa vô lượng
Sanh làm loài người
Được tướng đại nhơn
Một: chân tròn thẳng
Không có mắt cá.
Hai: Lông xoay tròn
Đều quay bên phải
Nếu là tại gia
Làm Chuyển Luân Vương
Làm vua thiên hạ
Nếu là xuất gia
Được chứng thành Phật
Bậc tôn quí nhất
Trong cõi trời người.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để chúng sanh tướng bắp chân như nai? Về vô lượng kiếp xa xưa khi Như Lai còn là người phàm, thường dạy bảo người về tất cả những sách vở, oai nghi, nghề nghiệp, thuốc men, chú thuật, dạy giữ cấm giới dạy cho họ đều đầy đủ, ta luôn suy nghĩ "làm thế nào để mọi người hiểu hoàn hảo về ý nghĩa mà mau thông đạt, không có tâm mệt mỏi nhàm chán". Nhờ cất chứa nghiệp này rộng lớn cho đến Nhất sanh bổ xứ hưởng khoái lạc ở cõi trời. Sau sanh làm người được tướng đại nhơn có bắp chân giống như nai. Nếu ở tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị bốn thiên hạ, tất cả vật cần dùng để cúng dường hễ nghĩ đến thì có ngay. Nếu xuất gia thì được thành Phật, hễ cần những vật cúng dường trong cõi trời hay cõi người thì cũng đều có ngay.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Các sách đều chỉ dạy
Công xảo và chú thuật
Phương thuốc để trị bệnh
Luôn tự suy nghĩ rằng
Sao để họ chóng thành
Học tập không mệt mỏi
Lần lượt dạy người khác
Do nhờ hành nghiệp này
Chứa nhóm không thể lường
Đến Nhất sanh bổ xứ
Thành tướng tốt đại nhơn
Có bắp chân như nai
Thon đẹp và đầy đặn
Da mỏng lại mềm mại
Lông đứng xoay bên phải
Nhờ tướng đại nhơn này
Ký thành nhơn trung tôn
Tại gia làm Luân vương
Sở cầu mau thành tựu
Nếu xuất gia thành Phật
Tất cả vật cúng dường
Nghĩ ra có đầy đủ.

Lại nữa, này Tỳ Xá Khư! Tu hành như thế nào để có tướng da bóng láng trơn không bị dính bụi trần? Vào thuở xưa khi Phật còn là người phàm. Nếu có Sa môn, Ba la mật, Sát lợi, cư sĩ đến chỗ ta hỏi rằng: "Bạch Đại đức! Những gì là hạnh thiện và những gì là bất thiện? Những gì là nên gần gũi và những gì nên tránh xa? Những hành nghiệp gì được hưởng an lạc và hành nghiệp gì phải thọ khổ não?" Thuở ấy ta phân biệt cho họ rằng:

Pháp này nên làm, pháp này không nên làm.

Pháp này nên hành, pháp này không nên hành.

Pháp này được khoái lạc, pháp này không khoái lạc.

Nhờ tích chứa vô lượng nghiệp này cho đến Nhất Sanh Bổ Xứ mà thọ hưởng khoái lạc ở cõi trời. Sau sanh làm người được tướng đại nhân có làn da bóng mịn, không bị dính bụi nước. Ví như hoa sen tuy ở trong nước mà không bị nước làm ô nhiễm. Thân tướng của Như Lai cũng như vậy. Nhờ tướng này ở tại gia thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, thông minh trí tuệ, còn nếu ở thế gian làm Sa môn, Ba la mật, Sát lợi, cư sĩ thì không ai sánh bằng, còn nếu xuất gia học đạo thì sẽ thành Phật, có trí tuệ rộng lớn, trí tuệ lanh lợi tối thượng hơn hết, dù chư thiên, trời, người, Phạm, ma, Sa môn, Bàlamôn có trí tuệ cũng không thể sánh bằng.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Phật ở vô lượng đời
Làm người phàm tu hành
Nếu có ai đến hỏi
Khuyến khích dạy mau thành
Thường sống đời xuất gia
Khéo phân biệt nghĩa lý
Do nhờ hành nghiệp này
Được sanh lên cõi trời
Có trí tuệ rất lớn
Một khi sanh làm người
Được da bóng mịn màng
Nhờ có tướng tốt này
Thành tựu đại trí tuệ
Nếu làm dòng Sát lợi
Tại gia làm Chuyển Luân
Nếu không ở tại gia
Xuất gia được thành Phật
Đại nhất thiết chủng trí
Trên trời và cõi người
Không ai sánh bằng ngài.

KINH ƯU BÀ DI TỊNH HẠNH PHÁP MÔN

- Quyển thượng - hết -

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]